Kim Sơn (1928 – ?) Những Vai Kịch Của Điệp Viên A14

Tháng 9-1950, trên đường sang chi viện cho chiến trường Triều Tiên, thông báo hạm đồ sộ Amyot D’lnville của Pháp đã bị đánh nổ tung trên biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Thực chất, chiến công vang dội này là đoạn kết của một điệp vụ lừng lẫy mà lực lượng Công an Việt Nam đã thực hiện thành công trong 14 tháng trời (7/1949 – 9/1950). Sau nửa thế kỷ, nhân vật và tình tiết của câu chuyện đã trở thành đề tài  và chất liệu cho ra đời hàng chục bài báo và ít nhất 3 bộ tiểu thuyết lớn, khắc họa khá đầy đủ chiến công của các chiến sĩ Hoàng Đạo, Kim Sơn, Chu Duy Kính và Nguyễn Thị Lợi, tức các điệp viên A13, A14, A15, A16 trong điệp vụ này.

Tuy nhiên, theo dòng thời gian, nhiều bí mật vẫn tiếp tục được vén lên và công bố. Trong bài này xin nói về một vai kịch táo bạo của điệp viên A14.

Nguyễn Kim Sơn là con trai một nhà buôn lớn, sinh tại Sài Gòn năm 1928. Do công việc làm ăn buôn bán của cha mẹ nên hầu hết tuổi thơ của anh đều trôi qua trên đất Campuchia. Tháng 3-1945, anh vừa tốt nghiệp trung học tại Trường Lycée Sisowath (Phnôm Pênh) thì Nhật đảo chính Pháp. Biết anh giỏi cả tiếng Nhật lẫn tiếng Pháp, đích thân viên lãnh sự Nhật tại Phnôm Pênh là Takashima đã tìm đến tận nhà anh nhờ Kim Sơn ra làm phiên dịch cho một đơn vị hiến binh Nhật tại xứ sở này. Vốn hiếu động, thích phiêu lưu, lại đang rảnh rỗi, Kim Sơn gật đầu. Ba tháng trời sau đó, anh đã cùng với chuẩn úy Nishi chỉ huy một đồn hiến binh đóng tại Kôngpông Thom để lùng bắt những người Pháp thực dân đang lẩn trốn trong rừng sau đảo chính. Hoàn toàn mơ hồ về ý thức chính trị, Kim Sơn không hề cảm thấy áy náy gì trong việc ủng hộ những người Nhật “cùng giống da vàng mũi tẹt” trong cuộc đối đầu với những người Pháp mắt xanh mũi lõ. Nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, khi đã hiểu biết đôi chút về nghiệp vụ công an, tâm hồn phóng khoáng, chuộng tự do của Kim Sơn đã bắt đầu cảm thấy “không ưa nổi” cả đám hiến binh của Nishi lẫn những tên mật vụ người Campuchia dưới quyền sếp cảnh sát Phnôm Pênh Sam Sary mà anh đang cộng tác. Vì vậy, lợi dụng việc Nishi không biết tiếng Pháp, Kim Sơn đã khôn khéo lừa, dịch sai hồ sơ, cáo trạng để y ký lệnh tha cho một tù an trí người Campuchia được Cảnh sát liệt vào hàng “đặc biệt nguy hiểm” mà anh biết rõ là một cán bộ Cộng sản Campuchia cao cấp. Trước khi Sam Sary sang và Nishi kịp phanh phui ra vụ việc, Kim Sơn đã nhanh chóng rời Phnôm Pênh về Sài Gòn, đúng vào lúc khí thế cách mạng ở quê nhà đang hừng hực. Nhiệt tình tuổi trẻ nhanh chóng được thời cuộc cuốn theo. Kim Sơn gia nhập Thanh niên tiền phong của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và hăng hái tham gia cướp chính quyền Đakao, Sài Gòn, sau đó về công tác tại Quốc gia tự vệ cuộc quận Phú Nhuận.

Kim Sơn nhận công tác chưa được bao lâu, Pháp tái chiếm Nam Bộ. Là người có bằng cấp, anh được Công an Nam Bộ cử ra Nha Công an theo học lớp công an Trung cấp Liên khu III tại Chợ Dầu (Phủ Lý, Hà Nam), nhằm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Tháng 11-1948, khóa học kết thúc. Lễ bế mạc có tổ chức cả biểu diễn văn nghệ để góp vui. Món này, Kim Sơn tỏ ra rất có năng khiếu. Anh đã tự viết kịch bản và đạo diễn một vở kịch ngắn, sau đó tự mình đóng luôn cả ba vai ông già, cô gái, đứa trẻ, diễn luôn trong đêm vui. Vở diễn thành công quá mức tưởng tượng, được người xem hoan hô nhiệt liệt. Trong số khán giả đêm ấy có cả ông Nguyễn Phú Doãn, tức Nguyễn Tạo, tức Trần Châu Phong, thường gọi là Tạo Doãn, một cán bộ dày dạn kinh nghiệm đấu tranh từ những năm 1930-1931 lúc đó đang giữ chức Trưởng ty điệp báo thuộc Nha Công an Trung ương, được gọi dưới cái tên “Ty tập trung tài liệu”. Khả năng xử lý tình huống và nhập vai của Kim Sơn đã khiến ông Tạo Doãn chú ý. Ông yêu cầu đưa Kim Sơn về Ty mình thực tập. Nghĩ rằng làm một điệp viên để tha hồ hoạt động, Kim Sơn nhận lời ngay. Anh được đưa về một tổ công tác chuyên diệt ác phá tề của chi Lam Điền, hoạt động ở vùng giáp ranh dọc theo đường số 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng. Công việc trôi chảy, được cấp trên đánh giá cao, nhưng Kim Sơn chưa hài lòng. Óc tưởng tượng phong phú và máu phiêu lưu thôi thúc Kim Sơn hướng về những trận đánh lớn… Dự định của anh được ông Lê Văn Lăng, Trưởng chi Lam Điền ủng hộ.

Nguyên trước đó, ông Lê Văn Lăng đã cấy được một người tên là Thái vào “lót ổ” trong Phòng nhì Pháp. Khá tháo vát, Thái đã nhanh chóng chiếm được lòng tin của Phòng nhì, được chúng tăng cường bồi dưỡng để sau này sử dụng anh như một nhân mối đánh ra vùng tự do, phá hoại kháng chiến. Sau nhiều lần “thâm nhập” vùng tự do, Thái đã báo cáo với Phòng nhì: Trong hàng ngũ Việt Minh có nhiều người quốc gia không Cộng sản. Họ muốn về hợp tác cùng Quốc trưởng Bảo Đại và Chính phủ quốc gia nhưng còn nghi ngại thái độ của người Pháp. Đặc biệt, họ không muốn một mình rời Việt Minh về thành để mang tiếng đầu hàng, bị coi khinh. Nếu người Pháp có thiện chí, họ sẽ rủ nhau về theo từng đơn vị. Trước mắt, Thái có thể lôi kéo được một đại đội độc lập thuộc Trung đoàn 48 của Đại đội trưởng Hồng Quân, một người Nam Bộ thân quen với anh. Thông tin này khiến Phòng nhì Pháp như mở cờ trong bụng, hy vọng sẽ lập lại được một chiến tích tầm cỡ như việc dụ hàng Bảy Viễn ở Nam Bộ. Vì vậy, chúng ra sức thúc ép Thái. Nghe báo cáo, ông Lê Văn Lăng nảy ra dự định bố trí trá hàng để đưa một đơn vị của chi Lam Điền công khai kéo về đánh bốt Chùa Thông trên đường 5, một cứ điểm quan trọng có nhiều vũ khí của Pháp. Ông Lăng quyết định cho Kim Sơn sắm vai một y tá, cộng sự đắc lực và đồng hương Nam Bộ của Hồng Quân vào thành liên lạc với Phòng nhì bàn bạc kế hoạch đưa đại đội về “hợp tác”. Vai trò một kịch sĩ đã được Kim Sơn đảm nhận trọn vẹn. Dupra, Barberit, Jacquemin và những tay trùm sỏ Phòng nhì tỏ ra rất vồ vập với sự xuất hiện của anh. Cả thủ tướng bù nhìn Nguyễn Văn Xuân cũng nhiệt liệt hoan hô việc “đầu hàng” của Kim Sơn, mời anh hội kiến và góp ý. Mọi việc đang thuận buồm xuôi gió bỗng nhiên bị đảo lộn toàn bộ. Trên đường ra chiến khu, Kim Sơn bị tự vệ Cách mạng bắt vì tội… buôn lậu. Nguyên do là trước khi anh rời thành, tay trùm sỏ Phòng nhì Dupra muốn tỏ ra ưu ái, đã tặng Kim Sơn khá nhiều những thứ xa xỉ phẩm như đồng hồ, bút máy, thuốc lá v.v… những chứng cứ không thể chối cãi về tội buôn lậu! Không còn cách nào khác, Trưởng chi Lam Điền Lê Văn Lăng đành phải ôm toàn bộ hồ sơ vụ việc báo cáo với ông Tạo Doãn để xin ý kiến. Tuy phê phán cấp dưới gay gắt vì “phiêu lưu, manh động”, song, trong bộ óc tổ chức tài ba của ông Tạo Doãn, một kế hoạch lớn, đã hình thành, trong đó Kim Sơn vẫn đóng vai trò một nhân vật chính.

Sau thất bại của Chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông năm 1947, quân đội Pháp ở Bắc Bộ đã rắp ranh ý đồ tấn công Khu IV, vùng tự do, cái nôi hậu cần cung cấp cả lương thực và nhân lực cho đầu não kháng chiến của Việt Minh ở Chiến khu Việt Bắc. Nắm rõ ý đồ của địch, ta cũng tìm mọi cách để giữ an toàn cho Khu IV. Xét về thực lực quân sự, nếu chiến sự xảy ra ở vùng Thanh – Nghệ, ưu thế sẽ nghiêng về phía quân đội Pháp. Vì vậy, Trưởng ty điệp báo Tạo Doãn đã nghĩ đến kế hoạch bảo vệ Khu IV bằng cách đánh lừa tình báo Pháp, sao cho chúng tin chắc Việt Minh ở Khu IV còn gồm cả nhiều thành phần quốc gia không Cộng sản, sẵn sàng hợp tác với Chính phủ quốc gia của Bảo Đại và quân đội Pháp, nếu các điều kiện đưa ra được thỏa thuận. Vì vậy, một đảng “ma” được dựng lên, mang tên Phục Việt, có điều lệ, cương lĩnh hẳn hoi, và có cấu trúc tổ chức từ địa phương lên đến trung ương. Vai trò lãnh đạo cao cấp của Phục Việt sẽ do Hoàng Đạo, nguyên Trưởng ty Công an Thanh Hóa, đảm nhận. Kim Sơn vẫn tiếp tục tham gia vở kịch với vai trò con thoi giữa lãnh đạo Phục Việt và Phòng nhì Pháp.

Về phía địch, không cam chịu để cho kế hoạch lôi kéo các đảng phái về “hợp tác” gãy đổ nửa chừng chỉ vì việc Kim Sơn bị bắt nên Dupra và Phòng nhì đã tìm đủ mọi cách để cứu anh ra. Trong khi Kim Sơn hoàn toàn tự do và đang vật vã trong một trận sốt rét thập tử nhất sinh thì Dupra đã đưa cho Thái 2 vạn bạc Đông Dương để Thái giao cho bà Kiểm – một điệp báo viên của ta cấy vào Phòng nhì, đưa vào vùng tự do tìm cách lo lót cứu Kim Sơn. Lúc này, Khu IV đang đói nặng, cán bộ chiến sĩ ngành Công an đang phải bữa rau, bữa cháo cầm hơi, 2 vạn bạc Đông Dương của Phòng nhì đã thật sự đắc dụng góp phần vào việc… cứu đói. Còn Kim Sơn, sau nhiều lần từ chối Phòng nhì vì đã để “vuột” mất đại đội Hồng Quân, đã đồng ý quay lại hợp tác làm con thoi để đưa người của đảng Phục Việt về hợp tác. Với nước da xanh lét vì sốt rét, vai kịch “ngồi tù Việt Minh” của anh đã khiến đám Phòng nhì tin sái cổ và… chảy nước mắt. Kim Sơn lại bắt đầu diễn tiếp vai kịch lớn nhất của đời mình trong vai trò điệp viên A14, người liên lạc kiêm thông ngôn của đảng trưởng Phục Việt Hoàng Đạo, tức điệp viên A13, một người hơn anh 19 tuổi.

Vai diễn của hai thầy trò Hoàng Đạo – Kim Sơn khiến trùm Phòng nhì Dupra không mảy may nghi ngờ. Sau nhiều lần tiếp xúc và hàng loạt những lần kiểm tra gắt gao, Dupra bắt đầu nghĩ đến việc dùng đảng Phục Việt làm bàn đạp để đánh vào Khu IV. Để chắc ăn, y cho kiểm tra lại lần cuối. Đầu năm 1949, y thông báo cho Hoàng Đạo và Kim Sơn biết: “Tôi tin các ông nhưng cấp trên không tin. Tôi vừa được lệnh từ Sài Gòn phải “câu lưu” các ông, vì cấp trên nghi hai ông là Cộng sản trá hình”. Nói vậy, nhưng Dupra vẫn hứa sẽ “chạy” để lo “gỡ” vụ này. Cả đêm, hai thầy trò Hoàng Đạo – Kim Sơn đều không chợp mắt. Muốn chạy cũng không kịp, chỉ tổ thừa nhận vai trò điệp viên. Đêm đó Hoàng Đạo và Kim Sơn đã cấp tốc tổ chức lại gọn ghẽ toàn bộ giấy tờ, tài liệu liên quan đến Phục Việt, kể cả thư tuyệt mệnh gửi “các đồng chí Phục Việt” khuyên “không nên tin tưởng, người Pháp chỉ là những kẻ tráo trở”. Riêng Kim Sơn, vốn lo xa và ưa sạch sẽ, đã chuẩn bị tắm rửa kỹ lưỡng, xức dầu thơm, và tròng vào người mỗi thứ 2 bộ từ quần đùi đến áo lót vì e “vào tù không có cái thay”.

Không “hù” được “hai ông Phục Việt cứng cựa”, Dupra quyết định đưa họ đến tiếp kiến Tướng Alexandri, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Bắc Bộ. Là một nhà hùng biện qua thông ngôn Kim Sơn, Hoàng Đạo đã khiến viên tướng Pháp cáo già khâm phục thực lực mạnh mẽ và hoài bão lớn lao của đảng Phục Việt trong chiến khu Việt Minh. Viện tư lệnh đồng ý hết những điều kiện mà “ngài đảng trưởng Hoàng Đạo” đưa ra. Vậy là, Kim Sơn và Hoàng Đạo lại gấp rút chuẩn bị để vào Sài Gòn, sau đó lên Đà Lạt tiếp kiến và bàn luận với Quốc trưởng Bảo Đại. Mọi cuộc tiếp xúc, bàn bạc đều diễn ra suôn sẻ và có kết quả. Để hợp thức hóa vai trò, danh nghĩa của hai người và để tương xứng với địa vị của họ trong đảng Phục Việt, Bảo Đại đã phong cho Hoàng Đạo chức Quốc vụ khanh, có quyền thay quốc trưởng đi tiếp xúc, thảo luận chuyện đại sự với các đảng phái, lực lượng quốc gia khác ở trong nước. Còn Kim Sơn, dù mới 21 tuổi, Phòng nhì Pháp cũng gắn cho anh cái lon đại úy Hộ phòng Ngự lâm quân, được quyền theo chuyên cơ cùng Hoàng Đạo tháp tùng Quốc trưởng Bảo Đại và Nội các vào Nam ra Bắc bàn bạc mưu đồ đại sự. Vai diễn của hai điệp viên A13, A14 đã thành công ngoài mức tưởng tượng.

Trong chuyến về Sài Gòn trước khi lên Đà Lạt gặp Bảo Đại, Kim Sơn đã thông báo cho Dupra biết, anh sẽ đi tìm lại gia đình và ngỏ ý nhờ y tìm giúp. Tay Phòng nhì trao cho anh một địa chỉ trên đường Phan Thanh Giản, bảo: “Hình như đó là nơi ở của gia đình anh”, kèm theo nụ cười úp mở: “Về đó, sẽ có nhiều điều thú vị bất ngờ chờ anh. Nhưng có gặp người em của anh thì phải coi chừng, anh ta là Cộng sản thứ thiệt đấy”. Vừa bước vào căn nhà số 90-92-94 đường Phan Thanh Giản (nay là Lê Thị Riêng, quận 1) Kim Sơn đã hết sức ngạc nhiên khi biết rằng mình đã… có vợ, trong khi chân dung của anh lại đang đặt trên bàn thờ gia đình, dưới khói hương leo lét. Câu chuyện này cũng là kết quả tốt đẹp sau một vai kịch mà anh từng đóng. Số là năm 1944, trước lúc ra trường, học sinh Trường Lycée Sisowath và Trung học nữ Phnôm Pênh đã cùng nhau công diễn một vở kịch. Viết kịch bản xong, tác giả kiêm đạo diễn Huỳnh Trung Nhì quyết định chọn cô Nguyễn Thị Nho – hoa khôi Trường trung học nữ vào vai chính – một cô gái nghèo phải đi làm vợ bé một kẻ nhà giàu. Còn Kim Sơn, vai diễn đảm nhận khiêm tốn hơn nhiều: anh sắm vai gã đầy tớ của nhà giàu nọ. Với Kim Sơn như vậy là quá đủ. Từ lâu, anh đã thầm yêu trộm nhớ “chị” Nho (hai người bằng tuổi) nhưng chưa một lần dám ngỏ lời. Với vai đầy tớ, anh sẽ có cơ hội (dù chỉ là trên sân khấu) bưng nước, pha trà và chăm sóc “bà chúa” của lòng mình. Đùng một cái, cách hôm công diễn chỉ 2 ngày, cô Nho xin trả vai vì “bố em hổng chịu”. Ông Minh, bố cô Nho, là một viên chức của Ty Công chánh Phnôm Pênh không chịu nổi việc con gái cưng độc nhất của mình phải vào một vai khốn khổ nên nhất quyết phản đối. Không dám cãi lời cha, cô diễn viên chính đành trả vai. Đạo diễn tái mặt: Lấy ai thay bây giờ? Trời xui đất khiến, Kim Sơn xung phong: “Kiếm người khác vào vai đầy tớ, tôi đóng vai cô Ngọc vợ bé, với điều kiện cô Nho phải tự tay hóa trang cho tôi”. Bí quá, đạo diễn đành gật. Không ngờ, Kim Sơn nhập vai quá tốt. Sân khấu vừa hạ màn, giáo sư Xuân, người phụ trách môn Việt văn ở Trường Sisowath đã kêu lên với đạo diễn: “Anh thuê cô nào đóng vai cô Ngọc vừa đẹp vừa diễn hay quá vậy?!”. Sau vở diễn, tình cảm của hai người đã bắt đầu quyến luyến. Thu hết can đảm, Kim Sơn chỉ dám gửi cho người mình yêu ba chữ “Anh yêu em” bằng tiếng Pháp rồi trốn biệt, ốm tương tư suốt cả tháng trời. Cô Nho cũng viết cho anh một lá thư dài 5 trang, nêu rõ hàng loạt lý do, nào không môn đăng hộ đối (nhà Kim Sơn rất giàu), nào cả hai còn nhỏ, chưa có tương lai (mới 17 tuổi) nên chưa thể trả lời v.v… Cuộc tình mới nhen lên, dùng dằng chưa dứt thì Cách mạng tháng Tám nổ ra. Mang theo cơn ốm tương tư, Kim Sơn đi biền biệt theo kháng chiến. Trong khi đó, cô Nho cũng hồi hương về Trà Ôn, Vĩnh Long, sau đó lên Sài Gòn tiếp tục học. Là hoa khôi, hàng loạt thầy thông, thầy ký, cậu ấm đã liên tục đến “thưa chuyện” cùng cha mẹ cô xin cưới. Thấy cô Nho đã lớn, cha mẹ cô cũng có ý thúc giục. Bí quá, cô Nho lên Sài Gòn, kể hết cho em ruột của Kim Sơn là Nguyễn Ngọc Hà nghe, nhờ Hà nhắn hỏi anh Sơn một câu dứt khoát để còn yên tâm chờ đợi. Nghe Hà kể, gia đình Kim Sơn vốn cũng quý mến cô Nho nên đồng ý. Cha mẹ cô Nho đưa điều kiện phải làm đám hỏi trước cho chắc ăn. Mẹ Kim Sơn quyết định: “Đã vậy thì cho cưới luôn”. Vậy là trong khi Kim Sơn đang ngang dọc tung hoành với chi Lam Điền ở đường số 5 ngoài Bắc thì tại Sài Gòn, đám cưới linh đình của anh đã được tổ chức, chỉ vắng mỗi mình… chú rể. Cô Nho về nhà chồng, trở thành người giữ tay hòm chìa khóa của gia đình anh chưa bao lâu thì cô tin Kim Sơn đã chết ở chiến khu Việt Bắc. Vậy là bàn thờ anh được lập, cô để tang anh. Giữa năm 1949, khi Kim Sơn trở lại, thấy ông chồng kháng chiến thoắt cái trở thành một tên Việt gian, mang hàm đại úy ngự lâm quân, cô Nho giận lắm, khóc rưng rức. Gia đình Kim Sơn cũng nhìn anh bằng cặp mắt tức giận. Hoảng quá, Kim Sơn chỉ dám ở nhà vài ngày rồi lặn luôn, sau khi thề sống thề chết với cô vợ trẻ là mình không hề thay lòng đổi dạ, cả với kháng chiến lẫn với… vợ hiền. Hoàng Đạo cũng phải vận hết tài hùng biện mới giúp gia đình Sơn giải tỏa hết những mối nghi ngờ.

Tại Sài Gòn, trong vai diễn hai tên Việt gian cỡ bự, cả Hoàng Đạo lẫn Kim Sơn đã bị Công an Nam Bộ tóm cổ. Phải mất hơn nửa tháng, cả hai mới chứng minh được tư cách kháng chiến của mình mà vẫn không làm lộ vai diễn đặc biệt, nhờ đó mới được thả. Một tháng sau khi Kim Sơn tự do, từ Hà Nội, thư của Ty Điệp báo và Nha Công an Trung ương yêu cầu thả hai anh mới vào đến Công an Nam Bộ! Những cuộc bàn bạc thương thuyết giữa Phục Việt và Phòng nhì đã đi đến một kế hoạch quan trọng: Phục Việt sẽ khởi nghĩa ở Khu IV cướp chính quyền từ tay Việt Minh, sau đó Pháp sẽ nhanh chóng đổ quân vào hỗ trợ chính quyền do Phục Việt nắm, tiến tới khởi nghĩa toàn quốc chống Việt Minh của các đảng phái. Kế hoạch được trù liệu sẽ tiến hành vào khoảng tháng 10-1949, ngay sau đại hội đảng Phục Việt. Trước khi vào trận cuối cùng, Ty Điệp báo đã đem toàn bộ kế hoạch và điệp vụ báo cáo lên Nha Công an Trung ương. Thấy nước cờ “lấy chính trị phục vụ chuyên môn” này có phần quá phiêu lưu, Trung ương đã không duyệt. Hoàng Đạo, Kim Sơn và đảng Phục Việt “ma” được cấp trên yêu cầu chấm dứt vai trò. Trước khi rút, Hoàng Đạo và Kim Sơn được lệnh tìm mục tiêu đánh một trận thật lớn để gây tiếng vang cho cuộc kháng chiến.

Là một đại úy ngự lâm quân, thường được hộ tống Hoàng Đạo cùng Quốc trưởng Bảo Đại và Thủ tướng Trần Văn Hữu vào Nam ra Bắc bằng máy bay Dakota, óc phiêu lưu của Kim Sơn lại nhanh chóng hình thành một kịch bản táo bạo, theo mô hình của đảo chính Galvao ở Bồ Đào Nha trước đó. Nhờ hỏi chuyện phi hành đoàn, Kim Sơn biết sân bay Thanh Hóa do Nhật xây dựng từ thời Chiến tranh thế giới thứ II vẫn có thể đáp được Dakota, nếu được dọn dẹp, phát quang lại. Theo kịch bản, trong chuyến bay đưa cả Bảo Đại và nội các của Thủ tướng bù nhìn Trần Văn Hữu ra Hà Nội họp bàn kế hoạch cho khởi nghĩa của Phục Việt ở Thanh Hóa, Hoàng Đạo và Kim Sơn sẽ tiến hành bắt cóc toàn bộ nội các này. Là sĩ quan ngự lâm quân, việc Kim Sơn đưa vũ khí lên máy bay sẽ không ai ngăn cản. Khi máy bay sắp ra đến xứ Thanh, Kim Sơn sẽ “nháy” Hoàng Đạo ra và trao khẩu Thomson vào tay anh. Trong khi Kim Sơn dùng súng Côn bạt khống chế phi hành đoàn thì Hoàng Đạo sẽ chĩa súng vào ngực Bảo Đại và toàn bộ nội các, bắt máy bay phải đáp xuống sân bay Thanh Hóa. Kế hoạch gần như chắc chắn thành công. Trường hợp xấu nhất, Kim Sơn và Hoàng Đạo sẽ cho nổ máy bay, tiêu diệt toàn bộ nội các lẫn Quốc trưởng, gây tiếng vang thật lớn.

Quá phấn khởi với vở diễn táo bạo và chắc ăn này, Hoàng Đạo đã nhanh chóng báo cáo với cấp trên xin chỉ thị. Phấn khích vì kế hoạch thỏa mãn cả óc tưởng tượng lẫn máu phiêu lưu, cả Hoàng Đạo lẫn Kim Sơn đều không tính đến hậu quả của cú “bắt cóc” động trời này. Lẽ tất nhiên, ngay khi Bảo Đại và toàn bộ nội các Trần Văn Hữu bị bắt sống, Pháp sẽ tung quân nhảy dù vào Thanh Hóa để giải cứu, đồng thời toàn bộ vùng biển Khu IV cũng sẽ bị tàu chiến Pháp vây chặt. Lực lượng quân sự của ta ở Thanh Hóa lúc này chỉ chủ yếu là dân quân tự vệ, còn quân chính quy đã tăng cường gần hết cho các chiến trường khác, e không thể cố thủ nổi trước 3 gọng kìm không – thủy – lục quân của quân đội Pháp. Vì vậy, Hoàng Đạo và Kim Sơn nhận được chỉ thị: “Bãi bỏ kế hoạch, tuyệt đối không được phiêu lưu”. Rất buồn vì kế hoạch không được chấp thuận, không có cơ hội “đánh một trận kinh thiên động địa” như ao ước, nhưng Kim Sơn vẫn không nản. Anh lại nhanh chóng cùng Hoàng Đạo vạch kế hoạch bắt sống đại diện những đảng phái phản động và đánh chiến hạm Pháp đang lởn vởn ngoài khơi biển Sầm Sơn.

Theo đúng kế hoạch, ngày 15-9-1949, 3 tên phản động là Đinh Xuân Cầu – một tai mắt của tình báo Pháp, Lê Quang Thiện (tức Minh), đại biểu Quốc dân đảng và Nguyễn Văn Hướng, nguyên là Tổng bí thư đảng Đại Việt từ Vĩ tuyến 16 trở vào, được tuần dương hạm Annamite đưa vào bờ biển Sầm Sơn. 11 giờ đêm, Hoàng Đạo và Cao Nguyên Bình đứng ở mép nước bấm đèn pin ra hiệu. Lập tức thuyền phó tàu Annamite cùng đội lính bảo vệ cho hạ thủy canô xuống đưa Cầu, Hướng, Minh vào bờ. Riêng Kim Sơn, anh phải tránh mặt vì trong chuyến đưa Đinh Xuân Cầu vào thăm chiến khu Phục Việt trước đó, anh đã được cấp trên ra lệnh “chết” để chấm dứt vai kịch đang thủ diễn. Khi 3 tên phản động được đưa đến nơi an toàn, Kim Sơn mới xuất hiện. Trông thấy anh, Đinh Xuân Cầu tái mặt ngạc nhiên. Đến lúc đó, y mới được Kim Sơn và Hoàng Đạo “vui vẻ” thông báo cho biết toàn bộ sự thật. Để giữ mạng sống và chuộc tội với cách mạng, Đinh Xuân Cầu đã ngoan ngoãn viết thư cho trùm Phòng nhì Dupra thông báo “thắng lợi”, đồng thời xin thêm điện đài, đồ đạc và gấp rút chuẩn bị để “đón ông bà Hoàng Đạo cùng vào”.

Kế hoạch đánh tàu được bàn bạc đến từng chi tiết nhỏ nhất, được Nha Công an Trung ương duyệt và chỉ đạo chặt chẽ. Đích thân đồng chí Nguyễn Duy Soạn, Phó giám đốc Ty Công an Hà Nội được Nha cử vào trực tiếp chỉ huy vụ đánh tàu này. Đêm 19 rạng ngày 20-9, Kim Sơn đã một mình ra tàu chiến địch để liên lạc hẹn ngày đón. Lẽ ra, việc này phải giao cho người khác vì Kim Sơn được coi là đã chết, lỡ lên tàu gặp lại người quen thì anh chắc chết. Nhưng, ngoài Kim Sơn, không ai thuộc đường đi nước bước trên tàu địch, cũng không ai thạo tiếng Pháp hơn anh nên Kim Sơn lại đành liều mình. Dù đã cải trang thật kỹ, song từ lúc bước chân xuống thuyền đến lúc cập mạn tàu, Kim Sơn cũng cứ ngay ngáy lo lỡ đứng đón anh trên boong là Dupra, Barberit hay Jacquemin thì hỏng bét. Rất may, chuyến cải trang cho vai diễn cuối cùng đã không hề gặp sự cố nhỏ nào. Đúng hẹn, ngày 26-9-1950, thông báo hạm Amyot D’lnville, dài 150m, rộng 15m đã tiến vào cửa biển Sầm Sơn. Đây là chiếc tàu lớn nhất, giàu chiến tích nhất trong Chiến tranh thế giới thứ II của hạm đội tuần dương Pháp, nay được điều sang biển Đông và đang trên đường sang chi viện cho chiến tranh Triều Tiên. Tổ công tác gấp rút chuẩn bị cho “ông bà Hoàng Đạo” xuống tàu. Thuốc nổ được nhét trong va li quần áo của bà Hoàng Đạo, lẫn giữa những bánh thuốc phiện được đem ra bán lo kinh tài cho đảng Phục Việt. 3 ống kíp nổ do Chu Duy Kính, tức Mai, tức điệp viên A15 giữ. Người thủ vai “bà Hoàng Đạo” là điệp viên A16, chị Nguyễn Thị Lợi, một phụ nữ Nam Bộ bất hạnh được Công an Thanh Hóa cứu sống và được Hoàng Đạo cưu mang. Khi được nhận vào tổ điệp báo với bí danh A16, chị đã tình nguyện làm người xách va li xuống tàu và ở lại, chấp nhận hy sinh để đánh tàu, còn Hoàng Đạo sẽ viện cớ đang bận việc và quay lại.

Đêm ấy, biển động dữ dội, nhưng sợ chờ lâu không thấy người ra, tàu địch sẽ chạy mất lỡ cơ hội, cả tổ quyết định vẫn xuống thuyền ra biển. Đề phòng bất trắc, Hoàng Đạo đã nhờ các đồng chí địa phương chặt luồng ghép làm mảng chắp thành cánh hai bên be xuồng cho sóng khỏi đánh lật. 2 giờ sáng thuyền rời xa bờ biển Sầm Sơn. Gần 6 giờ sáng, thuyền mới xa bờ được chừng 8km. Cả đoàn đều ướt đẫm và say sóng nhừ tử. Đúng lúc đó thì thuyền cập mạn tàu Amyot D’lnville. Sau khi đưa “ông bà Hoàng Đạo” lên tàu xong, Kim Sơn cúi xuống mạn tàu bảo “người đầy tớ”: “Anh Mai đưa hành lý của bà lên”.

Chiếc va li thuốc nổ to đùng, lúc ở trên bờ Kim Sơn và Mai phải lặc lè khiêng mới đưa được xuống thuyền. Còn ở đây, thuyền tròng trành, đường lên tàu chỉ là một chiếc thang dây chao lắc, Kim Sơn vã mồ hôi. Không thể để hai người thòng dây xuống kéo, khối thuốc nổ bị va đập chắc chắn sẽ nổ tung… Đúng lúc nan giải ấy, điệp viên A15 (Mai) chứng tỏ một nỗ lực phi thường. Buộc quai vào va li thuốc nổ, một mình Mai đã cõng nó trên lưng lần từng bước trên bậc gỗ thang dây và đưa nó lên trên boong tàu cao ngất không một lần va đập.

Trong khi Hoàng Đạo, Kim Sơn ngồi nói chuyện với viên thuyền trưởng thì Mai tiếp tục đưa va li quần áo vào cabin cho “bà Hoàng Đạo” thay. Được một lát, theo lệnh Hoàng Đạo, Kim Sơn cũng xin phép thuyền trưởng để tới cabin trông chừng sức khỏe “bà Hoàng Đạo”. Vào đến nơi, anh đứng gác cửa để cho Mai cắn kíp gắn vào va li thuốc nổ. Khi mọi việc đã hoàn tất, những màn chào hỏi, từ biệt cũng đã diễn xong, cả tổ – trừ chị Lợi ở lại – xuồng thuyền để vào bờ thì một tình huống mới nảy sinh. Vào thời điểm đó, trình độ của ngành quân giới còn rất thô sơ, non yếu. Kíp nổ hẹn 4 giờ, có lúc mới 2 giờ đã nổ, có lúc… tịt luôn, không thể chủ động được. Để chắc ăn, bộ phận quân giới đã chuẩn bị cho tổ điệp báo 3 kíp nổ một lúc. Khi gắn kíp, do quá hồi hộp, Mai chỉ cắn vỡ lọ acid của 1 kíp rồi trở ra nhưng Kim Sơn không biết. Khi xuống quay mũi vào bờ, anh mới nói. Kim Sơn tức điên lên, đòi “đưa 2 chiếc kia đây, tao liều mạng lên cắm lại”. Khổ thay, 2 kíp thừa, Mai đã quăng xuống biển ngay khi vừa trở lại thuyền. Việc Kim Sơn liều mạng quay lại tàu, chấp nhận hy sinh để kích nổ va li thuốc cũng không thể thực hiện vì sự trở lại của anh sẽ báo động cho địch, chúng sẽ tiêu diệt cả đoàn và vô hiệu khối thuốc nổ ngay. Không ngờ vai diễn cuối cùng lại có nguy cơ trở thành vai diễn tồi tệ và vô ích nhất, Kim Sơn, Hoàng Đạo và tất cả mọi người đều lặng câm không nói một câu, chỉ gò lưng trên tay chèo nặng trĩu.

Hơn 10 giờ trưa ngày 27-9-1950, thuyền về đến bờ. Cả tổ trèo lên núi Độc Cước chờ đợi. Tàu Amyot D’lnville quay mũi về hướng đảo Người (Home) và mất hút. 10 giờ 30 phút… 11 giờ… 11 giờ 30 phút, khi tất cả định quay về thì “ầm”, một tiếng nổ long trời bùng lên trên mặt biển, kéo theo hàng loạt tiếng nổ dây chuyền khác, dội rền ngoài khơi. Cả tổ nhảy ào lên, ôm nhau sung sướng. Sau phút hân hoan là nước mắt lặng thầm. Hoàng Đạo, Kim Sơn chia nhau bó hương đốt cắm dọc mép bờ nước biển. Cả tổ im lặng dàn hàng ngang trông ra phía biển, cúi đầu tưởng nhớ điệp viên A16 – chị Nguyễn Thị Lợi đã vĩnh viễn không còn quay trở lại. Dù mất mát, đau thương nhưng điệp vụ của họ đã kết thúc toàn thắng. Với Kim Sơn, vai diễn lớn nhất đời anh cuối cùng cũng đã thành công mỹ mãn.

error: Content is protected !!