Nathan Hale (1755 – 1776) Cha Đẻ Tình Báo Quân Sự Mỹ

Có một số không nhiều nhà tình báo xứng đáng được dựng tượng đài vì cống hiến của họ cho đồng bào mình. Nathan Hale (người Mỹ) là người như vậy, dũng cảm, chân thành, -tuy là nhà tình báo không mấy dày dạn kinh nghiệm – một nhà yêu nước, bị người Anh treo cổ tháng 9 năm 1776. Anh là hình mẫu cho nhân vật trong tiểu thuyết Tên gián điệp của nhà văn Mỹ nổi tiếng Fenimor Cooper. Tượng đài Nathan Hale đặt tại Washington. Mặc dù Hale gặp thất bại trong công tác của mình nhưng anh lại được tôn là “cha đẻ” của ngành tình báo quân sự Mỹ. Quả thực anh chẳng lập nên được kì tích đặc biệt nào nhưng sự hi sinh của anh dưới tay dân Anh thù địch đã làm bùng lên ngọn lửa tinh thần chiến đấu chống kẻ thù của lớp trẻ yêu nước Mỹ, và rất nhiều người trong số họ đã nối gót Nathan Hale.

Thời kì đầu của cuộc chiến tranh giành độc lập (1775-1783) tại Hợp Chủng quốc không có cơ quan tình báo chuyên nghiệp. Thông tin cần thiết thường đến từ những người tự nguyện, những người ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng. Tướng Washington, tổng tư lệnh quân đội thuộc địa Bắc Mỹ, mặc dù không đặt ra hẳn một cơ quan tình báo cụ thể như vậy nhưng được nhiều lợi thế hơn so với những nhà cầm quyền khác thời đó: ông được ủng hộ rất nhiều bởi những người coi cuộc đấu tranh vì tự do và độc lập của đất nước là ý nghĩa cuộc đời mình. Trong số đó có những thanh niên tuổi trẻ nồng nhiệt, sẵn sàng mạo hiểm và không quản ngại hi sinh. Từ những con người như vậy đã bắt đầu hình thành nên cơ quan mật vụ của George Washington. Nathan Hale là một trong số họ.

Trong thời kì chiến tranh của lớp trẻ Hợp Chủng quốc vì nền độc lập, Nathan đã thực hiện nhiệm vụ do tướng George Washington giao phó tại hậu phương của quân Anh. Anh đã khai thác được một số tin tức về tình hình bố trí và vũ trang của quân Anh, nhưng gần như ngay lập tức đã bị người Anh tóm được. Viên chỉ huy quân cảnh Anh là Kanniham đã tra tấn Hale rất tàn bạo. Hale không chịu đựng nổi các cuộc hỏi cung, trở nên hết sức lung lay, và các cuộc hỏi cung càng thêm tàn bạo. Theo phỏng đoán của các nhà nghiên cứu, Hale đã khai tất cả những bí mật nắm được, và điều này đáng giá bằng cả cuộc sống của anh ta – anh ta bị xử tử. Hale trở thành nhà tình báo Mỹ đầu tiên bị xử tử. Người đầu tiên báo tin này cho quân Mỹ là một sĩ quan Anh, đại úy John Montressor thuộc quân đoàn công binh hoàng gia, sĩ quan tùy tùng của tướng William Haw. Mang cờ trắng, anh ta vượt qua giới tuyến mặt trận sang phía Charm Plaince, bang New York và được một nhóm sĩ quan Mỹ ra nghênh đón.

Có một thời gian tin về cái chết của Nathan Hale được giấu kín. Nhưng năm tháng sau, báo chí bắt đầu loan tin về cái chết bi thảm của Nathan Hale trong khi làm nhiệm vụ vì tổ quốc. Và sau đó mới thực sự bắt đầu thành hình cơ quan tình báo quân sự thường trực của Mỹ.

Một thời gian dài người ta cho rằng tướng Washington khi biết về cái chết của nhà tình báo trẻ tuổi đã từ chối coi hoạt động mật vụ là vũ khí chiến đấu. Chỉ hơn một trăm năm sau người ta mới phát hiện ra những tài liệu phủ nhận ý kiến trên và khẳng định rằng ông đã đi đến những kết luận thực tiễn từ bi kịch này và quyết định thành lập cơ quan tình báo chuyên nghiệp, thu hút không chỉ những người yêu nước nhiệt huyết mà cả những thanh niên có các phẩm chất cần thiết cụ thể khác. Ban đầu Washington dự kiến chỉ định John-Morin Scott làm chỉ huy cơ quan mật vụ, nhưng không hiểu vì lí do gì mà anh ta bị thuyên chuyển khỏi công tác này, chưa kịp bắt tay vào việc. Cương vị này được chỉ định cho Benjamin Tolmedj. Tolmedj được anh trai Inok và Robert Tauzend – bạn đồng học của Hale tại trường đại học tổng hợp giúp đỡ. Tại hậu phương của quân Anh, họ đã tổ chức một mạng lưới gián điệp hay có thể gọi là “chuỗi” theo cách nói của George Washington. Các mắt xích của chuỗi này được ngụy trang dưới mật danh “Samuel Calper” và được bảo mật rất tốt, mặc dù tình báo quân sự Mỹ thời đó chưa hề có chút kinh nghiệm nào. Điệp viên Woodhol được gọi là “Samuel Calper cả”, còn Tauzend là “Samuel Calper út”. Chỉ huy của chuỗi là đại tá Tolmedj có tên “mister John Bolton”.

Hoạt động chính của “Calper” diễn ra ở New York, Manhattan và các vùng phụ cận, nơi trong thời kì đó có tổng hành dinh của quân Anh, và phần lớn hạm đội Anh đóng trong cảng New York. Tauzend có một cửa hàng bách hóa lớn là nơi gặp gỡ của các điệp viên, còn các sĩ quan Anh đến mua hàng cũng hay ba hoa làm lộ những bí mật mà ông chủ cửa hàng rất cần mẫn góp nhặt. Các “Calper” còn tiến hành đồng thời các chiến dịch phản gián bên cạnh hoạt động tình báo, đã bắt được và xử tử điệp viên Anh là thiếu úy Andre. Đây có thể coi như sự báo thù cho Hale.

Chuyện xảy ra như sau: Làng Ostrea Bay (Vịnh Con Sò) nằm cách trung tâm New York hai mươi dặm bị người Anh chiếm. Do hoàn cảnh tình cờ đưa đẩy, các sĩ quan cấp cao Anh đến đóng trong ngôi nhà thuộc sở hữu của Robert Tauzend. Anh có cô em gái tên là Sara. Cô thiếu nữ cũng gia nhập nhóm tình báo nhưng trong một thời gian dài không có dịp thể hiện mình trong cuộc chiến đấu chống quân Anh. Một hôm, vào cuối tháng 8 năm 1780, viên đại tá người Anh Simkow đã mời ông bạn tên Andre của mình tới dự cơm tối. Khi dọn bàn ăn cho khách Sara nhận thấy viên tùy phái bước vào đã đặt lên tủ một lá thư gửi “John Anderson”.

Ông khách Andre cầm mở ra đọc rồi đút vào túi. Sau đó cô nghe được câu chuyện của Andre với đại tá Simkow và hiểu đích xác họ nói đến việc chiếm đánh căn cứ lớn nhất West-Point của phía quân Mỹ với sự nội ứng của những tên phản bội. Những kho tàng của căn cứ này là nơi cất giữ gần như toàn bộ dự trữ của quân đội Mỹ, kể cả vũ khí nhận được từ Beaumarchais.

Cần phải thông báo gấp với Robert lúc này đang ở New York. Sara đã nghĩ ra cách. Sáng ngày hôm sau cô cố gắng hết sức thuyết phục viên đại úy người Anh đang phải lòng cô là Daniel Jung phái người đến New York mua lương thực cho đại tá Simkow. Như vậy người này nhất định sẽ phải đến cửa hàng anh trai Robert của cô. Trong tập phiếu đặt hàng cô gài vào một mẩu thư báo cho Robert chuyện về Andre, “John Anderson” và dự định chiếm căn cứ West-Point của người Anh. Lá thư vừa đến tay Tauzend, “chuỗi” lập tức khởi động. Austin Row nhảy lên ngựa thẳng đường Long-Iland đến thị trấn Setoket, nơi có người bạn của anh đang sống. Vừa nhận tin người này lập tức ra bờ biển, nơi áo quần đang được chăng trên dây phơi. Chỉ một chút thay đổi trên sợi dây – từ bờ bên kia anh chàng Colleb Bruster vội vã lên chiếc thuyền con chèo sang nhận tin rồi lập tức trở lại, không quên thông báo việc cập bến an toàn của mình bằng chiếc váy đỏ trên dây phơi.

Mọi việc còn lại, như người ta vẫn thường nói, chỉ là vấn đề kĩ thuật. Bruster lọt vào lãnh địa thuộc quyền kiểm soát của quân Mỹ và trao tài liệu cho chỉ huy cơ quan tình báo Benjamin Tolmedj. Và thật trùng hợp: ngay trước khi nhận tin này Tolmedj vừa nhận thư của chỉ huy trưởng West-Point, tướng Benedict Arnold, thông báo rằng có khả năng bạn của tướng John Anderson sẽ đến vùng Tolmedj đang ở và yêu cầu cắt người bảo vệ ông ta.

Trên cơ sở các tin tức đó quân Mỹ đã làm phá sản chiến dịch chiếm West-Point của người Anh. Tuy tên phản bội là tướng Benedict Arnold đã chạy thoát, nhưng đồng bọn của hắn là John Anderson, tức Andre đã bị bắt đưa ra xét xử và bị treo cổ.

Tổng thống đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kì là George Washington một lần đã nói rằng: Nathan Hale và thiếu úy Andre đều là những sĩ quan trung thực, dũng cảm và đã chết một cách xứng đáng.

Khi trở thành tổng thống, George Washington đã đưa các điệp viên của mình đến Long-Island và cám ơn họ vì những thông tin quý giá mà họ đã khai thác được trong thời kì chiến tranh. Và còn có một chi tiết thú vị khác nữa. Cuốn sổ kế toán do chính Washington ghi chép đã cho thấy giữa các năm 1775 và 1781 ông đã chi cho tổ chức tình báo của mình tất cả là mười bảy nghìn sáu trăm mười bảy dollar. Có những khoản chi phí liệt kê trong sổ là dành cho các “nhân vật vô danh” vì không thể tiết lộ tên của họ.

error: Content is protected !!