Elizabeth Shragmuller (Thế Kỷ XX) “Bà Thầy” Của Trường Tình Báo Đầu Tiên Trong Lịch Sử

Bác sĩ Elizabeth Shragmuller, biệt hiệu “Bà Doctor” là một trong những nữ điệp viên vĩ đại. Một số người còn khẳng định rằng một mình bà có thể giành chiến thắng cả Đại chiến thế giới I cho vua Đức. Tuy nhiên nếu là một mình thì chưa chắc bà đã tham gia tình báo. “Bà Doctor” là một nhà tổ chức xuất sắc.

Trừ một số rất ít, còn thì các nữ điệp viên Đức không có được cái vẻ duyên dáng, diễm lệ như các bạn đồng nghiệp Pháp. Họ là những người làm việc hết lòng và có phương pháp. Thay vì sức suy nghĩ họ lại có tinh thần kỷ luật cao và tính chăm chỉ. Hơn ai hết “Bà Doctor” đã biết giáo dục cho họ những phẩm chất đó khi bà là người sáng lập trường tình báo đầu tiên trong lịch sử và là tấm gương cho các nữ tình báo thế giới.

Nhà trường bắt đầu hoạt động trong thời gian Thế chiến thứ nhất trong thành phố Antverpen bị chiếm đóng, đây là trung tâm của hoạt động tình báo Đức, và bà đã được dành cho những ngân khoản lớn và điều kiện vô hạn để hoạt động thắng lợi.

Mục tiêu cơ bản của “Bà Doctor” là nước Anh, từ Kornuoll ở miền Nam đến căn cứ hải quân ở Skapa Floy thuộc miền Bắc. “Bà Doctor” không những chỉ đào tạo và huấn luyện tình báo. Bà còn lãnh đạo một mạng lưới điệp viên từ Boulogne đến Paris, và từ Paris đến biên giới Thuỵ Sĩ. Sau này, trong thời gian chiến tranh, phạm vi hoạt động của bà còn mở rộng đến các nước Bắc Âu và Tây Ban Nha. Thường thường Bộ Tổng tham mưu Đức tin tưởng các thông tin của bà hơn là những văn kiện và báo cáo của Cục Tình báo quân sự.

Bà Elizabeth Shragmuller là một phụ nữ duyên dáng, một nhà ngôn ngữ hàng đầu, và hơn thế nữa, bà còn có khả năng tổ chức đặc biệt và có nghị lực. Bà có thể giành thắng lợi trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào. Elizabeth luôn luôn giấu đi tuổi tác của mình, nhưng có thể đoán được rằng bà độ bốn mươi lăm khi bà lãnh đạo trường. Quá khứ của bà như trong sương mù, nhưng người ta biết rằng bà là con gái một sĩ quan Phổ đã về hưu. Trước chiến tranh bà đã đi du lịch qua Pháp, Hà Lan và Anh dưới cái tên là nữ công tước d’Aspremont và nữ bá tước de Luven, bà đã giả danh làm một nhà quý tộc Bỉ, điều đó không khó khăn gì vì bà nói tiếng Pháp cực chuẩn. Chẳng bao lâu sau ngày bà nhậm chức trong trung tâm tình báo ở Antverpen, bà khẳng định rằng nhiều tình báo được đào tạo kém. Một số người, chẳng hạn, “Lodi” đã bị bắt và bị xử tử. Những mật vụ mà bà đã gặp chủ yếu là những người làm thuê cố gắng kiếm thật nhiều tiền mà lại ít rủi ro nhất. Bà bắt tay vào việc cải tổ trung tâm tình báo với một sự khắc nghiệt được tính toán kỹ lưỡng, khi bà tin rằng để thực thi kỷ luật trong cái tập thể đa dạng này cần phải bắt các nhà tình báo và điệp viên sợ bà hơn là sợ địch. Bà đã thắng lợi. Chỉ cần bà nghi ngờ một người nào đó không tận tâm và thiếu chút ít trung thực là bà giao cho người đó một nhiệm vụ khá dễ dàng. Khi điệp viên vào tới đất địch, bà cố gắng sao cho cơ quan phản gián của địch biết là có “một ông khách bất đắc dĩ”. Điệp viên đó bị bắt và bà có cách để đưa anh ta ra toà. Tại Pháp những điệp viên bị phát giác thường sẽ bị bắn bỏ, đôi khi bị chém đầu, còn ở Anh thì bị treo cổ hoặc bị bắn chết. Điều đó gây ấn tượng khủng khiếp cho các học trò. Họ được biết rõ vì sao bạn họ phải chết và chết ra sao. Bằng cách đó bà đã “nhổ được cỏ dại” trong ngôi trường mà giờ đây ít người sợ bà hơn, nhưng lại trung thành hơn. Đôi khi bà đưa một điệp viên giỏi hơn đến đúng cái nơi mà người kém đã chết. Bọn Anh hay Pháp vừa mới bắt được một tình báo Đức nên có mất cảnh giác chút ít, và người thứ hai có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mà không có sự phá rối của cơ quan phản gián. “Bà Doctor” không quên nhắc đi nhắc lại rằng các học trò của bà phải rất trung thành để có thể được nhận một nhiệm vụ quan trọng hơn và được trả tiền cao hơn.

R.V. Royan, nhân viên của cơ quan phản gián của liên bang, người chuyên nghiên cứu các phương pháp của “Bà Doctor” đã kể lại một chuyện. Quân Đồng minh đã rất nỗ lực để chui vào trung tâm Antverpen. Họ đưa được vào đó một người Bỉ. Đó là một thành công vô giá. Nhưng trước khi anh ta chiếm được lòng tin của “Bà Doctor”, anh ta có nghe bà nói rằng bà đã cử đến Scotland một người xuất sắc. Từ Scotland người đó sẽ phải tới Paris. Anh chàng người Bỉ vội vã báo tin đó về Paris và London. Tại Scotland người ta quyết định không đụng đến điệp viên, và theo đúng mệnh lệnh, anh ta sang Paris. Nhưng vì không ngờ nên anh ta bị bắt ở Dunkinrt và bị buộc tội gián điệp. Không biết bằng con đường kỳ lạ nào mà bà biết được chuyện đó sau 2 ngày. Bà gọi anh chàng người Bỉ lên văn phòng và kể chuyện về sự thất bại nhanh chóng không ngờ tới đó. Bà cũng nói rằng chỉ có hai người biết nhiệm vụ này là bà và anh chàng người Bỉ. Nói tới đó bà bình thản lấy súng lục trong ngăn kéo ra và bắn luôn, không thèm nghe những lời thanh minh.

“Bà Doctor” là một phụ nữ tuyệt vời. Bà là người đầu tiên được biết rằng quân Đồng minh có ý định sử dụng một vũ khí bí mật mới – xe tăng. Quân Đồng minh đã rất nỗ lực giữ bí mật loại vũ khí này, và khi nó xuất hiện trên chiến trường, thì đó là điều bất ngờ đối với quân Đức và nó đã làm thay đổi đáng kể tiến trình của Đại chiến thế giới I. Tuy nhiên tình hình có thể khác. Thông tin về xe tăng bà được nghe qua câu chuyện của Lizzi Vertheim. “Bà Doctor” đã gửi 3 bản báo cáo cho người đứng đầu Bộ tư lệnh Đức, tướng fon Falkenhayn, về xe tăng của Anh. Trong bản báo cáo cuối cùng bà đã mô tả tỷ mỷ cấu trúc và trang bị của chúng. Nhưng các cố vấn kỹ thuật lại tuyên bố rằng những báo cáo đó là bịa đặt và không đáng chú ý. Một chuyên gia còn đánh giá xe tăng là trò ảo thuật và viết nhận xét: “Cái gọi là xe tăng thật vô ích trong cuộc chiến đấu chống lại pháo binh và các loại mìn hạng nặng”. Chẳng bao lâu sau, trong trận đánh ở Kambre quân Anh đã sử dụng 300 chiếc xe tăng “vô ích”. Chúng đánh bại quân đoàn Đức số hai. Sau này nhiều chuyên gia coi đó là bước ngoặt của Đại chiến I. Lời nói của “Bà Doctor” đã được khẳng định, nhưng phải trả một cái giá ghê gớm! Phản ứng của bà ra sao? Bà chỉ gửi một báo cáo chi tiết về trận Kambre cho chính cái ông chuyên gia mắc sai lầm thảm hại. Kèm theo báo cáo bà gửi một khẩu súng lục. Ông hiểu được thâm ý rõ ràng của bà và đã tự sát bằng khẩu súng mà “Bà Doctor” cẩn thận gửi cho. Có lẽ đây là một chuyện huyền thoại, nhưng là chuyện hay. Cần phải nói rằng xung quanh bà có nhiều chuyện như vậy.

Lizzi Vertheym, người đưa chuyện về xe tăng, đã bị phản gián Anh bắt, bị kết án 10 năm tù và đã chết ở Eylsbersh hai năm sau ngày đình chiến. Bạn cặp đôi với cô – George Breekov – làm việc tại Anh dưới cái tên Redzhinald Roland, bị xử bắn ở Tower London. Cả hai là những học trò xuất sắc của trường Antverpen.

“Bà Doctor” còn nghĩ ra mấy bộ mã khôn ngoan để truyền thông tin từ Anh về bản doanh của bà. Có hai điệp viên của bà là Marinus Jhansen và Hans Rooz làm việc tại Anh dưới dạng đại diện cho hãng thuốc lá “Dirks và Kompania”. “Công việc” mà họ phụ trách tại hậu phòng của văn phòng nhỏ ở London đã được “Bà Doctor” sắp xếp từ trước chiến tranh. Bọn kiểm duyệt thư tín Anh thường hay nghi ngờ những bức thư mà văn phòng này nhận được cùng những hợp đồng lớn đặt mua thuốc lá. Nhu cầu đặt mua nhiều không tưởng tượng được. Nhiều hơn nữa là những đơn đặt mua từ các quân cảng – Portsmut, Chetam, Devenport và Duvr. Những hợp đồng này gửi cho Jhansen và Rooz, hai người này có hộ chiếu Hà Lan, sau đó chúng được gửi cho văn phòng chính của hãng tại Rotterdam. Mật vụ Anh ở Hà Lan dễ dàng xác định được rằng sự thực thì cái hãng ở Rotterdam chỉ là chi nhánh tổ chức của “Bà Doctor”. Mật mã của bà khá đơn giản. Thí dụ, Jhansen và Rooz gửi đi một bức điện yêu cầu gửi thuốc lá xì gà: “10.000 La Habana”, “4.000 Rotshild”, “3.000 Koronas”. Bức điện gửi từ Portsmut. Như thế nghĩa là tại cảng đó có 10 tàu ngư lôi, 4 tàu tuần tiễu và 3 tàu thiết giáp. Jhansen và Rooz đã bị bắt, bị kết án tử hình và đã bị bắn.

Một bộ mật mã khác của “Bà Doctor” có liên quan đến việc sử dụng các bộ sưu tập tem. Bà đã cử đi London hai điệp viên xuất sắc nhất Josef Marks và “Suzetta”, tên thật của cô không ai được biết. Họ có hộ chiếu giả của Hà Lan, có một khoản tiền lớn và một cuốn album tem thư. Bộ mã của “Bà Doctor” sau này được nhiều cơ quan mật vụ khắp thế giới sao lại. Những con tem nước ngoài được coi là biểu tượng của các đơn vị hải quân như tập đoàn, vũ khí, cảng, công sự, đạn dược, thậm chí là con người. Con tem của Peru năm 1897 vẽ cây cầu Paukartambo là cảng quân sự Fert-of-Forte, con tem phát hành ở Haiti năm 1904 vẽ các quân nhân là biểu tượng khí tài. Những con tem của đế chế Anh và các thuộc địa Pháp đều là những quy ước gì đó trong bộ mật mã. Những điệp viên Đức chỉ việc cài vào những văn bản chung chung những con số cần thiết, hoặc nêu những con số trong số lượng những con tem mà họ muốn mua hoặc bán.

Những chuyện đó theo con mắt của những người không chuyên nghiệp là một hệ thống những thuật ngữ chuyên ngành hoặc những lời nói lóng của những người trong hội chơi tem. Bằng cách này Josef và “Suzetta” đã trao đổi thông tin về các lực lượng phòng thủ của nước Anh. Nhưng cuối cùng Marks đã bị phát hiện và bị phản gián Anh bắt được. Anh đã nói với người theo dõi anh rằng bây giờ đối với anh thì nhà tù là nơi an toàn duy nhất, nơi anh trốn khỏi “người đàn bà Antverpen”. Marks đã bị kết án, còn “Syuzetta”, cô gái Pháp khôn ngoan, cô học trò của “Bà Doctor”, thì không hề hấn gì cả.

Chúng tôi đã nói rằng các cô điệp viên Đức là những người dũng cảm, quên mình, nhưng họ lại thiếu khả năng ứng phó và sáng tạo, vốn là thuộc tính của các bạn đồng nghiệp Pháp. Vì thế người Đức thường đi mượn các cô gái nước ngoài. Cô “Eva Thuỵ Điển”, một trong những người tốt nghiệp trường điệp viên của “Bà Doctor”, có thể được coi là một ví dụ điển hình.

Bố cô Eva de Burnonvil là người Thuỵ Điển (gia đình ông từ Pháp sang cùng với đô đốc thời Napoleon Bernadott), mẹ cô là người Đan Mạch. Eva đi làm gia sư cho một gia đình Đức giàu có ở vùng Pribaltika. Thời gian này cô có quen với một bà người Anh có tước hiệu. Về sau cô bỏ làm và quyết định kinh doanh nhà hát, nhưng không thành, vì thế cô phải đổi mấy nơi làm việc. Cô trở về Stockholm. Tại đó năm 1915 cô được tuyển mộ vào mật vụ Đức và được đưa vào trường của “Bà Doctor”. Khi Eva kể chuyện rằng có quen một bà mệnh phụ người Anh, cô được yêu cầu viết cho bà ta một lá thư xin được sang Anh để học tiếng. Vì là công dân của nước Thụy Điển trung lập nên cô không gặp khó khăn, và sau mấy tuần cô đã được sang London. Cô thuê một căn phòng đầy đủ tiện nghi ở Blumsberi, từ đây cô viết thư cho bà người Anh, trong đó có nhắc đến chuyện cô muốn giúp cho nước Anh đang tham chiến. Kết quả, người ta cho cô làm nhân viên kiểm duyệt tại trạm điều tra thư tín (nhờ cô biết nhiều ngoại ngữ). Tại đó cô đã kiểm duyệt cả những “thư từ của người mình” gửi đi Stockholm và Copenhagen, theo những địa chỉ mà tình báo Đức đã cho cô. Nhưng Eva còn là một điệp viên biết quan tâm đến mọi chuyện. Cô thường đặt ra những câu hỏi tới tấp cho các bạn mới. Vào lúc này các khinh khí cầu của Đức thường bay sang London và Eva công khai hỏi về kết quả của chúng, nơi nào có các bệ pháo, có bao nhiêu pháo, nòng pháo bao nhiêu, pháo kích thế nào… Một hôm cô cùng một người quen đi qua công viên Finsberi.

— Ôi, đây là công viên Finsberi! Pháo đặt ở đâu nhỉ?

Đối với người Anh, cô tỏ ra rất trong sáng, rất vồ vập và rất ham học hỏi. Trong Đại chiến thế giới I nghề điệp viên rất được phổ biến, và người ta thường nghi ngờ tất cả những người nước ngoài là gián điệp. Tính tò mò thái quá của cô đã được báo cáo cho cảnh sát. Mặc dù lúc ấy cô chưa bị nghi ngờ, nhưng bọn phản gián đã “để mắt đến”. Lúc này cô phạm phải một sai lầm thô thiển, cô đã đến một khách sạn, nơi có các sĩ quan nghỉ phép. Chẳng bao lâu sau cô quen được một số người. Cô muốn gây ấn tượng với họ bằng những câu chuyện về ông bố cô là tướng quân trong quân đội Đan Mạch, và về bà cô là giáo viên dạy nhạc cho nữ hoàng Alecsandra. Các sĩ quan trẻ tuổi không mấy quan tâm đến họ hàng của Eva, nhưng một vài người đã nhận thấy rằng cô rất thích hỏi xem họ ở đơn vị nào, đóng quân ở đâu và vũ khí ra sao. Người ta đã báo cáo cho một sĩ quan cấp trên, người đó lại báo cho Cục Phản gián. Chánh thanh tra Kanning trực tiếp theo dõi. Anh ta là “một trong hai chàng Albert”, là hai chuyên gia phản gián cỡ lớn, đã thành công trong nhiều vụ phát hiện gián điệp. Vào một đêm năm 1915 anh ta cùng với chàng Albert kia, chánh thanh tra Foster, đã tóm gọn được 9 điệp viên Đức. Kanning quyết định thoả mãn tính tò mò của Eva về hoạt động quân sự.

Có hai sĩ quan trẻ tuổi đã được biết về một loại vũ khí mới rất bí mật, nhưng tất nhiên là không có thật. Họ chia sẻ tin này trong khách sạn với cô gái nước ngoài xinh đẹp. Bây giờ bọn phản gián thận trọng kiểm tra mọi bức thư có trong tay Eva. Chẳng bao lâu sau họ giữ được hai bức thư gửi đi Kopenhagen, trong đó có nhắc đến việc cung cấp loại vũ khí mới bí mật cho quân đội Anh. Họ dễ dàng đoán được rằng chính Eva viết những bức thư đó. Việc theo dõi tiếp tục đã cho những bằng chứng mới. Công việc nhân viên kiểm duyệt quân sự của Eva chỉ kéo dài được vài tháng. Ngày 12 tháng 1 năm 1916 cô bị đưa ra toà. Tại Anh phụ nữ thường không bị tử hình, vì thế án tử hình của cô được nhà vua George V đổi thành án tù chung thân. Năm 1922 cô được trả về nước từ nhà tù Eylsberi.

Nhưng bây giờ chúng ta lại quay lại chuyện về “Bà Doctor”. Quả thật bà là một trong những nhà hoạt động gián điệp xuất chúng.

Tình báo viên Anh Ernst Kukridzh đã gặp bà nhiều năm sau chiến tranh khi bà đã nghỉ việc. Ông ta nói rằng vì công sức của bà mà các chính phủ Đồng minh có thể quyết định rằng sau khi nước Đức đại bại bà Elizabeth Shragmuller đã không bị bắt. Bằng cách đó các ông trùm các Cục Tình báo Anh và Pháp đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với người phụ nữ phi thường, con người đã nhiều lần đem họ ra làm trò chơi. Những khoản tiền lớn mà bà nhận được của Bộ Tổng tham mưu Đức đã biến thành số không vì cuộc lạm phát sau chiến tranh. Bà bị bỏ mặc cho số phận, sống nốt cuộc đời trong nghèo đói, vì thế mà bị ho lao, sống thầm lặng bằng đồng lương hưu ít ỏi ở Thụy Sĩ. Khi Kukridzh làm việc ở Geneva tại bản doanh của Hội Quốc Liên, năm 1934 ông nghe nói rằng “Bà Doctor” dường như sắp chết ở Duyrich, ông có viết cho bà một bức thư mong được gặp mặt. Bà đồng ý. Người phụ nữ ốm đau sáu mươi tuổi vẫn có tinh thần khoẻ mạnh và trí nhớ minh mẫn. Bà không giấu giếm một niềm tự hào khi kể lại một số chiến tích của mình. Ông hỏi bà về Mata Hari, bởi vì lúc đó có cả một làn sóng những câu chuyện không đâu và những truyền thuyết về cô tràn ngập các quầy sách ở châu Âu.

— Nếu bao giờ có một cô bé ngốc nghếch tự đào huyệt chôn mình, thì đó chính là cô bé đáng thương Gershi. Đó là cái tên chúng tôi gọi Gertruda Tselle, tức là Mata Hari. Đó là một điệp viên rất không có hiệu quả. Tôi có ý định đào tạo cô ta, nhưng cô không đủ tri thức, và theo ý kiến của cô ta, thì làm gián điệp có nghĩa là phải chung sống được với những người đàn ông có quyền thế. Chúng tôi không bao giờ nhận được của cô ta một tin gì đáng kể. Quả thật là cô ta có lỗi vì đã bị người Pháp xử tử. Đó là một cô gái ngốc nghếch, buôn chuyện quá nhiều…

Bà tự hào nói với ông rằng trong chiến tranh bà đã làm những việc không kém gì nam giới. Bà say mê nghề tình báo cũng như những người khác say mê leo núi hoặc đánh cờ vậy. Những người như bà thật là nguy hiểm.

Tuy nhiên ta cũng không nên hoàn toàn tin lời Kukridzh, ngay cả chuyện ông có gặp bà. Theo những nguồn tin khác, bà sống ở Muynich cho đến khi mất vào năm 1940 và là giáo sư một trường tổng hợp. Giới tuyên truyền của phát xít thích sử dụng cái tên “Bà Doctor”, nói đúng hơn, họ thích những chuyện huyền thoại về bà để thổi bùng lên tinh thần quốc gia Đức. Người ta cũng đã dựng một vài cuốn phim về cuộc đời là thật hoặc là ảo của bà.

error: Content is protected !!