Ngoài thành, suốt đêm, dân gian náo nức vui hội Hoa đăng; thì trong thành, các văn nhân học sĩ mở hội tao đàn trên Chiêu Anh Các.
Mạc hầu từng nhiều lần nói ra dụng ý của Hầu về đêm Hội thơ này.
Nguyên hồi đầu mùa thu năm ngoái, sau việc Chiêu Anh các thành lập được nửa năm, thì vị thủ xướng là Trần Hoài Thủy quay về Châu Giang (Quảng Châu) có mang theo về những thơ xướng họa ở Hà Tiên.
Từ đó, các thi hữu Trung Quốc hưởng ứng hoan nghinh, đua nhau thù họa. Thi phẩm gởi sang còn chứa hàng tráp.
Dịp Nguyên Tiêu này, Mạc hầu muốn đem công bố giữa thi xã tao đàn để thêm phấn khởi cho đêm hứng hội. Nhân thể, điểm duyệt phẩm bình để phân bá trọng.
Mọi người đều nghĩ như vậy.Nghĩ như vậy cũng chỉ mới đúng một phần thôi. Thực thì, Mạc hầu riêng đã có có một chủ ý khác hơn.
Nguyên là từ khi chọn được mười thắng cảnh trong trấn lỵ, để làm đầu bài đề vịnh, Mạc hầu nhận thấy thơ của mình, cũng như thơ của gần hết các thi gia, đầu không lảm được cho Hầu xứng ý.
Không phải là bao nhiêu Hán thi đó không đủ tuyệt diệu cao kỳ để cho Hầu thưởng thức. Tác giả các thơ Han đó đều là những tay thi gia lão luyện. Những thơ làm nên lời lẽ thanh toát, ý tứ thâm trầm, ngâm đọc lên, như đúc giọng thơ Đường thơ Tống.
Nhưng mà lạ lùng thay, Hầu ngâm nga bao nhiêu thơ đó, cả đến thơ của mình nữa, không thấy lòng rung cảm bằng câu ca dao nào mà Hầu thường quen miệng hát chơi:
U Ơ hai tiếng Di Tề,
Từ sang Nam Hải, biếng về Trung Nguyên.
Âm vận thơ nôm đã cảm nhiễm tâm hồn, cũng như cảnh sắc non sông, khí vị đất nước, đã khiến cho lòng Hầu say đắm thương yêu.
Thương yêu, bởi cảnh thiên nhiên sẵn đạp một phần; còn một phần, thương yêu vì cảnh trí nọ là tự tay mình gây dựng điểm tô nên. Hầu đã ca ngợi nó với tấm lòng âu yếm thương yêu, cũng như Hầu đã thương yêu ấm yếm thơ Nôm, bằng mối tình mới nhuốm. Tình cảm mới gây, hồn thơ mới dậy bầng bầng.
Hầu đã thảo xong, bằng thơ Nôm, một ngâm khúc mười bài ca tụng mười cảnh đẹp của Hà Tiên văn hiến.
Hình như, Hầu còn giấu, chưa muốn cho các thi hữu trong thi đàn hay biết vội.
Hình như, Hầu có đưa tập thơ mới thảo cho Nguyễn Nghi xem và hình như Nguyễn cũng có nhuận sắc ít nhiều.
Mở hội hào ngâm đêm nguyên tiêu, Hầu làm long trọng, chủ ý muốn khoe tập thơ Nôm của mình, và cũng để dành cho thi xã một ngạc nhiên thú vị.
Chiêu Anh các, đêm nay, do bao nhiêu tay khéo của bọn nho sinh sửa dọn trang trí. Họ kết thêm phướn, chưng thêm hoa, treo thêm đèn.
Họ đã làm cho cảnh Văn Miếu bớt trang nghiêm, để biến thành nơi tao đàn thân mật thanh nhã.
Vui và lạ mắt hơn hết là ở bốn góc đàn, chỗ dưới bốn vành tròn, kết bốn chữ Kim Thanh Ngọc Chấn bằng hoa bạch mai, có treo bốn quả đèn dưa to bằng cái đấu. Gân xanh nổi trên da dưa cẩm thạch như nền gấm ồi văn.
Chiếc đèn thứ nhất, chạm khắc cảnh Lư khê ngư bạc. Một ngư ông ngồi trên chiếc thuyền câu, một tay cầm lơ đãng chiếc cần trúc, một tay chống cuống sạp thuyền, ngửa mặt lên trời, như đang cười thỏa thích. Chỗ lạc khoản, khắc câu chữ, lối triện thư:
Phiêu linh tự tiếu uông dương ngoại,
Dục phụ ngư long khước vị năng.
Chiếc đèn thứ hai, chạm khắc cảnh Kim Dự lan đào. Một hòn đảo thôi ngôi, như hình thể cây trụ đá giữa dòng, từ xa xa, xô vào tầng tầng lớp lớp ba đào, đến chỗ chưn hòn đảo, thì đám sóng biển bị ngăn lại, chồm lên, bọt nước tóe tan ra như bờm ngựa bạch. Chỗ lạc khoản khắc câu chữ, lối lệ thư:
Hồng đào phách ngạc cao năng tiệt,
Bạch mã hoành ba thế bất tiền.
Chiếc đèn thứ ba, chạm khắc cảnh Đông Hồ ẩn nguyệt. Một vòm trời bát ngát, trơ vơ có một vầng trăng tròn vành vạnh, in bóng chơi vơi thêm một vành tròn thứ hai xuống mặt nước mông mênh. Chỗ lạc khoản, khắc câu chữ Nôm, lối chân thư:
Đáy nước chân mây in một sắc,
Ả hằng nàng tố lố đối phương.
Chiếc đèn thứ tư, chạm khắc cảnh Châu Nham lạc lộ. Một dãy núi bích lập, lô nhô nhiều ngọn, hình thể hiểm hóc, một đàn có trắng bay lượn quanh các chỏm đá, con còn bay la, con đã đậu hẳn, còn còn xòe cánh, con đã dừng rỉa lông. Chỗ lạc khoản, khắc bốn câu chữ Nôm, lối thảo thư:
Ngày giữa ba xuân ngân phấn vẫy,
Đêm trường chín hạ tuyết sương còn.
Quen cây chim thể người quen chúa
Dễ đổi ngàn cân một tấc son.
Mọi người đều để ý đến bốn chiếc đèn dưa lạ mắt. Lại càng để ý hơn, vì bốn bức chạm khắc cực kỳ tinh xảo.
Người ngạc nhiên hơn hết là Mạc hầu. Hầu rất lấy làm lạ vì mấy câu thơ Nôm. Hầu chưa từng công bố ra, mà sao đã có ai người biết rồi, đón được ý Hầu mà chạm khắc vào bốn chiếc đèn dưa nọ.
Hầu đang đứng trầm ngâm suy nghĩ, toan hỏi, thì nghe có tiếng nói chuyện sau lưng. Hầu quay lại, thì vừa lúc Đặng Minh Bổn vỗ vào vai Nguyễn Nghi nói:
– Đệ không ngờ mà cháu nó khéo tay đến như vậy. Tôn huynh đã truyền hoa tay cho cháu từ bao giờ. Câu thơ Kim Dự của đệ, làm sao mà nó biết mà đem chạm khắc vào quả đèn dưa.
Hầu chưa kịp hỏi thêm thì, các nho sĩ đã thỉnh Hầu đăng đàn khai hội.
Cứ theo thường lệ, khi họp Hội thơ, mỗi thi gia đều làm tức tịch một bài thơ mới.
Đêm nay, Mạc hầu định, trong lúc đợi xong bài thơ tức tịch, theo đầu bài phải có, mỗi thi gia đều phải tự mình ngâm mười bài Hà Tiên thập vịnh có sẵn, của mình đã họa.
Ngoài ra, còn phải luân phiên ngâm những bài thơ họa do các bạn thơ ở Trung Quốc mới gởi sang.
Muốn cho cảnh tao đàn vui rộn, Hầu ban thêm một đặc cách cho tất cả các nho sinh, đến hầu các vị sư phó, đều được dự vào cuộc hào ngâm.
Nhân thể, để các nho sinh có dịp thi tài làm thơ cũng như đã thi viết câu đối, thi làm đèn hoa.
Cử tọa an vị. Các nho sinh mang tráp văn phòng tứ bảo bày lên án. Mùi mực xạ mới mài ở các nghiên xông lên, lẫn với khói hương trầm đốt ở bốn chiếc đỉnh to, đặt ở bốn góc tao đàn, trong ánh đèn hoa linh lung nhấp nhánh như sao sa.
Mọi người ngóng đợi Mạc hầu cho yết đầu bài. Một bức giấy hồng vân tiên đã treo lên, có tám chữ to, mực còn chưa ráo: “Nguyên dạ qua đăng Chiên Anh thắng hội“. Dưới có chua thêm hàng chữ nhỏ: “Dĩ đăng vi vận“.
Các nho sĩ xì xào:
– Hầu đã viết lầm chăng.Sao không là hoa đăng mà lại là qua đăng.
– Hay là chữ hoa, Hầu thảo, mà trông ra hình chữ qua đó chăng?
– Không có lẽ nào, vì Hầu viết chữ chân phương kia mà. Rõ ràng chữ qua là dưa đó. Lầm lẫn làm sao được. Đúng là chữ qua rồi, nhưng nếu là qua đăng thì nghĩa làm sao. Chữ, xưa nay, chưa từng thấy ở sách vở kinh truyện nào!
Một vị nho sĩ già không nén được bực tức, đứng lên thưa lại Hầu xem, có đúng đó là chữ qua đăng hay chăng.
Hầu tủm tỉm cười, đưa tay chỉ cho mọi người nhìn bốn chiếc đèn dưa, treo ở bốn góc tao đàn.
Bấy giờ, mọi người mới vỡ nghĩa đầu bài của Hầu Nguyên dạ qua đăng, Chiêu Anh thắng hội là vịnh chiếc đèn dưa đêm Nguyên Tiêu, trong cuộc thắng hội ở các Chiêu Anh.
Đầu bài này thiệt là một đầu bài mới, không ai có thể dự bị nghĩ trước được.
Vì mấy chữ đầu bài đó, đột ngột quá mà làm cho cả thi hội xôn xao. Các thi gia gần như bối rối, đối với đầu bài không từng thấy ở điển cố nào.
Nhưng như đón được ý mọi người, Mạc hầu giải thích rằng:
– Ta thấy bốn quả đèn dưa tinh xảo, do ai có sáng kiến làm nên. Chẳng những nó tỏ được tay khéo đẹp của người chế tác mà còn chứng tỏ được vẻ phì nhiêu của đất nước, sự phồn thịnh của mùa màng. Ta lấy làm đắc ý lắm. Nhân đó, lấy làm đầu bài cho đêm Nguyên Tiêu này. Hoa đăng, từng đã nghe thấy thường rồi. Nay qua đăng nghĩa chữ tân kỳ hơn. Mong rằng chư công đừng nệ cổ, hãy thưởng thức đi, tất rồi sẽ nảy ra được nhiều thi tứ mới.
Sau lời giải thích của vị nguyên soái tao đàn, các nho sĩ vui vẻ cấu tứ. Mọi người đều đổ mắt ngảnh lên bốn chiếc đèn dưa.
Có người dời chỗ ngồi, đi đến gần nơi đèn treo, đưa tay lên đụng vào chiếc đèn, lăn lăn quả dưa mấy vòng, rồi buông ra, quả đèn dưa quay tròn như chiếc đèn cù. Ánh sáng ngọn nến, cắm trong lồng dưa, bị gió xao động làm cho nhìn thấy những hoa lá sơn thủy chạm khắc trên mình dưa, có những nét linh lung hoạt động.
Muốn trợ hứng cho các thi nhân, Mạc hầu truyền cho mở mấy vò quỳnh tương mĩ tửu, sai các nho sinh đem hiến khắp cả một lượt, mỗi vị một chén.
Bỗng, bước ra một vị, áo cà sa vàng, đầu trọc, mặt vuông, mắt sáng, ngẩng cổ ngước lên, cầm chén rượu đổ tuốt cả vào miệng. Rồi thì một tay cầm chén không tung lên, một tay hứng lấy. Vừa tung vừa hứng, vừa bước đi, vừa ca:
Tửu tửu tửu,
Thùy năng thiên bôi chước?
Thi thi thi,
Thùy khả nhất hào huy?
Tửu tửu tửu,
Thùy thị thi trung bá?
Thi thi thi,
Thùy thị tửu trung si?
Hi, Hi!
Ức tích nhược quán thì:
Học thao lược,
Lãn phú thi.
Thỉ chí bổ thiên nhật,
Tồn tâm điện đế ky,
Phù hải đầu Nam độ,
Đề sương khứ Bắc chi.
Quân thân tồn nhất niệm,
Sự nghiệp thác tam qui,
Y! Y!
Túy hậu thủy tài thi.
Tiếng ca vừa dứt, thì hòa thượng cất tiếng cười vang, khiến cho cả tao đàn vui vẻ xô bồ, mất hẳn vẻ trầm lặng, vì đầu bài mới lạ đang làm cho mọi người suy nghĩ.
Mạc hầu truyền ban cho Bạch Vân hòa thượng – chính vị sư vừa múa vừa ca đó tên là Huỳnh Long chơn nhơn, pháp danh là Bạch Vân Hòa thượng – một chóe rượu nguyên.
Khi người hầu rượu dâng chén, thì, hòa thượng hất đi. Hòa thượng bê cả chóe, ngước mặt, rót rượu vào miệng mà không cần chuyển ra chén. Hòa thượng ca hát nghêu ngao thêm mấy bài nữa rồi ôm chén rượu ra ngồi dựa vào góc cột ngoài đàn, nghiêng vò độc ẩm.
Thơ sẵn có đã được lần lượt ngâm rồi. Thơ mới thảo xong, thì tác giả chép ra giấy, yết lên bảng, rồi thì cũng lần lượt, tự tác giả ngâm lên, cho cử tọa phẩm bình.
Vì đầu bài hôm nay mới lạ quá; cho nên, tuy ai cũng làm được mà ai cũng chưa lấy làm bằng lòng tác phẩm của mình.
Bỗng ở bậc dưới đàn, bước lên một chàng thiếu niên thư sinh, đi thẳng đến giữa cử tọa, chấp tay thi lễ, xin phép để thơ.
Mạc hầu truyền ban cho giấy bút. Thư sinh nhận lấy, ngồi ghé vào một góc thư án, thong thả viết.
Trong chốc lát, bài thơ yết lên bảng, mọi người chú mục nhìn lên, thì là một bài thơ Nôm Đường luật. Có một ít vị Hán sĩ đi lảng ra không nhìn, tỏ ý không thích. Có một ít vị lẩm nhẩm đọc những chữ Hán giả tá thành vận điệu Nam âm.
Đêm người tan ra, tránh lối cho Mạc hầu, từ trong đàn bước tới. Bước nhẩm đọc bài thơ, ngẫm nghĩ một hồi lâu, gật đầu vui vẻ, truyền cho mọi người an vị trở lại các cẩm đôn.
Hầu truyền cho chàng thư sinh, tác giả, hãy ngâm bài thơ Nôm mới làm cho cử tọa thưởng thức.
Thiếu niên bước ra, đứng ở cuối ngoài đàn, đối diện với Mạc hầu, ngồi ở đầu trong đàn. Thiếu niên cúi mình cung kính vái dài cử tọa, rồi ngẩng đầu lên nhìn bảng, lại ngảnh nhìn quả đèn dưa, treo nhếch chỗ chàng đứng, cất giọng thong thả ngâm:
Đêm xuân hội mở tuần trăng mới,
Đốt quả đèn dưa sánh quả trăng.
Áo gấm thanh vân phô diện bích,
Lòng son đan quế đãi cung Hằng.
Đây Chiêu Anh các ngời châu ngọc,
Kia Quảng Hàn cung rạng tuyết băng.
Non nước thần tiên mừng có chủ,
Có nhàn mừng tỏ mặt hoa đăng.
Tiếng ngâm trong thanh, vút cao, khác hẳn bao nhiêu giọng ngâm trầm hùng từ khi mở hội.
Mọi người nín lặng, mọi người ngồi nghe cảm giác như có một hơi gió mát lạnh lướt qua. Cơn gió thanh âm đó đã làm cho người thưởng thức kính rợn, sung sướng khoan khoái.
Dầu chưa đồng ý với lối thơ Nôm, dầu chưa kịp nhận được rõ ràng ý tứ của bài thơ, mà ai nấy cũng đều bằng lòng thưởng thức, thưởng thức một khí vị mới, đem tươi trẻ lại cho tao đàn.
Người thưởng thức hơn hết là Mạc hầu. Nghe chàng thư sinh ngâm, nét mặt Hầu hiện ra một vẻ hân hoan khác thường. Hầu như vừa nghĩ ra được một điều gì đắc ý mà từ đầu hôm, Hầu cứ thấy băn khoăn không giải quyết được, tuy điều đó cũng không lấy làm khó khăn gì cho lắm.
Là mười khúc thơ Nôm Hà Tiên thập vịnh của Hầu. Đêm nay, Hầu định đem công bố ra giữa thi đàn. Hầu băn khoăn mãu về chỗ ai là người sẽ ngâm đây. Hầu nghĩ, mình phải tự ngâm lấy thơ mình, hay là nhờ ai ngâm hộ. Một điều giản dị thế mà Hầu không giải quyết được. Không biết sao mà Hầu cứ thấy lòng thắc mắc mãi về điều đó. Nhân thấy có thư sinh tốt giọng, ngâm thơ Nôm rất hay, tức thì, Hầu chẳng bỏ qua.
ầu truyền cho thư sinh lên gần thư án, chỗ Hầu ngồi, ban khen mấy lời về bài thơ Nôm mới làm.
Hầu bảo: Thơ làm cắn đầu bài, và đúng vận. Câu phá đề nói liền được nghĩa hai tiếng nguyên dạ. Câu thừa đề nói ngay nghĩa hai tiếng qua đăng. Lại khéo so sánh quả đèn dưa với quả trăng tròn thì thú quá. Hai câu thực, vừa tả đèn dưa vừa tả trăng, ý triền miên không rời bốn tiếng nguyên dạ qua đăng mà lời thơ rất lịch sự thanh nhã. Hai câu luận, đem cảnh hội thơ Chiêu Anh các so sánh với Quảng Hàn cung là ý trong bốn tiếng sau của đầu bài. Chiêu Anh thắng hội, Châu ngọc ngời ở hội Thơ, tuyết băng rạng nơi cung Nguyệt, rõ là cảnh thắng hội lương tiêu. Câu chuyển vừa tán – mĩ cảnh non nước thần tiên, vừa tán tụng công người đề tạo. Câu kết nói cách khiêm tốn rằng phận dưa hèn cỏ nội, dã thảo nhàn hoa may cũng được dự vào thịnh diên hứng hội, có dịp sáng tỏ mặt đèn hoa. Bốn tiếng tỏ mặt hoa đăng lại có ý kín là được dịp, để kể gần để tranh sáng với các loại hoa đăng phong lưu đài các.
Hai câu kết, ý vừa tự khiêm lại vừa tự hào mà lời thơ thì vừa kín đáo, lại vừa khôn khéo.
Tuy đầu bài là qua đăng, nhưng cuối bài không bỏ mất chữ hoa đăng là chữ cố hữu, để giữ ý trung hậu hồi cố, vừa điểm đúng được vận đăng thì vừa dứt bài thơ.
Hình như, Hầu thoáng có ý nghĩ gì về câu cuối cùng này. Hầu ngập ngừng một chút rồi bỏ qua.
Mạc Hầu, vừa nói xong, thì đưa ra một tập mà Hầu đã cầm sẵn trên tay, giao cho thư sinh.
Thư sinh, tay dở tập thơ, đợi Mạc hầu nói mấy lời cho cử tọa biết đó là tập thơ Nôm của Hầu, theo vận mười bài Hán thi Hà Tiên thập vịnh, đặt thành thể ngâm khúc và Đường luật liên hành. Đêm nay, nhân thấy có chàng thiếu niên tốt giọng Nôm, nên Hầu truyền ngâm cho cả tao đàn điểm duyệt phẩm bình, để cầu toàn bích.
Thư sinh tiến ra giữa đàn, mở tập thơ, cất giọng trang trọng ngâm.
Mọi người đều lấy làm lạ, là chàng thiếu niên, có nhiều lúc, không nhìn vào tập thơ mà vẫn ngâm đọc thông suốt. Hình như là đã thuộc lòng sẵn rồi.
Mạc hầu càng lấy làm lạ hơn, vì tập thơ này, từ ngày thành cảo, Hầu chưa từng đưa cho ai thấy cả, thì làm sao mà thư sinh này đã thuộc lòng được thơ của Hầu.
Nỗi ngạc nhiên đó khiến cho Hầu quên cả thưởng thức thơ mình đang ngâm lanh lảnh, giữa lúc cả thi đàn lẳng lặng, mọi người mê mẩn ngồi nghe.
Hầu đăm đăm nhìn chàng thư sinh. Bấy giờ, Hầu mới nhìn kỹ. Đúng là diện mạo một thiếu niên thư sinh bạch diện. Thiếu niên độ mười lăm mười sáu tuổi. Mặt trắng mịn như ngọc, môi đỏ hồng, khi đang ngâm đọc, miệng chàng khép mở xinh xinh. Chàng cúi nhìn trang chữ, đôi hàng mi dài vẽ thanh thanh, trên đôi mắt đen nhánh.
Hầu nhớ lại bài thơ của thư sinh vừa vịnh quả đèn dưa, Hầu vừa chợt có một ý nghĩ mà Hầu cho là rất đúng, thì thư sinh cũng vừa ngâm hết tập thơ.
Chàng xếp tập thơ lại, bước thêm vài bước, cất một giọng ấm gài dặn, học theo lối giảng sách của nho sĩ, chàng ngâm ngang một câu:
Bằng thành khải kích anh hùng lược,
Văn hiến huyền ca sĩ giả phong.
Cử tọa đang yên lặng, bỗng phá lên cười. Chẳng là thư sinh để ý, trong lúc chàng ngâm thơ Nôm, các vị Hán sĩ Đường nho không đậm lắm. Nhưng vì, bể Mạc hầu mà không dám tỏ ý gì lạ, chỉ ngồi lặng mà không vui. Cho nên, chàng đọc một câu đối chữ Hán, cho cả cử tọa đều được bằng lòng.
Bấy giờ bao nhiêu ngạc nhiên của Mạc hầu đã trở thành thán phục: “Thì ra, đôi câu đối nọ cũng như bốn quả đèn dưa kia, đều là do cùng một tay thư sinh này làm nên cả đây mà. Con nhà ai đâu trẻ tuổi mà tài hoa rất mực.”
Hầu nhớ đến chuyện câu đối. Hôm mười bốn, Hầu ra dự lễ tế Thánh. Từ nhà Thi Lễ đường, do cửa Quan Đức môn vào Đại Thành điện, Hầu thấy ở cửa, có dán đôi câu đối. Thấy đẹp đẹp, Hầu đứng lại nhìn. Nét chữ sắc bén, dịu như lá lan. Hầu có đọc qua, thấy ý là lạ. Câu đối vừa tả được cảnh tượng an lạc thăng bình của trăm họ, vừa tán thưởng võ công văn nghiệp của họ Mạc.
Hầu định sẽ tìm hỏi xem câu đối do tay ai viết nên. Rồi gặp hai hôm, những tế lễ hội hè liên tiếp, khiến cho Hầu quên bẵng đi.
Bây giờ, nghe thư sinh nọ đọc lên, không cần phải tìm hỏi nữa, mà Hầu cũng nhận biết rõ hết. Nguyên đó là một trong những câu đối mà Hầu truyền cho các nho sinh viết thi, hồi trong năm.
Bao nhiêu câu đối tuyển đươc, đem dán hết cả lên chung quanh cung tường Thánh Miếu. Vì các câu đối đó đều không lạc khoản, cho nên không biết do ai viết. Vả lại, điều đó có cần chi, đối với bọn nho sinh vô danh. Câu đối họ viết kể như là một thứ trang hoàng co cảnh hội lễ mà thôi.
Khi tiếng nói cười của mọi người lặng hết, thì vừa lúc ấy, thư sinh cầm tập thơ lên trả lại Mạc hầu.
Hai bàn tay dịu dàng cầm tập hoa tiên, có một nét xinh xinh. Hầu đưa tay đón lấy tập thơ mà mắt mải chăm chú nhìn. Ngón tay trắng đỏ, thon thon búp măng mũi viết, khiến cho mắt Hầu nhìn kỹ hơn cái tránh sáng nhuận và mái tóc xanh óng đang cúi sát trước mặt Hầu.
Thư sinh buông tập giấy, ngước lên, thì vừa gặp tia mắt sáng của Mạc hầu đang nhìn thẳng vào mắt mình, không chớp. Chàng thư sinh bỗng thấy lúng túng, gò má đỏ bừng, lật đật lui ra ba bước, toan quay mình trở xuống thì nghe Mạc hầu truyền đứng lại, cho Hầu ban hỏi.
– Thư sinh con nhà ai, thụ nghiệp đâu, còn nhỏ tuổi mà sỡ học đã sớm chín chắn thế?
Chàng thư sinh chưa kịp thưa, thì một vị nho sĩ già vội vàng bước ra, đến bên thư sinh, nghiêm giọng bảo:
– Phù Cù! Lui xuống ngay. Con không được vô lễ, nhiều lời. Phải tội chết.
Đuổi con trở xuống rồi, Nguyễn Nghi đứng lại cung kính chấp tay khúm núm thưa:
– Con lão phu ngây thơ, ngu dại, không biết sợ sấm sét búa rìu, dám múa men thất lễ trước chỗ tôn kính. Lão phu xin Lịnh Hầu tha cho lão phu tội dạy con không nghiêm gia pháp.
Mạc hầu vui vẻ cười bảo:
– Long Thu lão tiên sinh bất tất phải câu nệ. Ở chỗ văn chương chữ nghĩa, không phải là ở chốn viên môn triều đường, nên để con trẻ có dịp biểu lộ lỗi lạc, phát tiết anh hoa, mà không nên đem lễ nghi hạn chế quá. Ta hãng mừng lão tiên sinh có đứa con trai quí. Thường ngày, tất hạ thừa hoan, có đứa con anh tuấn mĩ mạo như vậy, cũng làm cho lão tiên sinh vui thỏa buổi vãn niên.
Nói xong, Mạc hầu truyền nội thị mang ra một chiếc áo phùng dịch bằng gấm lam, một chiếc mũ chương phủ bằng nhung đen và một đôi mã vĩ võng hài. Mũ chương phủ này là loại mũ qui. Sau mũ, buộc hai giải là thêu, trước mũ gắn một viên bích ngọc.
Hầu truyền ban cho Phù Cừ mặc áo đội mũ, mang hài vào.
Nội thị đã chọn thứ y phục giầy mũ nhỏ nhặt mà Phù Cừ mặc vào còn thấy không vừa.
Mạc hầu ngắm nghía Phù Cừ, cười bảo:
– Thiếu niên thư sinh, mặc rộng rãi xúng xính một chút như vậy, trông y như là vị tiểu thư nào trong truyện xưa, cải nam trang đi thi vừa đỗ trạng, được vua ban áo mão du nhai.
Rồi Hầu khe khẽ, ngâm lại câu thơ của thư sinh.
Áo gấm thanh vân phó điện bích,
Nghe câu nói đùa của Mạc hầu, Nguyễn Nghi đứng lặng, tay chân yên cứng. Phù Cừ thẹn quá không dám nhìn lên, quì xuống lạy hai lạy tạ ơn.
Hầu truyền lấy một đồng tiền Thái Bình Thông Bảo bằng vàng, xâu bằng đây tơ tụi đỏ, đưa bào Nguyễn Nghi đeo vòng vào vổ cho xon trai.
Rồi Hầu truyền bãi tiệc.
Khi Hầu trở ra góc đàn, để nhìn lại một lần chót chiếc đèn dưa, thấy Bạch Vân hòa thượng còn ngồi dưới gốc cột, gối đầu vào vò rượu ngáy như sấm.
Hầu truyền nội thị lấy chiếc chăn gấm đắp lên mình hòa thượng và truyền hãy để yên cho hòa thượng ngủ.