Graham Greene (1904-1991) Tác Giả Của Những Cuốn “Sách Giáo Khoa Cho Các Điệp Viên”

Cho dù Graham Greene viết những tác phẩm văn học xuất sắc về phản gián và tình báo như “Người của ta ở La Habana”, “Người Mỹ trầm lặng”, nhưng kinh nghiệm của ông trong lĩnh vực này lại không nhiều. Tuy nhiên điều đó không cản trở ông nắm bắt một cách tinh tế đến kinh ngạc thực chất cũng như đặc điểm của hoạt động phản gián để viết nên những cuốn sách hoàn toàn xứng đáng là sách giáo khoa cho điệp viên mới vào nghề (còn việc sử dụng các tài liệu đó như thế nào và nhằm mục đích gì lại là chuyện khác). Những cuốn sách của Greene sát với thực tế những gì tác giả đã trải qua khiến ta không thể không đồng ý với ý kiến của nhà văn lão thành Gabriel Garcia Marquez: “Ngoài Graham Greene ra tôi chưa từng biết một nhà văn nào mà ấn tượng về tác giả lại chỉ cần dựa trên cơ sở những tác phẩm của ông ta, mà sách lại có thể đúng với tính cách con người thực của người viết đến thế”. Vì vậy để hiểu Greene và hình dung được công việc mà ông thực thi như một điệp viên thì cần đọc và phân tích các sách của ông viết và có lưu ý đáng kể đến trí tưởng tượng của chính tác giả.

Graham Greene sinh ngày 2 tháng 10 năm 1904 tại thành phố nhỏ Berhamsted, tỉnh Hartfordsir, cách London không xa. Cha ông là hiệu trưởng một trường ưu đãi tư thục nam thành lập vào thế kỷ 16, mẹ là chị họ của nhà văn lãng mạn nổi tiếng Robert Louis Steven, tác giả cuốn “Đảo báu vật”. Năm 1922, Greene thi đỗ vào trường Bayliol, một trong những trường thành viên tốt nhất của Đại học tổng hợp Oxford. Thế chiến vừa kết thúc cùng với cuộc cách mạng ở Nga đã đặt ra cho sinh viên lúc bấy giờ không ít câu hỏi về con đường đúng đắn mà nhân loại sẽ đi theo. Greene cũng tìm kiếm con đường đó. Năm 19 tuổi ông đã là đảng viên dự bị của Đảng cộng sản. Việc ấy sau này đã gây khó khăn cho ông, có lần ông đã không được phép vào Mỹ: Ông đã rơi vào “sổ đen”, bị cơ quan an ninh lập hồ sơ theo dõi và mỗi lần vào Mỹ ông lại phải có giấy phép đặc biệt, còn trên visa có đánh dấu “phần tử khả nghi”. Và cứ thế tiếp diễn cho tới thời tổng thống Kentedy. Tuy nhiên Greene đã ở trong Đảng cộng sản không lâu. Ông xin ra khỏi Đảng vì có niềm say mê mới, đó là Cơ đốc giáo mà ông trung thành trong nhiều năm, cho dù không phải là người cuồng tín và có thái độ khá gay gắt với các nghi thức và giới tăng lữ.

Tốt nghiệp đại học xong, Greene đã thử sức ở nhiều công ty nhưng đều không thành công. Cuối cùng vào năm 1926 ông đã tìm được thiên hướng của mình: ông làm báo và là phó tổng biên tập cho tờ “Thời báo”. Cũng thời kỳ này ông đã có những thành công bước đầu trong lĩnh vực văn chương. Thôi việc ở tòa báo và từ năm 1930, Greene trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Ông cũng bắt đầu viết cả kịch bản điện ảnh và trong những năm 1935-1939 ông thường xuyên viết bài phê bình điện ảnh cho tờ “Khán giả”.

Ngay từ lúc còn trẻ Greene đã rất thích đi du lịch và cuộc đời luôn dẫn ông tới những “điểm nóng”, tạo điều kiện cho ông mặc sức thu thập tư liệu cho các cuốn sách của mình sau này. Ông đã qua một chuyến đi dài ngày tới châu Phi, vượt bộ hàng trăm dặm vùng Xiera Leon và Liberia. Sau này năm 1938 ông sang Mexico thu thập tư liệu cho cuốn phóng sự về những cuộc truy lùng tôn giáo và qua cả Panama.

Năm 1939, Thế chiến thứ hai bùng nổ, Greene vào quân ngũ và trở thành điệp viên Cục phản gián Anh. Bất kể tính chất phiêu lưu lãng mạn của nghề “phản gián”, song công việc của một điệp viên thật đơn điệu, buồn tẻ. Triền miên là những giấy tờ, những bản phúc trình, các báo cáo vô tận, khô khan, nhàm chán. Về tâm trạng này chính Greene đã viết: Sau chiến tranh tôi muốn viết một cuốn sách về phản gián, nhưng không mang tính bạo lực đặc trưng cho loại hình này, nhưng loại trừ James Bond ra, lại không tiêu biểu cho tình báo Anh. Tôi còn muốn cho độc giả thấy mặt đời thường không chút lãng mạn của hoạt động phản gián, như người ta vẫn đi làm hàng ngày tích tiền hưu trí, về thực tế không khác gì các cán bộ viên chức khác. Mọi chuyện bình thường, an toàn và người nào cũng có cuộc sống riêng tư quan trọng hơn nhiều. Trong suốt những năm tháng làm điệp viên tôi ít vấp phải những chuyện giật gân phiền toái”.

Cuối năm 1941, cuộc sống tẻ ngắt của một điệp viên tại bộ máy trung ương Cục Phản gián Anh đã kết thúc. Greene nhận nhiệm vụ mới, lần này là ở trên “tuyến đầu” tại vùng Fretaun đã quá quen thuộc đối với ông. Rõ ràng là ông được phái tới đây là do kinh nghiệm tích lũy được ở châu Phi và cũng có thể là thể theo nguyện vọng của ông. Về chuyến công tác này ông đã không giấu vẻ hài hước viết: “Một chuyến công vụ, công việc nhà nước mà tính chất của nó rất khó tả.”

Ngày 9 tháng 12 năm 1941, Greene rời Liverpool trên con tàu chở hàng. Tàu có tất cả mười hai hành khách ở riêng trong những cabin đầy đủ tiện nghi. Trong số đó có những người khá kỳ dị. Sau khi tàu ra khơi, hành khách đều “tự nguyện” trực gác để theo dõi tàu ngầm, máy bay và trực chiến bên các khẩu pháo. Những người theo dõi tàu ngầm phải trực trên cầu chỉ huy của thuyền trưởng, nhưng họ thường say sưa quá chén nên chỉ huy con tàu không cho phép họ lên nữa…. Nói chung chuyến vượt biển thuận buồm xuôi gió và đầu tháng 1 năm 1942 sĩ quan tình báo Anh Graham Greene đã đặt chân lên Fretaun.

Để nắm được chính xác những việc Greene đã làm ở Fretaun cần phải lục lại hòm thư của Cục Phản gián Anh trong năm 1942 để tìm ra những lá thư và bức điện hiếm hoi trong đó Greene trao đổi với đại bản doanh của mình. Nhưng chúng ta không được phép tới đó, vả lại cũng chưa chắc có phát hiện ra điều gì thú vị. Vì vậy ta hãy cố lắp ghép lại tất cả những gì Graham Greene đã tự nói ra rải rác ở những tác phẩm của ông. Và xin được nhường lời cho ông.

Năm 1942 tôi sống ở ngoại vi thủ đô Fretaun của Xiera Leon trong một ngôi nhà giữa đám bùn lầy. Ngôi nhà này là nhà vệ sinh của dân bản xứ, nơi ruồi muỗi sinh sôi nảy nở nhiều không đếm xuể (một lần chỉ trong có hai phút tôi đã đánh chết được tới 150 con). Tôi đã gửi đơn lên tổng trưởng đề nghị xây nhà vệ sinh cho dân bản xứ và được ông ta trả lời rằng loại đơn yêu sách trên không gửi thẳng mà phải thông qua các cấp bậc từ dưới lên, nhưng vì trong trường hợp này chẳng có một cấp bậc nào phụ trách, nên tôi đã buộc phải nhắc nhở ông ta nhận xét của thủ tướng Churchill về vấn đề trên. Cuối cùng tôi đã có được nhà vệ sinh của mình và tôi đã ghi lại trong công văn tư liệu rằng nhà vệ sinh có ghi rõ cả tên tôi ở trên cửa…

… Đã xẩy ra những va chạm tiềm ẩn trong bóng của một vụ đụng độ khổng lồ: Chẳng hạn như khi tôi hoạt động đơn độc ở Xiera Leon thì sếp lại ở tận Lagot cách xa Fretaun tới ngàn dặm, đã có lúc “quên” trả lương cho tôi, hoặc ngậm ngùi theo dõi một tên nhãi ranh trắng trợn ở MI-5 làm cho ngài cảnh sát trưởng ở Fretaun, một người có thâm niên hai mươi năm vất vả và bệnh tật, phải phát điên lên… Thiếu gì những vụ việc rối rắm, ví như đã xảy ra mưu toan táo bạo thuyết phục các thủy thủ bắt giữ con tàu Bồ Đào Nha xâm phạm vùng biển trong khi còn chưa muộn hoặc bắt giam một người Thụy Sỹ bị nghi là gián điệp, nhưng trong tất cả sự việc hiển hách đó tôi chỉ giữ vai trò loong toong chạy giấy”.

Về chuyện tương tự Greene cũng tả lại trong một cuốn sách khác: “Sau ba tháng học chuyên môn ở Lagot tôi về Fretaun, suốt bốn tháng ròng ở văn phòng vừa là tướng vừa là quân (mãi sau này mới có thư ký). ở Lagot suốt ngày tôi chỉ làm một việc viết mật mã rồi lại giải mã, chiều chiều đến đồn cảnh sát chơi với bạn, giết thời gian bằng trò giết gián lấy điểm…ở Fretaun cứ 6 giờ là tôi dậy, ăn sáng…

Đúng 7 giờ tôi ngồi vào chiếc xe con rồi “lên đường” tới đồn cảnh sát “vỏ bọc” của mình để lấy điện báo được mã hóa nên cảnh sát không hiểu biết gì hết. Về tới nhà tôi giải mã các bức điện rồi cần mẫn ngồi trả lời từng bức một, viết báo cáo và chép lại những bản báo cáo khó đọc của những người khác. Mãi gần bữa trưa tôi mới kịp làm xong mọi việc”.

Quan hệ của tôi với sếp rất căng thẳng, cho dù ông ta ở tận Lagot cách Fretaun tới hai ngàn dặm. Chúng tôi không ưa nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ông ta là gián điệp chuyên nghiệp, còn tôi chỉ là nghiệp dư. Tính châm biếm hài hước của tôi thể hiện cả trong báo cáo và điện tín. Tôi thấy thương cho ông ta, cho tới tận cuối đời hoạt động vẫn phải dính với một nhà văn như tôi. Mãi sau này tôi mới được nghe kể lại rằng túi công văn thư từ của tôi gửi có lần vẫn nằm nguyên, không bóc trên bàn sếp tới vài ngày vì ông ta sợ. Đã có lần ông ta định răn đe tôi bằng cách giữ lương tháng của tôi ở chỗ ông ta, nhưng tháng ấy tôi đã được cảnh sát trưởng cho vay. Thế là kế hoạch của sếp sụp đổ hoàn toàn. Rồi cuối cùng chúng tôi công khai tuyên chiến: Lần ấy tôi có cuộc hẹn ở biên giới Liberia, song sếp lại gửi điện cấm tôi đến nơi hẹn vì sẽ có một chiếc tàu Bồ Đào Nha cập cảng Fretaun mà theo qui định mọi con tàu Bồ Đào Nha đến từ Angôla đều phải khám xét. Chuyện đó của sở cảnh sát chẳng liên can gì đến tôi. Thế nhưng sau khi suy nghĩ đấu tranh bản thân tôi đã phục tùng và… nộp đơn xin thôi việc. Đơn không được chấp thuận. Tôi còn phải làm thêm nửa năm nữa, nhưng không còn dưới quyền sếp ở Lagot nữa…

Sau lần hoạt động ở Fretaun tôi được cử đến ban phản gián của Kim Philby ở bán đảo Pirene. Tôi đặc trách về Bồ Đào Nha. ở đó các sĩ quan phản gián Đức chưa được ta tuyển lại có nhiệm vụ soạn thảo và gửi cho Đức những tin tức hoàn toàn giả dựa trên thông tin của các điệp viên không có thực.

Chịu trách nhiệm về Bồ Đào Nha tôi thường ngẫm nghĩ mình có thể dễ dàng chơi trò ấy ở Tây Phi, nếu như đã không hài lòng với mức lương còm cõi của mình. Tôi thừa biết cấp trên ở London rất thích bổ sung những phiếu mới trong hộp phiếu dữ liệu tình báo. Chẳng hạn có lần tôi nhận được báo cáo về một sân bay của phái Visi ở Ghine thuộc Pháp,

điệp viên ở đó mù chữ, mới chỉ biết đếm đến mười (trên ngón tay). Tòa nhà mà điệp viên này khẳng định là sân bay có xe tăng đỗ, nhưng qua các nguồn tin khác thì lại là kho giày cũ. Khi chuyển thông tin trên, tôi đã nhấn mạnh tính “xác đáng” của nguồn tin, nhưng tôi đã vô cùng sửng sốt khi được khen là tin “có giá trị đặc biệt”! Thì ra có ai đó ở London đã vớ được dịp bổ sung tin tức vào tờ phiếu mới, tôi không thể giải thích khác được.”

Như vậy là cuốn truyện “Người của ta ở La Habana” đã nẩy sinh và được thai nghén ở cái lều chật chội bẩn thỉu tại Fretaun và 12 năm sau, vào năm 1958 được viết thành truyện ở một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi gần công viên Saint James.

Trước khi ra khỏi ngành tình báo Greene đã viết một cẩm nang tra cứu “Ai là ai” in vẻn vẹn có 12 cuốn. Trong cuốn cẩm nang đó ghi rõ về các điệp viên Đức ở vùng Adorơ với hai bài mở đầu (dựa trên những dữ liệu đáng ngờ!) và có phần bổ sung của Kim Philby về mạng lưới đài phát. Cẩm nang nói đúng ra là tất cả kinh nghiệm hoạt động phản gián của Graham Greene và được dành cho lính dù Anh. Đó là tất cả kinh nghiệm hoạt động tình báo của Greene.

Cũng cần nói thêm rằng mọi chuyện xảy ra với Philby không ảnh hưởng gì tới mối thân tình giữa 2 con người phi thường đó. Tình bạn của họ bền vững cho tới cuối đời. Mỗi khi qua Moskva, Greene vẫn tới thăm cố nhân.

error: Content is protected !!