Vũ Ngọc Nhạ (1928-2002) Cố Vấn 3 Đời Tổng Thống Ngụy Sài Gòn

Ở Việt Nam, rất nhiều người đã từng say mê với tiểu thuyết “Ông cố vấn” của nhà văn Hữu Mai (và sau đó là bộ phim cùng tên chuyển thể từ tiểu thuyết), viết về chiến công của một nhà tình báo cộng tác lỗi lạc trong lòng chế độ Mỹ – ngụy ở Sài Gòn. Nhân vật chính trong bộ phim và tiểu thuyết là Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, bí danh Hai Long, nguyên cố vấn cho ba đời tổng thống ngụy Sài Gòn.

Vũ Ngọc Nhạ sinh ngày 30-3-1928, tại làng Cối Khê, xã Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình, tham gia Mặt trận Việt Minh sau ngày Toàn quốc kháng chiến, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1947. Bốn năm sau, anh trở thành Thị ủy viên của thị xã Thái Bình. Anh đã từng là một trong 300 đại biểu kháng chiến được mời về dự Hội nghị chiến tranh du kích đồng bằng Bắc Bộ (1952). Tại đó, sau vài lần gặp gỡ, biết anh có ít nhiều kinh nghiệm làm công tác địch vận ở vùng địch tạm chiếm ở Thái Bình, chính Hồ Chủ tịch đã chọn anh vào hàng ngũ những người tiên phong làm công tác tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài với Mỹ – ngụy. Anh được đích thân Bác Hồ căn dặn: “Nhiệm vụ của chú là vào Nam tìm cách nắm bằng được Mỹ – ngụy đã làm gì, chúng đang làm gì và sẽ làm gì…”. Để tạo vỏ bọc an toàn, người cán bộ Cộng sản Vũ Ngọc Nhạ đã thâm nhập vào quân đội Liên hiệp Pháp và có cơ hội chụp ảnh chung với cha Lê Hữu Từ, cha Cassaigne tại Hải Phòng vào cuối năm 1954 trước khi lên tàu di cư vào Nam không lâu lắm.

Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, với tờ căn cước hợp pháp, Vũ Ngọc Nhạ đưa vợ con từ làng Cối Khê, xã Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình theo quân đội Pháp xuống tàu Hải Phòng di cư vào Nam. Anh tìm cách “bọc mình” thật kín và âm thầm làm nhiệm vụ.

Có thể nói, trận chiến đấu thật sự của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ bắt đầu vào một buổi sáng tháng 12-1958. Do Tá Đen, một tên chiêu hồi chỉ điểm, bọn mật vụ thuộc đoàn công tác đặc biệt của Ngô Đình Cẩn do Dương Văn Hiếu cầm đầu đã bắt cóc anh. Sau hơn một tháng giam giữ tại địa điểm bí mật ở đường Bến Vân Đồn, Quận 4, Vũ Ngọc Nhạ bị bọn mật vụ chuyển ra trại Tòa Khâm (Huế). Suốt 8 tháng trời, bằng các thủ đoạn và mọi ngón nghề khai thác, lừa bịp, mị dân, kẻ địch vẫn không phát hiện được con người thật của Vũ Ngọc Nhạ. Trước sau, chúng chỉ biết về anh như tất cả “sự thật” mà tổ chức đã chuẩn bị sẵn khi đưa anh vào sống trong lòng địch. Trong trại Tòa Khâm, Vũ Ngọc Nhạ bắt được liên lạc và được “anh Mười” – tức đồng chí Trần Quốc Hương – và được giao nhiệm vụ trèo cao, chui sâu vào trong lòng địch để hoạt động.

Từ cái “vỏ bọc” của tổ chức trao cho, dựa vào ảnh hưởng của cha Lê Hữu Từ, cha Hoàng Quỳnh ở nhà thờ Bình An và Phát Diệm mà anh đã có dịp biết, anh bắt đầu hành động. Lúc này, chế độ Ngô Đình Diệm rất cần sự ủng hộ của các linh mục có tiếng chống Cộng quyết liệt này. Vũ Ngọc Nhạ đã khéo léo biến mình thành “cầu nối” cho hai bên kết gắn với nhau. Từ đó, dần dần anh chiếm được lòng tin của Ngô Đình Cẩn – Cố vấn miền Trung của chế độ Ngô Đình Diệm. Cẩn đã “bắt cầu” cho anh sang cha Thục, Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm. Bản tường trình phân tích kỹ bốn nguy cơ “đe dọa chế độ mà Ngô Tổng thống đã dày công vun đắp”, mà anh trình lên họ Ngô đã khiến Ngô Đình Cẩn, sau đó là cả Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm quan tâm chú ý. Khi được hỏi, Vũ Ngọc Nhạ đã khéo léo hé cho anh em họ Ngô biết rằng tất cả những ý kiến trong tờ trình đều là của giám mục Lê Hữu Từ, anh chỉ là người lĩnh hội và được thừa nhiệm báo nguy chế độ. Đánh giá rất cao “trách nhiệm” và sự sâu sắc của “bản tường trình”, đồng thời tưởng nắm được cơ hội tìm sự ủng hộ của khối Công giáo di cư do giám mục Lê Hữu Từ và linh mục Hoàng Quỳnh lãnh đạo, anh em Diệm – Nhu đã tỏ ra khá vồ vập, mời Vũ Ngọc Nhạ về làm cố vấn. Đồng thời cho rằng nhờ anh mà mối bất hòa giữa Phát Diệm với anh em Ngô Tổng thống cũng được dỡ bỏ, nên cha Lê, cha Hoàng cũng hởi lòng, coi Vũ Ngọc Nhạ như người thân tín. Linh mục Hoàng Quỳnh còn lấy họ của mình đặt cho anh tên mới là Hoàng Đức Nhã.

Tại Dinh Độc Lập, với những ý kiến sâu sắc về sách lược, chiến lược và chiến thuật đối phó với thời cuộc sâu sắc, Vũ Ngọc Nhạ đã khiến anh em Diệm – Nhu vì nể. Vì thế, chẳng bao lâu, anh đã trở thành một người tâm phúc, thường xuyên được cùng bàn bạc những vấn đề cơ mật, sinh tử với anh em họ Ngô. Một hôm họp gia đình có đầy đủ anh em họ Ngô và Vũ Ngọc Nhạ, Ngô Đình Diệm đã tự đặt biệt danh 5 con rồng cho 5 anh em. Diệm bảo: “Từ nay Ngô Đình Thục là Hồng Long, Ngô Đình Diệm là Bạch Long, chú Nhu là Thanh Long, chú Cẩn là Hắc Long, thầy Hai (tức Vũ Ngọc Nhạ) là Hoàng Long. Đã là anh em trong nhà, thầy Hai không cần phải ý tứ gì”. Mở được cánh cửa quyền lực của anh em họ Ngô, Vũ Ngọc Nhạ đã nhanh chóng liên kết với các đồng chí của mình như Lê Hữu Thúy (ủy viên phụ tá Thông tin chiêu hồi), Vũ Hữu Ruật (ở Tổng nha Cảnh sát sau là ủy viên tuyên huấn trung ương lực lượng tự do và phó tổng thư ký thường trực đảng Liên minh dân chủ), Nguyễn Xuân Hòe (ủy viên Văn phòng Tổng thống), hình thành nên một mạng lưới tình báo (lưới A22) nắm giữ các vị trí chủ chốt trong ngụy quyền Sài Gòn để khai thác tin tức chiến lược phục vụ đấu tranh cách mạng.

Làm cố vấn cho Diệm, Vũ Ngọc Nhạ có điều kiện tiếp cận với các quan chức cấp cao trong chính phủ ngụy quyền, với Tòa thánh Vatican, Giáo chủ Pie XI, Khâm sứ Tòa thánh Sài Gòn, Đức hồng y Xpenman Mỹ… để nắm tình hình, tìm kiếm tin tức.

Tình hình ở miền Nam ngày càng trở nên phức tạp khi chính quyền Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp các giáo phái vũ trang Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo. Mỹ buộc phải thực hiện kế hoạch “thay ngựa giữa dòng”. Sau cuộc đảo chính nhằm thăm dò thái độ trung thành của các  tướng lĩnh ngụy quân Sài Gòn với chế độ nhà Ngô vào tháng 11-1960 bất thành, việc thực hiện các mưu đồ chính trị của bọn chúng được điều hành thận trọng hơn. Ngày 1-11-1963, cuộc đảo chính do Dương Văn Minh cầm đầu diễn ra thành công, anh em Ngô Đình Diệm bị giết, chế độ chính trị Việt Nam Cộng hòa lung lay. Lúc này, người Mỹ đang ra sức chọn đối tượng lên thay Diệm, tướng Nguyễn Văn Thiệu một giáo dân ngoan đạo, được các cha cố, linh mục có cảm tình là một trong những con bài lọt vào mắt họ. Vũ Ngọc Nhạ được ủy quyền đại diện cho khối Công giáo tổ chức ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống. Cuộc vận động thành công, Thiệu tha thiết mời ông vào Dinh Độc Lập làm cố vấn đặc biệt. Ngay sau ngày lễ nhậm chức Tổng thống, Nguyễn Văn Thiệu sang phòng làm việc của Vũ Ngọc Nhạ bảo: “Thầy Hai dàn xếp cùng người Mỹ đưa tôi lên làm Tổng thống, tôi rất biết ơn thầy. Nhưng khi thầy muốn hạ tôi xuống, thầy phải “xinhan” trước cho tôi nghe, đừng để tôi phải chết nhục như anh em Ngô Đình Diệm!”. Từ đó Vũ Ngọc Nhạ được Nguyễn Văn Thiệu tin cẩn hoàn toàn và coi ông như là một chiến hữu “tử vì đạo”. Không chỉ có Thiệu mà người Mỹ cũng rất cần ông, vì ông làm cố vấn cho Thiệu nên Mỹ muốn qua ông để thăm dò Nguyễn Văn Thiệu, và Thiệu cũng dựa vào ông để biết “ý tứ” người Mỹ. Vì vậy, ông càng có điều kiện nắm bắt tình hình của cả hai bên. Thành công quan trọng của lưới tình báo A22 là lôi kéo được Huỳnh Văn Trọng, từng là một bộ trưởng dưới thời Bảo Đại, nhưng bị Ngô Đình Diệm bỏ rơi hoàn toàn nên tỏ ra bất mãn. Vũ Ngọc Nhạ đã cố vấn cho Huỳnh Văn Trọng tạo dần thanh thế rồi dùng uy tín của mình trợ giúp Nguyễn Văn Thiệu trở thành Tổng thống, được Thiệu vừa hàm ơn, vừa sủng ái đặt vào ghế cố vấn ngoại giao Phủ Tổng thống (tương đương bộ trưởng). ở vị trí này, Huỳnh Văn Trọng có điều kiện tiếp xúc và lấy được hàng loạt văn kiện, chính sách tối mật của Mỹ – ngụy, giao lại cho Vũ Ngọc Nhạ để Trung ương Cục miền Nam kịp thời có đối sách đấu tranh. Tháng 6-1968, dưới sự dàn xếp và tham mưu của Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Văn Thiệu đã cử Huỳnh Văn Trọng cầm đầu phái đoàn Việt Nam Cộng hòa sang Hoa Kỳ tiếp xúc, gặp gỡ với hàng loạt tổ chức, cá nhân trong chính phủ và chính giới Hoa Kỳ. Chính những thông tin thu lượm được qua người này đã góp phần vô giá cho lãnh đạo của ta trước khi mở ra cửa đàm phán tại Paris với Mỹ.

Với vẻ bề ngoài là một con chiên ngoan đạo kính Chúa, luôn sẵn sàng tử vì đạo, nhưng Vũ Ngọc Nhạ, con người có công với mọi chế độ quyền lực ở miền Nam này vẫn không hề nhận bất kỳ một ân sủng, chức tước, bổng lộc nào của những kẻ đứng đầu chế độ mong muốn ban tặng, trả ơn. Cũng chính điều đó đã gây ra quanh ông không ít dư luận. Chẳng hạn, một lần, ông cùng Ngô Đình Nhu và Lệ Xuân lên Đà Lạt, sau khi trao đổi một số công việc, Lệ Xuân hỏi:

– Anh là Cộng sản à?

– Sao bà nghĩ vậy?

– Anh không cần tiền, không cần tình, chỉ có Cộng sản mới thế.

– Tôi cũng từng là Cộng sản. Nhưng tôi đã “từ bỏ” Cộng sản lâu rồi.

Lệ Xuân lắc đầu:

– Tôi thấy anh lạ thật. Làm việc cho Chính phủ mà không nhận phụ cấp. Gia đình anh thì nghèo xác. Sáng nào trước khi vào phủ Tổng thống anh chả đèo rau ra chợ cho bà vợ anh bán, tôi biết chứ…”.

Làm cố vấn cho mấy đời Tổng thống ngụy, mọi phụ cấp anh đều cúng cho nhà thờ. Bù lại, sự tin cậy của chế độ đã giúp anh lấy được hàng loạt tài liệu chiến lược, sách lược tuyệt mật, từ kế hoạch xây dựng ấp chiến lược, kế hoạch Stanley Taylor thời Diệm đến kế hoạch “bình định” nông thôn, kế hoạch Phượng Hoàng, sách lược chiến tranh đặc biệt, cục bộ thời Thiệu v.v.. để Đảng kịp thời có đối sách lãnh đạo đường lối đấu tranh.

Thêm một điều thú vị nữa, là cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhưng trong trận Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, theo kế hoạch, chính Vũ Ngọc Nhạ sẽ là người chỉ huy biệt động thành tấn công Dinh Độc Lập, bắt hoặc tiêu diệt Nguyễn Văn Thiệu. May cho viên Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, trước giao thừa đã cùng vợ con về quê ngoại (Tiền Giang) ăn tết nên không có mặt. Đêm trước giao thừa, khi tiếng súng tổng tấn công nổi lên khắp nơi, Vũ Ngọc Nhạ – lúc đó đang thay Thiệu “trực” tại Dinh Độc Lập – đã chủ động mở hầm rượu của Tổng thống để “úy lạo anh em binh sĩ”, khiến lực lượng phòng vệ trong Dinh Độc Lập say bò lăn bò càng, tạo điều kiện cho cuộc tấn công của quân ta. Tuy nhiên, do kế hoạch có sự thay đổi nên cuộc tấn công vào Dinh đã không nổ ra, để kết quả là sau Tết, Nguyễn Văn Thiệu hết lời khen ngợi và cảm ơn “ông Cố vấn” với sáng kiến mở hầm rượu “lên dây cót anh em” cho nên Dinh Độc Lập đã được giữ nguyên, trong khi Tòa Đại sứ Mỹ cách đó chỉ 300m thì bị Quân giải phóng giã nát.

Trong lúc Nguyễn Văn Thiệu đang tin dùng Vũ Ngọc Nhạ, thì Cục Tình báo CIA Mỹ đã bắt đầu ngờ vực anh. CIA và mật vụ Mỹ nghi ngờ rằng có một nhóm Cộng sản đang “thao túng” Dinh Độc Lập nên đã theo dõi sát sao và giăng bẫy khắp nơi. Chúng đã gặp Nguyễn Văn Thiệu và cảnh báo ông ta rằng: một lưới tình báo Bắc Việt trong Dinh Tổng thống đang ngầm phá Mỹ và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Cầm đầu lưới này là Vũ Ngọc Nhạ, người mà ông ta tin cẩn nhất. Nhưng Thiệu vẫn không tin Vũ Ngọc Nhạ là Việt Cộng nằm vùng mà cho rằng đấy chỉ là mưu đồ của người Mỹ muốn hạ uy tín của anh. Nhưng rồi, do những sơ hở trong khâu lấy tin, CIA đã có được bằng chứng về hoạt động của Vũ Ngọc Nhạ và ngày 16-7-1969 cả lưới tình báo A22 sa vào tay giặc (trừ Trần Quốc Hương, người chỉ huy cao nhất đã kịp thời rút lui an toàn). Sau hơn một tháng giam giữ, bọn mật vụ và CIA đã dùng mọi cực hình đánh đập, tra khảo, nhưng anh vẫn không nói một câu. Đau đớn về thể xác, Vũ Ngọc Nhạ còn chịu đựng được, nhưng nỗi vò xé về tinh thần thì không chịu nổi: toàn bộ hoạt động của mạng lưới tình báo đã bị kẻ địch nắm được đầy đủ. Để cứu những người bị bắt oan, đồng thời để có cơ hội tiếp tục đấu tranh công khai khi phiên tòa được mở, Vũ Ngọc Nhạ quyết định thừa nhận những gì mà kẻ địch đã có đủ bằng chứng. Hy vọng Vũ Ngọc Nhạ chịu hợp tác, CIA đã cử người đến gặp và đề nghị anh nhận mình là người của CIA. Lời đề nghị này tưởng chừng là một nước cờ cao: vừa nâng uy tín cho CIA (vì lúc này cái tên Vũ Ngọc Nhạ và lưới tình báo A22 đã nổi tiếng), vừa có cơ may tháo mớ bòng bong chính trị đang ngày càng rối tung lên do vụ bê bối đưa đến. Nước cờ cao nên cái giá không thể thấp: khởi điểm CIA sẽ trả cho Vũ Ngọc Nhạ 2 triệu đôla, trương mục mở vào bất kỳ ngân hàng nào do anh yêu cầu, cộng với khoản lương tháng cực cao. Thế nhưng Vũ Ngọc Nhạ đã không đồng ý. Anh cũng từ chối mọi thiện chí giúp đỡ của các luật sư, từ chối biện hộ trước tòa để biến phiên tòa xử anh thành vô giá trị. Vậy là, từ thắng lợi vì phá được một “vụ gián điệp lớn nhất mọi thời đại”, CIA và ngụy quyền Sài Gòn lại rơi tõm vào sự thảm bại của một vụ bê bối chính trị không lối gỡ. Mọi công việc của bị cáo đều do… Tổng thống hợp hiến ủy thác hoặc ra lệnh. Nhân chứng quan trọng nhất của “vụ án” chắc chắn tòa sẽ không triệu tập được vì đó chính là… Tổng thống. Tất cả mọi vụ việc, tình tiết có thể nêu lên đều hoàn toàn là chính sách, chủ trương công việc của chính phủ và đều dính tới các chóp bu chính quyền từ tổng thống, bộ trưởng đến dân biểu, CIA, thậm chí dính đến cả… Tổng thống Mỹ. Mặt khác, Nguyễn Văn Thiệu cũng phản ứng: chính CIA cố tình dàn cảnh để chặt tay, chặt chân Thiệu. Chưa hết, Tòa thánh Vatican và cộng đồng Thiên Chúa giáo di cư cũng cho rằng đây là âm mưu của CIA và chính quyền Thiệu nhằm làm cho Thiên Chúa giáo Việt Nam suy yếu. Sự việc xảy ra đã khiến những kẻ ngồi ghế quan tòa lúng túng, không dám tuyên bố một án tử hình nào. Cả 4 người chủ chốt, gồm: Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Lê Hữu Thúy, Nguyễn Xuân Hòe, đều bị kết án chung thân khổ sai và đày ra Côn Đảo. Oái oăm hơn nữa, ngày 23-6-1971, tại Roma diễn ra một đại lễ cầu nguyện cho những ân nhân của Giáo hoàng, Phêrô Vũ Ngọc Nhạ đã được ghi nhận là “người con hiếu thảo của Chúa, vệ sĩ nhiều công đức của Giáo hội, ân nhân của Giáo hoàng Paul VI”, được Đức Thánh Cha ban ơn, tặng bằng khen và huy chương của Giáo hoàng. Hai ngày sau, 25-6, một linh mục khâm sai của Vatican đã vào tận khám Chí Hòa trao tặng các phần thưởng cho Vũ Ngọc Nhạ.

Thái độ ủng hộ của Giáo hoàng Paul VI đã giúp Vũ Ngọc Nhạ, dù đang ngồi tù, uy tín vẫn tăng vùn vụt. Suốt những năm ông bị lưu đày tại Côn Đảo, hàng loạt dân biểu, chính khách, chức sắc tôn giáo và cả cha tuyên úy trong quân đội Mỹ đều viết thư, nhắn hoặc ra tận nơi để thăm hỏi và xin Vũ Ngọc Nhạ cho ý kiến. Năm 1973, thi hành những điều khoản của Hiệp định Paris, chiều 23-7-1973, Vũ Ngọc Nhạ được trao trả tại Lộc Ninh, với danh xưng là “linh mục Giải phóng”. Vì thế, cho đến lúc này, khắp miền Nam vẫn không một kẻ nào nghi ngờ vị trí, ảnh hưởng của anh trong chính trường miền Nam. Linh mục Hoàng Quỳnh và nhiều vị chức sắc khác của Tòa thánh Vatican vẫn đều đặn từ Sài Gòn liên lạc với anh ở vùng giải phóng. Uy tín của anh ngày càng lên cao; ngày 12-11-1974, cha Hoàng còn sẵn sàng theo chân Liên – con gái lớn của Vũ Ngọc Nhạ – ra vùng căn cứ của ta ở Đồng Lớn (Trung Lập Thượng, Củ Chi) để cùng anh bàn bạc về lực lượng thứ 3 và chính phủ ba thành phần ở miền Nam theo Hiệp định Paris. Và, chính với tư cách của một người thuộc lực lượng thứ 3, trưa ngày 30-4-1975, Vũ Ngọc Nhạ đã đứng bên cạnh Dương Văn Minh khi viên Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn tuyên bố đầu hàng Cách mạng vô điều kiện. Vào giờ phút đó, với tâm trạng rối bời, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà cuối cùng đã không để ý thấy một chi tiết: Con người nhỏ bé đứng bên cạnh ông ta đang nở một nụ cười, nhẹ nhàng nhưng tươi tắn và mãn nguyện.

Sau ngày giải phóng, trong bộ hồ sơ ta thu được tại Tổng Nha Cảnh sát ngụy quyền có đoạn viết: “Từ trước đến nay, ngoại trừ những giai thoại giả tưởng trong tiểu thuyết trinh thám, chưa bao giờ có những tổ điệp báo thành công như thế. Cụm A22 hoạt động do ông Vũ Ngọc Nhạ cầm đầu phát triển đều đặn và thi thố nhiều thủ đoạn mà chúng ta phải nhìn nhận là huyền diệu và sâu sắc… Cụm đã phát triển một hệ thống điệp vụ vô cùng quan trọng và đã len lỏi vào nhiều cơ quan đầu não của Việt Nam Cộng hòa. Những tin tức chiến lược họ cung cấp đều có giá trị, giúp cho Hà Nội có những dữ kiện chắc chắn khi ấn định chính sách của họ đối với cuộc chiến tranh”.

Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, thầy Bốn, anh Hai Long, ông Cố vấn… đã lập nên những chiến công khiến cả kẻ thù cũng phải khâm phục, trở thành một mẫu chiến sĩ tình báo độc đáo, tạo ra một triết lý hoạt động phản gián có một không hai từ trước tới nay. Ông mất ngày 7-8-2002.”

error: Content is protected !!