Lafayette Baker (1826-1868) Điệp Viên Đầu Tiên Thời Nội Chiến Nước Mỹ

Cho tới đầu cuộc Nội chiến (1861-1865), ở Mỹ vẫn chưa có hoạt động tình báo. Allan Pinkerton và các đồng nghiệp trong văn phòng thám tử của ông vào những năm chiến tranh chỉ là những nhân viên phản gián chứ chưa hẳn là những điệp viên. Thế nhưng tổng tư lệnh quân miền Bắc, người đã ra ứng cử tổng thống Winfil Scott lại cần có thông tin chi tiết về đối phương, những thông tin mà bản thân quân báo và những hàng binh không thể nào cung cấp cho ông được.

Viên sĩ quan trẻ Lafayette Baker xung phong vượt trận tuyến sang hậu phương của quân Liên bang, thậm chí có thể đến tận thủ đô của họ là Richmond. Anh được giới thiệu với tổng tư lệnh Scott.

Baker nhận chỉ thị cụ thể của trưởng ban tham mưu và mấy ngày sau lên đường dưới danh nghĩa một nhà nhiếp ảnh lang thang. Đó là một sự cải trang kỳ lạ vì chiếc máy ảnh trong tay một kẻ đi lang thang ở hậu phương quân địch thì điều đó rõ ràng chứng tỏ anh ta là gián điệp. Nhưng sự kiện này xảy ra vào năm 1861, khi chiếc máy ảnh đặt trên chiếc chân chống to tướng còn là một vật kì lạ. Lính tráng khắp vùng kéo đến xem, đấy là chưa nói đến việc chụp ảnh, thậm chí họ hy vọng nhận được ảnh cũng đã là hạnh phúc lắm rồi. Một chi tiết thú vị khác là máy ảnh của Baker bị hỏng và không thể chụp được cái gì, song không ai, kể cả cơ quan phản gián quân miền Nam, hay biết. Việc vượt trận tuyến từ phía quân Liên bang là khó nhất đối với Baker. Người ta quát tháo, đuổi theo và thậm chí bắn nữa. Hai lần anh bị bắt và bị kết tội làm gián điệp cho quân miền Nam. Chỉ có sự can thiệp của tướng Scott mới cứu nổi mạng sống cho Baker và để cho anh tiếp tục lên đường.

Ý đồ hoạt động không có kế hoạch của điệp viên chấm dứt, khi anh rơi vào tay đội quân kỵ mã của miền Nam. Các kỵ sĩ vui nhộn chất cả người lẫn chiếc máy ảnh cồng kềnh lên con ngựa dự phòng và dẫn về đại bản doanh. Không ai nghĩ đến chuyện khám xét anh ta, nếu không thì 200 đồng đô la mà nhà nhiếp ảnh giấu trong người có thể sẽ giết hại anh ta.

Tổng tư lệnh quân miền Nam hồi đó thẩm vấn và nói chuyện với anh. Baker hoàn toàn cởi mở thông báo cho những người miền Nam những tin tức thu thập được khi sống ở Washington. Các nhà lãnh đạo quân miền Nam rất hài lòng về thông tin của Baker cung cấp về tình hình miền Bắc và trong lúc hứng khởi đôi khi buột miệng nói ra những gì mà trong câu chuyện với nhân vật quan trọng hơn không bao giờ dám tiết lộ. Đối với họ dù nghề nghiệp của Baker rất đặc biệt, anh cũng chỉ là một nhân vật hèn kém như nghệ sĩ, nhạc công, hề và ảo thuật, những người mà không có gì phải giữ ý. Song thời gian đầu dù sao anh cũng bị nghi ngờ và thực tế đã bị giam giữ. Anh thường ngủ đêm tại các nhà tù, ở các phòng giam, còn ở Richmond chính ngài cảnh sát trưởng trực tiếp nhốt anh. Dần dần người ta tỏ ra tin tưởng hơn đối với Baker và anh bắt đầu hoạt động tình báo của mình. Anh tới tất cả các trung đoàn quân miền Nam đóng ở Virginia, chụp toàn cảnh từng trung đoàn, lúc họ ăn cơm, khi tập tành và các sân chơi thể thao. Sau khi chụp ban tham mưu lữ đoàn, anh hứa tặng cho các sĩ quan trẻ và tướng tá những bức ảnh tuyệt vời. Nhưng ảnh không bao giờ được in ra và tặng cho những người được chụp. Lúc đầu mọi người cho anh ta là kẻ lừa đảo và theo phong tục thời đó chỉ thì cần đánh cho một trận nên thân rồi đuổi cổ đi chỗ khác. Nhưng những cán bộ phản gián ở đây tỏ ra là những người nhìn xa trông rộng hơn. Họ qui cho anh ta tội do thám và tống giam vào tù. Song Baker không chờ đến ngày tòa án binh xét xử mà hậu quả của nó đã quá rõ ràng. Anh đã dùng số tiền còn lại của mình mua dụng cụ để phá cánh cửa phòng giam và trốn mất. Anh để lại cho quân miền Nam chiếc máy ảnh với bộ chân cồng kềnh và ý nghĩ rằng anh ta đã đùa rỡn ác ý với họ.

Qua nhiều đêm lần mò, Baker đã tới trận tuyến và “đầu hàng” quân Liên bang. Anh được dẫn ngay đến gặp tướng Scott. Vị tướng cùng các sĩ quan chăm chú nghe báo cáo cặn kẽ của điệp viên. Tướng Scott hết sức ngạc nhiên về tài quan sát, trí nhớ và khả năng phân tích của Baker và bổ nhiệm anh làm chỉ huy trưởng quân cảnh. Sau đó anh được thăng chức cấp tướng phụ trách cả tình báo lẫn phản gián quân đội miền Bắc. Một trong những điệp viên của Baker lọt được vào ban tham mưu của quân miền Nam ở Richmond. Chỉ sau vài tuần điệp viên này trở về gặp Baker với bức thư của thống đốc gửi cho phái viên của phái Liên bang ở Canada. Phong bì không bị bóc vì điệp viên đã thông báo rằng trong đó chỉ có bức thư giới thiệu do chính tay ngài Jefferson Davis viết và niêm phong. Sau cuộc trao đổi thư từ trót lọt điệp viên trở thành liên lạc viên thường xuyên trong đường dây Richmond – Canada. Nhưng giờ đây những thư từ mà anh ta chuyển đã bị cơ quan phản gián của Baker kiểm duyệt. Để làm việc này các chuyên gia đã dùng giấy và dấu niêm phong y như của các bì thư thật.

Trong một bức thư có đề cập tới kế hoạch phá hoại nguy hiểm: dự định tổ chức phóng hỏa và gây nổ ở New York và Chicago, đặt mìn đồng thời một lúc ở các cửa hàng lớn, nơi vui chơi giải trí đông người. Cảnh sát và quân đội liền có những biện pháp cần thiết. Cháy chỉ xảy ra ở một nơi, còn mìn không hề làm tổn hại gì.

Dưới sự chỉ đạo của Baker còn thực hiện được một phi vụ nữa. Qua điệp viên của mình biết được rằng trong suốt một năm chiến tranh cứ sau mỗi buổi họp của nội các là có báo cáo chi tiết gửi cho quân miền Nam. Cơ quan phản gián của Baker phát hiện là cơ sở gián điệp chuyển những báo cáo đó chủ yếu gồm các trưởng trạm bưu điện của bang Mariland. Trừ ba người ra còn lại toàn bộ là điệp viên của miền Nam. Việc loại bỏ tổ chức gián điệp này là một trong những chiến công của vị tướng Lafayette Baker.

error: Content is protected !!