Mata Hari (1876 – 1917) Nữ Điệp Viên Với Vô Số Huyền Thoại

Margaret Gertruda Tselle sinh ngày 7-8-1876 tại thành phố Lauvarden của Hà Lan trong gia đình của một người thợ làm mũ. Chẳng bao lâu sau ông bố bị phá sản và bỏ đi đâu mất, rồi bà mẹ qua đời. Cô được ông chú đem về nuôi. Cô gái lớn lên, cuộc sống tỉnh lẻ nghèo nàn làm cô ghê sợ. Cô mơ ước phiêu lưu, muốn đến nhiều nước xa xôi. Một lần đọc một tờ báo kết bạn trăm năm cô thấy có một đại uý quân thuộc địa là Rudolf Makleod muốn cầu hôn. Ít lâu sau cô đã trở thành vợ anh và được biết những vùng đất lạ của Sumatra và Java. Anh chồng là người hẹp bụng và tàn bạo. Một anh lao công bực tức đến tuyệt vọng đã đầu độc các con anh ta. Thằng con trai Norman bị chết, đứa con gái được cứu thoát. Bản thân Margaret cũng không thoát được tay chồng. Năm 1903 cô chạy sang châu Âu, để con gái cho chồng nuôi.

Tại Paris, Margaret làm nghề diễn viên nữ kỵ sĩ cho một rạp xiếc, sau đó chuyển sang tạp kỹ. Cô có vẻ đẹp phương Đông huyền bí, rất mềm mại, lại biết múa những điệu lễ thức của những dân tộc hoang dã ở Java và Sumatra. Ông chủ rạp xiếc đã giúp cô trình diễn trong những salon sang trọng. Cô đã lấy một cái tên ngoại lai, “Mata Hari”, không ai biết dịch nghĩa là gì, nhưng một số tác giả bảo có nghĩa là “ban mai”, “tỉnh mộng”, hoặc là “ánh mắt hừng đông”, đại loại như vậy…

Những cảnh múa phương Đông lạ lẫm, kết hợp cả thoát y vũ đã làm rung động cả châu Âu thời trước chiến tranh. Paris, Vienna, Berlin, Amsterdam, Roma, Monte-Karlo đều quì rạp dưới chân cô. Tiền của cứ tự nhiên vào túi Mata Hari, cô đã mua mấy cái biệt thự, nhiều cổ phiếu, sau đó rồi tiền của lại đi đâu mất, cô lại nợ nần đến nỗi phải trốn các chủ nợ. Cô đã định theo đoàn lưu diễn khắp châu Âu, nhưng không thành.

Tất nhiên, sự hoà trộn nhiều đặc tính – huyền bí, xinh tươi, quan hệ rộng với các giới quan chức, cần tiền – được các tổ chức điệp vụ chú ý đến.

Nhưng cô có trở thành điệp viên hay không, mà nếu có thì là của ai, khi nào, cô có cung cấp được cho các ông chủ những nguồn tin quí báu hay không, hay là cô chỉ ghi danh vào “cơ quan điệp vụ” và nhận tiền của họ mà thôi?

Thực sự cô Mata Hari là ai – là điệp viên, là kẻ phiêu lưu, là nạn nhân của toà án bất công? Cô phục vụ cho ai? Nếu có người hỏi: “Cô làm việc cho ai? thì cô có thể thành thật trả lời rằng “Cho chính mình”, và như thế cũng không xa sự thật là mấy.

Một cách lý giải cho rằng Mata Hari là điệp viên của Đức một thời gian dài trước chiến tranh năm 1914, ngay sau khi ly dị, khi cô đang rất cần tiền, dù chỉ là những khoản tiền nhỏ. Phụ họa cho cách lý giải này là sự kiện cô đã mang biệt danh H-21, mà chữ cái “H” là của các điệp viên thời trước chiến tranh. Những người hoạt động ngay sau khi bắt đầu chiến tranh thì có mã số AP. Không hề có các bằng chứng nào khác. Cũng không hề có thông tin gì nói rằng có những bí mật của Pháp trước chiến tranh đã bị rò rỉ sang Đức.

Một cách lý giải khác: tháng 7 năm 1914, mấy tuần trước khi bắt đầu đánh nhau, Mata Hari đã rời Paris sang Đức, sang đó thì chiến tranh nổ ra. Vào ngày tuyên bố chiến tranh người ta thấy cô ngồi ăn sáng với trùm cảnh sát Berlin. Sau này người ta vin cớ đó để khẳng định rằng anh chàng này đã tuyển mộ được cô. Bản thân Mata Hari giải thích rất đơn giản. Trước toà cô nói: “Tại Đức cảnh sát có quyền kiểm duyệt quần áo của nhà hát. Người ta bảo tôi ăn mặc hở hang quá. Ông cảnh sát trưởng đã đến xem xét và thế là chúng tôi quen nhau”.

Cũng có một cách lý giải khác cho rằng Mata Hari được tuyển mộ trong thời chiến tranh bởi tuỳ viên quân sự Đức ở Madrid là Hans fon Kalle, mà cô là người tình trong một thời gian. Cách lý giải này gần giống với sự thật, bởi vì về sau chính từ Madrid xuất hiện một bản tin mật tai họa cho Mata Hari. Hơn nữa, người ta còn kể rằng tham gia vào việc tuyển người này còn có đô đốc tương lai Canaris, lúc này ông mới là một thuyền trưởng khiêm tốn của một chiếc tàu ngầm, nhưng nhiều năm sau ông là người lãnh đạo ngành tình báo quân sự của nước Đức Hitler. Khi các bạn bè hỏi về sự kiện này ông chỉ cười trừ không đáp. Một số người khẳng định rằng cô được tuyển chọn ở Madrid bởi nam tước Fon Mirbakh. Tuyển chọn xong cô đã nhận một khoản tiền lớn.

Mata Hari lúc nào cũng cần tiền: cô luôn luôn bội chi. Nhưng lấy tiền ở đâu? Cô đã chấp nhận một quyết định ngược đời và tai họa: “Nếu tình báo Đức đã dễ dàng cho ta một khoản tiền lớn, thì tại sao lại không đòi hỏi cả tình báo Pháp nữa?”

Mata Hari đến gặp người chỉ huy phản gián, đại uý Liadu, với lý do cô cần giấy thông hành đi đến thành phố sát mặt trận Vittel, là nơi ông thị trưởng đã mời cô từ lâu, hơn nữa, cô cũng cần tới đó điều trị một đợt.

Cô đã thương lượng được với đại uý Liadu và bắt đầu phục vụ cho tình báo Pháp, mà không hề nói rằng cô làm cho tình báo Đức.

Cô nhận được nhiệm vụ đầu tiên đi Tây Ban Nha, sau đó đi Bỉ.

Khi chia tay, đại uý Liadu đã cố ý nhắc nhở cô rằng đừng bao giờ làm việc cho cả hai mặt trận, cần chọn lấy một, nếu không thì kết cục sẽ rất xấu. Mata Hari trả lời bằng một câu bóng bẩy theo kiểu phương Đông đại ý nói rằng cô sẽ phục vụ tình báo Pháp bằng tấm lòng trung thành và bằng sự thực.

Để cho Mata Hari đi Tây Ban Nha, Liadu đã hành động gần như chắc chắn: tình báo Pháp đã biết được mật mã mà tuỳ viên quân sự Đức đã dùng để liên lạc với Bộ tổng tham mưu ở Berlin.

Quả thật, ít hôm sau Liadu nhận được mật điện:

Điệp viên H-21 đã tới Madrid. Đã bắt đầu làm được việc cho Pháp. Xin chỉ thị và xin tiền. Đang cung cấp thông tin về các nơi đóng quân… Cũng cho biết rằng nhà hoạt động quốc gia Pháp N. đang có quan hệ mật thiết với một công nương nước ngoài… “

Trong điện trả lời, bộ chỉ huy Đức ra lệnh:

“Đề nghị H-21 về ngay nước Pháp và tiếp tục công việc. Nhận ngân phiếu của Kremer năm ngàn frank đề tên Kotuar d’ Eskont”.

Sau này người ta biết rằng không phải mọi thông tin về các trung đoàn của Pháp là chính xác, thông tin về những cuộc phiêu lưu tình ái của nhà hoạt động quốc gia cũng không có gì đáng chú ý lắm.

Đối với cuộc đời của Mata Hari những bức điện ít ý nghĩa ấy lại là quyết định – cơ quan phản gián của Pháp đã nhận được lời khẳng định rằng chính cô ta là điệp viên của Đức mang tên H-21.

Nhưng đồng thời Mata Hari lại góp công lớn cho phản gián Pháp. Thông qua người tình của mình, điệp viên Đức Hans fon Kalle, cô biết rằng quân Đức đã biết về việc người Anh đổ quân bằng tầu ngầm lên cảng Marroco và bộ chỉ huy Đức đang chuẩn bị đập tan số quân đó. Cô lập tức đến gặp điệp viên Pháp ở Madrid, đại tá Danvil, và thông báo cho ông biết. Đại tá mật báo về Paris. Bọn Đức đã bắt được điện ấy. Khi hiểu ra “gió thổi từ đâu”, bộ chỉ huy tình báo đã nghiêm khắc cảnh cáo Hans fon Kalle, anh này lại mắng nhiếc thậm tệ người tình. Mata Hari hiểu ra sự tình và đã quyết định đúng đắn: cô chạy đến Danvil, cho ông biết chuyện buồn – người Đức đã biết mật mã của Pháp và đã đọc được các bức điện. Chỉ cần một thông tin đó, chưa kể đến thông tin trước đã cứu sống hàng trăm binh lính và thuỷ thủ, Mata Hari cũng đã xứng đáng được nhận khoản một triệu đồng mà Liadu đã hứa. Nhưng “lòng biết ơn” mà cô nhận được lại là dạng khác.

Chẳng bao lâu sau Noel 1916 ở Tây Ban Nha, mặc dầu đang là thời kỳ chiến tranh, Mata Hari vẫn rất đỏm dáng và trang trọng đi về Paris. Mọi người đều muốn có chuyến đi này của cô: người Đức muốn có vì cô hứa hẹn sẽ có thông tin quan trọng, phản gián Pháp cũng muốn vì “cánh chim” này đã tự bay vào bẫy của họ, còn chính Mata Hari cũng muốn vì cô hy vọng sẽ nhận được khoản tiền một triệu.

Đúng một tháng sau người ta đến tìm cô. Ngày 13 tháng 2 cảnh sát Pháp đã bắt cô, buộc tội cô làm gián điệp cho Đức.

Mấy tháng sau toà xét. Vụ án được đưa ra ngày 24 tháng 7 năm 1917. Họ buộc tội Mata Hari là vì cô mà mười bẩy tàu chiến của liên quân bị chìm, gần một sư đoàn quân bị thiệt mạng. Tình cảnh của người đàn bà bất hạnh này lại sầu não thêm vì tất cả những lời buộc tội đó lại dựa trên nền tảng vững chắc của dư luận xã hội đã náo động lên vì sự thất bại của chiến dịch được gọi là “Nivel” – tức là cuộc tiến công mùa xuân của quân Pháp – mà lý do là vì bọn tình báo Đức, trước hết là Mata Hari. Trong chiến dịch này quân đồng minh đã mất hơn hai trăm hai mươi ngàn binh lính và sĩ quan.

Các chuyên gia thì đánh giá nguyên nhân thất bại do: việc chuẩn bị chiến dịch kéo dài mà lơ là việc nguỵ trang tác chiến và chiến thuật, áp dụng phương thức tấn công lỗi thời là dùng đến sinh lực, không đánh giá hết năm mươi hai sư đoàn dự bị chiến lược của Đức. Sau thất bại này có hàng loạt tướng tá bị cách chức và đuổi khỏi quân đội.

Thật ngọt ngào khi giải thích thất bại bằng sự phản bội của người đàn bà bất hạnh đã bị bắt hai tháng trước khi nổ ra cuộc tiến công kia, một tháng trước đó đã có những vấn đề riêng của mình, hơn nữa lại mất liên lạc với bộ chỉ huy Đức! Thật quan trọng khi tìm được “vật hy sinh”! Nhân dân đang cần máu để trả nợ máu đã đổ trên bãi chiến trường.

Dù sao đi nữa thì tiết lộ bí mật về cuộc tấn công đó vẫn là tội chính. Còn một tội nữa là nhận tiền của Đức. Mata Hari nói rằng một phần tiền ấy cô nhận được không phải vì hoạt động gián điệp, còn một phần khác thì do bọn điệp viên Đức gán ghép cho cô để chúng thanh toán các khoản chi tiêu của chúng, nhưng toà án không chấp nhận. Toà nhất trí tuyên án tử hình.

Margaret Tselle chờ đợi cái chết của mình trong phòng đơn của nhà tù Sen-Lazar. Nhưng cho đến phút chót cô vẫn đóng vai Mata Hari của chính mình – cô vẫn múa những điệu múa lễ thức trước những người tu hành đến an ủi cô và khuyên cô nhập đạo, cô đã hứa nói ra ba điều bí mật cho một ông bác sĩ: điều thứ nhất – cho ông tình yêu, điều thứ hai – cho ông tiền bạc và điều thứ ba – cho ông cuộc sống vĩnh hằng; một ông luật sư già yêu cầu cô tuyên bố rằng cô đã có mang với ông, nghe xong cô đã cười lớn.

Sáng sớm ngày 15 tháng 10 người ta đánh thức cô dậy. Cô vẫn đỏng đảnh: “Sao vậy? Sớm thế kia ư! Ngay buổi sáng à! Kiểu gì mà lạ vậy?” Cô từ chối không hút thuốc lá, nhưng uống một ly rượu grog. Có đề nghị đưa đức cha đến làm lễ, nhưng cô tuyên bố: “Tôi không muốn tha tội cho người Pháp. Nhưng thế nào cũng được. Tất cả đều như nhau. Sống không là gì, mà chết cũng không là gì. Chết, ngủ, mơ, những cái đó có nghĩa gì không? Cũng như nhau, đúng không – chết hôm nay hay chết ngày mai, chết trên giường mình hay lúc dạo chơi? Tất cả đều là lừa dối”.

Cô được phép viết ba bức thư ngắn: cho một quan chức nào đó, cho người tình Vadim và cô con gái.

Ngoài cổng nhà tù đã có 5 chiếc ô tô. Buổi sáng ảm đạm hôm ấy người ta đã bắn cô trong khu rừng cạnh bãi tập Vensen. Cô yêu cầu không phải bịt mắt và mỉm cười nhìn lên bầu trời xám xịt, ẩm thấp.

Cuộc đời, những chuyện phiêu lưu và đặc biệt là cái chết của Mata Hari là nguồn gốc biết bao huyền thoại về cô. Điệp viên người Anh Bernard Nyumen viết: “…Tôi hoàn toàn không muốn nói rằng dường như không bao giờ có điệp viên phụ nữ, mặc dầu hoạt động của họ không phải thật là xuất sắc. Trong số họ chỉ có Mata Hari, mà cô ấy cũng chưa hoàn thành được một phần trăm những gì người ta gán ghép cho cô trong những tác phẩm đầy lãng mạn, hoặc một phần ngàn những gì được nói đến trong những cuốn sách có vẻ như là nghiêm túc”.

Nhưng bên cạnh những cuốn sách về Mata Hari người ta còn dựng nhiều phim nữa. Năm 1921 Lyudvig Wolf dựng cuốn “Nữ tình báo Mata Hari” do Asta Nilsen đóng vai chính. Năm 1927 đạo diễn Fridrikh Feger phản ánh hình tượng giai nhân khoả thân trong phim “Mata Hari, vũ nữ xinh tươi”. Sau đó có hai minh tinh màn bạc giành nhau vinh quang thể hiện tài tình hình ảnh Mata Hari là Marlen Ditrikh trong phim của Fon Shtenberg “Người con gái bị lăng nhục” năm 1931, và Greta Garbo một năm sau đó trong phim “Mata Hari” của đạo diễn Fitsmoris. Như vậy là Mata Hari dù đã kết thúc cuộc đời trần thế nhưng vẫn còn được tiếp tục sống trên màn hình.

error: Content is protected !!