Chúng ta không biết và rất có thể sẽ không bao giờ biết được tên thật của con người này. Ông đã đề nghị cơ quan mật vụ mà ông cộng tác không bao giờ công bố bất kỳ thông tin nào về ông. Tuy nhiên, hoạt động của ông xứng đáng được đời sau kể lại.
“Robin” là điệp viên của cơ quan tình báo quân sự Anh, đồng thời, ông còn hợp tác với Cục tác chiến đặc biệt trong những năm chiến tranh và tham gia vào phong trào Kháng chiến Pháp, một điều không làm các sếp của ông hài lòng lắm. Ông sinh ra ở Bern, thủ đô Thuỵ Sĩ. Mẹ ông là người gốc Endat, còn bố ông là người Thuỵ Sĩ gốc Do Thái. Hồi trẻ, ông cùng cha mẹ ông chuyển sang Paris sinh sống. Ông được học hành tử tế rồi làm công việc kinh doanh và đến cuối chiến tranh thế giới thứ hai thì đã trở thành một nhân vật nổi tiếng của giới doanh nghiệp quốc tế và là một người rất giàu có. Ông kế thừa của mẹ ông đôi mắt màu xanh và mái tóc màu sáng, kế thừa của bố ông vóc người cao lớn và thân hình lực sĩ, nói chung, ông có vẻ ngoài của một người Aryan thực thụ. Bạn bè và về sau cả người Đức nữa đều gọi ông là “dân Aryan chính cống”.
Vào tháng 6 năm 1940, nước Pháp đầu hàng và bị quân đội Đức chiếm đóng. Tàn quân Anh từ Dunkert trở về Anh. “Robin” suy nghĩ về tương lai của mình: trở về Thuỵ Sĩ và tiếp tục công việc kinh doanh nhờ sự giúp đỡ của vô số bạn bè, hay sang Anh và có thể sang Mỹ là nơi cũng sẽ làm công việc kinh doanh, hoặc ở lại Pháp tham gia cuộc đấu tranh chống bọn Đức xâm lược. Ông chọn con đường thứ ba. Ngay từ trước khi sứ quán Anh rời khỏi Paris (ngày mồng 10 tháng 6 năm 1940), “Robin” đã tiếp xúc với cơ quan tình báo Anh nhưng ông cảnh báo: “Tôi sẽ làm việc cùng các ông nhưng không phải cho các ông”. Khi ra đi, người Anh để lại cho “Robin” một điện đài và một người liên lạc là chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở ngoại ô Paris. Ngoài ra, người Anh còn cung cấp cho ông những giấy tờ cần thiết mang tên Jack Valter, một người Đức gốc Andat.
Sau khi chiếm đóng Paris, bọn Đức dĩ nhiên thiết lập ở đây trật tự của chúng, nhưng trật tự mà chúng thiết lập ở Pháp khác hẳn trật tự mà chúng thiết lập tại các vùng đất Xô Viết bị chúng chiếm đóng. Các thành phố Pháp vẫn tiếp tục buôn bán, tiền tệ vẫn tiếp tục lưu thông bình thường, nhà hát, bảo tàng, xe điện ngầm, các quán bar và tiệm ăn vẫn tiếp tục hoạt động, các cuộc trình diễn thời trang vẫn tiếp tục được tổ chức, các trạm xăng vẫn tiếp tục mở cửa tuy số lượng bán bị hạn chế, các đoàn tàu, kể cả tàu nhanh và tàu suốt, vẫn tiếp tục chạy theo thời biểu, thậm chí cả ngành du lịch cũng vẫn hoạt động – người ta vẫn có thể đi nghỉ ở biển. Lợi dụng tình hình đó, “Robin” đã vài lần ra biển. Thường thường, một chiếc thuyền đánh cá đón ông tại một nơi nào đó hẻo lánh rồi chở ông đến một con tàu thuộc hạm đội hoàng gia Anh. Tại đây, ông gặp các sĩ quan tình báo Anh và chuyển tin tức cho họ. Những tin tức đó bao giờ cũng rất giá trị bởi vì vào quãng thời gian đó, “Robin” đã làm quen được với nhiều người Đức, chủ yếu là trong giới các sĩ quan hậu cần, và ông được chúng coi là “người mình”. Vào đầu mùa hè năm 1942, trong một cuộc gặp như vậy, “Robin” báo tin là đã làm quen được với đại uý Đức Daneke, đại diện cho Adolf Eikhman ở Paris, kẻ đứng đầu văn phòng phát xít phụ trách việc “giải quyết tận gốc vấn đề Do Thái”, tức là phụ trách việc tiêu diệt người Do Thái không những ở Đức mà còn ở khắp châu Âu. Cũng trong cuộc gặp đó, “Robin” nói với các sếp của mình rằng mặc dù ông sẽ tiếp tục làm việc cùng với tình báo Anh nhưng giờ đây, ông coi nhiệm vụ chính của ông là cứu thoát cộng đồng Sefard ở Pháp khỏi bị tiêu diệt.
Sefard là dòng dõi họ hàng xa của những người Do Thái Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Họ chuyển sang Pháp sinh sống ngay từ thời kỳ pháp đình tôn giáo hoành hành ở Tây Ban Nha. Họ đã chia tay từ lâu với đức tin của ông cha và không còn giữ những tập quán của ông cha nữa, ngay cả vẻ ngoài của họ cũng khác người Do Thái khá nhiều. Thường thường, đấy là những người có học thức cao và rất giàu có. Họ có cộng đồng riêng, và khi biết “Robin” có những mối quan hệ với người Đức thì ban lãnh đạo của họ khẩn thiết nhờ ông làm một việc gì đó để cứu họ. “Robin” bắt đầu hành động. Thông qua đại uý Daneke, Jack làm quen với những người khác trong giới thân cận của Eikhman. Ông thường gặp gỡ họ trong hoàn cảnh không chính thức và ông có đủ tiền để làm việc này. Một lần, chọn đúng thời điểm thích hợp, ông nói bóng gió rằng “bọn Do Thái đáng nguyền rủa này rất giàu có” và có thể “móc hầu bao” mỗi tên một số tiền lớn chỉ với một điều kiện là thừa nhận họ là người Pháp. “Còn nếu giết họ, – ông nói thêm, – thì các ông sẽ chẳng nhận được gì cả bởi vì tiền của họ được giấu ở một nơi rất xa”. Bọn Đức có vẻ lưu tâm nhưng không đồng ý với ông, chúng không chỉ viện dẫn sếp của chúng mà còn viện dẫn uy tín của Cant, Nitse và Goethe nữa. Nhưng số tiền đề nghị càng tăng lên thì niềm tin của chúng vào sứ mệnh đúng đắn của chúng càng yếu đi, và cuối cùng, hai bên đạt được thoả thuận là với giá một triệu đôla gửi vào tài khoản bí mật ở ngân hàng Thuỵ Sĩ, tất cả những người Sefard ở Pháp sẽ được coi là người Pháp và sẽ nhận được những giấy tờ không nhắc nhở gì đến nguồn gốc Do Thái của họ. Nhưng bản giao kèo đó chỉ thực hiện được một phần: câu chuyện bị tiết lộ và các cuộc thương lượng chấm dứt. Tuy nhiên, thất bại này không ảnh hưởng gì đến cá nhân Jack Valter: ông chỉ là người trung gian và ông vẫn là “dân Aryan” trung thành và được kính trọng trong giới người Đức. Hơn thế nữa, sự hào phóng và quảng giao của ông đã thu hút được giới sĩ quan Đức, những kẻ đang khao khát cuộc sống dư dật thoải mái.
Trong số những người quen biết của “Robin” có nhiều đại diện của giới Bạch vệ Nga lưu vong sang Pháp. Chúng sẵn lòng cộng tác với người Đức và hy vọng sẽ đến ngày “mở đường tiến về Moskva đỏ”. “Robin” thường đến thăm chúng. Tại một tối vui, ông làm quen với một người Đức rắn chắc, ăn mặc sang trọng. Ông được giới thiệu đó là một giáo sư, một “đại diện cao cấp của Speer, bộ trưởng kinh tế, công nghiệp và vũ trang Đức”. Họ chuyện trò rôm rả bên cốc rượu. Vẻ ngoài và phong thái của “Robin” đã gây được thiện cảm và sự tin cậy. Vị giáo sư người Đức tâm sự rằng ông ta mới đến Paris nên chưa kịp nhấm nháp các lạc thú của thành phố này, đặc biệt là những lạc thú ban đêm. Ông ta thú thật là ông ta ưa thích dùng thời giờ một cách dễ chịu, và nếu có rượu ngon gái đẹp nữa thì càng tốt. Ngay tối hôm đấy “Robin” đưa ông ta đến các quán đêm ở quảng trường Elide. Khi chia tay, họ thoả thuận là hai ngày nữa sẽ lại gặp nhau. “Robin” hiểu rằng “ngài giáo sư” có thể là nhân vật đáng chú ý đối với cơ quan tình báo, và ông suy nghĩ xem nên hành động một mình hay thu xếp cho ông ta một cô bạn gái người Pháp là thành viên của phong trào Kháng chiến. Nhưng ông từ bỏ phương án thứ hai vì hai lý do: thứ nhất, ông không thích nhận tin qua trung gian, và thứ hai, ông rất nghi ngờ những phụ nữ làm điệp viên.
Khi “Robin” gặp vị giáo sư người Đức kia lần thứ hai thì thấy ông ta đang mặc quân phục SS, nhưng ông ta lập tức thay quần áo và nói rằng ông ta căm ghét bộ quân phục này tuy buộc phải mặc nó. Sau vài lần đi đến các quán ba và cà phê, hai bên đã thân thiết với nhau đến nỗi “Robin” thường đưa ông bạn giáo sư về nhà và đặt ông ta lên giường trong lúc ông ta say khướt. Một hôm, khi ông ta bắt đầu ngáy, “Robin” quyết định mở chiếc cặp tài liệu của ông ta. Mặc dù vài tài liệu có đóng dấu “Mật” nhưng chúng không có gì đáng chú ý lắm. Chỉ có một tài liệu “Robin” thấy đáng chú ý nhất – đó là tập hợp đồng ký với các nhà máy Pháp. Chẳng bao lâu sau, những nhà máy này đã trở thành mục tiêu của không quân Anh.
Từ đó, những cuộc chè chén của “Robin” và vị giáo sư SS trở nên thường xuyên, tuần nào cũng hai – ba lần. Kết quả là hoạt động phá hoại ngầm tại các nhà máy thực hiện đơn đặt hàng của Đức ngày càng tăng lên và những trận không kích xuống những nhà máy đó cũng ráo riết hơn. Một hôm, giữa đám bạn bè vui vẻ, vị giáo sư SS bỗng trò chuyện với “Robin” về chiến tranh. Ông ta nói một điều gì đó về binh đoàn Rommen ở châu Phi và về những chiến dịch sắp tới ở Địa Trung Hải. Ngay đêm đó, sau khi thu xếp cho ông ta đi nằm, “Robin” tìm thấy trong cặp tài liệu của ông ta một bức thư từ Berlin gửi cho ông ta. Bức thư viết là sau vài ngày nữa, những phụ tùng dự trữ cho xe tăng do các nhà máy của Pháp sản xuất sẽ được gửi đến từ Nam Italia và có đội hộ tống của Italia đi kèm. Trong thư nhấn mạnh: ” Những phụ tùng dự trữ này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mặt trận Bắc Phi”. Sáng hôm sau, London nhận được bức mật mã: “Đặc biệt quan trọng… Đội hộ tống khởi hành ngày 20 tháng 10 từ Brindidi”.
Vào thời điểm đó, tại Li Bi thuộc vùng ven biển Bắc Phi đang diễn ra trận giao chiến lớn giữa quân Đức của tướng Rommen và quân đồng minh của tướng Mongomeri. Kết cục trận đánh chưa rõ ràng, nhưng rất có thể sẽ do binh đoàn xe tăng của Rommen quyết định. Nhưng những chiếc xe tăng này lại đang cần sửa chữa, đang cần phụ tùng thay thế và nhiên liệu. Trong quãng thời gian từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 10 năm 1942, không quân Anh đặt căn cứ trên đảo Manta đã không kích dữ dội đội hộ tống phát xít mà tình báo Anh đặt cho tên gọi là “đội hộ tống Robin”. Những chiếc tàu chở phụ tùng dự trữ và ba chiếc tàu chở dầu bị đánh đắm. Rommen buộc phải bắt đầu cuộc rút lui mà về sau sẽ biến thành cuộc đầu hàng.
Một hôm, khi đề cập đến thất bại của Đức ở châu Phi, vị giáo sư SS nói với “Robin”:
— Cứ bình tĩnh, chưa phải mọi việc đã hỏng hết đâu. Đợi một thời gian nữa rồi ông sẽ thấy. Chúng tôi vẫn còn quân bài dự trữ đây này, – và ông ta vỗ vỗ vào túi.
Sau một cuộc chè chén như thường lệ, “Robin” lấy được trong túi áo khoác của vị giáo sư SS một tài liệu có đóng dấu “Tuyệt mật. Bí mật quốc gia của đế chế Đức” do chính tay Speer ký. Y báo tin là sau những cuộc thực nghiệm thành công được tiến hành ở Penemuyde theo hai dự án mật, quốc trưởng đã ra lệnh bắt đầu xây dựng một công trình mới ở vùng duyên hải Bắc Pháp. “Công trình này, – bức thư viết tiếp, – sẽ giống như hầm trú ẩn dành cho tàu ngầm với lớp mái rất nặng bằng bê tông. Toàn bộ công tác chuẩn bị cho việc xây dựng công trình mới sẽ phải hoàn tất ngay lập tức”.
Bức thư không nói rõ đó là những “dự án mật” gì và cần những công trình bê tông để làm gì. “Robin” không hay biết gì về Penemuyde nhưng ông hiểu rằng đây là một vấn đề rất hệ trọng. Giờ đây, chúng ta biết rằng ở Penemuyde lúc đó đang tiến hành việc chế tạo và thử nghiệm loại tên lửa “FAU 2”, là loại tên lửa sẽ bắn xuống London.
Tình báo Anh tuy cũng biết ở Penemuyde đang thực hiện những công việc bí mật nào đó nhưng không hề hay biết gì về ý đồ của Đức. Tin của “Robin” đã là chiếc chìa khoá giúp cho người Anh khám phá ra những kế hoạch ném bom London của phát xít Đức và đã thúc đẩy người Anh nghiên cứu và đối chiếu tin này với những tin tức tình báo khác về Penemuyde và về hoạt động của Đức tại miền duyên hải Bắc Pháp.
Ít lâu sau, vị giáo sư SS lên đường đi Bắc Pháp và từ đấy, “Robin” không bao giờ gặp lại ông ta.
Trong khi cộng tác với cơ quan tình báo Anh, “Robin” còn tham gia một chiến dịch mật nữa là mở két sắt bảo mật của phòng vận tải quân sự Đức ở thành phố Salon – Siur – Marne. Trong két sắt bảo mật này có cất giấu thời biểu di chuyển các đoàn tàu quân sự Đức trên các tuyến đường sắt ở Bỉ và Bắc Pháp. Bảng thời biểu đó đã được chụp lại và trở thành “thời biểu” của những vụ phá hoại và ném bom trên các tuyến chuyên chở đường sắt của phát xít Đức.
Mùa hè năm 1943, cảnh sát Thuỵ Sĩ bắt giữ “Robin” về tội vi phạm nền trung lập của nước này, nhưng chẳng bao lâu sau ông được trả tự do nhờ có sự bảo lãnh. Việc xét xử được trì hoãn cho đến hết chiến tranh. Khi ấy, ông bị tuyên bố là có tội, nhưng tội của ông chỉ là những “vi phạm có tính chất kỹ thuật” đối với nền trung lập của Thuỵ Sĩ, không gây tác hại cho lợi ích của Thuỵ Sĩ và do đó không bị trừng phạt.
Sau chiến tranh, “Robin” khôi phục lại hoạt động kinh doanh của ông và trở thành người đứng đầu một công ty thương mại lớn. Khi nữ hoàng Anh đến thăm Paris vào năm 1957, ông nằm trong một số ít các nhà lãnh đạo của phong trào Kháng chiến được giới thiệu với nữ hoàng.
Đại úy Peter Churchill, cựu điệp viên Cục Tác chiến bí mật, anh hùng của phong trào Kháng chiến và sau chiến tranh trở thành nhà báo đã viết về “Robin” như sau:
“Rất ít người có thể đua tranh được với “Robin” trong những công việc mà ông đã thực hiện…