William Somerset Moem (1874-1965) Nhà Văn Anh Và Kế Hoạch Cứu Chính Phủ Kerenxki (Nga)

William Somerset Moem sinh ngày 25 tháng 1 năm 1874 ở Paris và là con trai thứ tư của bà Edit. Cha ông – Robert Ormond Moem là luật sư, làm việc ở sứ quán Anh. Khi cậu bé 8 tuổi thì mẹ mất vì bệnh lao. Hai năm sau, tháng 7 năm 1884, cha cậu lại qua đời vì ung thư, để lại cho năm cậu con trai năm ngàn bảng. Cậu bé được ông chú Henri, cha xứ của nhà thờ Các vị Thánh ở Vaixten tỉnh Ken đem về Anh nuôi dạy. Cậu bé đi học nhưng bị viêm màng phổi, nên năm 15 tuổi cậu phải bỏ học đi chữa trị ở miền Nam nước Pháp.

Năm 1890 Somerset là sinh viên trường Đại học Tổng hợp Geydenbec ở Đức. Hai năm sau cậu quay trở lại Anh và cho rằng học y ở Quân y viện Saint Thomas London thích hợp hơn. Năm 1897 cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Somerset ra đời, tiếp theo đó hàng năm ông đều có sách được in ấn. Một thời gian sau trên sân khấu nhà hát ở London xuất hiện các vở kịch của ông. Trong thời điểm này cuộc đời chu du khắp chốn của ông ngập tràn những chuyện phiêu lưu tình ái, những mối quan hệ ràng buộc cả với phụ nữ cũng như với đàn ông. Hơn nữa, đây cũng là lúc ông sáng tác rất hiệu quả.

Khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ Moem ghi tên vào Đội y tế của Pháp với tư cách tình nguyện viên Chữ thập đỏ, nhưng ngay từ năm 1915 ông đã được chuyển sang cơ quan tình báo của Anh. Hoạt động của ông ở đây không lâu và cũng chẳng có gì nổi bật: Ông có một thời ở Thụy Sỹ nơi mà ông cảm thấy “cuộc sống của một điệp viên không được như ý, hoàn toàn không giống như người ta thường nghĩ”.

Tuy vậy, chính ở Thụy Sỹ Moem đã phát hiện ra nhân vật Asenden của mình – thực chất là chính ông – nhân vật chính của cuốn truyện cùng tên và của các tác phẩm “phản gián” khác của ông. Những tác phẩm của Moem gần với cuộc sống đến mức khi thủ tướng Churchill xem qua các bản thảo đã phát biểu rằng ông vi phạm “Luật bảo mật quốc gia”- Moem buộc phải hủy bỏ mười bốn cuốn trong số đó.

Nhiệm vụ đầu tiên của Moem ở Thụy Sỹ là theo dõi hoạt động của một người Anh có vợ là người Đức ở Lushern. Sau đó ông được cử sang Geneva và người lãnh đạo đã cảnh báo: “ở đó nếu ông làm tốt mọi việc, ông sẽ không được cám ơn, mà nếu ông gặp rắc rối chúng tôi cũng sẽ không giúp”, Đến Thụy Sỹ Moem lưu lại tại khách sạn “Borivat”, nơi như ông đã viết “có cả các điệp viên khác” ở. Moem giữ vai trò liên lạc, nhận tin của các điệp viên rồi chuyển về Pháp. Ông làm một công việc, như ông đã thừa nhận, “đơn điệu và vô bổ”.

Hàng tuần Moem vượt hồ Geneva chuyển tin và nhận chỉ thị mới. Ông biết mình đã vi phạm tính trung lập của Thụy Sỹ và lo sợ bị bắt. Vì vậy ông hối hả viết, sợ rằng nếu bị bắt sẽ không có giấy, mực.

Ông hoạt động ở Thụy Sỹ gần một năm. ở đây ông làm quen với các nhà văn khác cũng được tuyển mộ làm điệp viên cho tình báo Anh như MacKendzi, Knobloc, Japan Kelly.

Có một lần cảnh sát Thụy Sỹ tới khách sạn hỏi ông làm nghề gì. Moem trả lời đang viết kịch. “Tại sao lại sang Thụy Sỹ?” – “Vì ở Anh ồn ào quá.” Thế là họ để ông yên.

Mùa hè năm 1916, Moem xin được thôi việc, rồi quay về London. Cấp trên đồng ý với điều kiện khi cần sẽ lại cho gọi ông. Năm 1916 ông lại đi chu du các nước. Ông đã đặt chân lên quần đảo Hawai, đảo Tahiti, Samoa và Mỹ, nơi ông tích cực sáng tác truyện và kịch. Ngày 26 tháng 5 năm 1917 ông cưới Xiri, người tình đã có với ông một con gái tại Jecksi City. Ngay sau đó ông nhận được đề nghị sang Nga của tình báo Mỹ qua William Jusman. Lúc này làn sóng cách mạng ở Nga đang mạnh như vũ bão và Moem được lệnh sang đó để “ngăn chặn cách mạng”, như ông vẫn hóm hỉnh ghi lại. Ông phải “ủng hộ những người mensevich chống lại những người bolsevich đấu tranh cho hòa bình và giữ cho Nga luôn ở trong tình trạng chiến tranh với Đức”.

Moem do dự. Hiện ông đang bị bệnh phổi, lại không biết tiếng Nga, liệu có thể hoàn thành nhiệm vụ quan trọng đó không. Mặt khác, ông bị cuốn hút tới đất nước của các nhà văn vĩ đại Tolstol, Turghenev, Doistoievxki mà ông hằng ngưỡng mộ.

Cuối cùng ông nhận lời. Ông lấy mật danh là Somersetvin, tên một nhân vật trong cuốn “Asenden”. Các nhà hoạt động cách mạng Nga cũng có các biệt danh của mình như Kerenxki là Layin, Lenin là David, Troski là Coun, còn chính phủ Anh là “Ayre và K”.

Vấn đề lo ngại đối với Moem lúc này là tiền. Ông viết cho Wedeman: “… ở Thụy Sỹ tôi là người duy nhất làm việc không cần biết đến tiền… sau này tôi hiểu ra rằng người ta nhìn nhận cách xử thế đó của tôi không phải là thể hiện lòng yêu nước mà là sự ngu ngốc….”.

Ngày 18 tháng 6 năm 1917, Moem đã nhận 21 ngàn dollar tiền lương và kinh phí tài trợ cho phái mensevich, ngày 28 ông lên tàu thủy ở San Fransisco đi Vladimirvostoc. Từ đó ông đi xuyên suốt nước Nga trên tàu tốc hành xuyên Xiberi. Cùng đi với ông có bốn người Tiệp cũng được phái sang Nga với cùng một mục đích: giữ nước này ở tình trạng có chiến tranh.

Ở Petrograd, Moem lưu lại khách sạn “Châu Âu”. Sứ quán Anh đã nhận được mật điện “Mr V”: “Somerset Moem được phái tới Nga để làm sáng tỏ cho công chúng Mỹ các giai đoạn tiến triển cụ thể của cách mạng Nga. Yêu cầu tạo điều kiện cho điệp viên này được sử dụng đường dây liên lạc của sứ quán với New York”. Đại sứ Anh – ngài George Blukenen đã cho Somerset mật mã của mình cho dù rất bực vì từ nay sẽ phải chuyển những bức điện mà mình không được biết nội dung.

Ngài đại sứ coi Moem là vị khách không mời mà đến và chõ mũi vào việc không phải của mình nên đã tỏ thái độ bất hợp tác. Nhưng Somerset lại nhận được sự hỗ trợ từ một phía khác hoàn toàn bất ngờ. Ông gặp lại Shara Cropotkina – con gái bá tước Cropotkin, một người vô chính phủ nổi tiếng. Ông đã quen cô từ khi còn ở London, đôi khi trao đổi thư từ và thậm chí còn miêu tả cô trong truyện “Asenden” của mình. Shara quen với các thành viên nội các của Kerenxki và tự nguyện làm trợ lý và phiên dịch cho Moem.

Shara giúp Moem gặp và làm quen với Kerenxki, sau đó ông đã vài lần gặp gỡ ông ta, lúc ở khách sạn, khi ở nhà Shara, hoặc ngay tại nơi làm việc của Kerenxki. ấn tượng về ông ta thật tẻ ngắt: một người kiệt quệ không chút sinh lực vì chức quyền đè nặng hai vai, không khả năng hành động, sợ đủ mọi thứ.

Moem có cảm tình hơn nhiều với bộ trưởng Bộ Quốc phòng chính phủ lâm thời, đảng viên Đảng xã hội cách mạng Boris Savincov. Ông này đã tuyên bố với Moem: “Hoặc là Lenin dồn tôi tới chân tường, hoặc là tôi dồn ông ta!”

Moem tới dự Hội đàm dân chủ tại nhà hát Alecxandr. Tại đây Kerenxki đã phát biểu rất lạc quan. Moem không tán đồng. Từ các nguồn tin của mình ông biết rằng Đức đã tấn công, quân đội Nga rối loạn, hạm đội không hành động, binh lính giết hại sĩ quan.

Ngày 24 tháng 9 năm 1917, Wedemen gửi mật điện cho Bộ Ngoại giao Anh: “Tôi đã nhận được điện rất thú vị của điệp viên Moem gửi từ Petrograd:

(A) Moem đã cử người tới Stockholm và Hà Lan để thu thập thông tin. Điệp viên này có nhiệm vụ báo cáo về mật ước giữa Hà Lan và Thụy Điển trong việc liên kết với Đức chiếm Petrograd.

(B) Chính phủ thay đổi xoành xoạch ý kiến về việc họ định chuyển về Moskva để tránh những người theo chủ nghĩa tối đa. Moem hi vọng sẽ phái được điệp viên tới dự mít tinh của họ.

(C) Kerenxki mất uy tín và khó có thể trụ được.

(D) Sĩ quan vẫn tiếp tục bị giết hại. Người Côdắc âm mưu nổi loạn.

(E) Sẽ không có một thế giới bị chia cắt, nhưng sẽ có tình trạng hỗn loạn và kháng lệnh tiêu cực ở mặt trận Nga.

(F) Moem thỉnh thị hiện có thể làm việc với sĩ quan điệp viên Anh ở Petrograd để giúp nhau tránh nhầm lẫn được không. Tôi không thấy có gì trở ngại…

(G) Tôi cho rằng để an toàn, Moem phải cẩn trọng với mật mã và giấy tờ ở chỗ sứ quán. Tất nhiên ông ta rất thận trọng và sẽ không để tổn hại đến chúng. Ông ta sẽ rất có lợi và tôi tin rằng ông ta sắp có được một tổ chức tốt.

Ngày 16 tháng 10 Moem báo rằng Kerenxki đã để mất lòng tin và chưa chắc đã trụ được. Ông bảo vệ ý kiến hoàn toàn ủng hộ phái mensevich và đưa ra chương trình tuyên truyền ủng hộ cho mensevich, chuyện này theo ông chỉ tốn 50 ngàn dollar mỗi năm.

Ngày 18 tháng 10 Kerenxki cho mời Moem tới, đưa ông xem bức thông điệp mật đến mức không ghi thành văn bản gửi thủ tướng Anh Lloyd George. Kerenxki đề nghị ông đi Anh ngay để chuyển thông điệp đến tận tay người nhận. Trong thông điệp Kerenxki thông báo rằng ông ta sẽ không trụ được nếu không được đồng minh cung cấp vũ khí đạn dược và đề nghị cho thay đại sứ. Ngay ngày hôm đó Moem đi Na Uy, rồi từ đó lên tàu khu trục đi Scotland. Tới London hôm trước, ngay sáng hôm sau ông đã được mời tới chỗ thủ tướng. Thủ tướng lịch thiệp tiếp ông và bày tỏ sự thán phục với các vở kịch ông viết. Song Moem rất vội. Ông ngắt lời thủ tướng và đưa trình bản thông điệp mật mà ông đã chuyển thành bản báo cáo trên giấy ngay lúc tới Anh.

Đọc xong Thủ tướng nói: “Tôi không thể làm được việc này!”. “Thế tôi phải trả lời Kerenxki thế nào?” – Moem hỏi. “Đơn giản là tôi không thể làm được việc ấy”. Nói rồi thủ tướng xin lỗi cắt ngang câu chuyện vì phải đi họp nội các.

Về tới khách sạn Moem nghĩ cách quay về Nga, song tình hình không cho phép. Ngày 7 tháng 11 năm 1917, chính phủ Kerenxki bị lật đổ, bolsevich lên nắm chính quyền. Ngày 18 tháng 11, ngài Eric Drumon, thư ký riêng của ngoại trưởng (gửi cho thủ tướng Lloyd George) đã ghi thêm vào bản báo cáo của Moem: “Tôi e rằng điều đó chỉ có ý nghĩa lịch sử.” Song Moem lại cho rằng, nếu như ông hành động sớm trước nửa năm thì đã có thể thành công. Ông cảm thấy mình phần nào có lỗi trong việc để bolsevich thắng mà không hiểu rằng làm sao có thể chống lại bước tiến của lịch sử.

Cho dù không hoàn thành nhiệm vụ, Moem vẫn hài lòng vì đã thu thập được nhiều tư liệu cho những chuyện kể về Asenden. Hai tháng rưỡi ở Nga đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của Somerset. Ông có những triệu chứng của bệnh lao. Việc trở lại Nga vậy là không được, nhất là sau khi Kerenxki đã bị lật đổ.

Có lần Moem được mời đến dinh thủ tướng ở phố Downing trò chuyện với cấp trên của ông là William Wedemen và một nhân vật cỡ lớn nữa. Moem đã nộp cho họ bản tường trình thời gian ở Nga. Trong khi họ đọc, Somerset hỏi họ có ý định lại cử ông sang Nga nữa không và được trả lời: “Không. Việc chính của chúng tôi bây giờ là giữ cho được Rumani.” Bản thân ông không muốn tới đó. “Tôi bị lao phổi.”- ông lầm bầm. “Thôi được. Ông hãy đi an dưỡng và chóng bình phục” – một trong những cấp trên trả lời ông.

Như vậy là hoạt động tình báo của ông coi như dừng ở đó. Moem còn sống được 48 năm nữa, nhưng không quay lại hoạt động tình báo.

error: Content is protected !!