Hemingway (1898-1961) Bậc Thầy Gián Điệp Nghiệp Dư

Hemingway Ernest Miller là nhà văn Mỹ nổi tiếng thế giới, giải thưởng Nobel văn chương với nhiều tiểu thuyết rất được ưa thích (phần nhiều đã được dịch ra tiếng Việt) như Chuông nguyện hồn ai, Giã từ vũ khí, Ông già và biển cả… Bạn đọc cũng đã biết nhiều về cuộc đời sôi động của ông, như hoạt động du kích, báo chí của ông trên mặt trận thế chiến I và II, những thú đam mê của ông như đấu bò tót, đi săn, câu cá biển… Nhưng có lẽ nhiều người chưa biết nhà văn còn là một… điệp viên. Dưới đây xin giới thiệu quãng đời đó của ông.

Mùa hè năm 1942, cuộc Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra khắp nơi. Nhưng E.Hemingway bị kẹt trong ngôi biệt thự hiu quạnh tại La Habana, Cuba. Sau sự kiện Trân Châu Cảng, mặc dù Cuba đã tuyên chiến với phe trục Đức – Italia – Nhật, nhưng đảo quốc này xem ra chẳng mấy mặn mà với việc chống lại bọn Đức Quốc xã. Trong khi vị trí địa lý của Cuba có thể được coi là “trời phú”, ngồi tàu thủy chở khách không quá nửa giờ sẽ tới được mỏm Key West, bang Florida nước Mỹ. Một số lượng khá đông gián điệp Đức, nhất là bọn gián điệp hải quân mang theo hộ chiếu Tây Ban Nha, ùn ùn tiềm nhập Cuba nhen nhóm hoạt động. La Habana gần như biến thành thủ đô gián điệp vùng Nam Mỹ.

Hemingway đầu tiên tìm gặp một người bạn cũ là Robert P.Joyce, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Mỹ tại La Habana. Hemingway thao thao khoe với bạn rằng, trong thời nội chiến ở Tây Ban Nha mình từng tích cực tổ chức hoạt động bí mật tại Madrid như thế nào. Mà đặc điểm nổi bật nhất của ông là dám mạo hiểm, không sợ hy sinh thân mình. Joyce đã bị những lời du thuyết “bùi tai” của Hemingway chinh phục hoàn toàn và cũng từ đó, Joyce “đầu quân” cho Cục Tình báo chiến lược, tiền thân của Cục Tình báo trung ương Mỹ. Được sự tiến cử nhiệt tình của Joyce, viên đại sứ Mỹ tại Cuba Spruyl Braden tỏ ra rất hứng thú với tài năng hoạt động chiến tranh bí mật của Hemingway. Theo thỏa thuận giữa đôi bên, Đại sứ quán Mỹ tại Cuba sẽ tài trợ cho Hemingway gây dựng một tổ chức điệp báo bí mật ngay tại địa phương, để phá các hoạt động tình báo của các phần tử Đức Quốc xã tại Cuba.

Và thế là từ đó Hemingway bắt đầu chính thức hoạt động tình báo cho Chính phủ Mỹ. Ông đặt tên cho mạng lưới điệp báo của mình là “Nhà máy tội phạm”, thực ra tên gọi này đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, bởi các “tình báo viên” mà Hemingway chiêu mộ, trừ số ít là ngư dân lương thiện, còn phần đông là đám bợm nhậu, con bạc khát nước, dặt dẹo, tay chơi, thậm chí cả kẻ phản động.Hoạt động tình báo của Hemingway trước tiên đã gây sự chú ý đặc biệt của FBI. Cục trưởng FBI Hoover vì đã quá quen thuộc với tiểu thuyết gia lừng danh này nên bắt đầu ngờ vực Hemingway là đảng viên cộng sản bí mật. Vì vậy, FBI đã lập hẳn một hồ sơ riêng chuyên điều tra đối với Hemingway. Hoạt động của Hemingway và mạng lưới “Nhà máy tội phạm” của ông chẳng khác nào hành vi “múa rìu qua mắt thợ” đối với Hoover nên ông ta ra lệnh cho 16 đặc công FBI “nằm vùng” tại La Habana phải giám sát thật chặt mọi hành tung của Hemingway và các thành viên “Nhà máy tội phạm”.

Ngay sau đó, “Tham tán pháp luật” Raymond Leydi của Đại sứ quán (tay này có nhân thân đích thực là người phụ trách cao nhất của toán đặc công FBI “nằm vùng” tại La Habana), truyền tin tức về Mỹ nói rằng, Đại sứ quán mỗi tháng cung cấp cho Hemingway 1.000 USD làm kinh phí hoạt động. Hơn thế nữa, người vợ thứ ba mới cưới của Hemingway là Marsa hình như có mối quan hệ thân tình trên mức bình thường với phu nhân của Tổng thống Franklin D.Roosevelt. Còn người đứng đầu mạng lưới điệp báo nghiệp dư được chính phủ tài trợ này mỗi tuần đều bí mật lẻn vào Đại sứ quán trực tiếp trao những tin tức tình báo mới thu thập được.

Trong hồi ký của mình, Joyce có nhắc tới những công việc của Hemingway rằng, “đương nhiên, rất nhiều tin tình báo của họ là tác phẩm của óc tưởng tượng, nhưng cũng không ít tin có giá trị. Và với những tin thực sự quan trọng, chúng tôi trả thù lao khá hậu”. Những tin tình báo do mạng lưới điệp báo của Hemingway cung cấp đã gây được sự chú ý đặc biệt của tổ chức tình báo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, thậm chí còn ngầm bảo vệ “Nhà máy tội phạm” tránh khỏi sự quấy phá của Hoover. Thành tích xuất sắc nhất của “Nhà máy tội phạm” là chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn đã buộc phần lớn những điện đài bí mật của các phần tử Đức Quốc xã trên đảo đều phải câm họng. Phương pháp của Hemingway rất đơn giản, ông cho đám “điệp viên lang thang” của mình tới mọi ngõ ngách phao tin lên rằng, nếu kẻ nào còn liều mạng đánh điện báo cho tàu ngầm “U”, thì bọn chúng hãy liệu mà giữ mạng. Một lần, “Nhà máy tội phạm” chú ý tới một cô gái gọi “vang bóng”, đẹp như hoa hậu chuyên ve vãn mồi chài các sĩ quan hải quân Đồng minh, trong khi ả có một gã bồ “già nhân ngãi non vợ chồng” là một chủ quán càphê người Đức (thực tế hắn là người phụ trách điệp viên Hải quân Đức “nằm vùng” tại La Habana). Hemingway lập tức hạ lệnh cho tay chân hành động, chỉ mấy ngày sau, bỗng gã này “bay hơi” mất tăm.

Ngày 8 tháng 10 năm 1942, bọn đặc công FBI gửi về Mỹ một bức điện mật khiến Hoover dựng tóc gáy. ấy là tin tiểu thuyết gia này đã cải tiến con thuyền đánh cá “Para” của mình thành con tàu có vũ trang, Washington dường như đã trao quyền cho Hemingway bí mật tiến hành săn lùng truy sát tàu ngầm “U” của Đức Quốc xã.

Nửa cuối năm 1942, đang là thời kỳ nóng bỏng nhất của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, tàu ngầm “U” của Đức lùng sục khắp nơi để tìm kiếm các đội thương thuyền của Đồng minh. Các đội thương thuyền của Mỹ liên tục bị tập kích bất ngờ.

Bản thân Hemingway vốn rất thích những chuyến đi biển. Ông thường đánh thuyền ra vùng biển sâu vịnh Caribe câu cá thu. Nhà mạo hiểm giàu tưởng tượng này nhận định rằng, bằng kinh nghiệm đi biển xa phong phú của mình, ông khẳng định sẽ hạ được tàu ngầm biệt kích của Đức. Kế hoạch của Hemingway rất đơn giản, bởi tàu ngầm “U” phải qua một hành trình rất dài mới tới được vùng biển này, nhất thiết phải bổ sung nhiên liệu và lương thực, nước uống. Vì vậy, bọn chúng buộc phải mạo hiểm nổi lên mặt nước, gạ mua, đổi nước uống, lương thực của các thuyền đánh cá. Kế hoạch của Hemingway là lắp súng máy hạng nặng lên chiếc thuyền “Para”, sau đó tuần tiễu ngang dọc vùng biển Caribe. Hemingway tin rằng, thế nào bọn Đức cũng mắc câu, một khi tàu ngầm Đức trồi lên, tưởng chiếc “Para” là thuyền đánh cá thông thường, sà tới, ông sẽ chọn thời cơ lệnh cho thuyền viên quét súng máy và ném thủ pháo đánh chìm tàu đối phương.

Trước hết, Hemingway chia sẻ ý tưởng này với thượng tá John.W.Thomas, viên sĩ quan chỉ huy Hải quân Mỹ tại vùng Trung Mỹ. Viên sĩ quan này rất tâm đắc và tạo điều kiện đưa chiếc ngư thuyền “Para” của Hemingway tới căn cứ Hải quân Guantanamo trên đất Cuba để lắp và trang bị vũ khí. Kế hoạch tuyệt mật của Hemingway, ngoài Đại sứ Mỹ và thượng tá John.W.Thomas ra, chỉ một người Mỹ thứ 3 nữa biết tới, đó là tướng Bchi Willer, tư lệnh căn cứ Guantanamo. Hải quân Mỹ đã “tân trang” lại chiếc ngư thuyền “Para”: thay động cơ có công suất lớn, một khẩu đại liên 2 nòng Browning và nhiều thủ pháo, bộc phá… Nhằm thực hiện tốt kế hoạch tác chiến táo bạo “mặt đối mặt” trên biển, Hemingway đã tuyển lựa những thuyền viên trẻ khỏe, thạo sông nước và dũng cảm. “Phó tướng” của ông là Winston Gaster, một vận động viên xuất thân từ gia đình triệu phú. Phó thuyền trưởng là Grigori Fornaster, vốn từng là thuyền trưởng một con tàu hơi nước; người phụ trách quân khí trên tàu là thượng sĩ lục quân Downe Saxton, do Đại sứ quán Mỹ “cho mượn”.

Mấy chục năm sau, con trai của Hemingway đã nhớ và kể lại những ngày tháng đặc biệt từng cùng sống với bố trên con thuyền “Para” lênh đênh trên biển khơi truy lùng tàu ngầm biệt kích Đức: “2 thuyền viên phục ở mũi thuyền, tay lăm lăm súng tiểu liên, 2 người nữa trực bên khẩu đại liên Browning gắn ở đuôi thuyền, còn bố tôi đứng trên đài quan sát dùng ống nhòm sục sạo mọi động tĩnh trên mặt biển xung quanh, bên cạnh người là một khối bộc phá lớn”.

Ngày 9 tháng 12 năm 1942, Hemingway báo cáo với Đại sứ Mỹ về việc “Para” phát hiện một chiếc tàu ngầm “U” Đức áp sát chiếc tàu chở khách “Maques Dconmiras” của Tây Ban Nha. Có thể do muốn khuếch trương khả năng trinh sát của mình và cũng có thể do thói quen nghề nghiệp của nhà văn tài ba, Hemingway đã thêu dệt rằng, chiếc thuyền nhỏ nhoi của ông chỉ “chút xíu” nữa là tóm được người Đức vậy.

Lần này thì Hemingway đã cung cấp cho Hoover một cơ hội tốt. Gã cục trưởng FBI chưa bao giờ tin rằng nhà mạo hiểm nghiệp dư này có thể làm được tình báo. Hắn tức tốc hạ lệnh cho thuộc hạ tới ngay bến cảng điều tra về con tàu “Dconmiras”. Tin tức tình báo về chứng thực, những báo cáo “chiến tích” của Hemingway phần lớn là bịa đặt. Kết quả điều tra trên khiến viên đại sứ Mỹ rất khó xử, bởi ông ta đang chịu một áp lực khá lớn từ trong nước do Hoover khuấy động. Viên đại sứ đành thông báo cho Hemingway ngừng ngay mọi hoạt động của “Nhà máy tội phạm”.

Mặc dù mạng lưới điệp báo của Hemingway chính thức bị đình chỉ từ ngày 1 tháng 4 năm 1943, nhưng việc săn tàu ngầm Đức của nó vẫn kéo dài thêm 4 tháng nữa. Sau đó, đại sứ Braden dần dần thay đổi thái độ, bằng chứng là trong một bị vong lục gửi về Nhà Trắng, ông ta viết: “Không ít tin tức tình báo do Hemingway cung cấp là rất có giá trị, nó đã giúp cho chúng ta xác định được khá chuẩn xác vị trí của tàu ngầm biệt kích Đức. Nhằm biểu dương những chiến tích xuất sắc của Hemingway, tôi thiết tha đề nghị xét thưởng huân chương cho ông ta”. Mặc dù vậy, Chính phủ Mỹ đã thẳng thừng từ chối. Có ý kiến cho rằng, để bù đắp lại, về sau Chính phủ Mỹ mượn lý do Hemingway đã tỏ ra anh dũng xông xáo trong thời kỳ làm phóng viên mặt trận tại chiến trường Pháp, đã tặng ông Huân chương Ngôi sao đồng.

Nhiều người cho rằng, chính trong thời kỳ này Hemingway bắt đầu thai nghén cho tác phẩm nổi tiếng “Ông già và biển cả” sau này.”

error: Content is protected !!