Marta Betenfeld sinh ra ở Lotaringa trong một gia đình người Đức. Đầu tiên gia đình làm nghề thợ may ở Paris. Năm 1913, lúc 22 tuổi, cô là một trong những phụ nữ đầu tiên của Pháp có bằng lái máy bay. Marta lái máy bay rất giỏi và là một thách thức đáng kể đối với các bậc mày râu. Cô là người đi đầu trong nghề thể thao hàng không của nữ giới. Năm 1914 cô kết hôn với phi công quân sự Andrey Rishe, ba năm sau anh qua đời ngoài mặt trận. Là một người rất yêu nước, sau khi chồng chết, Marta muốn trả thù bọn Đức bằng mọi giá, nên muốn trở thành phi công quân sự, nhưng không được chấp nhận. Khi đó cô đệ đơn phục vụ cho Phòng Năm – tức cơ quan phản gián Pháp do đại uý Liadu lãnh đạo. Cô được mang biệt danh “Sơn ca”.
Cô đã kinh ngạc khi đại úy Liadu cử cô đi Tây Ban Nha, nhưng cô không thể từ chối được, chẳng bao lâu sau cô đã có mặt trên bãi biển San-Sebastian với một mục đích duy nhất – trở thành “điệp viên Đức”. Chỉ mấy ngày nhàn rỗi trên bờ biển bọn Đức đã “cắn mồi”. Lợi dụng lúc cô thiếu thốn tiền bạc, chúng đã “chiêu mộ” được cô một cách dễ dàng. Chúng đặt biệt danh cho cô là C-32, trao cho cô nhiệm vụ đầu tiên, cung cấp tiền bạc, chỉ thị và các phương tiện ghi mật tự. Trở về Paris, cô báo cáo lại hết với đại uý Liadu, ông lấy làm vui lắm:
— Thật là tuyệt. Cô đã tiếp xúc được đúng người chúng ta cần đến ở Tây Ban Nha. Tay này là nam tước fon Cron, tuỳ viên quân sự Đức ở Madrid, là cháu của tướng Ludendorf.
Đại uý Liadu nói rằng cô phải thể hiện mình không những là một điệp viên, mà còn phải là một người đàn bà.
— Bằng cách đó cô sẽ cứu được bao nhiêu sinh mạng. Công việc đòi phải như vậy.
Ba ngày sau Liadu cung cấp cho cô những điều cần biết của Cron. Mọi thông tin đều chính xác, nhưng đã cũ, và là thông tin do các điệp viên hai mang khác cung cấp. Mấy hôm sau Marta quay về Tây Ban Nha, cô thực sự bắt đầu trò chơi hai mặt. Fon Cron tiếp cô ở San- Sebastian, cho cô ở một biệt thự sang trọng, chẳng mấy chốc người thiếu phụ hai mươi sáu tuổi xinh đẹp ấy phải trở thành tình nhân của con người mà cô căm ghét và ghê tởm. “Sau này công việc của tôi thành công thì chủ yếu là nhờ lòng căm thù ghê tởm đó, nó đã cho tôi lòng can đảm, sự tàn bạo và tráo trở”.
Chiếm được lòng tin của fon Cron, Marta đã hành động trong vai “liên lạc” của hắn với bọn chủ mưu, đang chuẩn bị nhờ người Đức tổ chức một cuộc nổi dậy ở Marocco, và cô đã xác định được tọa độ nơi gặp gỡ các tàu ngầm Đức và việc áp tải các tàu chở vũ khí cho phiến quân Marocco. Cuộc nổi dậy ấy đã bị ngăn chặn.
Theo sáng kiến của Marta, fon Cron giúp cô tổ chức một salon mỹ viện “Gương soi của bầy sơn ca”, mà hắn muốn dùng để phục vụ cho những quyền lợi của mình – để nguỵ trang và tô điểm cho những điệp viên được gửi sang Pháp.
Khi làm đầu cho họ, Marta đã kịp làm những dấu hiệu để dễ dàng tóm được chúng, khi chúng tới Pháp. Một thời gian sau cô lại phát hiện được một đường đi xuyên qua dãy núi Pirene của tình báo Đức. Muốn thế cô phải dùng đến mưu mẹo thuần tuý đàn bà: thứ nhất, tạo ra một cuộc “theo dõi” từ phía người Pháp, khiến cô không có khả năng công khai về Pháp; thứ hai, tìm cách để có bầu với fon Cron, mà muốn phá thai thì phải sang Pháp. Dù muốn hay không fon Cron cũng phải cho cô đi qua con đường bí mật. Về sau, trên con đường này, một số tên gián điệp nguy hiểm của Đức đã bị bắt.
Một lần fon Cron và Marta bị tai nạn ô tô. Cô gãy chân và phải nằm hai tháng. Trên báo Pháp xuất hiện một bài đả kích, trong đó nêu ra một câu hỏi: Marta Rishe làm gì ban đêm trên đường cùng với tuỳ viên quân sự Đức? Bài báo mang tựa đề “Điệp viên trong ô tô: fon Cron và bà Rishe”. Thế là bên cạnh nỗi đau thể chất lại còn thêm cả nỗi đau tinh thần: cô nhận được một bức thư của mẹ nói rằng cả nhà cô ở Pháp đang bị theo dõi và bị nhục nhã. Nằm dài trong nhà fon Cron, cô nghe được nhiều chuyện của hắn với các điệp viên. Một hôm cô thấy nói đến việc chuẩn bị làm nổ nhà máy thuốc súng Buno gần Bayonna và cô đã kịp thời chuyển thông tin mật đó về Phòng Năm. Nhưng có điều gì đó trục trặc. Nhà máy nổ tung, chết đến chín mươi người.
Lúc này cô có một kế hoạch mới. Cô gửi kế hoạch cho đại uý Liadu. Vì biết được mật số để mở tủ kín của fon Cron và hy vọng lấy được chìa khoá của hắn, cô dự định tìm cách cho hắn ngủ, lấy giấy tờ trong đó ném ra ngoài cửa sổ để đồng nghiệp của cô nhặt lấy. Theo cô biết thì trong két sắt có hình chụp của các điệp viên, có số liệu về các điểm cung cấp trang bị cho các tàu ngầm ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, số liệu về những nơi có hàng rào mìn, các mật mã, điện tín, danh sách những người Tây Ban Nha sùng Đức đang hoạt động chống Pháp.
Khi lành vết thương ở chân cô đến nghỉ ở một nhà an dưỡng bên bờ biển của Tây Ban Nha. Tại đó xảy ra một trường hợp huyền thoại: trong khi bơi thuyền đã có người định dìm chết cô, nhưng nhờ thể trạng tuyệt vời, nhờ công phu luyện tập thể thao mà cô thoát chết. Cô liên hệ với fon Cron và được biết rằng vụ mưu sát ấy là của nhóm điệp viên của fon Kalle, tuỳ viên quân sự Đức, đối thủ của fon Cron.
Nhưng Marta không hề nhận được tin tức gì về chuyện két sắt. Cô sốt ruột quá, nên một hôm bảo với fon Cron rằng cô muốn về Pháp.
— Tôi là người Pháp, anh hiểu không? Anh phải biết rằng từ ngày tôi ở Tây Ban Nha tôi vẫn làm việc cho Tổ quốc tôi, tôi vẫn theo dõi anh, anh có hiểu không?
Fon Cron đỏ mặt lên, rồi sau tái đi, hắn nở một nụ cười méo mó:
— Không thể thế được… Không đúng đâu,- hắn nói nhỏ.- Tôi không tin…
Đột nhiên hắn điên cuồng tát Marta một cái khiến cô rụng một chiếc răng.
— Anh đã ký vào án tử hình của chính anh rồi đấy,- Marta nói. – Ngài công sứ Đức sẽ biết mọi chuyện. Tôi sẽ chuyển cho ông ấy những bức thư tình của anh.
— Cô không làm được đâu!- hắn kêu lên.
Ngày hôm đó một viên cảnh sát đến khách sạn định bắt cô. Nhưng Marta không bối rối. Cô nhấc ống nói và yêu cầu gặp công sứ Đức. Ngài công tước Ratibor đích thân gặp cô.
— Tôi là tình nhân của fon Cron. Và tôi có đủ bằng chứng nói với Ngài rằng anh ấy đã nuôi tôi bằng số tiền dùng để trả cho các điệp viên của anh ấy.
Marta chuyển cho ông những bức thư tình, dãy mật số để mở két sắt. Cô không thể lấy hết được những thứ trong tủ, nhưng đã làm huỷ hoại hết giá trị của chúng. Toàn bộ tổ chức của fon Cron phải làm lại từ đầu. Marta về Pháp không có visa. Một thiếu uý cảnh binh nhận ra cô trên biên giới:
— Xin chào “Sơn ca”!
Thủ trưởng mới của Phòng Năm, đại tá Guber, người thay thế Liadu, tuyên bố với cô:
— Thưa bà, sau khi bà đã thất bại chúng tôi không cần đến sự giúp đỡ của bà nữa.
Bản anh hùng ca “Sơn ca” đã chấm dứt như thế đó. Mười lăm năm sau công lao của Marta Rishe mới được thừa nhận. Ngày 23 tháng 1 năm 1933, chính phủ đã trao tặng cô Bắc đẩu bội tinh.
Sau khi lấy chồng lần thứ hai cô chuyển sang Anh. Trong thời kỳ chiến tranh cô trở về Pháp tham gia kháng chiến, sau chiến thắng cô được bầu làm tham tán đốc lý toà thị chính Paris. Theo sáng kiến của cô người ta đã thông qua luật cấm các nhà chứa, mà nhân dân gọi là “luật Marta Rishe”. Luật này thủ tiêu danh sách gái điếm. Có những kẻ độc miệng nói rằng hồi trẻ chính Marta đã hành nghề mại dâm, vì thế cô đòi thủ tiêu danh sách đó. Nhưng hãy để cho lương tâm họ tự xét những lời nói ấy.