Nicolai Cuznesov (1911 – 1944) Điệp Viên Hành Động

Hai tiếng “huyền thoại” ít khi được áp dụng cho một ai đó. Nhưng cụm từ “người điệp viên huyền thoại” thường được nghe thấy khi người ta nói đến Nicolai Cuznesov.

Nicolai Cuznesov sinh ngày 27 tháng 7 năm 1911 tại làng Dưrianca thuộc tỉnh Sveclov. Anh học phổ thông, học trường trung cấp kỹ thuật rồi làm kiểm lâm. Nói chung, thời kỳ đầu cuộc đời anh không có gì đặc biệt, ngoại trừ việc anh có năng khiếu tiếng Đức đến kỳ lạ. Anh không chỉ đọc hết sách tiếng Đức tại các thư viện địa phương, anh còn chuyện trò với con cái những kiều dân Đức và với thầy giáo dạy lao động vốn cũng là người Đức. Về sau, anh còn nói được tất cả các thổ ngữ Đức như một người Đức thuần chủng, như một người sinh trưởng và lớn lên tại một tỉnh nào đó ở Đức. Ngoài tiếng Đức, anh còn biết quốc tế ngữ, tiếng Ba Lan và một vài thứ tiếng khác.

Trong thời gian Cuznesov làm việc tại một đơn vị trồng rừng, các sếp của anh phạm tội biển thủ nên phải chịu những mức án tù giam khác nhau. Bản thân anh vì tội “trễ nải công việc” cũng phải chịu kỷ luật cải tạo lao động tại nơi làm việc và trừ lương. Hình thức kỷ luật này mãi đến sau chiến tranh mới được bãi bỏ vì thiếu “cấu thành tội phạm”.

Năm ngoài hai mươi tuổi, sau khi lên Moskva, Cuznesov bắt đầu thực hiện những nhiệm vụ của công tác phản gián, anh chịu trách nhiệm phát hiện những điệp viên “nằm vùng” trong sứ quán Đức ở Moskva. Khi tiếp xúc với những điệp viên này, anh nhanh chóng hấp thụ tất cả những gì hữu ích cho anh về sau: phong thái của họ, thói quen, lối nghĩ, kiểu đùa và những mẩu chuyện tiếu lâm của họ. Nhưng anh cũng đem lại lợi ích không nhỏ cho cơ quan phản gián. Nhờ sự giúp đỡ của anh, cơ quan phản gián Xô Viết đã chiêu mộ được một người Đức tên là Crio và người này đã cung cấp nhiều thông tin quý giá, kể cả mật mã của sứ quán Đức. Một nhân vật nữa cũng được cơ quan phản gián Xô Viết chiêu mộ là Flegel, thư ký riêng của đại sứ Đức. Với những người Đức cần tạo dựng quan hệ, Cuznesov vào vai một người Đức mang tên Rudof Smith. Kẻ mê nhà hát và balê Rudolf Smith quen biết nhiều nữ diễn viên balê, những cô gái sẵn sàng sử dụng thời gian một cách dễ chịu với anh và với “bạn bè” của anh. Hiển nhiên là những cuộc gặp gỡ này hoàn toàn do cơ quan phản gián Xô Viết đạo diễn và giám sát.

Nhưng chiến tranh đã bùng nổ vào ngày 22 tháng 6 năm 1941. Cuznesov không làm công tác phản gián nữa mà chuyển sang làm điệp viên thuộc Cục Phá hoại-trinh sát thuộc Bộ Nội vụ Liên Xô. Anh theo một khoá huấn luyện đặc biệt trong vòng hơn một năm trời. Và vì cấp trên quyết định tung anh vào hậu phương kẻ thù dưới lớp vỏ một sĩ quan Đức tên là Paul Giberg nên anh phải học tất cả những gì mà viên thượng uý Paul Giberg giả ấy phải biết: cách xử sự, cách ăn mặc (quân đội Đức có tới mười bốn kiểu quân phục được quy định nghiêm ngặt cho mọi trường hợp của cuộc sống), cách xưng hô và tiếp xúc với thượng cấp, đồng cấp và hạ cấp, cùng hàng nghìn thứ khác. Anh nghe đài Đức, đọc báo chí Đức, xem phim Đức, học các bài hát Đức. Để thông thạo tất cả những thứ đó và thâm nhập được vào nếp sinh hoạt của người Đức, anh được gửi vào một trại tù binh Đức, nơi anh trải qua một cuộc khảo sát hết sức nghiêm khắc trong môi trường của những tù binh này. Tại đây, anh nắm vững tiếng lóng của binh lính và sĩ quan Đức, anh biết rằng “Máy khâu” là loại máy bay Xô Viết U-2, còn tấm huy chương trên dải băng đỏ “Vì cuộc hành quân mùa đông sang phương Đông” được gọi là “thịt đông”. Cuối cùng, anh đã chuẩn bị xong xuôi cho việc thực hiện sứ mệnh của mình. Dưới đây là lời kể lại của một bác sĩ Xô Viết hoạt động trong một đội du kích khi ông vô tình nhận ra anh trong bộ quân phục Đức: “… Tôi không tin vào mắt mình nữa. Anh kiêu hãnh hất mạnh đầu, hàm dưới nhô ra, nét mặt lộ vẻ khinh miệt đầy ngạo nghễ. Thoạt đầu, tôi thậm chí cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy anh như vậy. Để phá tan ấn tượng đó, tôi hỏi đùa anh:

— Anh cảm thấy thế nào trong bộ da này?

Anh nhìn tôi từ đầu đến chân bằng ánh mắt như muốn giết chết tôi, khinh bỉ hạ khoé miệng xuống rồi nói bằng một giọng mũi như tiếng sủa:

— Альзо, нихт зо ляут, герр артц – Thưa ngài bác sĩ, đừng nói to như vậy.

Hơi lạnh toả ra từ viên sĩ quan kiêu ngạo này. Tôi cảm thấy bằng cả cơ thể cái khoảng cách mà anh đẩy tôi ra xa anh. Một năng khiếu thay hình đổi dạng đáng kinh ngạc”.

Sau khi chiến tranh bùng nổ được ít lâu, cơ quan tình báo Xô Viết bắt đầu tung vào hậu phương Đức những nhóm nhỏ được huấn luyện đặc biệt do các điệp viên chuyên nghiệp lãnh đạo. Một số nhóm làm công tác phá hoại, một số nhóm khác chuyên thu thập những tin tức quân sự. Nhiều nhóm trở thành hạt nhân của các đội du kích.

Người lãnh đạo một trong những nhóm đó là Dmitri Metvedev. Ngày 25 tháng 8 năm 1942, Nicolai Cuznesov được máy bay thả dù xuống để gia nhập nhóm của Metvedev.

Anh có một nhiệm vụ đặc biệt mà ngoài chỉ huy ra, không một ai được biết. Trong chiếc ba lô của Grachev (đó là tên trong đội du kích của người trinh sát mới đến) có một số vật dụng khác thường: một bộ quân phục Đức bọc trong chiếc áo mưa bằng vải nhựa, một chiếc ví đựng các loại giấy tờ khác nhau đều đề tên là thượng uý Paul Giberg nhưng lại dán ảnh Grachev, một tập dày tem Đức, một khẩu súng lục parabenlom có băng đạn dự trữ, các vật dụng vệ sinh cá nhân và rất nhiều những đồ vặt vãnh có thể cần thiết cho một sĩ quan Đức khiêm nhường.

Nhiệm vụ của Cuznesov, cũng tức là Grachev và Paul Giberg, là thực hiện việc trinh sát trong thành phố Ucraina Rovno bị quân Đức phát xít chiếm đóng. Thành phố này không phải ngẫu nhiên mà được lựa chọn: trong thành phố có tới hai trăm bốn mươi ba cơ quan hậu phương của Đức hoạt động, những dòng tin tức hết sức đa dạng và quan trọng từ khắp mọi miền của sườn phía Nam mặt trận Xô – Đức đổ dồn về những cơ quan đó. Về thực chất, thành phố có bốn mươi nghìn dân này đã bị quân Đức biến thành “thủ đô” của nước Ucraina bị chiếm đóng.

Và đây là chuyến đi đầu tiên vào thành phố bị chiếm đóng. Phải đặt mình vào vị trí của anh thì mới có thể hiểu được phần nào những cảm xúc của anh khi mặc quân phục Đức đi trên những đường phố đầy binh lính và sĩ quan phát xít. Khi cấp dưới chào thì phải đáp lại, còn khi gặp cấp trên thì phải chủ động giơ tay chào. Nhỡ có tên nào chặn anh lại và hỏi một câu gì đó ma mãnh thì sao? Nhỡ có tên nào hỏi giấy tờ anh thì sao? Nhỡ có tên nào nhận thấy một cái gì đó khác thường trên toàn bộ diện mạo anh thì sao?

Đột nhiên anh gặp đội tuần tra. Chúng chặn anh lại. Viên sĩ quan chăm chú đọc giấy tờ của anh rồi ngước mắt nhìn anh.

— Tại sao anh vi phạm quy định mặc quân phục?

“Mình có gì không đúng quy định nhỉ? – Cuznesov thoáng nghĩ – Mọi thứ đều đúng như trên ảnh Giberg thật đấy chứ…”.

— Anh đội mũ ca-lô. Mà chỉ ngoài mặt trận mới được đội mũ ca-lô. Anh phải đội lưỡi trai mới đúng.

— Nhưng tôi vừa trở về từ quân y viện ngoài mặt trận, tôi đang đi tìm mua mũ lưỡi trai đây.

— Thế thì được. Anh có thể đi. Chớ vi phạm quy định nữa đấy.

Mỗi chi tiết, mỗi tiểu tiết, mỗi nét trong tiểu sử của viên sĩ quan Dinbec thật đã chết ngoài mặt trận mà anh mượn tên tuổi, giấy tờ cùng quá khứ của y, tất cả đều cực kỳ quan trọng. Không được phép phạm bất kỳ sai sót nào.

Dần dần Paul Giberg đã nhập được vào cuộc sống ở Rovno, anh có những căn phòng bí mật, có những người giúp đỡ. Anh có nhóm điệp viên riêng của mình gồm người đánh xe, người lái xe, các liên lạc viên. Xe ô tô thì anh “mượn tạm” của một đơn vị Đức rồi cho sơn màu khác và thay biển số. Anh có cả “người yêu” là Valia Dovghe. Thông qua cô bạn gái của mình, Valia làm quen với một nhân viên Gestapo tên là Leo Metco rồi giới thiệu y làm quen với Paul Giberg. Leo Metco dẫn anh đi gặp những sĩ quan Đức khác và ít lâu sau phạm vi quen biết của anh đã mở rộng. Nhờ đó, anh thu thập được những tin tức quý giá.

Một hôm, Cuznesov báo tin cho Metvedev biết rằng vào ngày 20 tháng 4 năm 1943, ở Rovno sẽ diễn ra cuộc duyệt binh nhân dịp ngày sinh Hitler, và trong cuộc duyệt binh này sẽ có mặt Eric Coc, toàn quyền Ucraina và là tên đao phủ đối với nhân dân Ucraina. Cuznesov sẵn sàng thực hiện hành động báo thù bằng mọi giá. Metvedev đồng ý. Cuznesov cùng Valia len lỏi đến sát khán đài. Nhưng Coc đã không đến dự cuộc duyệt binh.

Sau đó ít lâu, Valia nhận được tin cô sắp bị đưa sang Đức. Lấy cớ trao đơn xin cho người yêu được ở lại Rovno, Cuznesov cùng Valia đến gặp Coc tại buổi tiếp dân. Đây lại là một cơ hội nữa thanh toán y. Nhưng không thể bắn y được bởi vì trong phòng khách có hai tên SS đứng hai bên y, còn dưới chân y là một con chó săn to theo dõi từng bước đi của Cuznesov. Việc mưu sát Coc không thành. Y sống sót cho đến những ngày cuối chiến tranh. Năm 1959, y bị một toà án Ba Lan kết án. Y sống phần đời còn lại trong tù và chết năm 1986.

Cuộc trò chuyện với Coc không phải là vô ích. Coc thấy mến viên thượng uý “đã từng chiến đấu tại vùng Curxc” và y cho biết là bộ chỉ huy quân đội Đức đang chuẩn bị phục thù trận thất bại ở Stalingrad, nơi mà Dinbec cũng đã từng chiến đấu. Tin này được thông báo về Moskva đã củng cố thêm những tin tức khác về việc quân đội Đức di chuyển đến vùng vòng cung Curxc.

Trong số những người quen của Paul Giberg có một nhân viên cơ quan phản gián Đức tên là Unrich fon Orten. Chính y đã nói hở cho anh biết về kế hoạch mưu sát những nhân vật tham gia hội nghị “Tam cường” ở Teheran là nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin, Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill. Bản thân Unrich fon Orten biến mất khỏi Rovno sau khi tung tin đồn là y đã tự sát.

Những công việc quan trọng nhất đang chờ Paul Giberg ở phía trước.

Đối với anh, chỉ thu thập và truyền tin tức đi là chưa đủ. Anh khao khát chiến đấu, anh cho rằng sự nghiệp của anh là tiêu diệt bọn đầu sỏ phát xít. Tên phó thứ nhất của Eric Coc là Paul Dacghen. Metvedev cho phép Cuznesov tiêu diệt tên này. Valia làm việc trong uỷ ban quân quản tỉnh nên đã nghiên cứu được tỉ mỉ thời gian biểu của y: ngày nào cũng vậy, đúng 14 giờ 30 phút là Dacghen đi ăn trưa, cùng đi với y là viên sĩ quan tuỳ tùng với chiếc cặp các tông đựng tài liệu màu đỏ cặp dưới nách.

Ngày 20 tháng 9, một chiếc xe đỗ lại cạnh toà nhà của uỷ ban quân quản Đức. Đúng 14 giờ 30 phút, một nhân vật quan trọng bước ra khỏi nhà, có một viên sĩ quan cắp chiếc cặp da màu đỏ tháp tùng. Hiển nhiên đó chính là Dacghen. Cuznesov bước xuống xe, nổ liền hai phát súng trực diện. Hôm sau anh mới biết hai kẻ bị bắn chết là viên cố vấn cao cấp Hans Ghen và viên sĩ quan tuỳ tùng của y.

Thất bại đó khiến Cuznesov rất đau khổ. Bởi lẽ mọi thứ đều trùng hợp: cũng đúng thời gian ấy, cũng có viên sĩ quan tháp tùng, tuy quả thật là chiếc cặp tài liệu kia không phải bằng các tông mà bằng da.

Ngày 30 tháng 9, tức là mười ngày sau, cũng tại địa điểm ấy, Cuznesov ném lựu đạn vào Dacghen. Và lại thất bại. Dacghen chỉ bị thương và rồi được máy bay đưa về Berlin. Một mảnh lựu đạn làm chính Cuznesov cũng bị thương. Anh và người lái xe của anh là Xtrutinxki kịp chạy trốn. Đội bảo vệ Đức đuổi theo họ nhưng chúng bắt nhầm một chiếc xe khác chở một viên thiếu uý Đức. Trước khi sự nhầm lẫn được sáng tỏ, viên thiếu uý Đức bị đánh một trận thừa sống thiếu chết.

Ngày mồng 10 tháng 11 năm 1943, Cuznesov và Xtrutinxki dùng súng máy bắn chết một viên phó khác của Coc là tướng Herman Cơnut. Nhưng Coc còn một “bạn chiến đấu” thân cận nữa là viên tướng SS Anfred Funco, chánh án toà án tối cao Ucraina. Tại đây, cũng như trước đó ở Tiệp Khắc, Anfred Funco đàn áp dã man tất cả những ai bị y coi là “kẻ thù của đế chế”.

Ngày 17 tháng 11 năm 1943, Cuznesov tạt vào phòng tiếp khách của Funco giữa lúc y đang cạo râu tại hiệu cắt tóc gần đó. Cuznesov vừa trò chuyện thân ái với cô nữ thư ký vừa nhìn qua cửa sổ, đợi tín hiệu của người trợ lý đang đứng ngoài phố quan sát cửa hiệu cắt tóc kia. Cuối cùng, tín hiệu phát ra. Funco đã cạo râu xong. Cuznesov đề nghị cô thư ký lấy cho anh nước uống. Cô ta bước ra, còn Cuznesov tranh thủ lúc đó lẻn vào phòng làm việc của Funco. Khi cô thư ký quay lại thì trong phòng khách không còn ai. Đúng lúc đó Funco xuất hiện và đi vào phòng làm việc. Y vừa bước vào thì hai phát súng vang lên.

Cuznesov bình tĩnh thu thập đống giấy tờ trên bàn rồi bước qua phòng khách, không để ý gì đến cô thư ký đang cực kỳ sửng sốt. Khi ra khỏi nhà, Cuznesov nhìn thấy hai chiếc xe chở đầy lính Đức. Chúng ngạc nhiên nhìn lên ô cửa sổ ở tầng hai là nơi vọng ra hai tiếng súng. Cuznesov thản nhiên nhìn lên cửa sổ cùng với chúng. Anh rẽ vào một góc phố và ngồi lên chiếc xe đã đợi sẵn.

Một trong những vụ khôn khéo và táo bạo của Cuznesov là bắt cóc viên tướng Đức Fon Inghen, tư lệnh các đơn vị đặc biệt.

Y sống trong một ngôi nhà riêng biệt. ở cổng bao giờ cũng có lính gác và trong nhà bao giờ cũng có trực nhật. Ngoài ra, trong nhà còn có bốn tên lính bảo vệ. Nhưng Cuznesov đã chọn đúng thời điểm viên tướng phái những tên lính này về Berlin “công tác”, chính xác hơn là để chở của cải mà y ăn cướp được ở Ucraina về Đức.

Vào ngày đã định, Cuznesov, Xtrutinxki và một trợ tá nữa của anh là Caminxki lái xe đến ngôi nhà của Inghen.

Nhìn thấy Cuznesov mặc quân phục sĩ quan, tên lính gác ưỡn thẳng người đứng chào. Cuznesov và hai người cùng đi bước vào nhà.

Viên trực nhật vội vã chạy ra đón.

— Tướng quân sắp về rồi đấy ạ, – y báo cáo.

Thấy nòng khẩu súng lục chĩa vào mình, viên trực nhật bất lực đổ xuống sàn nhà. Cuznesov khám xét y, nhưng trong người y không thấy có vũ khí. Họ gọi tên lính gác vào nhà và trước vũ khí của y. Xtrutinxki thay y đứng gác ngoài cổng.

Cuznesov bắt đầu lục soát toàn bộ ngôi nhà. Anh thu thập mọi giấy tờ, kể cả thư từ cá nhân để về sau nghiên cứu. Họ còn tìm thấy một khẩu súng máy và hai khẩu súng lục. Cuznesov lấy cả khẩu súng săn của Inghen để làm quà tặng cho Metvedev.

Đột nhiên, viên trực nhật tên là Lucovxki đang ngồi bệt trên sàn nhà bỗng lên tiếng:

— Ngài thượng uý, đồng chí chỉ huy… Hãy cho phép tôi quay trở lại vọng gác, nếu không sắp đến giờ thay gác rồi, có thể gây náo loạn mất.

Cuznesov thoáng thầm tính toán trong óc rồi đồng ý. Kể cũng liều lĩnh thật, nhưng anh cảm thấy Lucovxki không đánh lừa anh. Hơn nữa, khẩu súng của y đã lấy đạn ra rồi, còn Xtrutinxki thì đang lăm lăm khẩu súng máy trong tay, chăm chú theo dõi từng hành động của y.

Đúng vài phút sau, vang lên tiếng động cơ, một chiếc xe chạy đến ngôi nhà.

Viên tướng Inghen bốn mươi hai tuổi, nặng nề, phục phịch, bước vào nhà. Vào đến phòng khách, y sửng sốt khi nhìn thấy ba người lạ mặt. Nhưng y lập tức hiểu ra và lao vào Cuznesov. Một mình Cuznesov không giải quyết nổi Inghen, Caminxki và Xtrutinxki phải đến trợ giúp, ngay cả viên trực nhật Lucovxki cũng ôm chặt lấy hai chân Inghen. Caminxki trói hai tay y lại, nhưng trói không được chặt, anh nhét một nắm giẻ vào mồm y, nhưng cũng khá vụng về.

Khi Inghen bị dẫn ra ngoài nhà, y rút được hai tay ra, đấm vào mặt Caminxki, rồi lôi được nắm giẻ ra, kêu váng lên bằng tiếng Đức:

— Cứu tôi với! Cứu tôi với!

Đúng lúc đó có bốn viên sĩ quan Đức hiện ra gần ngôi nhà. Xử trí với chúng thế nào đây? Bắn nhau ư? Nhưng sẽ náo động mất. Cuznesov chợt nhớ đến chiếc huy hiệu Gestapo mà anh mang theo từ Moskva nhưng chưa lần nào sử dụng đến.

Anh liền lấy chiếc huy hiệu ra, giơ cho mấy viên sĩ quan nhìn thấy và nói rằng đã bắt giữ được một tên cướp mặc quân phục Đức, rồi anh đề nghị chúng xuất trình giấy tờ. Sau khi kiểm tra giấy tờ xong, anh đề nghị ba tên có thể tiếp tục đi, còn tên thứ tư – tên này là lái xe riêng của Eric Coc – thì anh đề nghị ở lại làm nhân chứng.

Như vậy, họ đã có được hai thành công cùng một lúc: ngoài viên tướng Inghen, họ còn bắt được một kẻ có thể khai thác được nhiều thông tin.

Cuznesov còn gián tiếp tham gia vụ tiêu diệt một tên đao phủ khác là viên tướng Prixman, chỉ huy trưởng một chiến dịch càn quét. Chính Cuznesov đã thông báo mọi chi tiết liên quan đến chiến dịch này và do đó tạo điều kiện cho các chiến sĩ du kích tổ chức mai phục Prixman.

Trước sức tấn công mạnh mẽ của quân đội Xô Viết, tất cả các cơ quan của Đức đều sơ tán từ Rovno đến Lvov. Cả Cuznesov cũng chuyển địa bàn hoạt động đến Lvov, nhưng giờ đây anh không còn là thượng uý nữa mà đã là đại uý. Việc thay cấp như vậy là cần thiết để đánh lạc hướng chú ý bởi lẽ cảnh sát Đức từ lâu đã lùng tìm một sĩ quan đáng ngờ cấp thượng uý.

Tại Lvov, Cuznesov thực hiện được một hành động báo thù nữa, lần này là viên phó thống đốc vùng Galaxi tên là Otto Bauer. Anh và các đồng chí của anh đã bắn tan chiếc xe chở y và tiêu diệt tất cả những kẻ ngồi trên xe. Trong bản cáo phó đăng trên báo chí phát xít có viết: “Tướng Otto Bauer đã hy sinh vì Quốc trưởng và đế chế”.

Cuznesov không thể ở lại trong lòng kẻ thù lâu hơn nữa. Cùng với Belov và Caminxki, anh lên đường ra trận tuyến để gặp quân đội Xô Viết. Nhưng khi đến làng Bôriatin thuộc tỉnh Lvov, họ bất ngờ chạm trán với một đơn vị quân Đức. Một trận giao chiến không cân sức đã xảy ra. Sau khi chiến đấu đến kiệt sức, họ dùng lựu đạn tự sát để khỏi rơi vào tay kẻ thù.

Sau khi Cuznesov hy sinh, người ta đã đọc được bức thư để trong chiếc phong bì gắn kín có đề dòng chữ: “Mở ra sau khi tôi chết”. Bức thư viết:

“Hồi 24 giờ 05 phút ngày 25 tháng 8 năm 1942, tôi đã nhảy dù từ trên bầu trời xuống để thẳng tay trả thù cho máu và nước mắt của những người mẹ và những người anh em đang rên xiết dưới ách chiếm đóng của quân phát xít Đức.

Tôi đã nghiên cứu kẻ thù trong vòng mười một tháng bằng cách sử dụng quân phục sĩ quan Đức, tôi cũng đã tìm cách xâm nhập vào hang ổ của Eric Coc, tên bạo chúa Đức ở Ucraina.

Giờ đây, tôi chuyển sang hành động.

Tôi yêu quý cuộc đời, tôi còn rất trẻ, nhưng nếu cần hy sinh cho Tổ quốc mà tôi yêu quý như mẹ đẻ của tôi, tôi sẽ sẵn sàng hy sinh. Hãy để cho bọn Đức biết một người Nga yêu nước và một người bolsevich có thể làm được những gì. Hãy để cho chúng biết rằng chúng không thể khuất phục nổi nhân dân Xô Viết, hệt như không một ai có thể thể dập tắt được mặt trời.

Dù tôi có chết nhưng những người yêu nước bao giờ cũng bất tử trong trí nhớ của nhân dân tôi. “Dù ngươi có chết nhưng trong bài hát ca ngợi những con người dũng cảm và mạnh mẽ, ngươi sẽ mãi mãi là tấm gương sống động kêu gọi mọi người vươn tới tự do và ánh sáng!… “Đấy là tác phẩm của Gorki mà tôi hết sức yêu thích. Mong sao thanh niên chúng ta đọc tác phẩm này nhiều hơn nữa… Cuznesov của các bạn”.

Ngày mồng 5 tháng 11 năm 1944, Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô ra sắc lệnh trao tặng cho Nicolai Cuznesov danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

error: Content is protected !!