Frantisec Moraves (1895-1966) Điệp Viên Xuất Sắc Của Tiệp Khắc

Đế chế Áo – Hung sụp đổ, trên bản đồ châu Âu xuất hiện một đất nước mới – Tiệp Khắc. Cơ quan tình báo của đế chế cũng tan rã, Cục Đặc nhiệm Tiệp Khắc ra đời.

Đại úy trẻ Frantisec Moraves lãnh đạo Ban quân báo đặt tại Praha. Xu hướng lúc này là hoạt động phản gián do cuối những năm 20 đầu những năm 30 mối đe dọa chính là gián điệp Đức quốc xã hoạt động ở vùng dân cư Đức Sudety gần biên giới. Trong hai năm 1931-1932, Ban phản gián ở Sudety hoạt động bí mật dưới vỏ bọc câu lạc bộ thể thao “Fonspo” tập hợp được những cư dân Đức vùng này. Ngày 25 tháng 3 năm 1934, Moraves được đề bạt phụ trách Ban điều tra Bộ tổng tham mưu, tổ chức hợp nhất của Cục Tình báo và Cục Phản gián. Theo đề nghị của ông, bốn trung tâm phản gián đã ra đời ở Praha, Brno, Bratisava và Cosise.

Năm 1933, Hitler lên nắm chính quyền ở Đức và không che giấu những dã tâm của mình. Moraves hiểu rõ nguồn gốc đe dọa nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ đất nước Tiệp Khắc của mình nên bắt đầu tìm đồng minh ở nước ngoài. Đầu tiên ông đi Paris, bắt liên lạc với phản gián Pháp và tiếp xúc với Louis Rive lãnh đạo tình báo Pháp. Rive từng bị Đức bắt làm tù binh thời Thế chiến thứ nhất và mãi khi chiến tranh kết thúc mới được thả về. Ông gia nhập tổ chức tình báo và không bao lâu sau đi Ba Lan trong nhóm của tướng Weigand. ở đây ông là trợ lý cố vấn của nguyên soái Pilsudxki. Lúc này nhiệm vụ của phản gián Pháp là “giữ cho phương Tây khỏi rơi vào tay bolsevich” (cần nói thêm là đúng lúc này tướng Charles de Gaulle của Pháp cũng có mặt ở Ba Lan trong đoàn tùy tùng của Weigand). Sau đó Rive đã thăng tiến trong lĩnh vực hoạt động phản gián và đặc trách những vấn đề về Đức. Ông đã thu thập được một khối lượng đồ sộ các tài liệu phong phú về việc chuẩn bị quân sự và các kế hoạch xâm lược của Đức, nhưng đáng tiếc là những thông tin này đã không ai nhận được.

Trên đường từ Pháp về, Moraves đã rẽ qua Thụy Sỹ và tìm thấy ở đây sự đồng cảm hiểu biết lẫn nhau ở Rose Mason, người đứng đầu quân báo Thụy Sỹ. Họ đã bí mật ký thỏa ước, theo đó phía Thụy Sỹ cho phép tình báo Tiệp hoạt động ở Duyrich. Cũng cần nói thêm là phản gián Thụy Sỹ thời kỳ ấy (1930-1935) chỉ vẻn vẹn có hai sĩ quan mà Mason là một. Năm 1936, Moraves đến Moskva gặp gỡ với Uriski phụ trách Cục Tình báo Liên Xô: Liên Xô và Tiệp Khắc đã ký kết hiệp ước hỗ trợ lẫn nhau, có dự kiến cả việc phối hợp hoạt động tình báo giữa hai nước. Semen Petrovich Uriski lên thay nhà tình báo dày kinh nghiệm Ia. K. Berdin. Uriski nói chuyện tâm đầu ý hợp, là người tiếp chuyện tương xứng với Moraves khiến ông rời khỏi Liên Xô như một người bạn. Tình bạn giữa hai nhà tình báo và ngành tình báo hai nước đã mang lại những thành quả bất ngờ. Tháng 4 năm 1937, chủ tịch Benes của Tiệp Khắc đã chuyển cho đại sứ Liên Xô tại Praha thông tin nhận được của tiến sĩ Mann, đại sứ Tiệp Khắc tại Berlin. Thông tin này lại do điệp viên Tiệp Caren Sedlachec từ Thụy Sỹ chuyển về có liên quan đến “âm mưu quân sự” của nguyên soái quân đội Liên Xô Tukhatrepxki.

Rời Moskva về tới Praha, Moraves bắt tay ngay vào việc cải tổ Cục Tình báo của mình. Ông bổ nhiệm người lãnh đạo Cơ quan phản gián là thiếu tá Bartich mà tên tuổi ông gắn liền với việc tuyển chọn ly kỳ điệp viên A-54. Ngày 10 tháng 2 năm 1936, Bartich nhận được một lá thư đề nghị được làm việc cho Tiệp. Ngoài chuyện quốc tịch Đức tác giả không cho biết gì hơn. Moraves chỉ thị đồng ý tiếp nhận đề nghị của tác giả ẩn danh đó. Họ cấp ngay địa chỉ hòm thư và ngay lập tức nhân vật này đã cung cấp những thông tin thú vị.

Sau đó có lần người này đề nghị được gặp Bartich. Cuộc gặp ấn định vào ngày 6 tháng 4 năm 1936 ngay tại trung tâm vùng biên, vùng đã bị Đức kiểm soát hầu hết. Có nguy cơ một vụ khiêu khích, song như ta vẫn thường nói “Chúa đã phù hộ”, nên không có chuyện gì xảy ra. Sau đó người này đã được tuyển trở thành điệp viên A-54 và đã cung cấp những thông tin giá trị về mọi kế hoạch bí mật của Hitler. Tình báo Tiệp khi ấy cũng vẫn không biết được tên thật của điệp viên này. Nhưng bây giờ thì đã rõ. Đó là Paul Trumel, bạn của Himmler ở Bộ tham mưu quốc xã và là đảng viên quốc xã. Không một ai cũng như chẳng bao giờ biết được lý do vì sao Paul quyết định hợp tác làm cho phản gián Tiệp: lý do cá nhân, chính kiến hay do bất đồng, không một ai biết, chỉ biết là ông không hề quan tâm đến tiền bạc và quyền lợi vật chất. A-54 là nguồn thông tin hiếm có về các kế hoạch và mọi hoạt động xâm lược Tiệp Khắc của bọn phát xít. Moraves còn giữ vững quan hệ hữu hảo với điệp viên Anh Gibson tại Praha, chia sẻ với ông thông tin nhận được của A-54. Đáp lại Gibson hứa với Moraves, một khi Tiệp Khắc bị chiếm đóng, Moraves sẽ được tiếp nhận ở London và Gibson đã giữ đúng lời hứa. Về phần A-54 – Trumel, sau khi Tiệp Khắc bị Đức chiếm đóng thì liên lạc được giữ vững qua thiếu tá Aloys Frans phụ trách phản gián Tiệp ở Gaia, sau đó khi Hà Lan bị xâm chiếm thì qua nhóm điệp viên của đại tá Khurav có mối quan hệ mật thiết với London. Chính Trumel (với mật danh mới là “Fanta”) đã cung cấp cho Tiệp và thông qua Tiệp cho Anh quốc những thông tin chính xác về kế hoạch Đức tấn công Anh (kế hoạch “Sư tử biển”), tấn công Liên Xô (kế hoạch “Barbarossa”) và Hi Lạp (kế hoạch “Marita”).

Moraves làm việc rất hiệu quả: ông đã vạch mặt thiếu tá Emerich Calman là điệp viên Đức cài vào Bộ tham mưu Tiệp, tuyển chọn đại tá Udadi của quân đội Hungari, sau này phụ trách Cục Tình báo Hungari.

Song mọi thành tích trên chỉ còn là số không bởi tham vọng bá chủ hoàn cầu của Hitler và sự phản bội của các nước phương Tây.

Ngày 19 tháng 5 năm 1938, Moraves được tin về Đức tập trung quân ở biên giới. Chính phủ Tiệp Khắc ra lệnh động viên và ngay lập tức báo cho Anh, Pháp về các hoạt động tại vùng biên giới Đức. Đại sứ Anh tại Berlin đã gửi công hàm yêu cầu Ribbetrop giải thích, nhưng rồi cả Anh cả Pháp đều rút lui và tuyên bố không đem quân bảo vệ Tiệp Khắc. Ngày 29-30 tháng 9 năm 1938, Anh, Pháp, Đức, Italia đã ký hiệp ước Munich, rút khỏi Tiệp Khắc, trao cho Đức vùng Sudety, cũng như thỏa hiệp với Hungari và Ba Lan về các vùng giáp ranh với Tiệp Khắc. Hiệp ước đã báo trước việc Đức xâm chiếm trọn vẹn Tiệp Khắc vào năm 1939 tạo điều kiện cho Thế chiến thứ hai bùng nổ.

Ngay sau khi hiệp ước Munich được ký kết, cục trưởng phản gián Tiệp Khắc, đại tá Gaec đã xin về hưu. Frantisec Moraves được điều đến thay thế ông phụ trách quân báo. Cục trưởng phản gián Đức quốc xã Canaris đề nghị Moraves gặp gỡ tại Thụy Sỹ, song ông đã khéo léo viện cớ từ chối.

Quân báo và an ninh Đức ra sức xúc tiến làm cho tình hình căng thẳng, chuẩn bị cho hoạt động chia rẽ ở Slovac. Trạm phát thanh cũng như các cơ sở quân báo và an ninh phát xít được bố trí khắp các vùng phụ cận Bratislav. Ngày 14 tháng 3 năm 1939, Slovac vừa tuyên bố độc lập thì ngay hôm sau quân Đức đã tràn vào Praha. Bọn tình báo quốc xã định chiếm kho lưu trữ hồ sơ của phản gián Tiệp, song một nhân viên bình thường ở đây tỏ ý ái ngại: mọi hồ sơ đã bị thiêu hủy. Thực ra Moraves cùng mười sĩ quan tình báo Bộ tham mưu đã kịp chuyển các hòm hồ sơ mật, trong đó có hồ sơ của điệp viên A-54, sang London bằng máy bay của hãng hàng không Hà Lan.

Moraves cùng Bộ tham mưu đặt cơ sở ở khách sạn “Van Dake”, bắt đầu hoạt động trong mối liên kết chặt chẽ với phản gián Anh. Nhiệm vụ chính của họ là giữ vững hoạt động của các ban phản gián Tiệp Khắc ở Duyrich, Bengrad, Haag và Stambul, cũng như giữ vững mối liên hệ với phong trào Kháng chiến ở Tiệp Khắc (được gọi là vùng bảo hộ Bohemia Moravia). Cai quản vùng này là những tên đao phủ của nhân dân Tiệp Khắc: tên Richard Heidrikh phụ trách an ninh Đức và tên Alfred Funk, sĩ quan SS Đức và là thẩm phán. Những tên này đã bị phong trào Kháng chiến tuyên án tử hình. Ba nhà yêu nước người Tiệp là Josef Gabtrikh, Ian Cubi và Josef Valtrikh, được Moraves và Cục An ninh của ông đào tạo chuẩn bị cho việc thi hành án. Sau vụ ám sát Heidrikh, chiều tối ngày 27 tháng 5, cảnh sát Đức triển khai hàng loạt hành động trả đũa tàn ác chưa từng thấy. Cả Praha bị phong tỏa. Những cuộc lục soát khám xét ở khắp nơi, dân bị bắt giam hàng loạt. Cả đất nước chìm trong đàn áp khủng bố. Chỉ trong sáu ngày đầu đã có 440 người bị hành quyết, trong vòng 5 tuần con số lên tới 1357, chưa kể dân hai làng Lidixe và Legiaki đã bị xóa sạch. Tuy nhiên một trong những kẻ đã thực thi những đòn trừng phạt trả đũa trên, tên Funk thẩm phán Quốc xã cũng đã phải trả giá. Một năm sau đó hắn bị điệp viên Xô Viết Nicolai Kuznesov diệt trừ tại Rovno.

Đại tá Moraves vẫn tiếp tục công việc của mình. Ông giữ được mối quan hệ khá chặt với Ivan Andreevich Tritraev, đại diện chính thức của phản gián Xô Viết tại Anh.

Một trong những vấn đề luôn làm các nhà lãnh đạo Xô Viết băn khoăn lo lắng là khả năng phân rã trong khối Đồng minh và có ký kết liên minh với kẻ thù chung là Đức. Mọi thông tin liên quan tới vấn đề trên đều khiến mọi người quan tâm. Thấy rõ là chuyến bay đặc biệt bí mật của tên Gess, thư ký riêng của Hitler, đi Anh hôm trước ngày Đức tấn công Liên Xô là mối quan tâm lớn của cả nhà nước cũng như phản gián Xô Viết, nhất là khi phía Anh ra sức bưng bít tin tức về chuyến bay đó. Và đến giờ bí mật của chuyến bay đó vẫn chưa hé lộ. Vì vậy thông tin của Moraves từ London báo về ngay lập tức được báo cáo lên Stalin. Nguyên văn bản báo cáo: “Tuyệt mật. Hội đồng Quốc phòng Liên Xô. Gửi đồng chí Stalin. Gửi đồng chí Molotov. Lãnh đạo quân báo Tiệp, đại tá Moraves thông báo cho điệp viên của Bộ dân ủy nội vụ ở London tin tức sau đây:

Ý kiến lan truyền cho rằng Gess bất ngờ bay đi London là không chính xác. Trước chuyến đi khá lâu Gess đã có thư từ đi lại với huân tước Hamilton, trao đổi về mọi vấn đề tổ chức cho chuyến đi. Thế nhưng thực tế thì Hamilton không tham dự vào cuộc trao đổi thư tín trên. Mọi bức thư Gess gửi đi đều không đến tay người nhận, mà rơi vào tay tình báo Anh và họ đã giả danh huân tước trả lời Gess. Vậy là Anh đã dụ được Gess tới Anh”.

Trong báo cáo, Moraves còn cam đoan chính mắt ông nhìn thấy những thư từ trao đổi trên và trong những lá thư của mình Gess đã viết khá rõ về các kế hoạch tấn công Liên Xô của Đức. Cũng trong những thư ấy đã đưa ra những luận chứng cần thiết chấm dứt chiến tranh giữa Anh và Đức. Cuối cùng Moraves cho là tình báo Anh đã sắp xếp để có những chứng từ về tội của Gess và các tên quốc xã đầu sỏ trong việc chuẩn bị tấn công Liên Xô.

Trong cuốn “Lịch sử hoạt động ngoại gián của Nga” đã chỉ rõ rằng Moraves tự nguyện giúp đỡ một cách trung thực Cục Phản gián Xô Viết cho dù ông cũng như chính phủ Tiệp Khắc phải sống lưu vong ở London dưới sự bảo trợ của Anh. Thông tin của đại tá tình báo Tiệp Moraves thật xác thực và đã được khẳng định qua những tin tức phản gián Xô Viết nhận được từ trước đó liên quan tới cuộc tiếp xúc của Gess với phía Anh trước khi hắn bay đi Scotland.

Thật thú vị khi có được tư liệu bảo mật của Đức. Đó là “Bản danh sách những người cần phải bắt giam ngay ở Anh sau khi nước này bị chiếm đóng”. Bản danh sách này được ghi lại vào khoảng thời gian những năm 1938-1940, thời kỳ ngoại gián Đức do Valter SGehlenberg phụ trách. Trong danh sách bên cạnh tên thủ tướng Anh Winston Churchill, bác sĩ tâm lý Digmun Fayd, thủ tướng Pháp De Gaulle có cả Moraves Frantisec sinh ngày 23 tháng 7 năm 1895 với số thứ tự là 173.

Năm 1945, Moraves trở về Tổ quốc nhưng đã có điều gì đó giữa ông với bộ máy lãnh đạo mới của Tiệp Khắc. Vì vậy cuối năm 1947 ông đã đi Mỹ, định cư tại đó cho tới khi qua đời năm 1966. Chín năm sau đó cuốn hồi ký “Ông chủ của các điệp viên” mới được ấn hành.

error: Content is protected !!