Ghevor Vactanhian (1924 – ?) Người Phá Điệp Vụ Mưu Sát Lãnh Tụ Tam Cường

Sau khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc bắt đầu được ít lâu, ngày 25 tháng 8 năm 1941, các lực lượng vũ trang Liên Xô và Anh cùng phối hợp tiến hành một chiến dịch quân sự chớp nhoáng. Hai binh đoàn Xô Viết tiến vào Iran từ phía Bắc và chiếm các tỉnh miền Bắc nước này, còn các đơn vị quân đội Anh thì đồng thời tiến vào từ mạn Tây Nam. Họ không bị một tổn thất nào và đến ngày 17 tháng 9 thì gặp nhau ở thủ đô Teheran của Iran. Đến năm 1942, hai cảng của Iran bị quân Mỹ chiếm đóng. Có một vài nguyên nhân dẫn đến việc quân Đồng minh tiến vào Iran. Thứ nhất, chính phủ Iran có thiện cảm với nước Đức Hitler và có thể từ hậu phương tấn công vào Liên Xô.

Thứ hai, ở Iran có một số lượng lớn điệp viên Đức hoạt động, tạo nên mối đe dọa đối với Liên Xô. Thứ ba, Iran là đường trung chuyển thuận tiện cho việc đưa thiết bị quân sự của Mỹ vào Liên Xô.

Ít lâu sau, Iran gia nhập liên minh chống Hitler. Mặc dù vậy, mạng lưới điệp viên Đức của Canaris và Sellenberg vẫn tiếp tục hoạt động ở nước này, và cuộc đấu tranh với chúng tiếp tục gần như cho đến hết chiến tranh.

Mùa thu năm 1943, các nước Đồng minh quyết định tổ chức hội nghị các nhà lãnh đạo ba cường quốc là Liên Xô, Mỹ và Anh ở Teheran. Tham dự hội nghị có nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin, tổng thống Mỹ Roosevelt và thủ tướng Anh Churchill. Địa điểm hội nghị được chọn lựa sau những cuộc thương lượng và thảo luận kéo dài, và cuối cùng, tất cả các bên đều thấy Teheran là thuận lợi hơn cả.

Điệp viên Đức biết được việc chuẩn bị cho hội nghị và thông báo tin này cho ban lãnh đaọ nước Đức phát xít. Hitler liền quyết định mở chiến dịch “Bước nhảy dài” – đó là tên gọi mà điệp viên Đức đặt cho kế hoạch mưu sát các nhà lãnh đạo “Tam cường” trong thời gian diễn ra hội nghị Teheran. Hitler trao việc mưu sát này cho “sủng thần” của y là Otto Scorseni.

Tháng 8 năm 1943, một điệp viên Đức giàu kinh nghiệm là Roman Gamota nhảy dù xuống khu vực Teheran. Y lập tức liên lạc với tên đứng đầu mạng lưới điệp viên Đức ở đây là Frank Maie. Đồng thời một nhóm sáu tên biệt kích Đức cũng được tung vào để hỗ trợ cho chúng. Nhóm biệt kích Đức nhảy dù xuống khu vực thành phố Cum, cách Teheran chừng bảy mươi cây số, và chúng phải mất hơn hai tuần mới đến được Teheran. Chúng đem theo nhiều đạn dược vũ khí, lúc đầu chúng chở trên lưng mười con lạc đà và về sau chất lên một chiếc xe tải. Chúng nhuộm lại tóc thành màu đen, mặc quần áo người Iran, trú ngụ tại một địa điểm bí mật để chờ những tên chủ chốt trực tiếp thực hiện chiến dịch “Bước nhảy dài”.

Tuy nhiên, cơ quan tình báo Xô Viết đâu có ngủ yên. Một trong những tin tức đầu tiên về ý đồ của bọn Đức đã được điệp viên Nicolai Kuznesov thông báo. Anh hoạt động ở thành phố Rovno nằm trong hậu phương phát xít dưới lớp vỏ thượng uý Đức Paul Giberg. Người để lộ tin này cho anh biết là viên sĩ quan SS Unrich fon Orten khi y mời “anh bạn Paul” tham gia một “vụ làm ăn” ở Teheran. Kudonesov từ chối, còn Orten thì lên đường tới thủ đô Uran nhập bọn với Maie và Gamota.

Cơ quan tình báo Xô Viết cũng nhận được tin từ các nguồn khác – từ người Iran, từ người Đức và nhất là từ một thanh niên 17 tuổi tên là Amia, người đứng đầu đội “khinh kỵ binh”.

Ngày khai mạc hội nghị đến gần. Cơ quan tình báo thi hành những biện pháp cần thiết. Những hành động của nhóm phá hoại chính đã nằm trong tầm nhìn của tình báo Xô Viết và tình báo Anh, và chúng bị theo dõi thường xuyên. Hoạt động của các điện đài của chúng bị kiểm soát, các bức điện bị đón bắt và giải mã, sau đó cả nhóm phá hoại bị bắt giữ.

Khi biết tin thất bại, Hitler đổi ý và không phái đến Teheran những tên chịu trách nhiệm chính thực hiện chiến dịch “Bước nhảy dài” nữa, chiến dịch bị bãi bỏ. Mãi đến sau chiến tranh, người ta mới được biết quyết định đó là của Hitler. Nhưng hồi đó, vào năm 1943, không ai biết chuyện này và mọi người vẫn phỏng đoán một cách hợp lý rằng bọn Đức có những phương án khác, do đó, vẫn cần đề phòng cuộc mưu sát. Vì vậy, khi các nhà lãnh đạo “Tam cường” gặp nhau, Stalin đề nghị Roosevelt đến ở tại sứ quán Xô Viết. Roosevelt nhận lời, còn Churchill thì tỏ ra rất ghen tức và thừa nhận:

– Stalin đã qua mặt chúng ta và thắng cả hiệp đấu này nữa…

Sau khi trở về Washington, Roosevelt nói trong một cuộc họp báo:

– Nguyên soái Stalin tuyên bố rằng một âm mưu nhằm mưu sát tất cả những người tham dự hội nghị rất có thể sẽ được tổ chức. Ông đề nghị tôi đến ở sứ quán Xô Viết để đỡ phải đi lại trong thành phố… Bọn Đức sẽ khá thuận lợi sát hại nguyên soái Stalin, thủ tướng Churchill và tôi vào lúc chúng tôi đi lại trên các đường phố Teheran bởi vì sứ quán Liên Xô và sứ quán Mỹ cách xa nhau đến một cây số rưỡi…

Hội nghị các nhà lãnh đạo “Tam cường” đã thành công. Hội nghị thông qua một loạt quyết định quan trọng và không gặp trở ngại gì. Chiến dịch “Bước nhảy dài” của Hitler đã bị thất bại nhờ hoạt động có kết quả của các cơ quan tình báo Liên Xô và Anh, trong đó có hoạt động của nhóm Amia, tức là của Ghevor Vactanhian.

Bố của Amia là thần dân Iran và ông hợp tác với cơ quan tình báo Xô Viết. Gia đình ông sinh sống ở thành phố Nga Rostov trên sông Don, nhưng khi Amia lên sáu tuổi thì gia đình chuyển sang Iran theo yêu cầu của cơ quan tình báo Xô Viết. Bố của Amia trở thành một thương nhân thành đạt, ông hầu như không bao giờ dùng đến tiền của Trung Tâm mà tự mình đảm nhận mọi chi phí. Ông xây dựng một mạng lưới điệp viên và đã giúp đỡ rất nhiều cho tình báo Xô Viết. Ông đã vài lần bị bắt vì bị nghi ngờ hoạt động gián điệp, nhưng vì không có bằng chứng nên lại được trả tự do. Ông chân thành yêu mến nước Nga Xô Viết và giáo dục các con theo tinh thần đó. Chính là dưới ảnh hưởng của ông mà chàng thanh niên Amia tuy hồi đó còn rất trẻ, mới 16 tuổi, đã trở thành điệp viên Xô Viết vào năm 1940.

Người thầy đầu tiên của Amia là một điệp viên Xô Viết “nằm vùng” tên là Agaian. Amia thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là chọn lựa nhóm bạn bè và những thanh niên cùng chí hướng. Họ đều trẻ trung, dũng cảm và sẵn sàng hy sinh. Giới điệp viên gọi đùa họ là đội “Khinh kỵ binh”, rất có thể là vì họ cưỡi xe đạp đi lại trong thành phố. Họ không có phương tiện đi lại khác, và mãi đến năm 1942, họ mới có một chiếc mô tô Đức chiến lợi phẩm.

Theo nhiệm vụ của Agaian giao cho, đội “Khinh kỵ binh” hoạt động như một đội quan sát bên ngoài, đôi khi như một đội phản ứng nhanh “có khả năng thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt”.

Chỉ trong vòng hai năm rưỡi, đội của Amia đã phát hiện được bốn trăm người có liên hệ với cơ quan tình báo Đức. Họ còn rất trẻ nên đã đánh lạc hướng được những kẻ bị họ theo dõi. Không một ai ngờ rằng những thiếu niên non choẹt chuyên cưỡi xe đạp đó lại có thể theo dõi ai đấy. Nhưng họ không chỉ làm nhiệm vụ theo dõi, đôi khi họ phải tham gia những chiến dịch nguy hiểm, tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc. Đó là thời buổi chiến tranh tàn khốc và họ biết rằng những chàng trai cùng tuổi với họ trong các đội du kích cũng đang chiến đấu gan dạ như vậy với kẻ thù. Chính đội của Amia đã phát hiện được tên điệp viên Đức Maie lẩn trốn ở Teheran. Nhưng tình báo Xô Viết không bắt được y: y cũng bị tình báo Anh theo dõi và “nẫng tay trên”. Dù sao thì y cũng bị loại khỏi  “cuộc chơi” và hai nhân viên điện đài của y cũng bị bắt gọn.

Trong quá trình theo dõi Maie, Amia cùng các bạn còn phát hiện được nhưng kẻ đồng loã đã cung cấp nơi trú ẩn cho Maie và chuẩn bị cung cấp nơi trú ẩn cho cả những điệp viên Đức khác. Nhờ “bộ bảy” của Amia giúp đỡ, tình báo Xô Viết đã bắt được cả tên trợ thủ chính của Maie là Otto Enghen. Bị mất những kẻ cầm đầu và mất điện đài liên lạc, hoạt động của mạng lưới tình báo Đức  đến cuối năm 1943 đã bị yếu hẳn đi.

Ngay từ trước những cuộc bắt giữ nói trên, tình báo Xô Viết đã biết rằng một thương nhân Đức (y được đặt cho bí danh là “Dược sĩ”) đang tích cực tiến hành hoạt động gián điệp và thường bí mật gặp gỡ những quan chức cao cấp của Iran. Nhưng đội của Amia chịu trách nhiệm theo dõi y không phát hiện được bất kỳ những cuộc gặp gỡ nào của y. Khi ấy, họ liền quay sang theo dõi ngôi nhà y ở và phát hiện ra người em trai sinh đôi của y. Hai anh em y thường tìm cách đánh lạc hướng những người theo dõi, chẳng hạn như một tên ra khỏi nhà để dụ những người theo dõi đi theo rồi tạt vào quán ba hoặc rạp chiếu phim và chẳng gặp gỡ một ai hết. Trong khi ấy, tên thứ hai sau khi tin chắc là không có ai theo dõi, liền ra khỏi nhà để đến nơi hẹn gặp. Họ cũng phát hiện ra một người Đức đáng chú ý nữa là Vante. Ông ta là chủ một cửa hiệu sách cũ mà các sĩ quan Iran thường rẽ vào để mua hoặc bán sách. Họ ngờ rằng cửa hiệu này là “hòm thư” của gián điệp Đức. Họ liền bắt đầu năng tạt vào hiệu sách và làm quen với Vante. Ông ta quả thật là người giữ hòm thư của các sĩ quan Đức nhưng ông ta không tin vào chiến thắng của nước Đức. Ông ta cho rằng việc Đức tấn công Liên Xô là một sai lầm nghiêm trọng của Hitler và nhất định sẽ dẫn đến thảm họa. Tình báo Xô Viết tiếp cận Vante sát hơn nữa và ít lâu sau thì tuyển mộ ông ta. Ông ta là một trong những người đã thông báo về kế hoạch mưu sát các nhà lãnh đạo “Tam cường”.

Các chàng trai của Amia cũng là những người đầu tiên biết được và thông báo về một nhóm tiền trạm Đức đổ bộ để tham gia kế hoạch mưu sát và họ đã giúp vào việc vạch mặt nhóm này.

Mặc dù là đồng minh với Liên Xô nhưng người Anh vẫn đồng thời tiến hành hoạt động thù địch chống đất nước Xô Viết. Dưới lớp vỏ câu lạc bộ radio, họ thành lập một trường tình báo chuyên đào tạo điệp viên để tung vào các nước cộng hoà Trung Á và ngoại Kavkaz của Liên Xô. Cơ quan tình báo Xô Viết trao nhiệm vụ cho Amia thâm nhập vào trường này. Nhờ đó, Amia đã được huấn luyện kỹ càng về công tác tình báo, một điều rất hữu ích cho anh trong tương lai. Anh được dạy nhiều thứ mà người điệp viên cần biết và cần làm, chẳng hạn như liên lạc hai chiều qua điện đài, mật tự, những thủ pháp giữ bí mật, cách sử dụng bí số, những phương pháp tuyển mộ điệp viên. Amia cùng các bạn của anh đã thu thập được những tin tức chi tiết về trường này và về các học viên trong trường. Họ được biết rằng sau những đợt huấn luyện kéo dài 6 tháng, những học viên tốt nghiệp thường được phái sang ấn Độ và tại đây họ hoàn thiện trình độ và tập luyện nhảy dù. Sau đó, họ được tung vào lãnh thổ Liên Xô. Nhờ nhóm của Amia, người ta cũng biết được về nhiều học viên tốt nghiệp trường nói trên. Hầu hết bị bắt ngay sau khi được tung vào Liên Xô. Một số đồng ý làm việc cho tình báo Xô Viết và truyền thông tin giả cho người Anh. Kết quả là trường không những hoạt động vô bổ mà còn gây hại cho những kẻ mở trường nữa nên rốt cuộc đã bị giải thể.

Trợ thủ và về sau trở thành vợ của Amia là một cô gái mười sáu tuổi tên là Goa. Họ đã cùng nhau trải qua một con đường dài trong ngành tình báo Xô Viết, đã hoạt động ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Goa đã giúp tình báo Xô Viết phát hiện được nhiều điệp viên Đức. Cô cũng đã khôn khéo tìm thấy căn phòng bí mật mà tình báo Đức dùng để che giấu hai phi công Xô Viết phản bội. Hai tên này đã lái máy bay từ Baku sang Iran, và bọn Đức dự định sẽ đưa chúng về Đức. Nhưng chúng đã bị bắt và bị trừng phạt.

Đội của Amia hoạt động cho đến cuối những năm 40.

Bản thân Amia cùng vợ hoạt động nhiều năm ở nước ngoài và hiện nay vẫn tiếp tục hoạt động. Thật đáng tiếc là vẫn còn chưa đến lúc kể về mọi việc làm của Ghevor Vactanhian.

Ghevor Vactanhian được tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Liên Xô, còn Goa được tặng thưởng Huân chương Cờ Đỏ.

error: Content is protected !!