Vaxili Zarubin (1894 – 1972) “Đằng Sau Thành Công Của Người Đàn Ông  Có Bóng Dáng Của Người Phụ Nữ”

Ông là người gốc Moskva, con trai một nhân viên hoả xa, cao lớn, mắt xanh, mái tóc vàng chải hất ra sau. Điều đó sau này đã đem lại ưu thế cho ông. Vaxili tham gia Thế chiến thứ nhất và Nội chiến. Từ năm 1920, ông làm việc ở VTRK (Uỷ ban đặc biệt toàn Nga về đấu tranh chống lực lượng phản Cách mạng), đấu tranh chống bọn phỉ, buôn lậu vũ khí và ma tuý ở vùng Viễn Đông. Từ năm 1925 ông làm việc ở Trung Quốc, Phần Lan theo con đường tình báo quân đội. Tổng cộng Zarubin công tác ở nước ngoài hai mươi lăm năm, trong đó mười ba năm làm nhiệm vụ bí mật.

Zarubin đi chuyến công tác bí mật đầu tiên cùng với người vợ thứ hai là Lida Gorskaia. Bà không chỉ là người vợ, giúp đỡ ông, mà còn là nhân viên.

Elidaveta Iulevna Zarubina sinh năm 1900 ở Bắc Bukovina trong gia đình người quản lý rừng ở một điền trang lớn. Bà sớm tham gia hoạt động cách mạng, từng là sinh viên của ba trường đại học ở Chernavitsi, Paris và Vienna, nói giỏi ngoại ngữ. Đặc biệt, tiếng Đức rất giúp ích cho bà vì Vaxili không biết ngoại ngữ này. ở Vienna, bà làm phiên dịch, sau đó là nhân viên của INO PGU (Cục I, Ban nước ngoài). Năm 1925, bà nhập quốc tịch Liên Xô và năm 1927, tới Thổ Nhĩ Kỳ làm việc. Bà từng là vợ của đảng viên Đảng Xã hội Cách mạng nổi tiếng Blumkin, người sát hại Mirbach, đại sứ Đức ở Moskva năm 1918 (Blumkin tới Thổ Nhĩ Kỳ để theo dõi Troski theo yêu cầu của INO PGU). Năm 1928, bà trở về Moskva, làm ở ban thư ký của OGPU và tại đây bà làm quen với Zarubin. Năm 1925, vợ chồng Zarubin tới Đan Mạch, sau đó là Pháp. Vaxili tới trước và làm quen với Maiya, con gái một người nhập cư trốn sang Pháp vì tham gia vào cuộc cách mạng năm 1905. Maiya giới thiệu vợ chồng Zarubin với cha. Sau này ông có biệt hiệu là “Uverlir”, và đã giúp họ được nhiều việc.

Mục tiêu của họ là cư trú một thời gian dài ở Pháp, móc nối liên lạc với các điệp viên ở đây, thu xếp để họ liên lạc với Trung Tâm và gây dựng các cơ sở mới. Nhiệm vụ chính là tổ chức hoạt động tình báo chống lại Đức. Ban đầu họ sống ở thành phố nhỏ Xenklu gần Paris. Vaxili là người khéo tay nên chung vốn mở một xưởng nhỏ sửa chữa ô tô, máy khâu, bếp dầu… Nhưng vợ chồng Zarubin cần phải tới Paris. Vaxili nhớ tới một điệp viên cùng làm ở Viễn Đông là “Basmachnic” hiện có em trai làm chủ xưởng quảng cáo nhỏ ở Paris. Họ tìm tới “Basmachnic” và làm quen với em trai ông ta. Zarubin tham gia làm việc ở xưởng quảng cáo, đóng góp tiền bạc, nhờ đó hoạt động của xưởng được mở rộng. Vợ chồng ông được phép sống tại Paris.

Vaxili và Lida thường gặp gỡ “Uliver” cùng các thành viên trong gia đình ông, hiểu rõ quan điểm của họ. Bản thân ông, vợ và các con có thái độ thân thiện với Liên Xô, sẵn sàng giúp đỡ. Zarubin đề nghị “Uliver” cho sử dụng căn phòng của ông ở Paris và ngôi nhà ở ngoại ô mỗi tuần một hoặc hai lần để gặp gỡ “các đồng chí”. Sau một hồi do dự và bàn bạc với vợ (biệt hiệu “Nhina”), “Uliver” đã đồng ý, nói rằng sẽ không nhận một đồng nào tiền nhà. Zarubin cảm ơn, đề nghị ông tránh trò chuyện với bạn bè về chính trị và không để lộ quan điểm cánh tả của mình. Maiya và em trai cũng bị lôi cuốn vào công việc tình báo. Maiya làm nhiệm vụ liên lạc, có lần cô đã tới Moskva và sau này tới Đức để liên lạc với vợ chồng Zarubin. Theo lời khuyên của Vaxili, con trai “Uliver” theo học trường quân sự, có được chức vụ khá trong quân đội Pháp. Trong nhà của “Uliver” và “Nhina” có phòng làm ảnh để xử lí những tài liệu nhận được. Việc hợp tác với gia đình này kéo dài 20 năm.

Lida Zarubin (biệt hiệu “Vardo”) gặp lại bạn cũ người Ameni (biệt hiệu “Druk”), quen từ hồi ở Vienna, đang sống với vợ ở gần Paris. Biết rõ nhiệm vụ của vợ chồng Zarubin, “Druk” kể cho họ rằng một nhà báo Đức cùng người yêu (gọi là “Khanum”), nhân viên tốc ký ở đại sứ quán Đức hay lui tới nhà mình. Một lần nhà báo nọ kể với “Druk” rằng tình cờ đọc được một thông báo quan trọng của sứ quán Đức gửi Bộ Ngoại giao về tình hình kinh tế Pháp. “Khanum” mang về nhà vì không kịp làm ở cơ quan. Cô sống không được khá giả vì phải nuôi mẹ già ở Đức. Theo lời đề nghị của Vaxili, “Druk”, với danh nghĩa là nhà báo đang cần thông tin, mời “Khanum” hợp tác. Mọi tin tức đều được trả tiền. Nhưng Zarubin thấy cần phải phát triển hơn nữa quan hệ làm ăn với “Khanum”.

“Vardo” làm quen với “Khanum” tại nhà riêng của “Druk”, từ đó được cô cung cấp tin tức. Bà dần hé lộ với “Khanum” là cô đang làm việc cho Moskva. Ít lâu sau bà nói rằng mình cần các tài liệu và sẽ trả nhiều tiền hơn. Để làm “Khanum” yên tâm, “Vardo” giải thích rằng những tài liệu này sẽ không lọt vào tay ai và được gửi tới Moskva không có tên cô. Vậy là “Khanum” đã tốc ký và in ra hầu hết mọi tài liệu gửi từ Đại sứ quán tới Berlin. Tình báo Xô Viết nắm được mọi báo cáo quan trọng. “Khanum” cung cấp tin tức cho tới khi cô trở về vị trí làm việc trước kia ở Berlin.

“Druk” giới thiệu vợ chồng Zarubin với một nhà báo người Hungari là “Rosa”, thư ký của nghị sĩ Pháp. Việc làm quen diễn ra như sau: “Druk” mời “Rosa” tới nhà mình và “tình cờ” gặp “Vardo” ở đó. Tại một nhà ga, trên đường quay về Paris, “Vardo” lại “tình cờ” thấy “người họ hàng” của mình là Vaxili (biệt hiệu là “Betti”). “Betti” “nhân thể” đi Paris nên mời họ lên xe. Sau vài lần gặp gỡ, “Rosa” đồng ý cung cấp tin tức (tất nhiên không miễn phí) về công việc trong nghị viện và tình hình ở Đức, Hungari. Đồng thời “Betti” và “Vardo” làm việc với các điệp viên khác, trong đó có viên cựu tướng lĩnh của quân đội Sa hoàng là Pavel Pavlovich Diaconov. Ông có quan hệ rộng rãi với các sĩ quan Nga lưu vong trong “Hiệp hội sĩ quan Nga”. Những tin tức của Diaconov được Moskva đánh giá cao. Ông được nhận huân chương Lê dương Vẻ vang. Giao lưu với giới quân sự cao cấp Pháp, chính ông đã cung cấp cho Phòng nhì, Tổng tham mưu quân đội Pháp tài liệu của tình báo Xô Viết về các tướng lĩnh và sĩ quan Pháp có tư tưởng ủng hộ phát xít. Điều đó cần thiết để ngăn Đức và Pháp có quan hệ thân thiện hơn trên quan điểm chung chống bolsevich. Việc làm này có hiệu quả, góp phần làm mối quan hệ giữa các nước này trở nên lạnh nhạt.

Sau bốn năm sống ở Paris, vợ chồng Zarubin trở về Moskva, nhưng ít lâu sau họ nhận nhiệm vụ mới sang Đức hoạt động. Việc ông không biết tiếng Đức sẽ thành vấn đề vô cùng nan giải nếu như không có Lida giúp. Thời gian đầu họ được giao nhiệm vụ hết sức khó khăn là trong vòng một tuần phải khôi phục lại mạng lưới hoạt động bí mật đã bị gián đoạn vì phần đông các điệp viên đã trở về nước. Hầu hết họ là người Aryan, Do Thái nên ở lại Đức không những không được việc, mà còn nguy hiểm. Một trong số những điệp viên quan trọng nối lại được liên lạc đầu tiên là Willi Leman – “Braitenbac”, nhân viên Gestapo. “Vardo” giữ liên lạc với ông cho tới khi rời Berlin (1937). điệp viên quan trọng khác là “Winterpheld”, lúc đầu chỉ là tuỳ phái viên của Bộ Ngoại giao Đức. Những cuộc gặp gỡ với ông do “Vardo” đảm nhiệm. Dần dà “Winterpheld” được thăng chức, nắm được cách giải mật mã Đức. “Vardo” dạy ông cách chụp ảnh tài liệu.

Năm 1937, vợ chồng Zarubin rời nước Đức, mọi liên lạc với “Winterpheld” bị gián đoạn. Tháng 10 năm đó, điệp viên A.I.Agaians tới Berlin, nối lại liên lạc với ông và có được những tin tức có giá trị. Nhưng vào tháng 11 năm 1938, điệp viên này thấy rằng “Winterpheld” mang tư tưởng phát xít nên đã cắt đứt quan hệ. Năm 1940, “Vardo” tới Berlin, một trong những nhiệm vụ của bà là nối liên lạc với “Winterpheld”. Ngày 11 tháng 6 năm 1941, bà tình cờ gặp ông tại ga tàu điện ngầm Kiopenhich, ông tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ như trước kia. Cuộc gặp mặt tiếp theo được ấn định ngày 21 tháng 6 năm 1941, nhưng không thành vì mọi cửa ra vào của Sứ quán đều bị Gestapo canh phòng. Ngày 22 tháng 6 năm 1941 “Vardo” và các nhân viên khác của Sứ quán bị cầm giữ, sau đó được đưa về nước qua Thổ Nhĩ Kỳ. Số phận của “Winterpheld” không rõ ra sao. Cũng chính vào thời gian đó, trong chuyến công tác cuối cùng của “Vardo” tới Berlin trước chiến tranh, Trung Tâm giao cho bà nhiệm vụ nối liên lạc với Augusta, vợ nhà ngoại giao người Đức. Bà có mối tình lãng mạn với một chiến sĩ tình báo. Năm 1931, điệp viên Fedor Parparov làm quen với bà, sau đó bà đồng ý hợp tác. Nhưng bà lại đem lòng yêu ông say đắm. Bà cung cấp cho ông những tài liệu lấy của ông chồng làm ngoại giao. Năm 1938, Fedor bị gọi về Moskva, bị bắt do bị vu khống (năm 1939 ông được thả và tiếp tục công việc tình báo). Ngày 10 tháng 12 năm 1940, “Vardo” gặp Augusta, trao cho bà ta bức thư của Fedor. Sau đó “Augusta” cung cấp cho bà những tin tức có giá trị, việc hợp tác này kéo dài tới lúc “Vardo” phải rời nước Đức.

Hãy quay trở lại những năm tháng khi vợ chồng Zarubin ở Đức. Năm 1934 việc liên lạc với “Khanum” được nối lại. Cô cung cấp những tin tức quí giá hơn vì làm việc ở bộ máy trung ương, Bộ Ngoại giao. Song sự hợp tác có hiệu quả này không tiếp tục được vì “Khanum” bị ốm nặng và qua đời. Vì không thể trực tiếp gặp gỡ các điệp viên người Đức, Vaxili Zarubin lãnh đạo toàn bộ mạng lưới điệp viên ngầm, bao gồm cả các liên lạc viên. Một trong số họ là Kitty Harris.

Ngoài nhiệm vụ thu thập tin tức, Zarubin còn có nhiệm vụ bảo vệ các điệp viên. Một thành tích của ông trong lĩnh vực này là ngăn ngừa được thiệt hại do hợp tác với một người Đức tên là Karl Flic-Steger (“Nhạc công”). Kiểm tra hoạt động của người này, Zarubin kết luận rằng, ông ta hoặc là kẻ phiêu lưu, khiêu khích, hoặc là điệp viên của Mĩ. Trong mọi trường hợp, bản thân ông lẫn mọi liên lạc của ông đều bị hai cơ quan an ninh của Đức là Abver và Gestapo theo dõi. Rất may là ông đã kịp thời áp dụng biện pháp. Điệp viên thường xuyên liên lạc với “Nhạc công” được chuyển đi nước khác, quan hệ với ông ta chấm dứt. Zarubin còn kịp thời cứu tính mạng cho điệp viên có nhiều kinh nghiệm là Tacke, từ Moskva tới. Ông móc nối liên lạc với một người Đức là Meisnher, không ngờ đó là nhân viên của Gestapo (do “Braitenbac” thông báo). Erich Tacke kịp thời rời nước Đức. “Braitenbac” giúp Zarubin cứu một cơ sở hoạt động là nhà khoa học Hans Henrich Kummerov, làm việc tại hãng sản xuất theo đơn đặt hàng của quân đội. Ông có mối quan hệ rộng rãi trong giới khoa học và chính trị. “Braitenbac” thông báo việc Gestapo có hồ sơ của Kummerov và ông có nguy cơ bị bắt. Ông phải ngừng hoạt động hai năm. Trong thời gian đó mối nghi ngờ của Gestapo lắng xuống và ông quay trở lại hoạt động. Năm 1942, ông giao cho liên lạc viên của Liên Xô từ Stockholm tới những tài liệu có giá trị. Nhưng sau đó có kẻ phản bội nên Kummerov bị bắt cuối năm 1942 và bị hành quyết.

Đầu năm 1937, vợ chồng Zarubin tới Mĩ, thực hiện nhiệm vụ bí mật là tuyển điệp viên Mỹ làm việc tại Đức nếu chiến tranh xảy ra. Họ mong muốn có đặc phái viên liên lạc và tuyển được ba người. Cuối năm 1937, Moskva gọi vợ chồng Zarubin về vì một nhân viên tình báo ở nước ngoài phản bội. Nhân viên này biết Zarubin nên có thể bán đứng ông. Họ làm việc tại Trung Tâm.

Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1941, Vaxili Zarubin làm việc tại Trung Quốc. Tại đây ông gặp Valter Stennes, cố vấn và đội trưởng công ti bảo vệ tư nhân Thượng Hải. Thời trẻ, Stennes là bạn thân của Hitler nên biết mọi điều bí mật của y. Do đó Hitler muốn thanh toán ông. Nhờ có sự can thiệp của Hering, ông đã thoát và sang Trung Quốc. Song ông còn nhiều mối quan hệ ở Đức, gồm cả các sĩ quan có tư tưởng đối lập Hitler. Trước đó, một điệp viên ở Thượng Hải đã liên hệ với ông nhưng sau đó mất liên lạc. Zarubin được cử đến nối liên lạc. Trong câu chuyện, Stennes tỏ ý sẵn sàng làm bất cứ điều gì để tiêu diệt Hitler. Chính Stennes đã thông báo về việc quân đội Hitler tấn công Liên Xô. (Tin này còn được nhà báo Đức, là tình báo viên Xô Viết Richard George cung cấp).

Trước lời đề nghị của Zarubin, Stennes đồng ý cung cấp cho Liên Xô những tin tức quan trọng và yêu cầu một liên lạc viên. Stennes sau này thông báo tỉ mỉ về việc George bị bắt. Ông giữ liên lạc cả khi đã trở về Đức sau chiến tranh, đến năm 1952 mới cắt đứt.

Đêm 12 tháng 10 năm 1941, khi quân Đức tiến gần Moskva, Zarubin được gọi vào Cremli. Ông được đích thân Stalin giao nhiệm vụ mới: sang Mỹ tìm hiểu ý đồ người Mĩ và tác động đến đường lối của họ trong chính sách đối với nước Nga. Vài ngày sau, vợ chồng Zarubin đi Mỹ. Họ ra đi vào một ngày tháng 10, khi Moskva đang nhốn nháo. Mặc dù hiểu rằng mình đi làm nhiệm vụ quan trọng, nhưng họ vẫn có cảm giác như kẻ đào ngũ. Lần này Vaxili được giao làm bí thư Đại sứ quán. Ông đổi tên là Dubilin.

Vừa đặt chân tới Mỹ, họ lao vào làm việc không biết mệt. Khó mà hình dung nổi khi một mình “Vardo” trực tiếp liên lạc với hai mươi điệp viên, gặp gỡ với họ, trao đổi công việc, củng cố cho họ lòng tin vào công việc chính nghĩa mình đang làm, và điều chính là có được tin tức từ họ, sàng lọc và gửi đi. Công việc đòi hỏi phải đi lại từ Washington đến New York, Caliphornia, làm quen và gây dựng mối quan hệ. Tất cả các việc đó phải kết hợp với công việc ở Đại sứ quán như tham dự các buổi tiếp tân, mỉm cười với quan khách, trong khi mắt nặng trĩu vì thiếu ngủ hoặc nóng lòng chờ đợi tài liệu gửi về Trung Tâm. Trong số những người cùng làm việc với họ ở Mỹ có “Dvuk” – Iacov Golos, một người tài giỏi, bị FBI nghi ngờ và theo dõi, thậm chí bị xử vì vi phạm luật “Về đăng ký nhân sự người nước ngoài”, thế nhưng nhờ tài trí đã đóng góp to lớn cho công tác tình báo. Chỉ trong vòng vài tháng, ông có được mười hồ sơ khống để làm hộ chiếu có đầy đủ con dấu và chữ ký, hơn bẩy mươi chứng nhận quốc tịch và hai mươi bẩy giấy khai sinh. Ông giác ngộ được gần hai mươi người hoạt động tình báo, trong đó có “Braien”, nhân viên một bộ chủ chốt, “Olfsen”, người cung cấp tin tức về vấn đề vũ trang, “Rond”, giữ chức vụ trọng trách trong cơ quan chính phủ và giúp ích rất nhiều trong thời gian chiến tranh. Ngày 25 tháng 10 năm 1943, Golos đột tử vì nhồi máu cơ tim. Zarubin còn khá nhiều cộng sự và bạn bè ở Mỹ, nhưng Golos mất đi là một tổn thất lớn vì mối liên lạc với các cộng tác viên mình ông biết cũng mất luôn. Cũng chính qua “Dvuk”, mạng lưới điệp viên, và các mối quan hệ có được trong cộng đồng người Do Thái mà gây được ảnh hưởng có lợi cho Liên Xô tới nhiều nhân vật có uy tín trong chính phủ Mỹ và những người thân cận của tổng thống. Việc Mỹ tham chiến giúp các nước Đồng minh và nước Nga Xô Viết là một bằng chứng rõ ràng về điều này.

Nhiệm vụ của Zarubin vô cùng khó khăn, nhưng ông đã hoàn thành. Vào những năm 1942-1943 yêu cầu công tác thay đổi, vấn đề quan tâm hàng đầu là hạt nhân. Zarubin và “Vardo” tìm cách gây dựng mối quan hệ trong giới khoa học. Phải có cách tiếp cận mới, người quen mới liên quan tới vấn đề này. Vợ chồng Zarubin chưa phát huy được trong lĩnh vực mới này. Năm 1944, họ đột ngột bị gọi về Moskva để kiểm tra. Tình báo viên Mironov trong thư gửi Stalin đã buộc tội Zarubin hợp tác với cơ quan an ninh Mỹ. Mironov (bị bệnh thần kinh phân lập) kiên trì theo dõi những cuộc gặp gỡ của Zarubin với các điệp viên cung cấp tin tức, buộc tội họ là gián điệp của FBI. Vợ chồng Zarubin bị kiểm tra nửa năm và cuối cùng những lời buộc tội bị bác bỏ. Mironov phải ra hầu toà, may không bị kết án vì chuyên gia tâm lý kết luận anh ta bị tâm thần. Còn một lý do nữa khiến Zarubin bị gọi về. Một thời đại nguyên tử đã bắt đầu. Đối với tình báo, đó là thời kỳ săn lùng bí mật vũ khí nguyên tử. Cần một người biết kỹ thuật để vào cuộc.

Sau đợt kiểm tra Zarubin được giao chức vụ quan trọng là cục phó Cục Tình báo. Lida làm việc thêm nhiều năm nữa ở trong và ngoài nước. Sau khi nghỉ hưu, bà làm công tác huấn luyện tình báo.

Vaxili Zarubin qua đời năm 1972. Elizaveta Iulevna mất sau ông mười lăm năm.

error: Content is protected !!