Hà Tiên trấn, khai trấn Tổng binh Khâm sai Đại Đô đốc bá cáo cho sĩ phu nhân dân gần xa được biết:
“Hà Tiên bản trấn, trước kia, nguyên là một cõi đất cùng tịch, hải phệ sơn lưu.
Đấng tiên quân ta, từ ngày phù hải đầu nam lao khổ kinh doanh, gian nan đề tạo. Trải hơn ba mươi năm, khai canh tịch hoang, chiêu thương lập ấp, thượng võ sùng văn, di phong dịch tục, khiến cho một nơi hoang vu nay đã trở thành một nơi bán buôn trù mật, trồng trọt phồn vinh, có lễ nghi có phong hóa, có pháp độ có kỷ cương, nghiêm nhiên là một nước văn hiến địch thể cùng Hoa Hạ.
Mùa hạ năm Ất Mão, chẳng may, đấng tiên quân quyên quán, hồng đồ đại nghiệp giao lại cho ta.
Từ ngày kế thừa tiên trữ, ta hằng giữ một lòng kính trời sợ mạng, ái chúng thân dân, ngày đêm nơm nớp, chỉ sợ đức bạc tài sơ, không tròn được di huấn của tiên quân, không đáp được ngưỡng vọng của nhân sĩ.
May thay, trước nhờ hồng phúc của tổ tiên, âm phù mặc trợ, trên nhờ hậu ý của Chúa Thượng, ái đái liên tài, dưới nhờ các bậc phụ chấp dạy dỗ bảo an, mà cương vực ngày một rộng lớn, xã tắc ngày một vững bền.
Đã hai năm nay, biển lặng sông trong, mưa hòa gió thuận, phong đăng hòa cốc, vật phụ nhân khương, khiến cho lòng ta đỡ được đôi phần lo sợ.
Nay muốn biểu thị nỗi vui mừng, phô trương cuộc hưng vượng, ta đã bẩm mạng Chúa Thượng, tổ chức vào đầu xuân năm tới, những khánh tiết thịnh điển để nhân dân trong trấn ai nấy đều được tham gia, trên dưới đồng hoan cộng lạc.
Ta đã định, Tết Nguyên đán năm Đinh Tỵ tới đây, trấn ta ăn tết cho đến hết nửa tháng Giêng. Từ Nguyên nhật kéo dài cho đến Nguyên tiêu. Ngày mồng chín, tế cáo Sơn xuyên. Ngày mồng mười, tế cáo Xã tắc. Đêm mười bốn, tế thánh Khổng Phu Tử. Đêm Nguyên tiêu, đêm chót, là đêm hội Hoa đăng để cho dân chúng hái lộc rước đèn. Cũng đêm đó, là đêm hội tao đàn, để cho các văn hào thi bá, chư quân tử hải nội, nhân dịp mĩ cảnh lương thần, thưởng tâm lạc sự, phẩm đề nếp gấm nền hoa của quốc thổ, ca tụng huân lao vĩ nghiệp của tiền nhân.
Mong rằng sĩ phu nhân dân, thừa ý ta, dự bị mọi lễ vật mang đến, trước là để biểu lộ lòng thành kính đối với thiên địa thần kỳ, sau là để chứng tỏ đất nước ta phì nhiêu, mùa màng ta phong túc.
Trên lịnh một truyền. Dưới lòng muôn thỏa. Chức nào việc ấy, chớ trái lời ta.
Long phi, năm Bính Thìn tháng Chạp, ngày mồng Một.”
Hồi khoảng đầu tháng Chạp năm Bính Thìn (1736) mọi người đã thấy tờ bá cáo mà nguyên văn đã sao trên kia, dân khắp địa phương trong trấn. Chẳng những ở bảy phủ huyện cũ, mà ở hai đồn điền mới khai khẩn, tiếp giáp từ mấy phủ ven biển cho liền với hữu ngạn Sông Sau. Ở đâu cũng nghe nô nức về tin “Ăn Tết Đinh Tỵ mười lăm ngày”. Nhà nhà đều dự bị, nhà nhà đều sửa soạn để lên trấn lỵ Phương Thành dự lễ tế Sơn xuyên, tế Xã tắc, nhất là dự hội Nguyên Tiêu.
Các địa phương quan đã sức cho dân chúng đem nạp các thổ sản, loại ngũ cốc, loại hoa quả, các súc vật, loại trâu dê béo tốt để làm tế phẩm.
Nô nức hơn hết là mọi người dụng công đua tài tinh xảo, chế tạo nên những loại đèn lồng, để dự thi đèn trong cuộc du hồ, đêm hội oa đăng, mà giải thưởng rất lớn. Nghe nói có những ngà voi nguyên cặp, thủy hỏa toán thạch, hàng trăm cây vải Tây dương, hàng chục chiếc chiếu đằng hoa.
Lạ hơn hết là trong giải thưởng, có thưởng một loại gà gọi là Tây dương Hỏa kê, to như con chim trĩ, mà mồng đầu và diều cổ đỏ như lửa, vừa để làm giải thưởng, vừa để cho các địa phương đem về nuôi làm giống. Giống gà này nuôi rất có lợi, thịt trắng như bột, hàng hai mươi cân nạc, trứng gà to bằng trái cam.
Mới là ngày khai hạ mà trấn lỵ Phương Thành đã rộn rịp tấp nập bày ra một quang cảnh đặc biệt.
Những câu đối Tết hãy còn đỏ rực khắp các nhà phố, khắp các cửa vườn, khắp các cây cối.
Số liễn đối dán nhiều gấp bội mọi năm, câu đối nào cũng đỏ đẹp khác thường.
Chắc là Mạc hầu đã co nhập cảng, từ Phúc Kiến chở đến, một tàu pháo mãn địa toàn hồng và giấy hồng đơn rơi kim cho dân gian ăn tết. Pháo đốt nổ hàng tràng không lép một tiếng, xác đỏ tươi như bông hoa đào rơi tung tóe ở sân một cảnh đào viên nào, đang thời kỳ thịnh phông.
Giấy phu kim hồng cẩm tiên đẹp lạ lùng. Đỏ một màu đỏ như hổ phách mã não, điểm nhiểm kim tinh lóng lánh. Chất giấy dẻo như lụa, dán ngoài trời, mưa gió không làm hư hỏng, sương nắng không thôi màu.
Cho nên, đã khai hạ rồi mà mọi người còn được thấy ở trấn lỵ Phương Thành, những xác pháo và câu đối hãy còn đỏ rực như mới giao thừa.
Đối liên nhiều như vậy, là ngoài một số do mọi nhà tự động viết lấy, còn một số nhiều do các nho sinh viết nữa.
Nguyên là giấy từ Phúc Kiến tải sang, hai phần đem bán cho các thị trấn, còn giữ lại một phần ba, từ đầu Chạp năm rồi, Mạc hầu đã giao số giấy đó cho nhà Nghĩa học để dùng vào cuộc thi viết câu đối Tết. Tất cả nho sinh đều được dự, được tùy ý viết câu đối. Hoặc là câu đối mới nghĩ, hoặc là câu đối có sẵn, điều đó không quan hệ lắm. Cốt viết lấy những câu đối, chữ thật đẹp. Giấy mực bày sẵn thường trực tại nhà Nghĩa học. Hàng ngày, mọi nho sinh tùy ý tùy thời, hứng bút đến viết. Qua rằm tháng Chạp, thì những câu đối viết thi đó được các vị sư phó đem ra phẩm bình tuyển chọn lấy những câu xuất sắc nhất để phát giải. Mỗi câu đối được chấm, giải thưởng một ngọn bút Tập Đại Trang, một thoi mực Huy Châu Tùng Tư hầu, hai trục giấy gấm vẽ Tứ linh và một quan tiền đồng mới đúc.
Mạc hầu truyền cho giữ lại độ trăm câu khá nhất, còn hàng ngàn câu khác bị thải thì phân phát hết ra dân gian cho dân nhà. Vì thế mà tết năm Đinh Tỵ này trấn lỵ Hà Tiên đỏ rực lên những câu đối là câu đối.
Ghe thuyền từ các phủ huyện cũ: Hương Áo, Lũng Kỳ, Cần Bột, Phú Quốc, Giá Khê, Kha Mao, cho đến hai đồn điền mới khai thác Trấn Di, Trấn Giang, lần lượt kéo về đậu chật bến nước Cảng Khẩu. Buồm thuyền san sát như rừng.
Các ghe thuyền nhỏ lớn đậu ken khít nhau. Muốn vào bờ từ thuyền này bước sang thuyền khác, chuyền nhau liên tiếp như bước trên cầu nổi.
Người đến Phương Thành dự hội, nhiều không kể xiết. Chẳng những nhân dân trong tâm chín phủ huyện của trấn nhà, mà cả đến nhân dân sĩ phu ở Trấn Biên, Phiên Trấn, miền đông, cả những thị trấn miền lân cận ở Giản Bộ Trại, nghe đồn đãi cũng kéo về dự cuộc thịnh điển, nhân dịp thăm chơi danh lam thắng cảnh.
Quan trấn lỵ đã phải dự bị cất những khách xá cho du khách về trú ngụ. Hàng ngàn trại khách xá dựng dài theo chân thành Tiểu Trúc Bằng, từ cửa đồn tả liên tiếp tới cửa đồn hữu.
Đêm mồng chín, tế Sơn Xuyên; và đêm mồng mười, tế Xã Tắc. Chính vị Tổng binh Đại đô đốc, Mạc hầu đứng chủ tế. Tất cả các quan viên văn võ, các sĩ thứ đều được dự. Lễ vật các nơi mang về, bày chất đầy khắp hai ngọn đồi Bình Sơn san phẳng đắp thành đàn Sơn Xuyên và đàn Xã Tắc.
Đặc biệt hơn hết là hai cây gỗ trầm hương. Đây là loại gỗ trầm hương do các thổ dân miền sơn cước Tràng Sơn thượng tiến ngự dụng. Nhân khi được biểu của Mạc hầu báo cáo về việc tế lễ, muốn tỏ lòng đặc biệt ưu ái với vị trọng thần biên trấn, Chúa Đỉnh Quốc công ban cho hai thanh gỗ cống hương này.
Hai thanh cống hương đen như huyền, bản rộng hơn tấc, cao những hàng xích.Một thanh dựng ở giữa tế đàn Sơn Xuyên, một thanh dựng ở giữa tế đàn Xã Tắc. Khói đốt bốc thẳng đứng, như hai cây cột khói thơm dựng ở giữa trời.
Hương trầm tỏa ngan ngát giữa đêm thanh, trăng sao lồng lộng; dân cư tận xa vòng ngoài Trúc Bằng thành, còn nghe thấy mùi thơm trộn trong gió chướng rao rao.
Văn Miếu, cũng là Chiêu Anh các, được trang hoàng dự bị cho lễ tế Thánh và đêm hội Nguyên Tiêu. Giữa Đại Thành điện, đặt một chiếc cỗ hương án bằng gỗ mun chạm kiểu lục ly. Trên án, trần thiết các món tế khí tôn, tước, trở, đậu bằng đồng đỏ màu vỏ cua, đúc từ đời tiền Hán.
Trên cửa chính Đại Thành điện, một biển ngạch kết bằng hoa tươi, bảy chữ cổ triện Đại Thành chí thánh văn tuyên vương.
Bên tả vu, một biển ngạch kết bằng các thứ lá cây, bốn chữ: Ngưỡng cao toàn kiên.
Bên hữu cu, cũng một biển ngạch, đối lại, kết bằng các thứ vỏ cây, bốn chữ: Chiêm tiền hốt hậu.
Trước Khuê Văn lâu, giữa hai cột hoa biểu xây bằng đá hoa Vân Nam, dựng một lá cờ phướn to thêu bốn chữ: Vạn thế sư biểu.
Tinh xảo hơn hết là ở bốn góc Khuê Văn lâu, có bốn chữ toàn bằng hoa bạch mai kết thành hình tròn to như bốn chiếc mâm bạc. Đứng ở cung tường ngoại vọng, còn nghe có mùi thơm thoang thoảng từ bốn chữ đó tỏa ra.
Giống bạch mai này là do Kiêm ngũ lão nhân, Dữ Tích Thuần chiết nhánh ỡ Lĩnh Nam gởi tặng, hồi còn sinh thời Mạc tiên công. Lịnh công đã cho trồng chung quanh hai đàn Sơn xuyên, Xã Tắc.
Mùa xuân này, nhơn có trận mưa bất thường đêm mồng tám, hoa nở thịnh quá. Xa xa nhìn như tuyết phủ quanh tế đàn, một màu tinh khiết. Buổi sáng đó, Mạc hầu ở tại trai thất, dựng gần tế đàn, nhìn thấy, lấy làm một cát triệu, thịnh sự, mới nảy ra ý nghĩ truyền cho các nho sinh nghệ sĩ khéo tay, kết các hoành phi biển ngạch bằng các lá hoa tươi. Riêng ở Khuê Văn lâu, là chỗ trung tâm bình thơ của Chiêu Anh các, Hầu truyền kết toàn bằng giống hoa bạch mai bốn chữ Kim Thanh Ngọc Chấn đặt ở bốn góc tao đàn.
Bao nhiêu đối liễn do các nho sinh viết đua, được tuyển chọn hồi trong năm, bấy giờ đem dán khắp các cửa thông vào đền và chung quanh bách nhận cung tường.
Đêm Nguyên tiêu đăng tiết là đêm kim ngô bất cấm. Bốn cửa Phương Thành và hai cửa Trúc Bằng thành mở rộng suốt đêm, để cho toàn thể dân cư trong thành ngoài đồn ra vô thong thả dự hội Hái lộc và xem hội Hoa đăng.
Từ chập tối, mọi người đã kéo nhau, vào các vườn hoa, vườn quả trong các đường mòn nẻo khuất, quanh vùng Bình Sơn, Tượng Sơn, Ngũ Hổ Sơn, Bát Giác Sơn. Trên tay mỗi người đều cầm một chiếc lồng đèn dưa hấu, chạm tỉa những cành lan cành trúc, câu chữ bài thơ. Đây là dịp tao phùng cho bọn hồng nam lục nữ, để cùng nhau tỏ tình hoan lạc trong cuộc thập thúy tầm phương. Trong đám hoa tươi lá nõn, phất phơ chấp chới áo gấm xiêm là, dưới ánh trăng sương ẩn ước, điểm nhiểm ánh đèn dưa.
Mọi người hái lộc vội vàng, rồi còn đi dự cuộc thi đèn trên Hồ.
Nhân dân đã kéo lũ lượt ra đứng chật trên bờ Đông Hồ và trên bến Tô Châu.
Hàng trăm chiếc hoa thuyền, đã thả ra giữa Đông Hồ. Thuyền câu thuyền chài, đôi ba chiếc một, kết thành bè, người đi lại trên đó, vững vàng như đi trên mặt đất. Thuyền nào cũng treo hoa kết lá, treo tòng kết tụi, thành kiểu lâu đài đình tạ. Trên thuyền giăng giăng những đèn lồng, phất bằng sa bằng giấy, làm thành mọi hình thức, mọi kiểu cách long lân qui phụng, điểu thú cầm ngư. Có những đèn kéo quân làm ra tích Bá tiên quá hải, tích Tây vương mẫu hiến bàn đào, tích Đào công huề Tây thi du Ngũ hồ vân vân, …
Có ba thương thuyền Tây dương, Hòa Lan, Nhật Bản đang đậu ăn hàng tại Cảng khẩu, cũng dự vào cuộc du hồ. Họ đốt những pháo bông, rất lạ mắt. Có loại pháo quay tít như chong chóng, hào quang tung tóe như mạt lửa đe búa lò rèn. Có loại pháo thăng thiên vượt tít lên trời, nổ ra những trái châu xanh đỏ đủ màu, lơ lửng giữa không trung, rơi xuống gần mặt nước thì tan biến. Có loại pháo, khi nổ ra thành hình con rắn con rít, ngôi sao cánh hoa.
Thỉnh thoảng, họ tấu những khúc nhạc, kèn trống rộn rã, thuyền neo tận ngoài cửa biển Kim Dự mà âm thanh cứ đồng vọng tưng bừng.
Trong một cùng hồ biển bao la, khói sương bát ngát, vằng vặc ánh trăng sao, các hoa thuyền buông chèo, thả bập bềnh theo sóng nước, sinh ca nhã nhạc réo rắt vang lừng.
Mạc hầu cho bày ra cuộc du hồ đã có dụng ý. Hầu muốn nhắc cho mọi người nhớ rằng danh hiệu Hà Tiên phát tích duyên do từ một thần thoại “quần tiên dạ hội dao trì”, mà cảnh dạ hồi hoa thuyền trên Đông Hồ đêm Nguyên Tiêu này đã tượng trưng hình dung ra đó.