Vào những năm 1925 đến 1930 trên báo chí nước ngoài xuất hiện “những văn kiện tài liệu” về “những kế hoạch báo hiệu điềm dữ” của Tổng cục chính trị trực thuộc Hội đồng Dân ủy Liên Xô và của Quốc tế cộng sản gây nên cơn sốc mạnh đối với nền tảng kinh tế và chính trị của thế giới phương Tây. Nhìn bề ngoài thì không ai nghi ngờ gì cả, từ văn phong đến từ ngữ, chữ ký của các nhân vật có chức vụ – tất cả đều nói lên đây là những văn kiện tài liệu thật. Việc công bố những văn kiện này đã kích động một làn sóng phẫn nộ của dư luận phương Tây và trong nhiều trường hợp đã dẫn đến những hậu quả bi thảm nặng nề: những người cộng sản Bungari bị kết án tử hình tựa hồ như chính họ được Quốc tế cộng sản giao nhiệm vụ đã gây nên vụ nổ nhà thờ ở Sophia; Thương vụ Liên Xô ở Berlin bị cảnh sát Đức tấn công; Cơ quan đại diện Hiệp hội hợp tác Nga bị cảnh sát Anh tấn công, từ đó dẫn đến việc cắt đứt sau đó các quan hệ ngoại giao giữa Anh và Liên Xô. Uy tín của Liên Xô, một đất nước vừa mới thoát khỏi sự cô lập quốc tế, bị một tổn thất nặng nề. ở Mỹ người ta truyền đi một tin giật gân là tình báo Liên Xô quyết định mua chuộc hai thượng nghị sĩ Bor và Norris để họ thuyết phục Mỹ công nhận Liên Xô. Điều này cũng được “khẳng định theo văn kiện” và đã gây nên tai tiếng xấu và sự hằn học đối với Liên Xô. Các “văn kiện tài liệu” có nguồn gốc tựa hồ như từ Moskva nhưng lãnh đạo Liên Xô biết chắc rằng đây là những văn kiện giả mạo. Vấn đề đặt ra là ai đã tạo ra văn kiện giả và địa điểm làm văn kiện giả ở đâu. Tình báo Liên Xô có trách nhiệm phải trả lời những câu hỏi này.
Sau khi điều tra kỹ lưỡng, tình báo Liên Xô đã xác định được nguồn xuất phát là một tổ chức có tên là “Hội chân lý nước Nga”. Tình báo Liên Xô đã tiến hành thu thập tỉ mỉ những cứ liệu về tổ chức Hội và thủ lĩnh của Hội này. Viên tham tán Vladimia Grigorievic Orlov định cư ở Berlin, một địch thủ nguy hiểm và từng trải chính là thủ lĩnh của “Hội chân lý nước Nga”. Dưới thời Nga hoàng, Orlov từng là dự thẩm viên xem xét những hồ sơ đặc biệt quan trọng, sau đó là Trưởng cơ quan tình báo và phản tình báo của Vranghel. Chỉ có một số người rất hạn chế biết được hoạt động thực của Orlov. Để lọt được vào giới những người thân cận với Orlov phải là người rất khéo léo, hơn nữa phải có sơ yếu lý lịch phù hợp. Lãnh đạo tình báo Liên Xô đã chọn Nikolai Crosco. Anh sinh trưởng trong một gia đình nghèo tại tỉnh Tambov. Cha mẹ anh sẵn sàng hy sinh làm bất cứ việc gì để con trai mình được học hành. Nikolai tốt nghiệp trường trung học với huy chương bạc. Năm 1918 từ thành phố Kiev bị Đức chiếm đóng Nikolai đi đến vùng sông Đông gia nhập quân đội Denikin, sau đó bỏ chạy sang Ba Lan làm việc cho Savincov, rồi mở rộng quan hệ với kiều dân Nga, chủ yếu là giới sĩ quan. Năm 1920 một điệp viên của Liên Xô hoạt động ở vùng Baltic biết tin trung uý Nikolai Crosco chán cảnh sống của ngoại kiều và đang mong muốn trở về Tổ quốc. Người ta đề nghị Crosco cộng tác với tình báo Liên Xô và anh đã vui lòng nhận lời.
Những nhiệm vụ đầu tiên giao cho Nikolai Crosco không có gì phức tạp. Phải lọt vào được một vài nhóm kiều dân Nga và xác định xem họ là ai. Những nhiệm vụ giao cho Crosco để thẩm tra anh đều được Crosco hoàn thành có hiệu quả đến mức anh được ghi tên vào biên chế tình báo đối ngoại của Liên Xô. Điều này rất hiếm khi xảy ra. Nikolai Crosco đã chính thức trở thành cộng tác viên mang bí danh “Kate”.
Bắt đầu một công việc hấp dẫn nhưng đầy nguy hiểm. Mặc dù “Kate” luôn phải đi sang nhiều nước hoạt động nhưng chủ yếu anh công tác trong thành phần cơ quan tình báo ở Berlin. Giai đoạn này ở Berlin “Hội Chữ thập trắng” hoạt động đứng đầu là cựu trung úy không quân Pavlov. Tập hợp xung quanh Pavlov là những sĩ quan trẻ đã quá thất vọng về các thủ lĩnh cũ như Denikin, Vranghel và các tổ chức quân chủ phái hữu. Pavlov đã tìm được sự ủng hộ vật chất và tinh thần ở các nhà hoạt động trong giới phản động cực đoan Đức mà sau này trở thành những tên phát xít điên cuồng. “Kate” được giao nhiệm vụ lọt vào hàng ngũ “Hội Chữ thập trắng” và làm sao chiếm được lòng tin của Pavlov, đồng thời phải xác định được hiện nay bọn chúng đang làm gì và “Hội Chữ thập trắng” nguy hiểm đến mức nào. “Kate” đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao: không những lọt vào được tổ chức của Hội mà còn trở thành người trợ lý thân cận của Pavlov. “Kate” hiểu rõ công việc của Hội, có thể dàn xếp những mâu thuẫn trong Hội. Vì vậy những điệp viên dự định phái sang Liên Xô sẽ được tuyển chọn lại và được sử dụng như một kênh tung tin đồn nhảm. Toàn bộ số lượng các tập sách mỏng và tờ rơi có nội dung chống Liên Xô được giao cho “Kate” chuyển sang Liên Xô nhưng trên thực tế đã bị hủy đi. Chẳng bao lâu sau, những thất bại trong hoạt động của “Hội Chữ thập trắng” đã làm cho người Đức chán ngán và hậu quả là người Đức từ chối giúp đỡ về vật chất cho Hội. Về thực chất “Hội Chữ thập trắng” tạm ngừng hoạt động, còn Pavlov thì chuyển nghề làm lái xe mặc dù ông ta vẫn là thủ lĩnh của Hội.
“Kate” đã sử dụng thời gian làm việc ở “Hội Chữ thập trắng” với hiệu quả lớn. “Kate” đã tạo được mối quan hệ rộng rãi với người Đức, năm 1923 “Kate” tham dự Đại hội xã hội quốc gia và tổ chức “Mũ thép”, cùng ăn nhậu với các đại biểu nên càng thắt chặt mối quan hệ với họ. “Kate” cũng quen biết các thủ lĩnh Liên minh quân sự toàn Nga (ở Paris), các thủ lĩnh tổ chức quân chủ, nghĩa là làm quen được với tất cả bậu sậu kiều dân Nga ở nhiều nước.
Vào đầu những năm 1920, do Liên Xô chưa có tổ chức điệp viên ở tất cả các nước nên “Kate” thường phải đi đến nhiều thủ đô của các nước châu Âu để nắm tình hình hoạt động tại chỗ của các tổ chức kiều dân Nga. Một trong những trường hợp như thế đã xảy ra với các thủ lĩnh tổ chức quân chủ Nga. Lúc bấy giờ đại bản doanh của họ đóng ở Munich, nước Đức. Sau khi đến được đại bản doanh này “Kate” đã phải tốn biết bao nhiêu sức lực để làm quen và tiếp cận với nam tước Medem và công tước Kadembec là hai thư ký riêng của đại công tước Kiril Vladimirovich. Dĩ nhiên, ngoài sự hấp dẫn cá nhân còn phải sử dụng cả tiền bạc của tổ chức nữa, bởi lẽ các ngài quý tộc sa sút sẽ không từ chối ăn nhậu do người khác bao. “Kate” đã được tham dự hội nghị của các đảng viên Kiril Vladimirovich với thống chế Lindendorf và với Đảng Quốc xã đang phôi phai thành lập, không những thế sau khi đại công tước Kiril Vladimirovich chuyển sang Paris hoạt động, “Kate” nhờ các viên thư ký trợ giúp đã lọt vào văn phòng của đại công tước chụp được khoảng 100 tài liệu văn kiện cất giữ trong két sắt.
Ở Paris “Kate” đã thu thập được những thông tin về các mối quan hệ của các tổ chức kiều dân Nga với giới chính khách và tình báo Pháp, qua đó phát hiện được một số điệp viên của các tổ chức này ở Liên Xô. Sau khi trở lại Berlin, một hôm vào chiều tối “Kate” đã lấy được ở phái đoàn quân sự Denikin – Vranghel hai va li tài liệu chở về trụ sở của tình báo Liên Xô chụp ảnh lại toàn bộ tài liệu và sáng sớm hôm sau đem trả về chỗ cũ.
Nhưng mục tiêu chủ yếu của “Kate” vẫn là Orlov và “Hội chân lý Nga”. “Kate” làm quen với đại tá Colberg là bạn đồng thời là người đồng chí hướng của Orlov. Colberg đích thân giới thiệu “Kate” với Orlov. Orlov vốn là người cau có và đa nghi nên không vồn vã đón tiếp “Kate”, mặc dù anh chàng trung úy này gây được ấn tượng dễ chịu. Orlov thăm dò Pavlov để Pavlov đánh giá một cách tốt nhất người trợ lý của mình. Nhưng như thế còn quá ít. Cần phải chứng tỏ những điều kiện nào đó khiến Orlov quan tâm đến việc cộng tác và làm tan tảng băng không tin cậy. Một hôm “Kate” báo cáo với Pavlov rằng, theo lời khuyên của Pavlov và Orlov về những thông tin nhận được từ “người của mình ở Liên Xô” thì “người của mình” tựa hồ như đã đẩy mạnh công việc và họ đang rất cần có sự liên hệ trực tiếp. Pavlov vớ ngay lấy ý kiến của “Kate” nêu lên, ông ta muốn đề cao uy tín của mình nên thuyết phục Orlov cử “Kate” làm phái viên, vì “Kate” có thể sử dụng những mối quan hệ của mình ở Phần Lan.
Vào một đêm tháng 10 năm 1925, nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát Phần Lan “Kate” đã vượt biên giới Phần Lan – Liên Xô thông qua “cơ sở” mà các đồn biên phòng của Liên Xô đã chuẩn bị trước. “Kate” đến Moskva thuận buồm xuôi gió. “Kate” báo cáo là anh đã biết về các mối quan hệ của các nhóm kiều dân Nga ở Helsinki và Vưborg với cảnh sát Phần Lan và anh cũng biết ai và bằng cách nào đã chuẩn bị và thực hiện việc đưa anh vượt biên giới. Sau đó “Kate” đã gặp mẹ và em gái ở Kiev, rồi đến Sevastopol chuyển thư của Pavlov cho bà cô ông ta và nhận thư phúc đáp. “Kate” được nhận hộ chiếu Liên Xô, tuy nhiên hộ chiếu vẫn nằm trong hồ sơ. Trước khi lên đường quay trở lại người ta cung cấp cho “Kate” những tài liệu thông tin mà giới kiều dân Nga Bạch vệ và bạn bè phương Tây của họ quan tâm. Sau khi trở lại Phần Lan một phần tài liệu thông tin này “Kate” đã chuyển cho chánh cảnh sát Phần Lan để “trả công” về sự giúp đỡ của họ đối với “Kate”.
Những tài liệu này gây được ấn tượng tốt đến mức cảnh sát Phần Lan muốn “Kate” gặp gỡ bí mật với “những người của họ” ở Leningrad và Moskva. Khi “Kate” trở về đến Berlin, Pavlov xuất phát từ quyền lợi riêng bắt đầu phô trương những thành tích của “Kate”, và sau đó không lâu, sau khi tìm hiểu kỹ những thông tin mà “Kate” đem về, Orlov đang trong tâm trạng phấn khích về những nhận xét tốt về “Kate” đã đề nghị “Kate” chuyển hẳn sang “Hội chân lý Nga” làm việc. “Kate” không nhận lời ngay nên Orlov cũng phải thuyết phục “Kate”.
Chẳng bao lâu sau “Kate” đã trở thành nhân vật được đặc biệt tin cậy của Orlov. “Kate” cũng xác định được ngoài tình báo Phần Lan, Orlov còn cộng tác với các cơ quan tình báo Anh, Pháp, Đức và với cảnh sát chính trị Berlin. “Kate” phát hiện được những đại diện của Orlov ở Latvia và Litva là những người có quan hệ mật thiết với tình báo và biên phòng sở tại. “Kate” cũng xác định, theo nhiệm vụ của cảnh sát Đức, Orlov là người huấn luyện các cộng tác viên của cơ quan đại diện Liên Xô ở Berlin, qua đó “Kate” nắm được danh sách các điệp viên này trong bảng kê những người nhận trả tiền công. Tất cả những điều kể trên rất quan trọng, nhưng để thực hiện nhiệm vụ chính là phát hiện xưởng làm văn kiện tài liệu giả mạo thì vẫn chưa với tới được. Hơn một năm trôi qua. Tài liệu giả mạo vẫn xuất hiện mà “Kate” vẫn chưa biết gì về nguồn gốc xuất xứ của nó. “Hay đây không phải do bàn tay của Orlov? ” – có lần “Kate” đã nghĩ như vậy.
Mùa hè 1927, theo đề nghị của cơ quan tình báo Phần Lan đích thân Orlov phái “Kate” thực hiện một cuộc đột nhập mới vào Liên Xô. Lúc đầu “Kate” từ chối, viện cớ cách đây không lâu công việc của mình bất thành, nhưng Orlov ép làm nên “Kate” đã đồng ý. Cuộc đột nhập đã “rất thành công” đối với cả Orlov lẫn cơ quan tình báo Phần Lan vì họ đã nhận được từ “Kate” “những thông tin” về “việc gặp gỡ bí mật” ở Leningrad, nhưng trước hết đây là sự thành công đối với “Kate”, đó là sự hài lòng của chánh cảnh sát Phần Lan đã nói lên nhiều điều về hoạt động của kiều dân Nga ở Phần Lan và về mối quan hệ giữa họ với tình báo phương Tây, trong đó có tình báo Anh. Nhưng thành công chủ yếu nhất là Orlov cuối cùng đã hoàn toàn tin cậy “Kate”. Một hôm Orlov mời “Kate” đến nói chuyện một cách nghiêm túc:
— Tất cả những gì chúng ta làm như vượt biên giới, gặp gỡ bí mật, những thông tin – điều đó là tốt nhưng không phải là chủ yếu. Nếu chúng ta muốn làm phương hại thực sự cho chính quyền Xô Viết thì phải gieo sự hiềm khích giữa họ với toàn thế giới. Để làm được việc này tôi có tiền và tôi đang làm được một vài việc.
Rồi Orlov kể hết với “Kate” về những tài liệu văn kiện giả mạo mà ở trên đã nhắc tới, và về những “dự án” khác nhằm chống lại các cơ quan đại diện của Liên Xô ở nước ngoài và bôi nhọ uy tín cá nhân. Sau đó Orlov cho “Kate” xem “xưởng” làm văn kiện tài liệu giả mạo. “Kate” vô cùng ngạc nhiên trước tủ phiếu rất lớn, những con dấu các loại, bản sao các tài liệu giả mạo ác ý nhất, mẫu các chữ ký, phòng chụp ảnh và thí nghiệm hóa học, các máy chữ với các kiểu chữ khác nhau và các máy dụng cụ chuyên dùng khác.
— Tôi mời anh, một người thông minh và quyết đoán, tham gia vào công việc của chúng tôi. Công việc này không chỉ cần thiết mà còn béo bở. Nói riêng để anh biết, điền trang của tôi ở Me Klenburg tôi có được là nhờ thu nhập từ công việc này đấy. Các nhà tình báo trả hậu hĩ mà kiểm tra tính chân thực của văn kiện không gắt gao lắm. Đối với họ cái chính là tính thời sự của nội dung văn kiện và chất lượng tạo ra văn kiện.
“Kate” rào trước đón sau đôi chút rồi đồng ý nhận lời tham gia. Sau đó ít lâu Orlov giới thiệu “Kate” với người trợ lý chính của ông ta. Đó là Iasin – Sumarocov nguyên trước đây là cộng tác viên của cơ quan Treca toàn Nga và của Tổng cục chính trị trực thuộc Hội đồng Dân uỷ Liên Xô sống ở Berlin mang tên là Pavlunovski theo chứng minh thư do người Đức cấp. Iasin – Sumarocov tỏ ra tin cậy đối với “Kate”, kể hết cho “Kate” nghe về những bước thăng trầm của số phận: phải lòng một cô gái người Đức có tên là Diumler, cô ả hóa ra lại là tình báo nên đã dụ dỗ Iasin – Sumarocov phản bội. Đã có sẵn ý định chạy trốn, Iasin – Sumarocov cuỗm theo nhiều tài liệu văn kiện của cơ quan tình báo Liên Xô, một phần trao cho người Đức coi như trả công cho họ vì đã cưu mang cho cư trú, phần còn lại thì trao cho Orlov và Orlov đã sao lại các mẫu giấy tờ văn kiện, các con dấu, chữ ký, vì vậy như ta thấy những gì được xuất ra từ “xưởng” làm văn kiện giả mạo của Orlov trông y như thật. Iasin – Sumarocov cũng là người cố vấn cho Orlov về những vấn đề thuật ngữ của ngành tình báo Liên Xô và của Đảng bolsevich, về những đặc thù của đời sống Xô Viết, về mối quan hệ qua lại giữa các cộng tác viên của cơ quan đại diện và cơ quan tình báo Liên Xô ở nước ngoài v.v… Tóm lại Iasin – Sumarocov đã tiết lộ toàn bộ những bí mật của “xưởng” làm văn kiện giả mạo của Orlov.
Như vậy trong tay tình báo của Liên Xô đã có đầy đủ những thông tin cần thiết về hoạt động của Orlov. Đã đến lúc phải tiến hành những biện pháp chống lại. Một số người “đầu nóng” đề nghị phá huỷ và đốt xưởng. Nhưng như thế thì chỉ có thể làm gián đoạn một thời gian công việc của “xưởng”, hơn nữa những văn kiện tài liệu giả mạo trước đây sẽ không được phanh phui, mặt khác cơ quan tình báo Liên Xô ở nước ngoài sẽ bị buộc tội là tấn công vào kiều dân Nga. “Kate” đã đề nghị cách giải quyết khác. “Kate” làm những khuôn rập các chìa khoá phòng ở, phòng thí nghiệm, két sắt và tủ đựng tài liệu. Theo các khuôn rập này sẽ làm ra những chìa khoá giống hệt chìa khoá gốc. “Kate” phải chờ cơ hội thuận tiện mất mấy tuần lễ. Cuối cùng, khi Orlov đi Menkleburg “Kate” lập tức đột nhập vào phòng ở của Orlov và lấy đi các bản sao, bản nháp và tiêu đề các văn kiện tài liệu giả mạo, các mẫu con dấu. Trong số các tài liệu giả thu được có hai tiêu đề văn kiện giả mạo – đó là văn kiện bịa đặt về việc chính phủ Liên Xô mua chuộc hai thượng nghị sĩ Mỹ Bor và Norris. Theo kênh riêng của mình, tình báo Xô Viết đã thông báo cho Chính phủ Mỹ biết về văn kiện tài liệu giả mạo này. Việc công bố văn kiện giả mạo đã trở thành một tin giật gân ở Mỹ. Âm mưu muốn truyền bá những hành động khủng bố đến nước Mỹ đã gây ấn tượng to lớn không chỉ đối với dư luận mà cả với Chính phủ Mỹ. Nhận được những số liệu thuyết phục về tài liệu giả mạo do ai nguỵ tạo ra và nguỵ tạo như thế nào, Washington yêu cầu mở phiên toà xét xử các tác giả làm giả tài liệu văn kiện. Phía Liên Xô tán đồng với lời yêu cầu đó. Có thể đây là sáng kiến hợp tác Xô – Mỹ đầu tiên trong lịch sử.
Ngày 27 tháng 2 năm 1929, Orlov và những cộng sự của y Iasin – Sumarocov (tức Pavlunovxki), nữ tình báo Diumler, tình nhân của Iasin – Sumarocov và đại tá Kolberg – đã bị bắt và trao cho tòa án. Bọn chúng bị buộc tội là có âm mưu bán cho phóng viên tờ báo Mỹ New – York Evening Post Arthur Nicker-Boker bức thư giả mạo có nội dung hai thượng nghị sĩ Bor và Norris nhận tiền của Chính phủ Liên Xô để họ đứng lên ủng hộ việc nước Mỹ công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Trước tòa những văn kiện tài liệu giả mạo khác cũng được vạch trần. Orlov bị kết án 14 tháng tù giam và sau khi mãn hạn tù sẽ bị trục xuất khỏi nước Đức.
“Kate” cũng phải cấp tốc rời khỏi nước Đức, bởi lẽ khi nguyên tắc hoạt động bí mật bị vi phạm nghiêm trọng thì đối với điệp viên tình báo nguy cơ thất bại luôn đe dọa họ. “Kate” đáp tàu thủy “Ghertcen” trở về Liên Xô. Khi báo chí đăng các bức điện báo về “viên trung úy đã mất hút một cách bí ẩn” và các văn kiện tài liệu trong két sắt biến mất thì “Kate” đã ở ngoài biển khơi.
Vì nhiều lý do khác nhau, vai trò của “Kate” trong việc vạch trần âm mưu làm giả văn kiện tài liệu của Orlov chỉ được phương Tây biết đến vào cuối những năm 20 của thế kỷ trước, vai trò của “Kate” được dùng làm cơ sở cho những tin giật gân có tiêu đề hấp dẫn như Ông hoàng của những điệp viên điện Cremli; Ông chủ các két sắt bí mật của ông hoàng Kirill; Người sưu tập những kẻ vô công rồi nghề; Người đi xuyên qua tường… “Kate” lừng danh khắp thế giới trừ Liên Xô – Tổ quốc của mình, nơi nhiều năm người ta đã giữ kín được về những việc làm của “Kate”.
Nikolai Crosco thọ 69 tuổi, nhiều năm ông đã đào tạo, giáo dục được nhiều tình báo viên trẻ và đến năm 1967, khi ông lâm bệnh nặng, ông đã viết xong hồi ký về hoạt động tình báo của mình.