Không phải ngẫu nhiên mà nữ điệp báo Maria Dakhartsenco được mệnh danh là người đàn bà có “lòng hận thù làm mờ cả mắt”. Lòng hận thù của người đàn bà này đối với chính quyền Xô Viết ngấm vào xương tủy đến mức bà ta không nhìn thấy những gì mà bất kỳ một người bình thường nào khác cũng có thể nhận ra.
Maria Vladislavovna Lưsova sinh ngày 3 tháng 12 năm 1893 trong một gia đình quý tộc ở tỉnh Pendenskaia. Bà mẹ qua đời ngay sau khi sinh Maria, còn ông bố bận việc ở công sở đành trao con gái mới sinh vào tay các bà vú nuôi và nữ gia sư. Đứa trẻ lớn lên và học hành giỏi giang, nhưng vốn tính hiếu động cứ giờ học vừa xong là bé Maria lại vùng chạy ra chơi ở chuồng ngựa. Đàn ngựa là niềm đam mê của bé nên sau này không phải ngẫu nhiên Maria đã trở thành lính kỵ binh. Năm 1911, Maria tốt nghiệp Trường Đại học Smolnưi loại ưu với huy chương vàng. Sống một năm ở Lozann sau đó trở về quê. ở quê Maria sắp xếp công việc ở điền trang và lập một trại nuôi ngựa giống. Năm 1913, Maria xuất giá, chồng là đại úy Mikhno đã từng tham gia cuộc chiến tranh Nhật Bản.
Thế chiến lần thứ nhất bùng nổ đã làm thay đổi hẳn cuộc đời Maria. Chồng Maria bị thương nặng chết ngay trên tay vợ. Ba ngày sau đó Maria sinh con gái. Để lại đứa con còn đang ẵm ngửa cho vú nuôi và cô gia sư, Maria lên đường đi Petrograd. ở Petrograd Maria quyết định lên đường ra mặt trận. Trong môi trường binh lính và giới hạ sĩ quan Maria nhanh chóng tìm thấy một góc riêng cho mình. Trong cư xử với đồng đội Maria tỏ ra kênh kiệu, cô có cái nhìn xấc xược, lạnh như băng, ăn nói cứng rắn nên hầu như không ai muốn gần. Bù lại, bản tính gan dạ đến táo tợn và sức chịu đựng dẻo dai của cô khiến đồng đội phải kính nể. Ngoài ra thái độ thẳng tay đối với kẻ thù và sự tàn bạo lên đến đỉnh điểm của Maria cũng làm cho những đồng đội đã từng trải phải kinh ngạc.
Maria rất kiên trì để được phiên vào đội trinh sát. Một hôm đi trinh sát cùng với hai binh nhì, Maria rơi vào ổ phục kích của Đức. Đạn bắn ra như mưa trong khoảng cách gần 20- 30 bước. Một binh nhì bị chết ngay tại trận, binh nhì khác bị thương nặng ở bụng, còn Maria chỉ bị thương ở tay nên về được với đồng đội dưới làn đạn xối xả của bọn Đức.
Với chiến công này Maria được thưởng Huân chương Georgi. Lần thứ hai Maria được thưởng Huân chương Chữ thập Georgi do công lao trinh sát địa hình gần làng Loknitxa. Tháng 11 năm 1916, Maria tự nguyện đang đêm dẫn đường cho đội trinh sát của trung đoàn vào hậu phương của Đức, đích thân tham gia vào trận đánh giáp lá cà.
Mùa thu năm 1917, mặt trận vỡ. Maria trở về điền trang của mình, lúc này ở địa phương nhiệt tâm cách mạng của quần chúng dâng cao, nông dân và binh lính từ mặt trận trở về trong làng liên kết với nhau phá tan trang ấp, cướp hết súc vật ở trang trại đem chia nhau. Đáp lại, cô đứng ra thành lập đội quân chống lại gồm những sĩ quan trẻ đều là người trong tỉnh Pendenskaia, có cả binh lính từ mặt trận trở về, sinh viên và học sinh trung học. Đem đội quân khá mạnh đi trừng phạt những kẻ đánh chiếm trang ấp, Maria thẳng tay trừng trị dã man dân làng, xử bắn những người cầm đầu cuộc tấn công đánh chiếm trang ấp.
Trong những ngày rối ren của cuộc cách mạng tháng mười năm 1917, hành động táo bạo của Maria trôi đi không ai để ý điều tra nữa, nhưng Maria cũng phải giải tán đội quân và chuyển ra thành phố Penda.
Một hôm đêm khuya, Maria nghe tiếng gõ cửa. Maria nhận ra ngay những vị khách: đó là tướng Rolanov, người mới trao huân chương Chữ thập Georgi cho Maria cách đây không lâu và đại tá Dakhartsenko, bạn cũ của chồng Maria vừa mất mấy năm trước đây. Rolanov phải đi ngay với đoàn xe đầu tiên và sau đó trở thành Tham mưu trưởng binh đoàn Koltsac. Còn Dakhartsenko thì vết thương chưa lành nên phải ở lại. Maria chăm sóc người bệnh chu đáo và giữa họ tình yêu đã nảy nở. Sau đó ít lâu họ tổ chức đám cưới. Maria giờ đây mang tên họ là Maria Dakhartsenko – với tên tuổi này cô đã đi vào lịch sử của ngành tình báo.
Dakhartsenko, chồng Maria, có một thời gian phục vụ tại quân đoàn Ba Tư và ông ta có quan hệ khá tin cậy tại đây. Không rõ bằng cách nào mà Dakhartsenko có được giấy tờ chứng nhận là công dân Ba Tư. Và thế là Maria cũng có quốc tịch Ba Tư.
Cơ quan an ninh Xô Viết đã tìm ra dấu vết của Maria, vì vậy, họ tìm cách đi khỏi thành phố Penda. Hai vợ chồng Dakhartsenko với vỏ bọc là “Công dân Ba Tư” đi tàu thủy đến Astrankhan. Tại đây bạn bè của đại tá Dakhartsenko đã giúp đỡ họ thu xếp cuộc sống yên ổn. Nhưng Maria thì vẫn nuôi chí hận thù những người đã cướp trang ấp và trại nuôi ngựa giống của cô. Khi còn ở Ba Tư vợ chồng Dakhartsenko đã nghe tin đồn ở miền Nam nước Nga Binh đoàn tình nguyện quân đã được thành lập. Hai vợ chồng liền tìm đường đi đến đó. ở đây đại tá Dakhartsenko nhận chức chỉ huy trung đoàn Kavkaz và Maria trở thành cần vụ của chồng.
Maria vẫn nấu nung mối hận thù với Hồng quân và sự hằn thù ngày một tăng sau mỗi trận đánh. Toàn bộ thiên bi hùng ca của Binh đoàn tình nguyện quân đã được ghi lại trong cuộc đời Maria: cuộc hành quân đến Moskva, những thắng lợi và những thất bại, thảm họa Novorossick, rồi Crưm, Bắc Tavria và những trận đánh nối đuôi nhau. Nếm mùi gian khổ của trận mạc Maria ngày càng trở nên hung ác hơn. Với mối hận thù điên dại, Maria đích thân xử bắn những chiến sĩ Hồng quân bị bắt làm tù binh, cũng chính Maria đã dùng tiểu liên bắn họ, từ đó cô ta có biệt hiệu là “Con rồ Maria”.
Nhưng tất cả mọi thứ đều có sự kết thúc của nó. Trong một trận tấn công bằng kỵ binh đại tá Dakhartsenko đã bị thương nặng và chết ngay trên tay Maria. Và hầu như từ ngôi mộ của chồng Maria lại đi vào trận đánh như để quên đi cái chết vừa mới xảy ra. Tháng 11 năm 1920, trong một trận đánh cuối cùng Maria bị thương và bị lạc đồng đội của trung đoàn, khó khăn lắm mới đến được Kerch và may mắn lên được chuyến tàu thủy đi Konstantinopol. Sau đó là chuỗi ngày dài thê lương của những kiều dân và sĩ quan Bạch vệ lưu vong mà Maria phải nếm trải. Mùa thu năm 1921, cùng với thê đội kỵ binh Maria đặt chân đến Serbi và đến miền Bắc nước Đức. Tuy còn trẻ nhưng Maria đã góa bụa hai lần. Do quen biết từ trước, Maria đi lại với thượng uý Georgi Radkovis – cùng là tình báo viên, và hai người thành vợ chồng. Thượng uý Radkovis, cũng như vợ, rất căm ghét chế độ mới ở nước Nga và hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Maria. Thời gian này ở Berlin Hội đồng quân chủ tối cao đang hoạt động mạnh. Một hôm Maria mời Nikolai Evghenievich Marcov, người lãnh đạo Hội đồng này đến chơi. Marcov cho biết Hội đồng quân chủ tối cao có một phân hội ở Moskva – đó chính là Tổ chức quân chủ nước Nga Trung ương – Marcov nhấn mạnh với Maria là nhiệm vụ của họ là phải tin tưởng vào những điều kiện hoạt động của Hội đồng và giữ liên lạc thường xuyên với Hội đồng.
Bây giờ thì ai ai cũng biết Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương là một tổ chức huyền thoại do các tình báo viên Treca sáng lập nên và là một bộ phận cấu thành của Tơrớt đặt dưới sự chỉ đạo của Menzinxki và Arturzov, bạn chiến đấu của Dzerzinxki, người đứng đầu Treca. Dzerzinxki còn táo bạo thu hút sang hàng ngũ mình một trong những thành viên tích cực của Hội đồng quân chủ tối cao – đó là Iacusev và giao nhiệm vụ cho ông ta làm thủ lĩnh Tổ chức quân chủ nước Nga Trung ương, có trách nhiệm về tất cả các cuộc tiếp xúc với nước ngoài và nắm cho được tất cả các kênh liên lạc của các thành viên trong nước với nước ngoài.
Có tin vợ chồng Suls được toàn quyền thay mặt tướng Cutepov đang trên đường đến Moskva. Vợ chồng Suls có nhiệm vụ phải yết kiến Staunis – phó thủ lĩnh phụ trách tài chính và là tình báo viên Treca. Qua sự việc này Arturzov và Staunis thừa hiểu rằng họ đến Moskva với tư cách là những kiểm tra viên nên phải rất cảnh giác với họ. Tuy nhiên đây lại là cơ hội thông qua đôi vợ chồng này thiết lập được liên lạc trực tiếp với tướng Cutepov, hơn nữa còn có thể thâm nhập vào Liên minh quân sự toàn Nga (ở Paris) do Cutepov đứng đầu.
Vợ chồng Suls đến hơi muộn. Trong hồ sơ của Tơrớt vợ chồng Suls có biệt hiệu là Hai người cháu. Họ được đón tiếp niềm nở trong vòng tay ôm hôn của các tình báo viên Treca. Nếu như trước đây khi gặp gỡ tiếp xúc, Maria nói chuyện có phần chủ động thì nay cô chỉ là trò chơi trong tay những người khác. Maria lao vào hoạt động cho những vụ phá hoại, khủng bố. Để ngăn chặn hoạt động của Maria và khống chế Hai người cháu, các tình báo viên Treca đã tìm cho họ một công việc cốt để giữ chân họ ở một nơi cố định: thuê cho họ một quầy hàng nhỏ ở chợ Trung Tâm, ở đây họ buôn đường sacarin đồng thời thực hiện vai trò “hộp thư” tiếp nhận các túi giấy tờ của nhân viên các sứ quán Ba Lan và Estonia gửi tới cho Tơrớt và chuyển giao các túi giấy tờ của Tơrớt gửi đi cho các sứ quán. Ngoài ra, Staunis còn giao cho Maria mật mã hóa thư từ gửi ra nước ngoài. Công việc này ngốn khá nhiều thời gian của Maria, nhưng mục đích của phía các tình báo viên Treca không chỉ vô hiệu hóa hoạt động của Hai người cháu, mà còn bắt đôi vợ chồng này hoạt động đem lại lợi ích cho Tơrớt.
Đương nhiên mọi việc đã thực thi khiến Hai người cháu đánh giá Tơrớt dưới con mắt họ là một tổ chức hoạt động bí mật khá mạnh, và rõ ràng Tơrớt đã gây được ấn tượng đối với họ. Hai người cháu đã báo cáo về Paris cho tướng Cutepov với nhận xét hài lòng về Tơrớt. Nhưng cũng trong thời gian này đã nảy sinh dấu hiệu đáng lo ngại: Staunis nghe được cuộc chuyện trò của hai vợ chồng Suls bàn bạc rằng họ đang chuẩn bị làm một vụ phá hoại bí mật không cho Tơrớt biết. Còn nhân vật Maria thì mặc dù có gửi báo cáo về Paris cho tướng Cutepov với nhận xét tốt về Tơrớt, nhưng thực bụng lại có ý kiến hơi khác. Maria đã nói với Staunis rằng Tơrớt chỉ tồn tại đến trước khi đảo chính và rằng khi nào đảo chính xảy ra tướng Cutepov sẽ trở về nước Nga lập lại trật tự. Cũng trong thời gian đó ở Paris xảy ra những thay đổi quan trọng. Toàn bộ Liên minh quân sự toàn Nga tập hợp đến 25 nghìn sĩ quan Bạch vệ đều nằm dưới sự điều khiển của Cutepov. Cho nên vai trò của Maria với tư cách là người đại diện chính của Cutepov ở Moskva có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc Iacusev và Maria được mời đến Paris để đón Cutepov là một minh chứng. Tháng 7 năm 1925 thông qua “cơ sở” hai người vượt biên giới Ba Lan và đến Paris mà không gặp trở ngại gì. Iacusev đã được đại công tước Nikolai Nikolaievich tiếp kiến. ở Paris trở về Maria được Ban lãnh đạo Tơrớt giao cho nhiệm vụ mới mà không biết mình đang thực thi nhiệm vụ của Arturzov nằm trong tổ chức Treca.
Số là Ban lãnh đạo Treca toàn Nga và Tổng cục chính trị quốc gia trực thuộc Hội đồng các Uỷ viên nhân dân Liên Xô có thông qua quyết định nhử vào bẫy điệp viên Sidney Reilly vốn là kẻ thù từ lâu của chính quyền Xô Viết, người đã bị kết án xử bắn vì tham gia vào vụ âm mưu lật đổ chính quyền Xô Viết của Robert Lockhard. Yêu cầu đặt ra là phải vô hiệu hóa điệp viên này vì Sidney Reilly đã quyết định sẽ tiến hành những bước đi cụ thể tiến tới hành động khủng bố.
Maria cùng chồng là Radkovis dưới vỏ bọc là vợ chồng Crasnostanov đi ra nước ngoài một cách hợp pháp. Đến Paris họ gặp Sidney Reilly và giới thiệu với ông ta hoạt động của Tơrớt như chỗ dựa chủ yếu của lực lượng phản cách mạng ở Nga. Reilly rất quan tâm đến điều kiện sử dụng Tơrớt vào mục đích riêng của mình. Tuy nhiên Maria thì lại nói là Tơrớt không hoạt động khủng bố, nhưng Reilly vẫn quyết định cần phải có cơ sở và những người tin cậy để có thể thu hút họ vào việc thực hiện những mục đích do mình đặt ra.
Từ Paris hai vợ chồng Crasnostanov đi sang Phần Lan. Nhân danh Tơrớt, Maria và chồng liên hệ với cơ quan tình báo Phần Lan và tiến hành hội đàm với phía Phần Lan về việc tổ chức một “cơ sở” ở biên giới Phần Lan – Liên Xô. Cùng thời gian ấy người ta thuyết phục Sidney Reilly đi sang Moskva. Iacusev là người đóng vai trò chính, còn Maria thì đóng vai phụ: cô lấy kinh nghiệm bản thân ra thuyết phục Sidney Reilly rằng vượt qua biên giới Liên Xô là chuyện có thể làm được mà không hề gặp nguy hiểm gì.
Sự việc Reilly biến mất khiến mọi người kinh hoàng.
Ngày 29 tháng 9 năm 1925, Maria điện báo cho Staunis: “Bưu kiện bị thất lạc. Chúng tôi chờ sự giải thích”. Còn trong thư gửi Iacusev thì cô ta phàn nàn nào là bị nỗi buồn hành hạ, bị hụt hẫng và bị ám ảnh về chuyện chính cô ta đã phản bội và giết Reilly… rồi cuối cùng đề nghị chuyển cô ta sang hoạt động nội bộ.
Cuối năm 1925, Vaxili Vitalievich Sulghin, một kẻ theo chủ nghĩa quân chủ, nguyên là nghị sĩ Đuma quốc gia Nga và là một trong những người thông qua nghị quyết phế truất Nga hoàng Nicolai Đệ nhị đã quyết định bí mật đến Liên Xô. Mục đích chuyến đi của Sulghin hoàn toàn mang tính chất hòa bình: tìm đứa con trai bị mất tích trong cuộc Nội chiến. Menjinski và Arturzov nhận định rằng chuyến đi của Sulghin dưới sự bảo trợ của Tơrớt sẽ không có phương hại gì, trái lại lợi ích thì rất lớn. Một là, sự tồn tại và thực lực của Tổ chức quân chủ nước Nga trung ương – tức là Tơrớt được khẳng định; hai là, ấn tượng và những suy nghĩ của Sulghin về những gì ông ta tận mắt chứng kiến ở nước Nga trong những năm 1925 – 1926 – giai đoạn hưng thịnh nhất của chính sách kinh tế mới – có thể sẽ làm cho nhiều kiều dân Nga sáng mắt ra trước những đổi thay tích cực diễn ra ở nước Nga.
Ngày 4 tháng 1 năm 1926, Sulghin đến Moskva và được bố trí ở nhà nghỉ đông của Hai người cháu ở ngoại ô. Trong cuốn sách nói về chuyến đi này được Sulghin viết ngay sau khi từ Nga trở về, Sulghin có thay đổi bối cảnh, họ tên nhân vật và viết: “Tôi được phó thác cho Maria Dakhartsenko – Suls và chồng của cô như là sự bảo trợ đặc biệt. Tôi biết Maria khi cô đã bước sang tuổi 33, nhưng ở cô vẫn còn giữ lại nhiều nét thời xuân sắc… Đó là một phụ nữ có sức chịu đựng dẻo dai, một phụ nữ có nghị lực tuyệt vời. Maria là trợ lý của Iacusev. Ngoài ra cô còn làm những việc dính dáng đến “hóa học”, tức là làm hiển thị, in lại những tài liệu giấy tờ mật được viết bằng mực hóa học… Có nhiều lần tôi phải bàn bạc, nói chuyện cởi mở với Maria. Một lần Maria nói với tôi: “Tôi già rồi… Tôi cảm thấy đây là những sức lực cuối cùng của tôi. Tôi đã dốc toàn bộ sức lực của tôi cho Tơrớt, nếu như Tơrớt giữa đường đứt gánh thì tôi làm sao mà sống nổi”. Maria than vãn với Sulghin về sự lề mề của Iacusev chứng tỏ Iacusev không muốn tiến hành những hành động khủng bố hoặc những hành động gây “ồn ào” khác. Dần dần trong con mắt của hai vợ chồng Maria có một nhân vật nổi lên thay thế – đó là Staunis.
Quan hệ của Maria với Iacusev và Potapov (“thủ lĩnh” của phái quân sự thuộc Tổ chức quân sự nước Nga Trung ương – tức là Tơrớt) đã được xác định rõ ràng. Maria coi Iacusev và Potapov là những người không thể làm lãnh đạo Tơrớt được. Bây giờ chỉ có Cutepov ở Paris và Staunis ở Moskva mới là mối quan tâm của Maria, hơn nữa mối quan hệ công việc của cô với Staunis gần đây đã chuyển sang quan hệ tâm tình. Radkovis chồng cô trở nên nhân vật thừa thứ ba trong quan hệ tay ba này.
Tháng 9 năm 1926, Maria lại đến Paris, lần này cô đi cùng với nhà hóa học Vlasov. Vlasov sở dĩ được phái sang Paris vì Cutepov và kẻ theo chủ nghĩa quân chủ và điên cuồng theo chủ nghĩa khủng bố Gusov đã đề nghị phải kiểm tra chất khí gửi đến Paris trước khi sử dụng để khủng bố. Đến Paris, Maria tích cực ủng hộ ý tưởng tiến hành khủng bố và đề xuất kế hoạch: tiến hành đầu độc hàng loạt các đại biểu dự Đại hội các Xô Viết trong thời gian phiên họp diễn ra ở Nhà hát lớn, đồng thời chuẩn bị ở nước ngoài một đội quân gồm 200 cựu sĩ quan để điều ngay đến Moskva chiếm điện Cremli sau khi vụ khủng bố nổ ra. Nhưng… hóa ra chính Cutepov đã bị đánh lừa: không hề có chất khí nào cả. Bù lại Cutepov có dịp bàn với Maria về kế hoạch khủng bố và phái một nhóm những kẻ khủng bố đến nước Nga. Giờ đây Cutepov đặt quan hệ trực tiếp với Staunis thông qua Maria và trông cậy vào Staunis. Sau đó không lâu có ba kẻ khủng bố đến Moskva, nhưng rất may là bọn chúng đều nằm trong tầm kiểm soát của Tơrớt.
Maria bắt đầu ngờ rằng Iacusev là điệp viên hai mang. Iacusev sợ rằng những hành động khủng bố sẽ để lại dấu vết mà ông ta thì lại muốn ngồi chờ giai đoạn khó khăn này qua đi không có vụ khủng bố nào xảy ra, rồi sau đó sẽ lên nắm chính quyền. Maria thuyết phục bằng được Staunis phải nghĩ đến chuyện chính ông ta phải trở thành thủ lĩnh của Tơrớt. Cũng như Georgi Radkovis chồng Maria, Staunis hoàn toàn bị người đàn bà ghê gớm này chi phối. Maria thú nhận với chồng rằng cô ta đã sống chung với Staunis, nhưng phân bua đó chẳng qua là Staunis cần thiết đối với cô ta trong công việc mà thôi. Anh chồng nghe lời vợ nói mà như nuốt hận nghẹn đắng.
Những sự kiện xảy ra bắt đầu bị đảo lộn. ở Krasnoda, sau thất bại Staunis mới ngã ngửa người ra là “ông bạn” Dubov của mình đã được Iacusev báo trước về thất bại này. Té ra Dubov là tình báo viên Treca? Staunis lên xe tức tốc phóng đến nhà nghỉ của Maria ở ngoại ô Moskva.
— Maria! – Staunis nói – Cả tôi cả cô, chúng ta chỉ là công cụ của lão Iacusev. Nó là tình báo Treca! Cả Potapov, cả Dubov nữa! – Lướt nhìn Maria, Staunis hốt hoảng thực sự: hai mắt long sòng sọc của người đàn bà điên rồ đang nhìn mình. “Đúng là con mụ phù thủy!” – Staunis nghĩ bụng.
— Chúng ta phải chuồn ngay lập tức. Bây giờ ta ra thẳng ga xe lửa đi Leningrad, sau đó đi qua “cơ sở” ở biên giới Liên Xô – Phần Lan.
Trước khi tháo chạy, Staunis còn kịp để lại trên bàn mẩu thư chia tay viết rằng Iacusev, Potapov và Dubov đều là những tình báo viên của Treca, còn họ (Staunis và Maria Dakhartsenko) là nằm ngoài thành phần Tổng cục chính trị quốc gia trực thuộc Hội đồng các Uỷ viên nhân dân Liên Xô. Thông qua “cơ sở” ở biên giới Liên Xô – Phần Lan lúc bấy giờ vẫn còn hoạt động đêm 12 rạng ngày 13 tháng 4 năm 1927 Staunis và Maria đã sang được đất Phần Lan. Radkovis chồng Maria đã sang đây từ trước. Tơrớt chấm dứt hoạt động
Để báo thù, Cutepov ra lệnh phát động hoạt động khủng bố và giết càng nhiều càng tốt tất cả cán bộ Xô Viết. Bắt đầu đợt điều phái những kẻ khủng bố đến Liên Xô. Trong số này có Georgi Radkovis, chồng Maria. Đêm mồng 3 rạng ngày 4 tháng 6 năm 1927, Radkovis cùng với một bạn thợ vượt qua biên giới Phần Lan – Liên Xô. Nhiệm vụ của hai người này là tìm cho được các tình báo viên Treca lãnh đạo chiến dịch Tơrớt để trả thù. Đương nhiên nhiệm vụ này đối với họ là khó có thể giải quyết được. Hai người này cũng không mong là sẽ thực hiện được nhiệm vụ mà chỉ làm được việc gì dễ nhất có thể làm được: đó là vào buổi tối ngày 6 tháng 6 Radkovis đã ném một quả bom vào Văn phòng cấp thẻ ra vào cơ quan Tổng cục chính trị quốc gia. Trong lúc hỗn loạn hai kẻ khủng bố chạy thoát thân, nhưng đến quận Podolsk thì chúng bị rượt đuổi và bị bao vây. Trong thế cùng không lối thoát Radkovis đã tự bắn chết.
Sau đó Maria, Staunis và một người nữa tên là Voznesenski cũng vượt biên giới vào Liên Xô. Trước chuyến đi đích thân tướng Cutepov và điệp báo viên Anh quốc Boys đến tiễn ba người lên đường và giao nhiệm vụ. Khi chia tay, tướng Cutepov làm dấu thánh giá cho Maria và hôn cô ta ba lần theo phong tục. Như thế là Maria được giao nhiệm vụ làm nhóm trưởng. Và một lần nữa ba tên khủng bố do Maria cầm đầu lại có mặt ở Moskva. Trước đây bọn chúng thường tránh không đi qua khu phố Lubiansk, còn bây giờ Maria lúc nào cũng kè kè súng lục trong túi quần qua lại quận này thường xuyên, thậm chí còn đến căn hộ của Iacusev nhưng không gặp được ông ở Moskva. Sau đó Maria cải trang choàng khăn chéo vuông, ăn mặc tuềnh toàng quyết định đến khu phố Lubiansk quan sát trụ sở Tổng cục chính trị quốc gia trực thuộc Hội đồng các Uỷ viên nhân dân Liên Xô. Không gặp trở ngại nào, Maria lọt vào trong sân của tòa nhà một cách dễ dàng, trong sân không có người bảo vệ và cô ta vui sướng phát hiện thấy gian nhà ngang nối liền với trụ sở của Tổng cục cũng không có người bảo vệ. Maria vội vàng quay trở lại gặp hai người dưới quyền mình đang chờ cô ta ở nhà ga Leningrad. Họ thuê người đánh xe ngựa chất những chiếc va ly nặng lên xe đi đến gần trụ sở Tổng cục thì dừng lại. Maria ngó nhìn vào cổng và tin chắc trong sân toà nhà vẫn như cũ không có ai canh gác bảo vệ. Nhóm ba người Maria lập tức lao nhanh vào trong sân trụ sở Tổng cục. Bây giờ chỉ còn cài đạn trái phá trong gian nhà ngang, dọc theo các góc tường trong nhà thì cài bom cháy, công việc này phải làm nhanh trong vài phút. Sau đó thì đổ xuống nền nhà một can dầu hỏa. Bây giờ chỉ còn đốt dây cháy chậm là xong, nhưng không hiểu vì sao họ còn chần chừ. Đúng lúc đó thì một tiếng quát vang lên:
— Này, ai đang ở ngoài kia? Đứng lại! Đứng lại! Anh em ơi, mùi dầu hỏa sực lên, tất cả tập hợp nhanh lên!
Quẹt diêm, diêm không cháy. Một que, hai que… đều gãy. Tiếng quát nghe ngày càng gần hơn… Trong khi ngoài sân mọi người loại trừ được khả năng cháy nổ thì bọn khủng bố đã kịp tháo chạy. ở Moskva nhóm Maria không có chỗ trú chân, cho nên bất luận trường hợp nào cũng phải chạy xa. Nhóm khủng bố vội vã ra ga Belarus trong khi Tổng cục chính trị quốc gia chưa kịp giăng lưới vây bắt ngay trong chuyến tàu hỏa đầu tiên đi ra ngoại thành.
Trên đường tháo chạy Maria và Voznesenski vẫy xe con dừng lại, dùng súng lục đe dọa lái xe lái theo hướng mà họ muốn. Lái xe từ chối liền bị bắn chết ngay. Người phụ xe bị bọn khủng bố bắn bị thương cố lấy hết sức còn lại phá hỏng xe. Lúc bấy giờ hai tên khủng bố đành bỏ xe con và lẩn trốn trong rừng. Người ta phát hiện thấy dấu vết của hai kẻ chạy trốn ở vùng ga xép Dretun. Với sự hỗ trợ tích cực của những người nông dân sở tại một vòng bủa vây đã xiết chặt. Hai tên chạy trốn đi đường rừng vừa xuất hiện ở lò bánh mì một trung đoàn Hồng quân, thì bà Rovnova vợ một sĩ quan phát hiện thấy. Bà Rovnova kêu lên cho các chiến sĩ Hồng quân đồn biên phòng biết liền bị Maria bắn bị thương vào chân. Nhưng đường dây của bọn điệp báo Anh quốc đã bị phá tan. Trong lúc bắn nhau với đội kỵ binh tuần tiễu của Hồng quân, Voznesenski bị bắn chết ngay tại trận. Còn Maria Dakhartsenco – Suls bị thương và chết sau đó vài tiếng đồng hồ.