George Blake (1922 – ?) Và Những Điệp Vụ Sau Thế Chiến II

George Blake sinh ở Hà Lan ngày 22-11-1922. Bố anh là người Anh, tên là Albert Biher, cựu nhân viên tình báo Anh. Mẹ anh, Ketrin người Hà Lan, quê ở Beydervellen. Thời trẻ George rất sùng đạo, thậm chí còn muốn làm mục sư Tin lành. Khi quân Đức bắt đầu chiếm đóng, anh tham gia Kháng chiến. Năm 1940 bị bắt và bị cầm tù trong trại giam Sherl, nhưng anh trốn thoát. Năm 1942 lại bị bắt và lại trốn thoát, lần này anh vượt qua Pháp và Tây Ban Nha sang Anh. Tại đây anh vào hải quân, từ đó làm tình báo. Lúc này anh mang tên Blake. Lý lịch của anh có ghi: “Biết thành thạo các thứ tiếng Đức, Anh, Pháp, Hà Lan. Đã kinh qua chiến đấu, nhiều ưu điểm, dũng cảm và quyết đoán, có nhiều triển vọng cho công tác tình báo”.

George rất khâm phục vai trò của Liên Xô trong cuộc đấu tranh chống phát xít, khâm phục chủ nghĩa anh hùng của người Liên Xô và sự công bằng trong chế độ xã hội. Năm 1950 anh tham gia chiến tranh Triều Tiên. “Tôi thấy máy bay Mỹ thực sự là san bằng các làng mạc và thành phố của Triều Tiên… Và tôi tự hỏi: chúng ta cần gì trong cuộc chiến tranh này? Tôi phải đứng về phía ai mà chiến đấu?” – George nhớ lại.

Trong thời gian chiến tranh anh bị bắt làm tù binh ở Bắc Triều Tiên. Đây là giai đoạn quyết định trong cuộc đời anh. Anh rút ra một kết luận dứt khoát là phải đứng về phía nào. Chính tại đây anh trở thành điệp viên, và sau này trở thành cán bộ nòng cốt của tình báo Xô Viết. Năm 1955, từ Triều Tiên trở về, anh tiếp tục phục vụ cho tình báo Anh (CIC). Anh phụ trách mạng lưới điệp viên của Anh ở Đông Đức và Tiệp Khắc. Moscva đã biết rõ những ý đồ của điệp viên phương Tây đối với những nước này. Nhưng phải bố trí công việc sao cho Blake không bị nghi ngờ. Tất cả phụ thuộc vào nghệ thuật của các sĩ quan tình báo Xô Viết làm việc với anh. Trong số điệp viên của anh không có ai bị bắt. Một số chỉ bị điều đi vùng khác, một số khác thì bị thận trọng bịt đầu mối vào những tài liệu mật, một số khác nữa thì bị nhận những “tài liệu giả”, mà việc “rò rỉ” này chỉ có lợi cho tình báo Xô Viết. Ngoài những tình báo do chính anh tuyển chọn, các tình báo viên Nga còn cung cấp cho anh những điệp viên vững chắc nữa. Nhờ có Blake đã phát hiện được một trong những chiến dịch bí mật của CIA và CIC sau Đại chiến thế giới II có tên là “Gold” (“Vàng”).

Chiến dịch này là thế nào? Trên lãnh thổ Đông Berlin, khá gần với phần Tây Berlin có một con đường ngầm bí mật của chính phủ và quân đội Xô Viết. Người Mỹ cũng xây dựng một đường ngầm ở mép biên giới này, gần với đường kia và đặt các thiết bị nghe trộm các cuộc nói chuyện. Chiến dịch này được tính toán và tiến hành theo đúng kiểu Mỹ. Thành công của nó là nhờ có tính bí mật tuyệt đối, tiền chi nhiều và kỹ thuật hiện đại nhất của Anh. Việc nghe trộm, ghi chép và phân tích các cuộc nói chuyện theo đường này có thể cung cấp những thông tin quý báu cho các cơ quan mật vụ Anh, Mỹ mà không điệp viên nào có được.

Mọi việc dường như suôn sẻ, nếu không có chữ “nhưng”. Nhờ có Blake, tình báo Xô Viết biết được mọi chi tiết về chiến dịch “Vàng”. Có thể ngăn chặn được chiến dịch này ngay từ đầu, nhưng mọi người muốn lôi kéo “đối tác” chịu chơi hơn nữa. Mặc dù mọi cuộc nói chuyện đều được kiểm tra gay gắt nhằm không để thất thoát sang phương Tây những thông tin giá trị, nhưng đôi khi vẫn để “rò rỉ” một ít, để “đối tác” không nghi ngờ gì. Tuy nhiên, cũng đến lúc phải chấm dứt cuộc chơi, nhưng phải làm sao để Blake không bị ngờ vực. Một ngày tháng 4 năm 1956 các tình báo quân sự Mỹ, các nhà kỹ thuật phụ trách các máy nghe trộm bỗng nghe thấy những giọng nói to từ phía hầm đối diện bên Đông Đức. Họ hoảng sợ quá đến mức bỏ chạy, không kịp tháo gỡ máy móc. Đường hầm của họ đã bị bật mở bởi các “liên lạc viên” Xô Viết và Đức với lý do “phát hiện thấy trục trặc trong đường hầm thông tin”, từ đó dẫn tới nơi có các máy nghe trộm. Lối phản thông tin này được tiến hành khéo đến mức thậm chí một uỷ ban đặc biệt của CIA và CIC cũng chỉ đi đến kết luận rằng đó là sự cố ngẫu nhiên. Blake không hề bị nghi ngờ gì cả.

Điểm yếu nhất trong công tác tình báo là đường dây liên lạc, tại đó họ thường bị “chết cháy”. Đối với Blake người ta đã nghĩ ra một cách: anh công khai gặp gỡ một công dân Xô Viết tên là “Boris”, anh chàng này dường như là làm việc cho CIC. Thực ra anh ta là điệp viên Xô Viết là liên lạc nhận tin của Blake. Đồng thời thông qua Boris mà tung cho bọn Anh những tin giả đã được chuẩn bị khéo léo sao cho chúng vẫn tưởng thật. “Tôi là cộng sự duy nhất của CIC, mà trên đường dây của mình lại có một người Nga thật”. Những thông tin nhận được qua anh ta nhìn chung là mang tính chất kinh tế (phần lớn là những vấn đề quan hệ kinh tế qua lại và hợp tác kinh tế giữa Liên Xô và Đông Đức), đôi khi cũng là chính trị, và như Blake nhớ lại trong cuốn sách của mình “Không còn cách lựa chọn nào khác”, “những thông tin này được đón nhận một cách nồng nhiệt ở London… Dần dần London giao cho tôi những nhiệm vụ đặc biệt, liên quan đến một số vấn đề của tình hình hiện tại, và bao giờ “Boris ” cũng trở về với những thông tin cần thiết”.

Nhưng rồi cũng xảy ra đổ vỡ – mà không phải do Boris và Blake, mà do sự phản bội của nhân vật trung gian, một người Đức tên là Mikka. Blake bị bắt và bị đưa ra toà án Anh. Toà kết luận: “Con người này đã phá hoại gần như tất cả những gì mà các cơ quan tình báo Anh đã tạo dựng được từ khi kết thúc Đại chiến thế giới lần thứ II”.

George Blake bị kết án bốn mươi hai năm tù. Trong cuộc nói chuyện với nhà tình báo V. Andrianov, Blake nhớ về bản án như sau: “Khi nghe đến 42 năm tù tôi mỉm cười. Thời hạn này là không khả thi, trong thời gian đó sẽ có thể xảy ra bao chuyện, cho nên tôi thấy là không hiện thực. Nếu người ta kết án tôi 14-15 năm thì sẽ gây cho tôi ấn tượng lớn hơn là 42 năm. Và tất nhiên, một thời hạn dài như thế là cái cớ tốt nhất để… – “Cố gắng rút ngắn lại”, – người tiếp chuyện chêm vào. – Vâng… Có nhiều người thông cảm với tôi. Vì thế mà tôi đã chạy thoát”.

Cuộc chạy trốn dũng cảm được thực hiện theo tinh thần những truyền thống tốt đẹp nhất trong những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu của Alexandre Dumas cộng thêm kỹ thuật hiện đại. Nhà tù “Wordvus Scrable” nổi tiếng vì xưa nay chưa có ai chạy thoát. Vì thế đây là nơi giam giữ những tù nhân nguy hiểm như các điệp viên Xô Viết. Cũng còn có cả những tù nhân không mấy nguy hiểm. Chẳng hạn, trong đó có hai nhà đấu tranh người Anh chống việc bố trí vũ khí hạt nhân ở Anh là M. Rendlee và P. Potle. Còn một tù nhân nữa tên là Son Berg. Chính những người này giúp Blake chạy trốn.

M. Rendle và P. Potle ở tù không lâu và chẳng bao lâu đã được thả. Son Berg được làm việc ban ngày ở ngoài nhà tù, đến kỳ nghỉ cuối tuần được cấp giấy nghỉ phép. Nhờ thế anh đã chuyển được cho Blake thiết bị truyền tin và một con dao. Việc chuẩn bị được tiến hành khẩn trương. Lợi dụng chiều tối thứ bảy có chiếu phim cho tù nhân, bọn bảo vệ cũng bớt cảnh giác. Trước ngày trốn Blake đã rút được ra một tấm kính cửa sổ, cưa được chấn song sắt rồi đặt lại như cũ. Tối thứ bảy anh mới lấy ra, trèo qua cửa sổ ra sân cạnh tường vây cao. Trời mưa tầm tã, Blake phải đợi đến một tiếng để Son Berg ném thang dây vào. Khi không còn ai, Son đến gần tường ném vào một chiếc thang dây tự tạo. Blake nhanh chóng leo lên, đến lúc tụt xuống thì lại ngã gãy xương bàn tay. Đau điếng người, nhưng anh đã chui được vào xe Son. Tự do đang chờ anh ở phía trước! Để chữa tay phải tìm một bác sĩ quen. Người này đã không tố giác, mà bó bột cho anh.

Cả nước Anh báo động vì cuộc chạy trốn đó. Tất cả các cảng biển, bến tàu, sân bay đều đặt trạm gác. Cảnh sát rà soát các địa điểm và các căn hộ nghi vấn. Nhưng anh vẫn ẩn nấp rất gần, trong nhà các bạn bè. Họ có nhiệm vụ đưa anh ra khỏi lãnh thổ Anh. Việc đó không dễ, vì hình ảnh George đã được treo khắp nơi, mỗi cảnh sát, nhân viên hải quan và lính biên phòng đều có. Các bạn anh bàn nhiều phương án. Có người bàn phải thay đổi màu da của anh, biến anh thành da đen. Nhưng George gạt đi. Vợ chồng Rendle thiết kế được một khoang bí mật trong chiếc xe nhà to của mình, bên dưới chiếc giường trẻ con. Trong khoang này anh có thể ngao du với vợ chồng Rendle và hai đứa con nhỏ hai tuổi và bốn tuổi.

Ngày 17-12-1966, họ rời London, đến Duvre, từ đó đi phà sang cảng Ostende của Bỉ, rồi đi một mạch đến Berlin. Suốt dọc đường trên lục địa George ở trong xe cùng gia đình Rendle. Anh chỉ chui vào “công ten nơ” khi đi trên đất Anh, khi qua eo biển La Manche và lúc qua biên giới. Cuối cùng anh sang được Đông Berlin, khi các chiến sĩ biên phòng Đông Đức và các sĩ quan Xô Viết đang chờ đón các khách du lịch. Tất nhiên mọi người kinh ngạc vì ông khách bất ngờ chui ở trong hòm ra. Mọi việc được giải thích ngay, nhất là lại có một tình báo Xô Viết quen anh. Chuyến du ngoạn dài ngày và nguy hiểm kết thúc. George Blake sống ở Moscva và làm nhiệm vụ đào tạo các tình báo trẻ tuổi.

error: Content is protected !!