Henri Robinson (1897 – 1943) Tài Năng Và Lòng Quả Cảm

Đây là một trong những người đại diện phi thường nhất của “cộng đồng tình báo” – ta tạm gọi như vậy. Ông không yêu mến Moskva, căm ghét “những trật tự” được thiết lập trong thời kỳ thanh trừng những năm 1930 của Stalin, nhưng đồng thời ông là người phục vụ cho công cuộc thanh trừng đó một cách vô tư, trung thực đến tận cuối đời mình.

Tên thật của ông là Arnold Snee, sinh ở Sen-Jille, nước Bỉ trong một gia đình người Do Thái. Ông đã sang Pháp từ trẻ và có quốc tịch Pháp. Ông tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Duyrich, khoa Luật, thạo các ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức và Italia. Năm 1920 ở Pháp ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, sau đó là đảng viên Đảng Cộng sản Đức. Ông có vợ là Clara Sabbel và một con trai với bà Clara tên là Leo.

Cần nói đôi lời về nhân cách của người đàn bà lỗi lạc này. Clara Sabbel sinh năm 1894 ở Berlin trong một gia đình công nhân, bố mẹ đều là đảng viên Đảng Xã hội dân chủ, vì thế từ nhỏ bà đã hấp thụ được lý tưởng Xã hội Dân chủ Đức. Đầu Thế chiến thứ nhất bà gia nhập liên minh “Spartak” cánh tả do K. Libcnest và R. Lucsemburg lãnh đạo. Năm 1918, Clara là bí thư của Hội đồng các đại biểu công nhân Phổ, từ năm 1919, là đảng viên Đảng Cộng sản Đức, sau đó công tác ở Quốc tế cộng sản. Từ thời gian này Clara là điệp viên của Cục Tình báo. Mùa thu 1923, khi chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở Đức, Clara Sabbel cùng với chồng là Henri Robinson (lúc này có bí danh là “Đồng chí Harri”) tiến hành việc nổ mìn ở tỉnh Rua. Năm 1924, Clara sống và làm việc ở Moskva, công tác ở Ban trung ương Cục Tình báo Hồng quân Công nông. Sau đó Clara cùng con trai trở về Đức. Căn hộ của Clara được sử dụng làm cơ sở bí mật và được coi là “một hộp thư” của cơ sở. Trước khi chiến tranh giữ nước vĩ đại bùng nổ Clara cùng với I. Stiobe và E. Hiubner là những nguồn cung cấp những thông tin có giá trị ở Berlin. Vì Clara giữ mối quan hệ tiếp xúc với những người cộng sản trong nhóm Harnar-Schulze-Boysen nên không tránh khỏi bị bắt bớ. Ngày 18 tháng 10 năm 1942, Clara bị bắt và ngày 30 tháng 1 năm 1943, bị Toà án quân sự Đế chế kết án tử hình, đến ngày 5 tháng 8 năm 1943, tòa thi hành bản án đối với Clara đúng vào ngày ở Moskva bắn phát súng đầu tiên chào mừng các thành phố Orlo và Belgorod được giải phóng trong chiến dịch Kursk.

Năm 1921, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Đức cử “đồng chí Harri” đến Moskva công tác dưới sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản thanh niên.

Sau khi trở về Đức “đồng chí Harri” nhận nhiệm vụ tiến hành công tác bí mật phản chống quân đội Pháp chiếm đóng tỉnh Rua, tập hợp xung quanh mình một nhóm những người cộng sản trẻ. “Phong trào trẻ em” là tên gọi của cơ sở những người cộng sản trẻ, tức là nguồn cung cấp những lực lượng ủng hộ ngày càng mới hơn. Vì hoạt động ở tỉnh Rua, toà án Pháp đã kết án vắng mặt Henri Robinson 10 năm tù giam.

Những cuộc tiếp xúc của Henri Robinson với tình báo quân sự Liên Xô diễn ra trong những năm 1923 – 1924. Trong giai đoạn này công nghiệp và khoa học Đức được nâng cao một cách phi thường, những thành tựu trong ngành hàng không, hoá học và quang học khiến cho tình báo Liên Xô đặc biệt chú ý. Henri Robinson là thành viên tích cực của tổ chức bí mật “Máy – M” của Đảng Cộng sản Đức hoạt động trong môi trường quân sự nên có điều kiện nhận được những thông tin cần thiết. Lúc đầu gián tiếp thông qua Đảng, nhưng từ năm 1933 theo chỉ thị trực tiếp của cục trưởng Cục Tình báo Ian Berdin, Henri Robinson được khai thác lấy thông tin này. Được nhà tình báo từng trải Stigga lựa chọn, Henri Robinson chính thức có tên trong thành phần mạng lưới điệp viên của Cục Tình báo. Lúc đầu Henri là phó công sứ, sau đó là công sứ tại Pháp. Một trong những phương pháp lấy thông tin cần thiết về công nghiệp ở Pháp cũng như ở Đức là thành lập mạng lưới “phóng viên công nhân”. Được đưa vào áp dụng ở nhà máy, những phóng viên công nhân này cung cấp cho tình báo Liên Xô những thông tin chi tiết về những thiết kế và quy trình công nghệ. Làm việc với các phóng viên công nhân rất thú vị. Không một ai trong số này công khai bảo mình là làm gián điệp. Họ cho rằng họ đang lao động vì lợi ích của giai cấp công nhân và các công đoàn. Những số liệu nhận được từ các phóng viên này được tập hợp lại và giao cho một nhóm ít người là chuyên viên để phân tích. Trường hợp cần thiết thì gửi yêu cầu đến các kỹ sư, các công đoàn có thiện cảm. Quy mô của công việc này rất lớn.

Henri Robinson chỉ đạo các chiến dịch tình báo một cách thông thạo. Dĩ nhiên khi Hitler lên cầm quyền thì hoạt động của các phóng viên công nhân rút vào bí mật. Giai đoạn từ 1937 đến 1939, “đồng chí Harri” đã thành lập được một mạng lưới tình báo lớn và đảm bảo bí mật có thể khai thác được những thông tin có giá trị, Henri được chuyên môn hoá về kinh tế nên có thể chọn lọc và phân tích những thông báo của điệp viên mình. Robinson gửi đi Moskva một khối lượng lớn các tài liệu về các vấn đề kỹ thuật quân sự, trong đó có việc sản xuất đạn pháo nổ, vũ khí mới, về các máy dưỡng khí cho phi công và các mặt nạ phòng khí độc mới của Đức. Robinson rất giỏi xoay xở thậm chí kiếm được các mẫu vỏ thép các xe mới của Pháp và gửi được về Trung Tâm. Những thông tin chính trị cũng rất hấp dẫn: báo cáo về động viên bộ phận ở Anh tháng 9 năm 1938, những tài liệu về việc chuẩn bị lực lượng vũ trang của Anh và việc đưa số quân này sang Pháp…

Henri Robinson trong công việc có thái độ rất thận trọng đến từng chi tiết đối với những vấn đề bảo mật và thường giấu tên các điệp viên của mình ngay cả với cấp lãnh đạo cơ quan tình báo. Một lần “đồng chí Harri” nhận được từ Moskva một yêu cầu: “đồng chí chưa lần nào viết cho chúng tôi biết đồng chí nhận được tài liệu của ai giao. Điều không rõ ràng xung quanh vấn đề này khiến chúng tôi có đôi chút băn khoăn”. Henri trả lời rằng bạn của anh làm tất cả mà không lấy tiền công, và rằng Henri biết bạn của mình trong suốt thời gian 20 năm nay, còn “tên người bạn thì anh sẽ chỉ thông báo bằng miệng mà thôi”.

Nhưng rồi Thế chiến thứ hai bùng nổ. Cơ quan tình báo của Robinson định hướng công tác chống nước Đức. Sự phá sản của nước Pháp vào tháng 6 năm 1940 cho thấy không còn nghi ngờ gì nữa, Liên Xô sẽ là mục tiêu trước mắt của Hitler. Robinson đã khéo léo tách những tuyên bố mang tính chất tuyên truyền của Hitler về cuộc xâm lược sắp tới vào nước Anh với những gì đã xảy ra trong thực tế và gửi những thông tin có giá trị nhất về Trung Tâm. Tuy nhiên, mặc dù Henri Robinson đã dùng hai nắm tay đập cửa mà sau cánh cửa người ta chỉ nghe thấy rất ít:

“Ngày 11 tháng 11 năm 1940. Bốn phần năm lực lượng cơ giới hoá của Đức đã được ném sang Ba Lan. Tuần trước 12 chuyến tàu hoả công binh đi từ ga Rômilli sang Đức…”

Ngày 5 tháng 4 năm 1941. Tuyến đường sắt nước Pháp có một số lượng lớn đoàn xe quân y đi về phía đông”.

“Ngày 17 tháng 4 năm 1941. Những chiếc xe tăng 70 tấn của các nhà máy ở Rơmô được ném sang Katovitxe (Ba Lan). Từ 21 đến 23 tháng 4, 80 xe tăng hạng nhẹ đã được chuyển đi phía đông”.

“Ngày 7 tháng 5 năm 1941. 350 xe tăng 12 tấn của Pháp từ các nhà máy ở Gotskis đã chuyển đến Ba Lan”.

“Ngày 10 tháng 6 năm 1941. Một viên đại tá quen biết đã có cuộc trao đổi với một viên sĩ quan cao cấp Đức và viên sĩ quan này tuyên bố rằng ít nhất hai tháng nữa một phần lãnh thổ Liên Xô sẽ bị người Đức xâm chiếm”.

Khi chiến tranh giữ nước vĩ đại nổ ra, cơ quan tình báo của Henri Robinson đang ở Pháp. Cơ quan của Robinson đã hoàn toàn sẵn sàng làm việc trong điều kiện chiến tranh. Các điệp viên được giữ bí mật rất tốt và đều có cơ sở che giấu tin cậy. Họ thường xuyên nhận được những thông tin khá đầy đủ. Cơ quan tình báo của Robinson có hai máy phát sóng vô tuyến thường xuyên duy trì quan hệ với Trung Tâm. Sự độc lập đối với các đơn vị tình báo khác và điều kiện đến thẳng Moskva là sự đảm bảo chủ yếu cho sự tồn tại an toàn của cơ quan an ninh. Bên cạnh đó Robinson có thể đích thân liên hệ với cơ quan tình báo “Dora” ở Thuỵ Sĩ đứng đầu là Sandor Rado (người Đức gọi cơ quan tình báo này là “Cỗ xe tam mã đỏ”).

Ngoài cơ quan tình báo của Robinson còn có cơ quan tình báo Ozons ở trên lãnh thổ Pháp, sau khi Đức chiếm đóng Bỉ có thêm cơ quan tình báo của Trepper. Các cơ quan tình báo này có quan hệ với Moskva thông qua tướng Susloparov, tuỳ viên quân sự ở Pháp. Nhưng khi chiến tranh vừa nổ ra tướng Susloparov về nước nên cơ quan tình báo này không có liên hệ gì với Moskva.

Và ở đây Trung Tâm đã phạm hai sai lầm nghiêm trọng. Tháng 6 năm 1941, thủ lĩnh cơ quan tình báo ở Bỉ là K. Efemov được giao nhiệm vụ giúp Trepper và Gurevich thiết lập quan hệ với Moskva. Đây là một trong những nguyên nhân thất bại nặng nề trong tương lai, nhưng lúc bấy giờ điều này cho phép thiết lập được quan hệ với Trung Tâm. Mặc dù khôi phục lại quan hệ, nhưng tháng 9 năm 1941, Trepper nhận được chỉ thị thiết lập việc tiếp xúc với Robinson, vì cho rằng việc tiếp xúc này chỉ bó hẹp ở việc sử dụng máy phát sóng vô tuyến của Robinson như máy phát sóng dự trữ. Nhưng Trepper đã vi phạm chỉ thị này. Vì háo danh nên Trepper quyết định Robinson hoạt động hoàn toàn dưới sự điều khiển của mình. Trepper cho Robinson liên lạc với hai điệp viên cơ quan tình báo của mình, ngoài ra còn thông báo về Robinson cho Raikhman chính là tên phản bội.

Như vậy, tất cả các cơ quan tình báo vừa liệt kê được liên kết thành một mạng lưới hầu như rất khó điều khiển và nhất là không an toàn về phương diện bí mật. Trepper là thủ lĩnh của mạng lưới này.

Lâm vào tình trạng phức tạp như vậy nên Robinson vẫn tiếp tục hoạt động. Tháng 7 năm 1942, đích thân tướng de Gaulle cử cựu quận trưởng Chartre Jan Mulen (bí danh “Reks”) từ London bí mật đến Paris. Không biết bằng cách nào (chi tiết không được rõ) mà giữa Robinson và Mulen thiết lập được quan hệ với nhau. Người ta chỉ biết rằng trong bức điện báo gửi đến London Mulen đã thông báo về cuộc gặp này, trong đó còn nhấn mạnh “đã tiếp xúc được” với “cơ quan mật của người Nga”, sự việc Mulen và thông qua Mulen, cơ quan mật của nước Pháp tự do đi vào hoạt động bí mật của những người cộng sản – động lực chủ yếu của cuộc Kháng chiến ở Pháp – là một kết quả quan trọng của cuộc gặp giữa Robinson và Mulen. Sau khi Mulen nói lên mong muốn có quan hệ với những người cộng sản, Robinson báo cáo việc này cho Trepper. Trepper thông báo cho liên lạc viên của mình với Đảng Cộng sản Pháp và đồng chí Jack Duclo là Louis Gronovki biết. Như vậy là mối quan hệ của nước Pháp tự do với những người cộng sản đã được thiết lập.

Thời gian này Gestapo vẫn cảnh giác đối phó. Ngày 13 tháng 12 năm1941, ở Brussel đã có những cuộc bắt bớ, sau đó thì bắt bớ diễn ra liên tiếp, hết vụ này đến vụ khác. Không phải tất cả những người bị bắt đều chịu đựng được tra tấn. Bọn Đức đã lấy và giải mã được rất nhiều điện báo vô tuyến và nhiều tài liệu khác. Kết quả là ngày 21 tháng 12 năm 1942, Henri Robinson bị Gestapo bắt. Đến tháng 1 năm 1943, các cơ quan tình báo của Macarov, Trepper, Robinson và Gurevich chấm dứt hoạt động. Tổng cộng bọn Đức đã bắt được hơn 100 người ở Pháp, Bỉ, Hà Lan, trong đó có đến 70 người hoạt động cho tình báo Liên Xô. Bọn Đức có âm mưu sử dụng những máy phát sóng vô tuyến chiếm được của Liên Xô vào trò chơi liên lạc bằng vô tuyến với tình báo Liên Xô, nhưng không phải bao giờ cũng thành công. Như khi chưa bị bắt, ngay từ 25 tháng 9, Robinson đã kịp thông báo về việc bắt các nhân viên điện đài, sau đó thông báo này đã được Trepper gửi đi. Nhờ đó từ tháng 6 năm 1942, Trung Tâm đã bắt đầu sử dụng trò chơi vô tuyến phục vụ cho lợi ích của mình.

Sau khi bắt được Robinson, bọn Gestapo tra tấn anh rất khủng khiếp. Nhưng Robinson không hề cung khai, chỉ im lặng. Bọn Gestapo bắt vợ anh là Clara Sabbel và con trai Leo ở Berlin. Bọn chúng đưa con trai anh đến trường xử bắn trước mắt anh. Nhưng “đồng chí Harri” chỉ im lặng. Anh không khai bất cứ một người nào, nên sau khi anh bị bắt không một ai bị bắt cả.

Về số phận sau đó của Robinson có một vài giả thuyết.

Theo giả thuyết thứ nhất thì Robinson bị kết án tử hình và bị hành quyết. Theo giả thuyết thứ hai thì Robinson chính thức không bị xử bắn nhưng bị giết vì chuẩn bị vượt ngục. Còn theo giả thuyết thứ ba thì Robinson bị giết theo chỉ thị của Moskva (?). Cuối cùng, theo giả thuyết thứ tư Robinson vẫn còn sống và tiếp tục hoạt động cho tình báo Liên Xô.

Một bằng chứng văn bản duy nhất nói về số phận của Robinson được tác giả N.Poroscov dẫn ra trong bài báo đăng trên báo Sao đỏ ra ngày 17 tháng 6 năm 1998, cho biết vào cuối tháng 9 năm 1944 một người lạ chuyển đến cơ quan đại diện Liên Xô ở Sophia bức thư ngắn sau đây:

“Đồng chí người Pháp Henri Robinson, “Harri”, bị Gestapo bắt vào tháng 12 năm 1942 tại nhà riêng. Anh bị một kẻ nhận được địa chỉ của anh ở Moskva tố giác. Vợ và con anh cũng bị tra tấn và bị tù, sau đó bị hành quyết. Bản thân “Harri” bị tù ở phòng biệt giam và sau đó chuyển đi Berlin… Tại đây anh bị giam giữ hoàn toàn bí mật tại phòng giam số 15 chờ án tử hình. Người viết những dòng dưới đây trông thấy anh lần cuối cùng vào ngày 20 tháng 9 năm 1943 khi đi ra từ phòng giam số 16 bên cạnh và hứa sẽ chuyển thông báo này…” (Tiếp theo là sự mô tả chi tiết việc bắt bớ và hành vi của một số người cụ thể khác).

“…Tất cả mối quan hệ với Bộ và Bộ tổng tham mưu của Pháp đều an toàn, vì chỉ riêng Ha… biết mà thôi. Người ta chém đầu hay bắn thì chiến thắng vẫn sẽ là của chúng ta. Harri của các bạn.”

error: Content is protected !!