Ernst Fridric Vollveber (1898-1967) Nhà Tổ Chức Những Mạng Lưới Điệp Viên Chống Phát Xít

Ernst Fridric Vollveber sinh trưởng trong một gia đình thợ mỏ, nhưng cậu con trai lại không theo nghiệp bố cho dù đã từng là thợ đốt lò trên con tàu hoàng gia “Helholand”. Chàng trai đã trở thành thủy thủ và đúng vào ngày sinh nhật lần thứ hai mươi của mình, ngày 28 tháng 10 năm 1918, Vollveber đã kéo cờ đỏ trên con tàu và thành người đứng đầu cuộc nổi dậy của thủy thủ, cuộc nổi dậy kỷ niệm bước đầu thắng lợi của Cách mạng Đức, sự sụp đổ của vương triều Wilhelm. Ernst cầm đầu đội quân khởi nghĩa tấn công chiếm giữ tòa thị chính ở Bremen. Anh vào Đảng Cộng sản và mơ ước được đến Moskva. Chàng trai đã cùng một nhóm đồng chí trong Đảng dự tuyển làm thủy thủ trên tàu đánh cá, nhưng rồi khi tàu ra khơi họ đã bắt giam thuyền trưởng và chuyển hướng tàu đi Murmansk, từ đó Ernst sang thẳng Moskva, được đích thân Dinôviép, lãnh đạo Quốc tế cộng sản ở đây tiếp đón và được giới thiệu cả với Lenin.

Năm 1922, Vollveber được Đảng Cộng sản Đức cử đi dự Đại hội lần thứ IV Quốc tế cộng sản. Trở về nước giữ trọng trách chủ tịch tổ chức quốc tế các bến cảng, một cơ cấu quan trọng của Quốc tế cộng sản vì tổ chức này nắm được hệ thống quan hệ quốc tế đặc biệt. Tháng 9 năm 1923, Ernst tham gia chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đức. Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Hamburg nhưng không được hưởng ứng nên đã bị trấn áp. Bởi vậy Vollveber đã có thời gian phải ngồi tù, song năm 1928 đã được bầu là thành viên của hội quản lý đất đai ở Phổ và đã đứng ra thành lập Hội thủy thủ quốc tế. Đó là một tổ chức hùng mạnh có cơ sở ở hai mươi bốn nước trên thế giới và ở mười lăm nước thuộc địa của Anh và Pháp. Hoạt động của Hội giúp cho Quốc tế cộng sản rất nhiều vì Hội thực thi những nhiệm vụ đặc biệt: ngăn cản việc vận chuyển quân lương khi Liên Xô bị ngoại bang tấn công, ở mỗi cảng lớn đều có mạng lưới điệp viên và liên lạc mà phản gián Xô Viết sử dụng rộng rãi, ngoài ra hội viên được đào tạo huấn luyện đặc biệt để có thể thực hiện các vụ phá hoại tàu và cảng.

Vào những năm ba mươi, để ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, người của Vollveber đã thực hiện những vụ phá hoại to lớn trên các con tàu chở binh lính và vũ khí đến các nước thuộc địa, đến vùng Mãn Châu, Trung Quốc, nơi mà bọn Nhật đã bắt đầu nhòm ngó tấn công. Cũng cần ghi nhận một điều: rất nhiều con tàu khác bị đắm vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng cũng được “ghi vào” thành tích của Vollveber. Trong tất cả những trường hợp trên mọi nỗ lực phát hiện thủ phạm của phản gián phương Tây đều không thành, cho dù như báo chí đưa tin thì “dấu vết đều dẫn tới Vollveber và tổ chức của ông” – hay như người ta vẫn thường gọi là “Liên đoàn của Vollveber”.

Năm 1937 Vollveber là đại biểu Quốc hội, nhưng cũng không được lâu. Hitler lên nắm chính quyền và Ernst phải rút vào hoạt động bí mật. Ông là một trong những người bị bọn phát xít đưa vào hàng đầu danh sách những người bị truy lùng. Ông phải bỏ trốn sang Đan Mạch. ở đó ông đã tổ chức ra Trung tâm phản gián chống phát xít và từ đó lãnh đạo người của mình làm việc ở các cảng trên khắp thế giới. Những tin đồn huyền thoại về con số tàu bị thiêu hủy và đánh đắm làm xôn xao dư luận thời đó, nhưng vẫn còn xa so với thực tế. Một nguồn tin cho biết con số lên tới bốn trăm chiếc, theo nguồn tin khác lại chỉ có trên vài chục.

Các câu lạc bộ thuộc “Liên đoàn của Vollveber” thực chất là các cơ sở phản gián, nơi hoạch định các chiến dịch, chế tạo bom mìn, làm giả hộ chiếu, huấn luyện điệp viên và còn là các hòm thư liên lạc của phản gián Xô Viết. Bộ tham mưu của Vollveber gồm hai mươi người do chính ông tuyển chọn và gồm đủ quốc tịch: Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Anh.

Năm 1936, khi cuộc nội chiến bùng nổ ở Tây Ban Nha “Liên đoàn của Vollveber” đã đẩy mạnh đáng kể mọi hoạt động. Số tàu chuyên chở vũ khí cho quân đội Franco bị thiêu cháy và phá hủy khá lớn.

Vollveber, một con người gan dạ, đã nhiều lần đến Đức mặc dù ở đó tính mạng ông bị đe dọa ngặt nghèo. Một lần ông bị sa bẫy nhưng đã thoát được thật kỳ diệu trong khi mười hai đồng chí của ông đều bị bắt giam và treo cổ.

Bất chấp tổn thất đó, Vollveber vẫn biết cách ổn định nền nếp hoạt động. Cơ sở ở Đức này đã tiếp tục tồn tại cho tới đầu Thế chiến thứ hai và cả sau này. Một minh chứng hùng hồn là vụ làm nổ tung con tàu quân sự “Marion” của phát xít Đức chở hai ngàn (theo nguồn tin khác những bốn ngàn) binh lính, chỉ một số nhỏ thoát chết.

Mạng lưới tình báo của Vollveber hoạt động độc lập với nhau trong điều kiện bí mật nghiêm ngặt nhất. Chỉ một người chuẩn bị chiến dịch biết được chi tiết của chiến dịch sẽ thực thi. Huyền thoại về mạng lưới điệp viên này còn đồn thổi cả đến từng chi tiết, mỗi điệp viên chỉ được biết không quá hai người khác trong tổ chức. Các báo cáo không bằng văn bản. Liên lạc viên không hề biết tí gì về Vollveber cũng như những người thân cận của ông. Để bảo mật ông còn cắt liên lạc cả với mọi nhóm phản gián Xô Viết.

Mùa xuân năm 1940, phát xít Đức chiếm đóng Đan Mạch. Nhiều điệp viên ở cơ sở Copenhagen bị bắt giam.

Trước khi Na Uy bị Đức xâm chiếm, Vollveber có cơ sở tin cậy ở đó. Phó ban phản gián Xô Viết ở Hensinxki, bà Doia Ivanovna Vascreskaya Rưbkina cũng đã tới đó gặp Anton (bí danh của Vollveber).

Các nhóm điệp viên của Vollveber hoạt động ở các thành phố Hamburg, Bremen, Danzig, Rotterdam, Amsterdam, Copenhagen, Oslo, Riga và Talin.

Có những chứng cớ xác đáng rằng vào tháng 6 năm 1941, sau khi Đức tấn công Liên Xô, một vài nhóm của Vollveber đã phối hợp với những người cộng sản của phong trào Kháng chiến ở Pháp và các nước khác góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh chống phát xít. Bọn Gestapo Đức đã biết được Vollveber đang ở Thụy Điển và đòi Thụy Điển phải giao nộp ông cho chúng. Lúc này Vollveber do vào nước này bất hợp pháp nên đã bị tù giam một thời gian. Trưởng ban phản gián Xô Viết, nhà tình báo Kin (chính là Rưbkin, chồng của Ivanovna Vascreskaya Rưbkina) đã xin được gặp Vollveber. Kin đã khuyên ông “thừa nhận” làm gián điệp chống lại Thụy Điển. “Những chuyện sau đó chúng tôi sẽ tự lo liệu” – Kin dặn thêm. “Anton” đã theo đúng chỉ dẫn của Kin, thừa nhận làm gián điệp cho Liên Xô chống lại Thụy Điển.

Cũng lúc này ở Moskva hoàn tất thủ tục hồ sơ cho Vollveber nhập quốc tịch Nga.

Mọi cuộc đàm phán với Thụy Điển không thành. Thụy Điển không giao nộp Vollveber cho Đức với lí do: Vollveber phải được xét xử theo luật pháp Thụy Điển. Chiến tranh đã tới hồi kết thúc, Thụy Điển đã không còn sợ Đức nữa…

Ngay từ trước chiến tranh kết thúc, không cần đợi tới xét xử Vollveber đã được thả tự do và đi luôn sang Liên Xô. Ông đã cùng Hồng quân tiến vào Berlin. Sau chiến tranh Vollveber được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Giao thông của Đức, sau đó tháng 6 năm 1953 chuyển sang bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Báo chí phương Tây lại lên án Vollveber về mọi tổn thất hư hại của các con tàu của họ, nhất là trong cuộc chiến tranh Triều Tiên những năm 1950 – 1953. Tuy nhiên họ đã không tìm ra được một chứng cớ nào.

Trong hai năm 1956 – 1957, Vollveber nhiều lần lên tiếng phản đối đường lối của Walter Wilbrikh, cụ thể là vấn đề Hungari dẫn tới hậu quả ông bị cách chức bộ trưởng Bộ Nội vụ vào tháng 11 năm 1957. Đến tháng 2 năm 1958, ông phải ra khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng, về hưu vì “tình trạng sức khỏe”. Vollveber qua đời ngày 5 tháng 5 năm 1967 ở Đông Berlin.

error: Content is protected !!