John Le Carre (1931 – ?) Nhà Văn Bậc Thầy Về Nghề Điệp Viên

Le Carre tên thật là David Cornuel sinh năm 1931 ở Pulo thuộc tỉnh Dorset. Năm David lên sáu, mẹ cậu đã bỏ gia đình, gây nên cú sốc sau này tác động đến thái độ đối với phụ nữ của Le Carre. Chàng trai hoàn toàn chịu ảnh hưởng của bố, một người đàn ông khả ái, vô lo và hay mơ mộng huyễn hoặc. Tốt nghiệp phổ thông, David thi vào trường Đại học Tổng hợp Berns học tiếng Đức. David ở trường 9 tháng mà không học gì cả. Cũng tại trường này David lần đầu tiên tiếp xúc với hoạt động tình báo mà ông miêu tả sau này trong một cuốn truyện của mình. Cuộc tiếp xúc là định mệnh đối với David.

Năm 1949 David từ Berns trở về và được gọi vào quân ngũ. Ông làm việc ở “quân đoàn tình báo” ở Áo và như chính lời ông thừa nhận “ở bộ phận tìm cách moi bí mật bằng tra hỏi những người vượt biên giới Tiệp”. Đó là thời kỳ chuyển từ chiến tranh “nóng” sang “lạnh”. David thuộc thế hệ những nhà văn Anh mà lập trường chính trị được hình thành vào thời kỳ này. David nhớ lại đã bị sốc trước những biến chuyển quá nhanh của các sự kiện. “Chuyện xảy ra quá nhanh cứ như là nòng súng bất ngờ quay ngược hết lại vậy”. Rồi ông đưa ra thí dụ: “Kể từ khi chiến tranh chuyển từ “nóng” sang “lạnh”, sau đó tình hình có vẻ dịu đi, chúng ta đã trải qua sự đảo lộn dữ dội về tư tưởng: Những ai trước đây vào năm 1945 còn đi ném bom Berlin thì đến năm 1948 lại bắc sang đó “chiếc cầu hàng không”.

Năm 1952, ra khỏi quân ngũ David thi vào trường Lincohn ở Oxford, lại bắt tay vào học tiếng Đức. Thời gian theo học ở trường David vẫn làm cho các cơ quan tình báo và có nhiệm vụ thu thập tin tức mật báo về các phần tử cánh tả tích cực trong sinh viên. Ông làm điều này hoàn toàn tự giác vì ông cho là tư tưởng và hành động của những người cánh tả là phi đạo đức và có hại. Vào năm 1954 David học hết năm thứ hai, nhưng buộc phải bỏ học vì ông bố đã khánh kiệt và phải tuyên bố vỡ nợ. Sau một thời gian đi làm giáo viên kiếm sống, năm 1956 David lại quay về trường tiếp tục học. Cũng lúc này ông lấy vợ. Năm 1958 David lại bỏ học: “tôi thấy mình bị lôi cuốn vào cuộc chiến xã hội”. David cảm thấy bị tổn thương vì vương quốc Anh một thời làm chủ thế giới nay bị sụp đổ ngay trước mắt ông. “Tất cả mọi thứ đều đã sụp đổ, chẳng còn gì nữa, vĩnh biệt thế giới.” – tâm trạng của David lúc ấy là như vậy.

Ngay từ khi còn đi học David đã nỗ lực thi vào làm ở Bộ Ngoại giao. Sau bao trở lực bởi thói quan liêu, David đã đạt được mong muốn. Nhiệm vụ đầu tiên tại Bonn của David là hoạt động trong đường dây MI-5 của Maxwell Night nổi tiếng bởi chiến dịch thâm nhập vào Đảng cộng sản Anh thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến. Bản thân David (khi đã là nhà văn Le Carre) phủ định chuyện ông là “điệp viên”, song các cuốn tra cứu đáng tin cậy của Anh lại khẳng định chuyện đó. Cựu giám đốc Cục Tình báo William Conbi thì thấy các cuốn sách của Le Carre phản ánh thật chính xác hoạt động tình báo và chỉ có người trong ngành mới có thể viết chân thực đến thế. Trong cuốn tra cứu “Các điệp viên Anh” đã chỉ rõ từ MI-5 Le Carre đã được chuyển sang SIS và sau khi học xong khóa tình báo ở trại Sarrat-lake đã được cử học tiếp một khóa đào tạo nữa ở Scotland.

Mùa hè năm 1961, David được bổ nhiệm Bí thư thứ hai sứ quán Anh ở Bonn. Ông ở đó khi bức tường Berlin được dựng lên. Sau này ông thường đến Berlin công tác và đã thuật lại trong cuốn “Điệp viên đến từ băng giá”. David bây giờ là nhà văn, song cán bộ Ngoại giao không được phép in sách với tên thực, nên năm 1961 ông bắt đầu lấy bút danh là “Trang Sprit”, sau này nổi tiếng với tên Le Carre. Cuốn sách đầu tay “Tiếng gọi tới những người chết” không được ai biết đến, cuốn thứ hai “Tên giết người chuyên nghiệp” năm 1962 cũng vậy. Mãi tới cuốn thứ ba “Điệp viên đến từ băng giá” mới nổi danh và là một cuốn sách ăn khách nhất. Báo chí bắt đầu nói tới ông, gọi David là người “đã phanh phui hồ sơ mật của châu Âu”, là tác giả của “Lịch sử tình báo qua tư liệu” và nhấn mạnh là chỉ có người biết rõ “trực tiếp” về tình báo mới viết được như thế. Bí ẩn của bút danh đã gây ra làn sóng đầu cơ trong báo chí. Các sách của ông được ấn hành với số lượng lớn. Năm 1963, chỉ trong có hai tuần ở Mỹ đã bán được 70 ngàn cuốn. Năm 1964 Le Carre thôi làm việc ở Bộ Ngoại giao. Cuốn “Điệp viên đến từ băng giá” được giải thưởng cao quý Somerset Moem cho truyện hình sự. Ông được tạm ứng 50 ngàn stéclinh cho cuốn “Chiến tranh phản chiếu” và trở thành một người giàu có. Phim ảnh được dựng theo truyện của ông với sự tham gia của các ngôi sao. Sách của ông được tái bản hai – ba năm một lần. Cuốn sách nổi tiếng nhất – cuốn “Điệp viên lý tưởng” – được xuất bản năm 1986.

Cùng với thời gian các quan điểm của Le Carre cũng thay đổi. Ông đã “tả hóa”: đã tham gia chiến dịch chống chiến tranh hạt nhân, lên tiếng phê phán gay gắt đường lối của chính phủ Israel ở vùng Cận Đông (thậm chí David còn bị buộc tội đã tuyên truyền cho “Mặt trận giải phóng dân tộc của Palestine”). Ông lên án vụ chính phủ Israel can thiệp vào Liban năm 1982, cũng năm ấy ông tuyên bố luôn luôn bỏ phiếu cho Đảng Xã hội. Cuối những năm 80 Le Carre đã vài lần tới Nga. Trong cuốn “Ngôi nhà Nga” ông cũng viết về hoạt động tình báo, đã thấy niềm tin của tác giả vào sự thay đổi theo chiều hướng tốt lên của các mối quan hệ Đông-Tây. Ông cũng bày tỏ hy vọng của mình khi trả lời phỏng vấn của báo “Văn học” vào tháng 4 năm 1989. Cũng cần nói thêm rằng ngay khi ấy ông đã nói là sau “chiến tranh lạnh” các Cục Tình báo cần thể hiện được những sự thay đổi mà cuộc sống cũng như thời đại đã đưa lại ở phương pháp, hình thức và mạng lưới hoạt động của mình.

Ý kiến của các chuyên gia tình báo về các tác phẩm của Le Carre rất khác nhau. Giám đốc Cục Tình báo quân sự Israel cho rằng đó là những cuốn sách giáo khoa không chính thức cho các điệp viên. Còn theo con trai của Richard Hemmer thì giám đốc Cục Tình báo, người vốn rất ái mộ Ian Fleming, lại rất ghét Le Carre. Thậm chí một đồng nghiệp tình báo Anh của Le Carre còn mắng vào mặt ông: “Đồ súc sinh! Đồ quái thai!”.

Điệp viên Nga Kim Philby cũng không thích “Điệp viên đến từ băng giá”. Trong lá thư gửi vợ năm 1963 ông viết: “Thật dễ chịu sau khi xem những chuyện ngớ ngẩn về điệp viên 007 James Bond, được đọc một cuốn viết có tính chuyên nghiệp về tình báo. Tuy nhiên cốt truyện và tình tiết từ đầu đến cuối hoàn toàn khó tin và sự bịa đặt không đúng sự thật ấy luôn lộ ra ít nhất là đối với những người biết rõ và am hiểu thực tế về hoạt động tình báo”. Có lẽ không ở đâu ngoài kho lưu trữ của Cục Tình báo Anh có lưu giữ tư liệu khẳng định hoạt động của điệp viên Le Carre. Trong bài viết này của chúng tôi cũng vậy, Le Carre không phải là một điệp viên bậc thầy, mà chỉ là một tác giả bậc thầy về đề tài tình báo. Chắc là Le Carre đã viết về chính hoạt động của ông và các đồng sự của mình.

error: Content is protected !!