Đây là một trong những nhà hoạt động trẻ nhất của đế chế Đức. Khi Hitler tổ chức cuộc “bạo động quán bia” và viết cuốn “Cuộc chiến đấu của tôi”, thì Valter đang là học sinh lớp năm trường trung học thực hành ở Lucxemburg. Cha hắn là chủ một xưởng sản xuất đàn dương cầm đến từ Saarbrukent, nơi công việc làm ăn của ông ta bị sa sút.
Năm 1929, Valter vào học trường Đại học Tổng hợp Bonn. Ban đầu hắn học ngành y, về sau là ngành luật, và không quan tâm đến chính trị. Valter gia nhập Đảng Quốc xã và SS năm 1933 chỉ vì con đường thăng tiến, và bởi vì hắn thích bộ trang phục SS màu đen.
Sự thật là hắn cũng thích Hitler vì ý tưởng đấu tranh khôi phục sự hùng cường của nước Đức. Tên luật sư trẻ này thăng tiến rất nhanh. Những kẻ đỡ đầu của hắn chính là Heidrich và Himmler, người đứng đầu Tổng Cục An ninh đế chế. Năm 1939, hắn đã chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động tình báo ở nước ngoài và đồng thời là trưởng Ban IV E của Tổng Cục An ninh đế chế, chịu trách nhiệm về hoạt động phản gián trong nước Đức. Hắn thường xuyên được tiếp xúc không chỉ với các chỉ huy trực tiếp của mình và các đồng nghiệp như Heidrich, Himmler, Kaltenbrunner, Canaris, Muller, mà cả với Ribbentrop, Hess và chính Quốc trưởng.
Văn phòng làm việc của Sellenberg gợi cho người ta nhớ đến những đồ trang hoàng phim trường Hollywood. Sellenberg tự miêu tả văn phòng làm việc của mình như sau: “Bên cạnh chiếc bàn viết khổng lồ là một bàn xoay nhỏ đặt đầy điện thoại và micro. Trong lớp ốp tường và dưới chiếc bàn viết, cũng như trong chiếc đèn giấu những thiết bị nghe lén tự động ghi lại bất kỳ cuộc trò chuyện nào, dù chỉ là tiếng thì thầm. Đập vào mắt người bước vào là những ô vuông nhỏ bằng dây điện chăng khắp cửa sổ: đó là hệ thống kiểm tra điện tử mà vào buổi chiều khi rời văn phòng tôi sẽ bật lên, khởi động hệ thống tín hiệu bảo vệ tất cả các cửa sổ, két sắt và những cánh cửa khác trong tòa nhà làm việc. Chỉ cần tiến đến gần vị trí đó tín hiệu báo động sẽ đổ dồn và sau vài giây là lực lượng bảo vệ sẽ có mặt.
Thậm chí chiếc bàn viết của tôi cũng giống một pháo đài nhỏ với hai nòng súng máy sẵn sàng nhả đạn. Chỉ cần cửa ra vào văn phòng làm việc của tôi bật mở là đạn từ đó tự động nhắm thẳng kẻ đột nhập mà vãi. Trong trường hợp nguy cấp chỉ cần bấm một chiếc nút là có thể khai hỏa. Chiếc nút thứ hai cho phép tôi bật tín hiệu báo động, khi đó lập tức tất cả các cửa ra vào của tòa nhà bị lính bảo vệ phong tỏa”.
Sellenberg không nằm trong nhóm những lãnh tụ quốc xã, ảnh của hắn ít khi xuất hiện trên báo chí, tên hắn cũng không quen thuộc với công chúng. Nhưng trong khi đó vị trí làm việc cho phép hắn luôn ở trong guồng máy đường lối do Hitler lãnh đạo liên quan đến quan hệ với đối phương, với các đồng minh của Đức và các nước bị chiếm đóng.
Bên cạnh việc chỉ đạo chung các chiến dịch tình báo, Sellenberg còn đích thân tham gia vào một số chiến dịch cụ thể nổi tiếng trong lịch sử tình báo của cả Thế chiến II.
Không lâu sau thời gian mở màn cuộc chiến tranh, vào tháng 10 năm 1939, tình báo Đức bắt đầu triển khai một “trò chơi” khá thành công với Cục Tình báo Anh. Thông qua một điệp viên của mình ở Hà Lan được cài vào một tổ chức của Anh, người Đức bắt đầu tung tin sai lạc rằng trong đế chế Đức hình như có một nhóm tướng lĩnh chống đối Hitler đang tìm cách tiếp xúc với phương Tây. Mục đích của “trò chơi” là thăm dò và tìm cách kiểm soát một số mắt xích của mạng lưới gián điệp Anh ở Đức.
Sellenberg đích thân sang Hà Lan dưới lốt một đại diện cho nhóm chống đối.
Sellenberg còn trẻ tuổi không giống một viên tướng nên hắn đã lôi kéo giáo sư bác sĩ Krinis là người có diện mạo sang trọng trông rất “tướng” vào chiến dịch. Sellenberg và Krinis có một số cuộc gặp với các đại diện của tình báo Anh là đại úy Patle Best và thiếu úy Richard Stevens. Quan hệ của họ tiến triển rất thuận lợi cho Sellenberg và tình báo Đức, bởi đột nhiên lại xảy ra chuyện bất ngờ: Hitler bị mưu sát tại Munchen. Quốc trưởng quyết định buộc tội người Anh trong âm mưu này và ra lệnh bắt Best và Stevens như là những kẻ cầm đầu vụ mưu sát. Sellenberg chống lại việc đó nhưng buộc phải phục tùng. Trong thời gian diễn ra cuộc gặp kế tiếp với người Anh tại thành phố nhỏ Venlo, một đội biệt kích SS đã vượt biên sang lãnh thổ Hà Lan bắt hai người Anh dẫn về Đức. Viên sĩ quan đi cùng người Hà Lan bị bắn trọng thương trong cuộc đọ súng.
Việc “buộc” Best và Stevens vào vụ mưu sát Hitler không thành công, nhưng rơi vào tay Gestapo họ đã khai hết những thông tin biết được về hoạt động của tình báo Anh. Ngoài ra Stevens còn cung cấp cho bọn Đức các mã số bí mật và điện đài của Anh.
Màn kịch này được gọi tên là “Chiến dịch Venlo” và trở thành nguyên nhân để Hitler buộc tội chính phủ Hà Lan vi phạm nguyên tắc trung lập. Dựa vào đó ngày 10 tháng 5 quân Đức tấn công Hà Lan. Bốn ngày sau nước này đầu hàng.
Best và Stevens bị giam trong trại tập trung cho đến ngày kết thúc chiến tranh.
Năm 1940, không lâu sau khi nước Pháp đầu hàng, Sellenberg theo lệnh của Ribbentrop bay sang Lisbon. Vào thời gian đó công tước Windsor, cựu hoàng Anh, người từ bỏ ngôi báu vì kết hôn với một phụ nữ Mỹ hai lần ly dị chồng là bà Simpson đang ở đây. Sellenberg phải dụ vị công tước sang Thụy Sĩ hoặc một nước trung lập khác. Với tính toán cựu hoàng và vợ là những người có tư tưởng thân Đức, Hitler dự định sau kết thúc chiến dịch “Sư tử biển” và chiếm được nước Anh sẽ đưa lên ngai vàng nước Anh vị vua trong tay mình.
Nhưng sự tham gia của Sellenberg trong chiến dịch này đã không mang lại thành công. Lòng yêu nước của cựu hoàng hóa ra lại càng thêm mạnh mẽ, ông đã đến quần đảo Bahama và nhận chức thống đốc ở đó.
Mấy tháng trước cuộc tấn công Liên Xô của quân Đức, Sellenberg tập trung đào tạo, huấn luyện và tung gián điệp vào Liên Xô. Đồng thời hắn cũng đẩy mạnh hoạt động phản gián chống người Nga, chú ý đến không chỉ các nhà ngoại giao Xô Viết, mà cả những Nga kiều lưu vong. Cứ ba Nga kiều thì có một trở thành gián điệp của hắn. Sellenberg dự tính sau này sẽ sử dụng chúng cho hoạt động trên lãnh thổ bị chiếm đóng. Trong hồi ký, Sellenberg viết: “Chúng tôi đã khám phá được nhiều cơ sở tình báo, nhiều tuyến liên lạc và địa điểm đặt điện đài bí mật… Chúng tôi cũng biết nhiều về các biện pháp hoạt động của họ và về các quan hệ giữa những nhóm gián điệp làm việc cho họ”. Nhưng thực ra Sellenberg đã phóng đại vì trước khi chiến tranh nổ ra tình báo Xô Viết chịu không nhiều tổn thất ở Đức.
Ngày 22 tháng 6 năm 1941, Sellenberg chính thức được chỉ định làm người đứng đầu Cục 6 (AMT-6) – là cơ quan tình báo ở nước ngoài. Chẳng bao lâu sau hắn ta có thể khẳng định rằng báo cáo của tình báo Đức phản ánh không đúng tiềm năng quân sự, kinh tế, tình hình chính trị và khả năng chống trả của Liên Xô. Cuộc chiến tranh du kích được tổ chức khéo léo đã trở thành điều hoàn toàn bất ngờ.
Quyết tâm cải tổ cơ quan tình báo, Sellenberg đặc biệt chú trọng đến chiến dịch “Seppelin” – chiến dịch thả dù ồ ạt các nhóm gián điệp tuyển chọn từ số tù binh chiến tranh người Nga vào vùng hậu phương sâu của Liên Xô. Những gián điệp này được huấn luyện kỹ lưỡng, kiểm tra mọi mặt và chịu sự tác động lớn về mặt tư tưởng. “Cuối cùng, – Sellenberg thú nhận, – phần lớn họ đã bị Dân ủy Nội vụ phát hiện”.
Sellenberg lôi kéo vào hoạt động chống Hồng quân cả Vlaxov và những kẻ chạy sang phía quân Đức khác. Trong hồi ký của mình hắn kể chuyện một đơn vị chiến đấu gồm các tù binh chiến tranh mang tên “Druzina” dưới sự chỉ huy của đại tá Rodionov (biệt danh “Gil”) đã đánh gục nhóm SS hộ tống đoàn tù binh và chạy sang với du kích. Nhìn chung du kích đã gây cho quân Đức không ít tổn thất.
Hitler muốn có thông tin về các đội quân du kích Nga, cơ cấu tổ chức, cấp trực thuộc và nhiệm vụ của họ. Hắn bị bất ngờ vì nhân dân Liên Xô đón quân Đức không bằng “bánh mì và muối”, mà với một cuộc chiến tranh du kích trên diện rộng. Sellenberg giải thích việc này như sau: “Người Nga đã sử dụng sự tàn bạo mà quân Đức gây ra trong khi tiến hành cuộc chiến tranh làm cơ sở mang tính hệ tư tưởng cho hoạt động du kích. Cái gọi là “Lệnh về các chính ủy” yêu cầu bắn sạch các chính ủy, việc tuyên truyền về “tính thiểu năng” của dân tộc Nga, các cuộc tàn sát… chính là những điều gây nên tinh thần phản kháng chống trả không ngừng. Bản báo cáo của Sellenberg bị Quốc trưởng và giới chức cao cấp thân cận của Quốc trưởng bác bỏ.
Cả báo cáo về yêu cầu cần xem lại chiến lược chính trị và quân sự ở nước Nga vì nó được xây dựng trên một đánh giá không đúng về tiềm năng của Liên Xô cũng bị bác bỏ. Hơn nữa, Hitler ra lệnh bắt giữ toàn bộ các chuyên viên tham gia lập bản báo cáo và buộc tội họ vì tinh thần bại chiến luận đó. Sellenberg đã bênh vực được các cộng sự của mình nhưng không thuyết phục được cả Hitler lẫn Himmler.
Một trong các hướng hoạt động của AMT-6 là khai thác thông tin từ các gián điệp đang giữ địa vị cao trong các ban tham mưu Xô Viết. Nhưng chúng ta sẽ không dừng tại đây bởi vì vấn đề này đã được soi sáng trong các phần viết về những nhân vật khác trong làng tình báo, từ đó chúng ta thấy rõ rằng cơ quan đặc vụ của Hitler trong trường hợp này đã trở thành nạn nhân “trò chơi” mà tình báo Xô Viết dẫn dắt trong chiến dịch “Tu viện” và “Berezino”, cũng như trong các trò chơi điện đài.
Năm 1942, đặc vụ Đức đã phát hiện và xóa sổ được một mạng lưới tình báo Xô Viết quy mô lớn có tên gọi là “Dàn đồng ca đỏ”. Về thực chất, có hai mạng lưới như vậy: một ở Berlin do Schulze-Boysen và Harnac chỉ huy, và mạng thứ hai ở Brussel đặt dưới quyền chỉ huy của Trepper. Trong việc khám phá được các nhóm này, Sellenberg đóng vai trò đáng kể. Thu được sáu mươi tư chiếc điện đài, quân Đức cũng bắt đầu “trò chơi điện đài”. Thực ra, như Sellenberg thú nhận: “Cũng phải mất ba tháng phát đi thông tin đúng và có giá trị để người Nga tin chúng tôi”. Còn sau đó người Nga hiểu rằng có kẻ đang bày trò chơi điện đài và cũng hành động tương tự đáp lại. Vậy là việc xóa sổ được “Dàn đồng ca đỏ” là một thành tích thì sự phát triển tiếp theo của sự kiện lại không mang đến thành công.
Sau đó Sellenberg xuất đầu lộ diện tại Thụy Sĩ trong vai trò “nhân vật chính thức của Vương quốc Anh” đang tỏ ra sẵn sàng khởi đầu “các cuộc thảo luận trước với đại diện của Đức”, thậm chí sau đó còn có sự ủy quyền của chính Churchill để đi đến các cuộc “thảo luận” này.
Khi Sellenberg đề xuất với Himmler về việc này, qua phản ứng của Himmler, Sellenberg hiểu rằng tên này sợ. Himmler đề nghị sẽ bàn luận vấn đề này với Ribbentrop là người cách đó không lâu ông ta đã có lời phát biểu chống đối.
Kế hoạch được trình lên Ribbentrop, ông ta trao đổi với Hitler. Kết quả là một bức thư nhân danh Ribbentrop gửi đến Sellenberg: chỉ có thể bàn luận với người Anh về việc đầu hàng của họ.
Himmler vẫn cho phép Sellenberg tiếp tục các mối tiếp xúc với người Anh thông qua các kênh trung gian, nhưng nói thêm là ông ta không muốn biết bất kỳ chi tiết nào.
Thay thế cho Heidrich ở chức vụ người đứng đầu Tổng cục An ninh Đế chế được chỉ định chiến hữu cũ của Hitler là Ernst Kaltenbrunner. Tên này và Sellenberg rất ghét nhau, nhưng buộc phải chịu đựng nhau. Sellenberg viết: “Những năm cuối cùng kinh khủng của cuộc chiến tranh đối với tôi toàn chuyện khổ sở”.
Một trong những thành công của cơ quan mật vụ là vụ án “Sixeron” về gã hầu phòng của đại sứ Anh tại Ancara là Sir Netchbull Hughessen. Tháng 10 năm 1943, tên hầu phòng này gạ bán những tài liệu của sứ quán Anh lấy những món tiền lớn. Hắn ta đã cung cấp những tài liệu hết sức có giá trị vẫn được báo cáo đều đặn lên cho Hitler. Khoảng vào tháng 2 hay tháng 3 năm 1944, “Sixeron” ngừng hoạt động của mình, còn vào tháng t4 Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ với Đức rồi chuyển sang phe các đồng minh phía Tây.
Giữa năm 1944, sau khi đô đốc Canaris bị bãi chức, Sellenberg trở thành người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quân sự (Abver). Lúc này chức năng của Sellenberg được mở rộng đáng kể.
Chiến tranh đi vào giai đoạn cuối. Những đòn giáng vào quân đội Đức những năm 1943-1944 (bắt đầu từ các trận Stalingrad, Kursk và kết thúc bằng sự đầu hàng của Italia cùng việc mở mặt trận thứ hai) đã khẳng định những dự báo của Sellenberg. Lúc này hắn sẵn sàng thương lượng kể cả với người Nga. Những cuộc gặp gỡ đầu tiên của Sellenberg lại diễn ra tại Stockholm với nhà ngoại giao Mỹ Hoopt, người đã hứa sắp xếp những cuộc điều đình chính thức. Trở về Berlin, Sellenberg đề xuất về cuộc đối thoại này với Himmler. Tên này nổi điên và cấm tiệt bất kỳ cuộc tiếp xúc nào với đối phương.
Thay vào đó Himmler đề xuất việc ám sát Stalin. Chúng tuyển mộ hai cựu quân nhân Xô Viết cho mục đích này. Những kẻ ám sát được trang bị mìn điều khiển bằng sóng vô tuyến và thả dù vào hậu phương Xô Viết. Nhưng sau đó liên lạc hoàn toàn bị cắt đứt. Rõ ràng, khi nhắc lại vụ này, Sellenberg có ý nói tới “vợ chồng” Silov. Hai tên này bị bắt giữ đúng vào hôm đầu tiên xâm nhập, và sau đó trò chơi điện đài với tình báo Đức được tiến hành nhân danh chúng. Về chuyện này Sellenberg cũng đã có nói đến.
Chính vào thời kỳ này, Sellenberg là người chứng kiến Hitler tuyên bố những câu đại loại như: “Nếu nước Đức thua trong cuộc chiến tranh này thì dân tộc Đức chứng tỏ sự không thượng đẳng sinh học của mình và đánh mất quyền được tồn tại… Đúng vậy, và khi đó nó đáng bị tiêu diệt… Kết cục của nước Đức sẽ khủng khiếp, và dân tộc Đức đáng phải chịu điều này… Nhưng rõ ràng là người chiến thắng sẽ không phải là phương Tây mà là phương Đông”.
Sellenberg tiếp tục những toan tính “kiến tạo hòa bình” của mình. Cuối năm 1944, hắn sắp xếp được cuộc gặp gỡ của Himmler với cựu tổng thống Thụy Sĩ Muzi. Nhưng cuộc đối thoại bị giới hạn trong việc tranh luận về vấn đề giải phóng khỏi các trại tập trung và đưa sang Thụy Sĩ vài nghìn người Do Thái để đổi lấy việc cung cấp máy kéo, thuốc men, ô tô và những hàng hóa khác mà nước Đức cần.
Như vậy là đã có một nghìn hai trăm người Do Thái được cứu thoát. Sau đó Sellenberg còn thành công trong việc đề nghị Himmler ban lệnh cấm di chuyển các trại tập trung có thể bị rơi vào tay quân Đồng minh.
Sellenberg thậm chí còn nối được tổ chức Chữ thập Đỏ Quốc tế vào các cuộc đàm phán với Kaltenbrunner, nhờ đó mà giải thoát được tất cả các phụ nữ Pháp bị giam giữ trong trại tập trung Ravensbruck.
Tháng 2 năm 1945, bá tước Thụy Điển Bernadot đến Đức. Đầu tiên Sellenberg và Kaltenbrunner gặp gỡ với ông ta, sau đó ông ta đến gặp Ribbentrop. Sau đó Sellenberg đã sắp xếp cuộc gặp của ông ta với Himmler (bất chấp lệnh cấm của Hitler). Họ thương lượng về việc tất cả những người Đan Mạch và Thụy Điển đang bị giam giữ trong các trại tập trung sẽ được di chuyển về một trại tập trung nằm ở miền Bắc nước Đức. Sellenberg đã chọn người của hắn để tổ chức cuộc di chuyển.
Sellenberg và Bernadot lúc này cùng nhau điều khiển những hoạt động liên quan đến việc đầu hàng của nước Đức. Sellenberg đã sẵn sàng cùng Bernadot bay đến gặp Eisenhower. Ngoài ra hắn còn sắp xếp cuộc gặp gỡ bí mật của Himmler với đại biểu Đại hội Do Thái toàn thế giới là Mazur, hoàn toàn giấu kín không thông qua Hitler, kẻ lúc này thực sự không còn điều hành đất nước.
Vào những ngày tồn tại cuối cùng của Đệ Tam Quốc xã, Sellenberg chạy đi chạy lại giữa Himmler, Bernadot và đại diện của chính phủ Thụy Điển, giữa Đan Mạch, Thụy Điển và Đức, tìm cách cứu vãn một cái gì đó. Mà có lẽ trước hết là cứu chính bản thân mình.
Ngày 30 tháng 4 năm 1945, Kaltenbrunner đã tước bỏ tất cả mọi chức vụ của Sellenberg.
Ngày 5 tháng 5 năm 1945, người đứng đầu chính phủ Đức thay Hitler là đô đốc Denis đã chỉ định Sellenberg làm phái viên đến Stockholm. Sellenberg đã tới nơi vào ngày 6 tháng 5 năm 1945. Đến đây cuộc đời chức nghiệp của hắn kết thúc.
Sau sự sụp đổ của nước Đức, Sellenberg tìm được nơi nương náu bên cạnh bá tước Bernadot. Tại đây Sellenberg lập tức lập báo cáo về các cuộc đàm phán mà hắn có tham gia trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh. Không lâu sau đó quân Đồng minh yêu cầu giao nộp Sellenberg. Tháng 6 năm 1945, hắn trở về nước Đức để ra trình diện trước tòa án Nuremberg.
Nhưng tại tòa án xét xử các tội phạm chiến tranh chủ yếu là Hering, Ribbentrop và những tên khác (Himmler đã kịp tự sát) – Sellenberg chỉ phát biểu với tư cách là nhân chứng. Phiên tòa dành riêng cho hắn bắt đầu năm 1947. Sellenberg được gỡ bỏ tất cả mọi cáo buộc, ngoại trừ hai tội: hắn là thành viên SS và SD là hai tổ chức bị Tòa án Chiến tranh Thế giới ở Nuremberg tuyên bố là những tổ chức tội phạm, còn Cục AMT-6 do hắn đứng đầu thì bị buộc phải chịu trách nhiệm về việc giết hại không qua xét xử và điều tra nhiều tù binh người Nga được chọn lựa để thực hiện chiến dịch “Seppelin”. Tòa kết luận rằng tội của Sellenberg được giảm nhẹ bởi những cố gắng trong việc giúp đỡ tù binh trong các trại tập trung do hắn quản lý vào giai đoạn cuối chiến tranh. Hắn bị kết án sáu năm tù giam. Đầu tháng 6 năm 1951, sau một cuộc phẫu thuật nặng, Sellenberg được giải phóng. Hắn đến định cư tại Thụy Sĩ và bắt đầu viết hồi ký. Nhưng chẳng bao lâu sau cảnh sát Thụy Sĩ yêu cầu Sellenberg rời đất nước mình.
Sellenberg dừng chân tại Italia, sống ở thành phố nhỏ Pallanso. Ngày 31 tháng 3 năm 1952, hắn chết trong bệnh viện Fornaka tại Turina.