Quan hệ giữa nước Pháp thời hoàng đế Napoleon và nước Anh đến năm 1806 đã trở nên căng thẳng cực độ. Ngày 21 tháng 12 năm 1806, Napoleon tuyên bố, còn sau mười một tháng thì kí sắc lệnh tiến hành phong tỏa nước Anh. Ông ra lệnh bắt giữ tất cả dân Anh đang ở nước Pháp và cấm mua bán hàng hóa của người Anh. Tất cả những hàng hóa Anh bị mang ra thiêu hủy sạch, mọi hình thức liên lạc bị cắt đứt, việc trao đổi thư từ giữa châu Âu và quần đảo Anh bị cấm. Như lệ thường, khi có lệnh cấm thì các hoạt động ngầm sẽ phát triển mạnh, nhất là hoạt động buôn lậu, mặc dù luật pháp nước Pháp trừng trị tội này rất nặng, thậm chí có thể lên đến mức án tử hình. Hoạt động buôn lậu giữa Anh và Pháp đã được duy trì liên tục và thậm chí còn phát triển hơn. Tiền mặt thường xuyên đi về giữa London và Paris. Các ông chủ ngân hàng London viết séc gửi Paris tự do thoải mái cứ như thể chẳng hề có Napoleon cũng như cuộc phong tỏa từ lục địa vậy.
Để tiện thông tin qua lại bí mật với nước Pháp, người Anh sử dụng các liên lạc viên tốc hành. Họ khéo léo bơi vượt eo biển La Manche bằng đường thẳng, chuyển tài liệu trong những đôi ủng hai đế, trong cổ áo lễ phục hay chỉ đơn giản là nhét vào túi áo quần. Đó đều là những con người đáng tin cậy, thông minh, gan dạ, không có thành kiến. Họ làm việc vì những khoản tiền lớn mà các ông chủ ngân hàng, các nhà quý tộc, quan chức nhà nước chi một cách rất hào phóng cho sự nhanh chóng và độ tin cậy.
Có một khoảng thời gian người ta đã mua chuộc các công chức tòa thị chính vùng Boulogne và lấy được hộ chiếu giả. Đó quả là sự hỗ trợ hết sức quan trọng với những kẻ buôn lậu và cả cho cơ quan mật vụ, nhưng thời gian này kéo dài không lâu. Do vậy các tay liên lạc buộc phải xoay xở bằng mọi cách. Không ít các gián điệp và liên lạc viên khi có nguy cơ bị bắt giữ đã nuốt luôn tài liệu vào bụng. Những thư từ bí mật thường được viết trên thứ giấy rất mỏng nên có một bà Salame nào đó (trong số liên lạc viên có cả phụ nữ) khi rơi vào tay cảnh sát đã nuốt trọn cả một cuộn thư.
Hiển nhiên là những dịch vụ dành cho dân buôn lậu cũng được cơ quan tình báo Anh, những kẻ mưu phản Bảo hoàng, các ngoại kiều sử dụng để duy trì liên hệ bí mật với những người đồng quan điểm ở nước Pháp. Công việc thực sự rất nguy hiểm. Hàng chục và hàng trăm liên lạc viên đã rơi vào tay cảnh binh Pháp, bị giết khi tỏ ra có hành vi chống đối và bị kết án tử hình.
Những năm đó có rất nhiều người theo phe Bảo hoàng và những kẻ thù của Napoleon chạy sang Anh. Nước Anh đã tiếp nhận những nhà hoạt động sống sót sau phong trào Vandei và cuộc chiến tranh Suan, những người chống đối cách mạng 1789 và những kẻ mưu phản bị bại lộ. Âm mưu của họ được dàn dựng bằng tiền của người Anh chở trên các tàu của Anh đến Pháp. Nước Anh ủng hộ lực lượng phản cách mạng bằng mọi giá và đặt nhiệm vụ khôi phục vương triều Bourbon là điều kiện của hòa bình. Các ngoại kiều từ Pháp đến Anh tập trung quanh bá tước Arthur, hoàng tử Conde và công tước Berrixki cùng vạch âm mưu chống Napoleon. Một nhóm mưu phản khác hoạt động tại Anh dưới sự cầm đầu của George de Cadudan. Các nhóm này đều cần liên lạc với nguồn tin tức của họ tại Pháp và cần thông tin cụ thể về tình hình ở đó.
Nhóm Bảo hoàng chống Napoleon liên kết được nhiều người có tấm lòng tận tụy hi sinh vì sự nghiệp. Linh mục Leklerk là một người họ Buavalon. Nhân vật Bảo hoàng trung thành với sự nghiệp này được miêu tả là “con người thẳng thắn, hoạt bát, nhanh nhẹn, tháo vát, nhiều sáng kiến, một điệp viên khiêm tốn, và có phẩm chất sáng giá, nhất là hào hiệp, vô tư”. Thời kì khủng bố căng thẳng nhất, linh mục Leklerk sống ở Paris trong vai một luật sư. Ông biết rõ tình hình ở nước Pháp đến nỗi người Anh thậm chí phải nghi ngờ không hiểu Leklerk có phải là người của cơ quan mật vụ Pháp hay không. Nhưng không, linh mục Leklerk là con người hoàn toàn trung thực. Ông tập hợp thông tin từ tất cả các đầu mối của mình, thậm chí còn tập hợp báo cáo của nhiều gián điệp phái Bảo hoàng ở Pháp. Tất nhiên linh mục không vi phạm bí mật xưng tội. Nhưng ông khéo léo dỗ dành người đối thoại với mình trở nên cởi mở. Trong số những người cung cấp tin cho ông không chỉ có các nhà buôn, tiểu công chức, cảnh sát mà còn có cả các chính khách, sĩ quan và thậm chí là tướng lĩnh trong quân đội Napoleon. Đặc biệt ông khai thác được rất nhiều tin tức có giá trị từ vợ của các quan chức và quân nhân cấp cao. Leklerk bốn mươi tuổi, có ngoại hình không hấp dẫn, vậy mà có ảnh hưởng khó giải thích đối với phụ nữ, nhưng vị linh mục mộ đạo này chỉ sử dụng ảnh hưởng đó trong những công việc liên quan đến hoạt động tình báo. Khi Napoleon thành lập “Trại Boulogne” là nơi tập trung và huấn luyện quân để đổ bộ vào Anh, Leklerk nhận nhiệm vụ tìm hiểu về trại này. Ông chuyển đến ven bờ biển và thường xuyên đi về trên một cỗ xe ngựa nhỏ. Người đánh xe cho ông là viên thư kí trung thành Pier – Mari Pua. Leklerk thường nương náu trong nhà các bạn bè phái Bảo hoàng của mình nhưng không ở hẳn đâu quá một đêm. Ông thiết lập được mạng lưới do thám không đông về số lượng nhưng hoạt động hiệu quả. Trong số các điệp viên của Leklerk có một người là quan chức cấp cao, đại diện của Bộ Quốc phòng Pháp ở Brest, một người làm việc trong hội đồng quản trị hạm đội hoàng gia. Một số điệp viên cung cấp cho Leklerk bản sao các báo cáo chính trị. Để liên lạc với nước Anh, Leklerk cùng viên thư kí của ông đến các thành phố miền duyên hải. Trong một quán rượu nhỏ nào đó họ ngồi vào bàn với những dân chài nghèo khổ. Bản thân Leklerk thường ít nói, còn Pier – Mari Pua thì mời mọi người xung quanh rượu cô nhắc và món nhắm ngon lành. Khi câu chuyện trở nên thân mật hơn, anh ta sẽ giải thích rằng Leklerk là thương gia đang cần thông báo cho một người đã sang sinh sống ở London về việc thừa kế tài sản. Pier – Mari Pua cũng đặc biệt nhấn mạnh chuyện không dính dáng gì đến chính trị, thậm chí còn đọc to bức thư cho mọi người cùng nghe. Tất nhiên, anh ta sẽ không tiết lộ rằng giữa các dòng thư còn có những dòng chữ khác được viết bằng thứ mực không nhìn được bằng mắt thường. Một ai đó trong số các dân chài hẳn sẽ chấp thuận giúp đỡ chuyển lá thư cho một con tàu Anh sẽ đón anh ta ngoài khơi trong thời gian đánh cá để đổi lấy món tiền thưởng hậu hĩnh. Người đó là anh chàng đánh cá và buôn thực phẩm Phillip.
Ở Trepora, Phillip có một quán hàng thực phẩm. Anh ta tụ tập dăm ba người bạn thân thiết, trong đó có thầy giáo Duponsel dạy học trong vùng và vợ. Vẻ đẫy đà hiền hậu giúp ngụy trang rất tốt và không hề làm giảm sự sốt sắng và linh hoạt của bà Duponsel. Bà ta thường hoàn thành các vụ đột nhập lấy các gói tài liệu quan trọng giấu vào những chiếc túi khâu bí mật trong áo váy rộng thùng thình. Mỗi vụ bà nhận được hai mươi frank tiền công. Leklerk dặn trước nếu lỡ bị bắt hay bị căn vặn thì bà phải trả lời chắc như đinh đóng cột là “vừa mới nhặt được lá thư ngoài bờ biển và đang định mang nộp cho cảnh sát ở E. hay ở Boulogne”.
Vì Leklerk là giáo sĩ phụng sự Chúa nên không có gì lạ khi những phụ nữ mộ đạo tin tưởng sâu sắc vào sự nghiệp của phe Bảo hoàng nên luôn che chở và cho ông nương náu. Cũng bởi ông là một con người hết sức đạo đức, lòng căm ghét đến cuồng tín của ông đối với Bonaparte và cách mạng đã cuốn hút nhiều người cả nam lẫn nữ trong giới quý tộc theo ủng hộ ông. Một trong những trợ thủ tin cậy của linh mục Leklerk là De Russel De Previl. Là một cô gái nhỏ nhắn, yêu kiều, năm 1804 cô mới gần tròn mười tám tuổi. Vì sắc đẹp và vẻ duyên dáng mà người ta gọi cô là Nimfa. Cô quen sống trong một xã hội vui tươi, náo nhiệt, được người xung quanh ngưỡng mộ đắm đuối, là con người hiếu động và vô tâm đến độ ngốc nghếch. Tất cả mọi mối quan tâm của cô xoay quanh những món đồ trang sức, vũ hội và các buổi tiếp đãi. Và mặc dù tục ngữ có câu: “Khi đại bác nổ thì nàng thơ im tiếng”, dường như chưa bao giờ từng có những cuộc vũ hội vui vẻ, thứ âm nhạc tuyệt diệu và những điệu nhảy hấp dẫn đến như vậy vào những năm tháng này của cuộc đời cô.
Tưởng chừng như tính cách đó của cô sẽ không thể nào phù hợp với hình dung chung của mọi người về một nhà tình báo, kiểu người thông minh, chuyên tâm vào công việc, tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc bảo mật. Nhưng… Trong nghề tình báo mọi chuyện đều có thể. Khi biết được công việc Leklerk đang làm, cô thiếu nữ đâm ra quan tâm, rồi yêu cầu được giúp đỡ ông. Và không lâu sau cô trở thành cộng sự không thể thiếu của Leklerk.
Nimfa De Russel De Previl (tên này được ghi trong hồ sơ lưu trữ của cảnh sát Pháp về cô) cải trang thành một chàng thanh niên, lấy họ là Dubuisson và bắt đầu công việc phiêu lưu, nguy hiểm của một điệp viên và liên lạc viên phe Bảo hoàng. Mặc dù tính nết cô khá bồng bột, xốc nổi nhưng điều đó không ảnh hưởng đến sự an toàn của các đồng chí của cô. Nhiệm vụ của cô là tiếp nhận và chuyển tin mật cho Leklerk; để tập hợp tin tức cô đã nhiều lần đến Diep hoặc Amien.
Không lâu sau cảnh sát Pháp lần ra dấu vết của linh mục Leklerk và Nimfa. Hai người trốn ở Abbervill, trong nhà bà Deni trên phố Ptiriu – Nort Dam. Anh chàng gián điệp của Leklerk là Phillip khi bị bắt đã khai ra nơi ẩn náu đó, và cảnh binh đã lao bổ đến Abbervill. Nhưng ngôi nhà của bà Deni được xây dựng từ hồi Trung thế kỉ lại có những lối đi bí mật và Leklerk cùng “cậu bé Dubuisson” đã kịp thời theo đó trốn đi. Bà Deni hoảng sợ khai với cảnh sát hòm tài liệu mật liên quan đến hoạt động của Leklerk.
Nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo Duponsel và anh dân chài Diepua, linh mục Leklerk và thư kí Pier – Mari Pua đã trốn được sang Anh trên một chiếc thuyền nhỏ. Còn Nimfa sau cuộc đi trốn bình thản trở về nhà mình ở Boulogne. Cô nói với mẹ: Con đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, nhưng con chẳng có tội tình gì và sẵn sàng nộp mình vào tay cảnh sát. Bà De Presvil kinh hãi: quả thực bà không thể tưởng tượng được cô con gái mình đã làm những chuyện động trời gì. Nhưng bà không mất tinh thần mà hành động rất điềm tĩnh, cương quyết.
— Lập tức quay trở lại Abbervill và trốn trong nhà họ hàng của chúng ta. Mẹ van con, con phải trốn kĩ vào và đừng có để ai trông thấy đấy.
Cô gái tất nhiên là hứa hẹn, nhưng chưa chắc đã có ý định giữ lời. Bởi chỉ vài ngày sau cô đã ra cạnh cửa sổ và sau đó liên tục ngồi ở đó, để “ngắm mọi người qua lại và cho người ta ngắm mình”. Thậm chí có một lần cô còn dám xuất hiện ở vũ hội. Một điều như vậy ở trong cái thành phố đầy rẫy mật thám đang lần theo dấu vết các đồng bọn của Leklerk! Tuy nhiên cô vẫn còn có đủ thông minh hoặc là có linh cảm tự vệ bản năng để đi trốn kịp thời. Đơn độc, gần như chẳng có tiền nong gì, cô đã đi qua gần hết châu Âu và tìm cách đến nước Nga. Nhưng cô không thực hiện được điều đó, và tại một cảng thuộc nước Đức cô lên một chiếc tàu đi sang London. ở đó các cuộc lãng du của cô đã kết thúc.
Trong khi đó, linh mục Leklerk, thư kí Pier – Mari Pua và Nimfa De Russel De Previl bị kết án tử hình vắng mặt bởi một ủy ban ở Ruan. Các dân chài Phillip, Diepua và thầy giáo Duponsel đều bị bắt, bị kết án tử hình và đã chết cả.
Nimfa chưa đến tuổi trưởng thành bị kết án tử hình nên được chính phủ Anh cho một khoản tiền cấp dưỡng hàng năm là sáu trăm frank.
Leklerk sống tại Anh một thời gian, sau đó ông sang Đức, ở tại thành phố Munster và từ đó nối liên lạc với các điệp viên của mình. Cảnh sát hoàng gia đã làm tê liệt hoạt động của ông ở khu vực Boulogne, ông lại chuyển sang hoạt động ở miền bờ biển Normandi, Jersey và lại tổ chức liên lạc hoạt động tình báo với nước Anh.