Markus Wolf (1923 – ?) Và Cuộc Đối Đầu Tình Báo: Đông – Tây Đức

Markus Wolf – người phương Tây gọi là “kẻ không có khuôn mặt” – là một trong những nhà tổ chức tài năng nhất của các Cục Tình báo. Ngành tình báo Cộng hòa Dân chủ Đức do ông lãnh đạo suốt hơn ba mươi năm là cơ quan năng động và tích cực nhất, và không phải do lỗi của ngành mà nhà nước với những quyền lợi do nó đại diện và bảo vệ phút chốc đã chấm dứt sự tồn tại.

Là con trai lớn của Elza (người Đức, theo Đạo Tin lành) và Fridrich Wolf (người Do Thái), Markus Wolf sinh năm 1923 tại thành phố nhỏ Hehingen. Cha ông là bác sĩ, say mê liệu pháp vi lượng đồng căn, ăn chay và rèn luyện thân thể, nhưng bên cạnh đó đã trở thành một nhà văn và nhà soạn kịch nổi tiếng.

Bộ phim dựng theo vở kịch “Giáo sư Mamlok” kể về chủ nghĩa bài Do Thái và sự truy bức hãm hại người Do Thái ở nước Đức phát xít được chiếu rất rộng rãi ở nước Nga và bản thân vở kịch cũng được diễn ở các nhà hát nhiều nước trên thế giới. Sau khi Hitler đoạt quyền lực vào tay, Fridrich Wolf đã phải chạy ra nước ngoài và sau một năm phiêu bạt đã cùng gia đình mình có mặt ở Moscva. Markus, được những người bạn Nga gọi là Misa, cùng cậu em trai Konrad học phổ thông ở Moscva, còn sau khi tốt nghiệp thì vào Học viện Hàng không. Tiếng Nga trở thành tiếng mẹ đẻ của ông. Markus lớn lên thành một người chống phát xít kiên định, tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Năm 1943 ông được huấn luyện để ném vào làm điệp viên mật ở hậu phương của quân đội Đức. Nhưng nhiệm vụ bị bãi bỏ, và đến cuối chiến tranh Markus làm phát thanh viên và bình luận viên trên sóng phát thanh những chương trình chống phát xít. Ông vẫn làm công việc này cho đến khi tới Berlin vào năm 1945. Sau đó trong vòng một năm rưỡi ông làm công tác ngoại giao ở Moscva. Vì công việc này mà ông phải đổi quốc tịch Liên Xô sang quốc tịch Đức.

Mùa hè năm 1951, Markus Wolf được triệu hồi về Berlin và được đề nghị, hay nói chính xác hơn là được lệnh theo ngạch đảng chuyển sang bộ máy cơ quan tình báo đã được thành lập. Đến lúc này ở Tây Đức cơ quan tình báo đã tồn tại được mấy năm – đó là tổ chức của Gehlen. Để đáp lại điều này, ngày 16 tháng 8 năm 1951 Viện Nghiên cứu Kinh tế được thành lập. Cái tên vô hại này được dùng để ngụy trang cho Cục Tình báo Chính trị Đối ngoại của Đông Đức. Ngày thành lập chính thức của cơ quan này là mồng 1 tháng 9 năm 1951, khi tám người Đức và bốn cố vấn người Nga từ Liên Xô trong một cuộc họp chung đã xác định những nhiệm vụ của cơ quan này như sau: tiến hành hoạt động tình báo chính trị, kinh tế và khoa học kỹ thuật tại Liên bang Đức, Tây Berlin và các nước NATO, cũng như chui sâu vào các cơ quan đặc biệt của phương Tây. Nhiệm vụ sau cùng được trao cho ban do Wolf lãnh đạo.

Tháng 12 năm 1952, ông bất ngờ được Tổng bí thư Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức và là người đứng đầu thực sự của quốc gia là Valter Ulbricht mời gặp mặt. Ông này thông báo cho Markus Wolf về việc bổ nhiệm ông làm người lãnh đạo cơ quan tình báo. Markus vẫn chưa tròn ba mươi tuổi, kinh nghiệm hoạt động trong ngành tình báo của ông gần như bằng không. Nhưng bù lại ông xuất thân từ gia đình một nhà văn cộng sản nổi tiếng, có những quan hệ chắc chắn ở Moscva, và ông được người lãnh đạo tiền nhiệm của cơ quan tình báo Akkerman vừa từ chức vì “tình trạng sức khỏe” giới thiệu.

Wolf được bổ nhiệm không lâu trước cái chết của Stalin, trước những sự kiện ngày 17 tháng 6 năm 1953 và vụ bắt giam Beria, điều ở một mức độ không nhỏ đã ảnh hưởng đến số phận của cơ quan tình báo. Nó bị sát nhập vào hệ thống Bộ An ninh Quốc gia do Vollveber, sau đó là Milke lãnh đạo. Sau các sự kiện ngày 17 tháng 6 bắt đầu một luồng di tản ồ ạt từ Đông Đức. Trước năm 1957 có đến gần nửa triệu người rời bỏ Đông Đức. Trong đám đó người ta đã “tung” được một số đàn ông và phụ nữ được tuyển chọn đặc biệt, những điệp viên tình báo đã qua các khóa đào tạo đơn giản về các nguyên tắc bảo mật cơ bản và những nhiệm vụ họ sẽ phải làm. Một số trong đó buộc phải bắt đầu cuộc sống ở phương Tây từ con số không, lao động chân tay và bằng nỗ lực của bản thân tạo dựng sự nghiệp. Đối với các sinh viên và cán bộ khoa học, người ta dùng mọi cách để tìm kiếm vị trí làm việc trong các trung tâm khoa học quan trọng. Có những người thâm nhập vào các chức vụ liên quan đến bảo mật thông tin, hoặc có những người nắm giữ vị trí trọng yếu trong nền kinh tế. Việc cài điệp viên vào giới chính trị và quân sự gặp phải nhiều khó khăn. Những điệp viên này phải vượt qua sự kiểm tra quá phức tạp và không phải lúc nào cũng thành công. Có những cản trở khách quan như là tình trạng quá đủ ứng cử viên vào những vị trí đó ở Liên bang Đức.

“Felics” là điệp viên đầu tiên thành công. Theo vỏ bọc bên ngoài “Felics” là đại diện của một công ty cung cấp thiết bị cho phòng cắt tóc thường xuyên có mặt tại Bonn, nơi có Tổng nha thủ tướng liên bang tọa lạc. Các nhà tình báo nói chung không dám mơ ước lọt được vào đó. “Felics” đã đánh bạo quyết định thử. Trong đám đông ở bến chờ ô tô buýt anh ta đã làm quen với một phụ nữ, về sau trở thành cơ sở đầu tiên trong Tổng nha. Dần dần họ trở thành tình nhân và “Norma” (biệt danh của chị) sinh cho anh ta một cậu con trai. Người phụ nữ không phải là điệp viên nhưng những gì chị kể lại giúp cho cơ quan tình báo hoạt động tích cực và có hệ thống hơn. Về sau “Felics” bị Cục Bảo vệ Hiến pháp (cơ quan phản gián Liên bang Đức) để ý. Phía Đông Đức buộc phải đưa anh trở về, còn “Norma” ở lại Tây Đức vì theo lời “Felics” là “cô ấy không thể hình dung được cuộc sống của mình ở Đông Đức. “Vụ Romeo” đầu tiên đã kết thúc như vậy.

Sau đó còn có nhiều vụ tương tự đã diễn ra. Tất cả những câu chuyện đó được người ta gọi là “hoạt động gián điệp tình yêu”.

Trong hồi ký “Trò chơi trên sân lạ” của mình, Markus Wolf viết rằng tình yêu, sự quyến luyến cá nhân với một nhân viên tình báo chỉ là một trong nhiều động lực thúc đẩy đối với những người hoạt động vì lợi ích của Cục, bên cạnh các chính kiến chính trị, sự ưa thích lý tưởng hóa, các lý do tài chính và thói hiếu danh không mãn ý. Ông viết: “Phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng lời khẳng định rằng Tổng cục Tình báo của tôi đã tung “điệp viên Romeo” thật để tấn công những nữ công dân vô tội Tây Đức, và họ nhanh chóng bắt đầu cuộc sống mới của riêng mình. Chẳng thể làm gì được với chuyện này, và từ đó cơ quan của tôi bị dính với câu chuyện úp mở về các chàng thạo “bẻ khóa trái tim” và bằng cách này khai thác những bí mật của chính phủ Bonn”. Người ta viết rằng có hẳn bộ phận chuyên đào tạo “Romeo”. “… Sự tồn tại của một ban như vậy, – Wolf viết tiếp, – đúng chỉ là chuyện hoang đường, cũng như cái ban không có thật trong cơ quan MI-5 của người Anh mà người ta đồn rằng chuyên sáng chế và thử nghiệm những phương tiện hỗ trợ mới nhất cho điệp viên 007”. Tiếp đó Markus cũng lưu ý rằng sự xuất hiện của “bản đúc Romeo” là có khả năng bởi vì phần lớn những điệp viên được tung sang phương Tây là đàn ông độc thân – đối với họ người ta dễ thêu dệt những câu chuyện bịa đặt và điều kiện để thích nghi hơn.

Dưới đây mấy ví dụ về “hoạt động gián điệp tình yêu”.

Điệp viên “Felics” đã trở về Đông Đức. Anh ta thông báo về một cô Gudrun nào đó là nữ thư ký độc thân trong bộ máy của Ngoại trưởng Globke. Cô ta là người có thể bị mua chuộc bởi một người đàn ông lựa chọn đúng. Nhằm mục đích này người ta đã chọn Herbert S. (bí danh là “Astor”), phi công – vận động viên thể thao, từng là thành viên của Đảng Công nhân Xã hội Dân tộc. Điều kiện sau cùng là lý do rất tốt để anh ta “đào tẩu” khỏi Đông Đức. Anh ta đã đến Bonn, làm quen được nhiều người, trong đó có cô Gudrun. Cô ta, thậm chí khi chưa được tuyển mộ đã cung cấp thông tin về những người và sự kiện xung quanh Thủ tướng Alenauer, về các cuộc tiếp xúc của Gehlen với Thủ tướng và với Globke. “Astor” đã tuyển mộ được Gudrun, tự nhận mình là điệp viên Liên Xô. Sự chú ý của đại diện đặc biệt một cường quốc lớn khiến Gudrun mát lòng, và cô ta bắt đầu làm gián điệp một cách nhiệt thành. Tiếc rằng bệnh của tình đã khiến cơ quan tình báo phải gọi anh ta trở về và mối liên hệ bị cắt ngang.

Giám đốc một nhà hát nổi tiếng từ Saksonia là Roland G. đã đến Bonn để làm quen với cô Margarita là một tín đồ Kito giáo nền nếp làm việc trong Tổng Hành dinh khối NATO. Anh ta tự nhận là phóng viên người Đan Mạch tên là Kai Petersen, nói tiếng Đan Mạch âm sắc nhẹ. Tiếp cận với Margarita, anh ta “thú nhận” mình là sĩ quan tình báo quân sự Đan Mạch. “Đan Mạch là một nước nhỏ bị coi nhẹ trong NATO nên không được chia sẻ thông tin. Em cần phải giúp chúng tôi”. Cô gái đồng ý, nhưng thú nhận rằng cảm thấy lương tâm cắn rứt với tính chất tội lỗi trong quan hệ. Để trấn an cô, người ta đã bài binh bố trận để một nhân viên Cục Tình báo lập tức học một ít tiếng Đan Mạch (với khối lượng cần thiết) và lên đường sang Đan Mạch. Anh ta tìm được một nhà thờ thích hợp và tìm hiểu lịch hoạt động của nó. Roland và Margarita cũng đến đó. Vào một ngày đẹp trời, khi ngôi nhà thờ vắng người, “linh mục” đã nghe Margarita xưng tội, anh ta an ủi tâm hồn cô và chúc phúc để cô tiếp tục giúp đỡ bạn mình và “đất nước nhỏ bé của chúng tôi”. Sau này Roland G. phải trở về vì bắt đầu có nguy cơ bại lộ, Margarita đồng ý tiếp tục cung cấp thông tin cho một “người Đan Mạch” khác, nhưng không lâu sau hứng thú của cô không còn: cô hoạt động chỉ vì một người đàn ông duy nhất.

Đầu những năm 1960, tại Paris, sĩ quan tình báo Herbert Z. mang mật danh “Krans” đã làm quen với cô Gerda O. hai mươi chín tuổi. Cô làm việc trong một ban của Bộ Ngoại giao “Telko”, nơi giải mã và chuyển tiếp điện tín của tất cả các sứ quán của Tây Đức. “Krans” tỏ tình với Gerda và tiến tới hôn nhân. Với mật danh “Rita” cô bắt đầu hoạt động cho chồng. Vốn là người dũng cảm và mạo hiểm, cô đã bình thản nhét đầy băng điện tín vào chiếc túi to tướng rồi mang đến cho “Krans”. Ba tháng liền cô làm nhân viên mật mã tại Washington, và nhờ cô mà tình báo Đông Đức nắm được tình hình quan hệ Mỹ-Đức. Đầu những năm 1970, “Rita” bị thuyên chuyển đến làm việc tại sứ quán Tây Đức tại Varsava. “Krans” với vỏ bọc của mình buộc phải ở lại Tây Đức. “Rita” đã yêu một chàng phóng viên là nhân viên của Cục Tình báo Liên bang và thú nhận toàn bộ sự việc với anh này. Nhưng trước đó cô thông báo qua điện thoại cho “Krans”. Anh đã kịp trốn thoát về Đông Đức.

Theo yêu cầu của Wolf, các sĩ quan tình báo Ba Lan tại sân bay trước khi “Rita” lên đường về Bonn đề nghị cô tị nạn chính trị tại Ba Lan. Cô có dao động trong khoảnh khắc nhưng rồi vẫn lên máy bay. Tại Bonn cô thành khẩn khai báo mọi thông tin về hoạt động cho tình báo Đông Đức của mình và về “Krans”.

Nhưng anh chàng điệp viên đúng là người “không thể kháng cự”. Anh ta lại kiếm được một phụ nữ khác về sau nhận mật danh “Inga”. Cô biết tất cả về anh, lại còn đọc được bài báo về vụ “Rita” kèm ảnh của “Krans”. Bất chấp tất cả, cô đã tích cực hoạt động, khá nhanh chóng kiếm được một vị trí tại Bonn, tại Tổng nha Thủ tướng Liên bang, và trong suốt nhiều năm đã cung cấp cho tình báo Đông Đức những thông tin chất lượng hàng đầu. “Inga” mơ ước được chính thức lấy “Krans” làm chồng, nhưng ở Tây Đức điều này không thể được. Họ quyết định tiến hành kết hôn tại Đông Đức. Người ta cấp cho “Inga” giấy tờ mang tên họ thời con gái và tại một ủy ban vùng giáp biên giới họ đã chính thức hóa quan hệ vợ chồng. Sự thật là trang đăng ký kết hôn của họ đã bị thu và hủy, mà đôi vợ chồng không thể biết được vào thời gian đó.

Năm 1979, Cục Phản gián Tây Đức đã giáng những đòn nặng nề vào hoạt động tình báo của Đông Đức. Mười sáu điệp viên bị bắt. Rất nhiều người, trong đó có “đôi vợ chồng” này phải trốn về Đông Đức. Một số họ tiếp tục duy trì quan hệ hôn nhân và bắt đầu cuộc sống gia đình bình thường.

Nhưng hoạt động tình báo vẫn tiếp diễn hiệu quả với việc sử dụng những biện pháp truyền thống, cũng như “hoạt động gián điệp tình yêu”. (Cụm từ “biện pháp truyền thống” ý nói đến hoạt động tình báo thông thường của đàn ông).

Những năm 1950 là thời kỳ hoạt động của nhóm Kornbrenner do một cựu nhân viên SD – Cục An ninh Quốc xã – đứng đầu. Đây có lẽ là trường hợp duy nhất khi cơ quan tình báo Đông Đức sử dụng một cựu thành viên Quốc xã tích cực.

Một trong những điệp viên thành công là Adolf Kanter (mật danh là “Fichtel”). Anh được cài vào nhóm thân cận với một chính khách trẻ là thủ tướng tương lai Helmut Kol. Quả thật là sự đi lên của anh trong hàng ngũ những người ủng hộ Kol chấm dứt vì lời buộc tội vô lý về sử dụng tiền quyên góp không có mục đích mà về sau cũng thanh minh được. Nhưng với nhóm của Kol anh giữ được các mối quan hệ tốt đẹp. Năm 1974 anh trở thành phó ban đại diện tại Bonn của doanh nghiệp Flik và không chỉ chuyển các thông tin về mối liên hệ của đại doanh nghiệp với chính trị, mà bản thân cũng có ảnh hưởng đến sự phân chia những khoản “quyên góp” kếch xù.

Năm 1981, khi ở Bonn xảy ra vụ bê bối lớn liên quan đến những khoản tiền “quyên góp” này, tình báo Đông Đức, để bảo vệ cơ sở của mình, đã không chuyển tư liệu cho các phương tiện thông tin đại chúng Tây Đức, mặc dù cơ quan này nắm được rất nhiều bí mật về vụ này. Sau vụ bê bối, ban đại diện tại Bonn bị giải thể, nhưng Kanter vẫn giữ được các quan hệ của mình trong bộ máy đảng và chính phủ Tây Đức và tiếp tục chuyển tin về cho tình báo Đông Đức. Mãi đến năm 1994, Kanter mới bị bắt và bị kết án hai năm tù treo. Rõ ràng là việc anh đã không khai ra nhiều chuyện về cuộc sống của giới chính khách Bonn đã có tác dụng.

Markus Wolf gọi điệp viên “Freddy” của mình là “đầu mối hết sức quan trọng” (ông không bật mí tên thật của điệp viên này) trong nhóm thân cận của Willi Brandt. Điệp viên này đã hoạt động hết sức hiệu quả nhưng vào cuối những năm 1960 đã chết vì đột quỵ.

Một trong các nguồn cung cấp thông tin quan trọng nhất của tình báo Đông Đức là Gunter Gyom có tên tuổi đã đi vào lịch sử  (xem bài viết về ông).

Cuối cùng là nhà nữ tình báo xuất sắc Gabrriela Hast – người phụ nữ duy nhất trong cơ quan tình báo Tây Đức đã nắm được một chức vụ lãnh đạo với vai trò nhà phân tích về Liên Xô và Đông Âu. Chính bà là người soạn trình lên thủ tướng báo cáo tổng hợp từ các nguồn thông tin khai thác được. Bản sao thứ hai của những bản báo cáo này cuối cùng sẽ nằm trên bàn Markus Wolf. Năm 1987 bà được chỉ định làm phó ban phụ trách khối phương Đông của Cục Tình báo Liên bang Đức. Năm 1990 bà bị bắt, được trả tự do năm 1994.

Nhiều khi nhiệm vụ của Markus Wolf mở rộng ra ngoài phạm vi chỉ đạo hoạt động ngành tình báo. Ông tham gia vào các cuộc thương lượng bí mật với các nhà hoạt động chính thức và cao cấp của Tây Đức. Ví dụ với Bộ trưởng Tư pháp Frisch Seffer là người có tư tưởng thống nhất hai nước Đức. Hoặc (qua trung gian) tiếp xúc với Bộ trưởng phụ trách các vấn đề chung nước Đức trong nội các của Thủ tướng Alenauer là Ernsto Lemmer. Các cuộc tiếp xúc chính trị bí mật cũng được duy trì với thủ tướng lãnh địa Bắc sông Rein – Westfalli là Heinz Kun và đại diện của đảng SDPG trong Thượng viện Bonn là Frish Erler. Phân tích các quá trình diễn ra trong nội bộ NATO, hay những thông báo về các kế hoạch của “những con diều hâu” Washington đã tỏ ra rất có ích lợi.

Để có thêm bạn hữu trong giới chức cao cấp ở Bonn, Markus Wolf sử dụng rất nhiều biện pháp khác nhau. Chẳng hạn để thiết lập các mối tiếp xúc với nhà hoạt động nổi danh trong lực lượng vũ trang Đức là người về sau hoạt động với mật danh “Ulius”, Wolf đã tổ chức cho ông ta một chuyến đi dọc dòng sông Volga, sau đó ghé thăm ngôi nhà nhỏ của một dân chài vùng ngoại ô Volgagrad, nơi trong một bầu không khí hết sức thoải mái, trong tiếng đàn baian, với món mì đặc sản Nga, rượu vodka, trứng cá hồi và những câu chuyện của người dân chài đã mất hai con trai ngoài mặt trận, họ đã tìm được tiếng nói chung.

Markus Wolf đã nhận được ở phương Tây biệt hiệu “Kẻ không có khuôn mặt”, bởi vì suốt hai mươi năm ông ở cương vị giám đốc cơ quan tình báo Đông Đức, phương Tây chưa có được một tấm ảnh nào của ông. Chỉ do sự phản bội và đào tẩu sang phía Tây của một nhân viên tình báo là đại úy Stiller, điều này mới bị lộ. Chuyện xảy ra là trong thời gian sang Thụy Điển, Wolf đã bị chụp ảnh như “một nhân vật đáng ngờ”. Bức ảnh này được đặt giữa nhiều bức ảnh khác cho Stiller nhận diện và tất nhiên anh ta nhận ra ngay được sếp của mình. Hậu quả là một nhân vật tên là Kremer đã bị bắt giữ vì đã gặp gỡ với Wolf tại Thụy Điển. Người này bị coi là một gián điệp quan trọng vì được đích thân lãnh đạo tối cao của cơ quan tình báo gặp mặt. Nhưng anh ta hóa ra không phải là gián điệp mà chỉ là một chiếc cầu nối đến một người cần thiết khác. Nhưng điều đó không giúp ích gì cho Kremer, và anh ta vẫn bị kết án.

Nhiều năm liền đã diễn ra cuộc đấu tay đôi của Markus Wolf với giám đốc Cục Tình báo Liên bang của Tây Đức là “viên tướng xám” Gehlen. Cuộc đối đầu diễn ra với những thành tựu lúc thì thuộc bên này lúc thuộc bên kia. Gehlen đã tung sang, hay nói chính xác hơn là tuyển mộ điệp viên trong nhiều cơ quan trọng yếu của Đông Đức, kể cả những cơ quan đảng-chính phủ. Còn điệp viên của Wolf thì đã chui sâu vào những nơi bí mật nhất của Cục Tình báo Liên bang và NATO. Cả hai đều phải chịu đựng những tên đào ngũ và phản bội. Và cả hai đều cho rằng mình phục vụ vì lợi ích dân tộc Đức.

Gehlen bị bãi chức năm 1968 và mất năm 1979.

Wolf thì tự nguyện từ chức năm 1983 ở tuổi 60. Ông không lập tức về hưu ngay mà phải mất đến gần ba năm để bàn giao công việc cho người kế nhiệm là Verner Grossman. Ngày 30 tháng 5 năm 1986 là ngày làm việc cuối cùng của ông, nhưng ngày chính thức ra đi là 27 tháng 11 năm 1986.

Wolf không còn bận rộn với công tác. Trước tiên ông thực hiện mơ ước của em trai đã mất của mình hoàn thành bộ phim “Điểm ba” nói về số phận những con người trong thời niên thiếu ở Moscva của họ. Mùa xuân năm 1989 bộ phim được đồng thời chiếu cả ở Tây Đức và Đông Đức đã gây chú ý của người xem. Trong phim tác giả luận bàn một cách gay gắt về những mặt khuất của Chủ nghĩa Xã hội, đòi cởi mở, đòi được trao đổi ý kiến một cách dân chủ và chấp nhận những tưởng khác.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Markus Wolf đến với chị gái Lena ở Moscva, để lao động sáng tạo nghệ thuật. Nhưng khi quay trở về Đức ông lại rơi vào bầu không khí xung đột căng thẳng. Sự khao khát báo thù của nhiều người tập trung chĩa vào các cơ quan an ninh quốc gia và những đại diện tiêu biểu của nó là Milke và Wolf.

Mùa hè năm 1990 điều luật được soạn thảo cùng với hiệp định thống nhất về đại xá cho nhân viên cơ quan tình báo Đông Đức bảo vệ họ không bị truy tố không được thông qua. Từ ngày thống nhất, tức là từ ngày 3 tháng 10 năm 1990, Wolf có nguy cơ bị bắt. Ông đã viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Tây Đức, cũng như cho Willi Brandt thông báo không định di tản và sẵn sàng cho việc xem xét tất cả các cáo buộc đối với ông trong những điều kiện minh bạch. “Nhưng vào cái mùa xuân Đức năm 1990 đó các điều kiện minh bạch đã không được đặt ra”, Wolf nhớ lại.

Cùng vợ, ông sang Áo. Từ đó vào ngày 22 tháng 10 năm 1990 ông viết thư cho Gorbachov. Trong thư nói:

“Mikhail Sergeievich thân mến

… Các nhân viên tình báo Đông Đức đã làm được nhiều điều vì nền an ninh ngành tình báo của Liên Xô, và những nhân viên tình báo hiện nay đang bị truy bức và hãm hại khắp nơi là những người đã từng cung cấp luồng thông tin liên tục, đáng tin cậy và có giá trị. Người ta gọi tôi là “biểu tượng” hay “từ đồng nghĩa” của công tác tình báo hiệu quả. Rõ ràng là vì những thành tích của chúng tôi mà các đối thủ hiện nay đang muốn trừng trị, đóng đinh câu rút tôi, như người ta đã viết…”.

Tiếp theo trong bức thư của mình, Wolf yêu cầu Gorbachov trong thời gian thăm Đức sắp tới hãy đặt vấn đề về số phận những người bạn – nhà tình báo, những trợ tá đang bị người ta đối xử tồi tệ hơn cả tù binh chiến tranh.

Bức thư kết thúc với những lời như sau:

“Ngài, Mikhail Sergeirvich, hãy hiểu cho, rằng tôi đấu tranh không chỉ cho bản thân, mà cho nhiều người, cho những người vì họ trái tim tôi đau đớn và vì những người mà tôi cảm thấy mình mang nặng trách nhiệm”.

Nhưng “Mikhail Sergeievich thân mến” không chỉ không có giải pháp nào mà còn không trả lời thư.

Từ Áo, Wolf và vợ đã đến Moscva. Nhưng tại đây ông cũng cảm thấy rằng trong điện Cremli có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến sự có mặt của ông tại Liên Xô. Một mặt, quá khứ của ông buộc họ có trách nhiệm cho ông một nơi ẩn náu nhưng mặt khác người ta cũng không muốn làm hỏng quan hệ với nước Đức.

Sau thất bại của cuộc bạo động “lố lăng” tháng 8 năm 1991, Wolf trở về Đức và chia sẻ gánh nặng trách nhiệm đang đặt lên vai người kế nhiệm và các đồng chí cùng công tác của mình. Ngày 24 tháng 9 năm 1991, ông vượt biên giới Áo-Đức, Chánh Công tố viên đã chờ ông sẵn. Vào ngày hôm đó ông bị giam vào một xà lim đơn với hai lớp chấn song của nhà tù thành phố Carlsrue. Sau mười một ngày ông được thả với khoản tiền bảo đảm rất lớn do bạn bè gom góp.

Bắt đầu quá trình sơ thẩm kéo dài và nặng nề, còn sau đó là phiên tòa xét xử Markus Wolf. Cả ông lẫn những người có đầu óc lành mạnh khác trước tiên hết sức phẫn nộ bởi bản thân sự kiện truy tố ông trước pháp luật của những người làm việc vì lợi ích của một quốc gia tồn tại hợp pháp của mình, một quốc gia là thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Thậm chí các đối thủ cũ của ông cũng lấy làm ngờ vực và khó hiểu.

Cựu giám đốc Cục Tình báo Liên bang là H. Hellebroit tuyên bố: “Vụ án chống Wolf theo tôi là đi ngược lại Hiến pháp. Wolf hoạt động tình báo là do sự ủy thác của quốc gia thời đó…”.

Bộ trưởng Tư pháp Kinkel: “Trong liên hiệp Đức không có người chiến thắng và cũng không có người bại trận”.

Viện Tư pháp Berlin theo luật pháp quốc tế đã chứng minh một cách có cơ sở nghi vấn liên quan đến các cáo buộc chống những nhân viên tình báo.

Tuy vậy phiên tòa vẫn diễn ra. Ngày 6 tháng 12 năm 1993, Markus Wolf bị kết án sáu năm tù giam nhưng được thả ra với số tiền bảo đảm rất lớn. Mùa hè năm 1995 Tòa án Hiến pháp Liên bang thông qua quyết định trong vụ án Verner Grossman, tuyên bố các sĩ quan tình báo của Đông Đức ở Tây Đức không thuộc diện bị truy tố vì tội phản bội Tổ quốc và hoạt động tình báo. Trên cơ sở đó, Viện Tư pháp liên bang đã hủy bỏ cả bản án của tòa án Dusseldorf đã tuyên bố đối với Markus Wolf.

Thủ trưởng cũ của cơ quan tình báo Đông Đức vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh đòi phục hồi quyền cho những người vẫn còn đang chịu sự truy bức vì làm việc cho Đông Đức.

Điều thú vị là Markus Wolf – “kẻ không có khuôn mặt” – trong cuộc đời đã trở thành nhân vật của một tiểu thuyết trinh thám. Năm 1960, những chiến công của ông đã khiến anh nhân viên trẻ của Intelligence Service là David Cornwell ngưỡng mộ. Dưới bút danh là John Le Carre, anh đã xây dựng hình tượng nhân vật Carl nổi tiếng, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo của những người cộng sản, con người học thức và quyến rũ chuyên hút thuốc hiệu “Navy Cate”.

error: Content is protected !!