Richard George (1893 – 1944) Siêu Điệp Viên Của Tình Báo Xô Viết

Vào năm 1964, N. X. Khrusov ngẫu nhiên được xem bộ phim “Tiến sĩ George, ông là ai?” của đạo diễn I. Champe, một đạo diễn người Pháp nổi tiếng thế giới. Sáng hôm sau, Khrusov gọi điện cho giám đốc cơ quan tình báo và hỏi xem ông ta có biết George không. Sau khi giám đốc cơ quan tình báo trả lời là có biết, Khrusov thốt lên: “Đấy quả là một anh hùng!”

Tên tuổi của Richard George lần đầu tiên vang lên ở Liên Xô là như vậy và anh lập tức trở nên nổi tiếng lẫy lừng. Anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, còn các bạn chiến đấu của anh, dù còn sống hay đã chết, đều được tặng huân chương chiến đấu. Tổ quốc Xô Viết đã công nhận người điệp viên nằm vùng “Ramsay ” của mình.

Còn đây là những điều mà tướng Ramsay, trưởng phòng tình báo của ban tham mưu tướng Marcater, đã viết về anh từ trước trong cuốn sách “George – siêu điệp viên của tình báo Xô Viết”: “Nhóm tình báo dưới sự lãnh đạo của người điệp viên chói sáng Richard George đã thực hiện được những chiến công thật sự kỳ diệu. Trong suốt tám năm trời, nhóm tình báo đó đã hành động một cách can trường, quả quyết và thành công vì Tổ quốc tinh thần của mình là Liên Xô”.

Mặc dù khởi đầu từ số không, tại một đất nước mà anh hiểu biết hết sức mơ hồ, nhưng George đã xây dựng được một tổ chức tuyệt vời nhất…

Trong tám năm hoạt động, anh đã chuyển về Moskva vô số những tin tức quan trọng, tin nào cũng được anh phân tích tỉ mỉ và kiểm tra kỹ lưỡng. Ban lãnh đạo tình báo Xô Viết và Hồng quân luôn luôn biết rõ mọi kế hoạch của các lực lượng vũ trang Nhật và Đức.

… Điểm đặc biệt nhất là tất cả các thành viên trong nhóm của George đều hoạt động vì lý tưởng, vì sự nghiệp chung, chứ không phải vì tiền bạc. Những khoản tiền họ nhận được từ Trung Tâm (đó là những khoản tiền hết sức khiêm tốn) đều được chi vào việc trả tiền thuê địa điểm bí mật và tiền đi lại…

Giám đốc CIA Allen Dulles trong cuốn sách “Nghệ thuật tình báo” đã viết: “Thành tựu chủ yếu của nhóm George là vào giữa năm 1945 đã trao cho Stalin những bằng chứng rõ ràng cho thấy người Nhật không có ý định tấn công Liên Xô mà tập trung nỗ lực vào vùng Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương, tức là thực hiện chiến thuật Trân Châu Cảng. Thông tin này có giá trị bằng nhiều sư đoàn…” Vậy con người có giá trị bằng nhiều sư đoàn ấy là ai?

Richard George sinh trưởng ở Baku, trong gia đình một kỹ sư ngành dầu mỏ. Sau đó ít lâu, gia đình anh chuyển về Đức. Anh tốt nghiệp phổ thông, và khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ thì anh tình nguyện ra mặt trận. Tại mặt trận phía Đông, George lần đầu tiên được biết về phong trào cách mạng, lần đầu tiên được nghe nói về Lenin. Ngay khi ấy, anh đã lựa chọn con đường đi của anh, anh trở thành đảng viên xã hội dân chủ rồi đảng viên cộng sản, làm việc cùng nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Đức Ernst Tenloman. Năm 1925, theo lời khuyên của Tenloman, anh sang Liên Xô.

Cùng với những nhà cách mạng trẻ tuổi khác, George theo học tại Viện Mác – Lenin, chuẩn bị giương cao ngọn cờ của cách mạng thế giới. Trước đó, vào năm 1919, anh đã nhận được học vị tiến sĩ xã hội học tại trường đại học Hamburg. Đồng thời, anh làm công tác nghiên cứu khoa học: chỉ từ năm 1925 đến năm 1927, anh đã cho in hai cuốn sách và 17 bài báo khoa học nghiêm túc, anh đã trở thành nhà khoa học. Nhưng đến năm 1929, Ian Berdin đã lôi cuốn anh vào làm việc cho cơ quan tình báo quân sự Xô Viết. Làm việc này không khó khăn lắm. Đất nước đã trở thành tổ quốc của anh lúc đó đang bị kẻ thù bao vây khắp xung quanh. Chúng chuẩn bị can thiệp, tổ chức các vụ khiêu khích, đe dọa các vùng biên giới. Đất nước đó cần phải được bảo vệ.

Chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của George là đến Trung Quốc với tư cách phóng viên đặc biệt của tờ báo Đức “Dat Sociologic Magazine” và cũng là đại diện của một vài tờ báo Mỹ. Trung Tâm cần tin tức về âm mưu của Nhật ở Trung Quốc. George đi khắp Trung Quốc để thu thập những số liệu cần thiết. Cùng làm việc với anh là Mark Clauden, một người anh mới quen biết ở Thượng Hải, thợ cơ khí ô tô và một nhà chơi vô tuyến nghiệp dư. Mark Clauden lắp một chiếc điện đài và dễ dàng thiết lập liên lạc với đài phát thanh Xô Viết ở Vladimirvostoc. Trong thời gian lưu lại ở Trung Quốc, George không chỉ thu thập tin tức mà còn hoạt động công khai, sắp đặt những mối quan hệ cần thiết, nghiên cứu tình hình ở Trung Quốc cũng như ở nước Nhật Bản láng giềng. Giờ đây, con đường của anh là đến Nhật Bản, nhưng không phải đi thẳng mà là qua ngả Berlin. Vào lúc ấy, bọn phát xít đã lên nắm chính quyền ở Đức, anh phải lấy lại tên thật, tên của một người mà ai cũng biết đã từng là đảng viên cộng sản, đã từng quen biết Tenleman và tác giả của nhiều cuốn sách. Giờ đây, khó lòng tưởng tượng nổi là tại sao cơ quan phản gián Đức lại có thể phạm một sơ suất như vậy, nhưng đó là sự thật. Cơ quan phản gián Đức lúc đó còn quá non trẻ và thiếu kinh nghiệm, chúng chẳng có thời gian đâu kiểm tra lý lịch của từng người, nhất là người đó lại đã “từ bỏ” những tư tưởng trước đây.

Vậy là George đã trở thành phóng viên riêng ở Tokyo của tờ báo tư sản tự do Đức “Franfurter Saitung”. Ngày mồng 6 tháng 9 năm 1943, anh đặt chân lên cảng Iocotama.

Những bài báo của George rất giá trị đối với tờ báo và được độc giả rất quan tâm. Những bài báo của anh nổi bật lên nhờ cách phân tích sâu sắc, nhờ những kết luận rõ ràng và tầm bao quát rộng rãi đề tài. Sau khi giành được uy tín với tư cách nhà báo, anh bắt tay vào việc thực hiện nhiệm vụ tiếp theo là “nhập vào các giới người Đức” ở Tokyo, trước hết là vào giới chính trị. Người quen có triển vọng nhất của George là đại tá Ayden Ott, lúc đầu là nhà quan sát quân sự rồi sau là tuỳ viên quân sự của Đức ở Tokyo. Ông ta đánh giá rất cao George với tư cách là một chuyên gia, một người am hiểu Nhật Bản và một nhà phân tích xuất sắc.

Trích báo cáo của nhóm “Ramsay” gửi về Moskva:

“Mỗi khi Ott nhận được một tài liệu quý giá hoặc định viết một vấn đề gì đấy thì ông ta lại mời George đến, cho anh làm quen với tài liệu. Đối với những tài liệu không quan trọng lắm thì nếu George yêu cầu, ông ta chuyển đến nhà anh để anh làm quen. Còn nếu đấy là những tài liệu quan trọng hơn thì George thường đọc ngay trong phòng làm việc của ông ta”.

Ngày 29 tháng 4 năm 1938, đại sứ mới của Đức ở Tokyo, thiếu tướng Ayden Ott, “bạn” của George, trình uỷ nhiệm thư lên Nhật hoàng. Giờ đây, George đã có thể tiếp xúc không hạn chế với những tài liệu từ nguồn trực tiếp nhất. Đôi khi, theo yêu cầu của Ott, anh viết báo cáo cho cấp trên của ông ta ở Berlin. Công việc nhiều đến nỗi anh nhiều đêm phải thức trắng. Trong khi ấy, anh còn phải sống cuộc đời của một nhà báo cũng như phải tham gia cuộc sống của giới thượng lưu nữa. Các bản báo cáo của cơ quan phản gián Nhật cho thấy anh là một con người bình thường, có những nhược điểm và khuyết điểm riêng của mình. Anh thích uống rượu và không bắt mình phải từ bỏ thú vui này. Mật thám Nhật thản nhiên ghi nhận rằng anh không phải là tín đồ thanh giáo cả về mặt quan hệ với phụ nữ – trong tám năm sống ở Nhật, anh đã có quan hệ với ba mươi đại diện của phái đẹp. Rất có thể anh thư giãn bằng cách đó, mà cũng có thể anh đeo mặt nạ của một gã Don Juan để che giấu con người thật điệp viên của mình.

Vào khoảng giữa thập kỷ 30, nhóm “Ramsay” hình thành ở Tokyo và bắt đầu hoạt động. Tham gia nhóm này có Hotdumi Ottdaki, nhà báo và nhà hoạt động xã hội người Nhật, Branco Vukevich, phóng viên của tờ tuần báo Pháp “Vi” và của tờ báo “Chính trị” ở Bengrad, nhà kinh doanh Đức Mark Clauden và họa sĩ Miaghi. Tất cả đều là những con người chín chắn, lịch lãm, những nhà quốc tế chủ nghĩa, nhưng George vẫn phải bỏ nhiều công sức để huấn luyện họ thành điệp viên. Đặc biệt khó khăn là với Ottdaki: ông cho rằng những quan điểm quốc tế chủ nghĩa của mình, đặc biệt là việc cộng tác với George, trái ngược với lòng trung thành của ông đối với nước Nhật.

Trong suốt tám năm trời, những con người này đã sát cánh làm việc bên nhau, không hề trục trặc, hoàn toàn tin tưởng ở nhau. Nhiệm vụ chính của nhóm “Ramsay” là góp phần ngăn chặn cuộc chiến giữa Nhật Bản và Liên Xô và tìm hiểu mối quan hệ giữa Nhật Bản và nước Đức Hitler. Người giúp George thực hiện nửa đầu của nhiệm vụ là Ottdaki. Là một người có óc phân tích tinh tế, có văn hoá và trình độ học thức cao, từ tháng 7 năm 1938, ông trở thành cố vấn chính thức bên cạnh thủ tướng Nhật hồi đó là Conoe. Địa vị này cho phép ông không chỉ thông hiểu tình hình chính trị mà ở một mức độ nào đấy, dù là hết sức nhỏ, có thể ảnh hưởng đến việc ra các quyết định.

Tin tức đầu tiên mang tính chất thuần tuý quân sự của nhóm “Ramsay” là bức điện có chứa đựng kết luận cho rằng bộ tổng tham mưu Nhật đang chuẩn bị đòn đánh bất ngờ vào Cộng hòa nhân dân Mông Cổ. Thông tin này đã cho phép Hồng quân chuẩn bị giáng trả và đánh tan quân Nhật trên sông Khan-khin-Gol.

Năm 1939, vị trí của George trong sứ quán Đức được củng cố thêm bởi vì đại sứ Ayden Ott đề nghị anh làm tuỳ viên báo chí. Theo quy định thời đó thì điều này sẽ khiến anh mất quyền cộng tác với báo chí. Nhưng tình thế được hoá giải một cách bất ngờ. Trước đó ít lâu, một nhân viên Gestapo là Maydinghe đến sứ quán với nhiệm vụ kiểm tra đội ngũ nhân viên của sứ quán, hơn nữa, y được yêu cầu phải chú ý đặc biệt đến George vì anh đã từng là đảng viên cộng sản. Nhưng George đã biết cách tranh thủ cảm tình của Maydinghe đến nỗi anh được phép cộng tác với báo chí trong khi vẫn thực hiện nhiệm vụ của một tuỳ viên báo chí. Cần phải nói rằng George đã làm được không ít việc cả trên cương vị một tuỳ viên báo chí. Bởi lẽ nấp dưới bộ mặt một tên quốc xã chính thống và ở Đức, anh được coi là điệp viên của Tổng cục An ninh Đế chế nằm vùng ở Tokyo, một điệp viên đã cung cấp được những tin tức hạng nhất về Nhật Bản cho cơ quan tình báo Đức. Anh được Sellenberg đánh giá rất cao mà bằng chứng là những dòng y viết về anh trong hồi ký của y. Bọn Đức không thể tin được rằng anh lại không làm việc cho chúng. Những tin tức về việc George làm việc cho cơ quan tình báo Đức cũng đã bay đến Moskva, và đây là một trong những nguyên nhân khiến Stalin không tin anh.

Trong khi ấy, thời gian của những thử thách vĩ đại cả đối với anh cũng như đối với nhân loại cứ ngày một đến gần. George gửi đi những bức điện đầy lo ngại. Dưới đây là nội dung tóm tắt một vài bức điện trong số đó.

Tháng 2 – tháng 6 năm 1939: tin tức về việc Đức chuẩn bị xâm chiếm Ba Lan; cuộc tấn công sẽ bắt đầu vào cuối tháng 8 đầu tháng 9.

Tháng 2 – tháng 4 năm 1940: cảnh báo về việc Đức sẽ tấn công trên quy mô lớn vào Pháp và Anh; sau khi thống trị châu Âu, Đức dự định sẽ tấn công Liên Xô.

Ngày 18 tháng 11 năm 1940: tin tức và số liệu về những biện pháp mà Đức đang thực hiện nhằm chuẩn bị cho cuộc xâm lược Liên Xô. “Trên vùng biên giới Đức – Xô đã tập trung 80 sư đoàn Đức. Hitler có ý định xâm chiếm vùng lãnh thổ theo tuyến Kharcov – Moskva – Leningrad”.

Ngày mồng 5 tháng 3 năm 1941. “Những đại diện của Hitler đến đây đều khẳng định chiến tranh sẽ bắt đầu vào cuối tháng 5. Để tấn công Liên Xô, Đức đã tập trung 9 tập đoàn quân gồm một trăm năm mươi sư đoàn”.

Ngày 20 tháng 5 năm 1941. “Cuộc tấn công Liên Xô sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng 6; hướng tấn công chủ yếu là vào Moskva”.

Ngày 31 tháng 5 năm 1941. “Ngày 22 tháng 6, Đức sẽ tấn công Nga mà không tuyên chiến”.

Ngày 15 tháng 6 năm 1941. “Cuộc tấn công sẽ diễn ra trên một chiến tuyến rộng lớn vào lúc rạng đông ngày 22 tháng 6”.

Không thể chính xác hơn được nữa! Nhưng Stalin không tin George, không tin cả Schulze-Boysen và những điệp viên khác đã nêu đích danh ngày tháng này. Điều đó có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Những nguyên nhân khách quan sẽ không được đề cập đến ở đây bởi vì những nguyên nhân đó đã được biết khá rõ rồi. Còn nguyên nhân chủ quan cơ bản là George đã nhiều lần viện những lý do khác nhau để từ chối đến Liên Xô nghỉ phép hoặc công tác. Anh suýt bị gán cho “danh hiệu” khủng khiếp là “kẻ không muốn trở về”. Vậy có thể tin tưởng một người như vậy không? Nhưng về phần mình thì George cũng không có lòng tin như vậy – chắc chắn là anh không tin rằng anh sẽ có thể sống sót trở về sau khi đến Liên Xô bởi vì đã có quá nhiều bạn chiến đấu của anh ra đi rồi không trở lại. Chẳng hạn như Berdin…

Còn có một nguyên nhân nữa. Những tin tức về ngày tháng Đức tấn công Liên Xô đến từ nhiều nguồn khác nhau, thậm chí còn được công bố trên báo chí các nước trung lập. Và tất cả những tin đó đều không được chứng thực. Cả một số lời cảnh báo của George (cuối tháng 5, ngày 20 tháng 6…) cũng không được chứng thực.

Do đó Stalin không tin, và chiến tranh đã bùng nổ. Bây giờ cần phải làm rõ lập trường của Nhật Bản.

Ngày mồng 2 tháng 7 năm 1941, phiên họp của hội đồng hoàng gia Nhật diễn ra dưới sự chủ tọa của Nhật hoàng Hirohito. Phiên họp quyết định: tấn công Đông Dương, duy trì hiệp ước không tấn công lẫn nhau với Liên Xô, động viên một lực lượng quân đội đủ lớn để nếu thuận tiện thì vẫn thực hiện việc tấn công Liên Xô.

Ngày mồng 3 tháng 7, Moskva nhận được bức điện: “Mặc dù nước Đức Hitler gây sức ép nhưng tạm thời Nhật sẽ không tham gia cuộc chiến chống Liên Xô”.

Tháng 9 – tháng 12 năm 1941, xe tăng Đức tiến về phía Moskva. Bộ chỉ huy Xô Viết đứng trước một vấn đề mang tính quyết định: liệu có thể chuyển các đơn vị ở Xibiri sang phía Tây để bảo vệ Moskva được không?

Ngày mồng 6 tháng 9 năm 1941, Moskva nhận được một báo cáo đã kiểm tra kỹ lưỡng: “… Trong năm nay, Nhật Bản sẽ không tiến vào vùng Viễn Đông”.

Đầu tháng 10 năm 1941: “Nếu trước ngày 15 tháng 10 mà chính phủ Nhật Bản không đạt được thoả thuận với Mỹ thì Nhật Bản sẽ phát động cuộc chiến ở miền Nam chống Singapore. Chiến sự giữa Nhật và Mỹ chắc chắn sẽ bắt đầu vào cuối năm”.

George còn chuẩn bị xong một bức điện nữa: “Sứ mệnh của chúng tôi ở Nhật Bản đã hoàn thành. Đã tránh được cuộc chiến tranh giữa Liên Xô và Nhật Bản. Hãy đưa chúng tôi về Moskva hoặc phái chúng tôi sang Đức”. Những bức điện này đã không kịp gửi đi.

Ngày 18 tháng 10 năm 1941, George bị bắt. Việc bắt giữ nhóm của anh được cơ quan phản gián Nhật đánh giá là thành công lớn nhất. Ba mươi hai nhân viên phản gián Nhật được tặng thưởng những huân chương cao nhất của nước Nhật.

Cuộc điều tra kéo dài vài năm. Lập trường của phía bị cáo do George đề xuất là rất vững chắc: “Trung Tâm chỉ thị cho chúng tôi là phải cố gắng ngăn chặn khả năng xẩy ra chiến tranh giữa Liên Xô và Nhật Bản… Và suốt từ đầu đến cuối tôi luôn luôn kiên trì đường lối này”. Tuy nhiên, toà vẫn tuyên án tử hình đối với Richard George và Hotdumi Ottdaki. Các thành viên khác của nhóm bị tuyên những thời hạn tù khác nhau, nhưng chỉ một mình Clauden là kịp hưởng tự do: sau khi nước Nhật bại trận, Clauden được chính quyền chiếm đóng Mỹ phóng thích.

Việc bắt giữ và kết án George chẳng khác gì một quả bom nổ tung trong sứ quán Đức ở Tokyo. Cả Ott lẫn Maydinghe đều ra sức hạ thấp vai trò của mình trong mối quan hệ với George. Để giải thích vụ thất bại này, người ta đã tạo ra một huyền thoại về George, dường như anh là một “siêu nhân có thể đi xuyên qua tường”.

Ngày 11 tháng 7 năm 1944, sau hơn ba năm ngồi tù, George bị treo cổ. Sau khi anh chết vẫn còn lại những “hồi ký” của anh – đó là những ghi chép của anh ở trong tù. Trong những ghi chép đó, anh quả quyết tuyên bố với cả bạn bè lẫn kẻ thù rằng anh chết như một người cộng sản trong niềm tin vào thắng lợi của Liên Xô.

Nhiều người thường đặt câu hỏi là liệu có thể cứu được George không bằng cách trao đổi anh lấy những điệp viên Nhật bị bắt giữ ở Liên Xô? Chưa chắc. Vào thời chiến, việc trao đổi như vậy chưa từng được một bên tham chiến nào thực hiện.

error: Content is protected !!