Ian Lancaster Fleming là người đã sáng tạo ra James Bond, điệp viên 007 nổi tiếng trên thế giới. Ông sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng không thuộc dòng dõi quý tộc. Ông nội là con một chủ trại nghèo, nhưng năm 25 tuổi đã bỏ sang Mỹ lập nghiệp, buôn bán và đã nhanh chóng phất lên. Hai cậu con trai là Valentin và Phillip, đã được cha cho học ở hai trường đại học có uy tín nhất là Iton và Oxford. Năm 1906, Valentin cưới Evelin San Croa Roys, một trong những đám giàu nhất ở Anh với hai trăm năm mươi ngàn stirling quà cưới của bố vợ và một món hồi môn đáng kể. Ngày 28 tháng 5 năm 1908 cậu con thứ của họ ra đời và được đặt tên là Ian Lancaster. Sau này nhà văn đã rút gọn tên thành Ian, nghe thật kêu.
Cha của Ian là một người cương nghị, tính tình vui vẻ, luôn là linh hồn của mọi cuộc tụ hội. Ông đi nhiều, mê say thể thao, săn bắn. Ông cũng hoạt động chính trị, là nghị sĩ và là một người bảo thủ nổi tiếng. Rõ ràng là những ấn tượng thời thơ ấu của Ian đã được thể hiện rất rõ qua tính cách và hình ảnh điệp viên 007. Ngay từ đầu cuộc Thế chiến thứ nhất Valentin Fleming đã ra trận phụ trách một đơn vị kỵ binh. Ông hy sinh năm 1917 và được đích thân Thủ tướng Anh Winston Churchill đọc điếu văn.
Ian Fleming học trường Iton, sau đó theo học trường quân sự Sankeski, nhưng Ian đã bỏ học, tự học tiếng Pháp và tiếng Đức vì quyết định theo ngạch ngoại giao. Mặc dù vậy Ian đã không qua được kỳ thi tuyển vào Bộ Ngoại giao vì trượt môn luận. Song chàng trai không nản lòng và đã thu xếp được chân phóng viên cho hãng thông tấn Reuters.
Vốn biết rõ các cơ quan tình báo của Anh có xu hướng sử dụng các nhà báo vào mục đích của mình, nên có thể coi đây là bước đầu chưa chính thức của Ian được tiếp xúc với hoạt động tình báo của Anh. Nếu không làm sao người ta bỗng nhiên có thể cử một phóng viên trẻ đi chuyến công du quan trọng đến Moskva?
Năm 1933 ở Moskva đã diễn ra vụ kiện sáu kỹ sư người Anh, cộng tác viên của hãng “Metro Vicckers” về tội phá hoại và làm tình báo kinh tế. Công tố viên là Vưsinxki. Bằng chứng về hoạt động tình báo quá rõ. Nhiều bị cáo phải thừa nhận đã làm việc cho tình báo Anh. Một trong số họ, Macdonald, còn khai rõ các hoạt động cụ thể của mạng lưới gián điệp. Một người khác nữa là Monkhause nhận đã chuyển tin tức cho Richard, một giám đốc của Vicckers, nhưng tên này đã kịp tẩu thoát. Cả hai tên – Monkhause và Richard đều là sĩ quan tình báo trong đội quân viễn chinh của Anh ngay từ năm 1918. Về việc các điệp viên Anh làm việc ở tập đoàn Vicckers sau đó phía Anh cũng phải công nhận. Tuy nhiên việc bắt giam và truy tố bọn này vẫn gây ra làn sóng công phẫn ở Anh. Thậm chí họ còn đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại giữa hai nước, song đã không có gì xảy ra. Lúc này kinh tế thế giới tiếp tục bị khủng hoảng, còn ở Đức thì Hitler lên nắm chính quyền, và không ai muốn mất đi một đối tác tin cậy và còn có thể là một đồng minh như Liên Xô.
Fleming đã làm sáng tỏ quá trình tố tụng xử án. Ông miêu tả cụ thể không chỉ mọi diễn biến ở phiên tòa mà cả cuộc sống của thủ đô. Phiên tòa kết thúc, bốn bị cáo bị trục xuất, hai bị cáo bị kết án từ 2 đến 3 năm tù giam rồi không bao lâu sau cũng được thả về nước. Fleming còn ở lại Moskva thêm một tuần, thậm chí còn tìm cách phỏng vấn Stalin, song nhà lãnh đạo đã lịch sự từ chối, viện cớ không có thời gian.
Về tới Anh, Fleming kể lại mọi chuyện tai nghe mắt thấy ở Moskva không chỉ với nhà xuất bản, với bạn bè, mà còn cả với Bộ Ngoại giao. Người ta đã triệu ông tới và chăm chú lắng nghe.
Giờ đây người ta dự kiến cử Fleming sang Berlin phỏng vấn Hitler và nắm bắt tình hình, sau đó sẽ với tư cách đặc phái viên đến Thượng Hải lúc này đã là trung tâm tình báo quốc tế ở vùng Viễn Đông. Thế nhưng Fleming đã bỏ việc, chuyển sang hoạt động chứng khoán mặc dù chẳng được bao lâu.
Mùa xuân năm 1939 ông lại đến Moskva cùng phái đoàn thương mại do Bộ trưởng Bộ Ngoại thương dẫn đầu. Lần này ông là phóng viên cho tờ “Thời báo”. Ngoài việc viết bài Fleming còn có thêm nhiệm vụ của Cục Tình báo Anh. Vì ông được ủy nhiệm của đoàn thương mại nên được gặp gỡ tiếp xúc không chỉ với mọi người mà còn cả với những nhà lãnh đạo trong bộ máy nhà nước Xô Viết như Litvinov và Micoian. Cả hai ông đều hay chuyện, cởi mở và quảng giao, nhưng cũng rất “tinh ranh” bởi đều vượt qua thời kỳ các cuộc trấn áp và thanh trừng khủng khiếp. Fleming được giao nhiệm vụ đánh giá xem Nga có thể là đồng minh được không.
Trở về Anh, Fleming đã nộp báo cáo về tiềm năng quân sự của Nga, tinh thần chiến đấu và tâm trạng của họ. Nhận xét sắc sảo và đầu óc phân tích của tác giả đã khiến người ta chú ý. Đây là trích dẫn từ bản báo cáo của ông: “Khó có thể nhận định về người Nga theo tiêu chí của người Anh chúng ta. Cuồng tín, tư duy cứng nhắc, tình trạng bị bưng bít của họ hoàn toàn khó hiểu khiến người ta bực mình. Nếu xét họ về mặt nào đó như một đồng minh, thì tôi có thể khẳng định là tinh thần chiến đấu của họ rất cao, lòng dũng cảm của họ quá rõ ràng. Những người Anh và Pháp có dịp sang công tác ở Nga họ nhất định sẽ gặp phải những khó khăn nhất định: họ sẽ thấy tình trạng quản lý lộn xộn chưa từng thấy, họ sẽ rơi vào rừng cờ và khẩu hiệu đỏ rực. Nhưng khi thời điểm quyết định tới thì họ nhận thấy ngay là những con người khắc nghiệt đó khác hẳn với những tấm bia đỡ đạn được vũ trang tồi tàn năm 1914”.
Rõ ràng sau chuyến đi Nga lần này Fleming đã thôi không còn ý định giấu cái “tôi” thực sự của mình nữa. Ông công khai làm điệp viên cho Cục Tình báo Anh, đầu tiên chỉ là trung úy, sau là thượng úy và được phong là chỉ huy trưởng trong Hải quân Hoàng gia.
Chiến dịch đầu tiên Fleming phụ trách là việc giải cứu tù binh của Anh bị giam giữ tại nhà tù nổi vùng bờ biển Na Uy. Ngày 15 tháng 2 năm 1940 tàu “Kossakh” thuộc hạm đội Hoàng gia Anh tại vùng biển Na Uy đã chặn bắt tàu “Almark” của Đức, giải phóng cho ba trăm thủy thủ bị tàu chiến của Đức bắt tại vùng biển Nam Đại Tây Dương.
Vào mùa hè biến động của năm 1940, Fleming đến Lisbon. Lúc này ở đây có cả quận công Wildsor cùng phu nhân. Ông là cựu vương Edward Đệ tứ, người đã vì một phụ nữ Mỹ đã hai lần ly hôn tên là Wollis Simpson mà từ bỏ ngai vàng. Có mặt ở Lisbon còn có Valter Sellenberg, giám đốc Cục Phản gián Đức với nhiệm vụ thuyết phục quận công sang định cư ở Thụy Sĩ vì Hitler đã biết được tư tưởng sùng Đức của quận công và phu nhân, điều cần thiết để đảm bảo thành công cho chiến dịch “Sư tử biển” nhằm đưa lên ngai vàng Anh quốc người “của mình”.
Ở Lisbon đã nổ ra cuộc tranh giành ác liệt giữa tình báo Anh và tình báo Đức. Cuối cùng Thủ tướng Anh Churchill đích thân can thiệp và phía Anh đã thắng thế. Quận công Wildsor cùng phu nhân không đến Thụy Sĩ, mà tới quần đảo Labama giữ quyền thống đốc và tổng tư lệnh.
Khó có thể xác định vai trò của Fleming trong cuộc đụng độ trên. Chỉ biết rằng sau vụ đó ngay đầu năm 1941 ông đã trở thành trợ lý cho đô đốc John Golfrie, phụ trách mạng lưới tình báo trong hải quân và là nguyên mẫu của nhân vật M, cấp trên của điệp viên James Bond.
Để hợp tác hành động với các đồng minh, Fleming đã vài lần đi Mỹ và Giamaica. Rõ ràng là để làm được điều trên cần không chỉ thông tỏ các chiến dịch cùng tiến hành, mà còn phải biết phân tích tình hình, kịp thời đưa ra những lời khuyên và tiến cử xác đáng, tức là phải là một chuyên viên sắc sảo tầm cỡ.
Một trong những chiến dịch mà các điệp viên Anh thực thi tại Mỹ khi ấy sau này là chủ đề cho cuốn truyện được dựng thành phim “Role – Finger”. Đó là chuyện họ đã phối hợp cùng Jac Vogian, điệp viên Phòng nhì Pháp – cuỗm vàng trên đảo Mactinic của bọn Visi.
Năm 1942, Cục Phản gián Xô Viết có kế hoạch ám sát đại sứ của Đức ở Ancara, một tên quốc xã già và là một tình báo viên dày kinh nghiệm, nhưng thất bại. Việc mưu sát không thành vì điệp viên người Bungari, người chịu trách nhiệm thực thi, vấp phải mìn. Hai nhà ngoại giao Liên Xô là Cornilov và Pavlov – bị bắt và bị truy tố. Tất nhiên là phía Liên Xô một mực phủ nhận sự dính líu của mình. Tình báo Anh có sự tham gia của Fleming tự đứng ra điều tra vụ này.
Fleming còn lập công trong việc xác định nơi đặt tên lửa “Fau” của Đức. Kể về chuyện này thật là khó. Riêng về chuyện làm thế nào phát hiện được cơ sở chính của tên lửa trên đảo Penemude cũng đã có rất nhiều kiến giải và nhiều người muốn giành quyền là người đầu tiên phát hiện khiến khó có thể xác định thực tình. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là Fleming có tham gia vào vụ việc Penemude hoặc có thể vào một vụ việc nào khác, bởi cơ sở tên lửa “Fau” có rất nhiều và không chỉ ở trên một đảo đó.
Cuối cùng vào năm 1943, Fleming đảm nhận một việc quan trọng, đó là thu thập và phân tích các thông tin tình báo trước và vào thời điểm liên quân Anh-Mỹ đổ bộ vào Italia. Chắc là chiến dịch “Minxmit” (“Nhân bánh”) đã xảy ra trước nhiều. Trước khi liên quân Anh-Mỹ đổ bộ vào Sixin tình báo Anh đã lén vứt cho Đức xác của “thiếu tá Martin”. “Thiếu tá” mang theo mình chiếc cặp đầy tài liệu nói rõ kế hoạch đổ quân vào Xardin và Hy Lạp, chứ không phải Sixin. Phản gián Anh đã chuẩn bị “kế hoạch đánh lừa” quân Đức cẩn thận và cụ thể đến từng chi tiết nhỏ, khiến địch quân cắn câu ngay. Chủ yếu là ngay chính Hitler cũng tin vào “thiếu tá Martin” đến mức khi quân Đồng minh đã bắt đầu đổ bộ xuống Sixin, Đức Quốc trưởng vẫn cho là trò đánh lạc hướng, còn đổ bộ thực sự là ở Xardin và Peloponest.
Kết thúc chiến tranh được ít lâu, năm 1946 Fleming về hưu. Hoạt động tình báo của ông kéo dài 7 năm. Chuyện giật gân ly kỳ nhất trong cả cuộc đời hoạt động của ông là sát cánh bên ông không phải là nhân vật James Bond được ông hư cấu mà chính là điệp viên Liên Xô Kim Philby, “thế mà ông lại không để ý tới”.
Fleming định cư ở Giamaica, sống một cuộc đời êm đềm vui vẻ của một sĩ quan về hưu phong lưu giàu có. Năm 1952 ông cưới bà Rotermin (đây là lần kết hôn thứ ba) và cũng năm này, ngày 13 tháng 8, họ đã đón cậu con trai Caspa ra đời. Vậy là ông còn sống thêm được đúng 12 năm nữa.
Cũng chính lúc này “ở độ tuổi già” ông quyết định thử sức trong lĩnh vực văn chương. Năm 1953 cuốn sách đầu tay của ông “Điệp viên 007 phục vụ Nữ hoàng” đã ra mắt độc giả, trong đó nói về những cuộc phiêu lưu của James Bond. Tên nhân vật này là do tình cờ một lần ông nhìn thấy trên trang bìa cuốn “Chim chóc trên các đảo vùng Tây ấn” tên tác giả một nhà điểu học người Mỹ là James Bond. Sau này khi điệp viên 007 trở nên nổi tiếng thì nhà điểu học Mỹ lại gặp biết bao phiền toái. Suốt ngày bọn gái bán hoa gọi điện tới tấp, còn các độc giả kỹ tính thì lại muốn khẳng định chính xác mọi chi tiết trong câu chuyện. Vợ nhà bác học điên đầu gọi điện tới thì Fleming chuyển sang chuyện đùa và đề nghị hai vợ chồng nhà điểu học sử dụng tên ông thỏa thích cho hả giận. Thế là mọi chuyện được dàn xếp ổn thỏa.
Những tác phẩm đầu tay của Fleming được viết vào thời kỳ “những cuộc săn lùng các thầy phù thủy” và lúc “chiến tranh lạnh” quyết liệt nhất. Đối thủ chính của James Bond là “bọn Đỏ”, thường được biết tới qua tổ chức tình báo SMERSA (đó là tên của Cục Phản gián của Liên Xô thời kỳ chiến tranh Vệ quốc vĩ đại có nghĩa là “Bọn gián điệp phải chết!”). Cùng với thời gian tác giả đã khôn ngoan sáng suốt hơn. Trong các truyện của mình Fleming đã để cho James Bond đối phó không chỉ với người Nga, mà cả với các liên minh tội phạm quốc tế khác. Tên Cục Phản gián “SMERSA” khét tiếng đã được thay thế bằng tên tổ chức hư cấu là SPECTR (tổ chức đặc nhiệm thực thi các chiến dịch phản gián, chống khủng bố, những hành động đáp trả và cưỡng chế).
Fleming đã có lần tuyên bố: “Tôi luôn yêu quý nhân dân Nga và tôi vui lòng được làm việc ở Moskva… Vì vậy tôi không bao giờ có ý định bôi nhọ họ, hơn thế đường lối chung sống hòa bình đã mang lại nhiều thành quả”.
Flemming viết cả thảy 14 cuốn về điệp viên 007 James Bond.
Có thể nói đôi chút về các nguyên mẫu cho James Bond. Trước hết, rõ ràng James Bond là một nhân vật hư cấu, tập hợp tính cách của nhiều người. Nhân vật này gợi nhớ đôi chút gì đó của tác giả và đồng sự của ông, điệp viên Merlin Marsall, có những nét của điệp viên hai mang người Nam Tư Dusco Popov, lại chịu ảnh hưởng của cả điệp viên quốc tế nổi tiếng Sidney Reilly, một người mà Fleming thường được Bruce Lockhart, một điệp viên cũng không kém phần nổi danh và là đồng sự của ông kể cho nghe. Tuy nhiên Fleming nhận xét: “Tiếc là Bond không phải lúc nào cũng tốt như Reilly!”.
Về hình ảnh James Bond tác giả có tranh luận nhiều lần với chính giám đốc Cục Phản gián Mỹ Allen Dulles, người rất thán phục sáng tác của Fleming và thường khoe khoang rằng dưới trướng ông ta có “không chỉ một tá James Bond”. Đúng là trong cuốn “Nghệ thuật tình báo” của mình Dulles đã so sánh điệp viên Liên Xô Rudolf Abel với James Bond và phải thừa nhận: “Abel có thể làm mọi chuyện thật êm thấm bí mật, trong khi James Bond lại thực thi một cách ồn ào và bắn nhau chí chóe”.
Nguyên mẫu các sếp của James Bond (ngài M) chính là các cấp lãnh đạo của Fleming, như sếp của Cục Tình báo MI-5 Macswell Nite, John Golfrie và ngài Colin Gabbins, giám đốc Cục Quản lý các chiến dịch đặc biệt thời chiến.
Đối thủ của James Bond cũng mang tính khái quát tượng trưng. Bắt đầu vào nghề viết giữa lúc quyết liệt của “chiến tranh lạnh” vào năm 1953, Fleming đã miêu tả các điệp viên Xô Viết hoàn toàn tàn bạo.
Nhân vật tướng Glubodaboisic dữ tợn phụ trách tổ chức SMERSA trong cuốn “Mang theo tình yêu từ nước Nga về”, theo các tác giả phương Tây, gợi nhớ hình ảnh tướng Abacumov, một người tàn nhẫn, chuyên đích thân tra hỏi các tù binh ở nhà tù Lubianco. Trong cuốn sách đó tác giả đã dành cả một chương mô tả cụ thể về các cơ quan an ninh Xô Viết. Và không phải ngẫu nhiên mà vào thời kỳ khủng hoảng tên lửa ở Cu Ba vào năm 1961 cuốn “Mang theo tình yêu từ nước Nga về” (như chúng ta đã biết về cuối đời Fleming đã có thay đổi trong nhìn nhận về nước Nga và người Nga) đã là cuốn sách gối đầu giường của Tổng thống Mỹ John Kennedy và giám đốc CIA Allen Dulles.
Còn về các hình ảnh phụ nữ trong các tác phẩm của Fleming thì đều là những nhân vật được hư cấu, không có nguyên mẫu, ngoại trừ nhân vật Monipeni, thư ký của ngài M, lấy nguyên mẫu từ Ketlin Pettingiew, thư ký của cả 3 đời giám đốc Cục MI-6.
Cần nói thêm rằng các bộ phim về điệp viên 007 James Bond đã tôn vinh tác giả hơn cả các cuốn sách của ông.
Ngày 10 tháng 8 năm 1964 đang chơi gôn thì Fleming thấy khó ở. Ông được chở ngay tới bệnh viện. Đêm 12 rạng ngày 13 ông qua đời và được an táng tại nghĩa trang Hampton Glotersir.
Được tin ông mất, đô đốc Golfrie, thủ trưởng cũ của Fleming, đã thốt lên: “Tôi luôn cho rằng đáng lẽ ông ta phải là Giám đốc cơ quan Tình báo Hải quân, còn tôi chỉ là trợ lý mà thôi”. Có thể ông ta chỉ nói đùa như vậy!