Harro Schulze Boysen (1909 – 1943) Anh Cả Trong “Dàn Đồng Ca Đỏ”

Những kẻ thù của chủ nghĩa quốc xã và Hitler lựa chọn các phương thức đấu tranh khác nhau. Các tướng lĩnh thì tổ chức những âm mưu, giới trí thức thì dán truyền đơn chính trị. Harro Schulze-Boysen và các bạn của ông thì lựa chọn hoàn toàn có ý thức một con đường đấu tranh khác để giúp đỡ đất nước có thể tiêu diệt Hitler và chế độ của y. Họ hiểu mục đích của họ và chiến công của họ là hoàn toàn không vụ lợi – ngay cả toà án của Hitler cũng không thể buộc tội họ “bán mình” cho kẻ thù.

Schulze-Boysen sinh ngày mồng 2 tháng 9 năm 1909 trong gia đình một sĩ quan hải quân chuyên nghiệp tên là Eric Edga Schulze. Phần thứ hai trong danh tính của ông – Boisen – là lấy ở danh tính người mẹ là bà Maria Louisa Boisen. Cha đỡ đầu và cũng là ông ngoại của ông là thuỷ sư đô đốc Tirpis, người đặt nền móng cho lý thuyết hải quân Đức và bạn thân của hoàng đế Đức Wilhelm II.

Schulze-Boysen nghiên cứu pháp quyền và khoa học chính trị ở hai trường đại học Froisburg và Berlin. Ông có trình độ học vấn xuất sắc, thông thạo tiếng Anh, tiếng Thuỵ Điển, tiếng Na Uy, tiếng Đan Mạch, tiếng Hà Lan và đến cuối những năm 30 thì bắt đầu học tiếng Nga. Năm 1932, một năm trước khi Hitler lên nắm quyền ở Đức, Schulze-Boysen cùng bạn ông là Henri Erlander bắt đầu cho xuất bản tờ tạp chí chống quốc xã có tên gọi là “Der Herner” (“Đối thủ”). Vì việc này mà vào năm 1934 đôi bạn bị bắt. Trong trại tập trung, họ bị dẫn qua một hàng lính và bị đánh một trăm gậy. Schulze-Boysen sống sót nhưng bạn ông bị đánh tới chết.

Schulze-Boysen phải làm ra vẻ mình đã “hối cải” và bắt đầu sống một cuộc sống thượng lưu. Trên một chiếc du thuyền thể thao, ông làm quen với Libertas, con gái một giáo sư nghiên cứu nghệ thuật và một nữ bá tước. Lâu đài của họ nằm gần lãnh địa của Herman Goring và nữ bá tước thường đến hát giúp vui cho y. Ngược với ý kiến nhiều người, Goring thật ra chỉ gửi điện mừng chứ không phải là người thay thế bố mẹ cô dâu trong đám cưới giữa Schulze-Boysen với Libertas tổ chức vào ngày 26 tháng 7 năm 1936.

Lợi dụng sự bảo trợ của Goring, Schulze-Boysen tốt nghiệp trường phi công trinh sát rồi vào làm tại Bộ Hàng không, một việc khó có thể thực hiện được trong những hoàn cảnh khác bởi vì việc kiểm tra lòng trung thành rất có thể sẽ phát hiện ra quá khứ “tả khuynh” của ông.

Sau khi nhận cấp bậc thượng uý dự bị, Schulze-Boysen được đưa vào nhóm “nghiên cứu báo chí định kỳ hàng không nước ngoài”, thực chất là được nhận vào cơ quan tình báo của không quân Đức. Mặc dù được một nhân vật cao cấp của chính quyền Hitler bảo trợ, có chỗ làm tốt và có khả năng sống cuộc sống thượng lưu, nhưng Schulze-Boysen vẫn không từ bỏ những quan điểm chống phát xít của mình. Hành động đầu tiên của ông thù địch với chế độ phát xít là việc ông báo trước cho sứ quán Xô Viết về trận dội bom nặng nề xuống thành phố Barselona năm 1937. Theo yêu cầu của ông, một nữ thành viên nhóm chống phát xít do ông thành lập tên là Hizella fon Pollnis, con gái một nhà ngoại giao cao cấp, đã bỏ vào hòm thư của sứ quán Xô Viết bức thư báo trước này viết bằng tiếng Pháp.

Tham gia nhóm chống phát xít của Schulze-Boysen còn có hai vợ chồng nhà điêu khắc Kurt Schumacher, hai vợ chồng Cuckh, nữ diễn viên ba lê Oda Shottmiller và một số người khác thuộc giới trí thức. Họ cùng chung quan điểm là căm ghét chế độ phát xít.

Người bạn và chiến hữu gần gũi nhất của Schulze-Boysen là tiến sĩ Arvit Harnar. Đó là một con người đặc biệt. Ông sinh năm 1901 ở Turingia. Bố ông là giáo sư trường cao đẳng kỹ thuật, bác ông là một nhà thần học nổi tiếng. Mới 30 tuổi, Arvit đã có hai học vị tiến sĩ: tiến sĩ triết học và tiến sĩ luật học. Nhờ nhận được học bổng của quỹ Rocfeller, ông theo học trường đại học bang Visconsin và tại đây, ông làm quen với cô gái Mildred Fish. Ít lâu sau, cô trở thành vợ và bạn chiến đấu của ông. Cả hai vợ chồng đều có quan điểm xã hội chủ nghĩa và là những người bạn chân thành của Liên Xô, là đảng viên bí mật của Đảng Cộng sản Đức. Năm 1932, Arvit đến đất nước Xô Viết và năm 1934, Artuzov ra lệnh kéo ông vào hoạt động gián điệp. Như vậy, từ năm 1935, Arvit không chỉ là điệp viên Xô Viết mà còn là người lãnh đạo một nhóm đông đảo những người cấp tiến, tất cả có đến hơn 60 người. Theo đề nghị của cơ quan tình báo Xô Viết, Arvit cắt đứt mọi liên hệ với Đảng Cộng sản Đức, gia nhập Đảng Quốc xã và hiệp hội các nhà luật học quốc xã. Hơn nữa, ông còn là người lãnh đạo chi hội của hiệp hội này trong Bộ Kinh tế.

Các nhóm của Schulze-Boysen và Arvit Harnar đã xây dựng được một mạng lưới điệp viên rộng khắp mà trong lịch sử được gọi là “Dàn đồng ca đỏ” (ở đây chúng tôi gọi là “Dàn đồng ca đỏ Berlin” để phân biệt với “Dàn đồng ca đỏ Bỉ”).

Những tin tức của mạng lưới này rất có giá trị ngay từ những năm trước chiến tranh, nhưng vào lúc chiến tranh sắp xảy ra thì chúng có giá trị quan trọng đặc biệt. Trong các báo cáo của cơ quan tình báo Xô Viết, khó mà phân biệt được đâu là tin của Schulze-Boysen (bí danh “Anh cả”) và đâu là tin tức của Arvit Harnar (bí danh “Người Bantic” rồi “Người đảo Corse”).

Dưới đây là vài đoạn trích trong các tin của họ.

“9. 06. 41. “Anh cả”. Vào tuần sau, không khí căng thẳng trong vấn đề Nga sẽ đạt tới đỉnh điểm và vấn đề chiến tranh sẽ được quyết định dứt khoát. Mọi biện pháp chuẩn bị sẽ phải hoàn tất vào giữa tháng 6…”.

“11. 06. 41. “Anh cả”. Giới lãnh đạo Bộ Hàng không Đức khẳng định rằng vấn đề tấn công Liên Xô đã được quyết định dứt khoát… Ngày 15 tháng 6 Hering sẽ đến tổng hành dinh mới”.

“16. 06. 41. “Anh cả”. Mọi biện pháp quân sự nhằm chuẩn bị tấn công Liên Xô đã hoàn tất. Đòn giáng có thể bắt đầu vào bất kỳ lúc nào…”.

“Người đảo Corse”: “Khi phát biểu tại Bộ Kinh tế, Rosenberg (một trong những tên phát xít đầu sỏ) tuyên bố rằng cái tên Liên Xô phải bị xoá bỏ khỏi bản đồ thế giới”.

Nếu hợp nhất lại thì những tin tức của họ giống như hồi chuông cấp báo cảnh báo là chiến tranh nhất định sắp xảy ra. Thật đáng tiếc là hồi chuông cấp báo đó đã không được nghe thấy, hoặc có nghe thấy nhưng bị xem thường.

Cựu giám đốc cơ quan Tình báo Đối ngoại Xô Viết là Phitin ghi trong tập ghi chép của mình là vào ngày 17 tháng 7 năm 1941, ông cùng bộ trưởng báo cáo với Stalin về những tin tức nhận được từ “Anh cả”. “Stalin không ngẩng đầu lên, chỉ nói: “Tôi đã đọc báo cáo của các đồng chí rồi. Vậy là nước Đức định tấn công Liên Xô phải không?… Người thông báo những tin tức này là người như thế nào?”. Chúng tôi đã sẵn sàng trả lời câu hỏi này, và tôi mô tả chi tiết nguồn tin: “Một người gần gũi với chúng ta về tư tưởng, làm việc tại Bộ Hàng không và rất thạo tin… Chúng ta không có cơ sở nghi ngờ tính chất đúng đắn của những tin tức mà người đó cung cấp”. Stalin bước lại bàn làm việc rồi quay về phía chúng tôi nói: “Thông tin giả đấy! Các đồng chí có thể ra về”.

Người ta đã kể và viết khá nhiều về hoạt động của “Dàn đồng ca đỏ Berlin”, về những tin tức họ cung cấp và về phản ứng của Stalin. Nhưng người ta hầu như không kể gì về những việc mà Schulze-Boysen, Harnar và các bạn bè của họ đã kịp làm được sau khi chiến tranh bùng nổ và trước khi họ qua đời. Thậm chí, bộ bách khoa từ điển đồ sộ của Đức “Brochause và Efron” cũng kết thúc mục “Dàn đồng ca đỏ” bằng câu: “Vai trò của nó trong tiến trình chiến tranh và kết quả chiến tranh không rõ ràng”.

Nhưng thực tế không phải như vậy. Schulze-Boysen đã thông báo cho Moskva về những kế hoạch mà bộ chỉ huy phát xít vạch ra cho mùa thu và mùa đông năm 1941, cụ thể là việc bộ chỉ huy Đức không có ý định tấn công Leningrad mà chỉ cố bóp nghẹt thành phố này trong vòng phong toả chặt chẽ. Nhờ Schulze-Boysen mà phía Liên Xô cũng được biết về những kế hoạch mà bộ chỉ huy Đức vạch ra cho năm 1942 nhằm tấn công vào những khu vực nhiều dầu mỏ ở Kavcaz. Schulze-Boysen còn thông báo địa điểm tổng hành dinh Hitler cũng như đã thông báo rằng ở Petsamo (Phần Lan), bọn Đức đã thu được mật mã ngoại giao của Liên Xô và rằng trong những tháng đầu chiến tranh, không quân phát xít đã chịu những tổn thất lớn.

Tất cả những tin tức này đã được chuyển về Moskva không phải trực tiếp từ Berlin mà thông qua các nhân viên điện đài của “Dàn đồng ca đỏ” Bỉ.

Vì đường liên lạc bằng điện đài với Berlin bị đứt nên người ta phải gửi đến đây hai nhân viên điện đài được tình báo Xô Viết tuyển mộ trong số các tù binh Đức. Nhưng cả hai đều rơi vào tay Gestapo: Albert Hesle không chịu làm việc với chúng, còn Robert Dart thì đồng ý.

Vòng vây bao quanh “Dàn đồng ca đỏ” ngày một xiết chặt, và Gestapo đã lần ra được dấu vết của Schulze-Boysen. Một người bạn trẻ của ông làm việc trong bộ phận định vị điện đài của cơ quan phản gián Đức đã thông báo cho ông biết tin đó. Schulze-Boysen định báo trước cho các đồng chí của mình nhưng không kịp. Ngày 31 tháng 8 năm 1942, ông bị bắt ngay trong phòng làm việc của ông. Ngồi thay vào chỗ ông là một tên Gestapo, y ghi lại tất cả những cú điện thoại gọi đến ông. Chỉ ít lâu sau, Gestapo đã nắm được danh sách những mối liên lạc của ông.

Những vụ bắt bớ hàng loạt bắt đầu. Đến cuối tháng 9, chỉ riêng ở Berlin đã có gần bảy mươi người bị bắt và đến cuối tháng 11, con số này đã lên đến hơn một trăm.

Sau khi nghe báo cáo của Himmler về “Dàn đồng ca đỏ”, Hitler đã nổi giận: “Nếu như không có những tên gián điệp Nga này thì chúng ta đã đập tan quân đội của chúng từ lâu rồi… Chúng sẽ phải trả giá đắt vì đã đâm vào lưng đế chế Đức!”.

Cuộc hỏi cung những người bị bắt diễn ra theo một chế độ đặc biệt, được phép sử dụng cực hình và tra tấn.

Schulze-Boysen cũng như các chiến sĩ chống phát xít khác đã tỏ ra rất dũng cảm, thậm chí sáng sáng họ vẫn tập thể dục. Ông làm bọn cai ngục tức giận, chúng hò hét: “Nghe đây, Schulze, dù sao thì mày cũng không sống được đến Thế vận hội đâu!”.

Trong lời phát biểu cuối cùng, họ tuyên bố rằng họ hành động một cách có ý thức, hành động vì lợi ích của nước Đức. Đa số bị kết án tử hình: ba mươi mốt nam giới bị treo cổ, mười tám phụ nữ bị xử chém. Bảy người tự sát trong quá trình thẩm vấn, bảy người bị đưa vào trại tập trung, hai mươi nhăm người bị đưa đi lao động khổ sai, tám người bị đưa ra mặt trận, một vài người bị bắn chết.

Schulze-Boysen và vợ là Libertas cũng như Arvit Harnar bị kết án tử hình ngay lập tức, còn vợ của Harnar là Mildred cùng nữ bá tước Erica fon Brocdorf bị kết án tù. Khi biết được tin đó, Hitler giận dữ đòi xem xét lại bản án, kết quả là Mildred và Erica cũng bị án tử hình.

Tại nhà tù Pliotsenzi, nơi thi hành những bản án tử hình này, vẫn còn giữ được bản sao tờ biên bản cho thấy rằng cứ đúng sau ba phút thì lưỡi dao đao phủ lại hạ xuống. Nhưng đáng sửng sốt nhất là bản thanh toán được xuất trình cho thân nhân những người bị tử hình: “Tiền thù lao cho việc dẫn đến nơi hành hình…”, “Tiền thù lao cho đao phủ…”, “Tiền thù lao cho việc dọn dẹp phòng giam…”, “Tiền mua dây thừng…”. Mọi khoản đều được trả tiền!

Năm 1969, ba mươi hai thành viên của phong trào kháng chiến và đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít Đức đã được tặng thưởng huân chương và huy chương của Liên Xô. Hai mươi chín người trong số đó là được truy tặng. Trong số những người được truy tặng có Harro Schulze-Boysen, Arvit Harnar và mười lăm người nữa trong các nhóm của họ. Bố mẹ Schulze-Boysen là đại uý Eric Edgar Schulze và bà Maria Louisa Boisen còn sống một thời gian dài nữa sau khi con trai của họ hy sinh. Ông Eric Edgan Schulze mất năm 1974 và bà Maria Boisen mất năm 1972.

error: Content is protected !!