Trebitsch Lincoln (1877 – 1943) Kẻ Đại Bịp Chính Trị

Nhân vật phiêu lưu và điệp viên quốc tế này hoàn toàn xứng đáng là kẻ đại bịp chính trị của thời đại vì đã nhúng tay vào nhiều vụ tai tiếng và lộn xộn trong xã hội. Tài năng biến hoá của ông đáng khâm phục. Ông thể hiện tài nghệ của mình không chỉ ở châu Âu, mà còn cả châu Mỹ và châu Á trong vai nhà báo, điệp viên, linh mục, nghị sĩ, kẻ làm giả giấy tờ, gián điệp hai mang, nhà sư, quan lại Trung Quốc. Điều gì giúp ông hoá trang tài tình như vậy? Ông chỉ là kẻ tính toán tàn nhẫn mong muốn làm giàu bằng bất cứ giá nào, hay ông có khát vọng quyền lực bệnh hoạn và đủ tài trí để đạt được điều đó bằng mọi cách khôn lường? Hay ông có máu phiêu lưu mạo hiểm tới mức coi thường mọi nguy hiểm? Thật khó mà nói được. Điều duy nhất ta biết được là ông lóe lên như sao băng và cuộc đời ông toàn những chuyện giật gân như bộ phim của Holywood.

Lincoln tên thật là Trebitsch, sinh khoảng năm 1877 tại thành phố Paks, Hungari, bên bờ sông Danube. Thành phố nhỏ này phất lên nhờ buôn bán. Cha ông có xưởng đóng tàu. Là con út, gia đình mong muốn ông trở thành giáo sĩ, vì thế ông được học hành tử tế nhất nhà. Niềm say mê chính của ông là học ngoại ngữ. Hai mươi tuổi, Lincoln đi du lịch nước Anh. Tại đây ông đột ngột cải đạo theo Anh giáo. Khi ông trở về nhà, người cha vô cùng tức giận, vì thế Lincoln lại lên đường đi du lịch tiếp. Năm 1899, Lincoln tới Hamburg và lại cải đạo theo giáo phái Lute.

Ông được “anh em” giáo phái gửi tới Canada để truyền giáo cho tín đồ Do Thái giáo. Nhưng rồi ông lại thay đổi và quay trở về với Anh giáo. Trong vài năm trời, ông là nhà truyền giáo Anh được đánh giá là mẫn cán, có năng lực. Sau đó ông tới Đức, rồi từ Đức lại xin về Anh. Ông trở thành cha xứ ở Kent. Song dân địa phương lại không muốn có cha xứ là người gốc Do Thái, sinh ra ở Hungari, vì vậy sau ba năm sống trong mối bất hoà với họ, ông trở về London. Tại đây ông tỏ ra là nhà báo có tài, làm việc cho vài tờ báo trong vòng một hoặc hai năm.

Năm 1906 là năm quyết định đối với ông. Ông lao vào con đường chính trị, làm quen với ngài Deeb Rountri, một tín đồ giáo phái Quây cơ nổi tiếng và đồng thời là nhân vật có thế lực của đảng Dân chủ. Trebitsch gây được ấn tượng tốt đẹp với Rountri nên được ông ta nhận làm thư ký riêng. Phải nói là Trebitsch đã trả ơn ông ta theo cách rất riêng của mình là ký giả tên ông trên tấm séc trị giá bẩy trăm bảng Anh. Hành động này nhiều năm sau mới bị phát hiện.

Mưu đồ làm chính trị của Trebitsch thành công năm 1910, khi ông trở thành nghị sĩ thành phố Darlinton. Nhưng ông không được trọng vọng lắm ở nghị viện thành phố vì ông là người ngoại bang, cách phát âm không chuẩn nhiều khi bị giễu cợt. Do vài lần được cử vào uỷ ban điều tra các vấn đề liên quan tới kinh tế châu Âu, ông làm quen với nhiều nhà chính trị, ngoại giao. Nhưng những chuyến đi này không mang lại của cải cho ông và ngay trước khi chiến tranh xảy ra ông mất chức nghị viện, tình thế buộc ông phải xoay xở.

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Những người bạn có thế lực giúp ông vào làm việc ở ban kiểm duyệt thư tín giữa Hungari và Rumani. Ông ở đó không lâu vì bị các đồng nghiệp coi thường và cho ông là “kẻ địch”, nghi ngờ ông sống hai mặt, cho dù lúc đó ông không hề có lỗi và không làm gì để bị đối xử như vậy. Ông buộc phải từ bỏ vị trí đó và lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Có lẽ, chính vào thời điểm này ông bắt đầu nung nấu ý nghĩ trả thù người Anh. Ông quyết định phản bội lại họ và làm gián điệp Đức. Với sự giúp đỡ của bạn bè, những người có thế lực và không hề nghĩ rằng cựu nghị sĩ lại có thể trở thành kẻ thù, Trebitsch lân la đến cơ quan tình báo Anh, được gặp một nhân vật có thế lực và bày tỏ nguyện vọng muốn làm điệp viên.

Trebitsch không đến tay không, ông mang theo một kế hoạch mà theo ông có ý nghĩa quan trọng đối với hải quân Anh. Tóm tắt kế hoạch đó như sau: Quân Anh điều vài chiếc tàu nhỏ tới biển Bắc và Trebitsch sẽ thông báo cho hải quân Đức. Hải quân Đức sẽ đưa tới đó lực lượng lớn hơn để tiêu diệt tàu chiến Anh. Điều đó giúp ông gây được lòng tin với quân Đức. Thủ đoạn đó lặp lại vài lần rồi sau đó sẽ là trận lớn. Tàu chiến lớn của Anh đến nơi kịp thời và tiêu diệt quân Đức. Đó là kế hoạch của Trebitsch, vừa mánh khóe, vừa mưu mô, nhưng lại cũng ngớ ngẩn.

Sau mười ngày chờ đợi vô vọng, Trebitsch được thông báo là lời đề nghị của ông không được chấp thuận vì chính quyền không thể thông báo cho ông tin tức về vị trí của tàu chiến Anh. Nhưng Trebitsch không nản lòng. Ông nảy ý đồ mới. Ông đề xuất ý kiến đi Rosterdam, giả là muốn làm gián điệp cho Đức, và đó là cách tốt nhất để phụng sự nước Anh vì ông sẽ trực tiếp nhận được tin tức và chuyển cho quân Đức tin giả. Người Anh đồng ý kế hoạch này. Ông được cấp hộ chiếu và tháng 12 năm 1914 lên đường đi Rosterdam. Tại đây ông đã gặp viên tổng lãnh sự Đức. Ông không ngờ rằng, mỗi bước chân của mình đều bị cơ quan phản gián Anh theo dõi vì họ chưa bao giờ tin ông có ý định phục vụ nước Anh. Những tin tức ông gửi từ Hà Lan về đều do chính Reginald Hall, phụ trách tình báo hải quân, xem xét kỹ lưỡng rồi kết luận là chúng chẳng có giá trị gì. Trebitsch bị gọi về Anh. Reginald tuyên bố rằng, Trebitsch là điệp viên hai mang và nên rời nước Anh càng sớm càng tốt. Trebitsch hiểu là nên không đợi ngài đô đốc đe dọa lần nữa, ngay ngày hôm sau ông đi New York trên con tàu “Philadelphia”. Trebitsch đến New York ngày 9 tháng 2 năm 1915. Điều đầu tiên ông làm là đến cơ quan mật vụ Đức, nhưng họ từ chối hợp tác và không tin ông. Trebitsch buộc phải quay lại nghề báo, viết bài cho những tờ báo thân Đức.

Đúng lúc đó ở Anh người ta phát hiện ông làm séc giả. Chính quyền Anh yêu cầu dẫn độ ông về Anh. Sau nhiều lần đàm phán, ngày 4 tháng 8 năm 1915, Trebitsch bị bắt và đưa về Anh. Mùa hè năm 1919, ông được thả và bị trục xuất về Hungari. Ông thấy không khí cách mạng trong nước không phù hợp nên lập tức bỏ đi Đức, nơi có nhiều cơ hội để “đục nước béo cò”.

Ông cố gắng để gặp được cựu hoàng đế Đức Wilhelm, sống lưu vong ở Hà Lan nhưng không thành. Trở về Berlin, ông liên kết với những người theo chủ nghĩa quân chủ và phản động, đứng đầu là Kap. Ông lại được dịp trổ tài làm báo, mở chiến dịch tâng bốc Kap, kẻ đang âm mưu phiến loạn.

Cuộc đảo chính phản động ở Đức do những người theo chế độ quân chủ, giới tư bản ngân hàng và công nghiệp phản động, đứng đầu là đại địa chủ Kap, đã bị dẹp tan. Kap chạy sang Thuỵ Điển.

Sau cuộc đảo chính không thành, cảnh sát có lệnh bắt giam Trebitsch, nhưng ông cùng đồng bọn trốn đi Munkhen, lập trụ sở mới ở đó. Tại đây Trebitsch làm được điều không ai làm được là thuyết phục cảnh sát trưởng Pocnhe và Car, thủ tướng Bavaria tham gia vào âm mưu mới nhằm chia rẽ Bavaria và Xacxonhia, Maclenburg và Berlin. Nhưng để làm được điều đó cần có nhiều tiền. Trebitsch được cảnh sát trưởng Munkhen cấp hộ chiếu giả và hai lần tới Berlin để gặp Ludendorf và những nhân vật có tiền bạc khác. Các thám tử ở Berlin theo dõi ông và gần như đã “tóm được gáy”, nhưng nhờ cảnh sát Bavaria kịp thời thông báo nên ông trốn thoát. Lần thứ hai tới Berlin, Trebitsch gặp đại uý Papst, một người giàu có và biết chỗ ẩn náu của Ludendorf. Họ tới gặp ông ta và Ludendorf đồng ý giúp đỡ. Trụ sở được quyết định rời đến Budapest để đồng thời phối hợp hoạt động với người Nga và Hungari theo chế độ quân chủ ở Berlin, Vienna và Budapest. Ngày 8 tháng 5 năm 1920 đại hội những người theo chế độ quân chủ được tổ chức ở Berlin. Trebitsch tới dự nhưng vì lý do nào đó không được hội nghị đón tiếp mặn mà. Họ cảnh báo rằng ông phải trốn vì đang bị cảnh sát săn lùng. Ông nghe theo và ẩn náu tại thành phố Trebin. Hôm sau ông tìm cách trở lại Berlin nhưng bị bắt tại sân ga. Trebitsch xin phép quay về nhà lấy đồ đạc. Cảnh sát đi kèm không mấy cảnh giác nên ông nhẩy qua cửa sổ và trốn thoát. Tang chứng có giá trị mà cảnh sát tìm được là thư từ bí mật nằm trong đế giày.

Trebitsch ẩn náu chỗ bạn bè ở Posterdam một thời gian, sau đó quay về Munkhen. Cảnh sát trưởng Pocnhe trao cho ông một bức thư gửi viên tổng lãnh sự Hungari tại Munkhen. Ông này đưa ông đi Vienna cùng đoàn ngoại giao. Nhưng ở Vienna ông lại bị theo dõi. Nhờ sự giúp đỡ của lãnh sự Hungari ông đã tới được Budapest, hi vọng kiếm một công việc phù hợp. Với mục đích đó, ông nghĩ ra một kế hoạch gần giống kế hoạch đã đề xuất với tình báo Anh. Lần này ông đến gặp bộ trưởng tuyên truyền của Hungari là đại tá Fon Pronei. Kế hoạch như sau: nhiều cựu binh sĩ Đức ở Hungari từng buôn lậu và phạm pháp hiện đang thất nghiệp. Nên cung cấp cho họ vũ khí Đức sót lại sau chiến tranh để đánh nhau với Áo và Tiệp Khắc. Nhưng kế hoạch không thành.

Trebitsch hiểu rằng, ông không gặt hái gì được ở Đức và Áo nên đã tới Italia, nơi những phần tử phát xít đang âm mưu giành chính quyền. Ông hi vọng tài cán của mình sẽ được chúng sử dụng, và quả là như vậy. ở đó, ông nhúng tay vào nhiều âm mưu nhằm đưa Mussolini lên cầm quyền, thực hiện các nhiệm vụ mật, tham gia sát hại đối thủ của Mussolini là Matheoti. Nhưng rồi vì bất hoà với người Italia nên ông bỏ đi. Một thời gian dài không có tin tức gì về ông, nhiều người cho rằng ông đã chết. Nhưng không phải vậy. Ông quyết định chia tay với châu Âu. Trên báo “New York world” xuất hiện bài của phóng viên từ Trung Quốc viết rằng đã gặp một người tên là Chilan, cố vấn chính trị của tướng Ngô Bội Phu, đồng thời là người tổ chức tuyên truyền chống Anh tại Trung Quốc. Qua những bài báo này, mọi người hiểu ra rằng, Chilan chẳng phải là ai xa lạ mà chính là Trebitsch Lincoln. Ông ta trâng tráo kể cho nhà báo Mỹ về sóng gió trong cuộc đời phiêu lưu của mình mà không cần che giấu âm mưu làm gián điệp hai mang trong suốt thời kỳ chiến tranh thế giới.

Những ai đã từng biết ông không hề ngạc nhiên khi được tin ông cải theo đạo Phật, trở thành quan lại của tướng Ngô Bội Phu. Vào cuối những năm 20, viên tướng này hăng hái tham gia cuộc nội chiến ở Trung Quốc, là công cụ cho chính sách của Anh và Mỹ. Trong một bài phát biểu của mình, Stalin đã viết: “Ngô Bội Phu và Trương Tắc Lâm không thể chống lại được cách mạng Trung Quốc nếu như không có sự ủng hộ của các thế lực đế quốc”. Một trong mắt xích liên lạc của sự tiếp tay này là Trebitsch-Lincoln.

Tin tức cuối cùng về kẻ phiêu lưu này liên quan tới kế hoạch trở về Anh của ông. Con trai ông lãnh án tử hình vì tội giết người, ông muốn gặp mặt con trước khi bị hành quyết. Chính quyền Anh không phản đối. Nhưng người cha đã chậm chân. Trong đời mình Trebitsch đã ném qua cửa sổ biết bao tiền bạc: có lần trung tướng Kraus mở cho ông tài khoản là 230.000 dollar. Nhưng lần này, khi về tới Pháp, khả năng tài chính của ông đã cạn kiệt, không đủ tiền mua vé để sang London. Ông không gặp được con.

Sau đó ông trở về Trung Quốc và mất ngày 7 tháng 10 năm 1943 ở Thượng Hải.

error: Content is protected !!