Ông thường được gọi là “sếp lớn” của “Dàn đồng ca đỏ”. Nhưng bản thân “Dàn đồng ca đỏ” là gì? Không hề có một mạng lưới điệp viên Xô Viết nào có tên gọi như vậy mà chỉ có những nhóm điệp viên hoạt động độc lập của Cục An ninh Quốc gia và Bộ Nội vụ Liên Xô bị cơ quan phản gián Đức khám phá ra. Còn “Dàn đồng ca đỏ” lúc đầu là tên gọi của một nhóm do thám Đức thuộc lực lượng xung kích phát xít SS, nhóm này chuyên lùng bắt điện đài của các lực lượng chống phát xít tại các lãnh thổ ở Tây Âu bị phát xít chiếm đóng. Mãi đến sau chiến tranh, những sách báo nói về cuộc đấu tranh chống phát xít mới bắt đầu dùng tên “Dàn đồng ca đỏ” đặt cho những nhóm chống phát xít có quan hệ với cơ quan tình báo Xô Viết.
Leopold Trepper sinh ngày 23 tháng 2 năm 1904 ở thành phố Niva Tac tại vùng Galixia, trong gia đình một người Do Thái làm nghề chào hàng. Năm 14 tuổi, Leopold gia nhập tổ chức thanh niên Do Thái “Hasome Hasai” là tổ chức hợp tác với Đảng Cộng sản Ba Lan. Vào tháng 4 năm 1924, Leopold di cư sang Palestine và tại đây, ông tích cực tham gia cuộc đấu tranh chống quân xâm lược Anh. Ông bị bắt rồi bí mật chạy sang Pháp và tham gia hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp. Vì có nguy cơ bị bắt ở Pháp nên ông được cử sang Moskva theo học trường Đại học cộng sản của các dân tộc thiểu số Tây Âu. Năm 1936, theo chỉ thị của cục trưởng Cục Tình báo Liên Xô Berdin, ông sang Pháp để điều tra một vụ thất bại. Sau khi xác định được thủ phạm gây ra vụ thất bại đó là Robert Gordon, ông quay trở lại Moskva. Năm 1937, ông trở thành nhân viên của Cơ quan Tình báo Quân sự Xô Viết và được trao nhiệm vụ tổ chức ở Bỉ một hệ thống liên lạc bí mật để hoạt động trong thời chiến. Người phó của ông là Grosfoghen do chính ông tuyển mộ, người phụ trách bộ phận thông hành là Raiman cũng do chính ông lấy vào làm. Năm 1938, Leopold Trepper mở một công ty ở Brussel mà giám đốc là Julem Jaspar, em trai của cựu thủ tướng Bỉ, đồng thời ông thành lập một mạng lưới chi nhánh của công ty này có bố trí những căn phòng bí mật tại các nước vùng Scandinavi. Vào tháng 4 năm 1939, hai điệp viên có hạng của Trung Tâm là Gurevich (“Kent”) và Macarov (“Hemnit”) được cử đến hỗ trợ cho Leopold.
Nhiệm vụ chủ yếu của nhóm điệp viên Leopold là khai thác tài liệu và tổ chức liên lạc, bởi vậy, nhóm này không hoạt động tình báo trực tiếp.
Năm 1938, Raiman bị bắt lần thứ nhất và đến năm 1939 bị bắt lần thứ hai vì là kẻ cư trú bất hợp pháp ở Bỉ. Thật sơ suất là sau khi Raiman được trả lại tự do, Leopold lại dùng Raiman để liên lạc với các thành viên khác của nhóm. Vì vậy, Raiman quen biết Gurevich, Macarov, Idơbuski, Grosfoghen. Sai lầm này về sau sẽ phải trả giá đắt.
Tháng 5 năm 1940, Bỉ bị phát xít Đức chiếm đóng. Cảm thấy nguy cơ bị bắt, Leopold bỏ vợ con đến trú ẩn tại nhà người tình của mình là Jora de Vinte. Vợ con ông được Gurevich gửi sang Liên Xô.
Ngày 16 tháng 8 năm 1940, sau khi chuyển được sang Paris ba trăm ngàn phrăng thuộc công ty, Leopold nhờ xe của sứ quán Xô Viết và sử dụng giấy tờ mang tên Ginbe chạy sang Paris. Sau đó ít lâu, Grosfoghen cũng sang Paris.
Như Gurevich về sau chỉ rõ, sai lầm của Leopold là ở chỗ đã dựa vào phân bộ Do Thái của Đảng Cộng sản Bỉ để tuyển mộ nhân viên. Điều đó đã dẫn đến thất bại, nhất là trong hoàn cảnh phát xít Đức chiếm đóng.
Gurevich ở lại Brussel và gánh trách nhiệm lãnh đạo nhóm. Ngoài ra, ông còn tổ chức được một công ty mới là công ty “Simesco” có chi nhánh ở Paris, Marseille và nhiều thành phố châu Âu khác. Về thực chất, Gurevich đã thành lập được một mạng lưới điệp viên mới, tổ chức được những căn phòng bí mật và nhờ địa vị của mình, khai thác được những tin tức hết sức quan trọng. Những “người cấp tin vô tình” của ông là những sĩ quan hậu cần Đức chuyên đặt mua hàng qua công ty “Simesco”. Gurevich cũng thường đi sang Thuỵ Sĩ để liên lạc với nhóm điệp viên “Dora”.
Cũng trong thời gian đó, còn một nhóm điệp viên nữa hoạt động ở Bỉ, đó là nhóm “Pascan” do đại uý Cục Tình báo Liên Xô là Efremov đứng đầu.
Sau khi chiến tranh bùng nổ, ngoài việc liên lạc với rất nhiều nhóm điệp viên, Gurevich còn được trao nhiệm vụ đến Berlin tiếp xúc với một số nhóm hoạt động tại đây như nhóm “Anta”. Gurevich tận tâm thực hiện những nhiệm vụ này và chuyển về Moskva không chỉ những tin tức của mình mà còn tin tức của các nhóm khác như nhóm “Anta”, nhóm “Starsina”, nhóm “Corsicanes”. Điện đài của Gurevich hoạt động không ngừng vào các ngày 21, 23, 25, 26, 27 và 28 tháng 11 năm 1941 là những ngày phát xít Đức tiến đến cửa ngõ Moskva. Tình hình tương tự cũng diễn ra cả vào tháng 12 năm 1941. Tin tức được Trung Tâm đánh giá cao. Nhưng cơ quan phản gián và phòng săn lùng điện đài của Đức không lơi là cảnh giác. Một đội săn lùng điện đài mật được thành lập dưới sự chỉ huy của hai viên tướng phát xít là Pansiger và Hering. Trong khi ấy, Trung Tâm yêu cầu các điện đài phải hoạt động liên tục, điều này đã làm dễ dàng cho phát xít Đức trong việc săn lùng và tiêu diệt các điện đài.
Và điều không tránh khỏi đã xẩy ra. Vào tháng 12 năm 1941, đội săn lùng điện đài tổ chức một cuộc vây ráp các địa chỉ mà chúng xác định được. Một vài nhân viên điện đài, nhân viên giải mã và người chủ căn hộ có chứa một trong những đài phát, bị bắt giữ. Về sau, cả Macarov cũng bị bắt. Trepper rơi vào ổ mai phục nhưng thoát thân được nhờ xuất trình giấy chứng minh của “Tổ chức Tốt” là một tổ chức của Đức. Ông lập tức cảnh báo về việc nhóm Gurevich có thể bị thất bại. Toàn bộ mạng lưới rút vào bí mật. Trepper, Gurevich cùng vợ là Barsa lẩn trốn ở Paris và Marseille.
Trong tay Gestapo có những bức điện mật mã chuyển qua máy phát đặt ở Brussel. Việc giải mã những bức điện này đã gây tổn thất nặng nề cho các nhóm hoạt động ở Berlin như nhóm “Starsina”, nhóm “Anta”, nhóm “Corsicanes”. Thực tế là từ thời gian ấy, không còn một nhóm điệp viên Xô Viết nào ở Berlin nữa. Còn về phần các điệp viên hoạt động ở Bỉ thì số phận của họ cũng không tốt đẹp hơn. Raiman bị bắt cùng nhiều người khác, và ngay trong buổi thẩm vấn đầu tiên, y đã đồng ý hợp tác với người Đức. Kết quả việc phản bội của y là những điệp viên chịu trách nhiệm liên lạc với Hà Lan cũng bị bắt, tất cả là mười bảy người. Một nhân viên điện đài đầu hàng và ngay từ ngày 22 tháng 9 năm 1942, điện đài của y đã bắt đầu gửi tin về Moskva dưới sự giám sát của Gestapo. Tuy nhiên, những điệp viên không bị bắt đã kịp báo tin cho Trung Tâm và Trung Tâm bắt đầu “trò chơi điện đài” với người Đức. Một vài nhân viên điện đài và điệp viên khác bị Gestapo buộc phải hợp tác với chúng. Họ đã lồng vào các bức điện những dấu hiệu quy ước ngụ ý họ đang làm việc dưới sự giám sát của Gestapo, nhưng không phải dấu hiệu quy ước nào cũng được hiểu đúng.
Sau khi bị tra tấn dã man, đa số các điệp viên của “Dàn đồng ca đỏ” ở Bỉ bị hành quyết. Nhưng điều đáng sợ nhất là nhiều người bị gán cho vết nhơ phản bội, chẳng hạn như Efremov và Macarov. Trong chuyện này có phần trách nhiệm lớn của Trepper. Trong các hồi ký của mình sau chiến tranh và trong cuốn sách “Trò chơi lớn”, Trepper đã vu oan cho Gurevich, Efremov, Macarov và một số người khác.
Ngay từ tháng 8 năm 1940, Trepper đã sinh sống ở Paris. Ông ta bắt tay vào việc tổ chức hoạt động của một nhóm điệp viên mới, có một vỏ bọc chắc chắn là công ty thương mại “Simesco”. Công ty này về sau trở thành một trong những công ty chuyên cung cấp hàng cho “Tổ chức Tốt” ở Pháp là tổ chức thực hiện mọi công việc xây dựng và gia cố theo đơn đặt hàng của nước Đức phát xít. Nhờ vậy, Trepper có khả năng xin được giấy phép vào Bỉ, Hà Lan và những vùng bị chiếm đóng ở Pháp, và dĩ nhiên, ông có điều kiện thu thập những tin tức về các vấn đề kinh tế quân sự. Là một nhà tuyển mộ tài năng, Trepper đã xây dựng được một mạng lưới điệp viên gồm nhiều nguồn tin quý giá. Ông còn được phép liên lạc với những điệp viên được tuyển mộ bởi một điệp viên nằm vùng hợp pháp của Cục Tình báo Xô Viết là tướng Susloparov, tuỳ viên quân sự của Liên Xô bên cạnh chính phủ Visi. Vì vậy, Trepper bắt đầu chuyển qua tướng Susloparov cho Trung Tâm nhiều tài liệu về số lượng và cách phân bố các đơn vị quân đội phát xít ở Pháp. Vào giữa tháng 5 năm 1941, Trepper chuyển cho Trung Tâm một tin tức đặc biệt quan trọng về việc quân Đức đã chuyển qua Thuỵ Điển và Na Uy tới Phần Lan gần năm trăm ngàn lính, còn toàn bộ ban lãnh đạo cao nhất của “Tổ chức Tốt” đã chuyển đến Ba Lan. Ông cũng thông báo về việc quân Đức di chuyển từ Pháp về phía biên giới Liên Xô và nêu dự kiến ngày quân Đức có thể tấn công Liên Xô sẽ trong khoảng từ 20 đến 25 tháng 5 năm 1941. Còn thông báo về ngày tháng chính xác chiến tranh bùng nổ được Trepper chuyển qua tướng Susloparov vào ngày 21 tháng 6 năm 1941. Sau khi Susloparov về nước, Trepper và mạng lưới điệp viên của ông không còn liên lạc được với Moskva nữa.
Tháng 6 năm 1941, Cục Tình báo Xô Viết đi một nước cờ miễn cưỡng là giao cho một nhân viên điện đài của Efremov là Venxen nhiệm vụ thiết lập mối tiếp xúc với Gurevich và giúp đỡ cả Gurevich lẫn Trepper. Tất cả những sự việc ấy rút cuộc đã dẫn đến thảm họa. Do Trepper quá tự tin và đánh giá quá cao khả năng của mình, cả ba điệp viên ấy đã liên kết với nhau và tổ chức ra một mạng lưới lỏng lẻo, một hệ thống sơ hở, lộ liễu mà trong đó, Trepper mưu toan đóng vai “sếp lớn”.
Mặc dù cơ quan phản gián Đức thu được thành công ở Bỉ và Hà Lan nhưng nhiệm vụ chủ yếu của chúng vẫn là lùng bắt Trepper và Gurevich. Vào khoảng tháng 11 năm 1942, phản gián Đức đã có đủ điều kiện tiêu diệt mạng lưới điệp viên nằm vùng của Trepper ở Pháp. Chúng đã giải mã được phần lớn những thư từ trao đổi giữa Trung Tâm và Gurevich. Trong quá trình hỏi cung những điệp viên bị bắt giữ, chúng đã thu được những tin tức cần thiết về mạng lưới điệp viên ở Pháp. Đến tháng 11 năm 1942, tại Paris và Marseille, chúng bắt được Gurevich, Barsa và toàn bộ nhân viên của công ty “Simesco”.
Để tránh bị Gestapo săn lùng, Trepper tìm cách dàn dựng “vở kịch” về việc Jan Jinbert (tên giả của ông) qua đời. Nhưng “vở kịch” đó không thành. Ngày 24 tháng 11 năm 1942, Trepper bị bắt giữ tại một phòng chữa răng ở Paris. Cho đến tháng 1 năm 1943, tất cả các trợ tá và nhân viên mạng lưới bí mật của ông đều bị bắt. Số người bị bắt ở Pháp, Bỉ và Hà Lan lên tới con số hơn một trăm, trong đó bảy mươi người làm việc cho cơ quan tình báo Xô Viết.
Bộ chỉ huy Đức quyết định thông qua hệ thống đài phát của Venxen, Gurevich và Trepper để chơi “trò chơi điện đài” với các cơ quan an ninh Xô Viết. Sáu trong số tám đài phát bị chúng tịch thu nay được sử dụng vào “trò chơi” này. Nhằm cứu vãn không những chính bản thân mình mà còn có thể có ích cho công việc, Trepper và Gurevich buộc phải giả vờ hợp tác với bọn Đức. Vào tháng 6 năm 1943, qua một liên lạc viên của mình trong Đảng Cộng sản Pháp, Trepper đã thông báo được cho Trung Tâm về việc các đài phát của các nhóm điệp viên ở Pháp, Bỉ và Hà Lan đang hoạt động dưới sự giám sát của Gestapo. Điện đài bí mật của Quốc tế Cộng sản đã chuyển tin này về Moskva ngày mồng 7 tháng 7 năm 1943. Nhưng thật ra, những tin tức về các vụ bắt bớ cũng như việc các đài phát hoạt động dưới sự giám sát của tình báo Đức đã được chuyển từ đi trước đó rồi. Chẳng hạn, ngày 15 tháng 7 năm 1942, Efremov đã báo tin về vụ bắt giữ nhân viên điện đài của ông là Venxen, tiếp đó, ngày 25 tháng 9 năm 1942, Robinson báo tin về việc Efremov và Venxen bị bắt giữ. Bản thân Trepper thì ngay từ ngày 1 tháng 11 năm 1942 đã báo tin về việc nhóm điệp viên của Efremov bị bắt giữ, rồi đến ngày 20 tháng 11 năm 1942 thì xác nhận vụ bắt giữ Venxen ngày 29 tháng 6 và vụ bắt giữ Efremov ngày mồng 7 tháng 8. Từ tháng 6 năm 1943, Trung Tâm bắt đầu tiến hành “trò chơi điện đài” trên quy mô lớn với tình báo Đức.
Ngày 13 tháng 9 năm 1943, Trepper lợi dụng cơ hội thuận lợi chạy trốn khỏi đội bảo vệ phát xít. Bọn Đức tiến hành săn lùng ông. Nhưng ông lẩn trốn tại nhà bạn bè của mình ở Paris cho đến khi Paris được giải phóng vào tháng 8 năm 1944. Ngày 18 tháng 11 năm 1943, Venxen cũng trốn thoát sau khi dùng ghế đập vào đầu tên lính gác. Ông lẩn trốn ở Brussel cho đến ngày nước Bỉ được giải phóng.
Gurevich bị giam giữ cho đến khi kết thúc chiến tranh. Nhưng ông đã lập được một chiến công chưa từng có trong lịch sử tình báo là tuyển mộ được một nhân viên phản gián Đức tên là Pannvis. Ngay trước khi quân đội Đồng minh tiến sát đến Paris, Gurevich, Pannvis, nhân viên điện đài và người nữ thư ký của ông đã chạy trốn được vào dãy Anpes, mang theo nhiều tài liệu lưu trữ của đội săn lùng “Dàn đồng ca đỏ”.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, Trepper cùng các điệp viên Xô Viết khác trở về Moskva. Không thể nói rằng tại Moskva, ông được đón tiếp như người anh hùng. Ông buộc phải chịu trách nhiệm không chỉ về những sai lầm thực sự của bản thân ông mà còn về những thất bại xảy ra do lỗi của Trung Tâm. Ông bị đàn áp và 9 năm sau, tức là năm 1954 mới được phóng thích. Từ năm 1957, ông sống ở Ba Lan rồi đến năm 1973, ông từ Ba Lan di cư sang Israel. Ông qua đời tại Israel vào năm 1982.
Cuộc sống sau chiến tranh của Gurevich cũng rất khó khăn. Mặc dù đưa được về Moskva những “chiến lợi phẩm” quý giá như nhân viên tình báo Đức Pannvis và tập tài liệu lưu trữ của “Dàn đồng ca đỏ”, nhưng ông vẫn bị quy trách nhiệm về vụ thất bại của “Dàn đồng ca đỏ” ở Berlin và nhiều lỗi lầm khác. Ông phải ngồi tù một thời gian dài trước khi được trả tự do, nhưng mãi gần đây ông mới được phục hồi danh dự.