Kim Philby (1912 – 1988) Điệp Viên Thâm Nhập Sâu

Tên thật của ông là Andrian Pasel Philby. Ông sinh ngày 1 tháng 1 năm 1912 tại thành phố Ambala, Ấn Độ và sống ở đó cho đến khi lên bốn tuổi. Tên Kim là do cha Saint-John Philby, một người nổi tiếng, đặt cho. Ông là quan chức của chính quyền thực dân Anh, say mê nghiên cứu Đông Phương, là nhà ả Rập học nổi tiếng, theo đạo Hồi, cưới vợ hai là một nô tì người ả Rập Xêut. Ông sống nhiều năm với các bộ tộc Beduin, từng làm cố vấn cho nhà vua Ibi Saud và trong chiến thế giới lần thứ nhất là đối thủ của Louens trong việc gây ảnh hưởng tới người Ả Rập.

Từ nhỏ Kim đã biết nói tiếng Hindu và Ả Rập, sau đó học tiếng Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Ông được giáo dục theo truyền thống Anh cổ điển và được học ở nhiều trường tên tuổi ở Anh. Năm 1929, ông đỗ vào trường Trinhiti, một trong những trường lớn nhất dành cho con em quý tộc ở Cambridge. Thời đó nước Anh cũng như một số nước tư bản khác đang lâm vào khủng hoảng kinh tế. Khắp nơi tràn ngập nạn thất nghiệp. Mối đe dọa của chủ nghĩa phát xít bắt đầu lan ra từ nước Italia và Đức. Đám sinh viên không ngừng bàn luận.

Những chuyến đi tới các nước châu Âu, trước hết là Đức và Áo, nơi giai cấp công nhân đang bị đàn áp dã man, đóng một vai trò quyết định trong cuộc đời Kim Philby. Sau này ông kể: “ở nước Anh của tôi cũng có những người tìm kiếm và đấu tranh vì sự thật. Tôi tìm mọi cách để trở thành người có ích cho phong trào vĩ đại của thời đại là chủ nghĩa cộng sản. Hoá thân cho tư tưởng đó là Liên Xô, là nhân dân Xô Viết dũng cảm, người đã đặt nền móng cho thế giới mới. Tôi đã tìm được con đường đấu tranh trong hoạt động tình báo Xô Viết. Tôi luôn cho rằng, bằng công việc này tôi phục vụ cho chính dân tộc Anh của chúng tôi”.

Trước khi bắt được liên lạc với tình báo Xô Viết, Philby về Vienna, tham gia Tổ chức quốc tế trợ giúp công nhân. ở đó, ông làm quen với Litsi Phridman, một nhân vật tích cực của Đảng Cộng sản Áo. Ít lâu sau họ kết hôn (cuộc hôn nhân sau này tan vỡ).

Công việc chính của Kim là liên lạc với các đảng viên Đảng Cộng sản đang sống bí mật ở Áo, Hungari và Tiệp Khắc. Ông có hộ chiếu Anh nên dễ dàng đi lại các nước.

Vào năm 1934, tình hình ở Áo trở nên xấu đi. Chủ nghĩa phát xít bắt đầu hoành hành. Litsi chỉ vì mang trong mình dòng máu Do Thái và là đảng viên Đảng Cộng sản nên đã bị giam giữ. Không thể ở lại nước Áo được. Hộ chiếu Anh của Kim cũng không giúp gì nên họ quay về Anh.

Lúc này, cơ quan tình báo Xô Viết đã để mắt tới Philby. Một hôm, người quen của ông ở Áo là Edit Tudor Khart nói sẽ giới thiệu ông với một người “rất quan trọng” đang quan tâm tới ông. Kim lập tức nhận lời. Người đó là Arnold Dache – Stephan Lang. Sau cuộc nói chuyện ngắn ngủi, Dache đề nghị ông làm “điệp viên thâm nhập sâu”. Philby đồng ý. Từ đó, tức từ tháng 6 năm 1934, ông mang bí danh “Donkhen” – “Con trai” (tiếng Đức).

Điều đầu tiên Dache yêu cầu ông làm là cắt đứt mọi quan hệ với Đảng Cộng sản và những người ủng hộ họ. Bà vợ cũng bị yêu cầu như vậy. Điều thứ hai là chú ý tới các bạn học ở Cambridge để xem họ có phù hợp cho công tác tình báo không. Thứ ba là xác định sự nghiệp tương lai của mình dưới góc độ có lợi cho công tác tình báo.

Lúc đó, nhóm hoạt động tình báo ở London có nhiệm vụ là lọt được vào Cục Tình báo Anh. Liệu Philby có làm được điều này không? Đương nhiên, con đường thẳng để lọt được vào cơ quan tình báo là không thực hiện được, chỉ có thể qua đường Bộ Ngoại giao. Nhưng ở đây cũng bế tắc. Trường đại học không giới thiệu ông vì trước kia ông theo quan điểm cánh tả. Philby quyết định trở thành nhà báo vì ông hiểu rằng tình báo Anh luôn chú ý tới họ.

Người cùng hoạt động với Philby thời gian này là điệp viên A.M.Orlov. Hồi làm cho tạp chí “Review of review” Kim đã cung cấp cho ông những thông tin có giá trị, trong đó gồm cả các vấn đề liên quan tới vùng Cận Đông. Qua người bạn học là Wayli, ông có được bản tóm tắt hoạt động của Bộ Quốc phòng và Cục Tình báo quân đội kèm theo nhận xét về một số nhân viên.

Cũng vào khoảng thời gian đó, Wayli giới thiệu Philby với người bạn của mình là Telbot, biên tập “Báo thương mại Anh-Nga”. Tờ báo này là tiếng nói của các thương gia trước kia từng làm ăn với nước Nga Sa hoàng. Nhưng độc giả của nó teo dần nên Telbot đổi nó thành “Báo thương mại Anh-Đức”.

Tờ báo cần một biên tập viên mới và Philby vào vị trí đó. Với tư cách này ông gia nhập Hội Anh-Đức. Ông có thêm những người quen ở Đại sứ quán Đức, nhờ đó có được tin tức cần thiết. Hàng tháng ông tới Berlin, được gặp Ribbentrop và có mối quan hệ với Bộ Thông tin của Hebel.

Nhưng nếu “cố gắng” biến Philby thành người theo chủ nghĩa dân tộc thì không được vì trong trường hợp quan hệ Anh-Đức xấu đi hoặc xảy ra chiến tranh thì ông sẽ gặp rắc rối.

Năm 1936, tờ báo đóng cửa. Philby và Dache có cấp trên mới là Teodor Mali (còn gọi là “Nhỏ”), một điệp viên có tài và trung thành nhưng sau này bị thanh trừng. Dache và Mali quyết định cử Philby tới Tây Ban Nha, nơi xảy ra nội chiến.

Chuyến đi không chỉ là để thu thập thông tin về tình hình nước này, mà còn để phát triển cơ hội hoạt động tình báo của Philby và mở ra những triển vọng mới. Ông có nhiệm vụ phải tỏ ra là nhà báo dũng cảm, nổi trội nhằm thu hút sự chú ý của tình báo Anh. Tây Ban Nha khi đó là nơi tốt nhất để thể hiện những phẩm chất như vậy.

Philby tới đó với tư cách là phóng viên tự do, tự túc tiền bạc (thực tế là được cấp). Ông được giao mật mã và địa chỉ ở Paris để chuyển các báo cáo. Để chứng minh nguồn tài chính, ông bán một phần thư viện của mình.

Khi tới Lisbon, ông được văn phòng đại diện của tướng Franco cấp visa, sau đó lên đường đi Xevilu và bắt tay vào hoạt động. Những tin tức do ông cung cấp rất có giá trị, chúng có được nhờ mối quan hệ của ông với nhiều người Tây Ban Nha.

Khi trở về London, Philby mang theo bài báo dài viết về Tây Ban Nha. Nhưng đăng ở báo nào? Người cha khuyên ông “bắt đầu từ chỗ quan trọng nhất” tức là mang tới tờ “The Times”. Ông gặp may. Lúc đó tờ “The Times” không có phóng viên ở Tây Ban Nha nên sau khi xem bài báo đã đề nghị ông làm phóng viên thường trú tại đó. Có thể nói, đó là bước đột phá. Trở thành phóng viên của tờ báo này, thật đúng là giấc mơ!

Tháng 5 năm 1937, do yêu cầu công tác của toà báo và được Dache tán thành, Philby tới Tây Ban Nha. Ông mang theo bức thư giới thiệu của Đại sứ quán Đức tại Anh, nơi đây ông được coi là người ủng hộ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Hơn nữa, lại là phóng viên của tờ báo uy tín “The Times”, ông được quân của Franco đón tiếp tử tế. Ông khoe là quen với Ribbentrop và thế là trong con mắt của họ ông là bạn của nhân vật được họ quý trọng (thực tế ông chỉ gặp Ribbentrop có năm phút).

Philby làm việc không biết mệt. Ông cặm cụi viết tin tức hàng ngày cho “The Times”, thu thập các thông tin cho tình báo Xô Viết nên tìm mọi cách để có được chúng. Ông bắt thân với các sĩ quan và viên chức của chế độ Franco, đi ra mặt trận. ở đó ông đau lòng nhìn thấy thi thể các chiến sĩ cộng hoà, phải chứng kiến những cảnh xử trảm. Nhưng ông đã kìm nén được lòng mình. Philby rất khôn khéo nên được đích thân tướng Franco trao huân chương. Có lần ông suýt hy sinh vì đạn pháo khi đi ô tô ngoài mặt trận.

Ông chuyển tài liệu cho điệp viên Xô Viết ở Tây Ban Nha là A.M.Orlov. Họ thường gặp nhau ở thành phố nhỏ của Pháp nằm sát biên giới.

Khi chiến tranh ở Tây Ban Nha kết thúc, Philby trở về London. Ít lâu sau chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, ông được cử làm phóng viên quân đội thuộc ban tham mưu quân đội Anh. Khi Pháp bị chiếm, ông trở về Anh. Tòa soạn gọi ông đến và thông báo: “Đại uý Seldon ở Bộ Quốc phòng yêu cầu anh tới gặp”. Như vậy, chính tình báo Anh đã tìm đến Philby. Đúng ra là Guy Burgess, lúc đó là nhân viên tình báo tiến cử ông.

Ông được biên chế làm giảng viên trường đào tạo gián điệp biệt kích của ban “D”. Ông hiểu rằng ở đây cũng như ở toà báo “The Times” khó mà có được tài liệu bí mật của SIS.

Mùa thu năm 1940 vì hoạt động không hiệu quả nên Ban “D” và nhà trường bị chuyển sang Bộ Kinh tế chiến tranh. Hầu hết các nhân viên bị sa thải. Philby và một số được giữ lại để tổ chức trường mới có tên gọi “Trạm 17”.

Ngày 24 tháng 12 năm 1940 một điệp viên Xô Viết ở London là A.V.Gorxki đã nối liên lạc với Philby. Ông nhất trí rằng công việc ở trường không giúp gì cho Kim được. Philby tìm mọi cách để chuyển sang công việc khác. Bạn ông là Valentin Vivian, phó giám đốc SIS phụ trách công tác tình báo nước ngoài đã giúp ông. Biết là Philby đã từng ở Tây Ban Nha nên Vivian thu xếp cho ông chức trưởng ban Tây Ban Nha của SIS. Ban này phụ trách công tác phản gián ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và một phần các nước thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi nhằm ngăn cản tình báo nước ngoài xâm nhập Anh từ các nước nói trên. Được Trung Tâm đồng ý, Philby nhận chức vụ mới này.

Mặc dù đối với cơ quan phản gián Anh, Philby là cựu thành viên tổ chức cộng sản của đại học Cambridge, đọc “Báo công nhân”, vợ là người có tư tưởng chống phát xít, còn cha thì mang tư tưởng “cực đoan”. Nhưng những điều này chẳng có ý nghĩa gì vì ông đã được thử thách. Hơn nữa, tư tưởng chống phát xít vào năm 1940 không bị khép tội.

Philby tích cực đối phó với tình báo Đức ở bán đảo Pirene. Ông lấy được những tin tức cần thiết cho tình báo Xô Viết, trong đó phải kể đến những bức điện đã giải mã của Đức. Ông có được thông tin đầu tiên về nỗ lực xây dựng quan hệ giữa tình báo Anh và Canaris. Sau đó, vào năm 1941 ông biết được những cuộc đàm phán riêng giữa Anh-Mỹ và Đức.

Nhờ lòng tận tụy, cần cù và đầu óc phân tích nên Philby đã tiến xa. Vả lại, ông được mọi người quý mến. Trong số các cộng sự và bạn bè, Philby duy trì tình bằng hữu với Ian Fleming và Graham Greene tới cuối đời.

Ở cương vị mới, Philby có cơ hội lấy được những thông tin giá trị cho tình báo Xô Viết. Để có được chúng ông không chỉ lợi dụng chức vụ của mình, mà còn giao lưu rộng rãi với các đồng nghiệp ở SIS, sử dụng mối quan hệ với nhân viên của MI-5, Bộ Ngoại giao và tình báo Mỹ. Đôi khi đó là những tin tức thật bất ngờ, chẳng hạn là bức điện đã giải mã của đại sứ quán Đức ở Tokyo gửi Ribbentrop về việc mười ngày nữa Nhật sẽ tấn công Singapore. Các thông tin thường nhận được là về vấn đề hoạt động của tình báo Anh, cơ cấu, thành phần, về các điệp viên, nhất là điệp viên phòng phản gián 5.

Tháng 8 năm 1943, Philby được thăng cấp. Ông được bổ nhiệm phụ trách vài phòng bao gồm phòng phụ trách bán đảo Pirene, phòng đối phó với tình báo Đức trên lãnh thổ Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc và duy trì liên lạc với phòng phản gián của chính phủ Ba Lan lưu vong tại London. Ngoài ra ông còn chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động phản gián cho tất cả chiến dịch quân sự của các nước đồng minh do Eisenhower tiến hành và duy trì liên lạc giữa phòng phản gián của SIS và Bộ Ngoại giao Anh.

Tháng 11 năm 1944, Philby lên chức trưởng phòng 9 “đối phó với cộng sản”. Vào thời điểm đó, mười lăm nhân viên mật mã hoạt động nhằm ghi trộm các bức điện ngoại giao của Liên Xô gửi các tổ chức cộng sản. Sau khi Philby lên làm trưởng phòng, phòng này được tách thành bộ phận độc lập, nhưng vẫn có liên hệ chặt chẽ với phòng phản gián.

Thế nhưng từ năm 1942, Trung Tâm đã bắt đầu nghi ngờ Philby và cả “bộ ngũ”. Toàn bộ tin tức họ gửi về bị coi là giả. Cơ sở nào? Thứ nhất, trong số những người làm việc với họ từ đầu có “gián điệp nước ngoài” là Mali và Orlov. Thứ hai, trong năm 1942, Philby không cung cấp tài liệu nào về hoạt động của SIS tại Liên Xô, điều đó có nghĩa là “một cách đáng ngờ làm giảm nhẹ hoạt động của tình báo Anh chống lại chúng ta”.

Thái độ đối với “bộ ngũ” vẫn không thay đổi tới năm 1943 (bất chấp việc chính họ cung cấp thông tin Đức sắp tấn công tại vòng cung Cursk!). Trong thư Trung Tâm gửi nhóm hoạt động bí mật ngày 25 tháng 10 năm 1943 có đoạn viết: “Chúng tôi kết luận rằng họ, “bộ ngũ”, đã bị SIS và cơ quan phản gián phát hiện, nay phải làm theo chỉ thị của họ. Không thể có việc SIS và cơ quan phản gián tin cậy trao cho những người trước kia tham gia các hoạt động của đảng cánh tả một trọng trách trên những cương vị quan trọng như vậy, nếu như hoạt động này không nằm trong tầm kiểm soát của họ”.

Thế nhưng, việc nghiên cứu kỹ các tài liệu do Philby và các thành viên khác của “bộ ngũ” gửi về đã hoàn toàn loại trừ giả thiết đó là thông tin giả. Những tin tức do Philby gửi về khớp với các tài liệu có được từ những nguồn khác. Trong đó phải kể đến hồ sơ theo dõi của SIS về quan hệ và hợp tác giữa tình báo Anh và Nga. Tháng 7 năm 1944, Philby nhận được thư cảm ơn của Uỷ ban An ninh Quốc gia về thành tích công tác và về hồ sơ này. Thái độ đối với Philby và cả nhóm đã thay đổi. Năm 1945 họ có quyết định được nhận lương hưu trọn đời.

Đáng tiếc là năm 1948 một lần nữa họ lại bị nghi ngờ, nhưng điều này chỉ thoảng qua.

Kim đã đạt được mục tiêu mà tình báo Xô Viết đặt ra cho ông ngay từ lúc mới hoạt động. Ông không chỉ trở thành nhân viên tình báo Anh, mà còn là một trong số những nhà lãnh đạo.

Tháng 8 năm 1945, Philby tình cờ nhận được đơn của Konstantin Volkov, phó lãnh sự Liên Xô ở Xtambul gửi lãnh sự Anh xin được cùng vợ cư trú chính trị. Ông ta viết rằng mình chính là sĩ quan Bộ Nội vụ và hứa sẽ cung cấp một số thông tin về Bộ Nội vụ, nơi ông ta phục vụ trước đó. Ngoài ra, ông ta còn thông báo biết tên ba điệp viên Xô Viết làm việc ở Bộ Ngoại giao Anh và một quan chức của cơ quan phản gián tại London.

Hành động của Volkov là mối đe dọa lớn đối với Philby và những người khác. Philby thông báo với Moskva. Vì tính chất nguy hiểm của sự việc nên Philby quyết định lên đường đi Xtambul. Cũng may là khi tới nơi ông chưa kịp thoả thuận vấn đề này với Bộ Ngoại giao, Đại sứ Anh ở Thổ Nhĩ Kỳ và tình báo tại đó thì Volkov đã bị đưa về Moskva.

Cuối năm 1946, lãnh đạo tình báo Anh yêu cầu Philby hoạt động ở nước ngoài, và năm 1947, ông nhận nhiệm vụ tới Xtambul. Hoạt động ở nước ngoài là điều cần thiết đối với ông để thăng tiến. Khi đó Xtambul là cơ sở chính ở phía Nam để tiến hành công việc tình báo chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Bancal và Đông Âu.

Philby nhận được chỉ thị phải tập trung chú ý tới Liên Xô. Ông đề ra vài phương án tung điệp viên tới Odessa, Nicolaev, Novoraxixk trên các tàu buôn. Nhưng ông chú ý chính tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Xô, điều này phù hợp với mục tiêu của tình báo Xô Viết cũng như Anh, đều quan tâm tới khu vực phía Đông của Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi đây đang chuẩn bị thành lập các cơ sở kháng chiến tại những địa điểm Hồng quân sẽ chiếm đóng nếu chiến tranh xảy ra.

Công việc ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra suôn sẻ. Năm 1945, Philby được thăng chức, ông được cử làm đại diện tình báo Anh thuộc CIA và FBI tại Washington (chức vụ này tương đương với chỉ huy phó của SIS) vì việc hợp tác giữa CIA và SIS ngày càng chặt chẽ, người Anh cần phải nắm được công việc ở cơ quan an ninh Mỹ.

Vì Hoover lo ngại rằng Philby sẽ “thọc mũi” vào công việc của ông ta nên lãnh đạo SIS gửi cho ông bức điện trong đó nêu rõ nhiệm vụ của Philby chỉ là liên lạc với cơ quan Mỹ. Nhưng thực tế Philby theo yêu cầu của tình báo Anh đã “thọc mũi” vào công việc của tình báo Mỹ.

Đó là thời kỳ “săn bắt phù thuỷ”. Josef Makarti, chủ tịch Uỷ ban Nghị viên Mỹ về vấn đề hoạt động của các cơ quan chính phủ triển khai chiến dịch khủng bố những nhà hoạt động và tổ chức tiến bộ. Philby nắm được mọi hoạt động chống lại tình báo Xô Viết. Ngoài ra, trong thời gian này ông có liên lạc với Cục An ninh Canada.

Nhưng nhiệm vụ chính của ông là hợp tác với CIA. Điều này cả tình báo Anh lẫn Xô Viết đều quan tâm. Philby đã cung cấp cho Moskva hàng loạt các hoạt động tình báo chung giữa Anh và Mỹ nhằm chống lại Liên Xô.

Vào năm 1951 người Anh bắt đầu nghi ngờ Donald Maclean và đồng nghiệp là Guy Burgess làm việc cho tình báo Xô Viết. Philby lập tức thông báo cho Moskva. Hai người này được bí mật đưa sang Liên Xô. Nhưng mọi nghi ngờ giờ đây đổ lên Philby vì mọi người đều biết ông thân với cả hai từ hồi ở đại học Cambridge. Burgess đã từng sống tại nhà ông ở Washington.

Không có bằng chứng buộc tội ông, vì thế ông chỉ bị thẩm vấn. Sau vài lần tra hỏi ông bị buộc thôi việc. Ông chỉ được cấp hai nghìn bảng, rồi chuyển về sống ở một làng quê.

Sau đó ông được thông báo vụ trốn thoát của Burgess và Maclean bắt đầu bị đưa ra xét xử và ông lại bị thẩm vấn. Ông bị hai thẩm phán có kinh nghiệm là Milmo và Xkardon tra hỏi. Sau lần hỏi cung này không ai động đến ông trong vòng hai năm. Cần phải có tiền để sống nên ông quay ra làm báo.

Năm 1955 sau khi “Cuốn sách trắng” về vụ Burgess và Maclean được xuất bản thì trong nghị viện lại xôn xao về “người thứ ba” là Kim Philby. Nhưng Philby vẫn đứng vững trong thử thách này, ông tỏ ra bị oan ức và vô cùng phẫn nộ trước những lời vu khống.

Năm 1956, theo đề nghị của tờ tuần báo “Observer”, Philby tới Beirut nhưng vẫn giữ quan hệ với SIS. Ông viết về những năm tháng sống ở Beirut như sau: “Sau khi thoát khỏi nguy cơ bị lộ ở Anh, tôi có thể sống yên ổn và làm việc trong vòng bảy năm (1956 – 1965), có thể tiếp tục sự nghiệp mà tôi nguyện gửi trọn đời… Tình báo Xô Viết muốn biết tổng quát tình hình Cận Đông, muốn biết về hoạt động của CIC và SIS”.

Ông có địa vị thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ được giao, làm việc hết sức mình và cung cấp cho tình báo Xô Viết những thông tin quan trọng.

Nhưng cuối năm 1961, qua một người Mỹ (kẻ phản bội), SIS có cơ sở để kết luận Kim Philby liên quan đến mạng lưới tình báo Nga. Cựu điệp viên ở Liban là Eliot đã tới Beirut gặp ông để buộc ông phải nhận tất cả. Philby im lặng. Những ngày giáp tết và đầu năm 1963 thật là căng thẳng. Ngày 6 tháng 1, Kim bị gọi tới Đại sứ quán để gặp điệp viên Piter Lan. Nhưng Kim không đi. Chính quyền Anh chưa định bắt ông.

Ngày 23 tháng 1, ông biến mất khỏi Beirut và sau đó xuất hiện ở Moskva. Giai đoạn sau trong cuộc đời ông trôi qua ở đây. Ông ly dị với bà vợ Elenora vì bà không muốn tới sống ở Liên Xô. Kim lấy vợ lần thứ ba, một phụ nữ Nga tên là Ruphina Pukhova, sinh con, rồi có cháu. Philby làm công tác nghiên cứu khoa học, giảng bài, viết sách, hướng dẫn các điệp viên. Ông viết hồi ký, xuất bản ở London năm 1988 với lời mở đầu của Graham Greene.

Ông mất năm 1988 và được chôn cất tại Moskva.

Năm 1978 khi những tài liệu về Philby được công bố, một quan chức của CIA đã nói: “Đó là điều dẫn đến việc mọi nỗ lực của tình báo phương Tây trong giai đoạn từ 1944 đến 1954 đều uổng công. Chắc là tốt hơn nếu chúng ta không làm gì cả”.

Báo “Chicago daily news” năm 1968 viết rằng, Kim và những người đồng hương của ông là Burgess và Maclean “đã dành cho người Nga lợi thế trong lĩnh vực tình báo vào thời kỳ chiến tranh lạnh với hiệu quả vô cùng to lớn”.

error: Content is protected !!