Việc Phù Cừ cải nam trang không phải là một việc nghịch chơi, mà không có duyên cớ.
Nguyên là hồi bảy năm về trước, năm Canh Tuất (1730) đó, vợ Nguyễn Nghi tử nạn trong cơn chạy loạn giặc Sá – Tốt.
Có lẽ vì chán nản thấy cảnh giết chóc và buồn rầu về việc vợ mất tức tưởi, Nguyễn Nghi không nghĩ đến việc tục huyền nữa. Nguyễn tìm một bà nhũ mẫu để săn sóc Phù Cừ, đưa con gái độc nhất của Nguyễn, cho nó ăn mặc con trai. Việc cho đứa con gái mồ côi mẹ ăn mặc con trai đó cũng là bởi tình thế mà ra. Trong lúc giặc cướp hoành hành, muốn tránh mọi bất trắc dọc đường, Nguyễn nghĩ cho con gái cải nam trang để tiện việc chạy loạn.
Dần rồi cũng quen nếp đi. Trông nó gọn gàng xinh xắn, theo chơi bời học tập chung với bọn môn sinh, cử chỉ y như con trai, Nguyễn cũng không nghĩ đến việc thay đổi cho con gái nữa.
Nguyễn Nghi dừng bước lại đây, đã gần bảy năm rồi.
Năm nay Phù Cừ đã hơn mười sáu tuổi.
Thỉnh thoảng cũng nhận được tin ở Gia Định, quê ngoại Phù Cừ. Ở đó, Phù Cừ hãy còn bà dì và vài chị em bạn dì. Thấy con gái đã lớn, cần tập tành nữ công nữ hạnh, để rồi còn xuất giá, thì việc đem Phù Cừ về quê ngoại cho dì dạy dỗ, là việc Nguyễn nghĩ đến lâu nay. Ý định đó, Nguyễn đã từng đem bàn với Phù Cừ và nhũ mẫu nhiều lần. Chỉ còn chờ dịp.
Nhưng vì Nguyễn, lâu nay, lư lại trấn Hà Tiên, quyến luyến vì phong cảnh thanh u cũng có, quyến luyến vì lòng tri ngộ của Mạc hầu cũng có, nhất là quyến luyến vì bao nhiêu bạn bè đồng điệu, văn mặc giao tình. Cùng với bao nhiêu cuộc hào du thắng thưởng, xướng họa tàn tịch, đã cầm chun người nghệ sĩ già, không cho dứt áo ra đi.
Lần lữa cho đến tiết đoan dương, năm Đinh Tỵ đó.
Từ sau cuộc hội thơ đêm Nguyên Tiêu ở Chiêu Anh các, Tông Đức hầu càng thấy lòng thêm yêu thích văn chương.
Vả việc quân binh trong trấn, Hầu đã yên lòng. Đã có các tướng tá tài năng và phu nhân quản lĩnh.
Hầu yên tâm nhất là bên Hầu, đã có vị chính thất Nguyễn phu nhân.
Phu nhân là một tay cân quắc anh hùng. Lâm thời có thể thay Hầu chỉ huy mọi việc quân binh lương xướng.
Các thi sĩ văn nhân gần xa các nơi, đối với Chiêu Anh các, ngày càng thêm nô nức. Mỗi khi du lãm ngâm đề, phú thi xướng họa chất cao hàng đống. Cùng với thơ văn của Hầu, phần mới thoát cảo, phần còn thôi xao, phần chưa tinh tả cứ càng nhày càng bừa bộn. Tráp này tráp khác đầy dẫy cả lên.
Mấy lâu nay, Hầu định đem các thi văn đó san khắc ấn hành để vấn thế. Vậy thì, cần phải có việc sắp xếp lại các thi cảo, phần nào nên tước bớt đi, phần nào nên phải giữ lại, để tuyển lấy những bài toàn bích.
Đêm hôm rồi, Mạc hầu thao thức mãi. Trí Hầu loay hoay nghĩ về tập thơ đầu của Chiêu Anh các sẽ đem khắc bản.
“Phải phân định thượng hạ, sắp xếp trước sau như thế nào. Rồi phải nghĩ đặt cho tập thơ một cái tên. Hà Tiên tùy bút chăng. Hà Tiên nhân vịnh chăng. Hà Tiên danh thắng bút mặc lưu ngân chăng. Đến những tám tiếng. Hay thì hay, nhưng mà dìa dòng lắm. Cái nhan này văn hoa mà có nhiều ý nghĩa, nhưng lại không được gọn. Hầu chợt nhớ ra, có tập thơ mới đọc hôm nào Tây hồ thập vịnh. Giản dị thế, Hàng Châu bên đó, đã có mười cảnh thì ở đây, ta cũng có Hà Tiên thập vịnh kém chi, mà lại được rõ ràng.
Lại còn bài tự nữa. Ít ra cũng phải có bài tự thế nào cho hay. Bài của Dữ Kiêm Ngũ lão nhân gọt dũa lắm. Bài của Trần Hoài Thủy tiên sinh cũng hay. Nhưng cà hai đều chưa đủ rõ. Cả hai đều không đá động đến sự nghiệp của tiên quân, là một điều sơ sót lớn. Chính mình phải làm bài tự – tự cho tập thơ này mới được. Hai bài kia chỉ nên để làm bài bạt mà thôi.”
Nghĩ đến đây thì Mạc hầu đã quyết.
Trống ở vọng lâu đã điểm canh tư.
Hầu truyền thị vệ đốt hai chiếc đèn lồng cho Hầu qua Thụ Đức hiên.
Hầu giở các tráp, đem các giấy tờ ra duyệt. Một tráp rồi hai ba tráp. Các giấy má đã bỏ bừa bãi khắp trên mặt thư án, khắp trên sạp quanh chỗ Hầu ngồi. Hầu cau mày tỏ ý bực bội.
Hai ngọn bạch lạp, cắm ở hai đầu con sư tử bằng ngọc thạch, đã lục gần hết. Thị vệ đã thay hai ngọn khác.
Tự nhiên, Hầu đưa tay vơ các giấy tờ xô dồn vào một góc thư án, rồi kéo chiếc gối xếp bằng gấm, tì tay tựa lưng vào gối.
Hầu nhớ lại đêm hội thơ Nguyên Tiêu ở Chiêu Anh các.
Liên tưởng đưa trí Hầu nhớ đến chàng thiếu niên làm thơ và ngâm thơ đêm đó. Thơ của gã học trò ấy nghe cũng được. Đến giọng ngâm của gã thì tuyệt diệu. Con trai mà giọng thanh như giọng con gái không bằng.
Ngồi nhớ lại, giọng ngâm xưa như còn vang vang êm ái trong ký ức của Hầu. Lại còn dáng điệu của gã nữa.
Đã nhiều lần, Hầu nhớ đến hình bóng người học trò b1 nhỏ có một diện mạo mỹ miều. Trong nét thông minh của gã, có cái gì ngây thơ dễ yêu. Dáng dấp của gã, hình như, dễ khiến cho lòng trìu mến.
Không hiểu sao, trí Hầu vơ vẩn hình dung đến những người con gái hay chữ đời xưa. Họ phải đẹp hơn nhiều lắm.
Nhưng mà so sánh làm chi. Chàng thiếu niên thư sinh này là con trai mà. Sao lại đem so sánh với những Tào Đại cô, Tô Tiểu muội làm chi. Có lẽ nào gã lại là hiện thân của những trang khuê các văn chương đó.
Ông tướng quân hay chữ kia, dầu chưa bao giờ tỏ ra là khách đa tình, nhưng cũng không vượt ra ngoài tình chủng. Những lúc vắng vẻ, lòng sao khỏi vơ vẩn ước mơ những hình bóng giai nhân, đúng hơn là những bóng giai nhân hay chữ, điều mà lâu nay vì mê mải việc binh nhung rồi quên lảng.
Trời tháng năm mau sáng lắm. Chưa hết giờ dần mà ánh trời đã rạng rạng sau hàng dương liễu, dọc tường thành.
Bóng trời sáng đưa Hầu trở về thực tế. Hầu mỉm cười một mình, cười mình đã mơ màng vơ vẩn những đâu đâu.
Hầu đứng lên, ra bao lan nhìn: Trời đã sáng rõ. Hơi gió mát bình minh khiến cho Hầu thoải mái dễ chịu. Dáng điệu quả quyết, Hầu trở vô, rút chiếc thẻ, gọi người thị vệ, trao cho, truyền ra triệu Nguyễn Nghi vào ngay Thụ Đức hiên, Hầu đợi.
Phù Cừ, sau khi nghe cha kể lại cho nghe chuyện buổi hầu ban sáng, ở Thụ Đức hiên, nàng có cảm giác như đời mình sẽ có gì thay đổi. Lòng nàng thấy băn khoăn mà không nhận rõ được là băn khoăn về điều gì.
Có một điều nàng thấy rõ được là lòng nàng không thấy lo âu sợ hãi như cha nàng. Vì nàng cảm thấy nàng không có tội vạ gì hết. Thấy cha lo lắng thì nàng cũng lo lắng vậy thôi. Lạ một điều là sao nàng thấy lòng mình vui rộn hơn là lo sợ.
Hẳn là mình không thể nào cứ giữ mãi nam trang thế này vào hầu nghiên bút cho Mạc hầu rồi. Còn nếu như Mạc hầu biết mình là gái thì Hầu sẽ nghĩ thế nào về mình đây.
Chẳng phải đến bây giờ, nàng mới nhớ lại việc xảy ra đêm hội thơ ở Chiêu Anh các. Mà đã từ lâu nay, nàng không có lúc nào quên đêm hào hứng nọ. Phải chăng, nàng vui sướng vì được Mạc hầu ban thưởng vàng ngọc, và được mọi người khen phục văn chương. Điều đó cũng có. Nhưng mà nàng thấy lòng còn có gì vui sướng khác hơn điều đó nữa. Lâu nay, nàng có một cảm giác mơ màng không rõ rệt. Thì hôm nay, nàng bỗng thấy có một cảm giác rõ ràng, khi nàng chợt nhớ tới tia mắt của vị thi sĩ anh tuấn đêm đó đã chăm chú nhìn nàng, cách năm tháng nay.
Nàng còn nhớ rõ lắm, khi mắt nàng bắt gặp tia mắt Mạc hầu chăm chú nhìn nàng, nàng đã thẹn lên; mặc dầu nàng cố hết sức giữ bình tĩnh mà tay chơn cứ thấy lúng túng. Lòng nàng đã dao động thực nhiều.
Tia mắt dịu hiền trìu mến đó sao mà khiến cho lòng nàng ngất ngây e ấp. Nàng cũng không phân tích, không suy xét chi hơn. Nàng chỉ thấy là có chút gì khác lạ trong lòng, mỗi khi nhớ đến.
Nàng không tin là Mạc hầu sẽ bắt tội cha con nàng, sau khi biết nàng là gái, nhưng mà nàng cũng không biết là rồi sẽ ra sao.
Ra sao thì ra, làm thế nào cho cha nàng khỏi lo nghĩ là được rồi.
Bỏ đây mà về quê ngoại, để tìm lại một vài nét thân yêu của mẹ nàng qua người dì ruột thịt, nàng cũng ước muốn lắm. Được làm chị em chơi bời với con nhà dì để tập tành công dung ngôn hạnh, như bao nhiêu người con gái khác, nàng cũng thích, và có lẽ cũng sẽ được những người bà con bên họ ngoại chiều chuộng lắm.
Duy mà sao nàng chưa tưởng tương được nét mặt của dì, và của chị em ọ đó thế nào. Có ai sẽ nhìn mình bằng tia mắt hiền lành trìu mến không.
Còn cảnh nhà bên quê ngoại nữa. Nàng chỉ còn nhớ lờ mờ thôi. Hình như là xa lạ và buồn buồn, không vui vẻ như ở đây thì phải.
Nghĩ đến đó, lòng nàng đâm lo ngại, một khi cha nàng sẽ từ giã Mạc hầu, đưa nàng về tìm lại bên ngoài mà chẳng còn ai. Hoặc dì nàng đã không còn mạnh giỏi, hoặc nhà cửa đã đổi dời, hoặc không gặp ai thân thích. Chừng đó, có lẽ sẽ thêm nhiều lo nghĩ, về nàng, cho cha già hơn nữa.
Tuy nhớ lời cha dặn, là không về ăn cơm chiều nay, nhưng mà, khi thấy bóng hàng dừa ngả dài ra mé nước Đông Hồ, nàng cũng thấy sốt ruột, như mong đợi một tin gì chậm đến.
Thấy buồn buồn, nàng thơ thẩn ra trước cổng, ngóng chừng, chưa thấy cha trở về. Nàng thơ thẩn trở vào, ghé lại Tập Xuân hiên; tự nhiên, nàng đưa tay ngắt một bông hoa lan. Cầm bông hoa lan, vê vê trước mũi ngửi: một mùi thơm nhẹ thoảng, khiến cho nàng thấy dễ chịu.
Có ai lại dám ngắt hoa, điều mà cha nàng nghiêm cấm. Cha nàng biết được thì mắng chết. Nhưng mà chiều nay, cử chỉ cô tình đó không làm cho nàng có chút gì lo sợ. Mãi cho đến khi nàng bước vào nhà, con Tố Liên thấy tay nàng còn vê vê bông hoa lan, nó kêu ầm lên. Nàng mới chợt nhớ ra.
Nàng không nhớ là nàng có ngắt hoa hồi nào nữa.
Nguyễn Nghi được hai bạn đồng bối báo cho cái tin không đến nỗi là sấm sét như ông đã nghĩ. Tin đó đã làm cho ông ngạc nhiên không ít, sau khi nghe Đăng Minh Bổn và Trần Minh Hạ do Nguyễn Nghi nhờ trình việc Phù Cừ. Mạc hầu chẳng những không bắt tội mà còn ngỏ ý muốn nạp Phù Cừ làm vị thứ cơ, trong phủ.
Tất cả điều lo nghĩ cho Nguyễn Nghi lâu nay, là đứa con gái không mẹ, đã đến tuổi tính việc thất gia. Việc ông tính trở về Gia Định, giao con gái cho bên ngoài cũng chỉ vì việc tương lai chung thân cho Phù Cừ mà thôi.
Ông đã nhất định vâng lời Mạc hầu ở lại. Mà không nhất định cũng không được. Ý Mạc hầu đã quyết và các bạn bè cũng đều tán thành việc hôn nhơn này.
Phù Cừ thì không ngạc nhiên, khi nàng biết là mình sẽ được tiến nạp vào Mạc phủ. Việc này, nàng cho như đã có một tiền định an bài. Và thân nàng đã quyết đem néo gởi dưới sự che chở của cánh tay anh hùng phong nhã.