Ai cũng biết là có hai “Dàn đồng ca đỏ” – một là “Dàn đồng ca đỏ” ở Berlin do Harnac và Schulze-Boysen lãnh đạo, hai là “Dàn đồng ca đỏ” ở Pháp và Bỉ do Trepper lãnh đạo. Nhưng còn có một “Bộ ba đỏ” – gọi như vậy bởi vì nhóm này có ba điện đài và làm việc cho Hồng quân (“quân đỏ”), tức là làm việc cho Liên Xô.
Trước ngày chiến tranh bùng nổ, ở Thuỵ Sĩ có ba nhóm điệp viên của tình báo quân sự Xô Viết hoạt động. Những người lãnh đạo ba nhóm đó là Anulov (“Kolia”), Rasen (“Xixi”) và Kusinxki (“Solia”). Tất cả ba người này đều sẽ đóng vai trò trong việc thành lập và hoạt động của “Bộ ba đỏ” cũng như trong số phận của người lãnh đạo tổ chức bí mật này là Sandor Rado, bởi vậy, ta cần nói riêng về từng người trong số họ. Trước hết là Anulov. Tuy ít nổi tiếng hơn những nhân vật khác nhưng ông lại được coi là người sáng lập ra “Bộ ba đỏ”.
Leonit Anulov (tên thật là Moscovis) sinh năm 1897 ở ngoại ô thành phố Kisinov. Là một lính thường trong quân đội Nga hoàng, ông tham gia hoạt động bí mật của Đảng bolsevich và từ năm 1917 thì trở thành một điệp viên chuyên nghiệp. Ông đã tham gia công tác chuẩn bị cuộc cách mạng ở Đức theo mô hình Cách mạng tháng Mười ở Nga, đã từng chiến đấu ở mặt trận Đông Trung Quốc và ở Tây Ban Nha, đã từng làm điệp viên nằm vùng ở Trung Quốc, Pháp, Tây Ban Nha và Thuỵ Sĩ. Từ năm 1947, với tư cách là điệp viên ngầm, ông đã cư trú ở Pháp và từ Pháp lãnh đạo mạng lưới điệp viên ở Thuỵ Sĩ. Trong số những điệp viên mà ông chiêu mộ được có nhà báo Thuỵ Sĩ Otto Pupne với biệt danh độc đáo là Pacbo, có nghĩa là “Văn phòng đảng của Borman” (Borman là thủ lãnh đảng Quốc xã của nước Đức phát xít). Như vậy, Otto Pupne muốn dùng biệt danh Pacbo để nhấn mạnh rằng tin tức của ông bắt nguồn từ giới chóp bu phát xít cao nhất. Pacbo có những mối quan hệ rộng rãi trong các giới chính phủ, báo chí và ngoại giao Thuỵ Sĩ là những giới thường tiếp xúc với nước Đức. Thông qua những mối quan hệ đó, ông nhận được tin tức về nước Đức, trong đó có những tin tức về những hoạt động chính trị – quân sự của chính phủ Đức.
Còn về Kusinxki thì có thể nói một cách ngắn gọn rằng đấy là một nữ điệp viên có một không hai, là một trong số ít người được tặng thưởng hai huân chương Cờ Đỏ và đã từng làm việc với ba điệp viên thượng thặng là George, Rado và Fuchs.
Về Rasen Duybendorf (tức “Xixi”) thì có lẽ nên kể dài hơn một chút. Bà sinh năm 1900 ở Varsava, hồi nhỏ có sống một thời gian ở Dansig. Thời thanh niên bà trở thành đảng viên cộng sản và từ năm 1920 bắt đầu hoạt động bí mật. Cũng vào quãng thời gian ấy, bà kết hôn với một người tên là Casparn, nhưng chỉ ít lâu sau thì ly hôn và đi sang Đức. Tại Đức, bà vào làm thư ký đánh máy và ghi tốc ký trong bộ máy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đức. Cũng vào quãng thời gian ấy, bà trở thành điệp viên của cơ quan tình báo quân sự Xô Viết. Sau khi Hitler lên cầm quyền và phát động cuộc khủng bố chống người Do Thái, bà di cư sang Thuỵ Sĩ. Mục đích của bà là được nhập quốc tịch Thuỵ Sĩ và làm ăn sinh sống ở nước này. Bà gặp Henric Duybendorf, một người thợ cơ khí và là đảng viên cộng sản. Họ cưới nhau nhưng đó là một cuộc kết hôn giả và chẳng bao lâu sau, Henric biến mất khỏi cuộc đời bà. Bù lại, bà giờ đây đã trở thành một công dân Thuỵ Sĩ thực thụ. Nhờ thông thạo tiếng Đức và tiếng Pháp, bà vào làm việc tại Văn phòng Lao động Quốc tế trực thuộc Hội Quốc Liên. Với tư cách là điệp viên thì bà không thích thú lắm với công việc ở Văn phòng Lao động Quốc tế, nhưng tổ chức này lại tạo cho bà và các nhân viên của nhóm bà cơ hội giao tiếp với các nhà ngoại giao và các nhà hoạt động công đoàn nước ngoài. Nhiệm vụ chủ yếu của Rasen giờ đây là thu thập những tin tức về nước Đức và việc chuẩn bị chiến tranh của nước Đức. Vào năm 1934, người tình của Rasen mà cũng là người chồng trong thực tế và người bạn chiến đấu gần gũi nhất của bà là Paul Betkher. Ông cũng di cư từ Đức, là đảng viên xã hội dân chủ và đã từng làm bộ trưởng tài chính bang Sacsoni ở Đức. Ông buộc phải chạy sang Thuỵ Sĩ vì ông căm thù chủ nghĩa phát xít và nguyện hiến dâng cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Tình hình của ông ở Thuỵ Sĩ không dễ dàng bởi vì quy chế dân di cư không cho ông bất kỳ quyền gì, hơn nữa ông lại luôn luôn đứng trước nguy cơ bị trục xuất. Ông không có chỗ làm ổn định, kiếm sống bằng cách cộng tác với nhiều tờ báo khác nhau. Biệt danh của ông không có gì độc đáo, chỉ đơn giản là “Paul”.
Một cộng tác viên nữa của Rasen là “Marius”, tên thật là Alecxandr Abramson, sinh trưởng ở vùng Baltic. Từ năm 1920, “Marius” làm việc tại Trung tâm báo chí của Văn phòng Lao động Quốc tế và nhờ đó có điều kiện hợp pháp tìm hiểu về tất cả các biến cố của đời sống quốc tế. Két sắt trong phòng làm việc của ông được ông biến thành chiếc tủ bí mật để giữ những tài liệu quan trọng và thậm chí cả những chi tiết của chiếc máy phát vô tuyến. Đó là một nơi cất giữ chắc chắn bởi vì Văn phòng Lao động Quốc tế được hưởng quyền bất khả xâm phạm về ngoại giao. “Marius” cấp tiền cho Rasen từ quỹ riêng của mình để bà chi tiêu cho công việc và cho cá nhân nếu tiền của Trung Tâm đến chậm. Ông không quên yêu cầu bà ký nhận, cất giấy tờ ký nhận vào két sắt và do đó bà luôn luôn nợ một khoản tiền lớn.
Một điệp viên quý giá của Rasen là Jan Pie Vigie (“Brand”). Là con trai một nhà ngoại giao và bản thân cũng là một nhà ngoại giao, Vigie làm việc tại sứ quán Pháp ở Thuỵ Sĩ. Con gái của Rasen là Tamara làm quen với Vigie, tuyển mộ ông và về sau trở thành vợ ông. Vigie là nguồn cung cấp những tin chính trị quý giá, đồng thời là người liên lạc giữa Rasen và những người Pháp chống phát xít. Sau khi chiến tranh thế giới bùng nổ, Vigie gia nhập quân đội Pháp, giao lại nhiệm vụ liên lạc cho một sinh viên Pháp tên là Lasanen.
Rasen (thông qua Betkher) còn sử dụng một phụ nữ Áo tên là Lede Berger. Lede là cộng tác viên của Pharen, một nhân viên cơ quan tình báo Anh. Bà ta thậm chí còn khá kiêu hãnh vì có mối liên hệ với SIS và không phải không có lý khi cho rằng điều đó làm tăng thêm giá trị của mình trước mắt mọi người. Betkher thông báo cho “Xixi” biết tất cả những gì mà Lede chia sẻ với ông, chủ yếu là những tin tức về tình hình các nước vùng Balcan. Theo nhiệm vụ của SIS giao cho, Rasen cũng tìm hiểu qua cả Betkher nữa. Betkher sẵn lòng kể cho bà nghe tất cả những gì mà ông biết qua báo chí và qua những cuộc trò chuyện đời thường.
Không thể không nhắc đến hai người nữa có quan hệ với người sáng lập ra “Bộ ba đỏ”. Đó là Manfred Sterner và Maria Poliacova.
Sterner sinh trưởng ở vùng Bucovina. Trong thời gian Thế chiến thứ nhất, ông phục vụ trong quân đội Áo, bị bắt làm tù binh và bị đầy đi Xibiri. Tại đây, ông trở thành đảng viên bolsevich rồi tham gia cuộc Nội chiến ở Nga. Sau chiến tranh, toàn bộ cuộc đời ông gắn liền với cơ quan tình báo quân sự. Tại Đức, ông tham gia cuộc “chính biến tháng ba” rồi trở thành điệp viên nằm vùng ở Trung Quốc, Mãn Châu, Mỹ, là cố vấn quân sự chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ năm 1936, ông chiến đấu ở Tây Ban Nha và dưới biệt danh “tướng Cleber”, chỉ huy lữ đoàn quốc tế số mười một. Sau đó, ông làm việc trong bộ máy của Quốc tế Cộng sản và lo việc giúp đỡ nước Cộng hoà Tây Ban Nha. Chính vào quãng thời gian này, ông đã thành lập được tại nhiều nước, kể cả tại Thuỵ Sĩ, những nhóm hỗ trợ các lữ đoàn quốc tế.
Nữ trợ lý của ông trong việc này là Maria Poliacova (“Vera”), một phụ nữ và một tình báo viên đầy tài năng. Ngay khi làm công việc hợp pháp tại văn phòng đại diện của Liên Xô tại Thuỵ Sĩ, bà đã chăm lo đến việc thành lập các nhóm điệp viên của “Bộ ba đỏ” và tự mình tham gia tích cực hoạt động tình báo. Chính bà là người đã đưa ra khỏi Thuỵ Sĩ khẩu pháo phòng không tự động “Elincon” và bảy quả đạn kèm theo. Khi trở về Tổ quốc, bà chuyển giao cho Anulov mọi đầu mối của mình trong việc liên lạc với Sandor Rado nhưng vẫn tiếp tục chăm lo đến “Bộ ba đỏ”. Trong thời gian chiến tranh, bà tuyển mộ nhân viên trong số các tù binh phát xít và gửi họ về hậu phương kẻ thù. Năm 1941, khi quân phát xít Đức tiến tới cửa ngõ Moskva, bà đã được dự kiến sẽ ở lại làm điệp viên nằm vùng của cơ quan an ninh Xô Viết trong trường hợp Moskva thất thủ. Bà làm việc tại cơ quan an ninh Xô Viết cho đến khi về hưu. Bà qua đời năm 1995.
Giờ đây, ta hãy trở lại với nhân vật chính là Sandor Rado. Ông sinh ngày mồng 5 tháng 11 năm 1899 ở Budapest, thủ đô Hungari, trong gia đình một thương nhân. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông gia nhập quân đội Áo – Hung và được cử đi học trường pháo binh. Nhưng ông không ra mặt trận mà ở lại làm việc tại Phòng mệnh lệnh bí mật của trung đoàn pháo binh. Chính những mệnh lệnh này đã mở mắt cho ông thấy tình hình trong nước và trong quân đội – những cuộc nổi dậy của binh lính, những làn sóng cách mạng trong quân đội, những tâm trạng chống chế độ quân chủ. Cùng với việc phục vụ trong quân ngũ, ông còn theo học khoa luật trường đại học và tại đây, ông cũng hấp thụ tinh thần cách mạng ngày một lan rộng. Năm 1918, ông gia nhập phong trào xã hội chủ nghĩa. Ngày 21 tháng 3 năm 1919, nền cộng hoà Xô Viết thắng lợi ở Hungari và chàng thanh niên hai mươi tuổi Sandor gia nhập Hồng quân Hungari. Ông khao khát chiến đấu, nhưng vì mắt kém nên không được ra mặt trận, và do có trình độ chuyên môn nên ông được cử làm nhân viên vẽ bản đồ tại ban tham mưu sư đoàn. Sandor Rado ngày càng thấm nhuần những tư tưởng của cách mạng Nga. Sau khi nền cộng hoà Xô Viết ở Hungari bị thất bại vào tháng 9 năm 1919, ông di cư sang Áo. Tại đây, ông thành lập hãng thông tấn Nga Rost-Vin, tiếp tục theo học trường đại học tổng hợp Vienna và tích cực làm việc tại Quốc tế Cộng sản. Năm 1921, Sandor được mời sang Moskva dự đại hội lần thứ ba Quốc tế Cộng sản. Ông nhớ lại là ông đã xúc động biết bao trước khẩu phần ăn nghèo nàn: một con cá, mười điếu thuốc lá và một lát bánh mì đen. Nhưng bù lại, ông được nhìn thấy Lenin và được nghe Lenin nói! Năm 1922, Sandor sang Đức và tại đây, ông gặp Lena Ianxen, người vợ tương lai và đồng thời là người bạn chiến đấu của ông. Ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đang được chuẩn bị, nhưng cuộc khởi nghĩa đó đã không diễn ra, cuộc nổi dậy của những người cộng sản Đức ở Hamburg bị đàn áp khốc liệt. Sandor đi Moskva nhưng không lâu. Ngay vào mùa hè năm 1924, ông cùng vợ và cậu con trai lớn là Imre đã trở về Đức. Tại Đức, nhớ lại kinh nghiệm làm bản đồ của mình, Sandor thành lập hãng thông tấn “Báo chí – bản đồ”, đồng thời, đọc bài giảng tại một trường mácxít. Năm 1933, sau khi Hitler lên nắm chính quyền, Sandor cùng gia đình chuyển sang Paris và mở hãng thông tấn “Inpress” tại đây. Tháng 10 năm 1935, Sandor đến Moskva. Ông đến Moskva theo lời mời của ban biên tập “Đại Atlas Xô Viết thế giới”, nhưng cơ quan tình báo Xô Viết cũng đã để mắt đến ông. Ông được phó giám đốc cơ quan tình báo Xô Viết là Artuzov mời đến chơi nhà. Cuộc trao đổi cặn kẽ và kéo dài giữa hai con người thông minh đã kết thúc bằng việc Sandor đồng ý làm việc trong ngành tình báo quân sự với tư cách là điệp viên nằm vùng.
Trước khi Sandor trở về nước, đích thân giám đốc cơ quan tình báo quân sự Xô Viết là Urixki ra chỉ thị cho ông. Urixki giao cho ông nhiệm vụ dùng chiêu bài hãng thông tấn để thành lập ở Bỉ một mạng lưới điệp viên nằm vùng có mục đích thu thập tin tức về nước Đức và nước Italia.
Sandor đóng cửa hãng thông tấn của ông ở Paris, dự định chuyển sang Bỉ nhưng nhà cầm quyền Bỉ không cho phép. Đành phải sử dụng phương án dự trữ: Sandor gửi lời đề nghị tương tự tới nhà cầm quyền Thuỵ Sĩ. Vào tháng 5 năm 1936, Sandor nhận được giấy phép mở công ty cổ phần “Geopress” tại Geneva và giấy phép cư trú.
Từ đó bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời Sandor Rado. Công ty “Geopress” của ông được thừa nhận khá nhanh và thậm chí còn được cử đại diện bên cạnh Phòng Báo chí của Hội Quốc Liên. Điều này cho phép công ty nhận được những đơn đặt hàng lập bản đồ từ các tổ chức chính thức của nhiều nước. Dĩ nhiên là đôi khi, “nhà lập bản đồ” cũng trực tiếp biết được những kế hoạch và ý đồ của các chính phủ và giới quân sự châu Âu.
Những tài liệu Sandor gửi qua Poliacova về Moskva được đánh giá cao. Vào tháng 6 năm 1937, Poliacova được triệu về Moskva, còn Sandor được cử đi làm liên lạc cho Anulov. Theo nhiệm vụ do Anulov giao, Sandor thực hiện chuyến đi sang Italia với nhiệm vụ thu thập tin tức về việc di chuyển quân đội Italia sang Tây Ban Nha.
Sandor tới thăm các cảng Spesia, Napoli, Parlemo và nhiều cảng khác, thậm chí còn có thể lên cả chiếc tuần dương hạm “Jovani della Banda Nere” và tìm hiểu nhiệm vụ chiến đấu của nó.
Vào tháng 4 năm 1938, Anulov bất ngờ bị gọi về Moskva. Trước khi ra đi, Anulov chuyển giao cho Sandor Rado điệp viên “Pacbo” và những điệp viên khác. Từ lúc ấy, Sandor trở thành người đứng đầu nhóm điệp viên ngầm có tên gọi một cách giản dị là “Dora”. Nhóm còn nhỏ, và tạm thời, nguồn cấp tin chủ yếu của nhóm mới chỉ là “Pacbo”. Vào quãng thời gian ấy, “Pacbo” đã có nhiều mối liên hệ quý giá, chẳng hạn như Paul de Nayrac (“Negr”), một người Pháp trước đây đã là một nhà ngoại giao nên rất am hiểu tình hình nước Đức, George Bluyn (“Long”), một nhà báo Pháp có quan hệ với cơ quan tình báo Thuỵ Sĩ, Bảo Thành Duy (“Polo”), tuỳ viên báo chí Trung Quốc tại Bern, và cuối cùng là Berngard Maire fon Baldeg (“Louisa”), một luật sư là sĩ quan của cơ quan tình báo Thuỵ Sĩ và là một trong những nguồn tin giá trị nhất của nhóm “Dora”.
Ngày mồng 1 tháng 9 năm 1939, sau khi chiến tranh bùng nổ, Thuỵ Sĩ đóng cửa biên giới của mình và mối liên lạc giữa “Dora” với Trung Tâm bị gián đoạn. Chiếc điện đài của nhóm không thể sử dụng được nữa vì thiếu nhân viên điện đài. Nhưng như người ta thường nói: “Trong cái rủi có cái may”. Vào tháng 12 năm 1939, Kusinxki (“Solia”) nhận được chỉ thị của Moskva yêu cầu thực hiện việc tiếp xúc với Albert (tức Rado) và giúp “Albert” thiết lập lại mối liên lạc thường xuyên với Moskva. Ba tháng sau, vào tháng 3 năm 1940, Gurevich (“Kent”), điệp viên nằm vùng thuộc nhóm Brussel, đến Geneva. Ông đem theo mọi thứ cần thiết, trừ tiền, bởi vì khi đi qua biên giới, ông có thể bị bắt về tội buôn lậu ngoại tệ. Thật đáng tiếc là chuyến viếng thăm này về sau sẽ đem lại hậu quả nặng nề.
Giờ đây, Rado đã có thể liên lạc với Moskva nếu như ông có nhân viên điện đài. Ông giải quyết thành công vấn đề này vào tháng 6 năm 1940, khi ông thu hút được hai vợ chồng Hamelay – Etmon (“Edua”) và Olga (“Maut”) làm nhân viên điện đài. Hai vợ chồng này có những quan điểm chính trị tả khuynh và có thiện cảm với Liên Xô. Edua là nhân viên kỹ thuật rađiô chuyên nghiệp và là chủ một cửa hàng bán thiết bị rađiô. Cả hai trải qua một khoá huấn luyện ở chỗ “Solia” và nhân viên điện đài của bà là Alecxandr Fut. Từ tháng 8 năm 1940, sau khi sửa chữa xong chiếc điện đài ở nhà mình, họ bắt đầu tự hoạt động. Như vậy là giờ đây, Rado và Kusinxki đã có thể hoạt động độc lập với nhau, có thể tự chuyển tin tức về Trung Tâm bằng cách sử dụng mật mã riêng của mình cũng như lịch liên lạc riêng của mình.
Vì chiến tranh nên số lượng đơn đặt hàng của “Geopress” bị giảm bớt và thu nhập của Rado cũng giảm bớt theo. Ông phải vất vả lắm mới có thể nuôi được bản thân, vợ và hai con. Vào tháng 12 năm 1940, Trung Tâm đề nghị Rado đến Bengrad để nhận tiền do liên lạc viên chuyển cho. Nhờ sự giúp đỡ của một “người bạn” là Xuvich, thư ký Bộ Ngoại giao Italia, Rado được cấp giấy phép đi Hungari qua ngả Bengrad. Tại đây, ông gặp người liên lạc từ Moskva đến và người này trao cho ông một khoản tiền lớn. Tiền được đưa về Thuỵ Sĩ bằng cách giấu trong mái tóc dày của vợ Rado là Lena cùng đi với chồng.
Ngày 18 tháng 12 năm 1940, Kusinxki cùng các con rời khỏi Thuỵ Sĩ và đến mùa hè năm 1941 thì đặt chân tới London. Chiếc điện đài của Fut được chuyển đến Lozann và Rado duy trì mối liên lạc với Fut thông qua Berton, điệp viên (và đồng thời cũng là chồng) của Kusinxki lúc đó còn ở lại Thuỵ Sĩ. Vào tháng 3 năm 1941, Fut thiết lập được đường dây liên lạc ổn định với Moskva. Cho đến mùa hè năm 1942, Fut nhận những văn bản tin tức thông qua Berton và tiếp đó là thông qua Rado hoặc Lena sau khi Berton đi Anh.
Vào tháng 2 năm 1941, thông qua điệp viên “Louisa” của mình, “Pacbo” ngày càng nhận được nhiều tin tức đáng lo ngại về việc quân đội Đức di chuyển sang phía Đông. Dưới đây chỉ là vài bức điện mà Rado gửi cho Trung Tâm:
“21. 2. 41. Gửi giám đốc. Theo những tin tức nhận được từ một sĩ quan tình báo Thuỵ Sĩ, Đức hiện có 150 sư đoàn ở phía Đông. Theo ý kiến của viên sĩ quan đó, bài phát biểu của Hering sẽ bắt đầu vào đầu tháng 5. Dora”.
“6. 4. 41. Gửi giám đốc. Tất cả các sư đoàn cơ giới của Đức đều ở phía Đông. Các đơn vị đóng trên biên giới Thuỵ Sĩ đều đã được chuyển về mạn Đông – Bắc. Dora”.
Vấn đề đáng chú ý ở đây là bằng cách nào mà viên sĩ quan tình báo Thuỵ Sĩ lại có thể lấy được những tin tức như vậy?
Trước năm 1935, trong cơ quan này chỉ có hai nhân viên, một người là trung tá giám đốc Rogie Marson. Nhưng ít lâu sau, ông ta có thêm một nhân viên nữa, một nhà ái quốc Thuỵ Sĩ tên là Hans Hawdaman. Hans là đại uý dự bị, ông nhìn thấy tận mắt tình trạng thảm hại của cơ quan tình báo và làm một việc chưa từng có là xây dựng một phòng tình báo riêng của mình được gọi là “Văn phòng Ha”. Từ tháng 9 năm 1939, “văn phòng Ha” trở thành một đơn vị tình báo có biên chế tăng gấp vài lần. Nơi làm việc của “Louisa” (bí danh của Berngard Maire fon Baldeg) chính là đơn vị tình báo này.
Cùng hoạt động đồng thời với nhóm “Dora” còn có các cơ quan tình báo của Ba Lan, của Pháp, của Đức, cũng như cơ quan phản gián của Thụy Sĩ. Những tổ chức này thường sử dụng cùng một số điệp viên như nhau, kể cả những điệp viên mà “Dora” sử dụng. Cần nói thêm rằng nhân viên điện đài Alecxandr Fut của nhóm “Dora” cũng duy trì mối liên hệ bí mật cả với điệp viên Anh Pharen. Như vậy, ở Thụy Sĩ hình thành một mớ bòng bong các cơ quan tình báo mà vào những năm 1945 – 1946, các nhà điều tra của cơ quan tình báo Xô Viết sẽ không dễ dàng gỡ ra được cho dù là về vai trò của từng điệp viên. Và không phải ngẫu nhiên mà trong các thông tin của Rado nhiều khi có những chi tiết thất thiệt mà chính ông cũng thừa nhận trong cuốn hồi ký của mình có nhan đề “Dưới bí danh “Dora”. Chẳng hạn như:
“6. 6. 40. Gửi giám đốc. Theo lời của tùy viên Nhật thì Hitler đã tuyên bố rằng sau chiến thắng nhanh chóng ở phía Tây sẽ bắt đầu cuộc tấn công của Đức và Italia vào nước Nga”.
Vào tháng 5 năm 1940, vì nguy cơ Đức tấn công Liên Xô đã rõ ràng nên Trung Tâm ra lệnh cho Rado tiếp xúc với nhóm điệp viên của Rasen (tức “Xixi”) là nhóm mà từ tháng 9 năm 1939 không đường dây liên lạc với Moskva.
Nhiệm vụ này được thực hiện, nhưng mặc dù đã sáp nhập, “Xixi” vẫn hoạt động tương đối độc lập. Tình báo Xô Viết đôi khi làm việc trực tiếp với “Xixi”, sử dụng loại mật mã mà “Xixi” biết chứ Rado không biết. Điều này khiến ông có phần tự ái, nhưng là một điệp viên có kỷ luật và được che giấu kỹ lưỡng, ông bình tĩnh tiếp nhận mệnh lệnh này như một việc tất yếu. Những bức điện đầy lo ngại tiếp tục được “Dora” gửi đi.
“2. 6. 41. Gửi giám đốc. Tất cả các đơn vị cơ giới Đức trên biên giới Xô Viết đều trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu mặc dù sự căng thẳng có phần giảm bớt so với hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5. Khác với hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5, việc chuẩn bị chiến tranh trên biên giới Nga diễn ra không phô trương nhưng khẩn trương hơn. Dora”.
“17. 6. 41. Gửi giám đốc. Trên biên giới Đức – Xô có gần một trăm sư đoàn bộ binh, trong đó một phần ba là các sư đoàn cơ giới hoá. Ngoài ra còn có mười sư đoàn xe tăng và xe bọc thép. Tại Rumani đặc biệt nhiều các sư đoàn Đức ở Galaxi. Hiện nay đang chuẩn bị thành lập những sư đoàn đặc nhiệm chọn lọc, cộng thêm với sư đoàn số Năm và số Mười đang đồn trú tại thủ đô bang. Dora”.
Ngày 18 tháng 6 năm 1941, Trung Tâm nhận được bức điện mật mã sau đây.
“18. 06. 41. Gửi giám đốc. Đức dự định tấn công Liên Xô trong những ngày sắp tới. Dora”.
Chiến tranh vậy là đã bùng nổ. Và ngay sau đó là một bức điện nữa đầy lo lắng và xúc động.
“23. 06. 41. Gửi giám đốc. Trong giờ phút lịch sử này, chúng tôi sẽ tuyệt đối trung thành trên vị trí của mình với một nghị lực gấp đôi. Dora”.
Sau khi chiến tranh bắt đầu, Trung Tâm chuyển cho Dora bản chỉ thị sau đây.
“01. 07. 41. Gửi Dora. Hãy tập trung toàn bộ chú ý vào việc thu thập tin tức về quân đội Đức. Hãy chăm chú theo dõi và thường xuyên thông báo về việc quân Đức di chuyển từ Pháp và các vùng khác ở phương Tây”.
Ngay hôm sau, Dora báo tin:
“02. 07. 41. Gửi giám đốc. Hiện nay kế hoạch tác chiến chủ yếu là kế hoạch số N1, mục tiêu là Moskva. Chiến dịch trên các bên sườn chỉ mang tính chất đánh lạc hướng. Trọng tâm là ở mặt trận Trung Tâm. Dora”.
Chỉ ít lâu sau lại thêm một bức điện quan trọng nữa.
“7. 8. 42. Gửi giám đốc. Đại sứ Nhật ở Thuỵ Sĩ tuyên bố rằng không thể có chuyện Nhật tấn công Liên Xô cho tới khi nước Đức giành được những thắng lợi quyết định trên các mặt trận. Dora”.
Hai bức điện này có nội dung quan trọng đến nỗi chúng đóng vai trò lớn lao trong trận chiến đấu bảo vệ Moskva.
Mạng lưới điệp viên “Dora” ngày càng phát triển. Chẳng bao lâu sau, mạng lưới này có thêm hai cựu sĩ quan Pháp với các bí danh là “Danxe” và “Long”. “Danxe” có thiện cảm với tướng De Gaulle và đã từng làm việc trong sứ quán Pháp và hoạt động ở Thuỵ Sĩ. “Long” là cựu nhân viên tình báo Pháp, đã từng làm việc cho uỷ ban “Nước Pháp tự do” đóng ở London và ông có rất nhiều nguồn tin đáng tin cậy. Trong số những nguồn tin này có Manfred fon Grimma (“Grao”), một nhà quý tộc người Áo quen biết rất rộng, và Ernst Lemmer (“Agressa”), phóng viên tờ báo Thuỵ Sĩ “Noie Duyrikher Saitung” xuất bản ở Berlin và đồng thời là biên tập viên bản tin về chính sách đối ngoại của Đức.
Nhưng nhân vật quý giá nhất mà “Dora” may mắn chiêu mộ được hiển nhiên là Rudolf Ressler – một trong những điệp viên xuất sắc nhất của thế chiến thứ hai. Người “bắt mối” được với Rudolf là Rasen (tức “Xixi”). Vào tháng 2 năm 1942, “Xixi” thiết lập được mối tiếp xúc với một nhân viên của Văn phòng Lao động quốc tế tên là Christian Snayle (“Taylor”) và trong số những người quen của “Taylor” thì có Rudolf Ressler. Nhân vật này chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử tình báo. Nhà nghiên cứu người Mỹ Buranenli gọi ông là “nguồn tin quan trọng nhất về đế chế Đức”. Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ Allen Dulles đã có lần tuyên bố: “Nếu tôi có được những điệp viên như vậy thì tôi có thể chẳng phải lo lắng gì hết”. Chính Allen Dulles trong cuốn sách “Nghệ thuật tình báo” đã viết: “Người Xô Viết đã sử dụng một nguồn phi thường nằm ở Thuỵ Sĩ tên là Rudolf Ressler và có bí danh là “Luci”. Nhờ những nguồn tin mà cho tới nay vẫn chưa khám phá ra được, Ressler đã thu thập được ở Thuỵ Sĩ những tin tức của bộ chỉ huy tối cao Đức hết sức đều đặn, chỉ không quá 24 giờ sau khi Berlin thông qua những quyết định hằng ngày về các vấn đề trên mặt trận phía Đông”. Còn cựu điệp viên Anh Farago thì khẳng định rằng Ressler là điệp viên Xô Viết xuất sắc nhất châu Âu.
Ressler, cũng như nhiều người khác, chạy trốn khỏi nước Đức phát xít. Tại Thuỵ Sĩ, ông mở một nhà xuất bản nhỏ và một cửa hàng sách. Như về sau người ta được biết, ông lâm vào tình thế khó khăn và do đó, đồng ý hợp tác với cơ quan phản gián Thuỵ Sĩ, cung cấp cho cơ quan này một số tin về kiều dân Đức và về tình báo Đức trong giới kiều dân này. Đồng thời, ông cộng tác với cả cơ quan tình báo Anh. Trong trường hợp này, lý do ông cộng tác là vì ông muốn giúp đỡ các nước Đồng minh trong cuộc đấu tranh chống Hitler. Chính vì vậy ông cũng đề nghị làm việc cho tình báo Xô Viết.
Rado báo cáo với Moskva về lời đề nghị của Ressler mà ông đặt cho bí danh là “Luci”. Trung Tâm cho ý kiến là không nên từ chối sự giúp đỡ của Ressler nhưng cần thận trọng. Để kiểm tra “Luci” cũng như khả năng và lòng trung thực của ông ta, Trung Tâm trao nhiệm vụ: “Tìm hiểu xem bọn Đức biết những gì về các đơn vị Hồng quân đang chiến đấu trên mặt trận Xô – Đức”. Chỉ ít lâu sau đã có câu trả lời của “Luci”. Qua câu trả lời đó có thể thấy rõ hai điều: một là, “Luci” có những nguồn tin thực sự giá trị, và hai là, tình báo Đức hoạt động rất có kết quả cả trước cũng như trong thời gian chiến tranh và chúng biết nhiều điều về địch thủ của chúng. Nhiệm vụ thứ hai được trao cho Ressler là khai thác tin về các đơn vị phát xít Đức đóng ở mặt trận phía Đông. Những tin tức nhận được từ Ressler cho thấy rõ là ông quả thật có những khả năng cực kỳ quý giá và những nguồn tin của ông nằm ở giới chóp bu của cơ cấu quân sự phát xít.
Thật đáng tiếc là cho tới nay vẫn không biết được những nguồn tin đó là ai. Không loại trừ khả năng là họ đã tham gia âm mưu ám sát Hitler ngày 20 tháng 6 năm 1944, khi nhóm điệp viên “Dora” đã không còn tồn tại nữa. Ressler không nhắc đến tên các bạn bè của ông với bất kỳ ai và đem theo những tên tuổi đó xuống mồ. Chỉ có một lần ông buột miệng cho biết năm người trong số đó là cấp tướng, một đại tá, một thiếu tá và số còn lại là đại uý. Cũng khi ấy, ông chỉ nêu những chữ cái đầu tiên trong tên của những người bạn ấy của ông. Các nhà nghiên cứu của CIA cho rằng Ressler có ở Đức bốn điệp viên quan trọng nhất là “Verter”, “Teddi”, “Anna” và “Olga”, và đưa ra giả thuyết rằng đó là thiếu tướng Hans Oste, giám đốc cơ quan tình báo Đức và là một nhân vật chống phát xít, là Hans Bernd Gurevich, cũng là một nhân viên tình báo Đức, là Carl Herdeler, người đứng đầu phe đối lập bảo thủ chống Hitler, là đại tá Fris Betsel, trưởng phòng phân tích tình báo của các tập đoàn quân Đông Nam đóng ở Athens. Còn chính Rado thì cho rằng một trong những nguồn cấp tin cho Ressler là giám đốc văn phòng liên lạc thuộc Bộ tổng tham mưu tối cao quân đội Đức, người đã trực tiếp chuyển cho Ressler mọi tin tức mật. Dù sao chăng nữa thì những tin do “nguồn tin quan trọng nhất” Ressler cung cấp cho “Xixi” cũng vẫn tiếp tục đến tay Trung Tâm cho đến khi mạng lưới điệp viên “Rado” tan vỡ và những thành viên của “Rado” bị bắt trong quãng thời gian hai năm 1943 – 1944.
Khối lượng tin chuyển cho Trung Tâm không ngừng tăng lên. Hai nhân viên điện đài (Fut và Hamen) là không đủ. Rado tuyển thêm cô gái 23 tuổi tên là Margarita Bonli, một nhân viên điện đài có tinh thần chống phát xít lấy bí danh là “Rola”. Tại căn hộ của cô ở Geneva có bố trí chiếc điện đài thứ ba được lắp ráp nhờ sự giúp đỡ của Hamen. Margarita được Fut huấn luyện, và từ tháng 8 năm 1942, cô bắt đầu làm việc. Như vậy, “Bộ ba đỏ” đã hình thành hẳn.
Dĩ nhiên, các cơ quan truy lùng điện đài của Đức không thể không lưu ý đến hoạt động của ba cơ sở điện đài lạ ở Geneva và Lozann. Bản báo cáo của phòng tình báo điện đài Đức có chỉ rõ là ngay từ đầu tháng 6 năm 1941, các thiết bị nghe đặt trên biên giới Đức, Italia và Pháp đã dò thấy những cơ sở điện đài bất hợp pháp này. Một năm sau, hệ tọa độ những cơ sở điện đài bí mật đó đã được xác định chính xác hơn, nhưng mặc dù rất cố gắng, tình báo Đức vẫn không thể khám phá được mật mã của “Bộ ba” cũng như ông chủ của “Bộ ba” đó.
Chỉ sau khi những người lãnh đạo “Dàn đồng ca đỏ” là Gurevich (tức “Kent”) và Trepper (tức “Otto”) bị bắt ở Pháp vào tháng 11 năm 1942 thì Gestapo, nhờ những mật mã thu được, mới đọc được một phần những bức điện của “Dora”. Đó là một đòn khủng khiếp giáng vào cơ quan tình báo và phản gián của Hitler: hoá ra những tin tức tối mật của bộ chỉ huy quân sự tối cao Đức đã chuyển ra nước ngoài qua ngả Thuỵ Sĩ! Và nơi chuyển đến lại là nước Nga! Từ đấy, “Bộ ba” được gán cho tên gọi là “Bộ ba đỏ”.
Cơ quan tình báo và phản gián Đức quyết định phải khám phá ra và tiêu diệt bằng được “Bộ ba đỏ” này. Nhưng “Bộ ba đỏ” lại hoạt động trên lãnh thổ Thuỵ Sĩ, một quốc gia khác và hơn nữa, một quốc gia trung lập. Và thế là bắt đầu cuộc săn lùng các thành viên của “Bộ ba đỏ”: một mặt là cuộc săn lùng chính thức bằng các cuộc tiếp xúc giữa trùm tình báo Đức là Sellenberg với ban lãnh đạo cơ quan tình báo và phản gián Thuỵ Sĩ, một mặt là cuộc săn lùng theo kiểu tác chiến. Cuộc săn lùng kiểu tác chiến này được trao cho nhóm điệp viên phòng 6 Cục Phản gián Đức dưới sự chỉ đạo của tổng lãnh sự Đức ở Thuỵ Sĩ Hans Meisner. Sau khi có được những tin tức về Rado và “Pacbo”, bọn Đức tổ chức theo dõi hai nhân vật này và trong quá trình đó, lần ra được dấu vết “Rola”. Meisner trao cho một điệp viên của mình ở Geneva là Hans Peter nhiệm vụ làm quen với “Rola” và quyến rũ cô. Đóng vai một nhân vật chống phát xít và tham gia phong trào Kháng chiến, gã thanh niên điển trai Hans Peter dễ dàng thực hiện nhiệm vụ này. Điều đáng sợ nhất là “Rola” đã không báo cáo về chuyện này cho Rado biết. Gestapo có thể lấy làm mừng vì đã thâm nhập được vào mạng lưới điệp viên nằm vùng “Bộ ba đỏ”.
Đến mùa hè năm 1943, Gestapo đã có trong tay những tin tình báo chi tiết về tất cả các thành viên của nhóm “Dora”. Quả thật là chúng còn chưa biết những ai mang bí danh “Xixi” và “Taylor”. Và điều chủ yếu nhất là chúng chưa thực hiện được nhiệm vụ chính: chưa phát hiện được những nhân vật cung cấp tin và bởi vậy, không chặn đứng được việc rò rỉ tin. Chỉ có một lối thoát là cắt đứt mối liên lạc giữa “Bộ ba đỏ” và Moskva. Nhưng làm việc này như thế nào? Tốt nhất là bắt cóc Rado hoặc các nhân viện điện đài của ông, đưa về Đức tra tấn để buộc họ phải cung khai. Nhưng làm như vậy có thể gây ra một vụ xcăngđan quốc tế là điều Sellenberg không muốn.
Ngày mồng 8 tháng 9 năm 1942, Sellenberg đến Thuỵ Sĩ và gặp giám đốc cơ quan an ninh Thụy Sĩ là Rogie Marson. Rogie tỏ ra thông cảm với đề nghị của Sellenberg về việc tiêu diệt mạng lưới điệp viên Xô Viết và hứa sẽ làm tất cả những gì có thể. Nhưng ông không động một ngón tay để thực hiện lời hứa này. Vào tháng 3 năm 1943, Sellenberg lại đến Bern, thủ đô Thuỵ Sĩ. Dưới hình thức mềm mỏng nhưng kiên quyết, y nói bóng gió cho Rogie Marson hiểu rằng thái độ chậm chạp của ông có nguy cơ đe dọa mối quan hệ Đức – Thuỵ Sĩ. Y cũng nói như vậy với giám đốc cảnh sát Thuỵ Sĩ Maudere trong thời gian Maudere ở thăm Berlin. Trong khi ấy, “Dora” tiếp tục đánh đi các bức điện tới Moskva, trong đó có những tin bổ sung về các kế hoạch của Đức tại vùng Cursk, những tin về loại xe tăng “Con hổ”, về âm mưu của một nhóm tướng lĩnh Đức quyết tâm tiêu diệt Hitler và “những giới ủng hộ y”.
Điện và điện thoại liên tục từ Berlin gửi đến Thuỵ Sĩ thúc giục Rogie Marson và Maudere hành động. Chẳng trốn đâu cho thoát được: Moskva và London thì xa còn Berlin ngay bên cạnh, hơn nữa, quân đội Đức đóng ngay trên biên giới. Tháng 9 năm 1943, Marson và Maudere tổ chức một nhóm săn lùng điện đài lưu động. Các thiết bị săn lùng điện đài đặt trong các thùng xe liên tục bắt được tín hiệu đánh đi của các nhân viên điện đài bí mật. Đêm 13 rạng ngày 14 tháng 10 năm 1943, Etmon và Olga Hameli bị bắt ngay trong lúc đang phát tin. Cảnh sát lặng lẽ bước vào và bắt quả tang họ đang hoạt động. Mật mã, các chương trình liên lạc, các bức điện bị tịch thu. Cùng ngày hôm đó, Margarita Bonli (tức “Rola”) bị bắt tại căn hộ của người tình Peter. Khi bị hỏi cung, tất cả những người bị bắt đều kiên quyết phủ nhận mối liên hệ với tình báo Xô Viết, và khi thấy bức ảnh chụp Rado thì tất cả đều tuyên bố rằng không hề hay biết người này.
Sau khi biết tin các nhân viên điện đài bị bắt, Rado đã kịp báo cho ban lãnh đạo nhóm “Pacbo” rồi cùng vợ lẩn tránh tại nhà một người bạn đáng tin cậy là tiến sĩ Bianki. Giờ đây, chỉ còn một nhân viên điện đài duy nhất là Fut và Fut cũng chính là người liên lạc giữa “Pacbo” và Rado. Fut thường xuyên phải phát sóng và sóng của ông cũng bị thiết bị săn lùng điện đài bắt được. Đêm 19 rạng ngày 20 tháng 11 năm 1943, ông bị bắt trong lúc đang nhận điện của Trung Tâm. Trong lúc cảnh sát phá cửa, ông dã kịp dùng búa phá tan điện đài và đốt các bức điện trên lửa nến. Khi bị hỏi cung, Fut không phủ nhận việc ông là nhân viên điện đài bí mật, nhưng ông khẳng định là ông làm việc cho tình báo Anh, ông chỉ chuyển tin về tình hình nước Đức, ông không có tòng phạm ở Thuỵ Sĩ, và ông không biết Rado, Margarita và hai vợ chồng Hamen.
Sau khi bắt được Fut, tình báo Thuỵ Sĩ mưu toan chơi “trò chơi điện đài” với Trung Tâm, nhưng họ chơi khá vụng về nên bị Trung Tâm phát hiện ngay. Trung Tâm gửi đi những “mệnh lệnh” và “chỉ thị” đánh lừa tình báo Thuỵ Sĩ. Mãi đến bốn tháng sau, tình báo Thuỵ Sĩ mới đoán ra được là mình bị lừa và quyết định tiếp tục các vụ bắt giữ. Ngày 19 tháng 4 năm 1944, một số thành viên của “Bộ ba đỏ” bị bắt, trong số đó có Duybendorf. Để đánh lạc hướng cơ quan điều tra, Duybendorf “thú nhận” mình làm việc cho cơ quan tình báo Anh. Cả Ressler cũng bị bắt. Sở dĩ người ta để Ressler bị bắt là vì khi ấy ông sẽ “được” ngồi tù, tức là ông sẽ thoát khỏi bọn Gestapo, những kẻ có thể bắt cóc ông và buộc ông phải thừa nhận làm việc cho cơ quan tình báo Thuỵ Sĩ và do đó có thể phát hiện ra những nguồn tin của ông. “Pacbo” và một số điệp viên khác vẫn tự do ở ngoài, nhưng một khi không có phương tiện liên lạc thì sự tồn tại của mạng lưới điệp viên là vô nghĩa. Bởi vậy, ngày 16 tháng 9 năm 1944, Rado và Lena nhờ sự giúp đỡ của các du kích quân người Pháp, đã bí mật vượt biên giới Pháp – Thuỵ Sĩ và ẩn tránh tại thành phố Anixi là nơi chính quyền thuộc về những người cộng sản. Tiếp đó, họ đến thủ đô Paris đã được giải phóng và tại đây, ngày 26 tháng 10 năm 1944, Rado tiếp xúc với các nhân viên tình báo Xô Viết và thông báo tỉ mỉ về việc nhóm điệp viên của ông bị tiêu diệt. Ngay khi ấy, vào tháng 9 năm 1944, nhà cầm quyền Thuỵ Sĩ không còn e sợ sức mạnh của nước Đức phát xít nữa nên đã trả tự do cho tất cả các thành viên của “Bộ ba đỏ”. Fut, rồi tiếp đó là Duybendorf và Betkher lần lượt đến Paris.
Ngay sau chiến tranh, vào tháng 10 năm 1945, ở Thuỵ Sĩ đã diễn ra phiên toà xét xử Rado, vợ của Rado là Lena, Duybendorf, Betkher, Fut, Ressler, Snayde, Bonli, hai vợ chồng Hamen. Họ bị buộc tội là đã hoạt động gián điệp trên lãnh thổ Liên bang Thuỵ Sĩ. Tất cả đều phải chịu những án tù khác nhau, riêng Ressler được trắng án. Nhưng không một ai phải ngồi tù. Năm người đầu tiên bị kết án vắng mặt, hai vợ chồng Hamen và Bonli được hưởng án treo, còn Snayde được phóng thích vì ông đã ở trong tù quá thời hạn.
Nhưng số phận bi kịch của Rado không kết thúc ở đây. Ngày mồng 5 tháng 1 năm 1945, Rado, Fut, Trepper và một số điệp viên khác đáp máy bay của Liên Xô sang Moskva. Trepper nói với Rado: “Trung Tâm sẽ trừng phạt nghiêm khắc về những vụ thất bại, và khi đến Moskva, chắc gì ông sẽ có thể trở về Paris”. Rado đang trong tình trạng trầm uất. Ông vừa nhận được tin tất cả những người thân của ông đã chết trong trại tập trung phát xít. Ông cảm thấy có lỗi trong việc mạng lưới điệp viên của ông tan vỡ. Cả một thời gian dài – gần một năm – trong tình trạng tự nguyện giam cầm, khi ông hoạt động bất hợp pháp, cũng ảnh hưởng đến tâm trạng của ông. Có lẽ vì thế mà khi dừng chân ở Cairo, Rado chạy trốn khỏi khách sạn và đến sứ quán Anh yêu cầu được tị nạn chính trị. Người Anh cho rằng cựu tù binh Xô Viết Kulise (Rado hoạt động dưới tên giả này) không phải là nhân vật họ quan tâm và do đó bác bỏ đề nghị của ông. Ông định tự sát nhưng được cứu thoát và đưa vào trại nội trú.
Phía Liên Xô hết sức lo lắng thấy điệp viên của mình biến mất và thi hành những biện pháp khẩn cấp. Đại sứ Liên Xô trao công hàm cho chính quyền sở tại, nói rằng Kulise đang bị truy nã về tội giết người và yêu cầu trao trả cho phía Liên Xô. Tháng 8 năm 1945, Rado được trao trả cho nhà cầm quyền Xô Viết, được đưa về Moskva và chuyển cho cơ quan phản gián quân sự. Tháng 12 năm 1946, Hội đồng đặc biệt kết án Rado 10 năm tù về tội làm gián điệp. Ông bị buộc cho những tội danh sau: làm tan vỡ mạng lưới điệp viên ở Thuỵ Sĩ do thái độ tắc trách trong việc bảo quản mật mã cũng như các tài liệu tác chiến và do không thực hiện những biện pháp bảo mật cần thiết; để lọt vào hàng ngũ của mình những điệp viên hai mang là những điệp viên đồng thời làm việc cho một vài cơ quan tình báo; bản thân ông cũng là điệp viên hai mang mà bằng chứng là vụ ông chạy trốn ở Cairo. Vào năm 1954, tất cả những lời buộc tội này đều bị coi là hoàn toàn bịa đặt. Tháng 5 năm 1954, ông và Trepper được phục hồi danh dự và được trả tự do. Tháng 6 năm 1955, Rado trở về Hungari, nơi vợ ông là Lena suốt mười năm trời bặt tin ông đang chờ đợi ông.
Đoạn đời tiếp theo của ông diễn ra thuận buồm xuôi gió. Ông làm công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực địa lý và bản đồ, trở thành tiến sĩ khoa học và viện sĩ viện hàn lâm. Chính phủ Xô Viết tặng thưởng ông huân chương “Vì tình hữu nghị giữa các dân tộc” và huân chương “Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất”. Ông viết cuốn hồi ký “Dưới bí danh Dora” và cuốn này được xuất bản năm 1973.
Ông mất năm 1980 ở tuổi tám mốt.
Và dưới đây là đôi điều về những bạn chiến đấu của ông.
Duybendorf bị kết án về tội làm gián điệp (bằng chứng là ở Thuỵ Sĩ bà đã thừa nhận là điệp viên Anh!). Vào tháng 2 năm 1956 bà được trả tự do và trở về Cộng hòa dân chủ Đức. Mười ba năm sau, vào năm 1969 bà được tặng thưởng huân chương “Sao Đỏ”.
Alecxandr Fut, người cuối cùng trong số các nhân viên điện đài bị bắt và là điệp viên Anh thực sự, không bị đàn áp mà ngược lại, lại được lấy vào làm công tác tình báo. Nhưng khi ra nước ngoài, ông lại liên lạc với cơ quan phản gián Anh, cung cấp cho cơ quan này những tài liệu chi tiết về tất cả những gì ông được biết. Về sau, ông viết cuốn sách “Nhật ký của người điệp viên”.
Người điệp viên kỳ lạ nhất và bí ẩn nhất trong nhóm “Dora” là Rudolf Ressler thì sống cho đến năm 94 tuổi và đem theo xuống mồ nhiều bí ẩn chưa được khám phá, trong số đó có tên tuổi của những nhân vật đã cấp tin cho ông.