Một trong những gương mặt rực rỡ nhất và thơ mộng nhất trong lịch sử tình báo là ngài Thomas Edvard Laurence. Ông là người thờ ơ với phụ nữ và tiền bạc. Ông chỉ yêu bản thân mình và đế chế Anh. Về bản thân mình ông đã nói: “Nói chung tôi giống như một người qua đường khéo léo trốn tránh những chiếc ô tô chạy trên chính lộ”. Người ta đã viết nhiều tiểu thuyết và dựng nhiều phim về ông, nhưng vẫn còn một số sự thật pha trộn với những sai lệch. Tuy nhiên chỉ những sự thật đã có trong đó cũng đủ làm cho nhân cách của ông trở thành anh hùng.
Ông sinh ngày 15 tháng 8 năm 1888 trong một gia đình Anh-Ireland trung lưu. Ông học trường Oxford. Theo lời ông thì ông “ghét cay ghét đắng nhà trường phổ thông”, bởi vì nó làm ông sao nhãng công việc chủ yếu là đọc những cuốn sách về các cuộc thập tự chinh và về khảo cổ. Hai chủ đề này ông biết thật sâu sắc, cũng như tất cả những gì liên quan đến vùng Viễn Đông là điểm đến của lính Thập tự quân và là nơi có nhiều công trình khảo cổ.
Năm 1910, Laurence về ở miền Đông Ả Rập. Ông đã nghiên cứu cẩn thận đời sống, phong tục và tín ngưỡng của người Ả Rập, ông biết thành thạo tiếng Ả Rập và tiếng nói của nhiều bộ tộc du mục. Có lẽ, trên bán đảo Ả Rập không còn chỗ nào là ông chưa tới. Ông có mối quan hệ quen biết với tất cả thủ lĩnh các bộ tộc. Ông biết rõ các mặt mạnh và yếu của các thủ lĩnh, biết rằng có thể lôi kéo ai và lôi kéo bằng cách nào. Khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất nổ ra Laurence trở thành điệp viên nước Anh, nói chính xác hơn là của MI-4, hoặc là của Văn phòng Ả Rập, là văn phòng có nhiệm vụ theo dõi sự phát triển của phong trào dân tộc chủ nghĩa của những người Ả Rập trên dọc biên giới của đế chế Osman. Lúc bấy giờ tất cả những vùng đất ả Rập và những dân tộc sinh sống trên đó đều nằm dưới quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi chiến tranh nổ ra thì đế chế Anh cũng vươn bàn tay của mình tới đó. Nhưng quân đội thường trực của Anh đóng tại các căn cứ của mình không tiện giao chiến với những người Thổ. Cần có những nhóm nhỏ linh hoạt quen với cuộc sống trên hoang mạc khô cằn vắng vẻ, quen đi lại trên đó, có thể dễ dàng thọc sâu vào hậu phương quân địch và tiến hành phá hoại. Ngoài ra, đó còn là khả năng chiến đấu với quân Thổ bằng bàn tay kẻ khác, mà vẫn bảo toàn được lực lượng chủ yếu của mình trên các chiến trường khác. Trong thời gian này các nhà dân tộc chủ nghĩa Ả Rập đã tự bắt đầu cuộc chiến chống người Thổ. Tại miền Nam bán đảo ả Rập lá cờ xanh khởi nghĩa của người ả Rập đã được phất lên bởi Abd el Azid ibn Saud, người đứng đầu giáo phái Vahhabit và là kẻ thù của những người Hasimit. Người đứng đầu tổ chức tôn giáo-chính trị Hasimit là vị giáo chủ ở Mekka Husseyin ibn Ali, năm 1916 ông này đã được xưng tụng là vua Hidzhaza.
Nên ủng hộ ai đây, Saud hay là Husseyin? Nên ủng hộ những người Vahhabit hay là Hasimit? Cao uỷ Anh ở Cairo, ngài Henri Makmagon và ông sếp tình báo quân sự ở Viễn Đông thiếu tá Aston đã tin vào những người Hasimit và thậm chí đã tuyên bố với ông Husseyin rằng sau khi đế chế Osman sụp đổ người ta sẽ đưa ông và các con trai lên làm thủ lĩnh Liên đoàn Ả Rập tương lai. Cũng lúc này Văn phòng Ấn Độ của tình báo Anh lại ủng hộ những người Vahhabit. Đại diện của Văn phòng ông Saint John Filby, cha của Kim Filby mà sau này rất nổi tiếng, vào năm 1917 đã lên đường tới Er-Riad với một nhiệm vụ hết sức bí mật: thông báo cho Saud biết rằng vua George V có ý định đưa chính ông ta lên làm thủ lĩnh Liên đoàn Ả Rập, liên đoàn này sẽ được hình thành sau khi đế chế Osman sụp đổ. Đến lần này chính sách “Chia để trị” vẫn là phục vụ cho quyền lợi của đế chế Anh.
Nhưng bây giờ chúng ta hãy trở lại với nhân vật của mình. Laurence đã chiếm được lòng tin của người con cương quyết nhất của Husseyin là Feysal, người đang theo đuổi mục đích tổ chức cả một đạo quân chống lại người Thổ. Tuy nhiên, việc tổ chức một đạo quân thống nhất to lớn vào thời bấy giờ là điều hoàn toàn không hiện thực. Người ta cần có những đơn vị nhỏ cơ động, những đơn vị này giống như một đàn chó sói, chúng lao vào con gấu từ nhiều phía khác nhau, nghĩa là họ có thể tấn công và cấu xé quân đội Thổ hùng mạnh, nhưng không năng động. Thomas Laurence là người thực hiện việc xây dựng lực lượng khởi nghĩa kiểu “người dơi” này. Là một người da trắng, mắt xanh, ông không giống người Ả Rập chút nào cả. Nhưng khi mặc quần áo chúng, bịt nửa mặt, da phơi nắng ngăm ngăm, nói thành thạo tiếng Ả Rập, thì ông có thể dễ dàng trông giống như một người Ả Rập du mục. Còn ý chí kiên cường, ưa phiêu lưu mạo hiểm, tính kiên trì vươn tới mục đích đã cho phép ông trở thành thủ lĩnh trong bất kỳ cộng đồng nào. Hơn thế nữa, ông lại có nhiều tiền do tình báo Anh cung cấp. Thomas Laurence đã ăn uống, sinh sống như những người Ả Rập. Ông đã khuyên các nhà tình báo khác: “Các ông phải cảm thấy mình là diễn viên, sắm vai suốt ngày suốt đêm trong nhiều tháng liền, không được nghỉ ngơi và phải chịu nhiều rủi ro”.
Đôi khi ông ngồi chơi cả chiều với một thầy tu, sau đó lên lạc đà đi suốt đêm và đến sáng lại gặp gỡ một người khác. Nói chuyện với những người đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong những chỉ thị của mình, mà ông gọi là “27 điều”, ông viết: “Hãy chiếm lấy lòng tin của người lãnh đạo và hãy giữ gìn lòng tin đó. Nếu có thể thì phải dùng tiền của mình mà củng cố uy tín cho người đó trước mắt những người khác. Không bao giờ được từ chối và đừng làm hỏng những kế hoạch mà người đó có thể đưa ra. Bao giờ cũng phải ủng hộ những kế hoạch đó, rồi sau khi có lời khen ngợi, lại thay đổi chút ít, buộc chính người thủ lĩnh đó phải đưa ra đề nghị cho đến khi những đề nghị này trùng hợp với ý kiến riêng của ông… Mặc dù rất khó có thể bắt một người Ả Rập du mục làm một việc gì, nhưng lại dễ dàng có thể lãnh đạo anh ta, chỉ cần ông biết kiên nhẫn. Sự can thiệp của ông càng ít lộ ra bao nhiêu, thì ảnh hưởng của ông càng to lớn bấy nhiêu. Những người du mục sẽ rất vui lòng tuân theo lời khuyên của ông, thậm chí họ không lường được rằng chính ông hay những người khác biết điều đó. Không nên trá hình… Nhưng khi sống với những người Ả Rập mà ông ăn mặc quần áo như họ, thì ông chiếm được lòng tin và tình bạn tới mức mà nếu mặc quân phục thì không bao giờ ông có thể có được. Tuy nhiên đó là điều khó khăn và nguy hiểm. Chính vì ông đã ăn mặc như những người Ả Rập nên họ sẽ không bao giờ làm điều gì đặc biệt đối với ông cả…
Đôi khi ông phải tham gia vào những cuộc tranh luận về tôn giáo. Ông hãy thoải mái nói về tín ngưỡng của mình, nhưng tránh đừng phê phán những quan điểm của họ…
Đừng noi gương những người Ả Rập và hãy tránh những cuộc phiếm đàm về phụ nữ. Vấn đề đó cũng khó như là tôn giáo. Về mặt này những quan điểm của những người Ả Rập khác xa những quan điểm của chúng ta, đến nỗi những nhận xét vu vơ họ cũng coi là không biết kiềm chế, cũng giống như một số những nhận xét của họ, nếu được dịch nguyên văn thì ông cũng coi là thiếu cẩn trọng.
Toàn bộ bí quyết tiếp xúc với người Ả Rập là phải không ngừng nghiên cứu họ. Luôn luôn phải cảnh giác, không bao giờ được nói thừa, luôn luôn phải theo dõi bản thân mình và các đồng đội. Phải nghe ngóng những gì đang diễn ra, tìm cho thấy những nguyên nhân thật sự. Hãy nghiên cứu tính cách của những người Ả Rập, sở thích và say mê của họ và phải lưu giữ những gì mình phát hiện được… Thành công của ông sẽ tương xứng với số năng lượng trí tuệ mà ông bỏ ra”.
Trong những hồi ký của mình Thomas Laurence tuyên bố mình là người ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của những người Ả Rập. Thực ra, ông chỉ lo lắng đến quyền lợi của nước Anh, là nước đang mưu đồ xâm chiếm thuộc địa mới. Làm sao ta có thể phê phán một người Anh được giáo dục trên những truyền thống của đế chế Anh, người luôn luôn tin rằng “My country is my country, good or bad, but it is my country!” (Đất nước tôi là đất nước tôi, dù tốt hay xấu thì đó cũng là đất nước tôi!)
Nhờ có hành động khéo léo và cương quyết mà Thomas Laurence đã có thể trở thành sủng thần của Husseyin và người con trai Feysal, đứng đầu nhiều bộ lạc, của ông ta. Ông đã gợi ý cho họ khẩu hiệu: “Đoàn kết người Ả Rập để đấu tranh với Thổ”. Nhờ khẩu hiệu này mà có phong trào nghĩa quân và tổ chức được những đơn vị tinh nhuệ, được trang bị bằng súng ống nước Anh. Cuộc khởi nghĩa thực chất là do Thomas Laurence lãnh đạo. Ông được phong chức đại tá và được gọi là “Laurence xứ Avaria”. Cái đầu của ông được người Thổ treo giá hai mươi ngàn bảng Anh. Các đơn vị của Feysal – Laurence đã gây ra bao nhiêu tai họa cho quân đội Thổ, khi các đơn vị này hoạt động theo lối du kích trên mọi tuyến đường. Đồng thời họ cũng thu được những thắng lợi đặc trưng cho cuộc chiến tranh “thường trực”. Sau cuộc chuyển quân mệt mỏi vượt qua sa mạc tháng 7 năm 1917 các đạo quân dưới sự chỉ huy của Feysal và Laurence bằng một cuộc tấn công thần tốc đã chiếm được cảng Akaba. Tháng 9 năm 1918, Laurence cùng với một đạo quân nhỏ đi lạc đà, lợi dụng lúc quân Thổ rút Louis, đã tiến vào Damask.
Nhờ kết quả của Đại chiến thế giới I và nhờ hoạt động của Laurence, nước Anh đã có được những thuộc địa mới: Iraq, Palestin, căn cứ dầu mỏ và hải quân ở Hayf, củng cố được quyền thống trị của mình trên bán đảo Ả Rập. Sau Đại chiến II nước Anh mất hết những vùng đất này, nhưng lúc đó thì đấy là chiến công của đế chế Anh và công lao của chính đại tá Laurence. Tuy nhiên, ngay lúc đó chiến công cũng không phải là hoàn hảo. Ngay sau chiến tranh, dưới áp lực của Pháp, người Anh đã phải rút quân ra khỏi Siri, người Pháp chiếm Damask, đuổi người Ả Rập ra khỏi Palestin. “Người bạn” thân quý nhất của Laurence là Feysal đã không hết lời nguyền rủa ông, còn Saud, “người bạn” của Saint John Filby năm 1924 đã đuổi “bạn” của Laurence là Husseyin ra khỏi Mekka, trở thành người sáng lập ra nước Ả Rập Seut.
Sau chiến tranh Laurence lại làm công việc khác. Năm 1921 theo đề nghị của Winston Churchill, bộ trưởng Bộ Thuộc địa, Laurence trở thành cố vấn chính trị trong ban lãnh đạo mới về Trung Đông. Ông có dịp chuộc lại lỗi lầm xưa đối với Feysal, người bị trục xuất ra khỏi Siri. Chính vì Iraq rơi vào vòng bảo hộ của Anh, cho nên mọi vấn đề quyền lực ở đây được giải quyết trong Bộ Thuộc địa. Tháng 3 năm 1921 tại một hội nghị ở Cairo, Laurence đã thuyết phục được Churchill đưa Feysal lên làm vua Irak. Sau vụ đó Laurence bất ngờ rời bỏ cương vị đầy uy tín của mình và đến tháng 8 năm 1922 ông tham gia với tư cách… binh nhì trong ngành không quân nước Anh mang họ là Ross. Ông làm gì thì không ai biết nhưng sau nửa năm có một sĩ quan xấu chơi với ông từ lâu đã phát hiện ra ông và công khai nêu tên ông trên báo.
Khi đó ngành tình báo Anh lại giao cho ông một nhiệm vụ mới mà ông phải thực hiện tại Ấn Độ trên biên giới với Afganistan. Tại đó ông xuất hiện với hai khuôn mặt: anh thợ máy Sou khi quan hệ với người Anh, và là thầy tu Pir-Karam khi gặp “người bản xứ”. Lúc bấy giờ thủ lĩnh Hồi giáo ở Afganistan là Amanulla có ý định làm cải cách trong nước. Nhưng điều đó không có lợi cho nước Anh, nên người Anh tìm mọi cách để triệt thoái ông, đưa một thủ lĩnh khác lên thay, một người ngoan ngoãn với thực dân Anh. Năm 1927-1928 việc đó do đại tá Laurence đảm nhận.
Ông đã thu xếp được quan hệ với tên giết người cướp của Bachay Sakao. Tên này nổi tiếng vì đã giết cha đẻ, giết vợ, giết con la, mà không đếm xỉa gì đến hàng mấy chục người xung quanh. Laurence đặt hy vọng vào tên đó. Ông hứa hẹn ngai vàng ở Afganistan cho hắn, nếu hắn giúp loại trừ được Amanulla. Laurence hoạch định và thực hiện một kế hoạch quỉ quái nhằm làm cho toàn dân căm ghét Amanulla, trước hết là những người Hồi giáo cánh hữu. Các nhân viên của Laurence và Sakao bắt đầu tuyên truyền chống Amanulla và những cuộc cải cách của ông: ông ta đang vi phạm các điều luật của Thánh Tiên tri – bỏ khăn xếp, bỏ quần áo Hồi giáo, bắt phụ nữ bỏ che mạng, bắt họ đi học, cho phép nam giới cạo râu ria, muốn mọi người đi bác sĩ chữa bệnh, v.v… Đám dân chúng tăm tối và thất học đã đứng lên chống lại Amanulla. Lửa đổ thêm dầu là việc Laurence thông qua nhân viên của mình mà truyền bá những tấm hình chụp các cô gái ngồi hớ hênh trên đùi nam giới. Những dòng chữ đề dưới những tấm hình ấy cũng là buộc tội Amanulla đã “vi phạm những mệnh lệnh thiêng liêng của Đức Tiên tri và luật Hồi giáo”. Sau đó Laurence truyền bá trên khắp đất nước Afganistan một bản tuyên bố nhân danh tất cả những người Hồi giáo cánh hữu, kêu gọi lật đổ Amanulla và công nhận người lãnh đạo mới là Bachay Sakao.
Bachay Sakao chiếm được Kabul, tự xưng là thủ lĩnh và triển khai hoạt động tích cực chống Xô Viết. Lập căn cứ trên lãnh thổ Afganistan, hai mươi ngàn quân phản động bắt đầu cướp phá các nước cộng hoà Xô Viết Trung Á: Tadzhikistan, Turmeniya, Uzbekistan.
Cho rằng nhiệm vụ đã hoàn thành và biết rằng tên ăn cướp Sakao không thể nào trụ lâu được, vào đầu năm 1929 đại tá Laurence trở về London, tại đây ông trở thành nhân vật của một vụ bê bối ầm ĩ: các đại biểu Công đảng chất vấn trong nghị viện về những hành tung của Laurence ở Afganistan. Thời gian đó những người tham gia cuộc tuần hành do những người cộng sản tổ chức đã đốt hình nộm của Pir-Karam và Laurence. Laurence bốn mươi hai tuổi bị buộc thôi việc và bắt đầu viết hồi ký. Ông đã viết hai cuốn sách: “Khởi nghĩa trên sa mạc” và “Bẩy cây trụ cột thông thái”.
Tháng 10 năm 1929, “ông bạn” của Laurence là Bachay Sakao bị lật đổ và bị hành quyết.
Nhưng bản tính phiêu lưu của “người bị huyền chức” vẫn không thay đổi. Ông có ý đồ gặp Hitler và thiết lập quan hệ với lãnh tụ phát xít Anh là Osvald Mosli. Tuy nhiên, những ý đồ đó may mà không được thực hiện. Ngày 19 tháng 5 năm 1935, ông qua đời trong một tai nạn xe máy. Đại tá Thomas Edvard Laurence được chôn cất tại Nhà thờ Thánh Paul ở London bên cạnh những người anh hùng chiến tranh của nước Anh và các nhà quí tộc danh tiếng.