Nicolai Vladimirovich Scoblin là một người bí ẩn. Cuộc đời hoạt động tình báo của ông cho đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Ông đã tốt nghiệp trường võ bị và trường cao đẳng sĩ quan, tham gia Thế chiến thứ nhất. Năm 1917, là một đại uý, ông đã gia nhập tiểu đoàn thanh niên xung phong. Cùng đội quân tình nguyện ông tham gia chiến dịch vượt vùng Bắc cực nổi tiếng. Ông đã từng là chỉ huy trưởng trung đoàn Cornilov, một trong bốn trung đoàn chỉ tiếp nhận sĩ quan và được coi là trung đoàn ưu tú của quân tình nguyện, sau này được phát triển thành sư đoàn. Tháng 11 năm 1920, khi lực lượng Bạch vệ ở Crưm đang dần dần tan rã, ông trực tiếp theo dõi các chiến sĩ trung đoàn lên tàu “Saratov” và là người cuối cùng từ giã quê hương tham gia phong trào Bạch vệ. Lúc này ông đã mang quân hàm cấp tướng.
Số phận một chiến sĩ đã đưa đẩy ông đến với nữ ca sĩ nổi tiếng người Nga Nadezda Pleviskaia. Sinh ra tại một làng quê thuộc tỉnh Cursk, cô gái nông thôn giản dị đã trở thành một nữ ca sĩ nổi tiếng với các bài hát dân ca của Nga. Đã nhiều lần cô đi biểu diễn cho tầng lớp quý tộc nghe. Hoàng đế Nicolai II rất ngưỡng mộ tài năng của cô. Sau khi nội chiến kết thúc, Nadezda Pleviskaia đến với Hồng quân và cô vẫn tiếp tục làm nghề ca hát. Khi còn chiến tranh, trong một lần đi lưu diễn, Nadezda rơi vào tay Bạch vệ. Đại tá Scoblin làm chỉ huy đã đem lòng yêu mến cô ca sĩ và cũng được cô đáp lại. Nadezda hơn Scoblin 12 tuổi, nhưng điều này không hề ảnh hưởng tới cuộc hôn nhân đến đầu bạc răng long của họ.
Các tác giả nước ngoài khẳng định rằng khi bị bắt Nadezda đã làm việc cho Uỷ ban quân sự đặc biệt rồi và cô được giao nhiệm vụ vào hậu phương của quân Bạch vệ để lôi kéo Scoblin. Nhưng khẳng định này hoàn toàn mâu thuẫn với tư liệu và lôgic của các sự kiện.
Cùng với đám tàn quân Bạch vệ, Scoblin và Pleviskaia lúc đầu ở Gallipoli, sau đó sang Paris. Scoblin buộc phải trút bỏ quân phục. Giờ đây trông ông nhỏ bé và có vẻ không sánh đôi với người vợ xinh đẹp. Tuy nhiên, đã từng là chỉ huy nên ông dễ dàng tập hợp các sĩ quan của trung đoàn Corlilov hiện đang ở Paris. Tất cả họ đều tham gia tổ chức của giới sĩ quan Nga lưu vong có tên là “Liên minh quân sự toàn Nga”. Về mặt hình thức tổ chức này mang tính từ thiện. Nhiệm vụ của nó là giúp đỡ các gia đình sĩ quan gặp khó khăn. Song thực tế đây là một tổ chức Bạch vệ phản động, sẵn sàng can thiệp chống đối nước Nga Xô Viết. Tổ chức này có quan hệ rộng rãi khắp châu Âu, có cơ quan tình báo riêng, tự mở trường thiếu sinh quân, triệu tập hội họp. Scoblin được lãnh đạo, tướng Cutepov và tướng Miller, cùng các sĩ quan khác trong tổ chức yêu quý và kính nể.
Ban lãnh đạo Uỷ ban quân sự đặc biệt rất lo ngại tổ chức Bạch vệ này. Đây không chỉ là kẻ thù tư tưởng mà chúng còn có thể hoạt động tình báo, đào tạo sĩ quan và tiến hành khủng bố. Bởi vậy vào những năm 1920-1930, chiến đấu chống lực lượng Bạch vệ lưu vong ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà nước Xô Viết. Mùa thu năm 1930, một tình báo Bộ Ngoại giao Piot’r Georgeievich Covalski được giao nhiệm vụ sang Pháp chiêu nạp Scoblin và Pleviskaia. Anh là bạn và là đồng đội với Scoblin khi hai người cùng tham gia tiểu đoàn thanh niên xung phong năm 1917. Covalski có mang theo một bức thư “kêu gọi” của anh trai Scoblin. Piot’r đã gặp gỡ, nói chuyện với hai vợ chồng Scoblin, lúc với cả hai, lúc riêng từng người. Cuối cùng họ đã nhất trí sẽ làm việc cho tình báo Liên Xô và đã ký cam kết hai lần: ngày 10 tháng 9 năm 1930 và ngày 21 tháng 1 năm 1931. Theo những cam kết này thì bí danh của họ là “Phermer” và “Phermersa” và mỗi tháng họ được nhận 200 đô la. Những báo cáo đầu tiên của Scoblin không hấp dẫn. Ban lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã e ngại rằng liệu anh ta có phải là cái giá đỡ không vì việc chiêu mộ hai vợ chồng này diễn ra quá dễ dàng, quá thuận buồm xuôi gió. Nhưng mối nghi ngờ lập tức tiêu biến khi có ý kiến lập luận rằng Scoblin và Pleviskaia đã chấp thuận lời đề nghị một cách chân thành bởi cuộc trao đổi được tiến hành đúng lúc sau khi hai vợ chồng họ bị thất bại nặng nề về tài chính. Vả lại, việc trở về Nga hứa hẹn sự hồi sinh danh tiếng cho Pleviskaia.
Sau vài lần trao đổi, Scoblin và Pleviskaia bắt đầu cung cấp những tài liệu có giá trị, chẳng hạn bản sao chép kế hoạch của “Liên minh toàn quân Nga” trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Liên bang Xô Viết và nhiều tài liệu nội bộ khác của tổ chức này, trong đó có ba báo cáo về kế hoạch tổng động viên các lực lượng Bạch vệ toàn châu Âu. Công tác kiểm tra cho thấy Scoblin và Pleviskaia phục vụ trung thành cho tình báo Liên Xô. Dựa vào những tài liệu Scoblin và Pleviskaia cung cấp, trong vòng 4 năm Uỷ ban quân sự đặc biệt đã tóm gọn 17 gián điệp được tung vào Liên Xô, phát hiện 11 căn nhà hội họp bí mật ở Moskva, Leningrad và ngoại Cavkaz.
Scoblin và Pleviskaia đã trở thành nguồn cung cấp thông tin chính. Ngoài ra, Scoblin còn xoá bỏ được nhiều đội quân chiến đấu do Satinov và tướng Fok gây dựng, tiêu diệt ý đồ tổ chức một đơn vị khủng bố, tố giác một gián điệp do Pháp gài đã làm việc trong tình báo Liên Xô 11 tháng, đồng thời ông cũng kịp thông báo cho tình báo Liên Xô về một tổ chức có ý định sát hại Litvinov trong chuyến đi thăm Thuỵ Sĩ của ông này.
Nhiều cơ sở bị bại lộ đã buộc bộ phận phản gián của “Liên minh toàn quân Nga” tiến hành điều tra. Chúng đã lập một danh sách những kẻ tình nghi. Scoblin đã bị chúng nghi ngờ. Bằng thái độ khôn khéo và nhờ sự trợ giúp của tình báo Liên Xô, Scoblin đã giải toả được sự hoài nghi, thậm chí ban lãnh đạo “Liên minh toàn quân Nga” còn bênh vực anh. Thời gian này người đứng đầu “Liên minh toàn quân Nga” là tướng Miller càng ngày càng thể hiện rõ ý định hợp tác với Đảng quốc xã. Ban lãnh đạo mới của Uỷ ban quân sự đặc biệt quyết định phế bỏ Miller, đưa Scoblin vào vị trí đó.
Biết được ý định muốn bắt tay với phát xít của Miller, ngày 22 tháng 9 năm 1937, Scoblin đề xuất để Miller đi gặp đại diện phía Đức. Miller đồng ý, nhưng hắn thấy có gì đó chưa yên tâm nên trước khi đi đã để lại một bức thư. Nội dung bức thư như sau: “12:30 trưa nay tôi có một cuộc hẹn với Scoblin ở góc phố Jasmen và Raphe. Scoblin sẽ đưa tôi đi gặp tuỳ viên quân sự và một quan chức đại sứ Đức. Cả hai người này đều nói tiếng Nga tốt. Cuộc hẹn này được thu xếp theo sáng kiến của Scoblin. Có thể đây là một cái bẫy. Bởi vậy tôi để lại bức thư này đề phòng chuyện xấu xảy ra. 22 tháng 9 năm 1937. Trung tướng Miller”. Miller đã không trở về sau lần gặp Scoblin đó. Ông ta bị nhân viên cơ quan phản gián mật nước ngoài bắt cóc. Họ đánh thuốc mê, sau đó cho ông ta vào một cái thùng gỗ to, đem lên tàu chở về Leningrad. Miller bị giam trong tù dưới một cái tên khác. Tháng 5 năm 1939, ông ta bị đưa ra xét xử và bị tử hình. Sau khi giao tận tay Miller cho những người thực hiện chiến dịch, Scoblin trở về “Liên minh quân sự toàn Nga”. Tại đó chúng đưa cho ông bức thư để lại của Miller và hỏi Miller hiện giờ ở đâu. Biết mình đã bại lộ, Scoblin lao như tên ra khỏi phòng nơi ông vừa nói chuyện, và… biến mất.
Sau đó không bao giờ người ta gặp ông ở đâu nữa. Có tin rằng ông đã chạy sang Tây Ban Nha và hy sinh trong khi Barcelona bị ném bom.
Sau các vụ tướng Cutepov bị tình báo Liên Xô bắt cóc, bộ trưởng ngoại giao và vua Nam Tư bị sát hại, thủ tướng Pháp bị một kiều dân Nga tên là Gorlunov hạ sát, các nhà cầm quyền quyết định cho tìm bắt Nadezda Pleviskaia. Bà bị kết tội tòng phạm và tạo ra những bằng chứng ngoại phạm giả cho chồng. Tháng 12 năm 1937 bà bị kết án 20 năm tù và năm 1940 đã chết trong nhà tù.
Về sự nghiệp của Scoblin còn nhiều những câu chuyện khác. Đó là chuyện người ta cho rằng Scoblin đã gây ra cái chết cho Tukhatrevski. Những tờ báo của kiều dân đưa tin Scoblin đã thừa cơ Tukhatrevski sang Paris để hạ toàn bộ uy tín của vị tướng này theo ý của Stalin. Scoblin hiểu rằng cùng với Tukhatrevski màu sắc của Hồng quân sẽ phai đi. Hình như đây là điều mà Scoblin mong muốn. Là điệp viên Đức, Scoblin sang Berlin để chia sẻ những suy nghĩ này của mình với Haydrikh. Hai người đã nhanh chóng hiểu nhau và cùng làm ra những tài liệu giả mạo. Scoblin đã nhận được 50 nghìn mark Đức. Hình như cơ quan phản gián Liên Xô ở Berlin biết được kế hoạch này và đã ủng hộ Scoblin. Người ta đã chuyển những tài liệu giả này tới tay Stalin. Tukhatrevski bị đưa ra toà và bị xử bắn, theo sau ông là gần 35 nghìn các sĩ quan chỉ huy Hồng quân cũng bị đưa ra pháp trường. Có vẻ như ý tưởng của Scoblin, một con người căm thù chế độ Xô Viết và quyết tâm làm hại chính quyền này, đã được thực hiện. Một số nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng tướng Miller cũng bị lôi kéo vào vụ này.