Josephine Baker (1906 – 1975) Nữ Điệp Viên Nghệ Sĩ

Josephine Baker là người da đen sinh trưởng ở thành phố Sanluy bang Matsuri nước Mỹ và chưa học hết phổ thông, cô đã trở thành vũ nữ kiêm ca sĩ, và đến năm 1924, khi mới mười tám tuổi, cô là “ngôi sao đen” của khu Broadway, trung tâm hoạt động biểu diễn ở New York.

Năm 1925, cô đồng ý với đề nghị của ông bầu của cô là sang Paris biểu diễn tại rạp “Tạp hí da đen”, cô được công chúng hết sức ái mộ và đến năm 1937 thì được nhập quốc tịch Pháp. Tại đây, thông qua ông bầu, cô ngỏ ý với cơ quan tình báo Pháp được phục vụ vì lợi ích của nước Pháp và Đồng minh để chống lại chủ nghĩa phát xít. Người giới thiệu cô với cơ quan tình báo Pháp là đại úy Jack Aptay, bạn của Moroani, – ông bầu của Josephine.

Sau khi thiết lập mối tiếp xúc với cơ quan tình báo Pháp, lúc đầu, Josephine làm việc ở Paris, giao tiếp với những người lánh nạn từ Bỉ và từ miền Bắc nước Pháp, trong số đó có khá nhiều gián điệp Đức. Vào tháng 5 năm 1940, “cuộc chiến tranh kỳ lạ” kết thúc, bắt đầu cuộc chiến tranh thật sự. Chỉ trong bốn mươi ngày, quân Đức đập tan sự kháng cự của Pháp và chiếm Paris.

Josephine được đưa vào mạng lưới điệp viên ngay lập tức, thậm chí ngay cả trước khi cô hay biết chuyện này, và đại uý Jack được chỉ định làm người hướng dẫn cô. Và thế là bắt đầu cuộc phiêu lưu quân sự kỳ thú đã dẫn họ từ Pháp đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Marocco, Angieri, Tuynidi, Libi, Ai Cập, Iraq, Xiri, Liban rồi lại đưa họ trở về thủ đô Paris đã giải phóng khỏi ách phát xít. Trong thời kỳ này, Josephine có một thời gian làm việc cho tình báo Anh.

Josephine có tất cả những phẩm chất cần thiết cho một điệp viên: cô là một nữ nghệ sĩ xinh đẹp có sức cuốn hút đối với tất cả những ai tiếp xúc với cô, cho dù đấy là những tên quốc xã cuồng tín, cô còn có trí tuệ sâu sắc và cảm giác hài hước tuyệt vời, thích nghịch ngợm và được huấn luyện kỹ càng cho hoạt động gián điệp, điều mà cô luôn luôn biết ơn đại uý Jack Aptay.

Cô có một lâu đài được xây dựng từ thế kỷ XV rồi được hiện đại hoá theo lối mới. Phục vụ trong nhà cô có chín gia nhân, và tất cả về sau đều trở thành những thành viên dũng cảm của phong trào Kháng chiến. Cũng sống tại đây còn có vài người nữa: một thương nhân, một bà nội trợ, một cô hầu phòng, một gia đình lánh nạn từ Bỉ sang. Ngoài ra là những vật nuôi được cô hết sức yêu quý – một con chó, vài con khỉ, dăm ba con chuột trắng mà cô thường đem theo trong mọi chuyến đi. Cô còn có một thư ký riêng và một phi công riêng. Nhưng chính cô cũng thích lái máy bay, cô là người phụ nữ thứ hai ở Pháp được cấp giấy chứng nhận phi công (người phụ nữ đầu tiên ở Pháp được cấp giấy chứng nhận này vào năm 1913 là Marta Rishe).

Đại uý Jack Aptay được lệnh đến London xin chỉ thị và ông lên đường với tấm hộ chiếu giả mang tên Jack Hebert. Còn Josephine được chính quyền quân sự Đức cho phép sang Madrid (thủ đô Tây Ban Nha) biểu diễn trong các tiệm ăn. Mặc dù chính quyền quân sự Đức xử sự với cô rất ưu ái nhưng điều đó không ngăn cản Gestapo cướp bóc lâu đài của cô.

Vào tháng 11 năm 1940, Josephine và Jack gặp nhau ở Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha. Mọi thứ đều được chuẩn bị để chuyến đi của cô giống như một chuyến đi biểu diễn. Cô hát trong các chương trình tạp hí và trên đài phát thanh quốc gia Bồ Đào Nha. Nhưng mục đích thật sự của cô là phát hiện bằng được hai tên mật thám Đức đang gây nguy hiểm cho con đường rút lui duy nhất từ Pháp qua dãy Pirene sang Lisbon rồi từ Lisbon sang London. Đó cũng là nhiệm vụ của vài sĩ quan Pháp và của các điệp viên Anh Duglas Hay, Hec Waller, John Benert và Ian Donanson. Họ phải giúp một loạt tướng lĩnh, bộ trưởng và chính khách Pháp vượt qua biên giới để đến chỗ tướng De Gaulle.

Ngay cả nhiều năm sau, Josephine vẫn không muốn kể về việc cô đã làm thế nào phát hiện ra được tên điệp viên Đức Hains Raynert, kẻ lãnh đạo cuộc săn lùng những người chạy trốn khỏi nước Pháp. Y thường xuyên đi lại giữa biên giới Pháp, Madrid và Lisbon dưới lớp vỏ một nhà doanh nghiệp Đức tên là George Runke. Trong suốt mấy tháng trời, các điệp viên của Đồng minh không tài nào phát hiện ra được y. Josephine đã làm được việc này. Cô cũng vạch mặt được một tên điệp viên Đức nguy hiểm khác là Carlo Clum, kẻ được cảnh sát của Franco tiếp tay nên đã lùng bắt được một số người lánh nạn và giao nộp họ cho bọn Gestapo đang chờ sẵn ở biên giới Pháp. Tất cả những người này về sau đều bị chết trong các trại tập trung phát xít. Nhưng nhiều người nhờ có Josephine nên đã được cứu thoát và được tự do. Còn bọn Đức thì không bao giờ biết được ai là người đã vạch mặt Hains Raynert và George Runke.

Tại Lisbon, Jack Aptay gặp lại sếp cũ của mình là Paluan. Paluan đã từ Paris đến Visi và làm ra vẻ ủng hộ chính phủ bù nhìn Pháp do Peten đứng đầu và đặt trụ sở ở Visi. Còn trong thực tế thì ông đang tổ chức mạng lưới điệp viên cho tướng De Gaulle tại vùng lãnh thổ chưa bị chiếm đóng của nước Pháp. Josephine được cử đến giúp ông.

Cô khá miễn cưỡng gửi đơn xin chính phủ Visi cho phép đi Marseille để biểu diễn tại nhà hát thành phố. Lần đầu tiên cô không muốn biểu diễn ở Pháp, cô đã từng tuyên bố: “Tôi sẽ không biểu diễn ở đây cho đến khi tên quốc xã cuối cùng bị tống cổ khỏi Pháp”. Nhưng cô buộc phải đồng ý với Jack là cô sẽ đem lại ích lợi hơn nhiều nếu cô làm ra vẻ thân thiết với chính phủ bù nhìn Visi. Bởi vậy, vào tháng 12 năm 1942, tại nhà hát Marseille đông nghịt người, cô đã hát trong vở operet “Cô gái lai” của tác giả Offebakh. Tại Marseille, cô cũng đã hỗ trợ cho tổ chức hoạt động bí mật ở đây.

Theo lệnh của London, Jack Aptay và Josephine mặc dù từ chối phần thưởng một nghìn bảng Anh của tình báo Anh nhưng vẫn lên đường đi Bắc Phi. Vào quãng thời gian này, quân Đồng minh đã chuẩn bị xong kế hoạch đổ bộ xuống Angieri. Việc tấn công vào Oran và thủ đô Angie bị hoãn lại cho đến tháng 11 năm 1941, nhưng ban lãnh đạo các cơ quan tình báo Đồng minh vẫn cần những thông tin chi tiết về tình hình khu vực này. Đầu năm 1941, Josephine đến thủ đô Angieri và biểu diễn nhiều tháng trời tại Bắc Phi. Tối nào và đêm nào cô cũng hát trong các tiệm ăn và các nhà hát, còn vào lúc “rảnh rỗi” thì cô thu thập những tin tức quý giá cần thiết cho tình báo quân sự Đồng minh, chẳng hạn như về hệ thống công sự bờ biển, về việc bố trí quân đội và về tình hình chính trị chung. Tại Marocco, cô bí mật gặp gỡ Bi Bahin, em trai của nhà vua và là người ủng hộ Đồng minh. Tại Marakesa, cô tranh thủ được sự ủng hộ của En Glap Pasa, một thủ lĩnh già của bộ lạc Barba và về sau trở thành bạn thân của thủ tướng Anh Churchill.

Josephine thực hiện nhiều sứ mệnh tế nhị, kể cả việc đưa hối lộ cho các vua chúa Beduin và Barba. Một phần số tiền này là của riêng cô. Cô còn quyến rũ được Mula Larbi En Aluis, một lãnh chúa xảo quyệt của Marocco, khiến ông ta say đắm cô đến nỗi ông ta bắt đầu cung cấp cho cô nhiều thông tin giá trị. Cô kiếm được nhiều bạn bè trong giới sĩ quan cao cấp thân cận với tướng Nog, viên toàn quyền của chính phủ Visi và là kẻ thân Đức. Họ cung cấp tin tức cho cô và những tin tức này lập tức được chuyển về London. Chuyện này thật mạo hiểm bởi lẽ vào quãng thời gian đó binh đoàn của tướng Rommen đã đẩy bật quân Anh gần như cho tới tận Alecxandri.

Josephine có mặt ở khắp nơi: ở Agandi, ở Feda, ở Tuynidi. Cô vượt qua Libi và đồng ý hát cho quân đội Đức để thiết lập mối tiếp xúc với những người lãnh đạo phong trào Sennutsi là phong trào đang gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Đức và Italia ở sa mạc.

Vào bất kỳ lúc nào trong những “chuyến đi biểu diễn” này, cô đều có thể bị bọn Đức phát hiện là điệp viên của Đồng minh và đều có thể bị xử bắn.

Mùa đông năm 1941 – 1942, khi đang ở Casablanca thì cô bị ốm. Căn bệnh được xác định chính thức là cận thương hàn, nhưng gần như chắc chắn là cô bị đầu độc. Tình báo Đức nghi ngờ là ít nhất cô cũng có cảm tình với De Gaulle nếu như cô không phải là điệp viên của Đồng minh. Nhưng cô quá nổi tiếng nên cả người Đức lẫn Italia đều không dám bắt cô, bởi vì việc này chắc chắn sẽ gây ra làn sóng phẫn nộ tại vùng Bắc Phi thuộc Pháp là nơi bọn phát xít đang cố giành được sự ủng hộ của những quan chức của chính phủ Visi cũng như của những kẻ hợp tác với chúng. Suốt mấy tháng trời, tính mạng của Josephine như treo trên sợi tóc. Tính mạng cô nguy hiểm không những chỉ do bệnh tật mà còn bởi vì trong khi cô nằm viện, máy bay Đồng minh gần như ngày nào cũng ném bom Casablanca và bom rơi ngay sát bệnh viện cô nằm.

Cuối cùng quân Đồng minh cũng đã bắt đầu cuộc tấn công. Trong suốt ba ngày đêm, một trăm năm mươi nghìn quân Mỹ và một trăm bốn mươi nghìn quân Anh và quân của Nước Pháp Tự do đã từ tàu chiến đổ bộ lên các bãi biển Bắc Phi.

Khi tư lệnh quân Đồng minh là tướng Paton đến Casablanca và được tin Josephine bị ốm, ông gửi cho cô một bó hoa với dòng chữ: “Tặng Josephine Baker, người đã rất dũng cảm giúp đỡ chúng tôi”.

Tuy còn rất yếu nhưng cô vẫn đòi bằng được tổ chức một cuộc hội nhạc lớn tại câu lạc bộ Tự Do. Trong số khán giả có nhiều tướng lĩnh cao cấp của quân đội Đồng minh: thống chế Alecxander, tướng Clark, tướng Paton, tướng Anderson, đô đốc Kentinghem. Josephine biểu diễn cho binh sĩ Mỹ và Anh trong mấy tuần liền, sau đó, cô lại nhận một nhiệm vụ bí mật mới.

Paluan, thủ trưởng cũ của Jack Aptay, đến Bắc Phi cùng các đại tá Rivet và Ducrest. Nhiệm vụ của họ là phân tích tình hình phức tạp tại các vùng lãnh thổ được uỷ trị cho nước Pháp – đó là Xiri và Liban, những nơi mà Pháp đang phải đứng trước một vấn đề nghiêm trọng là chủ nghĩa dân tộc ả Rập.

Các nước Đồng minh giờ đây đã có những vị trí mạnh tại Trung Đông nhưng điều đó không ảnh hưởng đến người dân ả Rập, những người đang mơ ước đến độc lập dân tộc. Các điệp viên của Hitler và Mussolini tìm mọi cách lợi dụng tâm trạng này vào mục đích có lợi cho chúng – chúng cố gắng thành lập “Mặt trận thứ hai” chống quân Anh ở Ai Cập.

Vào tháng 1 năm 1943, Roosevelt và Churchill gặp nhau ở Casablanca để thảo luận vấn đề mở mặt trận thứ hai ở Châu Âu. Josephine cảm động trào nước mắt khi nhận được lời mời đến lãnh sự quán Mỹ là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ này. Nhưng cô buộc phải từ chối vì đã nhận được chỉ thị phải lên đường đến thủ đô Beirut của Liban để gặp phái viên Pháp ở đấy.

Lần này, nhiệm vụ của Josephine khác với những nhiệm vụ mà cô đã thực hiện trước đây. Giờ đây, cô phải làm việc không phải để chống lại các điệp viên Đức và Italia mà là chống lại những phần tử dân tộc chủ nghĩa và cách mạng ả Rập. Giáo trưởng Jerusalem là Amin đã chạy sang Đức, nhưng những kẻ ủng hộ ông ta vẫn phá hoại nghiêm trọng sự thống trị của Pháp và Anh. Tại Iraq và Xiri, xẩy ra cuộc nổi dậy của Rasid Ali mà theo ý kiến các điệp viên phương Tây, là do Đức đạo diễn và tài trợ. Cuộc nổi dậy này đã bị đàn áp vào năm 1941, nhưng những kẻ kế tục lại ngóc đầu dậy. Đó là những thành viên Liên đoàn ả Rập của Ibrahim Vadani mà trong đó có cả những điệp viên làm việc cho quốc xã Đức.

Vào cuối năm 1943, sau khi Rommen hoàn toàn thất bại ở Bắc Phi, ngọn lửa thù địch của người dân ả Rập đối với Pháp và Anh lại bắt đầu bùng lên. Tình báo Anh có những tài liệu cho biết rằng đóng vai trò to lớn trong việc này là những phái viên được Đức gửi tới qua đường Thổ Nhĩ Kỳ. Cấp trên giao cho Josephine nhiệm vụ làm rõ những chi tiết của sự việc đó.

Cô đi qua Libi và Ai Cập để đến Bagdad và Beirut. Tại đây, tư lệnh Brusse thuộc cơ quan tình báo Pháp giúp cô liên lạc với cơ quan tình báo Anh ở Cận Đông. Giờ đây, cô đóng vai một phụ nữ ả Rập, và nhờ có hoàng tử Marocco là Menhebi tháp tùng, cô đã giúp phát hiện ra một loạt điệp viên của Đức ở khu vực này, trong đó có hai nữ điệp viên của Gestapo là Aglai Noibaher và Paola Coc.

Các tác giả phương Tây khi miêu tả sứ mệnh này của Josephine rõ ràng là đã vờ vĩnh khi cho rằng phong trào giải phóng dân tộc của người dân ả Rập dâng cao là do tác động của các điệp viên Đức. Thực ra, đó là một quá trình hợp quy luật. Ngay cả việc Josephine giúp sức vạch mặt một số điệp viên Đức cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc chống lại các chế độ thực dân của Pháp và Anh. Tuy nhiên, vẫn phải đánh giá một cách xứng đáng nghệ thuật hoạt động tình báo của cô.

Sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ, Josephine quay trở về Angie, dọc đường, cô tổ chức một số buổi biểu diễn cho những binh sĩ đang nghỉ ngơi sau những thắng lợi đầy khó khăn đối với quân Đức của Rommen. Cô được nồng nhiệt chào đón ở Cairo, Alechxandri, Misurat, Tobruke, Bengadi, Toripoli. Tại Angie, cô được đích thân tướng De Gaulle tiếp.

Italia đầu hàng, phương Tây cho rằng chiến tranh sắp kết thúc bởi vì hầu hết quân đội Đức đang tập trung ở mặt trận phía Đông.

Ngày 25 tháng 8 năm 1944, sư đoàn xe tăng và xe bọc thép số hai của Pháp tiến vào thủ đô Paris đã giải phóng. Josephine trở lại nước Pháp yêu quý của cô nhưng không phải trở lại lâu đài của mình ở Dordoni. Cô cùng đi với quân đội, dùng lời ca điệu múa của mình để phục vụ quân đội. Cô biểu diễn ở Storansbourg, ở Metxe, ở Conma sau khi những thành phố này giải phóng được vài tiếng đồng hồ.

Sau khi nước Đức đầu hàng, Josephine về hưu với tư cách là một “điệp viên đặc biệt”, nhưng với tư cách một ca sĩ được ái mộ thì cô vẫn tiếp tục biểu diễn cho quân đội Pháp, Anh và Mỹ tại những khu vực nước Đức do Đồng minh kiểm soát. Tại Paris, tướng De Gaulle trao tặng cô huân chương Thập Tự Lotaringhi và huy chương Kháng chiến. Ông cũng gửi cho cô một bức thư bày tỏ lòng biết ơn cô vì cô đã “làm việc và phục vụ xuất sắc trong những thời kỳ khó khăn nhất của nước Pháp”.

Toà lâu đài ở Dordoni được sửa chữa, nhưng những người sống ở đó đã không còn. Một số người đã chết trong những nhà tù Gestapo, một số khác bị chết vì đói.

Khi đã có tuổi, Josephine dành hết tâm sức cho việc dạy dỗ chín đứa con nuôi. Trong số đó có một em người Pháp, một em người ả Rập, một em người da đen và một em người Tây Ban Nha. Chúng đi theo bà trong mọi chuyến đi.

Quan điểm của Josephine đã thay đổi cùng năm tháng. Nếu vào những năm 40, bà là người chống lại phong trào đấu tranh để giải phóng dân tộc của người ả Rập, thấy ở đó có “bàn tay Berlin”, thì vào những năm 60 và 70 bà đã trở thành người ủng hộ cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của người da đen. Sau khi trở về Mỹ, bà đã tham gia những cuộc biểu tình bảo vệ quyền của người da đen mặc dù vào lúc đó, nhiều người cho rằng những cuộc biểu tình này có “bàn tay Moskva” kích động.

error: Content is protected !!