Joseph Fouche Công Tước Otrante (1759 – 1820) Trùm Mật Vụ Tài Năng Và Phản Phúc

Napoleon không bao giờ bắt đầu bất kỳ một chiến dịch nào mà không có trong tay những thông tin đầy đủ nhất về đối phương: về quân đội, về tiềm năng kinh tế và nhân lực, về các tướng lĩnh cũng như các thủ lĩnh của bên địch. Thế nhưng nhà vua lại không có một cơ quan phản gián hoạt động thường xuyên. Bởi theo đúng quy tắc thì cơ quan phản gián lại thuộc thẩm quyền người đứng đầu cảnh sát.

Người đầu tiên (và sau này cũng là người cuối cùng) điều hành bộ máy cảnh sát của Napoleon là Joseph Fouche, công tước Otrante. Đây là một nhân vật phức tạp, một loại người hai mặt, vừa là tên vô lại vừa là tên phản bội. Fouche luôn luôn thay đổi, vừa phản lại những người Jacobins nhảy sang ôm chân Napoleon đã lại sắp xếp những vụ tạo phản nhà vua để rồi lại tố cáo những âm mưu đó. Sau Fouche chuyển sang làm cho phe Bourbon, rồi lại mưu phản họ. Trong thời gian “100 ngày” ông ta ủng hộ nhà vua, lại phản, rồi lại ôm chân bọn Bourbon… Thật ngạc nhiên là nhà vua lại có thể chịu đựng được một kẻ như vậy bên mình. Thật ra mà nói, Fouche như một nhà tình báo và cũng là nhà phản gián đã phục vụ đắc lực cho nhà vua chống lại những vụ tạo phản của phái Jacobins trong nước và bọn Bảo hoàng lưu vong. Trong bản thông tri viết ngày 27 tháng 11 năm 1799 Fouche đã kịch liệt lên án bọn lưu vong, bọn người đã bị đất nước quê hương “tống cổ mãi mãi ra khỏi lòng mình”.

Tuy nhiên các cuộc tạo phản cũng như mưu sát thực hay hư đều không phải là do Fouche bịa đặt ra.

Ngày 24 tháng 12 năm 1800 trên đường đi xem hát, Napoleon bị tên Bảo hoàng Sen-Rezan mưu sát bằng cách cho nổ thùng thuốc súng đặt trên xe khiến bốn người bị thiệt mạng, khoảng sáu mươi người khác bị thương. Một loạt các sự kiện chứng minh rằng đó là “bàn tay” của bọn Bảo hoàng lưu vong, nhưng Bonaparte đã trút hết lên đầu những người Cộng hòa và cho trấn áp rất tàn bạo. Một số bà vợ, kể cả bà góa của những người Cộng hòa, trong đó có hai bà góa Marata và Babepha đã bị tống giam không qua xét xử. Fouche đã nắm bắt được “ý đồ” của nhà vua muốn trấn áp những người Cộng hòa và phái Jacobins. Vậy là năm người đã bị truy tố ở tòa án binh về tội tham gia vào một vụ tạo phản do cảnh sát bố trí sắp đặt và bị xử bắn, bốn người nữa bị chặt đầu sau đó và vài trăm người của phái Cộng hòa bị đầy ra đảo Guyam để sau này chỉ còn vài người sống sót trở về. Cảnh sát, tình báo và phản gián của Fouche hoạt động khắp nơi, thâm nhập cả vào quân đội, nơi cũng có không khí chống đối Napoleon…

Mạng lưới điệp viên của Fouche luôn theo sát tướng Moro nổi tiếng của phái Cộng hòa đã khẳng định ông không liên can gì đến các vụ tạo phản. Mặc dù vậy, việc ông chủ động xin về hưu cũng đã thể hiện thái độ phản đối nhà độc tài rồi.

Tổng chỉ huy cánh quân phía Tây, tướng Bernadotte không giấu giếm sự phẫn nộ của mình. Mật thám của Fouche không xác định được ông có tham gia tạo phản hay không nhưng để phòng xa, trưởng ban tham mưu Ximen và trợ lý Marbo của Bernadotte đều bị bắt giam.

Fouche còn phát hiện được một vài vụ mưu phản nhằm giết hại hoặc lôi kéo, ép Napoleon vào vụ đấu súng để trừ khử nhà vua. Vụ mưu phản quan trọng nhất trong số đó có sự tham gia của các tướng Domadie và Denma, đại tá Furie và nhiều sĩ quan khác. Denma trốn thoát, những người còn lại đều bị bắt giam.

Bonaparte tìm mọi cách bưng bít không cho dân chúng biết về tất cả các vụ mưu phản trên. Nhà vua làm như vậy để Pháp và cả châu Âu tin rằng dân chúng hoàn toàn ủng hộ vô điều kiện chính sách của con người thiên tài đã tự mình khai thông đường lên ngai vàng.

Trong hai năm 1800 – 1801, các phiên tòa đặc biệt được thiết lập khắp nơi để xét xử hai phái đối lập, Bảo hoàng và Cộng hòa.

Thế nhưng hoạt động của bọn Bảo hoàng lưu vong vẫn không giảm sút vì chúng vẫn được người Anh nung nấu khát vọng trừ khử Napoleon nuôi dưỡng.

Mùa xuân năm 1800, cảnh sát đã phát hiện bọn Bourbon có vũ trang âm mưu tấn công đoàn hộ tống Napoleon đi từ Paris đến Manmedon để bắt cóc ông. Fouche đã cử hai điệp viên tới đầu độc lãnh tụ phái Bourbon là Cadudan, song Cadudan rất sắc sảo và dễ dàng vạch trần bộ mặt của Fouche. Cả hai điệp viên đã bị treo cổ để cảnh báo răn dạy, còn bản thân Cadudan cảm nhận được mối hiểm họa đã bỏ chạy sang Anh tiếp tục tổ chức các vụ mưu phản khác.

Cũng khoảng thời gian này hoàng đế Pavel đệ nhất, người hướng tới quan hệ giao hảo với Pháp, đã bị sát hại tại Peterburg. Tin đưa về tới Pháp. Cho rằng lực lượng mưu phản chủ yếu của vụ mưu sát nằm ở London, Napoleon tuyên bố ở Anh: “Bọn Anh đã mưu sát hụt ta ở Paris, nhưng lại trúng đích ở Peterburg!”. Napoleon đã lệnh cho Fouche đẩy mạnh hoạt động chống lại Anh và bọn Bảo hoàng lưu vong và Fouche đã sốt sắng thực thi ý muốn của hoàng đế.

Mạng lưới điệp viên của Fouche rộng khắp nước Pháp, thâm nhập vào cả xã hội Pháp. Điệp viên của Fouche có mặt ở mọi triều đình châu Âu, ở khắp các trung tâm những người lưu vong.

Đấu tranh với phản gián Anh là chuyện không đơn giản và dễ dàng, trước hết là vì họ được tổ chức hết sức chặt chẽ và lại có nhiều tiền để hoạt động. Các quan chức cấp cao của Napoleon dễ dàng bán mọi thông tin quan trọng sống còn. Niềm tin vào quyền lực toàn năng vô hạn của đồng tiền cũng có lần làm hại người Anh. Viên toàn quyền người Anh tại triều đình Bavarơ ở Munchen đã mua được giám đốc bưu điện để được phép tiếp cận mọi thư tín của Pháp gửi tới. Thế nhưng viên toàn quyền Dray này đã làm tổn hại thanh danh của mình khi sử dụng một điệp viên của Fouche. Dray đã trả công hậu hĩnh cho mỗi thông tin mà thực tế chỉ là giả trong khi điệp viên được nhắc tới kia lại moi được những tư liệu mật, những lời tâm sự riêng tư mà Nappleon vội cho công bố ngay.

Người Anh có hẳn một đội quân các điệp viên đánh thuê và thông tin từ khắp mọi miền châu Âu đổ cả về London. Các điệp viên tìm mọi phương kế chuyển tin. Cảnh sát của Fouche đã bắt và giải mã các bức thư toàn bằng nốt nhạc trông bề ngoài chỉ là một bản nhạc chép tay bình thường.

Phản gián Anh sử dụng đủ kiểu mật mã. Trong kho lưu trữ còn giữ bản báo cáo mật của Fouche gửi Napoleon thông báo rằng theo tin tức cảnh sát có được thì phản gián Anh không còn dùng nốt nhạc và các thuật ngữ thực vật học nữa, mà đã thay thế bằng các thuật ngữ thuộc lĩnh vực sửa chữa đồng hồ, dịch vụ nội trợ và ẩm thực.

Fouche đã có công bóc trần những âm mưu chống lại Napoleon.

Dân lưu vong hung hăng nhất đã tập hợp ở Anh quanh bá tước Arthur, quận công Berrixki và ông hoàng Conde. Bá tước Charles Phillip Arthur là anh em của vua Louis 16 và Louis 18. Sau cách mạng ông ta đã cùng với những lãnh tụ sống sót của các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh chống lại nhân dân Pháp sang Anh ẩn náu và tích cực hoạt động chống lại Napoleon. Sau này ông trở thành vua Charles 10. Quận công Charles Ferdinan Berrixki là con trai thứ hai của ông. Ông hoàng Louis Joseph Conde thuộc dòng họ Bourbon đã bị lật đổ và đã cầm đầu đội quân những người lưu vong cùng phe đồng minh tấn công nước Pháp. Ủng hộ họ là tướng Pisegriu, một người Cộng hòa cũ, nổi tiếng bởi những chiến công hiển hách tại Hà Lan từ năm 1795, sau đó chuyển sang phái Bảo hoàng. Ông đã bị lưu đày sang một nước thuộc địa của Pháp và từ đó trốn được sang Anh.

Bọn mưu phản có ý định lôi kéo Moro, tướng đã về hưu, một người chỉ thua có Napoleon về chiến tích quân sự, nhằm hòa giải Moro và Pisegriu vốn thù địch kèn cựa nhau lâu nay. Moro đồng ý hòa giải nhưng từ chối tham gia tạo phản.

Mặc dù vậy đầu năm 1803, Cadudan cùng đồng bọn đã đệ trình lên bá tước Arthur một kế hoạch khác để mưu sát Napoleon với điều kiện nếu thành công thì trong thành phần chính phủ sẽ phải có cả hai tướng Moro và Pisegriu. Sau đó về phía lãnh đạo bên Bảo hoàng phải có bá tước Arthur hoặc quận công Berrixki.

Mọi kế hoạch trên được vạch ra theo lời xúc xiểm của Mere de Latouche, một điệp viên của Fouche cài vào hàng ngũ đối phương, nhằm tiêu diệt tướng Moro, chụp lên đầu ông ta tội cầm đầu bọn tạo phản đồng thời giăng bẫy bắt các ông hoàng dòng Bourbon.

Ngày 30 tháng 8 năm 1803, Cadudan cùng một vài lãnh tụ quân Bourbon có vũ trang đã bí mật tới Paris nhằm dấy lên vụ nổi loạn quân sự ở đây với sự trợ giúp của tướng Moro. Thấy rằng kế hoạch trên không thể thực thi được, họ quyết định tấn công Napoleon ngay ngoài phố với số quân ngang bằng đoàn hộ tống đức vua nhằm giết hoặc bắt cóc bằng được nhà vua. Một khi thành công bá tước Arthur và quận công Berrixki sẽ phải đổ bộ vào Pháp ngay lập tức.

Song mọi tình tiết của cuộc mưu sát đều bị cảnh sát kiểm soát, Fouche nắm rõ từng bước tiến triển của kế hoạch, song cảnh sát đã không can thiệp từ trước nhằm bắt “quả tang tại trận” Moro và các ông hoàng.

Cadudan vốn thận trọng cảnh giác hơn cả, hắn không bao giờ qua đêm hai lần ở cùng một ngôi nhà, vì vậy việc săn đuổi tên này phải kéo dài tới vài tháng. Được nhà vua chuẩn y, Fouche đã thành lập những đội quân cơ động sục sạo rà soát tất cả những nơi Cadudan có thể chui lủi lẩn trốn.

Lúc này cảnh sát cũng đã có trong tay toàn bộ hồ sơ mật mang tên “Vùng đất bảo hoàng” chứa đựng hàng ngàn hồ sơ về những tên bảo hoàng đặc biệt nguy hiểm. Cho dù cảnh sát giữ bí mật tuyệt đối về chuyện đã biết trước vụ mưu phản song Fouche vẫn cứ ra lệnh bắt giam tra hỏi một vài tên Bảo hoàng có vũ trang đã tham gia vụ tạo phản. Buve de Lode, một tên trong số đó đã khai rằng ngày 28 tháng 1 năm 1804, Pisegriu đã tới Pháp gặp gỡ với Moro và Cadudan. Tướng Moro tuy rất cảm thông với những kẻ mưu phản, song vẫn từ chối giúp họ và thế là cuộc gặp gỡ đã không đưa lại kết quả gì, đường ai nấy đi.

Một tên Bảo hoàng bị bắt khác đã chỉ ra những nơi ở bí mật của bọn cầm đầu. Tại một nơi trong số đó cảnh sát đã bắt được tên hầu của Cadudan và bị tra tấn hắn đã phải khai ra nơi có thể bắt được Cadudan. Cuối cùng tên này đã bị bắt, sau đó là Pisegriu.

Mặc dù những người bị bắt đã minh oan cho Moro, song Bonaparte vẫn cho bắt giam ông như tòng phạm. Báo chí được dịp bôi nhọ ông.

Biết tin thất bại, cả bá tước Arthur lẫn quận công Berrixki đều không về Pháp.

Những kẻ tạo phản đã bị truy tố. Cadudan chịu án tử hình bằng máy chém. Pisegriu thắt cổ tự vẫn trong xà lim (hoặc có thể bị treo cổ) trước phiên tòa. Quận công Enghenxki cũng bị xử bắn. Chỉ có tướng Moro được sống sót vì Bonaparte muốn tránh tiếng trả thù kình địch cũ và chỉ bị kết án hai năm tù giam mà sau đó Napoleon đã cho thay bằng án trục xuất. Moro đã sang Mỹ, mãi năm 1813 mới trở lại châu Âu và sau này đã gia nhập quân đội Nga. Tại trận đánh ở Dresden, một viên đại bác rơi trúng giữa tổng hành dinh của hoàng đế Alecxandre làm Moro bị giập nát cả hai đầu gối. Lúc hấp hối ông đã tự nguyền rủa mình: “Thế đấy! Ta, Moro, lại phải chết giữa lòng đối phương của Pháp vì đại bác của chính người Pháp, của đồng bào ta!

Việc phát hiện và trấn áp được vụ tạo phản mưu sát hoàng đế đã nâng cao uy tín của Fouche trong con mắt Napoleon. Đôi khi nhà vua có việc đi vắng, Fouche đã thực sự điều hành đất nước thay ông.

Fouche tiếp tục lãnh đạo cả cảnh sát lẫn phản gián và đã thực thi cái gọi là “các biện pháp tích cực”. Chẳng hạn như trong chiến dịch năm 1807, để đẩy cho Hungari đụng độ với Áo, Fouche đã cho tung vào Hungari những tờ báo chứng minh Áo và Anh đã lừa dân Hungari.

Ngay từ cuộc họp Nga-Pháp ở Erfort năm 1808 Fouche đã cùng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Talleyrand bí mật bày mưu tính kế chống lại hoàng đế. Trò này được họ thực thi mỗi khi họ cảm thấy số phận của nhà vua bị đe dọa. Mỗi lần như vậy họ tìm mọi cách để có thể tự mình thay thế nhà vua, cũng có lúc thay hoàng đế bằng một nhân vật khác hoặc nếu cần thì phế bỏ thậm chí nhanh chóng kết liễu số phận của hoàng đế để kịp tự cứu khi vương triều sụp đổ. Một trong những vụ dàn dựng tương tự là vào năm 1808, lúc Napoleon lên đường đến Tây Ban Nha. Khi ấy họ đã bí mật chuẩn bị một chính phủ mới mà về hình thức là do phò mã Murat đứng đầu, song thực quyền trong tay họ.

Ngoại trưởng Áo đã thông báo vụ việc cho chính phủ mình, còn Napoleon thì nhận được những bức thư bắt được. Hoàng đế đã nổi cơn thịnh nộ về ngay Paris, nhưng cuối cùng những người mưu phản lại được… tha bổng. Chỉ có điều sức chịu đựng của hoàng đế có giới hạn, năm 1810 Napoleon cách chức Fouche, một con người nhanh trí, khôn khéo, am hiểu, biết nhiều và bổ nhiệm tướng Rene Xavary, quận công Rovigo, một người chậm chạp, ngây độn nhưng cần mẫn, lên thay thế.

Việc thay đổi người đứng đầu cảnh sát tất nhiên không thể không ầm ĩ bê bối khiến Napoleon phải ra lệnh: “Ngài quận công Otrate, ông không còn cần cho tôi nữa. Trong vòng 24 tiếng ông phải thu xếp rời đến chỗ làm việc mới.” Tướng Rene Xavary, bộ trưởng cảnh sát mới, được lệnh theo dõi sao cho Fouche nhanh chóng rời khỏi Pháp.

Tuy vậy sự nghiệp của Fouche vẫn chưa kết thúc. Khi Napoleon bị lật đổ Fouche ngay lập tức trở lại chính trường. Chính phủ Bourbon đe dọa vị trí của ông. Để tự bảo vệ và khẳng định mình, Fouche, cũng giống như các chính trị gia khác, bắt đầu tấn công chính phủ. Sau khi không lọt được vào Thượng viện cũng như không được vua Louis 18 vời tới, Fouche đã tổ chức vụ đảo chính âm mưu đưa quận công Orleans lên ngôi. Vụ việc xảy ra cùng một lúc với vụ “100 ngày” của Napoleon. Hoàng đế đã chiến thắng và thế là Fouche vội tuyên bố thần phục trung thành với Ngài. Ông còn làm ra vẻ vụ việc đảo chính là vì hoàng đế. Đức vua lại bổ nhiệm ông đứng đầu cảnh sát như trước. Ngài muốn giữ Fouche bên mình để dễ bề theo dõi ông ta mà không biết đã “nuôi ong tay áo”.

Khi thoái vị Napoleon tuyên bố con trai mình là Napoleon Đệ nhị sẽ nối ngôi và trao lại chính quyền cho chính phủ lâm thời do Fouche đứng đầu, song Fouche lại nỗ lực tìm mọi cách vận động để dòng họ Bourbon được trở lại vương triều.

Sau khi vương triều Bourbon được phục hồi Fouche ra sức chứng tỏ lòng trung thành của mình với đức vua Louis 18 bằng cách cần mẫn truy lùng những người theo Napoleon trước đây và đã có “sáng kiến” công bố danh sách năm mươi bảy nhân vật bị thất sủng để truy lùng.

Ngày 6 tháng 7 năm 1815 vua Louis 18 thành lập nội các mới, bổ nhiệm Fouche làm bộ trưởng cảnh sát và đã hình thành cái gọi là “Bộ Talleyrand-Fouche”.

Ngày 8 tháng 7, Louis 18 “cầm đầu đoàn quân Anh-Phổ” tiến vào Paris với “một bên là tội phạm, một bên là tệ nạn”. Đó là nhận định về Fouche và Talleyrand của nhà sử học, nhà văn và chính trị gia Chateaubriand.

Phái Bảo hoàng rất phẫn nộ trước việc “tên giết vua” Fouche lại được ngồi họp ở Hội đồng bộ trưởng. Rất nhiều người chống đối và chỉ sau hai tháng nhà vua buộc phải cách chức Fouche. Ngày 19 tháng 9, ông ta được cử làm đặc phái viên tại triều đình Dresden – “một cuộc đi đày trong danh dự”.

Ông ngồi viết hồi ký, nhưng đã không viết xong. Ngày 26 tháng 12 năm 1820, Fouche qua đời tại Trieste ở tuổi sáu mươi hai.

error: Content is protected !!