Robert Bruce Lockhard (1887 – 1970) Điệp Vụ “Âm Mưu Của Ba Đại Sứ”

Nhà tình báo Anh Lockhard nổi tiếng một thời sau vụ “Âm mưu lật đổ của các ngài đại sứ” năm 1918. Nhưng hoạt động tình báo của ông khởi đầu sớm hơn nhiều.

Robert Bruce Lockhard sinh ngày 2 tháng 9 năm 1887 ở Austruter thuộc lãnh địa bá tước Faif. Cha ông là giáo viên tiểu học, tổ tiên nhà ông đều là người Scotland. “Trong tôi không hề có dòng máu người Anh” – Lockhard nhớ lại. Ông du học ở Berlin rồi sang Paris. Sau khi có được học vấn thuộc nhiều lĩnh vực ông trở về Anh quốc để chuẩn bị sang ấn Độ làm công chức nhà nước. Nhưng mọi việc diễn ra khác hẳn: Chú ông đã vẽ ra một viễn cảnh hấp dẫn khiến người cháu nhanh chóng quyết định đi làm ăn ở quần đảo Malaixia xa xôi để kiếm được những khoản lợi nhuận kếch sù. Đến làm việc ở những đồn điền cao su, ông phải học từ đầu những điều sơ đẳng nhất của công việc kế toán và văn phòng. ở đây ông đã tích lũy được những kinh nghiệm đầu tiên của nghề báo chí. Thể thao và văn học cuốn hút ông và làm ông tránh xa được “ba cái hàng ngày quấy nhiễu ta” của Á Đông là thuốc phiện, rượu và đàn bà. Ông là người thích đi đây đó, ban đêm ông thường đi vào những khu rừng rậm để quen dần với sự hiểm nguy. Nhưng Lockhard đã phải sớm rời bỏ Malaixia ra đi chỉ vì đã dan díu với quận chúa cháu vua Hồi.

Khi về nước, Lockhard mới 23 tuổi. Năm 1911, nhờ cha tiến cử và bản thân tỏ rõ năng lực qua cuộc sát hạch, ông được nhận vào làm việc ở Vụ lãnh sự Bộ Ngoại giao. Kinh qua một năm công tác Lockhard được đề bạt là phó lãnh sự ở Moskva. Trước ngày lên đường sang nước Nga Lockhard gặp một cô gái người Australia. Hai người đính hôn và năm sau thì làm lễ cưới.

Ba năm sau, năm 1915, Lockhard được bổ nhiệm làm tổng lãnh sự Anh quốc ở Moskva. Ông là chứng nhân tận mắt sự sụp đổ của chế độ Nga hoàng ở nước Nga. Năm 1917 Lockhard làm quen với Kerenxki và Savincov.

Tháng 9 năm 1917 Lockhard bị triệu hồi về nước vì một lý do rất vớ vẩn: ông có quan hệ đi lại với “một cô gái Do Thái” và câu chuyện bị vỡ lở ra ngoài. Cái cớ triệu hồi về nước lại nói ông bị bệnh, nên khi vừa đặt chân về tới London ông liền đi đến vùng núi chữa bệnh. Thời gian này ở nước Nga nổ ra cuộc Cách mạng Tháng mười. Lockhard lại rất cần thiết cho công việc với tư cách là một chuyên gia về nước Nga. Ông đã phát biểu rằng Lenin và Troski không phải là những điệp viên của Đức và rằng “thật là điên rồ nếu không đặt quan hệ với những người đang nắm trong tay vận mệnh của nước Nga”.

Tháng 1 năm 1918 Lockhard trở lại nước Nga. “Tôi nhận được những chỉ thị rất lờ mờ. Tôi không được trao bất kỳ một quyền nào cả. Nhiệm vụ của tôi là móc nối quan hệ…” – Lockhard nhớ lại.

Lockhard có những ưu đãi ngoại giao nhất định, như có thể sử dụng mật mã và giao thông viên ngoại giao. Nhà ngoại giao Xô Viết đầu tiên ở London Litvinov có thư giới thiệu Lockhard với Troski, phụ trách Bộ Dân uỷ Ngoại giao. Do chuyện tình cờ mà Lockhard đặt chân đến Petrograd. Ông được đón tiếp chu đáo như một người có cảm tình với những đảng viên bolsevich.

Bấy giờ vừa đúng lúc các Đại sứ quán của phe Đồng minh rút khỏi nước Nga Xô Viết. Các nước Đồng minh cho rằng những người bolsevich chỉ trụ vững được vài tuần là cùng. Lockhard ở lại Petrograd. Ông cho rằng những người bolsevich về nội lực mạnh hơn rất nhiều so với nhận định về họ ở London và rằng ở nước Nga không có lực lượng nào có thể thay thế họ. ở lại Petrograd cùng với Lockhard có tùy viên hải quân, đại úy Cromi, người không muốn Hạm đội Baltic rơi vào tay quân Đức cùng một số sĩ quan và quan chức của cơ quan phản gián.

Ít lâu sau V.I.Lenin đã tiếp Lockhard ở Cung điện Smonưi. Cùng dự buổi tiếp có Troski, nhân vật mà theo ý kiến của Lockhard là “người không đủ sức đưa ra những ý kiến đối lập với Lenin, cũng giống như con bọ chét thì không thể đối chọi được với con voi”. Lenin nói chuyện với Lockhard rất cởi mở, Người trả lời tất cả các câu hỏi của Lockhard và hứa đảm bảo an toàn cá nhân cho ông cũng như điều kiện để ông rời khỏi nước Nga bất kỳ lúc nào.

Lúc bấy giờ Lockhard cũng có cuộc gặp gỡ với cô Mura Benkendorf – Budberg sau này là điệp viên và cũng là tình nhân của ông. Một thời gian sau đó Mura cũng là tình nhân của Gorki và Wells.

“Ngày 15 tháng 3 năm 1918, Lockhard chuyển về Moskva. Tại đây ông gặp lại nhiều người bạn, trong đó có tướng Lavernhi, công sứ Pháp, thiếu tá Mỹ Riggs. Họ thỏa thuận với nhau về chính sách sẽ thực hiện là chỉ “can thiệp khi có sự đồng ý của những người bolsevich”, trong khi đó thì có một số vị đại sứ của các nước Đồng minh như Mỹ và Pháp không bắt nhịp với các sự kiện lại có quan điểm ngược lại là “can thiệp bất chấp sự đồng ý của những người bolsevich”.

Tháng 5 năm đó điệp viên Anh lừng danh Sidney Reilly đến Moskva. Reilly hoạt động độc lập mặc dù Lockhard không hài lòng. Một trong những việc làm của Lockhard trong thời gian này là đã cấp thị thực của Anh quốc cho Kerenxki mặc giả quân phục lính Secbi mang hộ chiếu người Secbi. Nhờ thế Kerenxki đã trốn thoát ra nước ngoài qua Murmansk.

Cuối tháng 5 năm 1918, Lockhard được gọi về Vologda. ở đây các vị đại sứ các nước Đồng minh khẳng định lại quan điểm “can thiệp bất chấp sự đồng ý của những người bolsevich”. Sự việc diễn ra trùng hợp với cuộc bạo loạn của người Tiệp Khắc ở Sibia. Theo sự chỉ đạo của Chính phủ Anh, Lockhard kịch liệt phản đối âm mưu giải giáp đối với người Tiệp Khắc và cản trở họ trở về nước. Chính Lockhard thừa nhận rằng kể từ thời điểm đó ông “đã gắn mình với phong trào chống lại Chính phủ thực tế của nước Nga”. Giờ đây ông đã trở thành người ủng hộ chính sách can thiệp và lật đổ chính phủ của những người bolsevich. Lockhard hoạt động tích cực, có những cuộc tiếp xúc với các lực lượng chống bolsevich, bí mật trao đổi thư từ với các thủ lĩnh của phong trào Bạch vệ, thiết lập quan hệ với “Trung tâm” và “Liên minh Phục hưng nước Nga” chống Xô Viết do Savincov thành lập. Trong số những người tham gia vào âm mưu lật đổ có đại úy Pháp Vertimon và công sứ Mỹ Kalamatiano Fried.

Ngày 6 tháng 7 năm 1918, một âm mưu đảo chính được thi hành. Savincov được người Pháp xúi giục đã chiếm Iiaroslav, ở Moskva trở nên hỗn loạn, những người Tiệp Khắc tấn công ở phía Tây chiếm được Simbirsk.

Ngày 4 tháng 8 quân đội các nước Đồng minh đổ bộ vào Arkhanghelsk bắt đầu cuộc can thiệp. Lockhard đã làm mọi việc để giúp đỡ cuộc can thiệp từ bên trong, cung cấp tài chính cho các lực lượng chống chính phủ ở địa phương. Không có tiền mặt, Lockhard viết văn bản cam kết sẽ trả tiền ở London. Đồng thời Lockhard cũng chuẩn bị rời khỏi Moskva.

Ngày 15 tháng 8 có người đến gặp Lockhard, xưng danh là Smidkhen nhưng thực ra là nhân viên Treca – Ia. Buikis, cùng đi có E. Berdin (không phải Ia.K.Berdin, sau này là Cục trưởng trinh sát của Hồng quân). Smidkhen trao cho Lockhard bức thư của đại úy Cromi gửi, trong thư viên đại uý hải quân viết là hy vọng sẽ “đóng sập cửa lại trước khi rời khỏi nước Nga”. Smidkhen giải thích rằng những người lính bộ binh Latvia đã chán cảnh cầm súng chiến đấu vì những người bolsevich. Họ rất muốn trở về Tổ quốc và đề nghị Lockhard ủng hộ nguyện vọng của họ, làm công văn yêu cầu lên tướng Puli là tư lệnh quân ở Arkhanghelsk mà họ muốn chạy sang nếu như phải ra mặt trận.

Lockhard thảo luận tình hình với tướng Lavernhi và tổng lãnh sự Pháp Grenar. Họ đồng ý với đề nghị của lính bộ binh người Latvia. Lockhard viết thư gửi tướng Puli và chuyển cho Smidkhen. Số phận tiếp theo của những người Latvia được trao cho điệp viên Anh Sidney Reilly. Reilly có ý định nếu được sự giúp đỡ của đồng nghiệp thì sẽ làm bạo động sau khi Lockhard và một số quan chức ngoại giao khác rời Moskva. Nhưng Lockhard không ủng hộ ý định đó của Reilly và từ đó hai người không gặp nhau nữa.

Ngày 30 tháng 8 năm 1918 một tên khủng bố đã giết chết người đứng đầu cơ quan Treca Petrograd Uritski. Ngày hôm sau nữ đảng viên xã hội cách mạng Fani Kaplan đã ám sát Lenin. Ngay trong đêm đó Lockhard cùng người phụ tá bị bắt và giải đến cơ quan Treca. Cô Mura, tình nhân của Lockhard, ngủ đêm tại nhà ông cũng bị giải đến cơ quan Treca.

Sau một hồi chờ đợi rất lâu Lockhard bị đưa sang phòng hỏi cung. Phó chủ tịch cơ quan Treca toàn Nga Peters chỉ hỏi có ba câu: “Ông có biết Kaplan, người đàn bà này không?”, “Reilly ở đâu?” và “Đây là bức thư của ông viết?” đồng thời đưa ra bức thư của Lockhard viết cho tướng Puli. Lockhard không trả lời. Ông biết rõ là người ta định gán cho ông việc mưu sát Lenin. Ông được trả về phòng giam. Nhờ được phép đi vệ sinh Lockhard đã tiêu huỷ được những trang giấy ghi mật mã kẹp trong sổ tay.

Sáng hôm sau Lockhard và người phụ tá được thả. Lockhard đến Đại sứ quán Hà Lan, tại đây ông mới biết tin đại úy hải quân Cromi đã bị bắn chết trong lúc bắn nhau khi máy bay oanh tạc Lãnh sự quán ở Petrograd.

Trên các báo đều đăng tin với hàng tít nổi bật “Âm mưu lật đổ của Lockhard”. Các nước Đồng minh bị buộc tội có âm mưu lật đổ Chính phủ bằng cách mua chuộc đơn vị lính đồn trú Latvia. Mặc dù vậy Lockhard vẫn được tự do và thậm chí còn nhiều lần đến Bộ Dân uỷ Ngoại giao đề nghị thả cô tình nhân Mura. ở Bộ Dân uỷ Ngoại giao người ta không giúp được gì, Lockhard phải đích thân đến gặp phó chủ tịch Treca toàn Nga Peters. Lockhard được hứa sẽ xem xét việc thả cô Mura, nhưng Peters buộc phải bắt giam Lockhard. Lockhard bị giam giữ đúng một tháng. Sáu ngày đầu ông bị giam ở Lubianka, sau đó ông bị giải đến điện Cremli, nơi điều kiện giam giữ tiện nghi hơn. Hàng ngày Lockhard được phát báo chí để đọc, nhờ đó Lockhard biết tin rằng ở London để trả đũa người ta đã tống giam nhà ngoại giao Xô Viết Litvinov. Cô Mura, tình nhân của Lockhard, được Peters thả ra thậm chí còn cho phép mang quà cho Lockhard đang bị giam giữ.

Cuối tháng 9 Lockhard được thả. Phó chủ tịch cơ quan Treca toàn Nga Peters đề nghị Lockhard ở lại nước Nga Xô Viết. Lockhard suy nghĩ rất nhiều về lời đề nghị của Peters. Ông không muốn dứt bỏ cô tình nhân Mura nhưng ông cũng không muốn mình là nguyên nhân làm cho tình hình quốc tế phức tạp thêm. Ông không thể trở thành người bolsevich được.

Hai ngày sau, tháng 10 năm 1918, Lockhard rời khỏi Moskva cùng với những quan chức Anh và Pháp cũng vừa được thả ra sau một thời gian bị giam giữ.

Đó là tất cả về cái giả thuyết “âm mưu lật đổ của Lockhard” được chính ông trình bày trong cuốn “Nội tình của câu chuyện”.

Sau khi về Anh quốc, Lockhard làm khá nhiều nghề. Ông viết báo, sáng tác văn học, thậm chí còn viết cả kịch bản phim cho Hollywood. Ông sống 7 năm ở Tiệp Khắc, học tiếng Tiệp, quen biết nhiều nhà lãnh đạo của nước này.

Tháng 9 năm 1939, “Đại úy R.Bruce Lockhard” chính thức được mời làm việc cho Vụ Tình báo chính trị Bộ Ngoại giao. Lockhard vì thế đã đi công cán đến nhiều nước như Tiệp Khắc, Hungari, Nam Tư, Bungari, Rumani, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiệm vụ của Lockhard là hàng tuần tổng hợp tình hình chính trị của các nước này báo cáo về cho bộ trưởng. Sau đó ít lâu Lockhard được cử làm phái viên của Chính phủ Anh bên cạnh Chính phủ Tiệp Khắc lưu vong với chức danh “điệp báo viên Anh quốc”. Lockhard phản đối chức danh này vì nó gợi lại những kỷ niệm buồn trong thời gian ông làm việc ở Moskva. Nhưng sau đó vài ba năm Lockhard được đề bạt: năm 1941 – 1945 ông làm giám đốc Vụ tuyên truyền và tình báo Bộ Ngoại giao.

Khi Đức quốc xã tấn công Liên Xô, việc đầu tiên mà Lockhard đã làm được là trong các lễ nghi chính thức bài Quốc tế ca “L’internationale” được cử hành, tuy trước đó bị cấm ở Anh quốc.

Mặc dù ở Nga Lockhard bị tuyên bố “ngoài vòng pháp luật” nhưng ông lại có quan hệ rất tốt đẹp với vị đại sứ Liên Xô Maiski. Lockhard là người tích cực ủng hộ việc mở mặt trận thứ hai và tăng cường giúp đỡ Liên Xô.

Trong giác thư gửi Chính phủ Anh quốc Lockhard yêu cầu công nhận nước Nga là đối tác bình đẳng trong việc thảo luận chiến lược chiến tranh, ổn định tình hình hậu chiến tranh và nước Nga phải được coi là một cường quốc. Bản dự thảo của Lockhard đưa ra được Iden và Roosevelt ủng hộ và được dùng làm cơ sở cho Hiệp ước liên minh giữa Liên Xô, Mỹ và Anh quốc.

error: Content is protected !!