Cuốn 2 – Phần 12: Chung

Thơ như vầy:

“Hanoi, le … 19 …

Monsieur Đỗ Khắc Xương,

Ta là quan No-te ở tại Hà Nội, kính cho thầy hay rằng ông Hoàng Hữu Tâm ở tại Hà Nội, trước khi lâm chung, ông có giao cho ta một số bạc là hai chục ngàn đồng, với một tờ chúc ngôn, ông dặn ta trao lại cho thầy. Ấy vậy, hễ thầy được thơ nầy rồi thì thầy phải lập tức đến tại phòng việc của ta mà lãnh lấy số bạc với tờ chúc ngôn ấy, chớ nên trì hưỡn, ta hết lòng trông đợi tin thầy.

Bấy nhiêu lời cho thầy rõ.

Ký tên …”

Đỗ Khắc Xương đọc dứt thơ rồi, cả nhà đều chưng hửng, không hiểu bởi sao mà ông Hoàng Hữu Tâm khi gần qua đời, lại để bạc mà cho Khắc Xương nhiều như vậy, làm cho ai nấy cũng sững sờ.

Một chặp lâu bà Đoàn thị bèn nói với Đỗ Khắc Xương rằng:

– Hoặc là lúc cha con ra ở ngoài Bắc, có làm việc gì với anh Phán chăng, vậy thì con cũng phải đi ra đó đặng coi cái tờ chúc ngôn của anh Phán thể nào cho biết.

Đỗ Khắc Xương nghe nói có lý, nên phải vâng lời, liền sắm sửa hành lý rồi từ giã hai mẹ (mẹ ruột và mẹ vợ) với vợ và vợ chồng Hạo Nhiên, rồi cũng dắt thằng Hành theo cho có bạn mà đi ra Bắc.

Khi ra tới Hà Nội rồi, bèn tìm đến phòng việc quan No-te, đem cái thơ của No-te gởi cho mình hôm nọ và những giấy tờ chứng chắc rằng mình thiệt là Đỗ Khắc Xương mà trình ra cho quan No-te xem.

Quan No-te liền mời Đỗ Khắc Xương ngồi lại cho ông xem xét giấy tờ kỹ lưỡng, rồi mới đứng dậy đi mở tủ sắt, lấy bạc ra đếm đủ hai chục ngàn đồng với một tờ chúc ngôn, bảo Đỗ Khắc Xương ký tên nhận lãnh rồi giao hết cho chàng.

Đỗ Khắc Xương lãnh bạc xong xuôi rồi, liền mở tờ chúc ngôn ấy ra mà xem, thấy rõ ràng là tuồng chữ của ông Phán Tâm.

Tờ chúc ngôn ấy như vầy:

“Hà Nội, ngày … 19 …

Tôi đứng ký tên dưới đây là Hoàng Hữu Tâm, Thầu khoán tại Hà Nội, làm tờ chúc ngôn nầy để lại mà cho tên Đỗ Khắc Xương là người ở làng … tổng … tỉnh Mỹ Tho (Nam kỳ) một số bạc là hai chục ngàn đồng.

Nguyên vì trong năm 19 .. tháng … ngày … cha nó là Đỗ Khắc Thới với tôi có tìm được một mỏ đồng tại Sơn La, lúc ấy anh em tôi có giao ước miệng với nhau, quyết chung sức nhau lại mà khai cái mỏ ấy, hễ ngày sau được lợi bao nhiêu thì chia nhau mà hưởng.

Chẳng dè công việc chưa kịp khởi ra mà ông Đỗ Khắc Thới rủi thọ bịnh trở về Nam kỳ rồi qua đời luôn trong ấy.

Từ ấy đến nay trót đã năm năm, một mình tôi lo mướn dân thợ khai mỏ ấy mà thủ lợi.

Nay tôi tính sổ, khấu trừ hết các khoản chi phí và thuế vụ, thì còn lại một số tiền lời chắc chắc là bốn vạn đồng.

Xét vì ông Đỗ Khắc Thới với tôi là bạn thiết, tuy ông không có công khai, mà ông có công tìm được; tuy không có giấy tờ chi hết, song một lời giao ước với nhau như ghi vô đá, chạm vô đồng, dầu cho muôn đời ngàn kiếp cũng chẳng nên quên; chớ tưởng rằng không ai hay biết, không có bằng cớ chi mà chiếm hưởng lấy một mình, thì còn mặt mũi nào mà dám nhìn nhau nơi chín suối.

Bởi giữ lòng chơn chánh và tín nghĩa với nhau, nên tôi đành chia hai cái số bạc lời bốn vạn ấy ra, để lại cho con tôi một nửa, còn một nửa thì cho con trai ông Đỗ Khắc Thới là Đỗ Khắc Xương cho tròn cái nghĩa vụ, vân vân ….

Hoàng Hữu Tâm ký tờ.”

Đỗ Khắc Xương xem hết tờ chúc ngôn ấy rồi thì trong lòng ngùi ngùi, rất cảm cái lòng khẳng khái và tín nghĩa của ông Hoàng Hữu Tâm. Liền từ tạ quan No-te, rồi dắt thằng Hành đến nhà ông Hoàng Hữu Tâm mà thăm vợ con ông, và xin vào lạy bàn thờ, rồi ra lạy mồ mả của ông để tỏ tấm lòng hoài cảm.

Đâu đấy xong rồi, thầy trò Đỗ Khắc Xương bèn từ tạ vợ con ông Hoàng Hữu Tâm mà trở lại Nam kỳ.

Khi về đến nhà rồi Đỗ Khắc Xương bèn đọc hết tờ chúc ngôn và thuật rõ tấm lòng hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài của ông Hoàng Hữu Tâm lại cho ai nấy nghe; cả nhà đều hết lòng kính phục.

Rồi đó Đỗ Khắc Xương mới bàn tính với Hạo Nhiên, muốn dùng số bạc ấy anh em chung sức với nhau, lập một cuộc buôn bán dừa khô và lúa.

Hai anh em thương lượng với nhau xong rồi mới thưa lại cho hai bà mẹ hay. Hai bà thấy con rể có chí dinh thương như vậy thì cũng có bụng mừng.

Chẳng dè năm ấy khí trời độc địa, thiên hạ hao nhiều, cô của Đỗ Khắc Xương là Đỗ Thị Bườn vướng dịch nặng mà thác. Vợ chồng Đỗ Khắc Xương bèn thưa với mẹ đặng đến mà chịu tang. Đoàn thị thấy dâu con cư xử như vậy thì khen rằng:

– Phải đa con, vợ chồng con biết xử nghĩa như vậy thì phải lắm đa; bề nào cũng là cô ruột của con, nó có ở quấy thì để cho trời, chớ vợ chồng con là cháu, thì phải giữ cho tròn phận cháu.

Đỗ Khắc Xương bèn bảo vợ lo mua sắm lễ vật đặng đem đến mà chịu tang, bởi biết tánh tình của ông dượng rể, nên vợ chồng cũng phải mua vải đem theo mà bịt khăn, chớ để lấy vải của va mà bịt khăn thì chắc là va thót ruột.

Khi tống táng xong rồi mà trở về nhà, đi dọc đàng, Tám Chỉnh bước xớ rớ, rủi sao lại đạp nhằm con rắn; bị nó mổ trúng bàn chơn, Tám Chỉnh vùng la hoảng lên, ai nấy đều thất kinh, bèn xúm nhau lại khiêng cậu ta đem về.

Vừa về tới nhà thì đã nghe đờm kéo lên ồ ồ. Đỗ Khắc Xương liền cho người chạy đi rước ông Tư Sành là thầy thuốc rắn. Ông ấy chạy tới, coi chỗ dấu rắn cắn và lại coi cặp con mắt của Tám Chỉnh, rồi lắc đầu mà nói rằng:

– Đó là rắn hổ đất, mà lại nhằm con rắn chửa, nọc đã nhiều mà độc lắm, trễ quá rồi, cứu không kịp.

Ông Tư Sành nói chưa dứt lời mà Tám Chỉnh đã hồn qui dị lộ.

Nguyên vợ chồng Tám Chỉnh chẳng có con cái chi hết, cho nên khi nhắm mắt rồi, trong nhà chẳng có một ai; Đỗ Khắc Xương bèn thưa với làng, xin phải cho người đi báo bẩm quan Tòa hay; còn một phía thì lo mua sắm quách quan mà tẫn liệm.

Buổi chiều ngày ấy, ước lối 4 giờ, có xe ô tô của quan Lục sự và quan Trưởng tòa xuống tới, có một thầy thông ngôn đi theo. Kêu Xã trưởng, Hương thân, Hương hào đến, dạy kiểm điểm hết sản vật trong nhà mà biên từ món, lại mở tủ bạc ra (1) đếm hết mà coi, thì những gia sản vợ chồng Tám Chỉnh để lại kể biên như sau nầy:

Bạc hiện trong tủ là = 13.223 $ 70

Những giấy nợ cho vay cộng hết là = 9.255 $ 00

Bốn sở vườn đáng giá là = 3.000 $ 00

Năm dây ruộng đáng giá là = 8.000 $ 00

Bàn ghế, ván, tủ, cùng đồ tạp vật đáng giá là = 500 $ 00

Cộng hết được = 33 987 $ 70

(Than ôi! Vợ chồng Phùng Văn Chỉnh với Đỗ Thị Bườn, lúc sanh tiền con cái không ngơ, mà không lo tu nhơn tích đức, để cứ khu khu một lòng vi phú bất nhơn, cho vay đặt nợ, khắc bạc nhà nghèo, năm chí cuối cứ lo thâu liễm, đem về mà dồn dập cho đầy nhóc cái túi tham; lại không dám ăn dám mặc, cứ bo bo làm mọi mà giữ của cho thế gian.

Đến khi hết số mà phải theo quỉ vô thường rồi, thì một xu một điếu cũng chẳng đem theo được, đi lại cũng nắm hai bàn tay không; thế thì cái kiếp phù sanh nầy như bọt nước, như chiêm bao, những kẻ tham lam mà có ráng sức tranh danh đoạt lợi cho lắm đi nữa lại có ích gì!)

Khi quan Lục sự biên xong sản nghiệp của Tám Chỉnh rồi, cộng hết thảy được 33 ngàn, 9 trăm, 7 mươi 8 đồng, 7 cắc (33.878 $ 70). Có mấy ông hương lão ra đứng bẩm với quan Lục sự xin truất trong số bạc ấy ra 2 trăm đồng, để chi phí về việc chôn cất Tám Chỉnh. Quan Lục sự hứa để về bẩm với quan Tòa đã, rồi đó quan Lục sự liền niêm phong lại hết, giao cho làng canh giữ mà chờ lịnh quan Tòa.

Quan Lục sự về rồi, cách qua bữa sau có giấy quan Tòa gởi xuống cho phép làng truất ra 2 trăm đồng bạc mà tống chung Tám Chỉnh, y như lời của mấy ông hương lão đã xin, và dạy làng phải truyền rao cho những người nào mà thiệt là bà con thân thích của Phùng Văn Chỉnh với Đỗ Thị Bườn, thì phải làm khai cho làng thị nhận chắc chắn rồi đem đến Tòa mà xin thừa nhận những sản nghiệp ấy.

Lúc bấy giờ, những người ở trong làng trong xóm, ai mà chẳng biết Đỗ Khắc Xương là cháu ruột của Đỗ Thị Bườn; mà nhứt là mấy ông hương lão lại thường hay tới lui nhắc nhở Khắc Xương, bảo phải làm khai đến Tòa mà xin thừa nhận cái sự nghiệp ấy.

Theo cái thường tình thì ai cũng đều mừng cho Đỗ Khắc Xương. Duy có một mình Đỗ Khắc Xương thì lại nhứt định không thèm lãnh đồng tiến bất nghĩa.

Từ Mộ Trinh thấy vây thì khuyên chồng rằng:

– Đã biết rằng của ấy là của bất nghĩa cũng phải đó chút! Nhưng mà, nếu ta biết lợi dụng của ấy thì ta lại làm cho nó trở ra có nghĩa, chẳng tốt hơn sao! Chớ nếu mình chê mà không lãnh, rồi cũng không ai được lãnh, thì của ấy phải nhập quan; té ra cũng chẳng có ích gì cho ai hết cả. Chi bằng mình lãnh lấy đem về, rồi lựa những giấy nợ; hoặc kêu mấy người thiếu nợ đến mà cho, hoặc đốt hết đi mà làm phước. Còn những vườn đất mà cô với dượng xiết nợ của người nào thì kêu người nấy mà cho họ lại. Còn chỉ tồn lại số bạc bao nhiêu, thì ta coi những con trẻ trong làng, lựa những đứa nào mà có khiếu thông minh, thì ta giúp học phí cho chúng nó sang Tây du học. Ví bằng mà có còn dư nữa, thì ta lại chọn những hội nào mà chuyên lo công ích cho đời, thì ta đem hết mà dâng cho hội ấy chẳng tốt lắm sao? Thầy nó nghĩ mà coi, làm như vậy thì có phải là của bất nghĩa mà mình làm ra việc nghĩa hay không?

Đỗ Khắc Xương nghe lời vợ nói rất hay, rất có lý thú; bèn vỗ vai vợ mà nói rằng:

– Thiệt chị hai nó là đờn ba con gái má chí khí rất cao, có vợ mà được như vầy thì quí biết dường nào!

Bèn lấy giấy viết khai, cho đi mời làng đến thị nhận cho mình và có mấy ông hương lão cũng đứng vào làm chứng chắc chắn rằng mình là cháu ruột của Đỗ Thị Bườn, xin thừa nhận gia tài sự sản của cô mình.

Đâu đấy xong rồi, sáng ra bữa sau Đỗ Khắc Xương bèn đem lá khai ấy với một tờ tông chi tộc phái và một lá khai sanh đến trình với Tòa mà xin thừa nhận của ấy. Tòa xét rõ ràng bằng cớ rồi, liền lên án cho Đỗ Khắc Xương thừa nhận sản nghiệp của Đỗ Thị Bườn và Phùng Văn Chỉnh.

Khi Đỗ Khắc Xương được quản lãnh trọn hết gia tài sự sản của Thị Bườn rồi, bèn thưa lại cho hai bà mẹ hay, và cũng tỏ cái ý kiến của vợ mình cho vợ chồng Hạo Nhiên nghe. Hạo Nhiên với Lệ Dung nghe rõ những việc của vợ chồng Khắc Xương tính làm như vậy thì lấy làm kính phục cái cao nghĩa ấy vô cùng.

Rồi đó Đỗ Khắc Xương bèn dạy gia dịch trong nhà, vật heo vật bò làm thịt, mời hết làng xóm và mấy người thiếu nợ đến mà đãi đằng một bữa, rồi lấy hết giấy nợ đem ra mà đốt ráo. Lại cho kêu những người đã bị cô dượng mình xiết đất đoạt vườn mà trừ nợ thuở nay đó tới, rồi của ai thì cho lại nấy.

Ôi! Lúc bấy giờ, những người thiếu nợ và mấy người bị đoạt đất xiết vườn, thảy đều mừng rỡ và thâm cảm cái lòng khẳng khái của Khắc Xương; bởi đó cho nên, người niệm Phật, kẻ vái trời mà xưng tụng cái lòng hào hiệp và cái chí thanh cao của hai vợ chồng chàng Đỗ.

Còn lại bao nhiêu vườn ruộng, Đỗ Khắc Xương cũng bán hết rồi nhập với số bạc hiện còn trong tủ; đem ra, lớp giúp cho con nhà nghèo sang Tây du học, lớp thì cất nhà trường thêm, rước mấy thầy thất vận về để nuôi dạy những con trẻ mồ côi trong làng, hoặc cho hội nầy, hoặc giúp hội kia.

Lại xin phép quan mà lập một nhà hội Giảng Báo ở trong làng, gởi mua đủ hết các thứ nhựt báo quốc văn trong Nam ngoài Bắc, rồi bốn vợ chồng là Đỗ – Từ, Trần – Nghĩa, cứ luân phiên nhau, hễ mỗi ngày chúa nhựt thì mời hết dân trong làng tựu nhau tại nhà Hội, rồi lựa những bài nào có giá trị, có thể bổ ích được cho quốc dân, thì đọc hết và giảng giải rõ ràng cho ai nấy nghe.

Hễ ngày nào mà giảng giải cho đờn bà và con gái nghe, thì về phần Từ Mộ Trinh với Trần Lệ Dung; còn ngày nào mà giảng giải cho đờn ông và con trai nghe, thì về phần Đỗ Khắc Xương với Nguyễn Hạo Nhiên lãnh lấy. Nhờ vậy mà không đầy một năm, dân trong làng ấy, mười phần đã được mở mang hết tám, chín.

Đỗ Khắc Xương lại xuất bạc riêng của mình ra 4 trăm đồng mà xây hai cái nền mộ cho vợ chồng Tám Chỉnh, đó là chàng ta có ý để hườn cái số bạc của mình vay khi trước, đặng chuộc cái nhà và miếng vườn lại, rồi kêu thợ về sửa lại cho rộng rãi và sạch sẽ hơn, rước hai bà mẹ về ở đó với hai vợ chồng.

Còn cái nhà mua của Tư Hổ mà ở xưa rày đó, cũng cất lại tử tế, để cho hai vợ chồng Nguyễn Hạo Nhiên với Trần Lệ Dung ở.

Từ đó đến sau hai đàng tới lui với nhau như tình ruột thịt; sanh con đẻ cháu đầy nhà, khổ tân cam lai, đoàn viên một cửa.

Nghĩ lại mà coi, Tạo Vật thiệt khéo xây, như vợ chồng Đỗ Thị Bườn, nhà đã giàu có tiền bạc dư muôn, lại còn mong lòng tham quấy; gia tài của cháu ruột mình còn có một miếng đất với một cái nhà, mà cũng cố tình, quyết đoạt cho được mới nghe.

Đến khi nhắm mắt rồi, thì đi lại của cháu cũng giao về cho cháu; thiệt là thiên lý chiêu chương, tham lam mà hà ích?

Từ đây Hiệp phố châu hườn, vật qui cố chủ; Nguyễn, Trần, Từ, Đỗ, sum hiệp một nhà; ấy rõ ràng, hễ tích thiện chi gia, thì ắt được hưởng muôn vàn hạnh phước.


(1) Xin chư độc giả chớ lấy làm lạ rằng: Tủ sắt có khóa chữ mà sao quan Lục sự mở được? Điều ấy chẳng lạ gì, chừng quan mà muốn mở ra cho được, thì thiếu chi cách mở. Tác giả chẳng cần kể lể làm chi cho dông dài, xin miễn nghị.

——————- Chung —————–

Viết một bình luận

error: Content is protected !!