Sự phá sản của “Đồng chí Li Khai Chen”

Đó là một chiến dịch phản gián đã góp phần không nhỏ làm cho đạo quân Quan Đông của Nhật phải đầu hàng vào cuối Chiến tranh thế giới thứ II. Cho đến nay cũng mới chỉ có một nhóm nhỏ các chuyên gia được biết tới chiến dịch này – một chiến dịch do các cơ quan an ninh quốc gia Xô Viết tiến hành âm thầm mà đầy hiệu quả trong suốt những năm từ 1939 đến 1945 tại vùng Viễn Đông. Đối thủ chính của các chiến sĩ Treca (An ninh Liên Xô) là Cơ quan tình báo của Bộ Tổng tham mưu Nhật với siêu điệp viên Li Khai Chen có thâm niên 40 năm trong nghề.

Vào cuối năm 1938, tại thủ phủ Thẩm Dương của chính phủ bù nhìn thân Nhật Mãn Châu Quốc, trong ngôi nhà số 4, phố Liu Chuen Đưng, xuất hiện một tổ chức mới lạ. Dưới vỏ bọc là “một học xá tư thục”, nhưng bên trong ẩn giấu một trường đào tạo bí mật. Tại đây, bằng tiền của Nhật, với sự tham gia của các giảng viên người Nhật, trường đã đào tạo các điệp viên để chuẩn bị tung vào lãnh thổ Liên Xô. Đứng đầu “học xá” này là Li Khai Chen rất giàu có – ông chủ của hàng loạt xí nghiệp công nghiệp mỏ, đồng thời cũng là một điệp viên lão luyện của tình báo Nhật. Rất nhiều điệp viên của ông ta dưới vỏ bọc là các nhà buôn đã la cà khắp những vùng đông quân của Liên Xô để thu thập tin tức, còn Li Khai Chen thì sử dụng hệ thống thông tin rất tinh xảo của mình để đưa những thông báo chính xác tới Bộ Tổng tham mưu Nhật.

Cũng cần phải lưu ý rằng, ngay từ khi còn là một cậu bé nhà quê ở một làng hẻo lánh miền Bắc Triều Tiên, Li đã có dịp tiếp xúc với Bem Sen – một tên khủng bố và điệp viên nổi tiếng của Nhật khi đó đang bị lưu đày ở quê của Li. Chịu ảnh hưởng của Sen, Li đã thấm nhuần thuyết Đại Đông Á của Nhật Bản và thậm chí đã tham gia vào vụ mưu sát Hoàng đế Triều Tiên. Li rất tích cực giúp đỡ các ông chủ Nhật Bản trong việc chuẩn bị chiếm đóng Tổ quốc mình, đổi lại, Li giành được nhiều đặc quyền trong kinh doanh.

Vào giữa những năm 30, khi giới cầm quyền quân phiệt Nhật lên kế hoạch tấn công Liên Xô, nhà công nghiệp mỏ Triều Tiên này đã trở thành một nhân vật then chốt trong việc chuẩn bị thực hiện kế hoạch đó. Li Khai Chen đã viết một cuốn sách có tựa đề “Những hình dung của tôi về phòng thủ quốc gia ở biên giới Liên Xô – Mãn Châu Lý” được dùng làm tài liệu học tập trong tổng hành dinh và được báo cáo lên Nhật hoàng. Còn tác giả của cuốn sách thì chiếm một vị trí quan trọng trong “Hắc Long hội” – một đơn vị đặc biệt của tình báo Nhật được “đánh” sang Liên Xô.

Li Khai Chen đã soạn thảo cho các học trò của mình một lý lịch đầy thuyết phục: tất cả họ đều vào Liên Xô dưới danh nghĩa những nhà “Cộng sản yêu nước” Triều Tiên. Vị khách đầu tiên kiểu đó đã xuất hiện trên đất Xô Viết vào đêm 23-06-1939. Trước đó, Cơ quan an ninh vùng duyên hải đã nhận được thông báo từ đồn biên phòng rằng, phái bộ quân sự Nhật Bản ở Mãn Châu Lý đã chuẩn bị người để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt trên lãnh thổ Liên Xô. Phía Liên Xô ngờ rằng đó là sự chuẩn bị cho một vụ mưu sát Stalin và các vị lãnh đạo khác của Nhà nước Xô Viết. Bởi trước đó, tại cuộc diễu hành 1-5-1939 ở Moscva, người ta đã ngăn chặn được một âm mưu nổ mìn có sức công phá lớn do một điệp viên Nhật bí mật đặt ở Lăng Lênin.

Các biện pháp an ninh trên biên giới được tăng cường. Và lực lượng biên phòng đã bắt được một người vượt biên tự xưng là đảng viên Cộng sản Triều Tiên, được tổ chức Cộng sản bí mật phái sang liên lạc với chính quyền Xô Viết nhằm mục đích chuẩn bị cuộc nổi dậy chống Nhật tại nước mình. Nhưng rất nhanh chóng, các cơ quan an ninh Xô Viết đã nắm được ý đồ của Li là định thiết lập trên lãnh thổ Liên Xô một cơ sở phá hoại và mở ra một kênh thâm nhập hoàn toàn hợp pháp cho các môn đệ thuộc “học xá” Thẩm Dương tiếp cận với các đối tượng của các chiến dịch đặc biệt trong tương lai ở vùng duyên hải và ngoại vi Baical. Cáo già Li dường như đã tính toán tất cả. Chỉ có điều hắn đã không tính tới một thực tế là sự tồn tại của “tổ chức Cộng sản” đó đã được Bộ Nội vụ Liên Xô kiểm tra rất kỹ qua hệ thống điệp viên vùng biên giới của mình.

Không lâu sau đó, trên biên giới, lực lượng biên phòng Liên Xô lại bắt giữ được một điệp viên thứ hai của Li. Còn tên trước đó đã được Cơ quan phản gián Liên Xô gửi trở lại Triều Tiên, sau khi làm ra vẻ tin lời hắn nói. Moscva quyết định mở màn “cuộc chơi” với tình báo Nhật nhằm làm rõ hơn kế hoạch và ý đồ của Nhật. Điệp viên thứ hai của Li đã khai với các chiến sĩ an ninh Liên Xô rằng, hắn sang để kiểm tra xem có đúng là người thứ nhất đã gặp chỉ huy Xô Viết hay chưa và gần như lặp lại từng lời câu chuyện về sự tồn tại trên đất Triều Tiên bị Nhật chiếm đóng một tổ chức cộng sản mạnh mẽ đứng đầu là “đồng chí” Li, người đã thoát khỏi nhà tù của Nhật. Vị “sứ giả” này đã nhận được những đảm bảo mà hắn yêu cầu rồi cũng được gửi trở lại Triều Tiên.

Thế rồi, ngày 19-10-1939, trên biên giới Liên Xô đã xuất hiện cả một phái đoàn do “đồng chí” Li cử sang, đứng đầu là Takaiama, tự xưng là cựu biên tập viên của một tờ báo ở Seoul. Còn 2 người trong đó lại chính là 2 tên đã sang đầu tiên mà Li có ý định gửi lại ở Liên Xô để “học tập” phương pháp nổi dậy. Theo lời Takaiama, “đồng chí” Li đang nóng lòng muốn bí mật sang “thăm” Liên Xô và bàn cách đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị “lật đổ” bọn chiếm đóng.

Vào giữa tháng 2-1940, lại có 5 sứ giả trẻ tuổi nữa của Li qua biên giới Liên Xô, tới mùa xuân thì con số này đã lên tới 40. Cơ quan an ninh vùng duyên hải Liên Xô đã dành cho các “đồng chí” Triều Tiên một ngôi nhà có đủ tiện nghi ở trạm Đại Dương bên bờ vịnh Amur và tạo cho họ mọi điều kiện gần giống như các học viên quân sự Liên Xô. Tiếp theo là những giờ học do các cán bộ của Quốc tế Cộng sản (thực chất là các cán bộ an ninh Liên Xô) hướng dẫn. Trong quá trình đó, từng “chiến sĩ Cộng sản Triều Tiên” phải viết tự thuật chi tiết về mình. Phân tích những bản lý lịch tự thuật này, so sánh với các dữ liệu khác đã cho phép Cơ quan an ninh Liên Xô nắm vững được nhân sự của tình báo Nhật và thiết lập được sự kiểm tra đặc biệt đối với chúng.

Chẳng bao lâu sau, cùng với một nhóm “những người Cộng sản bí mật” khác, nhân vật phó của Chủ tịch Li tên là Kim En San cũng vượt biên giới vào Liên Xô. Ông ta khẳng định ý định của “lãnh tụ” Li là sẽ bí mật sang thăm Tổ quốc của Lênin và nếu có thể thì sẽ tới tận Moscva để xin đàm đạo với Stalin. Dưới sự dàn dựng của phản gián Liên Xô, không chút nghi ngờ, Kim đã trở về bên kia biên giới chuyển lời mời “thủ lĩnh” Li sang thăm Liên Xô.

Nhưng lão luyện trong các trò chơi phản gián, Li chưa vội xuất hiện. Hắn còn chờ đợi xem có những dấu hiệu nào chứng tỏ an ninh Liên Xô gài bẫy hay không. Cho nên qua liên lạc, lúc thì hắn thông báo, do hiến binh Nhật tăng cường truy nã nên không thể đi được, lúc thì đề nghị cho gặp gỡ các “đồng chí Liên Xô” ở… Mỹ. Nhưng lần nào hắn cũng nhận được câu trả lời rất thân thiện, hợp tình hợp lý rằng, Liên Xô sẵn sàng nghênh đón “đồng chí” Li ở bên bờ tả ngạn sông Amur.

Tháng 3-1940, Kim En San lại sang Liên Xô một lần nữa và lại được tiếp đón rất nồng hậu, rồi được đưa đi thăm trạm Đại Dương xem các “học viên Triều Tiên của các lớp Quốc tế Cộng sản” sống và học tập như thế nào. Sau chuyến đi này của Kim, Li Khai Chen đã tự đặt vấn đề với Cơ quan tình báo Nhật về chuyến sang thăm Liên Xô của mình với lý lẽ khá thuyết phục rằng, nếu tiếp tục trì hoãn sẽ làm cho người Nga sinh nghi. Còn trong trường hợp âm mưu bại lộ, hắn hứa sẽ tự kết thúc đời mình bằng cách rạch bụng theo kiểu các võ sĩ đạo.

Ngày 10-7-1940, Li Khai Chen được sự hộ tống của một số cộng sự đã có mặt trên lãnh thổ Liên Xô ở khu vực làng Poltavca. Và một cán bộ (an ninh) Nga đã ra tận biên giới đón tiếp thân mật. Chỉ vài tiếng sau, cả nhóm đã được đưa tới Vladivostok. Theo một kịch bản đã chuẩn bị trước, “đồng chí” Li được đưa đi thăm trạm Đại Dương để được tận mắt nhìn và tin tưởng vào sự tồn tại của các “khóa học Quốc tế Cộng sản”. Sau khi được nghỉ ngơi thoải mái và hoàn toàn yên tâm về mọi chuyện, “đồng chí” Li đã đề cập đến nguyện vọng được tới Moscva để gặp lãnh đạo tối cao của Liên Xô.

Cuộc hành trình của Li Khai Chen tới Moscva đã được chuẩn bị từ trước và được thực hiện chu đáo. Chỉ có điều không phải trên đoàn tàu tốc hành xuyên Sibir, mà là trong một cũi sắt ở toa đặc biệt dưới sự canh gác cẩn mật. Sau đó, trong phòng giam ở nhà tù Batưrski, do không có điều kiện để tự mổ bụng nên Li Khai Chen đã tuyệt thực. Ngày 16-4-1941, hắn đã bị chết vì bị đói trong bệnh viện nhà tù. Cùng lúc đó, tại vùng duyên hải, các môn đệ của “đồng chí” Li cũng được chuyển từ ngôi nhà đầy đủ tiện nghi ở trạm Đại Dương vào thẳng các phòng giam của Cơ quan an ninh Liên Xô. Nhưng điều thú vị là chiến dịch này vẫn chưa kết thúc ở đó, vì “khu học xá” ở Thẩm Dương và hàng chục cơ sở tương tự khác vẫn tiếp tục đào tạo những tên khủng bố và phá hoại khác. Do vậy cần phải tiếp tục đưa chúng vào tròng.

Qua một môn đệ của Li Khai Chen đã được Cơ quan an ninh Liên Xô cải hóa và tuyển mộ, một bức thư dường như do đích thân “lãnh tụ” Li viết đã gửi về bên kia, trong đó thông báo rằng, ông ta đã tới Moscva để hội đàm với lãnh đạo cao nhất của Liên Xô về việc mở rộng các khóa đào tạo dành cho các “đồng chí Triều Tiên” và do vậy các học viên đã được “chuyển tới” thành phố Molotov (nay là thành phố Permơ). Bức thư cũng đề nghị “ở nhà” tiếp tục cử sang Liên Xô những nhóm học viên tin cậy… Và thế là tình báo Liên Xô lần lượt đón lõng đưa vào trại giam tổng cộng hơn 2.500 gián điệp Nhật trong vòng 5 năm.

Về cái chết của Li Khai Chen sau đó, Cơ quan phản gián Liên Xô đã khéo léo tạo tình huống lý giải khiến phía Tokyo không thể nghi ngờ gì. Theo các “kênh đã được thử thách”, tình báo Nhật vẫn tiếp tục cử điệp viên của mình sang nhằm bổ sung và củng cố cho “đạo quân thứ năm” gồm toàn người Triều Tiên của Li Khai Chen. Theo lời khai của một sĩ quan tình báo Nhật bị Liên Xô bắt vào mùa thu năm 1945, thì phía Nhật đã chi không dưới 900.000 yên (thời đó) cho “tổ chức Cộng sản bí mật” của Li Khai Chen và hơn 300.000 yên chu cấp hằng năm cho gia đình của những điệp viên này.

Vậy mà cả một đạo quân ngầm đã bị Cơ quan phản gián Liên Xô vô hiệu hóa hoàn toàn. Chính việc đập tan ngay từ đầu chiến dịch gián điệp này đã góp phần đáng kể vào chiến thắng như vũ bão của Hồng quân Liên Xô trước đạo quân Quan Đông Nhật Bản.”

error: Content is protected !!