Phán quan của toà án vùng Keiptaun George Munnik lần đầu tiên sau nhiều năm công tác gặp phải một vụ án như vậy. Khi ông tuyên đọc: “Bây giờ toà sẽ xem xét các vật chứng”, – thì lẽ ra ông phải cầm chúng trong tay, tự mình nhìn, đưa ra cho mọi người và các vị bồi thẩm xem, đằng này ông lại phải nói thêm:
– Xin mời các quý vị xem!
Lúc đó một số thanh niên trai tráng ngồi ở mấy ghế dưới mới cầm lên những quyển mật mã và các cuộn phim thu nhỏ và từ xa giới thiệu với quan toà và những người khác. Ông Munnik không hề bực bội vì sự không tin tưởng đó, vả lại bằng khoé mắt ông cũng đã nhận thấy bị can hơi nhếch miệng cười, đó là một người đàn ông đĩnh đạc, cao đến hai mét, bốn mươi bảy tuổi, ngồi sau chấn song, cạnh một người phụ nữ nhỏ bé, mảnh mai, duyên dáng. Đây là một vụ án bí mật, không tiền khoáng hậu, chứa đựng những bí mật quốc gia trọng đại nhất, được xử không công khai, tham dự toàn là những người được tin cậy đặc biệt. Trong phòng xử, xung quanh ông là các đơn vị cảnh sát, được tăng cường bằng quân đội, sẵn sàng bất kỳ phút nào cũng có thể tóm ngay “bàn tay Moscva”, nếu bàn tay ấy xía vào đây hòng cứu thoát các điệp viên của mình.
Nhưng không có gì đặc biệt xảy ra cả. Toà án bắt đầu từ tháng 8 năm 1983 và kết thúc ngày 31 tháng 12, sau bốn tháng rưỡi xét xử. Trong số 124 nhân chứng bị thẩm vấn không có người nào đưa ra được bằng chứng về tội gián điệp của các bị can. Nhưng những bằng chứng đó đã có từ trước: ngoài những cuốn sách mật mã, những cuốn phim thu nhỏ, băng cassette, những máy móc gián điệp cỡ lớn xếp đầy một phòng trong toà. Thêm vào đó các bị can – một cặp vợ chồng – đã không phủ nhận những lời buộc tội rằng họ làm gián điệp cho Liên Xô. Trong lời cuối cùng, bị can chỉ xin một điều: khoan hồng cho vợ ông vì bà chỉ là người thực hiện mù quáng ý chí của ông và chỉ làm nhiệm vụ thư ký và đưa thư mà thôi. Theo pháp luật của Nam Phi thì tội phản quốc bị xử rất nặng, thậm chí tử hình. Ngày 31-12-1983 toà tuyên án…
… Mọi việc bắt đầu năm 1962, khi Gerhardt còn công tác ở London, tại đó ông đã đến Đại sứ quán Liên Xô và yêu cầu được gặp tuỳ viên quân sự. Từ đó ông được đưa vào danh sách điệp viên với biệt danh “Felics”. Có một điều đơn giản là cuộc sống phẳng lặng không thoả mãn được tính lãng mạn của ông, lòng mong mỏi muốn bộc lộ mình và lòng căm thù chế độ apacthai đã đưa ông tới chỗ hợp tác với tình báo Xô Viết.
Vào ngày Noel đẹp trời năm 1968 tại thị trấn Thụy Sĩ Kloster ông làm quen với Ruth Johr – cô con gái 27 tuổi của một công nhân hãng dược liệu, người trình diễn các mốt mũ và là thư ký của một luật sư nổi tiếng Thụy Sĩ. Trong khi đi nghỉ những người trẻ tuổi thường làm quen với nhau rất nhanh. Dieter Gerhardt, sĩ quan hải quân của Nam Phi, lúc này là điệp viên Xô Viết, đã say mê nàng ngay từ ánh mắt đầu tiên và yêu cho đến cuối đời. Tháng 9-1969 ở Keiptaun họ cưới nhau (bà là vợ thứ hai của ông). Vì Dieter Gerhardt là sĩ quan, nên theo luật pháp Nam Phi, người vợ không thể là người nước ngoài. Ruth là người Thụy Sĩ, bà đã nhập quốc tịch Nam Phi.
Là một phụ nữ vui vẻ, phóng khoáng, xinh đẹp, chẳng bao lâu sau Ruth đã nổi trội trong giới các phu nhân sĩ quan. Thậm chí họ còn bầu chọn bà là đại diện cho câu lạc bộ của họ. Bà biết các thứ tiếng Đức, Pháp, Anh và Italia, Ruth lại học thêm được tiếng Afrikanas và bà đã tổ chức các lớp dạy ngoại ngữ cho các bà vợ sĩ quan. Ngôi nhà của Dieter Gerhardt lúc nào cũng đầy khách, ở đây họ thấy mình được hoàn toàn tự do và cởi mở, dân thuỷ thủ uống rượu và nói mọi chuyện. Mặc dù những điều bí mật cứ tự nhiên rót vào tai Ruth, nhưng Dieter không sử dụng bà ngay lập tức: phải tới một năm rưỡi hoặc hai năm sau ông mới lôi kéo bà vào cuộc. Ông vẫn thu thập những tin tức mà ông biết thông qua cương vị công tác của mình. Ông còn là liên thuyền trưởng và là trưởng sĩ quan của căn cứ hải quân lớn nhất Nam bán cầu Saymonstaun. Dưới trướng của ông có hai ngàn bảy trăm người, ông phụ trách toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, việc xây dựng và khả năng tác chiến của Hải quân Nam Phi. Năm 1983 ông được phong hàm chuẩn tướng. Khi đã hoàn toàn tin tưởng vào lòng trung thực và trung thành của vợ, Dieter Gerhardt mới nhẹ nhàng cho vợ biết rằng ông làm việc cho tình báo Xô Viết. Ông lo lắng chờ đợi phản ứng của vợ. Cuối cùng bà nói:
– Em sẽ làm tất cả những gì anh làm.
Tổng thống Nam Phi Peter Bota, một người phân biệt chủng tộc và căm thù Liên Xô, nhưng trong cuộc sống lại là người dễ chịu và độ lượng. Ông quen với bố của Dieter Gerhardt và che chở cho ông. Vì thế (và cũng vì trình độ chuyên môn cao) nên Dieter rất thích ông ta với tư cách là một nhà chuyên môn khi thảo luận trong phạm vi hẹp những vấn đề quân sự đặc biệt quan trọng. Những cuộc thảo luận như vậy thường kết thúc bằng một bữa cơm thân mật do bà vợ tổng thống chuẩn bị. Một hôm bà Ruth cũng được mời tới dự. Hai bà vợ rất thích nhau, từ đó hai gia đình chơi với nhau, mặc dù có sự cách biệt về xã hội.
Bạn thân của Dieter Gerhardt là Tư lệnh Hạm đội Hải quân Nam Phi Birmann, ấy là chưa kể đến những sĩ quan cao cấp khác nữa. Tất nhiên, họ không chỉ bàn đến những chuyện thể thao và đua ngựa. Trong nhóm này có Dieter, trong nhóm khác có Ruth. Bà chăm chú nghe các câu chuyện, đôi khi còn lái câu chuyện vào chủ đề cần thiết. Tuy nhiên, nguồn thu thập thông tin của vợ chồng ông không phải chỉ là những thông tin hải quân hoặc những phát ngôn của các nhân vật cao cấp. Vấn đề là ở chỗ Dieter Gerhardt được bước chân vào những nơi tuyệt mật không những đối với Nam Phi, mà còn đối với toàn bộ cánh phía Nam của NATO (mặc dù đường lối chính thức của quốc tế là tẩy chay Nam Phi, nhưng các nhà quân sự của NATO vẫn duy trì tiếp xúc với Nam Phi). Đó là căn cứ tuyệt mật Silvermayn, một kỳ quan về điện tử, được “tổ hợp” bằng mọi thiết bị hiện đại nhất để theo dõi tàu thuỷ và máy bay ở vùng Nam Đại Tây Dương và ấn Độ Dương. Dieter được biết không những các thiết bị và phương pháp hoạt động của căn cứ, ông còn được biết tất cả mọi điều về sự hoạt động và sự di chuyển của các tàu nổi và tàu ngầm của Liên Xô ở Nam bán cầu. Nhưng một thông tin bất kỳ, dù có giá trị nhất đi nữa, cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu không được truyền đi kịp thời đến đúng địa chỉ. Bây giờ đến lượt bà Ruth vào cuộc.
Dieter và Ruth có biệt danh là Felics và Lina. Mọi tin tức thu được Lina chuyển cho các liên lạc viên. Những người này được thay đổi luôn, nhưng họ đều mang tên là Bob. Họ không những là các nhà chuyên môn có trình độ, mà còn là những con người duyên dáng khiến bà hết sức kính trọng và yêu mến, đồng thời yêu luôn cả nghề tình báo mà họ đại diện. Không phải ngẫu nhiên, sau bao nhiêu gian khổ và điều trị Ruth mới sinh được một cậu con trai, hai vợ chồng đặt tên là Gregori để tưởng nhớ thần tượng của mình ở Moscva là Gregori, mà họ đã quen ông trên đường tới thủ đô Xô Viết. Lina tới các cuộc gặp mặt với các liên lạc viên mỗi năm mấy lần, chủ yếu là với lý do thăm thân. đây là những cuộc thăm viếng trên quê hương bà ở Thụy Sĩ, ở Madagaskar kỳ thú và ở các nước khác nữa.
Những thiết bị mà sau này người ta đem trưng bày trong toà án là do các điệp viên mang đến theo nhiều đường phức tạp khác nhau. Họ nhận các nhiệm vụ và chỉ thị không những trong các cuộc gặp gỡ giữa Lina với các liên lạc viên, mà còn nhờ máy radio bình thường thu sóng cực ngắn. Trong máy có gắn một thiết bị ghi đặc biệt chạy mấy tốc độ. Đến giờ quy định Lina mở máy, trên sóng vang lên mật khẩu, sau đó mấy giây có tiếng rít. Sau khi ghi xong, Lina để máy ở tốc độ không lớn – bây giờ những tiếng rít vô nghĩa đã biến thành những tiếng tạch tè rõ nét, mà một nhân viên điện đài mới vào nghề cũng hiểu được. Ghi lại xong, bà lấy ra cuốn sách mật mã. Nhờ hoá chất một văn bản hiện ra. Bây giờ bà giải mã. Chỉ thị của Trung Tâm bao giờ cũng ngắn gọn và rõ ràng. Đôi khi còn có lời cám ơn vì một thông báo giá trị. Các đồng chí ở Trung Tâm không quên chúc mừng ngày sinh nhật và các ngày lễ.
Trước năm mới 1983 Dieter đi Mỹ dự một lớp học ngắn ngày về quản lý và kinh doanh tại thành phố nhỏ Sirakuzy gần New York. Một người bạn cùng lớp tên là Dzhimmi mời ông đi nghỉ cuối tuần ở New York. Tại khách sạn ở đây ông bị bắt. Suốt 11 ngày liền ông bị tra hỏi dồn dập kèm theo những lời đe dọa, những tác động tâm lý. Đầu tiên ông cho rằng chúng không đủ bằng chứng, mà chỉ vì ông có những sơ suất nhỏ, nhưng sau đó ông được biết rằng CIA đã biết rõ nội dung hồ sơ Moscva của ông. Ông không biết rằng ông bị khai ra bởi một tên tình báo Xô Viết phản động tên là Poliacov, sau này hắn đã bị trừng trị thích đáng. Nhưng chính sự rò rỉ tin tức lại xảy ra từ chính cơ quan mà ông kính trọng dẫn ông đến chỗ thất bại, điều này đã làm ông nản chí. Hơn thế nữa, những lời đường mật cũng không thể không có ảnh hưởng: hợp tác với ban điều tra thì sẽ được giảm tội, rồi lại có những lời đe dọa: trừng trị thẳng tay không những đối với ông, mà còn đối với cả vợ và con trai nữa. Dieter đã không chịu đựng nổi. Ông khai ra hoạt động của mình, thậm chí khai cả tên người liên lạc là Nicolaev mà ông phải gặp trên đường từ Mỹ trở về Duyrich. Nicolaev cũng bị bắt. Bọn chúng đến lục soát nhà bà mẹ của Ruth, chúng phát hiện và tịch thu những cuốn phim thu nhỏ và những hộ chiếu giả. Ruth cũng bị bắt. Trước phiên toà diễn ra vào tháng tám Ruth chỉ nhìn thấy chồng có một lần, khi cả hai người được dẫn từ nhà tù về nhà để họ chứng kiến buổi khám nhà. Chúng tìm thấy máy truyền tin, nhưng chẳng có ích gì vì hai người không sử dụng
Ngày 26-1-1983, tổng thống Nam Phi Peter Bota trong một cuộc họp ở Keiptaun đã buồn rầu tuyên bố về việc bắt giữ viên sĩ quan hải quân Nam Phi Dieter vì tội gián điệp. Ông không nhắc đến chuyện Dieter là một người quen thân của mình. Bắt đầu một cuộc điều tra kéo dài. Trong một tư liệu có nói: “Những thiệt hại mà Dieter Gerhardt gây ra có liên quan đến NATO, các lực lượng hải quân Anh, các hệ thống tên lửa Pháp “Ekzoset”, ấy là chưa nói đến cấu trúc căn cứ hải quân ở Saymonstaun”. Tất nhiên, báo chí đã phẫn nộ viết rằng đối với Dieter Gerhardt thì Nam Phi chẳng có gì là bí mật cả, rằng mới một tháng trước khi bị bắt ông đã có cuộc gặp mặt bí mật với bộ trưởng quốc phòng Tây Đức Manfred Verner. Tờ báo “Sandi star” ở Johannesburg viết: “Những thông tin mà Dieter Gerhardt chuyển cho những người Xô Viết là một trong những đòn chí tử đánh vào phương Tây kể từ ngày bắt đầu “chiến tranh lạnh”. Hàng loạt bí mật quân sự và chiến lược quan trọng nhất của Nam Phi, Anh và NATO đã được phanh phui. Đối với người Nga Dieter Gerhardt là một điệp viên có giá trị nhất sau Kim Philby”.
… Quan toà George Munnik đằng hắng một tiếng, uống một hớp nước, kết thúc bản kết án và nói:
– Trên cơ sở những điều đã tuyên đọc Dieter Gerhardt bị kết tội tù chung thân, còn Ruth Gerhardt bị mười năm tù.
Trong phòng im lặng, chỉ có tiếng của Ruth vang lên:
– Con nhỏ đáng thương của tôi! Tôi biết làm gì đây với Gregori?
Ruth đã được tha sớm trước thời hạn và trở về quê hương Thụy Sĩ. Năm 1992, sau khi trên tờ “Tin tức” công bố bài báo của B. Piliatskin “Felics và Lina”, tổng thống Nga B.N. Eltsin mới yêu cầu tổng thống Nam Phi ân xá cho Dieter Gerhardt. Yêu cầu đó được thoả mãn và ngày 27-8-1992 Dieter Gerhardt được trả tự do.