Sidney Reilly (1874 – 1925) “Khôn Ngoan Vẫn Sa Bẫy”

 Có lẽ nói không hề ngoa khi nói rằng bản chất con người Sidney Reilly là say mê nghề tình báo và những công việc phiêu lưu mạo hiểm. Người ta nói mỗi một thời đại đều sinh ra những người anh hùng. Sidney Reilly sinh ra trong một thời đại khác, có lẽ vì thế mà ông không có dịp thi thố tài năng của mình.

Ông sinh ra ở một vùng gần Odessa thuộc miền Nam nước Nga. Tên thật của ông là Digmund Georghievich Rodenblum. Không còn lưu giữ được những ghi chép về tuổi thơ của ông, nhưng người ta biết được rằng sự ham thích phiêu lưu mạo hiểm đã đưa ông phiêu bạt sang tận châu Mỹ Latinh. Người cha nuôi của ông mang tên họ Kallagan Sidney Reilly. Chàng thanh niên Nga lược bớt họ (Kallagan) và lấy tên của cha nuôi làm tên họ của mình: Sidney Reilly. Đây là một trong những giả thuyết nói lên rằng không ai biết được toàn bộ sự thật về cuộc đời ông.

Ở châu Mỹ, Sidney Reilly làm quen với thiếu tá cơ quan mật vụ Anh quốc Fotserghil và từ đó ông bắt đầu hoạt động tình báo cho Anh quốc. Không biết bằng cách nào mà Sidney Reilly được nhập quốc tịch Anh. Một vài phi vụ tình báo Reilly có tham gia và được trả tiền.

Trong thời gian chiến tranh Nga-Nhật, Sidney Reilly được phái đến Viễn Đông hợp tác với cơ quan tình báo của Nhật. Sau đó ông đến Peterburg. Ông vẫn tiếp tục hoạt động cho người Anh nhưng đề nghị được góp phần công sức cho tình báo Nga. Trong khi hoạt động tình báo ông kết hợp làm môi giới cho một vài phi vụ buôn bán và kiếm được những khoản tiền kếch sù. Năm 1906 ông tậu được một căn hộ khá sang trọng ở Peterburg, ngoài ra ông còn dành thì giờ sưu tập tranh và có được bộ sưu tập khá phong phú.

Mây đen thế chiến bao trùm bầu trời châu Âu. Nước Đức là kẻ thù chính của Nga và Anh. Theo nhiệm vụ được giao của cơ quan tình báo Anh, Sidney Reilly được bố trí làm thợ hàn ở một nhà máy quân sự Kruppa. Tại đây Sidney Reilly đã giết chết hai nhân viên bảo vệ và đánh cắp được những tài liệu mật. Sau vụ này Sidney Reilly nằm vùng ở Đức và được nhận vào làm việc ở một xưởng đóng tàu của Đức. Sidney Reilly được giao nhiệm vụ lấy cắp các bản vẽ mật và cùng lúc đem bán cho cả người Anh lẫn người Nga. Nhưng ông chủ điều khiển Sidney Reilly vẫn là Cơ quan tình báo Anh. Sidney Reilly được lệnh rời nước Đức, và năm 1918 lại sang Nga chuẩn bị cho cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ Chính phủ của những người bolsevich. Sidney Reilly vừa cộng tác với Savincov vừa làm việc với “ba Ngài đại sứ” (xem bài viết về điệp viên B.Lockhard), đôi khi cũng đưa ra được những ý riêng.

Một số nhân viên cơ quan an ninh Nga (Treca) như Smidkhen (tên thật là Buikis) và Berdin đều là người Latvia có ý định chạy sang hàng ngũ tình báo Anh đã đến diện kiến Lockhard.

Lockhard nhớ lại: “Tôi viết thư tay đề tên tướng Puli của Anh quốc, tư lệnh đơn vị quân can thiệp đóng ở Arkhangelsk, giao cho Smidkhen và Berdin đem thư đến đồng thời để giới thiệu hai người này với Sidney Reilly. Hai hôm sau Reilly hồi âm cho biết là cuộc hội đàm của họ diễn ra suôn sẻ, hai nhân viên Treca người Latvia không hề có ý định dính dáng đến sự thất bại của những người bolsevich. Sidney Reilly đưa ra đề nghị khởi sự cuộc bạo động chống cách mạng ở Moskva với sự trợ giúp của người Latvia. Tướng Lavern, Grenar và bản thân tôi thẳng thừng bác bỏ kế hoạch bạo động, và một cảnh báo đặc biệt đưa ra đối với Sidney Reilly là bất luận như thế nào cũng không được tham gia vào công việc nguy hiểm này”.

Tuy nhiên, như đã biết, Sidney Reilly bỏ ngoài tai lời cảnh báo ấy. Reilly vẫn tiếp tục làm con bài của âm mưu lật đổ mà kết cục của nó là thất bại thảm hại. Khi âm mưu lật đổ bị phanh phui thì tất cả bọn cầm đầu đều bị ra tòa. Reilly bị kết án vắng mặt vì đã kịp tẩu thoát.

Reilly bị kết án “ngoài vòng pháp luật” mà lúc bấy giờ “ngoài vòng pháp luật” có nghĩa là, nếu bị phát hiện và bắt giữ trên lãnh thổ nước Nga thì Reilly sẽ bị xử bắn mà không cần điều tra xét xử trước tòa.

Trong cuốn hồi ký “Nội tình của câu chuyện” Bruce Lockhard viết rằng, tính danh của Reilly được nhắc tới trong âm mưu lật đổ Chính phủ Xô Viết, nhưng Reilly đã biến mất tăm… Có lẽ ngài tổng lãnh sự Mỹ Puli (không phải tướng Puli người Anh) thiên về ý kiến cho rằng Reilly là nội gián, làm việc cho những người bolsevich nhưng giả vờ đóng vai tham gia âm mưu lật đổ. Có lần người ta cũng nhắc tới kế hoạch không giết Lenin và Troski mà chỉ dẫn hai người mặc quần áo lót trên đường phố Moskva. Đề xuất mang màu sắc tưởng tượng này chỉ có thể là của Reilly nghĩ ra mà thôi. Sau đó một thời gian Lockhard biết rõ Reilly hơn nhưng nhận xét của Lockhard về tính cách của Reilly vẫn như cũ. Lúc bấy giờ Reilly đã 46 tuổi, đó là một con người giàu nghị lực, có sức quyến rũ đối với phái đẹp, nhưng lại là một kẻ hiếu danh.

Lockhard đánh giá không cao về trí tuệ của Reilly. Có thể nói từ lĩnh vực chính trị đến nghệ thuật Reilly đều có kiến thức khá rộng nhưng không sâu. Nhưng bù lại ở Reilly lại có sự táo bạo, coi thường hiểm nguy.

Lockhard nhận xét rằng mặc dù ông không bao giờ nghi ngờ lòng trung thành của Reilly đối với các nước Đồng minh, nhưng ông cũng không bao giờ tin Reilly đã đi quá xa vào những cuộc thương lượng với những người Latvia. Lockhard đánh giá Reilly là một người có tư chất như Napoleon. Trong cuộc sống Reilly coi Napoleon là vị anh hùng… Reilly thấy mình như bị ném sang nước Nga và ở đây viễn cảnh những hoạt động tự do của Reilly khiến ông ta nảy sinh ý đồ giống như Napoleon. Lockhard viết tiếp rằng, theo lý luận của Reilly lúc đầu Berdin và những người Latvia khác thực lòng không muốn chiến đấu chống lại các nước Đồng minh. Đến khi họ hiểu ra rằng sự can thiệp của các nước Đồng minh không nguy hiểm thì họ mới giật mình tránh né Reilly và tố giác để bảo toàn mạng sống của mình.

Về đến Anh quốc Reilly vội vã đến gặp và thỏa thuận với Churchill và các nước Đồng minh can thiệp, sau đó lại sang Nga đến vùng phía Nam với tư cách là điệp viên Anh quốc thuộc quân đoàn Denikin. Khi phi vụ phiêu lưu này sụp đổ Reilly lại liên kết với Savincov là người lúc đó liên tục có những đề nghị các chính khách Anh quốc và nước Pháp ủng hộ ông ta. Reilly chi tiêu phung phí tiền bạc làm cạn kiệt tiền dự trữ của Savincov.

Tài chính eo hẹp nên Reilly đành phải cứu vãn tình hình bằng cách sang Nga với dự định hoạt động chống lại cách mạng. Đó là những lời Lockhard viết về Reilly. Dưới đây là những điều bổ sung và làm rõ thêm.

Vào những năm 20 của thế kỷ trước cùng với những chiến dịch truy bắt Savincov, tình báo và phản tình báo Xô Viết cũng tiến hành những chiến dịch khác chống các tổ chức Bạch vệ. ở Berlin có Hội đồng quân chủ tối cao, ở Paris có Liên minh quân sự toàn Nga là những tổ chức hoạt động nhằm mục đích lật đổ chính quyền Xô Viết và khôi phục chế độ quân chủ ở Nga.

Cuối năm 1921 đầu năm 1922, cơ quan an ninh toàn Nga (Treca) đã nhận được nhiều tin tức về sự có mặt ở nước Nga của một vài nhóm quân chủ muốn thiết lập quan hệ tiếp xúc trực tiếp với các Trung Tâm của các kiều dân Bạch vệ để được bọn này giúp đỡ chuẩn bị bạo động bằng vũ trang. Các nhóm quân chủ này thực chất không nguy hiểm gì, nhưng khi chúng được tập hợp dưới sự chỉ đạo của Hội đồng quân chủ tối cao thì lại là nguy cơ trầm trọng.

Lãnh đạo Treca quyết định chớp lấy thời cơ giành thế chủ động: thành lập Tổ chức quân chủ nước Nga Trung ương huyền thoại, và phấn đấu biến tổ chức này trở thành “Cơ sở” của Treca, mà qua đó Treca có thể nhận được thông tin, kế hoạch và dự định của kẻ thù. Tổ chức này của Treca được đặt tên là Tơrớt (Liên hiệp công ty) – tên gọi này chẳng có gì sai trái, đặc biệt là trong giai đoạn quyết liệt nhất của chính sách kinh tế mới (NEP). Nhiệm vụ của Tơrớt là phục tùng ý kiến chỉ đạo ở nước ngoài, và phải làm sao cho mọi người đều tin Tơrớt là tổ chức chống cách mạng ở trong nước, còn kiều dân ở nước ngoài chỉ là tổ chức trụ cột. Vì vậy Tơrớt có nhiệm vụ giúp kiều dân ở nước ngoài tài liệu, phát hiện gián điệp và những kẻ khủng bố tung vào nước Nga cũng như chớp lấy những kênh liên lạc với các điệp viên tình báo nước ngoài.

Artuzov – bạn chiến đấu của người đứng đầu Treca, Zerinxki, lãnh đạo trò chơi có tính chất tuỳ cơ ứng biến này của Tơrớt. Tơrớt phát triển cả hoạt động quân chủ lẫn hoạt động “gián điệp”. Các điệp viên tình báo Estonia, sau đó là Ba Lan, rồi Phần Lan bắt đầu nhận được “những thông tin có giá trị” nhưng thực chất chỉ là những thông tin đánh lạc hướng do Bộ tổng tham mưu Hồng quân tạo ra mà thôi. Các điệp viên Estonia, Ba Lan và Phần Lan lại trao đổi những thông tin này với các điệp viên Anh và Pháp. Chính vì thế mà không phải bao giờ họ cũng chú ý đến nguồn gốc thông tin, cho nên đối với họ thông tin nhận được là có tính thuyết phục, bởi lẽ do ba điệp viên của ba nước độc lập với nhau cung cấp. Điều này khẳng định độ tin cậy của nguồn thông tin.

Nguồn thông tin đánh lạc hướng đóng vai trò rất lớn: các cường quốc phương Tây cho rằng lực lượng Hồng quân rất mạnh, bởi vậy họ từ chối không tham gia vào các kế hoạch can thiệp mới, và kết quả là các cường quốc phương Tây đã quyết định thiết lập quan hệ hoà bình với nước Nga Xô Viết.

Tơrớt còn hoàn thành được thêm một nhiệm vụ nữa: đã làm cho Hội đồng quân chủ tối cao ở Berlin và Liên minh quân sự toàn Nga ở Paris bất hoà, hiềm khích lẫn nhau. Đối với Liên minh quân sự toàn Nga, Tơrớt đã lật đổ tướng Vranghel bật khỏi vị trí lãnh đạo, thay thế vào đó là tướng Cutepov – tướng Vranghel trước đó đã từng là ngọn cờ của phong trào Bạch vệ, nay uy tín ông ta đã giảm sút. Điều này rất quan trọng vì có thể nói Vranghel là lãnh tụ của Bạch vệ, còn tướng Cutepov chỉ là thủ lĩnh của nhóm kiều dân có xu hướng quân chủ trước hết của giới sĩ quan mà thôi.”

Để kiểm tra hoạt động của Tơrớt, tướng Cutepov phái người cháu gái Maria Dakhartsenko sang Moskva, Suls và chồng bà là Radkovis làm đại diện cho Liên minh. Điều này làm cho hoạt động của các tình báo viên Treca trở nên phức tạp, vì “những người cháu” của Cutepov, đặc biệt là Maria, là những kiểm tra viên rất kỹ tính. Tuy nhiên Treca đã kiểm soát được hoạt động của hai người này.

Mọi nhiệm vụ của Tơrớt được thực hiện thành công. Giờ đây Arturzov biết được tất cả những điệp báo viên từ nước ngoài phái đến. ở biên giới Liên Xô – Phần Lan mở thêm một “cơ sở” nữa, thông qua cơ sở này các điệp báo viên và thư từ được gửi tới. Chủ nhân “cơ sở” này là đồn trưởng biên phòng Toivo Viakhia.

Từ nhiều nguồn thông tin khác nhau phía Nga được thông báo là điệp báo viên Anh – Sidney Reilly – hiện đang ở Mỹ, rất quan tâm đến tình hình nước Nga. Những tin tức thu thập được về Sidney Reilly khẳng định rằng chính ông ta là người đang thực thi những biện pháp nhằm lật đổ chính quyền Xô Viết xuất phát từ động cơ cá nhân cũng như từ nhiệm vụ được giao của cơ quan tình báo Anh. Cuối năm 1921, Sidney Reilly tổ chức cuộc gặp giữa Savincov với Churchill và được Churchill mời đến gặp thủ tướng Anh quốc Leoyd George. Nhưng thủ tướng Anh quốc đã làm Savincov thất vọng vì ông ta chỉ nói nhiều về thương mại mà ít đả động đến chuyện khủng bố.

Tuy nhiên Sidney Reilly vẫn nuôi hi vọng vào Savincov, và trước khi Savincov sang Liên Xô năm 1924, Sidney Reilly đã hướng dẫn và dặn dò Savincov rất kỹ. Nhưng Savincov vẫn bị bắt và bị kết án.

Tổng cục Chính trị Quốc gia trực thuộc Hội đồng Dân uỷ Liên Xô nắm được thông tin là chính bản thân Sidney Reilly có ý định đến Liên Xô.

Nói đúng ra thì Sidney Reilly không phải là kẻ thù đặc biệt nguy hiểm mặc dù ngay từ năm 1922 Sidney Reilly đã tham gia vào việc chuẩn bị ám sát Uỷ viên nhân dân phụ trách ngoại giao Tsitserin. Tuy nhiên sau thất bại của Savincov mới vỡ lẽ ra rằng Sidney Reilly đã từng cộng tác với bọn Bạch vệ rắp tâm gây ra những vụ khủng bố ở Liên Xô. Sidney Reilly có liên hệ với một số nhà hoạt động của Tổ chức quân chủ nước Nga Trung ương và đề nghị cùng tiến hành một loạt vụ khủng bố. Zerinxki và Arturzov thông qua quyết định phải kéo được Sidney Reilly từ Mỹ đến lãnh thổ Liên Xô để bắt giữ ông ta.

Để nhử Sidney Reilly đến Liên Xô, hai ông quyết định chơi trò “may rủi”, sử dụng con bài Maria Dakhartsenco-Suls, nữ điệp báo viên đại diện cho tướng Cutepov tại Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương. Ý tưởng này cũng được Boys, viên công sứ của tình báo Anh quốc tại các nước vùng Baltic, ủng hộ. Viên công sứ viết một bức thư mật mã gửi sang Mỹ cho Sidney Reilly, trong thư Boys thông báo cho Sidney Reilly biết Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương là một tổ chức mạnh có khuynh hướng quân chủ mà tình báo Anh và Pháp rất quan tâm.

Sidney Reilly đồng ý và lên đường đi Phần Lan. Trên đường đi, qua Paris, Sidney Reilly đã có cuộc diện kiến với tướng Cutepov, là người ủng hộ ý kiến để Sidney Reilly thực hiện chuyến đi sang Liên Xô lần này.

Trong những ngày hạ tuần tháng 9 năm 1925, Sidney Reilly đến thủ đô Hensinki. Ngày 24 tháng 9, Iacusev, một trong những “thủ lĩnh” của Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương (thực ra Iacusev là tình báo viên của Tổng cục Chính trị quốc gia cử sang) đã gặp Sidney Reilly. Sidney Reilly trình bày quan điểm riêng về tình hình chính trị ở châu Âu, châu Mỹ và nước Nga. Sidney Reilly đề xuất hai hướng tài chính hoá Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương, đó là mua và đánh cắp các tác phẩm nghệ thuật và cộng tác với tình báo Anh cung cấp cho họ những thông tin về hoạt động cùng những kế hoạch của quốc tế cộng sản. Iacusev giải thích rằng một mình ông không thể tự ý thông qua quyết định này được nên có lời mời Sidney Reilly đến Moskva họp “Hội đồng chính trị” của Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương.

Sidney Reilly có vẻ do dự. Ngay lập tức Dakhartsenko – Suls nói vỗ làm cho Sidney Reilly phải bẽ mặt: “Phận tôi đây đàn bà liễu yếu đào tơ còn chẳng sợ vượt biên, huống hồ anh là trang nam nhi quân tử lại co vòi thì rõ thật là…!”. Thế là Sidney Reilly quyết định vượt biên.

Ngày 25 tháng 9 năm 1925, Sidney Reilly vượt biên giới Phần Lan thông qua “cơ sở” của đồn trưởng biên phòng Toivo Viakhia. Sidney Reilly được Toivo Viakhia đưa đến ga Pargolovo trên xe hai bánh và được bố trí đi chuyến xe lửa đến Leningrad. Iacusev và tình báo viên Treca đổi tên là Sukin đã ở sẵn trên toa xe lửa.

Ngày 26 tháng 9, buổi trưa Sidney Reilly ở Leningrad tại căn hộ của Sukin, còn buổi chiều ngồi trên toa liên vận mang hộ chiếu Steinberg đi Moskva, có Iacusev tháp tùng.

Ngày 27 tháng 9, tại biệt thự nghỉ mát ở Malakhov trong phiên họp “Hội đồng chính trị” của Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương (tất cả uỷ viên đều là tình báo viên Treca) Sidney Reilly trình bày những đề nghị mà ông ta đã nói với Iacusev khi ở Leningrad.

Sau phiên họp của “Hội đồng chính trị” Sidney Reilly được đưa đến một “cơ sở bí mật” ở Moskva. Trên đường đi, Sidey Reilly bỏ hai bưu thiếp, một gửi đi Mỹ quốc, một gửi đi thành phố Blankenburg, nước Đức.

Sau đó, Sidney Reilly được đưa thẳng về trụ sở Tổng cục Chính trị quốc gia trực thuộc Hội đồng Dân uỷ Liên Xô ở Lubiank. Tại đây Sidney Reilly bất ngờ nghe tuyên bố bị xử bắn theo bản án đã tuyên đối với ông ta năm 1918. Nhưng chưa vội gì xử bắn mà còn thì giờ để hỏi cung ông ta. Sidney Reilly khai ra tất cả những gì ông ta biết về hoạt động của tình báo Anh. Điều kiện giam giữ ông ta có phần ưu đãi: ông ta được đưa đi dạo ở công viên Sokolniki với sự tháp tùng của tình báo viên Treca, Sưroezkin, thậm chí ông ta còn được đưa vào ăn uống ở tiệm ăn.

Sidney Reilly viết nhật ký, qua đó thấy rằng ông ta có thái độ không tin bản án xử bắn đã tuyên bố sẽ được thi hành. Ông ta hy vọng bản án sẽ được thay đổi. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Ngày 3 tháng 11 năm 1925, Sidney Reilly đã bị xử bắn. Ông ta đã bị bắn vào sau gáy trong khi đi dạo ở công viên Sokolniki. Thi thể ông ta được chôn ngay trong sân trụ sở Tổng cục Chính trị quốc gia trực thuộc Hội đồng Dân ủy Liên Xô.

Trước đó, ngày 28 tháng 9 năm 1925, tại biên giới Phần Lan-Liên Xô, phía Liên Xô đã dựng lên một màn kịch có tiếng ồn ào, la hét và có tiếng súng bắn nhau. Kết quả là 3 người “chết” và đồn trưởng biên phòng Toivo Viakhia bị bắt. Tất cả mọi việc được tạo ra y như thật để tình báo Phần Lan cho rằng Sidney Reilly và những ngưòi tháp tùng ông ta khi vượt biên đã đụng phải lính biên phòng, hai bên bắn nhau nên tất cả đã bị chết vì bắn nhau. Tờ báo “Kraisnaia” ở Leningrad đã đưa tin như thế.

Sau đó lan truyền tin đồn là đồn trưởng biên phòng Toivo Viakhia là kẻ phản bội tổ quốc đã bị xử bắn. Nhưng sự thật là đồn trưởng biên phòng được tặng thưởng huân chương Sao đỏ và được điều về làm đồn trưởng thuộc quân khu khác sau khi đã thay đổi họ tên.

error: Content is protected !!