Edvard S. Miller không phải là một tình báo hoặc một điệp viên xuất chúng. Thực ra, ông ta hoàn toàn không phải là một tình báo. Thế nhưng ông ta lại góp phần căn bản vào quá trình và kết quả chiến tranh trên biển trong những năm Đại chiến thế giới I.
Miller là một người thợ mộc trên tàu Anh. Nghề của ông bao giờ cũng được các thuỷ thủ đánh giá cao. Từ thời Trung cổ bọn cướp biển sau khi bắt được tàu buôn liền bắt thuỷ thủ đoàn đứng trên boong và ra lệnh: “Bác sĩ và thợ mộc, bước lên hai bước! Những tên còn lại ném xuống biển!”. Miller là một thợ mộc chuyên cần. Để tự mình xem xét phần chìm của con tàu khi cần sửa chữa, ông đã một lần yêu cầu thả ông xuống trong bộ quần áo lặn. Công việc ấy khiến ông thích thú đến nỗi ông quyết định phải nắm được nghề thợ lặn. Chẳng bao lâu ông trở thành một chuyên gia cao cấp. Năm 1914 ông được chỉ định làm giáo viên trường huấn luyện hàng hải Anh. Đại chiến I nổ ra, các nước Đồng minh tuyên bố bao vây nước Đức. Để trả đũa, Đức tuyên bố bao vây nước Anh. Các tàu ngầm Đức hoành hành trên biển, bắn chìm nhiều tàu buôn và tàu khách. Dư luận thế giới rất phẫn nộ khi ngày 7-6-1915 tàu ngầm Đức “U-20” đánh chìm con tàu xuyên Đại Tây Dương của Anh “Lusitania”, giết chết một ngàn một trăm chín mươi tám người, trong đó có một trăm mười lăm người Mỹ.
Để chống lại tàu ngầm người ta chế ra bom nước sâu. Tại những khu vực nguy hiểm người ta dùng tàu chiến hoặc tàu buôn đi hộ tống. Đã xuất hiện các loại “thợ săn biển”, tàu đánh cá vũ trang, các thiết bị thuỷ âm để theo dõi hoạt động tàu ngầm, các thuỷ phi cơ để phát hiện tàu ngầm địch ẩn náu dưới nước. Đã có những dự án độc đáo để phát hiện tàu ngầm và chống lại chúng. Một nhà động vật học Mỹ đề nghị huấn luyện sư tử biển để theo dõi tàu ngầm, một người khác thì đề nghị huấn luyện hải âu.
Trong tất cả các dự án đó người ta đã thông qua dự án “tàu mồi”. Nó giống như “tàu lừa” thời Trung thế kỷ. Khi đó các “nhà buôn” bình thường cũng giả danh chiến hạm, họ đặt trên boong những khẩu pháo bằng gỗ để dọa cướp biển. Bây giờ người ta làm ngược lại – những tàu buôn trông rất bình thường lại trang bị đại bác bắn nhanh và có thuỷ thủ đoàn là quân nhân tinh nhuệ. Nhìn thấy con tàu này, tàu ngầm Đức bắn lên một quả thuỷ lôi rồi nổi lên để dùng đại bác bắn hạ (thuỷ lôi cần được tiết kiệm). Trên tàu bắt đầu “hoảng loạn”, một phần ban chỉ huy xuống xuồng cứu hộ, một số người nhảy xuống biển. Để tấn công, tàu ngầm tiến đến gần. Các pháo thủ “tàu mồi” chỉ chờ có thế. Họ tức tốc tháo lớp nguỵ trang và nã xuống ròn rã. Tàu ngầm chìm nghỉm, bỏ lại những vệt dầu loang to lớn. Chúng tôi xin nói ngay rằng trong số 145 tàu bị người Anh đánh chìm thì có 11 chiếc bị tiêu diệt bằng “tàu mồi” từ tháng 7-1915 đến tháng 11-1918. Xin hãy chú ý đến những con số đó. Trước tháng 7-1915 thành tích của người Anh rất hạn chế. Vấn đề là ở chỗ tàu ngầm Đức thường đột ngột xuất hiện ở những chỗ bất ngờ nhất, chúng hoàn thành nhiệm vụ rồi lại thần tốc biến đi để rồi xuất hiện ở một chỗ khác.
Tháng 6-1915, tại bờ biển lãnh địa Kent có một chiếc tàu ngầm Đức bị chìm. Người ta tìm được nhờ một quả phao tiêu. Một thợ lặn được đưa xuống. Anh ta phải xác định trạng thái và nghiên cứu cấu trúc bên trong, và điều quan trọng là phải làm quen với các thiết bị kỹ thuật. Trước đó chưa có một thợ lặn nào của Anh có điều kiện làm. Người thực hiện là Edvard S. Miller.
Suốt mấy ngày ông phải học một lớp của kỹ sư tàu ngầm, nghiên cứu các nguyên tắc cấu tạo, bố trí các khoang và các thiết bị khác. Ông được giải thích rằng chính ông phải tìm hiểu những nguy hiểm và khó khăn gặp phải.
Ngày xuống nước đã đến. Thời tiết lý tưởng. Khi Miller xuống tới đáy ông không thấy một tàu ngầm nào cả. Ông dùng đèn soi vào lớp bùn và đi tiếp. Đằng trước có một vật gì to lớn như một tảng đá. Khi tới gần ông thấy vỏ một con tàu có lẽ đã chìm đến một thế kỷ trước… Ngày hôm đó không tìm thấy tàu ngầm. Mãi đến ngày thứ ba Miller mới tìm thấy, nhưng ông chỉ xem được bên ngoài vì thời gian không cho phép. Tuy nhiên ông đã thấy một chỗ vỡ có thể chui vào được.
Đến ngày thứ tư thời tiết xấu. Khi ông xem xét chỗ vỡ ông thấy không ổn vì mép vỡ rất sắc có thể làm thủng đường ống dẫn khí thở. Nhưng vì thời tiết được dự báo là xấu đi, có bão biển kéo dài mấy ngày, nên phải làm vội. Miller quyết định mạo hiểm. Ông thận trọng chui vào, đi suốt chiều dài, cố gắng không nhìn vào những xác chết vì khi động nước thì quần áo, chân tay, tóc tai họ động đậy.
Trong buồng lái ông tìm thấy một hộp kim loại. Ông biết rằng đó là chiến lợi phẩm chính. Ông muốn mang ngay lên bờ. Ra khỏi tàu ông buộc chiếc hộp vào dây rồi đánh tín hiệu kéo lên. Ông báo cáo những gì nhìn thấy, nhưng bị buộc phải viết thành văn bản. Trong lúc đó người ta hết sức thận trọng mở cái hộp sắt. Trong đó có những thứ quý như bản đồ các bãi mìn của Đức, hai bản mật mã mới của hải quân Đức và một bản mật mã quý nhất chỉ được dùng để liên lạc với Đại hạm đội. Đại diện của Bộ tư lệnh Hải quân thận trọng cất vào cặp. “Những thứ này cần phải gửi ngay về London, – ông ra lệnh cho chỉ huy tàu lặn – Thả phao tiêu đánh dấu! Chạy ngay, hết tốc lực!”.
Các bộ mật mã được đưa ngay đến “Phòng 40 O.B.” nổi tiếng của Bộ tư lệnh Hải quân Anh, nơi lưu giữ các bộ mật mã Anh và giải các mã của quân địch.
Bây giờ ông đã nằm trong biên chế của tình báo hải quân Anh. Đã thành lập một đơn vị đặc nhiệm chuyên đưa Miller và các thiết bị lặn đến những chỗ nào có tàu ngầm Đức bị chìm. Chẳng bao lâu ông thông thạo tàu ngầm Đức hơn bất cứ một chuyên gia nào. Mặc dù Bộ Hải quân Đức luôn luôn thay đổi mật mã, nhưng quân Anh vẫn biết. Những mật mã này là vũ khí sắc bén trong tay quân Đồng minh. Các bức mật điện của Đức bị tóm và bị giải mã. Tàu của chúng cứ đi vào chỗ chết tại những điểm chúng đã sẵn sàng chờ tàu của quân Đồng minh. Tất cả chỉ nhờ một người thợ lặn vốn là một anh thợ mộc.