Nhiều chuyên gia và sử học ngành tình báo coi Louisa Bettini là điệp viên xuất sắc nhất trong Thế chiến thứ nhất.
Louisa de Bettini là một cô gái Pháp trẻ trung, xinh đẹp, người tầm thước, dáng vẻ dịu dàng, tóc mầu hạt dẻ, mắt mầu tro lấp lánh, mặt trái xoan, da mịn, đôi môi gợi cảm và một nụ cười mê hồn. Cô sinh ở vùng Bắc Pháp, nhà cô ở Lille, bây giờ đã rơi vào tay quân Đức, cô đang cố chạy về thành phố Sent-Omer ở Pháp, nơi mẹ cô đang ở. Cô tự hào về nguồn gốc thượng lưu và trình độ văn hoá của mình, nói được cả tiếng Anh lẫn tiếng Đức, nhưng lại nghèo khó. Trước chiến tranh cô làm gia sư cho các gia đình giầu sang và có tước vị của Pháp và Đức, đã có lần cô còn từ chối gia đình thừa kế ngai vàng Áo-Hung. Vì cô là dòng dõi quý tộc nên mọi người coi cô là ngang hàng, tạo điều kiện cho cô đi những chuyến đắt tiền khắp cả châu Âu, mời cô chơi bài với cả những khách quý tộc. Nhưng bây giờ thì cô thất nghiệp.
Năm 1914, trong dòng người chạy loạn về phía biển La Manche cố chiếm chỗ trên các con tầu Anh để trốn quân Đức lúc này đã chiếm được Bỉ và tràn vào Pháp, tại một trạm kiểm soát, Louisa đã khiến bọn quân cảnh kinh ngạc về chất lượng và số lượng thông tin cô cung cấp về quân Đức mà một điệp viên chuyên nghiệp chưa chắc đã thu được. Cô được đề nghị làm điệp viên, trở về Lille, tổ chức mạng lưới tình báo, gửi thông tin về cho tướng French ở Sent-Omer và Trung tâm tình báo ở Folkston. Khi cô hiểu thực chất công việc được đề nghị, cô hoảng sợ thật sự. Cô biết bọn Đức trừng trị điệp viên thế nào, trình độ phản gián của chúng, và biết mình sẽ ra sao nếu chúng bắt được, nhưng dòng máu dũng cảm truyền thống nhắc cô phải làm một việc gì xứng đáng với cha ông.
Louisa sang Anh, qua Hà Lan lúc đó không bị chiếm đóng. Cô đến một làng nhỏ có cái tên rất kêu “Phillipin” ở biên giới giữa Hà Lan và nước Bỉ bị chiếm đóng. Trên suốt dọc biên giới bọn Đức chăng hàng rào dầy đặc, có dây thép gai bắt điện cao thế, lúc tối có đèn pha. Bên phía Bỉ cũng có dây thép dẫn điện, bẫy sập và các bãi mìn. Tất cả đều được chuẩn bị chu đáo theo kiểu người Đức. Đến tối Louisa mặc bộ đồ đen, đứng bên phía Hà Lan chờ người dẫn đường.
— Anh ta tên là Alfons Verstapen, người Bỉ, một tay buôn lậu chuyên nghiệp. Chiến tranh biến anh thành người yêu nước. Anh rất thuộc đường biên giới. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tin vào lòng yêu nước của anh, nhưng không biết anh ấy giữ mình thế nào trước một người con gái xinh đẹp. Nếu cô cảm thấy có chút nghi ngờ thì chúng tôi sẽ tìm người khác,- viên sĩ quan Anh nói.
Louisa vượt qua biên giới với người đó. Như một cái bóng, anh lướt đến gần cô, nói mật khẩu, cô trả lời và thấy thoảng mùi thuốc lá. Anh ta nhìn cô một chút rồi cầm lấy tay dẫn đi trên con đường rừng chật hẹp không nói một lời. Đến sáng, mọi thứ đã ở phía sau, nhưng mỗi góc phố đều có bọn tuần binh Đức. Chúng kiểm tra căn cước, “giấy thông hành” và hỏi mục đích đi đâu. Hai người đều có giấy tờ chắc chắn. Đến tối họ đến nhà Louisa. Sáng hôm sau Louisa mặc một bộ quần áo màu sẫm nghiêm trang. Trong túi xách có giấy tờ mang tên cô thợ thêu đăng ten và bán đăng ten Alisa Duybua.
Khắp nơi là bóng dáng quân xâm lược: tuần binh và bốt gác, bốt gác và tuần binh. Nguy hiểm hơn cả là hệ thống phản gián, mà như cô được biết, bọn Đức tung ra trên toàn bộ các vùng chiếm đóng. Phải dè chừng không những là bọn Đức chuyên nghiệp và bọn tay sai, mà cả những người hàng xóm yếu bóng vía. Cảm giác nguy hiểm làm trái tim cô đập mạnh.
Alisa đi khắp thành phố và ngoại ô để bán đăng ten, nhưng thực ra là để nắm tình hình và tìm người hỗ trợ. Trong một quán nhỏ cô gặp người bán hàng trẻ tuổi cương nghị Maria Leonia Vanhut. Hai người thấy mến nhau ngay. Alisa mời Maria giúp mình, chị đồng ý và nhận biệt danh “Sharlotta”, làm nghề bán rong phó mát. Alisa cũng đã mời được những người trong thành phố Muskron – hai vợ chồng nhà hoá học De Geyters, nhà của họ trở thành một trong những căn cứ bí mật. Trong phòng thí nghiệm của ông bắt đầu có những đồ vật dị thường: máy chụp ảnh các cỡ, máy phóng, các hoá chất để làm mực tàng hình, các bảng khắc bằng thép, máy nén bằng tay có thể tháo lắp nhanh chóng, các vật liệu sửa chữa radio. Chỉ cần bọn Đức phát hiện ra một thứ là chủ nhân gặp lắm chuyện rầy rà. Tại thành phố Santes người vẽ bản đồ Pol Bernar đã giúp cô bằng nét chữ và ngòi bút thư pháp của mình. Nhờ kính lúp, hệ thống chữ tốc ký và mực không mầu ông đã giúp cô viết các báo cáo dài đến 3000 chữ trên một tờ giấy bóng kính khổ nhỏ dán trên kính mắt.
Tổ chức của cô đã thu hút được những người thuộc các nghề nghiệp và vị thế xã hội khác nhau ở nhiều thành phố tham gia. Số điệp viên gồm 38 người do cô trực tiếp điều khiển. Nhiều trường hợp cô phải tự làm nhiệm vụ liên lạc. Alisa không chỉ quan tâm đến việc thu thập thông tin, mà còn cả việc đảm bảo an toàn cho mọi người, làm sao để nếu có người bị lộ thì những người khác vẫn hoạt động được. Cô thường nhắc đi nhắc lại:
— Nếu ngày mai tôi hoặc một người nào đó bị quân Đức bắt được và phải đối chất với người của ta thì trí nhớ của bạn phải ngừng làm việc. Một người thất bại – không quan trọng. Người đó là ai – bạn không quen và người đó phải chịu số phận của mình. Những lúc đó tình thương và tình bạn chỉ có nghĩa là bản án tử hình đối với bạn và những người liên lụy. Hãy nhớ như vậy.
Mọi người đều nhớ, chỉ riêng Alisa trong phút giây khủng khiếp của đời mình thì lại quên.
Tổ chức bắt đầu hoạt động. Nhiệm vụ đầu tiên cũng đơn giản. Sau những trận đánh dữ dội điều quan trọng đối với quân Đồng minh là phải biết những tổn thất của quân Đức. Những đoàn xe chở thương binh đi qua Lille. Cửa sổ những ngôi nhà hướng ra đường sắt bị bắt buộc phải che màn kín suốt ngày đêm. Bất kỳ lúc nào thấy cửa hé mở hoặc có ánh đèn là lính Đức có thể ập đến hoặc một viên đạn bay tới. Nhưng người ta đã chọc thủng những tấm màn, qua lỗ nhỏ nhìn thấy đường sắt, mỗi đoàn xe đi qua người quan sát đánh một ký hiệu riêng. Con số tính được người đó báo cho Alisa và Alisa báo cho Bernar để ông viết vào báo cáo.
Khó khăn nhất đối với Alisa là quãng đường vượt qua nước Bỉ bị chiếm đóng. Thường là tuần nào cô cũng phải đi cùng với một người trợ giúp. Khó khăn thật sự xuất hiện khi bọn Đức hỏi cung kèm theo lục soát. Nếu chúng thấy báo cáo tức là chết. Nhưng nhờ tài năng của Bernar mà báo cáo ba ngàn chữ vẫn được chuyển qua kính mắt. Ông còn có thể bóc ảnh trên thẻ căn cước, dán báo cáo xuống dưới rồi lại dán ảnh lên. Một lần cô đang đi trên đường, tay cầm một cây đèn pin với một cây nến. Lúc sắp bước vào một ngôi nhà cần thiết thì bọn tuần binh giữ lại. Cô biết rằng người sắp khám cô là một mụ trước đây làm cai tù của Đức, biệt hiệu “Con cóc”. Alisa bình tĩnh tắt nến cho đỡ phí rồi mới cho khám. “Con cóc” lột hết toàn bộ quần áo của cô, nhưng không phát hiện được gì. Chỉ có điều mụ ta không biết nhìn vào lõi của cây nến!
Một lần khác, cũng vào ban đêm, khi bọn tuần binh giữ Alisa, cô đã kín đáo ném được một cuộn len đen vào bụi cây. Khám xong ít phút, cô quay lại để lấy báo cáo.
Một lần vào buổi sáng trong một khách sạn cô rất sợ hãi. Tối hôm trước cô để giầy ngoài cửa để đánh rửa. Sáng hôm sau thấy mất. Cô sợ không phải vì mất giầy, mà vì trong đế có báo cáo! Quả thật là giầy đó bị cảnh sát lấy đi. Chúng muốn kiểm tra mọi khách trọ, nhưng chúng giữ giầy chỉ để khẳng định khách không đi đâu. Đến lượt Alisa bị hỏi, chúng trả lại cô đôi giầy đã sạch sẽ tinh tươm, hỏi mấy câu rồi thả ra.
Các báo cáo được giấu trong nịt vú, mép váy, ve áo, lót giầy, tay dù, ví đầm, các hộp bánh kẹo…
Đôi khi các cô gái còn phải vượt qua một kênh nước sâu. Alisa có một bộ quần áo riêng mầu tối và nhẹ. Cô là một tay bơi giỏi, cô cõng “Sharlotta” trên lưng rồi bơi sang.
Các “trò chơi” với quân cảnh Đức buộc họ mỗi lần phải nghĩ ra một mẹo, không bao giờ được lặp lại. Một lần chuyến tầu hoả mà các cô đi bị giữ lại giữa đường. Chúng khám xét toàn bộ từ toa đầu. Các cô ở toa cuối. Các cô liền chui xuống gầm tầu, bất chấp tầu có thể lăn bánh bất kỳ lúc nào, để lần lên toa đầu, là toa đã khám rồi. Trèo lên rồi mà mãi mới hết sợ. Tại một khách sạn, nơi Alisa thường ở, bọn chúng hay kiểm tra ban đêm. Alisa chọn khách sạn này vì chúng kiểm tra sơ sài và kiểm tra đúng giờ. Khi có tín hiệu báo cảnh sát đến, cô mặc quần áo đen, trèo qua cửa sổ lên mái rồi xuống sân đi trốn. Nhưng giường nệm lại không dọn được nên dễ bị nghi. Cô bèn nhờ bà chủ sống với các con ở phòng kế bên, khi nào có cảnh sát thì bà cho một thằng sang nằm vào giường cô. Cảnh sát ngó vào thấy thằng bé liền bỏ đi. Kiểm tra xong, bà chủ cho tín hiệu cho cô trở về.
Alisa ngày càng tự tin hơn. Cô coi mọi việc phiêu lưu như trò chơi và dần dần không thấy sợ nữa. Một lần cô dám vào khu vực cẩn mật có đại bản doanh của hoàng thân Ruprekht Bavarski là tư lệnh vùng của quân Đức. Lấy được thông tin, cô quay ra, bản báo cáo để trong túi xách. Đến vọng gác, tên lính bất ngờ nói:
— Cái giấy phép này không được. Cô phải có một giấy phép đặc biệt.
Cô định làm ra vẻ giận dữ, nhưng tên Đức không mắc mưu. Đúng lúc đó thì cánh cửa biệt thự mở ra. Một viên tướng bệ vệ bước ra cùng với đoàn sĩ quan tuỳ tùng: cô đã biết rồi – đó là hoàng thân. Cô chợt nhớ đến buổi tối ở Baden-Baden. Một gia đình Đức, nơi cô làm gia sư, đã mời hoàng thân đến chơi bài, hôm đó ông ta thua một khoản lớn. Không do dự, cô băng sang đường chặn hoàng thân lại:
— Thưa ngài, ngài có nhớ tôi không ạ?- cô mỉm cười hỏi – Tôi đã thắng ngài một ván tại nhà nữ bá trước Orlando ở Baden-Baden mấy năm trước đây.
Ông ta không nhớ cô, nhưng có nhớ Baden-Baden, nhớ nữ bá trước Orlando và ván bài thua. Ông ta vui mừng chào cô.
— Đó không phải ván bài thua duy nhất của tôi hồi ấy, nhưng cô thì tôi nhớ.
— Thưa ngài, tôi cứ sợ rằng ngài nói cho vui, chứ thật ra không phải như vậy. Tôi đâu dám phê phán chuyện đó.
Ông ta cười phá lên vui vẻ rồi bước đi. Cuộc nói chuyện đã gây ấn tượng cho đám lính, và Alisa đã mang được về cho thượng cấp bản báo cáo chi tiết về số lượng và cách bố phòng các đơn vị pháo trong vùng quân sự quan trọng này. Lúc này những thông tin của cô là rất quan trọng đối với quân Đồng minh, họ đã tăng cường các biện pháp để cô hoạt động liên tục. Một lần cô mang cả một túi bóng bay chưa thổi. Tên lính gác hỏi để làm gì, cô đáp:
— Đồ chơi cho trẻ con. Nếu ông sợ rằng tôi dùng bóng bay để bay mất thì ông cứ việc tịch thu.
Sự tháo vát của cô đã chiến thắng, tên lính gác là một người đa cảm đã có con cái nên cho cô đi. Nhưng chỉ ngày hôm sau quả bóng bay đã bay qua chiến tuyến, một người lính Anh đã bắn rơi và bản báo cáo đã về đúng địa chỉ.
Một lần khác lúc nửa đêm một chiếc máy bay đã đỗ xuống quảng trường gần Mouskron, dỡ xuống mấy thùng hàng kín rồi biến đi trước khi bị lính Đức phát hiện. Đêm hôm đó những người liên lạc đã có được một đội chim đưa thư. Cuối cùng Alisa đã tự tin đến mức yêu cầu phải có liên lạc radio. Ban lãnh đạo lo rằng nguy hiểm. Nhưng Alisa đòi hỏi bằng được. Ngày nhận linh kiện cuối cùng của máy liên lạc vô tuyến điện cô mừng như được chiếc áo mới của thợ may thời trang Paris.
Nhưng lúc này bọn phản gián Đức cũng không ngủ. Ít ai biết rằng 226 người Bỉ đã bị bắt, bị tù và bị xử tử vì tội gián điệp. Một thời gian dài sở đặc nhiệm của thiếu tá Rotseler đứng ngồi không yên vì rò rỉ thông tin từ khu vực hoạt động của Alisa. Nhưng mọi mưu toan tìm ra thủ phạm đều vô vọng. Đã có nhiều chỉ thị phải tăng cường kiểm soát, tuần tra. Alisa biết tất cả, nhưng điều đó chỉ càng làm tăng lòng can đảm của cô trong các trò đùa với cái chết. Nhiều người đã lo lắng cho sự liều mạng của cô. Cuối cùng một người nói:
— Cô liều mạng công khai quá, và như thế là liều cả mạng chúng tôi. Tôi không biết rằng công việc của chúng ta mang lại lợi ích gì, chỉ biết rằng cô vẫn gửi thông tin đi. Không biết những người nhận tin có quan tâm đến những thông tin ấy hay không?
Alisa là người lãnh đạo có khá nhiều kinh nghiệm để hiểu được tinh thần suy sụp của quân mình. Cô biết rằng ý kiến của người đó được mọi người khác đánh giá cao. Vậy người đó không được hoài nghi rằng họ làm đúng. Để thuyết phục và trấn an các đồng sự, cô đã thoả thuận với lãnh đạo liên minh rằng vào một đêm, đúng lúc một giờ, một máy bay phải đến ném bom một kho quân bị mà cô đã thông báo. Đêm ấy cô mời những người hoài nghi đến phòng mình, và khi tiếng máy bay rền vang và những tiếng nổ vang lên thì mọi người ôm chầm lấy cô mà hôn. “Cuộc nổi dậy” đã được “dập tắt”.
Thành công đã thúc đẩy Alisa. Cô đã lập xong bản đồ hoạt động trong vùng, đã đánh dấu các kho quân trang quân bị ở ngoại ô thành phố Lille, những điểm này về sau đã bị nổ tung. Để thưởng công, chỉ huy đã ra lệnh mở rộng hoạt động tổ chức của cô sang khu bên cạnh.
Dường như mọi việc tốt đẹp. Nhưng tai họa đã rình rập. “Sharlotta” bị bắt. Alisa nghe thấy đồng nghiệp nói thế và lập tức cải tổ mạng lưới điệp viên để nếu cô bị bắt thì công việc không hề hấn gì. Cô gửi gấp báo cáo cho sếp. Bernar viết mấy cột số lên một tờ giấy vẽ, Alisa cuộn lại thành một cái vòng nhẫn mỏng rồi lồng xuống dưới chiếc nhẫn mặt đá mang dấu ấn của gia đình De Bettini. Trước đó cô đã gửi giấy cho một bạn gái là Margarita hẹn chỗ đón. Ngay khi gặp nhau thì cả hai cùng bị bắt. Họ bị đưa đi đâu không rõ vì cửa sổ bị che kín. Qua kính trước Alisa nhìn thấy ông bà De Geyter. Lúc đó mất bình tĩnh cô kêu lên:
— Nếu các ông không tin tôi, xin hỏi ông bà De Geyter xem tôi là ai.
Xe đỗ lại gần hai ông bà. Bọn Đức đưa Alisa xuống. Trước khi bọn Đức kịp nói thì Alisa đã kêu lên:
— Thưa bà De Geyter, bà có biết là tôi vẫn may quần áo cho bà không?
Cô không thể nói bằng mắt được, bởi vì có một thằng quan sát cô và một thằng khác quan sát ông bà.
— Thưa, có phải tôi là người tản cư từ New-Angli và sáu tháng vừa rồi tôi vẫn may vá cho bà không?
Đó là giây phút khủng khiếp đối với cả ông bà và cả Alisa. Họ phải trả lời: “Có, chúng tôi có biết cô gái này”, hay là họ phải hành động như cô vẫn thường nói: “Nếu nhìn thấy ai trong tay bọn Đức thì đừng có nhận là quen biết, hãy bỏ mặc người đó cho số phận”. Bà De Geyter nhìn Alisa và nhún vai:
— Không, thưa cô, tôi không quen cô.
— Dù sao thì cả hai vị cũng phải cùng đi với chúng tôi,- một tên lính nói.
Cả 4 người bị đưa vào một nhà tù, nơi có “Sharlotta”. Nhà De Geyter bị lục soát. Nhưng tổ chức của Alisa rất nhạy bén. Họ biết ngay là cô bị bắt và khi cảnh sát xuất hiện thì mọi chứng cứ đã bị thủ tiêu. Hai ông bà được tạm thả. Alisa bị đưa đi hỏi cung. Một trong những tên bắt cô nói:
— Tôi để cô ngồi một mình mấy phút. Đừng nghĩ đến chuyện chạy trốn nhé.
Hắn đi ra và quay ổ khoá. Cô còn lại một mình và biết rằng bất kỳ lúc nào hắn cũng có thể quay lại, không phải quay lại một mình, mà còn có cả kẻ thù cũ của cô, đó là “Con cóc”, kẻ đã lục soát cô từ đầu đến chân. Alisa không thể làm được gì khác, ngoài việc lấy mảnh giấy con dưới cái nhẫn ra và nuốt trôi. Cô bị tống giam, bên ngoài buồng giam có ghi bằng tiếng Đức “Tù nhân nguy hiểm”. Một giờ sau chúng dẫn “Sharlotta” vào. Chúng hỏi:
— Cô có biết người này không?
— Không.
Cái từ “không” ấy vang lên như một điệp khúc cho đến ngày ra toà. Toà án quân sự buộc tội họ làm gián điệp và kết án tử hình. Khi nghe tuyên án Alisa nói trước toà:
— Thưa các ngài! – cô nói bằng tiếng Đức, cho nên “Sharlotta” không hiểu. – Tôi xin các ngài đừng xử bắn bạn gái tôi. Cô ấy còn trẻ. Tôi khẩn cầu xin các ngài rủ lòng thương. Còn về phần tôi, tôi sẵn sàng chết.
Leonia cũng có yêu cầu như thế đối với Alisa. Các cô được đưa về xà lim. Bọn cai ngục Đức cũng thấy cảm động và thương xót.
— Thật đáng thương, nhưng các cô bị kết án tử hình rồi. Hãy yêu cầu những gì các cô mong muốn. Ai nỡ từ chối các cô.
Trước ngày bị hành quyết các cô xin tướng Bissing gia ân cho được sống với nhau một đêm. Lính gác quay lại, mặt mày hớn hở:
— Ông ta từ chối! Lạy Chúa! Như thế nghĩa là ngày mai các cô không bị bắn. Nếu không thì ông ta đã đồng ý.
Buổi sáng hôm ấy mặt trời lên muộn, trời đầy mây và có mưa. Hai cô không phải là duy nhất bị bắn hôm đó. Họ nghe thấy Gabriel Peti, một cô gái xinh đẹp, từ xà lim chạy ra thét lên:
— Xin chào! Ôi, Tổ quốc thân yêu của ta!
Tiếng thét đó làm rung động trái tim hai cô. Liệu họ có đủ sức mạnh để chào vĩnh biệt Tổ quốc khi bị đưa ra pháp trường hay không?
Nhưng tên lính gác đã biết là hắn nói gì. Tướng Bissing thông báo cho họ: “Người Đức cũng biết đền bù xứng đáng cho chí anh hùng. Bản án của Leonia được đổi thành 15 năm khổ sai, còn của Louisa thành tù chung thân. Cả hai được đưa về Đức.
Mặc dù Louisa bị bắt, nhưng nhờ những biện pháp cô tiến hành mà tổ chức của cô không hề hấn gì, mọi người vẫn sống. Nhưng trong nhà tù Đức cô bị thương hàn. Các bác sĩ nhà tù phải bó tay. Khi quân đội Anh vào Cologne họ thấy trong nghĩa trang địa phương có một cây thánh giá bằng gỗ sơ sài với dòng chữ: Louisa de Bettini (?- 27.9.1918). Tại Pháp đám tang Louisa được tổ chức với nghi thức quân đội. Người ta gắn trên nền nhung 4 tấm huân chương của cô – hai tấm của Anh và hai tấm của Pháp. Trong bản sắc phong Bắc đẩu Bội tinh cho cô có viết: “…cô đã tự nguyện hiến mình cho Tổ quốc, với lòng dũng cảm vô song cô không hề run sợ khi gặp khó khăn, nguy hiểm, nhờ khả năng xuất chúng cô đã vượt qua bao gian khổ, bao rủi ro thường trực…, đã thể hiện được chủ nghĩa anh hùng siêu việt”.
Còn “Sharlotta”, cô cũng được thưởng công xứng đáng, đã trở về quán hàng của mình ở tại Rube.