Fran Fon Papen (1879-1969) Điệp Viên “May Mắn”

Thật kỳ lạ là một con người thiển cận và bất tài như vậy lại có thể làm nên danh phận, luôn thoát khỏi các tình huống nguy hiểm chết người khó tin và cả cuộc đời luôn luôn ở “bề nổi”. Thế đó, nếu có thể gọi ra một người “may mắn” như vậy thì đó chính là ông Frans fon Papen.

Frans fon Papen sinh ngày 29 tháng 10 năm 1879 ở thành phố Verl vùng Westfalen trong một gia đình chủ đất giàu có. Tốt nghiệp trường sĩ quan võ bị, Papen bắt đầu phục vụ ở trung đoàn kỵ binh tỉnh. Chàng sĩ quan kỵ binh gan dạ đã lọt mắt xanh tiểu thư Bosch, con gái một chủ xưởng gốm giàu có. Ông bố vợ đã cho cặp vợ chồng trẻ một món hồi môn đáng kể, nhờ đó Papen đã thu xếp để được chuyển về trung đoàn kỵ binh nổi tiếng ở Potsdam. Tại đây ông đã khiến Đức quốc trưởng để ý và ngài đã quyết định một sĩ quan đàng hoàng oai phong như vậy có thể là hình ảnh tiêu biểu cho quân đội Đức ở nước ngoài. Vậy là Papen đã được thực tập ở Bộ tổng tham mưu và trước Thế chiến thứ nhất ít lâu ông đã được bổ nhiệm chức tham tán quân sự tại sứ quán Đức ở Mỹ.

Hai vợ chồng Franz rất vui mừng có dịp ra nước ngoài, song vị tham tán mới được bổ nhiệm đã sớm thất vọng vì được phân thêm những việc không thuộc nghiệp vụ ngoại giao. Cùng với việc phải có mặt tại các cuộc tiếp đón, các buổi thao diễn, tham dự các tối vui thân mật cũng như các cuộc tiếp tân trang trọng ở Bộ Quốc phòng, Franz còn phải gánh thêm trách nhiệm điệp viên của quân báo và phụ trách toàn bộ mạng lưới tình báo Đức ở Mỹ. Ông tìm mọi cách thoát ra khỏi trọng trách trên nhưng đều không được. Cuối cùng ông đành chịu.

Tuy nhiên trong lĩnh vực này ông vẫn hoàn toàn là nghiệp dư. Điều duy nhất ông nhận ra sau khi thực tập tại Bộ Ngoại giao Đức là văn phòng của ông cũng như chính hai vợ chồng ông được hưởng đặc quyền bất khả xâm phạm của ngạch ngoại giao, rằng mọi quan hệ quen biết của ông phải có lợi cho Đức quốc xã, nhưng lại không được vượt ra ngoài khuôn khổ.

Vậy là đối với ông giờ đây buộc phải thiết lập những mối quan hệ bí ẩn, trao đổi công văn thư từ bằng mật mã, phải lấy được các tư liệu mật bằng con đường bất hợp pháp…

Nhưng trong công việc cũng như trong điều hành Papen quá vụng về khiến những người dưới quyền không ai thích làm việc cho ông. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều đó là vụ xảy ra với Verner Khorn, một chàng trai hiền lành và yêu nước thực sự. Chàng trai được ngài Papen trao tặng huy hiệu màu cờ Đức và tuyên bố: “Bây giờ anh đã là người lính!”. Xúc động vì được tin yêu Khorn đã quyết định cho nổ cây cầu giữa hai nước Canada và Mỹ. Bom không nổ, Khorn bị bắt và tống giam trong xà lim, sau đó bị chuyển cho phía Canada và chịu tù đầy khắc nghiệt hơn. Mãi tới năm 1924, Khorn mới được trở về Đức nhưng trong tình trạng tâm thần mất trí và ốm đau kiệt lực.

Vụ việc đã khiến những người dưới quyền Papen phẫn nộ, không còn tôn trọng gì ông ta. Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra Papen nhận được lệnh từ Berlin cho triển khai hoạt động phá hoại ở Mỹ.

Hoạt động này kéo dài tới năm 1915. Lúc này, bất chấp quyền bất khả xâm phạm của cơ quan ngoại giao, nhân viên phản gián của Mỹ đã ập vào văn phòng Papen, và lấy đi một số tài liệu. Đại sứ Đức, ngài Bernstoff, đã lên tiếng phản đối. Ngoại trưởng Mỹ, ngài Robert Lassing cho biết sẽ hoàn trả tài liệu với điều kiện Papen phải thừa nhận đó là của ông ta. Tất nhiên là Papen không xuất hiện, ông buộc phải rời bỏ New York. Có điều cần nói thêm là chính đô đốc Canaris đã có thời làm việc cho Papen ở đây.

Thế chiến thứ nhất kết thúc, Papen ra sức tham gia vào nhiều âm mưu hòng chiếm được vị trí cao nhất ở Đức quốc xã. Từ năm 1921 đến năm 1932 ông được bầu làm đại biểu của Đảng Thiên chúa giáo cánh hữu ở Phổ.

Cuối cùng, năm 1932, Papen đã đạt được ước mơ danh vọng: Ngài tổng thống tuổi đã cao Fon Hindenburg cho ông làm thủ tướng. Để ngoi lên địa vị trên Papen phải trả giá bằng việc phản bội lại bạn bè và chiến hữu.

Tháng 6 năm 1932, Papen tham gia hiệp ước Paris, thành lập liên minh quân sự Pháp-Đức-Ba Lan chống lại Liên Xô.

Papen giữ vị trí nhân vật thứ hai ở Đức chỉ một thời gian ngắn đã chứng tỏ việc nước Đức chuyển từ chế độ dân chủ giả hiệu sang chế độ độc tài Hitler. Lối sống và hành xử của Papen khiến cả những người bảo thủ, chưa kể cánh tả, cũng tránh xa, chỉ có bọn quốc xã ủng hộ ông ta. Nhận thức được rằng ông ta không thể tồn tại dưới áp lực ngày càng tăng như vậy nên Papen đã thuyết phục Hindenburg chọn Hitler làm người kế nhiệm. Vậy là bằng một cuộc đảo chính không đổ máu Papen đã mở đường cho Hitler dễ dàng lên nắm chính quyền.

Papen chỉ làm phó thủ tướng một thời gian ngắn nhưng đã kịp tác động để thủ tiêu quốc hội Đức với hiến pháp Weimar, “sản phẩm của lũ quỷ và Do Thái”. Ông ta định “đá hậu”, đọc một bài phát biểu chống lại chế độ phát xít vào ngày 17 tháng 6 năm 1934. Nhưng ngay sau đó đã phải thôi.

Vậy là Papen đã cản đường phái Hitler, cần phải loại bỏ ông ta. Vào thời kỳ “thanh lọc đẫm máu” (“Đêm của những con dao dài” 30 tháng 6 năm 1934) Himmler đã ra lệnh thủ tiêu Papen, song đến phút cuối Hitler đã đổi lệnh do thấy ông ta còn có ích cho mình. Chỉ trừ khử những cộng sự thân cận của Papen, thư ký Verber fon Bose và lãnh đạo tổ chức “Hành động của Đảng Thiên chúa giáo”. Eric Clauzener bị giết chết ngay tại phòng làm việc, còn cố vấn riêng Eduard Iung thì bị tống ngục.

Các thủ lĩnh quốc xã quyết định loại bỏ Papen bằng cách khác, đẩy ông ra khỏi nước Đức. Papen được cử làm đại sứ ở Áo. ở Vienna Papen lại một lần nữa chứng minh lòng trung thành của mình với Đức quốc trưởng: ông được lệnh chuẩn bị kế hoạch thôn tính Áo.

Tháng 6 năm 1934, Papen tham gia vào vụ tạo phản chống lại thủ tướng Dolfuss. Ông này bị giết song cuộc bạo động cũng bị dập tắt, Papen biến luôn khỏi Vienna. Ông ẩn náu ở tòa nhà gần sát biên giới Pháp phòng khi bị Himmler lại cho người trừ khử thì có thể chạy thoát.

Đô đốc Canaris, cộng sự cũ của Papen hồi ở New York, đã hiến kế để Hitler bổ nhiệm Papen phụ trách một cơ sở tình báo lớn, như vậy ông ta vẫn phục vụ đắc lực đất nước mà lại tách xa khỏi vũ đài chính trị.

Mùa xuân năm 1939, Hitler triệu Papen tới và bổ nhiệm ông ta làm đại sứ ở Ancara.

— Xin chân thành cám ơn ngài về vinh dự to lớn này. – Papen cố giấu niềm vui: ông vẫn sợ bị đe dọa ở trong nước.

Papen đã tới Ancara vào tháng 4 năm 1939 cùng nhóm điệp viên mật đội lốt nhà ngoại giao Đức. Ông còn mang theo hòm vàng vì biết rõ những người Thổ và ả Rập không thích loại tiền giấy của Đức. Sau này ông sẽ thanh toán bằng tiền giả của Anh, nhưng khi ấy, vào năm 1939, các nhà băng Đức đã chi cho ông một triệu bảng Anh bằng tiền vàng.

Các điệp viên của Đức được cung cấp tiền vàng và tỏa đi khắp vùng Trung Đông. Ngay từ trước chiến tranh họ đã an cư lạc nghiệp ở Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Ả Rập. Điệp viên chủ chốt ở Ba Tư là giáo sư tiến sĩ Mac fon Oppenheim, tuy gốc Do Thái nhưng lại là một tên quốc xã cuồng tín.

Cầm đầu mạng lưới tình báo Đức trực thuộc Papen ở thủ đô Cabun của Apganitstan là tiến sĩ Fritz Groba, người tổ chức phong trào chống Anh suốt từ biên giới Tây Bắc của Ấn Độ đến vịnh Ba Tư. Các nước ả Rập tràn ngập tình báo Đức.

Ranh giới khu vực hoạt động của hai cơ sở chủ chốt tại vùng Địa Trung Hải thuộc Ancara và Madrid. Hai cơ sở này hỗ trợ lẫn nhau.

Hitler có ý định phục hồi tinh thần chống Anh của các nước Ả Rập, lôi kéo họ đứng về phía Đức. Đức quốc trưởng đã thay đổi khẩu hiệu thành “Từ Berlin đến Batda” và chuẩn bị tuyên bố thủ tướng Đức là “người bảo vệ Hồi giáo”.

Lợi dụng tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước Ả Rập và sự phản bội của nhiều lãnh tụ của họ, bọn Hitler đã xúi giục hàng loạt bộ tộc đứng dậy khởi nghĩa. Mưu đồ của bọn Đức đã rất rõ: Chúng muốn phá con đường vận chuyển hàng hóa cho Liên Xô qua Iran. Chúng cũng âm mưu phá hội nghị Teheran, bắt hết những người tham gia hội nghị. Mùa hè năm 1943, Papen qua mật báo đã biết được Gestapo đã cử bọn giết người kinh nghiệm nhất tới Iran quăng “mẻ lưới lớn”, song phản gián Liên Xô cùng phản gián Anh đã đập tan mọi kế hoạch của chúng.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liên kết với phản gián Anh quấy phá mọi hoạt động của Papen. Song bè lũ chính khách và nhà báo Thổ có ảnh hưởng lớn ở đất nước này lại ủng hộ Papen. Ông ta đã nắm được ít nhất hai tờ báo lớn, sử dụng ảnh hưởng của hai tờ báo này để tuyên truyền chống lại đồng minh.

Tại Ancara, Papen ra sức hoạt động chống Liên Xô. Ngay từ trước khi Papen tới nhậm chức ở đây đã có nhiều tổ chức chống Xô Viết. Khi tới Ancara, Papen đã củng cố những tổ chức này bằng những kẻ bỏ trốn khỏi Grudia và Azecbaizan đầu những năm 20, thành lập hàng loạt các “đội quân thứ năm” như “Liên minh sói xám” và “Hiệp hội những người yêu nước vùng Uran Antai”. Bọn này thực thi hoạt động tình báo chính trị và quân sự, đặc biệt vào năm 1942 khi quân Đức đã tiến sát vùng Kavkaz.

Papen đã trở nên quá nguy hiểm, phản gián Liên Xô quyết định trừ khử hắn, song kế hoạch mưu sát không thành: Điệp viên người Bungari thực thi nhiệm vụ, đã sơ ý để bom nổ ngay trong tay mình. Papen chỉ bị thương nhẹ.

Papen còn hoạt động chống phá Nam Tư, Rumani, Bungari và Hy Lạp ở vùng Balcan, đã tuyển chọn “cán bộ” cho thâm nhập vào hàng ngũ những người yêu nước, chống phá từ bên trong. Nhưng ở đây Papen đã đóng “vai phụ” bởi bộ tham mưu ở Berlin đã coi vùng Balcan là địa bàn hoạt động của mình.

Năm 1944 Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức rồi tuyên chiến.

Sau khi phát xít Đức bị đập tan, Franz fon Papen nằm trong số những tội phạm chiến tranh chuyển giao cho Tòa án quốc tế. Tại tòa án quốc tế Nurberg ông ta đã trắng trợn công phẫn phủ nhận sự tham gia của mình trong hàng ngũ quốc xã và tuyên bố ông ta chỉ là một nhà ngoại giao trung thực. Đồng phạm ngồi bên Papen trên hàng ghế bị cáo không giấu nổi nụ cười, khi ông ta hăng hái lớn tiếng rằng không biết chút gì về mọi kế hoạch tội ác của Hitler và Himmler. Thật kinh ngạc là con cáo già ấy đã biết cách minh oan bất chấp hàng trăm chứng cớ rõ ràng trong các tập hồ sơ dày cộp của tình báo phản gián Liên Xô, Anh, Mỹ và nằm ở các cơ quan an ninh phản gián của các quốc gia thuộc Liên hiệp quốc.

Công tố viên Rudenco của Liên Xô đã đề nghị án tử hình đối với Papen và các tội phạm chiến tranh đầu sỏ.

Nhưng cả lần này Papen cũng gặp may. Do sự bất đồng giữa các thành viên tòa án quốc tế Papen đã được tha bổng.

Ông ta sống lặng lẽ cho tới năm 90 tuổi và đã lặng lẽ ra đi vào ngày 2 tháng 5 năm 1969 tại trang ấp riêng Oberzaxbac, vùng Baden.

error: Content is protected !!