Naum Isaacovich (những người xung quanh thường gọi ông là Leonid Alecxandrovic) Eitingon thuộc lớp những điệp viên tình báo mà tựa hồ như chúng ta biết rất nhiều về họ nhưng đó là phần nổi của tảng băng chìm. Toàn bộ sự thật của tất cả những gì được giữ kín trong thẳm sâu của lịch sử thế kỷ XX vừa qua chúng ta sẽ không bao giờ biết được.
Naum Eitingon sinh ngày 6 tháng 12 năm 1899, ở thành phố tỉnh lẻ Sklov gần Moghilev trong một gia đình viên thư ký của nhà máy giấy. Học trường trung cấp thương mại, sau Cách mạng tháng hai năm 1917 gia nhập Đảng Xã hội cách mạng. Đảng này huấn luyện cho các đảng viên “nghiệp vụ” khủng bố và phá hoại. Nhưng vì bất đồng với chính sách của đảng nên chẳng bao lâu sau Naum Eitingon ra khỏi đảng. Ngay sau đó Naum Eitingon bắt đầu làm công nhân nhà máy bê tông, làm văn thư rồi cán bộ của Phòng lương thực của nhà máy. ở Moskva, Naum Eitingon học lớp Hợp tác xã công nhân, sau đó làm công việc trưng thu mua lương thực thừa. Tháng 9 năm 1919, Naum Eitingon công tác ở Công đoàn tỉnh Gomel, trong thời gian này anh gia nhập Đảng Cộng sản Nga (bolsevich). Tháng 5 năm 1920, chuyển sang công tác ở ngành an ninh Treca. Anh được tham gia vào chiến dịch truy quét các nhóm khủng bố của Savincov trong tỉnh Gomel xâm nhập từ lãnh thổ Ba Lan. Trong trận chiến đấu với bọn biệt kích xâm nhập, Naum Eitingon bị thương ở chân. Mặc dù thể trạng của anh không khoẻ lắm nhưng trong chiến đấu anh rất gan dạ và kinh qua công tác anh đã trưởng thành nhanh chóng. Năm 21 tuổi anh là nhân vật thứ hai trong Cơ quan Treca tỉnh Gomel, sau đó là chủ tịch Treca của tỉnh Smolensk rồi chủ tịch Tổng cục chính trị quốc gia của tỉnh Baskiria trực thuộc Hội đồng Dân ủy Liên Xô. Năm 1925, Eitingon bắt đầu làm công tác tình báo. Anh chuyển sang công tác ở Ban đối ngoại của Tổng cục chính trị quốc gia trực thuộc Hội đồng Dân uỷ Liên Xô. Trong thời gian này anh học ở khoa Đông phương Học viện quân sự, nhưng anh chỉ học hàm thụ vì anh sắp được cử sang công tác ở Trung Quốc. Năm 1925 – 1927, Naum Eitingon là phó lãnh sự Liên Xô ở Bắc Kinh, và từ cuối năm 1927, anh chuyển sang hoạt động bí mật. Rất tiếc là thời gian hoạt động từ cuối năm 1927 đến khi nào, nguyên nhân chuyển công tác và những chi tiết công tác trong thời gian hoạt động bí mật cho đến nay không ai được rõ. Hơn nữa sự việc này còn liên quan đến các vụ tấn công các Lãnh sự quán Liên Xô, đến việc đóng cửa các Lãnh sự quán này và việc cần thiết phải tiếp tục công tác tình báo.
Sau đó Naum Eitingon một thời gian làm công sứ ở Kharbin. Sau vụ cảnh sát Trung Hoa tấn công Lãnh sự quán Liên Xô, vào mùa xuân 1929, Naum Eitingon được gọi về Moskva và ngay sau đó được cử đi Ancara nhận chức vụ tùy viên báo chí của Đại sứ quán Liên Xô ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây lần đầu tiên đã có sự đụng độ giữa hai con đường Eitingon với đối thủ tương lai và nạn nhân của Eitingon là Troski. Thay thế vị trí của Iacov Bliumkin, người đã giết Đại sứ Đức Mirbakh năm 1918, Naum Eitingon được giao nhiệm vụ tổ chức việc theo dõi Troski, Bliumkin bị triệu hồi về Moskva, bị bắt giữ và xử bắn vì đã tuỳ tiện tiếp xúc với Troski. Eitingon đảm đương công việc một cách có hiệu quả. Troski được tình báo theo dõi kỹ lưỡng, nhưng một thời gian không lâu sau đó Troski rời Thổ Nhĩ Kỳ đi Na Uy, còn Eitingon thì trở về Moskva.
Giữ chức vụ tổ phó tổ đặc biệt “Chú Iasa” của Iacov Serebrianski, nhưng Eitingon phần lớn thời gian lại đi công tác ở nước ngoài. ở nước ngoài, Eitingon hoạt động bí mật và được giao thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt ở Pháp và ở Bỉ. Eitingon cũng được giao nhiệm vụ thành lập mạng lưới tình báo để áp dụng vào những công trình có ý nghĩa quân sự chiến lược trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Một thời gian Eitingon đứng đầu Ban đối ngoại có nhiệm vụ phối hợp công việc đang làm của các điệp viên nước ngoài. Eitingon cũng thành lập một tổ chức làm hộ chiếu giả cho những chiến dịch bí mật. Trong tổ có một người Áo tên là Miller rất khéo tay đã làm nên những điều tuyệt vời: đó là những tấm hộ chiếu “không xuyên thủng được”.
Năm 1936, ở Tây Ban Nha xảy ra nội chiến. Eitingon được phái sang Tây Ban Nha dưới họ tên là Leonid Kotov chính thức nhận chức vụ phó cố vấn bên cạnh Chính phủ cộng hòa, trên thực tế là phó công sứ Bộ Dân uỷ Nội vụ của Alecxandr Orlov. Sau khi Orlov bỏ chạy, Eitingon đứng đầu cơ quan này ở Tây Ban Nha. Dưới sự lãnh đạo của Eitingon, nhiều người đã chiến đấu anh dũng và sau này trở thành Anh hùng Liên Xô như Prokopink, Vaupshasov, Orlovski, thành viên tham gia chiến dịch “Sindicat” và “Tơrớt” Sưroezkin, cũng như các thành viên sau này tham gia chiến dịch “Con vịt” David Sikeiros, Ramon Merkader và những người khác. Eitingon chịu trách nhiệm về công việc tình báo, việc tiến hành những chiến dịch du kích trong hậu phương quân đội của Franco và công việc phản tình báo. Eitingon cũng là người chỉ đạo việc gửi về Moskva một số lượng vàng Tây Ban Nha có trị giá hơn nửa tỉ đô la.
Năm 1939, khi nội chiến kết thúc với thắng lợi của tướng Franco, Eitingon chuyển cơ sở sang Pháp. Tại Pháp, Eitingon khôi phục lại mạng lưới điệp viên. Một thời gian Eitingon giữ mối liên hệ với Kim Philby và Guy Burgess.
Tháng 3 năm 1939, Stalin ra lệnh tiêu diệt Troski. Để thực hiện lệnh của Stalin ngày 9 tháng 7 năm 1939, đã soạn thảo ra “Kế hoạch hành động tình báo theo hồ sơ chiến dịch “Con vịt”, dưới ký tên P.M.Phitin, trưởng ban tình báo đối ngoại; P.A.Sudoplatov, phó ban tình báo đối ngoại và N.I.Eitingon (tức “Tom”) không ghi chức vụ và quân hàm. Trong bản kế hoạch viết rằng “Tom” là “người tổ chức và lãnh đạo tại chỗ”. Có khá nhiều thành viên được thu hút tham gia chiến dịch, trong đó có Ramon Merkader (“Raimond”) và mẹ của Merkader là Karidad (“Bà mẹ”) và những người khác.
Đầu tháng 8 năm 1939 “Tom” đến Mexico dưới vỏ bọc là nhà doanh nghiệp Canada. Lúc này ở Mexico đã có mặt “Bà mẹ”, “Raimond” và những người khác. Nhưng công việc chuẩn bị tiến hành chậm hơn so với dự tính. Mãi sau chín tháng mới xảy ra cuộc ám sát đầu tiên đối với Troski. Những người tấn công đột nhập vào trong nhà và nổ súng vào phòng ngủ Troski. Nhưng Troski và vợ đã kịp trốn dưới giường nên không bị thương. Những người tấn công rời khỏi nhà Troski mà không biết là Troski không hề hấn gì.
Tuy nhiên Eitingon không phải nhận kỷ luật vì cuộc ám sát thất bại, hơn thế nữa trong công văn nhận được từ Moskva có đoạn ghi thêm bày tỏ sự đồng tình: “Đồng chí Beria gửi lời chào”.
Bắt tay vào truy tìm, cảnh sát Mexico sau đó không lâu đã phát hiện ra người lãnh đạo cuộc ám sát bất thành. Cảnh sát Mexico cảm thấy hình như đó là họa sĩ tài danh Mexico David Alpharo Sikeiros. Cảnh sát Mexico cũng xác định được những người khác tham gia chiến dịch ám sát này. Trong mạng lưới điệp viên Liên Xô không có ai có tên trong danh sách này. Phần lớn điệp viên Liên Xô đã trốn thoát.
Một cuộc chuẩn bị cho giai đoạn mới của chiến dịch “Con vịt” bắt đầu. Việc chuẩn bị lần này không vấp phải khó khăn đặc biệt nào là nhờ có “Raimond” thường hay lui tới nhà Troski (20 lần) như người tâm phúc. Ngày 20 tháng 8 năm 1940, tức là chưa đầy 3 tháng sau vụ ám sát lần thứ nhất, vụ ám sát lần thứ hai được tiến hành. “Raimond” đem theo mình một cái cuốc đào băng, con dao và súng lục đến nhà Troski đề nghị viết nhận xét cho bài báo của mình. Khi Troski đọc bài báo, “Raimond” dùng chiếc cuốc bổ vào sau gáy ông ta. Troski ngã gục và kêu toáng lên. Nhân viên bảo vệ kịp thời xuất hiện đánh đập “Raimond” rất dã man, sau đó giao “Raimond” cho cảnh sát. Ngày hôm sau Troski chết trong bệnh viện. Còn “Raimond” mạo nhận là người Bỉ tên là Gian Mornar nguyên là người ủng hộ Troski bị tù 19 năm 8 tháng 14 ngày. Năm 1960 “Raimond” đến Moskva, tại đây ông được nhận Huy chương vàng Anh hùng Liên Xô. Đây là một trong những điệp viên hoạt động bí mật được nhận danh hiệu cao quý này.
Vào ngày Troski bị giết Eitingon và “Bà mẹ” rời khỏi Mexico. Eitingon với hộ chiếu người Iraq bay sang Cu Ba. Đến Cu Ba Eitingon nhận hộ chiếu người Bungari và bay về châu Âu. Về đến Moskva đích thân Eitingon báo cáo miệng toàn bộ sự việc cho Merkulov và Beria, chứ không viết một báo cáo nào bằng văn bản.
Eitingon vừa mới kịp nghỉ ngơi lấy lại sức và bắt tay với công việc mới (tổ trưởng tổ Đặc biệt trực thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ) thì chiến tranh đã nổ ra. Eitingon nhận nhiệm vụ lữ đoàn phó (lữ đoàn trưởng là Sudoplatov) lữ đoàn bộ binh cơ động đặc nhiệm là lữ đoàn huyền thoại trong thời kỳ Chiến tranh giữ nước vĩ đại đã lập được nhiều chiến công vang dội khi mở các chiến dịch trong lòng địch. Lữ đoàn đặc nhiệm chỉ thu nhận những người tình nguyện đã qua một lớp tập huấn đặc biệt dành cho công việc phá hoại đặc công và thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Lữ đoàn đặc nhiệm này được phiên vào thành phần Cục 4 thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ – Bộ Dân uỷ An ninh do Sudoplatov và Eitingon đứng đầu trong suốt thời gian từ khi nổ ra đến khi kết thúc cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Đây là Trung Tâm đầu mối tổ chức công tác tình báo phá hoại ở vùng bị chiếm đóng. Ngoài những chiến dịch do Cục 4 tự tiến hành, Cục còn ủng hộ những điệp vụ biệt kích, thực hiện gần 80 điệp vụ, trong đó có những điệp vụ nổi tiếng như “Tu viện”, “Beredino”.
Đặc biệt trong số các nhà hoạt động tình báo Liên Xô chỉ có hai người được phong tặng Huân chương Suvorov: đó là hai vị tướng an ninh Sudoplatov và Eitingon.
Trong thời gian chiến tranh, vào năm 1942 Eitingon đã đến Thổ Nhĩ Kỳ dưới vỏ bọc Leonid Naumov nhận sứ mệnh chuẩn bị cuộc ám sát đại sứ Đức Fon Papen. Sở dĩ phải khử Fon Papen vì trong trường hợp các tướng lĩnh Đức Quốc xã loại trừ Hitler khỏi chính quyền thì Fon Papen sẽ phải lãnh đạo Chính phủ Đức, điều này sẽ đưa Chính phủ Đức vào thế giới phân lập với Mỹ và Anh. Tuy nhiên vụ ám sát bất thành: mìn nổ ngay trên tay Aphanasev người Bungari là kẻ mưu sát. Chính Aphanasev bị chết, còn Papen thì chỉ bị thương nhẹ.
Eitingon còn để lại dấu ấn nữa trong cuộc đời hoạt động tình báo của mình – đó là “hoạt động tình báo nguyên tử”. Ngay từ những năm 1939 – 1941, khi ở Mỹ Eitingon đã được “toàn quyền lựa chọn và tuyển dụng người cộng tác mà không cần có sự chuẩn y của Trung Tâm đồng thời được sử dụng cả mối quan hệ thân thích họ hàng”, như tướng Sudoplatov viết trong hồi ký của mình. Ngay thời gian trước đó vào đầu những năm 30, Eitingon đã công khai hóa hoạt động ở vùng duyên hải phía Tây nước Mỹ hai điệp viên tình báo, trong đó có bác sĩ nha khoa “Shakhmatis”, cơ sở mà nữ tình báo Kitti Harris nối lại được quan hệ. Dưới sự bảo trợ của tình báo một tổ chuyên môn nghiên cứu các vấn đề “hoạt động tình báo nguyên tử” được thành lập thì Sudoplatov và Eitingon được cử làm tổ trưởng và tổ phó lãnh đạo tổ. Một trong những công lao của Eitingon là tổ chức được việc phối hợp hành động giữa các ban chuyên môn của Trung Tâm với các nhà nguyên tử học.
Còn một chiến dịch nữa có sự tham gia của Eitingon, đó là việc kiểm tra các mỏ uranium ở Bungari. Số là ngay từ tháng 2 năm 1945 đã có thông tin về lượng dự trữ uranium chất lượng cao ở vùng núi Roodovski. Quặng khai thác từ các mỏ này đã được sử dụng để khởi động lò phản ứng nguyên tử đầu tiên của Liên Xô. Công việc được tiến hành bí mật, tuy nhiên chẳng bao lâu sau người Mỹ đã biết và họ bắt đầu thi hành những biện pháp chống lại. Họ phái đến những điệp viên tình báo trong số đó có cả những điệp viên biệt kích. Trong tình hình đó Eitingon dự tính tuyển dụng lại những điệp viên người Mỹ và vợ của họ nhưng bất thành.
Trong thời gian đó thì ở Liên Xô người ta phát hiện ra những mỏ lớn hơn và chất lượng cao. Để che giấu thực tế này và khiến ở người Mỹ tin là Liên Xô rất cần uranium của Bungari, Eitingon tiến hành những hoạt động rộng rãi tung ra những thông tin sai lạc nên một thời gian khá dài đã đánh lạc hướng được người Mỹ.
Đồng thời Eitingon vẫn tiếp tục nghiên cứu công việc có tính chất tình báo thuần túy. Chẳng hạn vào năm 1946 – 1947, Eitingon lãnh đạo công việc chuẩn bị trục xuất V.G.Fisher (tức Rudolf Abel). Ngoài ra cho đến tận ngày bị bắt lần đầu tiên 28 tháng 10 năm 1951, Eitingon là cấp phó của tướng Sudoplatov, và là cục trưởng Cục Tình báo Đặc công ở nước ngoài. Tuy nhiên hoạt động tình báo trên thực tế không có gì bộc lộ ra bên ngoài, có điều may mắn là “chiến tranh lạnh” không chuyển thành nóng, nên hoạt động tình báo của Eitingon có vai trò riêng của nó trong việc nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của Liên Xô trong trường hợp phải đối phó với các nước trong khối NATO.
Khi Eitingon bị bắt người ta đã buộc tội ông có chân trong các tổ chức theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Sionit). Ngày 20 tháng 3 năm 1953, sau khi Stalin mất, Eitingon được trả lại tự do và khôi phục quân hàm cho ông, nhưng đến ngày 21 tháng 8 năm 1953, ông lại bị bắt, lần này ông bị buộc tội là kẻ tòng phạm với Beria. Eitingon bị kết án 12 năm tù và mãi đến năm 1964 mới được trả lại tự do. Sau đó Eitingon làm biên tập nhà xuất bản “Sách ngoại văn” nhiều năm.
Eitingon mất ngày 3 tháng 5 năm 1981 – nhưng mãi đến 10 năm sau, năm 1991, ông mới được khôi phục danh dự. Trước ngày lễ Chiến thắng phát xít, ngày 9 tháng 5 năm 2000, các con ông mới nhận lại những huân chương của nhà tình báo Eitingon: 2 huân chương Lenin, 2 huân chương Cờ Đỏ, huân chương Suvorov, huân chương Chiến tranh Giữ nước hạng nhất và huân chương Sao Đỏ.