Có thời gian ông ta gần như được coi là một nhân vật huyền thoại gắn với tên gọi của OG (tổ chức Gehlen). Không ai nhìn thấy, không xuất đầu lộ diện ở đâu và không bao giờ trả lời phỏng vấn nhưng con người này có thực và sự ra đời của OG gắn liền với ông ta.
Reinhard Gehlen sinh tại Erfurt ngày 2 tháng 4 năm 1902. Ông ta chọn cho mình con đường binh nghiệp và từ đầu Thế chiến thứ nhất đã có chức vụ trong Bộ tổng tham mưu. Đứng đầu nhóm phương Đông của Ban nghiệp vụ Bộ tổng tham mưu, ông ta nổi bật trong vai trò người hình thành các kế hoạch quân sự chống Liên Xô. Từ tháng 10 năm 1940, Gehlen chịu trách nhiệm về “các vấn đề chung trong chỉ đạo cuộc chiến ở phía Đông”. Từ ngày 1 tháng 4 năm 1942, ông ta là đại tá chỉ huy Cục 12 thuộc Bộ tổng tham mưu, ngoài khu vực Liên Xô còn chịu trách nhiệm về hoạt động các vùng Scandinavia và Balcan. Cục 12 trước đây hoạt động yếu được Gehlen biến thành bộ máy vận hành trơn tru và có tên gọi mới là “FHO” – Cục “Quân đội nước ngoài ở phía Đông”, chuyên xử lí các tư liệu nhận từ Abver (Cơ quan Tình báo Quân sự Đức), lập báo cáo và đưa ra dự báo. Công việc không dễ dàng, hơn nữa kết quả làm việc được trình lên Hitler thường xuyên khiến gã này tức giận và không hài lòng, vì tình hình không khớp với hình dung của gã về tiến trình các sự kiện. Vì thông tin có chất lượng từ Abver bị ngừng trệ nên Gehlen thiết lập quan hệ tiếp xúc với các cơ quan tình báo khác như: Cục Tình báo mặt trận “Ost-I-II-III”, cơ quan thông tin liên lạc bí mật, đài phát thanh, tình báo không quân và mặt trận. Ông ta cũng sử dụng nguồn tin khai thác từ tù binh chiến tranh. Chính Gehlen đã đồng ý hợp tác với tướng Vlasov.
Gehlen cũng hợp tác chặt chẽ với Cục IV của Cơ quan An ninh Đế chế. Ông ta tham gia vào hoạt động chuẩn bị chiến dịch “Seppelin” tung gián điệp qua bên kia chiến tuyến, vạch kế hoạch chỉ đạo chiến thuật trong sử dụng các nhóm và tổ chức phá hoại ở hậu cứ của đối phương. Là một kẻ nắm được thông tin đáng tin cậy về cục diện chiến tranh và sự thất bại chắc chắn của nước Đức phát xít, nhưng có tư tưởng chống cộng hiếu chiến, Gehlen đã thực hiện sự chọn lựa: dành bản thân và những hiểu biết cũng như cơ quan dưới quyền chỉ huy của mình phục vụ cho đối tác nào trong số phe Đồng minh sẵn sàng thu dụng và trả thù lao cao cho sự phục vụ đó.
Gehlen giữ khoảng cách khá xa với những kẻ mưu loạn ngày 20 tháng 4 năm 1944, còn nếu có duy trì quan hệ quen biết với ai đó thì phải là người như ông ta, có khuynh hướng dựa vào phương Tây. Trước khi Đệ Tam Đế chế sụp đổ, Gehlen không tán thành ý định thành lập các nhóm “Vervolf” và tiến hành cuộc chiến tranh bí mật của bộ sậu cầm quyền Hitler.
Ngày 5 tháng 4 năm 1945, Gehlen bí mật thỏa thuận với trợ lí của mình là Gerherd Vessel và chỉ huy cũ của Ban nước Nga trong Abver là German Baun đồng tình chạy sang với người Mỹ cùng món “lễ vật” là những tài liệu lưu trữ và danh sách những nhân viên xuất sắc có tư tưởng chống cộng, chống Liên Xô và theo Mỹ. Trong tình hình náo loạn những ngày cuối cuộc chiến tranh, Gehlen đã rời nhiệm sở cùng Vessel và những người tin cẩn khác của mình lẩn trốn trên miền đồng cỏ Anpes gần Elendzalm, nơi theo lệnh ông ta kho lưu trữ của FHO đã được chôn giấu dưới lòng đất. Khi vùng đất châu Âu này rơi vào tay quân đội Mỹ, Gehlen không muốn giao nộp cho ai đó bất kì, mà yêu cầu gặp được đích thân chỉ huy cơ quan tình báo hoặc phản gián. Nhưng người mà ông ta gặp gỡ đầu tiên lại là một viên đại úy trẻ tuổi thuộc Cục Phản gián Mỹ. Anh ta đã chuyển Gehlen vào một trại tù binh chiến tranh. Tại đó may mắn cho Gehlen là ông ta đã gặp được tướng chỉ huy G-2 (Cơ quan Tình báo Quân sự) tại vùng chiếm đóng của Mỹ trên đất Đức là Edvin Luther Sibert. Gehlen chia sẻ với ông này những ý tưởng phối hợp chống Liên Xô. Điều đó cũng trùng hợp với tư tưởng của tướng Sibert. Ông ta giới thiệu Gehlen với người đứng đầu ban tham mưu của Eisenhower là tướng Walter Bedell Smith là người nổi tiếng có tinh thần chống Liên Xô mạnh mẽ. Hai người gặp gỡ đối thoại lâu và hết sức tâm đầu ý hợp. Kết quả là tháng 9 năm 1945, Gehlen cùng với sáu trợ thủ đã bay sang Mỹ. Tại đây họ gặp thiếu tướng giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự Mỹ là George V. Strongo. Trước tháng 7 năm 1946, tại Washington đã diễn ra các cuộc đàm phán và một hoạt động chuẩn bị khác. Trong khi đó, “đồng minh” cũ của Gehlen là German Baun dưới sự kiểm soát của tướng Sibert đã giấu Gehlen bí mật lập một nhóm nhỏ hoạt động tình báo – phản gián. Tổng hành dinh của nó được đặt ở vùng núi Taunus. Nhóm hoạt động tích cực bắt đầu từ tháng 3 năm 1946.
Tháng 7 năm 1946, Gehlen trở về Đức. Lúc này người Mỹ đã được phê chuẩn và đồng ý tài trợ cho tổ chức tình báo dưới sự chỉ huy của Gehlen. Baun và Vessel được chỉ định là trợ lí của Gehlen. OG đã ra đời như vậy. Người Anh cũng tìm cách xây dựng một tổ chức như vậy. Nhưng họ không thành công. Người đứng đầu tổ chức này là Adolf Vikht cùng những người dưới quyền đã chuyển sang gia nhập OG đầu năm 1947.
OG được thành lập với nhiều điều kiện, ví dụ như:
1. Cục Tình báo Đức thực hiện hoạt động tình báo ở phương Đông… trên cơ sở mối quan tâm chung đối với vấn đề ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản…
… 4. Tổ chức được phía Mỹ cung cấp tài chính… Đổi lại tổ chức này sẽ cung cấp tất cả các kết quả hoạt động tình báo cho người Mỹ…
Ban đầu OG hoạt động ở Taunus, tháng 12 năm 1947, tổng hành dinh của nó chuyển về trang ấp của Rudolf Hess tại Pullache, cách Munchen không xa. Gehlen loại bỏ đối thủ của mình là German Baun vào tháng 12 năm 1951 với lí do vi phạm tài chính. Dần dần trang ấp của Hess không chứa nổi cơ quan đã khuếch trương lớn của Gehlen. Tổ chức tình báo cũ của Martin Borman (“gián điệp của người Nga” theo định nghĩa của Gehlen) được sáp nhập vào OG. Sau đó người ta đã xây hàng loạt công trình làm công sở và nơi ở cho nhân viên OG. Khu làng có tên gọi là “trại Thánh Nicolaus” vì bắt đầu có người dọn đến ở vào ngày 6 tháng 12 năm 1947, ngày Thánh Nicolaus. Nhận được lương thực thực phẩm là thứ khan hiếm thời đó, cũng như dollar bị cấm lưu hành giữa người Đức, nhiều nhân viên OG và vợ của họ bắt đầu hoạt động đầu cơ. Họ thông đồng với cảnh binh, khi có người mua hàng của một kẻ đầu cơ và trả bằng dollar. Cảnh binh sẽ bắt giữ kẻ đầu cơ và thu dollar rồi lại trả về cho người này (sau khi đã lấy phần của mình). Đám này đầu cơ cà phê ở chợ đen và buôn lậu. Năm 1953 xảy ra vụ án lớn nhưng tướng Gehlen cũng như tổ chức của ông ta không hề bị triệu ra tòa. Điều đó đã được trả giá bằng một khoản tiền lớn, nhưng OG bảo vệ được danh tiếng của mình. Đương nhiên nhân viên OG không chỉ hoạt động đầu cơ. Nhiệm vụ chính của tổ chức này là chống Liên Xô, chủ yếu phát triển hoạt động gián điệp quân sự chống quân đội chiếm đóng Liên Xô trên đất Đức, và hoạt động phản gián. Tổ chức cũng tiến hành hoạt động tình báo chính trị và sử dụng các gián điệp hai mang. Từ thời điểm thành lập của mình, OG luôn duy trì quan hệ chặt chẽ với Cục Tình báo Trung ương Mỹ, cung cấp chi tiết thông tin về Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa mà việc thu thập là khó khăn đối với người Mỹ. Từ năm 1950, Gehlen bắt đầu tuyển mộ vào tổ chức của mình những tên quốc xã vốn thuộc Cơ quan An ninh Đế chế trước đây. Trong những năm “chiến tranh lạnh” đó là những sự trợ giúp quan trọng. Ông ta còn thiết lập những mối tiếp xúc chặt chẽ với các tổ chức lưu vong chống Liên Xô như: “Liên minh Lao động Dân tộc”, “Nghĩa quân Ucraina” và các tổ chức khác.
Sau sự ra đời vào năm 1949 của nước Cộng hòa Dân chủ Đức (DDR), tổ chức của Gehlen lại càng trở nên quan trọng đối với người Mỹ. Theo nhiệm vụ của người Mỹ giao phó, Gehlen tuyển lựa gián điệp trong nhóm thân cận của thủ tướng DDR Otto Grotewohl, bộ trưởng giao thông DDR, bộ trưởng tương lai Bộ Nội vụ Ernest Vollveber và ở những điểm trọng yếu khác. OG lôi kéo chạy sang phương Tây một số nhân vật tầm cỡ: ví dụ như vào tháng 4 năm 1953 là Johann Krauss – một viên chức cấp cao trong của cơ quan Tình báo Đối ngoại DDR, còn vào tháng 9 năm 1955 là thứ trưởng Herman Castner. Ngày 11 tháng 7 năm 1955, OG đổi thành Cục Tình báo Liên bang (BND), Reinhard Gehlen trở thành giám đốc. Bây giờ nguồn tài chính cho Cục không còn do người Mỹ cấp mà từ ngân sách liên bang của Cộng hòa Liên bang Đức (LBĐ) và Cục trở thành cơ quan hoạt động gần như độc lập. Gehlen đặc biệt chú trọng củng cố ảnh hưởng của mình trong quân đội LBĐ. Không phải ngẫu nhiên mà những kẻ như con trai người đứng đầu Bộ tổng tham mưu cũ là trung tá Hains Gunter Guderian, cháu một tướng bảo hoàng là đại tá Ludendorf, cựu tướng quân đội Đức phát xít Adolf Hoyzinger, người về sau trở thành tổng thanh tra thứ nhất trong quân đội và nhiều kẻ khác đã tìm được nơi nương náu trong tổ chức của Gehlen. Bên cạnh đó Gehlen cũng chỉ đạo hoạt động phản gián trong nội bộ nước Đức, và càng làm tăng ảnh hưởng của bản thân, đặc biệt trong thời kì “săn phù thủy”, và được quyền tự do tiếp cận thủ tướng thứ nhất chính phủ LBĐ Conrad Adenauer.
OG, dù là với tên gọi nào, cũng có số lượng điệp viên khổng lồ. Chỉ riêng cơ quan tổng đại diện của nó ở Karlsrua đã có bốn mươi hai nguồn cung cấp tin tình báo hoạt động trực tiếp ở Đông Berlin và vùng cai quản của Liên Xô. Nó cũng có những nguồn tin, cơ sở chỉ điểm, các tùy viên và nhiều đơn vị tình báo ở các nước trung lập Áo và Thụy Sỹ, tại Pháp và Nam Tư. Ngoài ra điệp viên cũng được tuyển mộ trong các khu vực chính trị và kinh tế trong nội địa BRD, ở Tây Berlin, trong các bộ chức năng và cơ quan chính quyền, cơ quan cảnh sát và lính biên phòng, trong các đảng phái chính trị, các công đoàn, các tổ chức đại diện ngoại giao của chính phủ Bonn ở nước ngoài.
Ảnh hưởng và ý nghĩa hoạt động tăng lên, Gehlen càng thể hiện thói cục bộ gia đình của mình. Tất cả những chức vụ lãnh đạo chủ chốt ông ta chỉ tin cậy giao cho các chiến hữu của mình, chủ yếu là cựu sĩ quan của Bộ tổng tham mưu và Cơ quan Tình báo Quân sự cũ của nước Đức phát xít. Những kẻ này lãnh đạo các đơn vị trong Cục, đôi khi có sự thay đổi vị trí lẫn nhau. Tính cục bộ càng biểu hiện rõ hơn sau sự thành lập Cục Tình báo Liên bang. Trong Cục, Gehlen tạo thành một bè cánh gia đình thực sự ảnh hưởng đến đường lối hoạt động của Cục. Các nhà văn Đức G. Gene và G. Solling nhận xét trong cuốn Nội bộ Pullach: “Vô số quan hệ chằng chịt gắn kết các thành viên của tổ chức với nhau. Gehlen với tư tưởng gia đình trị cố hữu của mình đã đưa vào bộ máy ở Pullach những quan hệ chéo. Ông ta đã tạo điều kiện cho cuộc hôn nhân của cô thư kí của mình với một trong các nhân viên cao cấp về sau trở thành người đứng đầu cơ quan mật vụ”. Gehlen gả con gái Catharina của mình cho đại tá Durrvanger, chính là nhân vật có biệt danh “Ustus” và đặt con rể vào vị trí trưởng ban liên lạc của Cục Tình báo Liên bang tại Bonn, có nghĩa là chỉ định vào một vị trí có khả năng tìm kiếm được những mối quan hệ tiếp xúc ở mọi lĩnh vực hoạt động của bộ máy chính phủ. Trong biệt thự của Gehlen, bè cánh gia đình này thường xuyên tụ họp, gồm ba cô con gái, các chàng rể, bạn bè và cô thư kí của “Ustus” Durrvanger là Veronica, con gái người bạn thân Wolf của Gehlen. Người trở thành chồng Veronica là Lenkait cũng làm việc cho Cục Tình báo Liên bang. Ngoài Catharina, Gehlen còn có hai cô con gái nữa cũng lấy chồng là nhân viên Cục Tình báo Liên bang. Em trai Gehlen, có biệt hiệu “Don Juan” là điệp viên của Cục tại Rome. Ông này nổi bật với những kế hoạch kì quặc xâm nhập Vatican và những hành vi phù hợp với biệt hiệu bị gán cho đó. Anh vợ Gehlen là Fon Seidlips-Kursbach, đứng đầu ban Nhân sự của Cục và giữ riệt trong tay vị trí quan trọng nhất đối với “gia đình” đó. Một trong các anh em họ của Gehlen là Slemel, biệt danh là “Tiến sĩ” là bác sĩ chính thức của Cục. Hoạt động quan trọng nhất trong “cảnh điền viên gia đình” đó là trong thời gian họp mặt ở biệt thự của Gehlen họ cùng nhau vạch lí thuyết hoạt động tình báo, lập và phân chia nhiệm vụ.
Ngoài thành viên gia đình mình, Gehlen cũng ưu ái cho gia đình các ông bạn cùng cánh và đồng nghiệp cũ. Con trai đám bạn bè đó được sắp xếp vào những vị trí ngồi mát ăn bát vàng. Họ đi học bằng tiền của Cục và đi làm việc nặc danh nên có thể che giấu được việc là thân thích của những nhân viên cao cấp trong Cục. Điệp viên Liên Xô Felfe, người làm việc cùng Gehlen, nhớ lại rằng có một người trong đám con cháu đó được điều đi làm nhiệm vụ rất quan trọng và bí mật. Nhưng trong chương trình truyền hình về Thế vận hội Olimpic tại Rome người ta lại thấy mặt anh ta được quay rõ ràng trên khán đài sân vận động, là nơi anh ta không thể nào được phép lộ diện.
Từ năm 1960, bắt đầu giai đoạn xế chiều của thời đại Gehlen. Hoàn toàn bất ngờ với Gehlen và Cục của ông ta là việc xây dựng bức tường Berlin. Điều này không chỉ là đòn giáng mang tính chất tinh thần vào thanh danh của Cục mà còn làm mất đi điểm hoạt động liên lạc nối với các gián điệp đang hoạt động trên đất Cộng hòa Dân chủ Đức. Đòn giáng thứ hai là vụ bắt giữ và xét xử điệp viên Liên Xô Felfe, người nắm giữ chức vụ cao trong Cục. Ông này xuất thân từ Cục An ninh Đế chế và tổ chức SS, nhờ đó mà trở thành nhân viên của OG, và sau đó là Cục Tình báo Liên bang. Sự kiện bắt giữ ông đã gây làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trong xã hội Tây Đức về việc sử dụng trong các cơ quan đặc vụ những sĩ quan quốc xã cũ. Mà đặc biệt là chính tổ chức của Gehlen đã phạm sai lầm này.
Cũng trong năm 1963 này thủ tướng Erhard lên thay ông Adenauer. Thủ tướng mới là người ít trọng thị Gehlen. Việc thủ tướng Kurt George Kisinger lên nắm quyền và sự kiện thành lập “Đại Liên minh”
“(Liên minh các đảng phái Tây Đức và Đảng Xã hội Dân chủ Đức), ở Tây Đức đã diễn ra những thay đổi – đường lối của chính phủ lúc này theo xu thế phát triển xã hội dân sự và hạn chế hoạt động phi pháp của Cục Tình báo Liên bang ở bên trong đất nước.
Đến tuổi hưu (66 tuổi), tháng 5 năm 1968, Gehlen được miễn nhiệm. Năm 1972 viên tướng này cho xuất bản tập hồi kí nhan đề Công vụ, hồi ức 1942-1971.
Năm 1979, tướng Gehlen mất ở tuổi 77.