Thời của Nữ hoàng Elizabeth và đối địch của bà – Nữ hoàng Maria Stuart – để lại dấu ấn trong lịch sử nước Anh như một trong những thời bi thảm nhất. Hoạt động của Francis Walsingham được coi là người sáng lập ra ngành phản gián Anh cũng gắn liền với thời kỳ này.
Thật ra việc khẳng định trên vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Nhìn rộng ra thì chính Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất mà phần lớn qua Cecil William đã được phong tặng là huân tước Burghley mới là người sáng lập ra nền phản gián của Anh. Trong suốt 40 năm ròng huân tước thực sự là bộ trưởng thứ nhất của Nữ hoàng, bất kể ông giữ trọng trách gì. Và trong suốt thời gian ấy huân tước đã chỉ huy đội an ninh mật mà trước đó theo lệnh của vua Henry VIII là do Hội đồng cơ mật điều hành.
Trợ lý đầu tiên của huân tước là Nicolas Tromocton, một con người ranh mãnh xảo quyệt, một thần dân trung thành với Nữ hoàng. Và theo đúng quy định thời đó Nicolas Tromocton vừa là đại sứ của Anh tại Pháp vừa là cơ sở của phản gián. Chính ông là người đã phát hiện ra chàng trai Francis Walsingham tài năng, hướng chàng thanh niên vào hoạt động phản gián và trở thành người kế cận sau này.
Francis sinh năm 1532 trong một gia đình luật gia nổi tiếng có họ xa với Nữ hoàng, hầu như mọi đứa trẻ quý tộc độ tuổi ấy đều trong một chừng mực nhất định có họ hàng với nhau.
Tuổi trẻ của Francis không có gì nổi trội: Chàng trai học ở Cambridge, trường luật, nghiên cứu và thực hành luật ở trung tâm văn hóa danh tiếng của Italia, giao du với các chàng trai thông minh tài giỏi ở Florence và Venezia. Francis say mê nghiên cứu cuốn “Bá tước” của Machiavelli và đó cũng là dịp và cớ để làm quen và tranh luận với đại sứ Anh tại Paris, ngài Nicolas Tromocton, một tín đồ và môn đệ của tác giả này.
Năm 28 tuổi Francis trở về Anh và sau vài năm sống ở làng quê, vào năm 1568 bắt đầu làm việc trong triều đình. Huân tước xứ Burghley đã để ý trao cho chàng trai những nhiệm vụ quan trọng thuộc phạm vi tình báo và phản gián. Khi ấy vấn đề “nóng hổi” là ngăn chặn những vụ mưu sát có thể xảy ra với Nữ hoàng, nên đó cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của điệp viên mới vào nghề Francis Walsingham.
Để phát hiện những kẻ có thể là chủ mưu nổi loạn, Francis đã thỏa thuận với thị trưởng thành phố Luân Đôn yêu cầu những người nước ngoài phải đăng ký hiện diện và hàng tuần lập danh sách những người thuê nhà ở thủ đô.
Trong hai năm 1570-1572, Walsingham là đại sứ Anh đồng thời là cơ sở của phản gián Anh tại Paris. Về cơ bản Walsingham tiếp tục điều hành mạng lưới phản gián do huân tước Burghley và Nicolas Tromocton đã tạo dựng. Sau này ông đã tự gây dựng mạng lưới của chính mình, không chút phân biệt đối xử, tuyển chọn cả bọn tội phạm, giết người, phiêu lưu mạo hiểm, thanh toán với họ rất hào phóng. Ông thường nói: “Không có mức thù lao nào quá cao cho những tin tức cần thiết và giá trị”.
Walsingham không bao giờ sử dụng các điệp viên và thám tử của mình để khuếch trương quyền lực thanh thế. Ông toàn tâm toàn ý trung thành tuyệt đối với Nữ hoàng cho dù có đôi lúc tranh cãi với Người. Ngược lại Nữ hoàng đánh giá ông rất cao, thường thân mật gọi ông là “người Môrơ”, có lẽ do màu tóc đen và nước da ngăm ngăm của ông.
Năm 1572, huân tước Burghley nhậm chức thủ tướng và cho triệu Walsingham từ Paris về. Từ năm 1573 ông chính thức đứng đầu phản gián Anh cho dù huân tước vẫn nắm quyền lãnh đạo chung.
Nhiệm vụ chính của phản gián là ngăn chặn mọi âm mưu tạo phản đối với Nữ hoàng và vạch trần mọi kế hoạch của nhà vua Tây Ban Nha Philip đệ nhị cùng đồng minh của ông ta, trong đó có vụ huấn luyện quân để đổ bộ vào Anh. Ngoài ra còn một nhiệm vụ khác gián tiếp nhưng lại rất quan trọng, đó là duy trì cuộc chiến với các hạm thuyền vận tải của Tây Ban Nha. Nhiệm vụ này do đội “Cướp biển hoàng gia” Anh đảm trách nhằm một mặt làm suy yếu Tây Ban Nha, mặt khác tăng ngân khố của Nữ hoàng.
Vì vậy Walsingham đã bố trí mạng lưới phản gián hoạt động ở tất cả các cảng có tàu Tây Ban Nha ra vào. Về lộ trình, hàng hóa và thời gian ra khơi của các con tàu điệp viên kịp thời thông báo cho Walsingham để ông báo cho “Cướp biển hoàng gia”.
Điệp viên của Walsingham tất nhiên không chỉ có bọn cường đạo, những người phiêu lưu mạo hiểm mà còn có cả các nhà quý tộc, tu sĩ, luật sư, sinh viên, thương gia, mục sư. Ngoài ra ngay từ thời kỳ xa xưa đó phản gián Anh cũng đã tuyển chọn cả các nhà văn, nhà soạn kịch, nhà báo và nghệ sĩ, như vẫn thường gọi là “giới trí thức sáng tác”.
Các diễn viên và nhà viết kịch nổi tiếng với tư cách là điệp viên đã đóng góp phần không nhỏ, như Antoni Mendi, William Fauler… Đặc biệt là Antoni Mendi đã mạo nhận là tín đồ Thiên chúa giáo lọt được vào trường dòng, nơi đào tạo các nhà truyền đạo của Anh ở Rome. Các nhà truyền giáo này sẽ được tung vào Anh. Khi trở về Anh quốc Antoni Mendi không chỉ báo cáo về tên tuổi những học viên trường đó mà còn tham gia truy tìm bắt giữ họ.
Lần đầu tiên trong lịch sử tình báo Walsingham đã lập ra phòng kỹ thuật thuộc Cục Phản gián do Thomas Philipec, chuyên gia xuất sắc trong việc giải mã, bóc trộm thư, làm giả chữ ký và con dấu phụ trách. Ngay từ thời ấy phòng kỹ thuật này đã làm ra những thiết bị nghe trộm có một không hai, có các chuyên gia khéo ngụy trang những ô hổng ở tường để theo dõi bên trong. Có chuyện là một thầy tu nào đó đã bán cho Walsingham kính tiềm vọng do ông ta làm để theo dõi từ xa, nhưng không rõ có được sử dụng không. Thậm chí còn có hẳn một trường chuyên dạy cho các điệp viên cách theo dõi bí mật kín đáo và trong phút chốc có thể thay đổi hình dạng bên ngoài của mình. Để đánh lạc hướng đối phương người ta còn sử dụng cả các nhà chiêm tinh.
Trong những năm Walsingham điều hành Cục Phản gián các cuộc chiến tranh, hòa giải rồi lại âm mưu kích động, hòa ước liên miên vì quyền lợi đan chen của cả Anh, cả Pháp, cả Tây Ban Nha và Hà Lan liên tục xảy ra. Những mối bất hòa và các cuộc hòa giải với đức vua Tây Ban Nha Philip Đệ nhị, với vua Pháp Henri III, với các lãnh tụ khởi nghĩa Hà Lan và quận công Anba đều qua đường ngoại giao với sự hỗ trợ của phản gián. Mà có lẽ là chưa bao giờ ngành phản gián lại hoạt động tích cực như bấy giờ.
Nhưng rồi những mối quan tâm tới bên ngoài của phản gián đã tạm thời phải lùi xuống hàng thứ yếu nhường chỗ cho việc “phanh phui” mọi âm mưu tạo phản chống lại Nữ hoàng.
Ngay từ năm 1580, La Mã đã tuyên bố bất kỳ ai giết được Nữ hoàng Elizabeth của Anh “với nguyện ước cao quý thực thi sứ mạng của Chúa trời sẽ không hề có tội mà ngược lại còn được tán dương”. Rõ ràng là người vì “sứ mạng Chúa trời” được hứa hẹn cả hạnh phúc trần gian.
Năm 1582, Cục phản gián đã bắt giữ một điệp viên của đại sứ mới Tây Ban Nha, ngài Mendot. Xem xét kỹ đằng sau tấm gương tịch thu của người này đã phát hiện ra những giấy tờ quan trọng cho biết những tu sĩ dòng Tên đã lên một âm mưu mới lấy tên là “Sự nghiệp nước Anh” nhằm giết bằng được Nữ hoàng Elizabeth, để đưa Maria Steward lên ngôi.
Khi bắt đầu “tháo gỡ vụ việc” đã phát hiện ra chính Maria Steward là người liên hệ trao đổi thư từ với các cường quốc Thiên chúa giáo qua đại sứ Pháp và các nhân viên tùy tùng của ông ta. Điệp viên của Walsingham đã xin vào làm bên ngoài đại sứ và đã dò hỏi được mọi chi tiết của kế hoạch. Sau khi theo dõi ngặt nghèo cùng với việc tra tấn tàn bạo tên điệp viên bị bắt đã phát hiện ra “linh hồn” của “vụ việc” chính là ngài đại sứ Tây Ban Nha. Walsingham đã đề nghị ngài đại sứ phải rời khỏi Luân Đôn trong vòng 15 ngày.
Mặc dù vậy ở Anh vẫn âm ỉ những âm mưu mới chống lại Nữ hoàng. Do mầm mống của những âm mưu tạo phản đều ở nước ngoài, Walsingham đã cử tới các nước đó nhiều điệp viên đã “cải đạo theo Thiên chúa giáo”. Các điệp viên này đã lọt được vào sào huyệt của bọn tạo phản. Đôi khi họ báo cáo thực với lãnh đạo, đôi khi họ lại chơi trò hai mặt giống như ông bác sĩ Paris nào đó. Ông này đã nhập vai đến mức đích thân đề nghị những người tiếp chuyện mình tổ chức tạo phản. Và tất nhiên là những người này đã tố giác, kết cục là Paris đã bị chặt đầu vào năm 1585.
Bất kỳ Cục Phản gián nào cũng có nhiệm vụ đảm bảo an ninh và yên bình cho chủ nhân, do đó cần có tiền và cũng cần cả những người tạo phản để biện minh cho số tiền đã tiêu. Thậm chí nếu những người mưu đồ lật đổ thực sự đã hết thì cần phải nghĩ ra những người mới để rồi lại “phát hiện”, tố cáo ra những kẻ chống đối.
Một trong những vụ tạo phản lớn nhất chống lại Nữ hoàng đã được dàn dựng theo cách đó. Walsingham còn quyết định lôi kéo cả Maria Steward vào cuộc.
Cụ thể chi tiết về vụ việc thật phức tạp đòi hỏi cả một câu chuyện dài. Còn về số phận của bà hoàng bất hạnh xứ Scotland thì có rất nhiều thiên truyện tuyệt vời đậm chất bi kịch mà cũng rất nên thơ. Chúng tôi chỉ muốn một lần nữa nhấn mạnh rằng thực sự đứng đằng sau vụ việc chính là huân tước Burghley và ngài Walsingham, Babinton kẻ chấp bút viết những bức thư giả dẫn thẳng kẻ “chủ mưu” là Nữ hoàng Maria Steward tới đoạn đầu đài. Ngày 8 tháng 2 năm 1587 bà hoàng xứ Scotland đã bị chặt đầu. Về phía mình Walsingham đã viện cớ ốm nặng để không tham gia nghị án, lẩn tránh trách nhiệm.
Mọi việc lại tiếp diễn bình thường. Tháng 7 năm 1586 Walsingham đã nhận được báo cáo của ngài Xtapford, đại sứ Anh quốc tại Paris về việc Tây Ban Nha thành lập hạm đội “Armada bất khả chiến bại” và sẽ chở hàng ngàn quân lính Tây Ban Nha tới Anh. Cần nói thêm rằng chính ngài Xtapford cũng đã được tình báo Tây Ban Nha tuyển mộ và trả công hậu hĩnh. Việc đó tất nhiên không thể lọt khỏi con mắt già đời của Walsingham và điệp viên Rotgiec đã được lệnh theo dõi ngài đại sứ và đã phanh phui chuyện phe phái Thiên chúa giáo đã mua được ngài đại sứ và được cho xem mọi giấy tờ công văn gửi từ trong nước sang. Tuy nhiên Walsingham đã không cách chức Xtapford mà đã tương kế tựu kế qua ngài đại sứ cung cấp cho đối phương những thông tin giả để đánh lạc hướng họ.
Đồng thời ông thành lập ở Pháp một mạng lưới điệp viên mới độc lập với mạng lưới cũ mà rõ ràng là đã bị Xtapford bán rẻ. Lúc này phản gián Anh tập trung vào việc làm rõ mọi kế hoạch của đức vua Tây Ban Nha cùng đồng minh của ông ta.
Đích thân Walsingham thảo ra kế hoạch “Âm mưu thu thập thông tin về Tây Ban Nha”. Kế hoạch đề ra biện pháp chặn lấy thư từ công văn của đại sứ Pháp tại Tây Ban Nha, thu nhận thông tin ở các thành phố cảng, cử điệp viên đủ loại quốc tịch đến vùng dọc bờ biển Tây Ban Nha và rất nhiều biện pháp khác trong đó có việc thiết lập điểm theo dõi ở Cracov để biết được mọi báo cáo về Tây Ban Nha tới từ Vatican. Tất cả điệp viên của Walsingham dù ở đâu đều có nhiệm vụ thu thập mọi thông tin về các mưu đồ dự định của phía Tây Ban Nha.
Thông tin của các điệp viên dưới quyền Walsingham chính xác đến mức vào tháng 3 năm 1587, Walsingham đã đệ trình lên Nữ hoàng một bản sao báo cáo của đô đốc hạm đội Xanta Crut gửi đức vua Tây Ban Nha. Bản báo cáo chi tiết về “Hạm đội bất khả chiến bại” với các chiến thuyền và các thông số cụ thể về vũ khí đạn dược, quân số và dự trữ. Vào tháng 6 cùng năm Walsingham gửi về một báo cáo khác cho biết hạm đội chưa thể lên đường vào năm 1587 tạo điều kiện cho quân Anh có thời gian chuẩn bị cẩn thận.
Đồng thời với việc tìm hiểu các kế hoạch của đức vua Tây Ban Nha Philip Đệ nhị, Walsingham còn tiến hành cái mà bây giờ chúng ta gọi là “Các biện pháp tích cực”. Chẳng hạn như các chủ nhà băng ở Gienoa trì hoãn không cho vua Tây Ban Nha vay tiền ngay do đó gây khó khăn đáng kể cho việc xây dựng hạm đội.
Cuối cùng khi hạm đội Acmada cần lên đường tới Anh để ngăn cản việc tuyển mộ lính người Anh và người Ireland theo đạo Thiên chúa cho quân đội Tây Ban Nha thì Walsingham đã cho tung tin khắp nước Anh và Ireland về những “tiên tri” của nhà chiêm tinh Johnny về các cơn bão khủng khiếp sẽ đổ sập xuống hạm đội, tiêu diệt tất cả mọi người trên các con tàu.
Ngày 24 tháng 5 năm 1588, Hạm đội đã rời cảng Tây Ban Nha lên đường tới Anh quốc, nhưng ngay trước hôm đó đô đốc Xanta Crut qua đời. Thay thế đô đốc là quận công Media Xidonia, người hoàn toàn mù tịt về biển. Điệp viên của Walsingham theo sát từng bước hạm thuyền suốt dọc bờ biển Atlantic, biết rõ cả thời gian hạm đội tới đích. Cuối cùng “Hạm đội bất khả chiến bại” đã bị quân Anh đánh tan tác vào cuối tháng 7.
Không bao lâu Francis Walsingham ra đi vĩnh viễn sau khi đã hoàn tất sự nghiệp chủ chốt của đời mình.”