Vilhelm Stieber là điệp viên cao thủ danh tiếng – chiến hữu của “Thủ tướng Sắt” Bismarck (sở dĩ có biệt danh này là vì ông ta thường phát biểu yêu cầu thi hành chính sách “bằng sắt và máu”). Thủ tướng có lần đã gọi Stieber là “ông vua tình báo”, còn các sử gia đánh giá đây là một “tên đểu cáng tầm cỡ quốc tế”.
Stieber sinh ngày 3 tháng 5 năm 1819 tại thành phố nhỏ Merseburg xứ Saxon trong một gia đình tiểu công chức, tên rửa tội là Johann Carl Edward. Từ Merseburg gia đình đã chuyển đến Berlin, nơi Stieber được đào tạo để trở thành một mục sư Tin Lành. Nhưng hắn chọn cho mình con đường khác. Học xong, Stieber làm luật sư. “Chiến tích” đầu tiên được lịch sử ghi nhận của hắn là chiếm được lòng tin của ông chú vợ chủ xưởng dệt thành phố Silez là Sleffel, người rất yêu mến Stieber. Stieber đã kích động một vụ âm mưu giả nổi tiếng dưới tên gọi “âm mưu thung lũng Girsberg”, hình như có dính líu đến cuộc nổi dậy của thợ dệt thành phố Silez. Thực ra lỗi duy nhất của Sleffel là ông ta theo quan điểm tự do và tuyên truyền điều đó trong giới công nhân. Stieber đã giao nộp ông chú yêu quý cho cảnh sát như một kẻ chủ mưu phản loạn.
May cho Sleffel là những bằng chứng do Stieber đưa ra không đủ để kết án. Trong khi đó Stieber đã khéo giả vờ đến mức vẫn tiếp tục được ông chú tin cậy và coi như là người bạn tốt nhất của mình. Stieber giả danh một người cấp tiến kiên định, bạn của giới công nhân và ủng hộ các nhà xã hội chủ nghĩa. Cảnh sát không cản trở hắn vì biết đó là một gián điệp giá trị.
Giả làm người tự do chủ nghĩa, Stieber lọt sâu vào nhóm các nhà tự do chủ nghĩa, kích động các “bạn của mình” phát biểu chống chế độ và sau đó chỉ điểm bắt họ. Một lần hắn dẫn đầu đoàn biểu tình hô vang những khẩu hiệu phản đối hoàng đế Phổ Fridrich Vilhelm, một tên vua hèn nhát và ngu dốt (về sau bị tước quyền lực và nhốt vào bệnh viện tâm thần). Khi đoàn biểu tình tiến đến gần, vị hoàng đế hết sức hoảng hốt, nhưng Stieber bằng cách nào đó đã đến bên cạnh và thì thầm: “Tâu hoàng thượng, xin đừng sợ, có thần đây, mọi chuyện sẽ ổn cả thôi!” Hoàng đế rất đẹp lòng và chẳng bao lâu sau lập tức phong Stieber làm giám đốc cảnh sát mật vụ.
Từ khi là trạng sư, Stieber đã bằng mọi cách chiếm được lòng tin của những người tự do chủ nghĩa, bảo vệ họ tại tòa, phát biểu những lời lẽ tiến bộ to tát. Ngoài ra hắn ta còn bào chữa thành công cho hàng ngàn tội phạm hình sự.
Hoạt động bào chữa sở dĩ có kết quả là bởi vì với cương vị chủ bút một tờ tạp chí của cảnh sát, Stieber được vào Bộ Cảnh sát tìm hiểu tài liệu cảnh sát thu thập được để trình tòa chống lại khách hàng của mình. Quan tòa và công chúng không biết điều đó nên hết sức thán phục trí thông minh sắc sảo của hắn. Quan hệ quen biết và tình bạn với những tội phạm hình sự không ít lần được Stieber lợi dụng về sau này.
Sau khi hoàng đế Fridrich Vilhelm bị quan nhiếp chính hạ bệ, Vilhelm I lên ngôi đã truất chức giám đốc cảnh sát của Stieber. Hắn bị thất sủng. Không thất vọng, hắn chạy sang Peterburg và tham gia tổ chức quân vụ, một cơ quan còn tồn tại hoạt động tận đến trước năm 1917 với chức năng như ban mật vụ nước ngoài của Nga. ở Peterburg, Stieber đồng thời hoạt động gián điệp cho Đức.
Hoạt động tình báo thực thụ của Stieber bắt đầu sau cuộc tiếp xúc làm quen với thủ tướng Bismarck.
Điệp vụ thành công đầu tiên của Stieber là vụ đánh cắp những tài liệu quan trọng của đại diện nước Áo trong Chính phủ Liên hiệp liên minh Đức của nam tước Prokes-Osten, do tên gián điệp Borman của hắn thực hiện (theo chỉ thị của Bismarck). Nhờ đó Bismarck có cơ hội làm tổn hại thanh danh đối thủ của mình và ép được triệu hồi người đó về nước.
Sau đó Bismarck sửa soạn gây chiến với Áo, giao cho Stieber tìm hiểu tiềm năng quân sự của nước này.
Lên đường sang Áo dưới lốt một nhà buôn lang thang, hắn ta kiếm con ngựa và chiếc xe thồ chở một vài thứ hàng nhẹ nhàng như tranh tượng thánh và tranh khiêu dâm. Cảnh sát không một lần nào nghi ngờ. Stieber giả bộ làm một kẻ “ruột để ngoài da”, hàng tháng trời lê la trong đám dân Áo cả quân nhân và dân sự, nghe ngóng nhặt nhạnh những thông tin mà mức độ phong phú và chính xác khiến cả người đứng đầu Bộ tổng tham mưu quân đội Phổ là Fon Monke phải sửng sốt. Nhờ các thông tin này, năm 1865 Phổ đánh bại quân Áo và đặt dấu chấm hết cho ảnh hưởng của nước Áo đến Liên minh các quốc gia Đức.
Sau chiến thắng này, Stieber trở thành đội trưởng đội cảnh sát mật do Bismarck thành lập để phục vụ cho Bộ tổng tham mưu.
Những quý tộc thuộc Bộ tổng tham mưu coi rẻ đám gián điệp, không cho Stieber vào nhà ăn sĩ quan. Bismarck liền mời Stieber cùng ngồi dùng bữa với mình. Ngoài ra Bismarck còn đề nghị Monke trao huân chương cho Stieber vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Monke cấp huân chương cho Stieber nhưng sau đó xin lỗi đồng nghiệp của mình vì đã tặng thưởng cho một tên bị họ khinh rẻ. Đáp lại Bismarck chỉ định Stieber làm thống đốc Briunn (Brno), thủ đô Moravia bị Phổ chiếm đóng.
Theo yêu cầu và với sự ủng hộ của Bismarck, Stieber đặt cơ sở xây dựng ngành tình báo Đức. Hắn thực hiện kiểm tra toàn bộ thư từ, điện tín từ mặt trận. Để nâng cao tinh thần quân đội và dân chúng, hắn thành lập Nha thông tin trung ương. Trong các bản tin hàng ngày, Nha này loan tin về những tổn thất nặng, sự hoang mang hoảng loạn, bệnh tật, tình trạng thiếu vũ khí đạn dược, và các mối bất hòa trong hàng ngũ quân địch. Stieber làm chìm ngập không riêng Đức mà toàn bộ các nước châu Âu khác bởi những thông tin theo chiều hướng đó. Hắn ta trục xuất hãng thông tấn lớn nhất Reuter khỏi Đức, nhưng chẳng bao lâu sau phát hiện ra rằng một chi nhánh của hãng đã triển khai hoạt động ngay ở Berlin. Hắn đồng thời đàn áp chi nhánh này và thành lập tại Berlin một hãng bán chính thức của bác sĩ Wolf. Hãng này khác Reuter ở chỗ có nguồn tin nóng và do chính phủ cung cấp.
Những công trạng của Stieber đã được đặc biệt quan tâm. Hoàng đế Phổ Vilhelm I, cách đó không lâu còn bất tín nhiệm Stieber, bắt đầu gọi hắn là “thần dân không được hiểu và đánh giá đúng” và điệp viên mật của mình, xứng đáng ban thưởng không chỉ vàng bạc và huân chương của quân đội, mà còn đáng được xã hội kính nể trọng vọng. Stieber được phong cấp cố vấn mật.
Sau chiến tranh với Áo, Bismarck lại chuẩn bị phát động một cuộc chiến mới – lần này là với Pháp.
Cuộc triển lãm quốc tế năm 1867 đã thu hút đến Paris nhiều quân vương, trong đó có Nga hoàng Alecxandr Đệ nhất I. Stieber được lệnh đến Pháp một đêm trước cuộc viếng thăm của sa hoàng Nga với mục đích phá hoại việc kí kết hiệp ước liên minh Nga-Pháp. Và ở đây Stieber đã gặp may. Qua đám thuộc hạ, hắn biết có âm mưu ám sát Nga hoàng đang được chuẩn bị. Như là một vị khách và đồng minh có thể của Napoleon III, sa hoàng nhất thiết phải có mặt ở cuộc diễu binh nhân danh mình. Tại đó có một người Ba Lan tên là Berezovski đã chuẩn bị thực hiện vụ ám sát. Biết được điều này, Stieber không thông báo cho cảnh binh Pháp. Hắn tin chắc trong trường hợp vụ ám sát thành công, liên minh Nga-Pháp sẽ bị đổ vỡ.
Thực tế đã xảy ra vụ ám sát nhằm vào Nga hoàng Alecxandr Đệ nhất I, nhưng viên đạn của tên khủng bố chỉ trúng tai con ngựa của viên quan giám mã đi cạnh nhà vua. Berezovski bị bắt. Tên này chỉ bị kết án nhẹ khiến sa hoàng hết sức tức giận, và việc kí kết đã không được thực hiện. Lúc này con đường cho quân Đức đã được mở.
Một trong những ưu thế quan trọng nhất của chiến lược quân sự là chất lượng vũ khí. Thời đó nước Phổ có một loại súng được đánh giá là tốt nhất châu Âu. Đổi lại, người Pháp nghĩ ra súng Mitrailleuse và giữ bí mật về điều đó. Năm 1868, Stieber cùng với hai thuộc hạ thân tín nhất đến Pháp. Trong thời gian đó nhóm gián điệp ba tên này đã chuyển về Berlin nhiều báo cáo mã hóa, thu xếp cho nhiều gián điệp sinh sống tại Pháp, còn khi lên đường về nước trước cuộc chiến tranh đã mang theo ba va li tài liệu. Về sau Stieber khoe khoang hắn đã có ở Pháp bốn mươi nghìn điệp viên. Con số tất nhiên là phóng đại nhưng khoảng gần mười đến mười lăm nghìn điệp viên trong tay hắn có khả năng là thật.
Stieber đã chuẩn bị cho cuộc tấn công nước Pháp với sự chính xác của người Đức. Hắn chú ý nhất đến đường sá, sông, cầu, kho vũ khí, kho tàng dự trữ và các tuyến thông tin liên lạc. Nhưng hắn cũng đồng thời tăng cường quan tâm đến tình hình dân chúng, thương mại, kinh tế, chính trị, tình trạng đạo đức của người Pháp.
Tin tức tỏ ra đáng tin cậy đến mức sau khi cuộc tấn công bắt đầu, quân nhu Đức biết chính xác số lượng và địa chỉ và ở nhà nông dân hay địa chủ nào có thể trưng thu những thứ phục vụ nhu cầu quân đội Đức. Còn nếu có kẻ cãi rằng anh ta có ít thịt, bánh mì và gà hơn những gì bị đòi hỏi thì sẽ được phát cho hai tờ giấy. Một tờ ghi rõ số liệu chính xác tài sản của anh ta, còn kia là tờ lệnh treo cổ. Anh ta được đề nghị chọn lựa. Và tất nhiên mọi người đều phải chọn tờ thứ nhất.
Stieber trong khi đánh giá cao công trạng và vị trí của mình ở nước Pháp bị chiếm đóng đã hoàn toàn trở nên quá trớn; hắn nhạo báng không chỉ người Pháp mà cả các sĩ quan Đức, vì vậy bị căm ghét và khinh bỉ hết sức.
Nhưng trong thời kì tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình hắn lại rút vào bóng tối. Lúc này hắn đã đóng vai người hầu của đại biểu Pháp Jules Favre và chiếm được lòng tin của ông này. Tất cả các tài liệu mật mà Favre mang theo, từng bức điện tín và thư từ đều đã qua tay hắn. Stieber biết tất cả và hài lòng xoa tay.
Năm năm sau thất bại, nước Pháp lại cất đầu và nghĩ cách phục thù. Cần phải dò la về các kế hoạch của người Pháp.
Stieber tìm kiếm ả Fon Kaulla từng có quan hệ gần gũi với tướng Pháp De Cisse khi ông này bị bắt làm tù binh ở Đức. Theo nhiệm vụ của Stieber giao phó, Fon Kaulla sang Pháp và gặp gỡ với De Cisse khi đó đã trở thành bộ trưởng quốc phòng. Cô ả kịp moi được nhiều tin mật từ ông này trước khi lộ mặt và bị trục xuất khỏi Pháp, còn De Cisse thì bị bãi chức bộ trưởng.
Đến năm 1880 Stieber đã xây dựng được ở nước Pháp một đội quân gián điệp đáng tin cậy từ dân xứ Alsace và Lorraine với con số lên đến hàng nghìn người. Những người này nắm chức vụ trong quân đội, trong các bộ, ngân hàng, nhà máy, khách sạn, quán hàng, trong ngành đường sắt, thu lượm tin tức cần thiết và sẵn sàng vào một ngày bất kì thực hiện các vụ phá hoại. Một gián điệp của Stieber là Vindel đã trở thành người đánh xe cho tướng Mercie – bộ trưởng quốc phòng và cùng với ông này “thanh tra” khắp tất cả các vùng và đồn binh trại lính.
Tại Paris, Stieber tổ chức chi nhánh hiệp hội bảo hiểm Berlin “Victoria” với toàn bộ nhân viên và đại diện là các sĩ quan Phổ trong phiên chế dự bị. Chi nhánh này tồn tại cho đến trước năm 1914. Khoảng nửa năm biên chế ở đây lại thay đổi nhưng không có người nào trong số nhân viên đó quay về Berlin mà không sử dụng kì phép nhận được để đi khắp các tỉnh miền Đông nước Pháp.
Chính Stieber đã thu nhận vào thành phần gián điệp “một sĩ quan quý tộc về hưu”, biến hoạt động trước đây bị khinh rẻ và lảng tránh này thành một nghề có uy tín và thể diện. Công tước Otto Gohberg vốn thuộc một dòng dõi quý tộc cổ xưa và danh tiếng đã trở thành gián điệp đắc lực và có ích nhất của Stieber. Ông này đã áp dụng vào hoạt động tình báo những ngón nghề, thủ đoạn bẩn thỉu để tóm gọn các ông bạn sĩ quan của mình. Stieber bắt đầu thu dụng đặc biệt thường xuyên những tay chân dạng này từ sau năm 1871.
Trong những “chiến tích tình báo” của Stieber có thể kể thêm vụ khiêu khích “khám phá” cái gọi là “âm mưu Đức-Pháp tại Paris” với mục đích bôi nhọ thanh danh “Quốc tế Cộng sản” do Marx và Engels thành lập. Tòa sơ thẩm không tìm được bất kì bằng chứng nào chống lại Quốc tế Cộng sản, Stieber theo chỉ thị của chính phủ Phổ đã sử dụng những bằng chứng ngụy tạo thô bỉ để xúi giục gây ra vụ xét xử. Câu chuyện này đã đi vào lịch sử với tên gọi “Vụ án Keln của những người cộng sản”. Nhờ hoạt động vạch trần tích cực của Marx và Engels trò hề xét xử thất bại nhục nhã.
Cuộc đời Stieber có không ít thành công, thất bại, các vụ khiêu khích và phản bội. Hắn qua đời năm 1892 và được chính phủ Phổ tổ chức mai táng long trọng.